Thế giới hôm nay: 03/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga cáo buộc Mỹ “cố tình đổ thêm dầu vào lửa” khi hứa viện trợ tên lửa dẫn đường chính xác cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự 700 triệu USD mới đây. Điện Kremlin nói động thái này khiến Ukraine không còn sẵn sàng đàm phán hòa bình. Trước đó vào hôm thứ Tư, Đức cũng cam kết gửi một hệ thống phòng không tiên tiến của mình tới Ukraine. Trong khi đó trên thực địa, quân Nga đã kiểm soát khoảng 70% thành phố công nghiệp Severodonetsk ở miền đông Ukraine, theo thống đốc khu vực. Ở một diễn biến khác, tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố khoảng 200.000 trẻ em Ukraine đã bị cưỡng bức đưa vào lãnh thổ Nga kể từ đầu cuộc chiến.

Tổng thống Joe Biden dự kiến ​​sẽ kêu gọi luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn trong bài phát biểu của ông vào tối thứ Năm. Đây là phản ứng của ông sau ba vụ xả súng hàng loạt chỉ trong vòng 18 ngày — ở Buffalo, New York; Uvalde, Texas; và Tulsa, Oklahoma – khiến 35 người thiệt mạng. Hiện một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đang tìm cách tiến đến một thỏa thuận kiểm soát súng, song việc hầu hết các đảng viên Cộng hòa phản đối đồng nghĩa khó có thể có đột phá nào.

Sheryl Sandberg, giám đốc vận hành của Meta, công ty mẹ của Facebook, tuyên bố từ chức sau 14 năm tại nhiệm. Bà Sandberg từng là cấp phó của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Meta, và đã giúp biến nền tảng truyền thông xã hội này thành một siêu cường quảng cáo, đồng thời định hướng hình ảnh công chúng của công ty. Giám đốc tăng trưởng Javier Olivan sẽ lên thay. Bà Sandberg tiếp tục tham gia hội đồng quản trị của Meta.

Đa số người Đan Mạch đã chọn hợp tác quốc phòng với Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua. Kết quả sơ bộ cho thấy khoảng 2/3 cử tri muốn Đan Mạch bỏ chính sách không hợp tác quốc phòng với EU. Cách đây 30 năm Đan Mạch đã chọn không tham gia, nhưng rồi việc Nga xâm lược Ukraine đã thay đổi cách các nước châu Âu xây dựng chính sách an ninh của mình.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kết thúc chuyến đi đầy tham vọng qua 8 đảo quốc Thái Bình Dương — dù không đạt được thỏa thuận an ninh toàn diện mà ông đã tìm kiếm. Samoa đã bày tỏ muốn mười quốc gia liên quan nên thảo luận riêng với nhau. Song ông Vương không lùi bước, mà thay vào đó ký các thỏa thuận nhỏ hơn, báo hiệu sự quan tâm ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực. Một hiệp định giữa họ với Quần đảo Solomon hồi tháng 4 từng khiến các chính phủ phương Tây phải náo động.

Bộ giáo dục Mỹ xóa 5,8 tỷ đô la tiền vay học phí liên bang cho 560.000 cựu sinh viên của Corinthian College, một hệ thống đại học vì lợi nhuận vốn phá sản vào năm 2015. Đây là số nợ sinh viên lớn nhất được chính phủ xóa từ trước đến nay; trong bối cảnh họ đứng trước áp lực phải xóa nhiều nợ hơn nữa. Corinthian từng có 105 cơ sở ở 25 tiểu bang, và được biết đến là lừa đảo sinh viên bằng cách tuyên bố sai tỷ lệ tốt nghiệp cũng như các chiêu tiếp thị lừa dối khác.

Bồi thẩm đoàn ở Virginia đã quyết định rằng cả Johnny Depp và Amber Heard đã bôi nhọ nhau. Phán quyết cho thấy Depp là người chiến thắng và quy định Heard phải đền bù cho ông 15 triệu đô la; trong khi bà Heard được nhận 2 triệu đô la. Quan điểm ban đầu của ông Depp là Heard đã bôi nhọ ông chuyện bạo lực tình dục, qua đó làm tổn hại đến sự nghiệp của ông, đúng ngay giai đoạn cao trào của phong trào #MeToo.

Con số trong ngày: 12, là số lần suy thoái nước Mỹ đã trải qua kể từ năm 1945.

TIÊU ĐIỂM

WHO cải tổ chính sách tài chính

Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cho đến gần đây, WHO chỉ có thể tự do chi 22% ngân sách hai năm của mình, mà gần đây nhất là 5,84 tỷ đô la. Phần còn lại được dành cho các dự án cụ thể, chẳng hạn như các sáng kiến chống bệnh sốt rét hoặc chống thuốc lá. Do vậy cứ mỗi khi xuất hiện dịch bệnh, chẳng hạn như Ebola hay covid-19, tổ chức này lại phải đi xin tiền. Nó cũng khiến WHO khó ưu tiên các công tác chuẩn bị dài hạn để phòng ngừa và đối phó dịch bệnh.

Song sắp có thay đổi. Vào cuối tháng 5, Đại Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan giám sát WHO, đã quyết định thay đổi cơ bản mô hình tài trợ của mình và cho phép WHO được tự do chi tiêu một nửa ngân sách từ năm 2030-31. Thay đổi này phản ánh mức độ tín nhiệm cao của tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người gần đây đã giành được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai. Tuy nhiên, nó cũng là một lời thừa nhận ngầm rằng cơ quan đã không chuẩn bị tốt trước đại dịch hiện nay.

Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt

Thông thường, mọi người đều muốn thấy nền kinh tế phát triển tốt đẹp thể hiện qua thị trường lao động mạnh mẽ. Nhưng khi Mỹ công bố dữ liệu lao động tháng vào thứ Sáu tới, rất nhiều người sẽ muốn nhìn thấy số việc làm mới giảm đi. Các dự đoán hiện tại cho thấy khoảng 325.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 5, giảm từ 430.000 của tháng 4. Nếu vậy, đó sẽ là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ hạ nhiệt, một điều cần thiết để cho lạm phát giảm tốc.

Hiện cứ mỗi người thất nghiệp ở Mỹ là có gần hai công việc đang tìm người, một mức cao kỷ lục. Từ công ty vận tải đường bộ cho đến nhà hàng, các quản lý đều phàn nàn rằng rất khó tìm được nhân công, ngay cả khi đã ra đề nghị lương cao. Song bản thân người lao động không hài lòng vì thu nhập được điều chỉnh sau lạm phát của họ đã giảm so với trước. Một số nhà phân tích từng lập luận là thị trường lao động sẽ về bình thường khi đại dịch qua đi và nhiều người trở lại làm việc. Nhưng hiện tại có vẻ như chỉ suy thoái kinh tế mới làm được điều đó. Câu hỏi là nó sẽ đột ngột đến đâu.

Liệu Mỹ có cải cách luật kiểm soát súng trong thời điểm này?

Thật trớ trêu là các vụ xả súng hàng loạt thường giúp ích tương đối cho phong trào đòi kiểm soát súng ở Mỹ. Những vụ tự sát, xả súng trong gia đình và băng đảng làm nhiều người thiệt mạng hơn. Nhưng các vụ giết người quy mô lớn, vốn chỉ chiếm một phần trong các trường hợp tử vong do súng đạn, thường chiếm trang đầu mặt báo và qua đó thúc đẩy phong trào [kêu gọi kiểm soát súng].

Do đó, thời điểm sau các vụ thảm sát thường là thời cơ cho các nhà vận động cất lên tiếng nói của mình. Vào thứ Sáu, người Mỹ sẽ kỉ niệm Ngày Nhận thức về Bạo lực Súng Quốc gia. Liệu thảm kịch ở Uvalde — cũng như vụ xả súng làm bốn người chết ở Tulsa, Oklahoma vào thứ Tư vừa qua — có khiến Quốc hội hành động? Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận. Trong số các đề xuất có khuyến khích các bang ban hành luật “dấu hiệu nguy hiểm,” tức cho phép chính quyền tước súng khỏi những người có hành vi đe dọa. Cũng đang được thảo luận là quy định kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với người mua cũng như các yêu cầu lưu trữ súng an toàn. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa lại chỉ muốn tài trợ cho điều trị sức khỏe tâm thần và tăng cường an ninh trường học, lẩn tránh giải pháp cơ bản đối với vấn đề.