Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ không viện trợ tên lửa tầm xa có thể vươn tới Nga cho Ukraine, trong bối cảnh nước này chuẩn bị gửi gói viện trợ quân sự mới. Trước đó giới chức Ukraine liên tục hối thúc các nước phương Tây viện trợ cho họ các hệ thống tầm xa có thể bắn xa hàng trăm dặm. Trong khi đó, bộ quốc phòng Anh nói Nga đã chịu tổn thất nghiêm trọng về binh sĩ ở các cấp thấp và cấp trung, qua đó làm suy yếu lực lượng của nước này trong tương lai. Bộ trích dẫn “nhiều báo cáo đáng tin cậy về các vụ bất tuân cục bộ trong quân đội,” cùng với sự thiếu kinh nghiệm của các chỉ huy Nga, có thể làm suy giảm tinh thần và kỷ luật quân đội.
Lạm phát năm của Đức lên mức 7,9% trong tháng 5, cao nhất gần nửa thế kỷ qua. Cơ quan thống kê của Đức nói nguyên nhân là do chiến tranh Ukraine làm giá lương thực và năng lượng tăng, lần lượt là 11,1% và 38,3%, kể từ tháng 5 năm 2021. Lạm phát theo năm của Tây Ban Nha cũng tăng trong tháng 5 lên 8,7%, từ mức 8,3 % của tháng 4.
Có thêm hai nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh kêu gọi thủ tướng Boris Johnson từ chức vì vụ bê bối Partygate. Jeremy Wright, một cựu bộ trưởng tư pháp, cho biết vụ việc đã gây “thiệt hại lâu dài” cho đảng Bảo thủ cầm quyền; còn Elliot Colburn nói ông cảm thấy “kinh hoàng” trước hành vi ở Phố Downing. Tổng cộng đã có 26 nghị sĩ Đảng Bảo thủ đã yêu cầu ông Johnson từ chức, trong khi ngưỡng cần thiết để kích hoạt bầu cử lại lãnh đạo đảng là 54.
Hơn 100 người đã chết hoặc mất tích trong các trận lở đất và lũ lụt lớn do mưa lớn tại bang Pernambuco ở đông bắc Brazil. Quy hoạch đô thị kém ở các khu dân cư thu nhập thấp càng làm cho vấn đề thêm nghiêm trọng. Gần 1.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa trong khi chính phủ triển khai quân đội để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cảnh báo khối đoàn kết của EU xoay quanh các biện pháp trừng phạt Nga đang bắt đầu “sụp đổ” trước thềm cuộc họp của các lãnh đạo khối vào thứ Hai. Hôm thứ Bảy, Hungary đã buộc Ủy ban châu Âu phải đề xuất hoãn hạn chế nhập khẩu dầu Nga qua một đường ống dẫn quan trọng. Trong khi đó, Serbia, một nước ngoài EU cho tới nay luôn từ chối lên án cuộc xâm lược, tuyên bố đạt được một thỏa thuận cung cấp khí đốt “cực kỳ ưu đãi” với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov bác bỏ tin đồn tổng thống Vladimir Putin bị ốm. Có nhiều đồn đoán cho rằng ông Putin đang mắc một căn bệnh không được tiết lộ, có thể là ung thư. Nhưng Lavrov nói ông Putin vẫn thường xuất hiện trước công chúng, và rằng “không người bình thường nào” có thể tìm thấy dấu hiệu bệnh tật ở tổng thống.
Colombia đã hoàn tất vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống. Về nhất là Gustavo Petro, một cựu du kích đang nuôi hy vọng trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên của đất nước. Vào ngày 19 tháng 6, ông Petro sẽ đối mặt với Rodolfo Hernández, một cựu thị trưởng theo chủ nghĩa dân túy. Federico “Fico” Gutiérrez, nhân vật đại diện cho liên minh các đảng cánh hữu, đã bị loại.
Con số trong ngày: 21%, là tỷ lệ phát thải của thế giới được cân đối bởi một số hình thức định giá carbon tại thời điểm cuối năm 2021.
TIÊU ĐIỂM
Nga đẩy mạnh tấn công Kharkiv
Dina Kirsanova, nhân viên tại một ki-ốt bán sữa ở phía bắc Kharkiv, đã nhìn thấy ít nhất 15 tên lửa xẻ ngang bầu trời. Cô cho biết phòng không đã chặn được hầu hết, nhưng những quả lọt qua đã giết chết ít nhất 9 người. “Còn hơn cả tàn nhẫn. Không có vị trí quân sự nào ở đây. Chỉ có người dân bình thường, những người chỉ muốn được sống.”
Thành phố lớn thứ hai của Ukraine đang bị tấn công dữ dội khi Nga chuyển mũi nhọn về phía đông và phía bắc nước này. Song chỉ mới có hơn một nửa trong dân số 1,5 triệu người của thành phố đã rời đi, theo thống đốc Oleh Synyehubov. Những người còn lại rất dễ bị tấn công bởi máy bay phản lực, tên lửa hay pháo binh Nga. Một số người quay lại lấy tài sản, để rồi phải một lần nữa rời đi. Ông Synyehubov lo ngại chiến sự ở Kharkiv sẽ kéo dài. “Chúng tôi hiểu đây không phải câu chuyện một tháng; chúng tôi sẽ phải sống trong thực tế mới này.”
Kinh tế Ấn Độ hạ nhiệt
Sau đợt phục hồi hậu covid trong năm 2021, kinh tế Ấn Độ đang chậm lại. Dữ liệu của quý đầu năm 2022, được công bố vào thứ Ba, nhiều khả năng sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm chỉ đạt 4%. Đây là con số chậm nhất trong một năm qua, và phản ánh tác động của omicron cũng như vấn nạn lạm phát.
Sau quý đó triển vọng cũng không được cải thiện thêm. Giá cả hàng hóa tăng cao trong khi chuỗi cung ứng bị siết chặt vì cuộc chiến ở Ukraine. Để kiềm chế giá cả, vào đầu tháng này ngân hàng trung ương đã bất ngờ tăng lãi suất, đi ngược lại hoàn toàn quan điểm nới lỏng của hai năm trước đó. Lãi suất sẽ còn tăng hơn nữa, dù điều đó làm giảm tiêu dùng, vốn là động cơ tăng trưởng truyền thống của Ấn Độ. Nông nghiệp, ngành sử dụng nhiều lao động nhất của Ấn Độ, từng được kỳ vọng sẽ lợi dụng được tình trạng thiếu nguồn cung toàn cầu do chiến tranh. Nhưng rồi thời tiết nắng nóng làm giảm năng suất.
Dù sao vẫn còn có tin tốt. Dự báo cho thấy nền kinh tế sẽ tăng trưởng 8% trong năm tài chính 2021-22, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn đang phát triển tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Đảng Cộng hoà bất hợp tác với cuộc điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol
Các Hạ nghị sĩ Dân chủ của Mỹ đã tiến hành điều tra vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021 suốt gần một năm qua. Trong tháng này, họ đã ra trát hầu tòa cho năm nghị sĩ đảng Cộng hòa, những người được yêu cầu làm chứng về các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử 2020 của mình. Không ai tuân thủ. Kevin McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện, nhiều khả năng sẽ không đến điều trần vào thứ Ba.
Ủy ban Hạ viện không có cách dễ dàng nào để thực thi trát đòi hầu tòa. Nhưng họ đã thu thập được nhiều tài liệu từ hơn 1.000 cuộc phỏng vấn được các thành viên uỷ ban thực hiện, bao gồm với cả các cựu thành viên của chính quyền Trump. Giờ đây nhiệm vụ của họ là trình bày, trong các phiên điều trần công khai bắt đầu từ tháng 6, một bản tường thuật mạch lạc về các sự kiện dẫn đến bạo loạn. Ngay sau đó là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, khi đảng Dân chủ khả năng cao mất quyền kiểm soát Hạ viện — tức mất luôn cơ hội điều tra vụ 6/1/2021.
Phố Wall đảo ngược tình hình
Sau bảy tuần giảm điểm, chứng khoán Mỹ dường như sắp sửa chạm vào thị trường giá xuống. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong những ngày gần đây. Các chỉ số chính đều đóng cửa với mức giá tăng cao trong ngày thứ Sáu. Với đà này, tại thời điểm kết phiên vào thứ Ba, S&P 500 sẽ hoàn toàn lấy lại được những gì đã mất trong tháng 5. Vì sao có sự thay đổi 180 độ như vậy?
Trong phần lớn thời gian của năm, lợi suất trái phiếu tăng chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Các nhà đầu tư lo ngại lãi suất cao sẽ làm giảm lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận của các công ty công nghệ có định giá cổ phiếu cao. Ngay cả khi lợi suất giảm, những lo ngại về cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát và sức khỏe kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đè nặng lên thị trường chứng khoán. Nhưng có lẽ những lo ngại đó đã nằm trong dự tính của thị trường. Và nhà đầu tư có thể đã yên tâm bởi thực tế là hơn 75% trong số 488 công ty S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý một tốt hơn kỳ vọng. Phố Wall đã tránh được một thị trường giá xuống trong gang tấc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.