Tác giả: Nghê Nguyệt Cúc | Biên dịch: Vũ Tú Nam
Theo các báo cáo truyền thông, ông Peter Tolstoy, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, mới đây đã tiết lộ rằng Nga đã rút khỏi Ủy ban châu Âu và bước tiếp theo sẽ là rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì tổ chức này đang phớt lờ các nghĩa vụ của mình đối với Nga. Trước đó, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ hủy bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc dành cho Nga.
Nga gia nhập WTO năm 2012. Sau 19 năm đàm phán gian khổ, Nga hiện muốn rút khỏi WTO, một mặt là “đòn phản công tự vệ” chống lại “nỗ lực không ngừng” của các nước phương Tây nhằm kiểm soát Nga, mặt khác là do thất vọng với cơ chế của WTO. Kể từ sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Mỹ và các đồng minh liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm hủy bỏ quy chế tối huệ quốc và đình chỉ tư cách thành viên WTO.
Mặc dù hành động của Hoa Kỳ và phương Tây vi phạm các quy định của WTO, nhưng Nga, một thành viên của WTO, không những không có cách nào để kiện tụng mà còn có thể bị các nước phương Tây trừng phạt và đàn áp vì tư cách thành viên của mình. Vì vậy, đối với Nga, nếu đã không thể thay đổi tình thế bị động, bị đánh trong hệ thống này, không bằng dĩ công vi thủ (dùng tấn công làm phòng ngự), dĩ thoái vi tiến (dùng rút lui để tiến lên) để đánh một trận phản công tự vệ. Hơn nữa, Nga tin rằng WTO hiện tại đã đi chệch hướng so với ý định ban đầu của họ, và Hoa Kỳ đang cố gắng sử dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để biến WTO thành một “tổ chức thương mại giá trị quan”. Nếu thành công, Hoa Kỳ, với tư cách là người thực hiện tiêu chuẩn của “các giá trị dân chủ phương Tây”, về mặt logic, sẽ độc quyền phát biểu và xây dựng các quy tắc của WTO. Nga tin rằng, thay vì bị loại khỏi hệ thống, tốt hơn là nên từ bỏ nó càng sớm càng tốt và tìm một lối thoát khác.
Nếu nộp đơn xin rút khỏi WTO, Nga sẽ trở thành thành viên đầu tiên tự nguyện xin rút khỏi tổ chức này. Một số người cho rằng cách làm của Nga là “có động cơ” và “chủ động tách biệt” khỏi thế giới, và nền kinh tế Nga sẽ phải trả một “giá đắt” cho điều này. Tuy nhiên, tác giả cho rằng việc rút khỏi WTO sẽ có tác động hạn chế đến Nga.
Thứ nhất, Nga muốn giành được nhiều thế chủ động hơn bằng cách rút khỏi WTO. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga vượt xa sức tưởng tượng. Theo quy định của WTO, tất cả các thành viên dành cho nhau quy chế đối xử tối huệ quốc, được gọi là “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn”, theo đó hàng hóa có thể lưu thông giữa các nước với mức thuế thấp hơn. Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác coi thường nguyên tắc đối xử thương mại không phân biệt giữa các thành viên WTO, đồng thời áp đặt đối xử khác biệt và áp thuế nặng lên Nga. Đối với Nga, một WTO đã mất chức năng trọng tài công bằng và “đối xử tối huệ quốc” như vậy không còn ý nghĩa gì. Để “đảm bảo sự ổn định của thị trường Nga”, Chính phủ Nga đã xác định danh sách các mặt hàng bị cấm xuất khẩu trước khi kết thúc năm 2022. Nếu Nga tiếp tục duy trì tư cách thành viên WTO, thì việc tự ý hạn chế xuất khẩu có thể tạo cớ cho các biện pháp trừng phạt tiếp theo của các nước phương Tây. Sau khi rút khỏi WTO, các quy tắc hiện hành của tổ chức này sẽ không thể hạn chế Nga nữa, và ngũ cốc, khí đốt tự nhiên và khoáng sản của nước này có thể được định giá một cách độc lập.
Thứ hai, thuế quan cao có tác động hạn chế đến xuất khẩu của Nga. Việc rút khỏi WTO đồng nghĩa với việc Nga sẽ mất chế độ đối xử tối huệ quốc với tất cả các thành viên WTO và có thể phải đối mặt với việc thuế quan tăng mạnh. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu chính của Nga, chẳng hạn như nhiên liệu hóa thạch, kim loại quý, quặng, thép, v.v., thường là mặt hàng thiết yếu đối với các nước nhập khẩu, và mức thuế tăng lên cuối cùng có thể do các nhà sản xuất và người tiêu dùng của các nước nhập khẩu chi trả. Ví dụ, đối với EU, một khi Nga rút khỏi WTO, cho dù EU tăng thuế quan hay Nga tăng giá xuất khẩu khí đốt tự nhiên và ngũ cốc, thì các nước châu Âu vẫn có khả năng bị thiệt hại nặng hơn và khiến lạm phát càng tăng lên.
Thứ ba, Nga có thể tránh nguy cơ bị áp thuế cao bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương với các nước đang phát triển. Hiện tại, trong WTO, chủ yếu là các nước phát triển phương Tây hủy bỏ đối xử tối huệ quốc với Nga, còn hầu hết các nước đang phát triển không tham gia vào lệnh trừng phạt đối với Nga. Ví dụ, Ấn Độ và Brazil luôn từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, và vẫn dành quy chế đối xử tối huệ quốc đối cho nhiều hàng hóa của Nga, tích cực đầu tư vào Nga. Vì vậy, sau khi rút khỏi WTO, Nga có thể tiếp tục tăng cường hợp tác với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối BRICS, Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) và các nước khác để giảm thiểu thiệt hại. Hiện tại, Nga vẫn đang trong giai đoạn đánh giá xem có nên rút khỏi WTO hay không. Theo quy định, ngay cả khi cuối cùng Nga chính thức nộp đơn lên WTO, thì thời gian từ khi nộp đơn đến khi được phê duyệt vẫn mất khoảng 6 tháng. Liệu Nga có thể thay đổi đường lối trong giai đoạn cuối? Hiện tại, rất khó để xác định. Tuy nhiên, kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, Moscow ngày càng nhận ra rằng mâu thuẫn với Mỹ và phương Tây là không thể hòa giải. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã đề xuất một ý tưởng lớn, đó là thiết lập bộ ba (Troika) Nga-Ấn-Trung (RIC). Liệu ý tưởng này có thể làm rung chuyển “thương mại giá trị quan” giữa Mỹ và phương Tây, và khiến họ nhượng bộ hay không, điều này vẫn còn phải chờ xem.
Nếu Nga cuối cùng rút khỏi WTO thì chắc chắn điều này sẽ làm suy yếu tiếng nói của các nền kinh tế thị trường mới nổi trong hệ thống thương mại đa phương. Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang sử dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để cố gắng cưỡng chế WTO và ép buộc thương mại dựa trên giá trị quan, Trung Quốc – với tư cách là một thành viên quan trọng của WTO, không được để cơ chế đa phương của WTO trở thành “WTO của Hoa Kỳ”. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần đoàn kết hơn nữa với các nước đang phát triển trong WTO và các tổ chức khác, thúc đẩy sự phát triển của quyền đại diện và tiếng nói của các nước đang phát triển trong các vấn đề toàn cầu, và cố gắng đóng vai trò lớn hơn trong việc cải cách hệ thống thương mại đa phương quốc tế.
Nghê Nguyệt Cúc là nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, và là nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Quốc gia NIIS.
Vũ Tú Nam biên dịch từ nguồn tiếng Trung trên Thời báo Hoàn cầu 倪月菊:俄若退出WTO,会有哪些后续动作?, 2022-05-20.