Thế giới hôm nay: 13/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đã đạt đồng thuận về một thỏa thuận kiểm soát súng. Đề xuất này sẽ cung cấp nguồn lực cho các bang nhằm ngăn những người bị coi là nguy hiểm không được tiếp cận súng. Nó cũng sẽ tăng tài trợ cho chăm sóc sức khỏe tâm thần và khiến mua súng khó khăn hơn cho người dưới 21 tuổi. Với sự ủng hộ của mười đảng viên Cộng hòa, đề xuất nhiều khả năng sẽ được thông qua tại Thượng viện. Tổng thống Joe Biden cho biết thỏa thuận lẽ ra nên tiến xa hơn, nhưng cũng đủ hàm chứa “các bước quan trọng và đúng hướng.”

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã yêu cầu Mỹ “ngừng bôi nhọ và ngăn chặn Trung Quốc,” đồng thời tuyên bố triển vọng cải thiện quan hệ song phương là tùy thuộc vào thiện chí của Mỹ. Trước đó cũng tại thượng đỉnh Shangri-La ở Singapore, ông Ngụy nói Trung Quốc sẽ “không ngần ngại tiến hành chiến tranh” nếu bất kỳ ai muốn chia tách Đài Loan khỏi đại lục. Đáp lại, người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin cáo buộc Trung Quốc có “cách tiếp cận cưỡng bức và hung hăng hơn đối với yêu sách lãnh thổ của mình.”

Lực lượng Nga bắn tên lửa vào một cơ sở quân sự lớn ở miền tây Ukraine. Chưa rõ liệu kho này có chứa vũ khí của Mỹ và châu Âu hay không. Trong khi đó, một thủ lĩnh ly khai ở vùng Donetsk cho biết không có lý do gì để ân xá cho hai người Anh bị kết án tử hình vì chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ukraine.

Các nhà hàng cũ của McDonald’s đã bắt đầu mở cửa trở lại ở Moscow với tên và biểu tượng mới, vẫn với thực đơn tương tự. Trước đó McDonald’s là một trong hàng trăm doanh nghiệp phải rút khỏi Nga sau cuộc xâm lược Ukraine. Gã khổng lồ thức ăn nhanh đã bán nhà hàng của mình cho Alexander Govor, một trong các đối tác địa phương của họ. Ông Govor có kế hoạch mở rộng thương hiệu với tên mới “Vkusno & tochka” ra toàn quốc.

Anh đã ra lệnh xem xét lại thị trường bán lẻ nhiên liệu trong nước. Bộ trưởng kinh doanh Kwasi Kwarteng cho biết cuộc điều tra sẽ tập trung vào lý do tại sao giá xăng tăng nhanh nhưng lại giảm chậm. Mới đây, chi phí trung bình để đổ đầy bình cho một chiếc ô tô gia đình ở Anh đã lần đầu tiên vượt 100 bảng Anh (123 USD). Trong khi đó, giá xăng trung bình ở Mỹ cũng lên tới 5 đô la một gallon, cao nhất từ ​​trước đến nay.

Cảnh sát Ấn Độ đang chật vật kiềm chế tình trạng căng thẳng tôn giáo leo thang trên khắp đất nước. Người Hồi giáo đang biểu tình phản đối những bình luận không hay của các thành viên Đảng Bharatiya Janata cầm quyền về nhà Tiên tri Muhammad. Các cuộc đụng độ đã khiến hai thiếu niên thiệt mạng. Một số chính phủ, bao gồm Qatar và Ả Rập Saudi, thậm chí đã yêu cầu Ấn Độ xin lỗi về những bình luận trên.

Tiền điện tử tiếp tục đi xuống, sau khi có tin lạm phát của Mỹ đạt 8,6% trong tháng 5, cao nhất 40 năm qua. Ether giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021; trong khi Bitcoin xóa bỏ hoàn toàn đà tăng kể từ giữa tháng 5. Chỉ số lạm phát này có thể sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh hơn nữa tại cuộc họp chính sách tuần tới.

TIÊU ĐIỂM

Nga thắng thế ở miền đông Ukraine

Mọi sự chú ý đang đổ dồn về Severodonetsk, thành phố án ngữ rìa lãnh thổ phía đông của Ukraine mà Nga đang tìm cách chiếm đoạt. Hiện cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên vô cùng tàn bạo. Pháo binh Nga đang gây thương vong nặng nề cho các vị trí của Ukraine ở vùng Donbas. Phó cục trưởng cục tình báo quôc phòng Ukraine cho biết quân đội của ông sắp hết đạn pháo, đến mức chỉ còn bắn được 6.000 viên mỗi ngày. Nga có số lượng pháo nhiều gấp mười lần, trong khi vũ khí của phương Tây đến chậm, theo lời ông.

Hiện Nga đã chiếm tất cả các khu dân cư của Severodonetsk, còn quân đội Ukraine đang cố thủ trong khu công nghiệp Azot. “Để tôi cho bạn biết ý kiến chuyên môn của tôi,” thị trưởng của thành phố công nghiệp lớn Kramatorsk nói với tờ New Yorker vào tuần trước. “Nếu không có vũ khí hạng nặng trong hai hoặc ba tuần tới, chúng tôi coi như chết.”

Chiến lược zero Covid 2.0 của Trung Quốc gặp khó khăn

Bắc Kinh và Thượng Hải dường như đang thí điểm cho phiên bản mới của chính sách “zero covid” của Trung Quốc. Hiện giới chức đang áp dụng phong tỏa từng vùng đối với hai thành phố quan trọng nhất này, với sự hỗ trợ của xét nghiệm hàng loạt. Thay vì các vụ phong tỏa toàn thành phố gây thiệt hại nặng về mặt kinh tế như trước, Bắc Kinh và Thượng Hải đang thử nghiệm các chiến dịch có mục tiêu để sớm tìm thấy và cách ly ca dương tính cùng người tiếp xúc gần trong vòng vài giờ.

Bước đầu khá khó khăn. Vài ngày sau khi Bắc Kinh mở cửa trở lại quán bar và nhà hàng, hơn 100 ca nhiễm đã được ghi nhận tại một quán bar ở trung tâm thành phố, dẫn đến cách ly hàng nghìn người và phong tỏa các khu dân cư cũng như tòa nhà riêng lẻ trong tối đa 14 ngày. Thế là các quán bar lại đóng cửa. Ngoài ra, nhiều trường học ở Bắc Kinh cũng phải hủy kế hoạch mở cửa lại vào thứ Hai. Còn Thượng Hải, nơi đã kết thúc hai tháng phong tỏa vào hôm 1 tháng 6, vừa yêu cầu hầu hết 25 triệu cư dân xét nghiệm hàng loạt sau khi dịch bùng lên tại một tiệm làm tóc. Có lẽ đây là bình thường mới ở Trung Quốc.

Anh-EU lại đàm phán về Bắc Ireland

Vào thứ Hai, chính phủ Anh sẽ đề xuất một dự thảo luật cho phép họ đơn phương thay đổi cơ chế Bắc Ireland, tức một phần của hiệp ước Brexit nước này đã ký với EU. Để tránh một biên giới cứng với Ireland, cơ chế này cho phép Bắc Ireland ở lại trong thị trường hàng hóa EU, song phải kiểm tra hải quan với hàng hóa trao đổi giữa Bắc Ireland và đảo Anh. London muốn loại bỏ rắc rối này, nhưng EU từ chối viết lại hiệp ước mà Boris Johnson ký hai năm trước.

Chính phủ muốn đàm phán thay đổi nội dung thảo thuận với EU, và cho rằng dự luật sẽ tăng cường vị thế mặc cả của họ. Họ cũng muốn Đảng Liên minh Dân chủ, vốn từ chối gia nhập cơ quan điều hành theo mô hình chia sẻ quyền lực ở Bắc Ireland cho đến khi cơ chế bị hủy bỏ, thay đổi ý định. Nhìn chung, quốc hội khó có khả năng thông qua dự luật vì bị nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng như các đảng khác phản đối. Kết quả trước mắt là tranh cãi liên tục với EU.

Costa Rica tê liệt vì bị tấn công mạng

Costa Rica yên bình tới mức họ là một trong số ít các quốc gia không có quân đội. Nhưng đất nước Trung Mỹ này đang bị tấn công mạng.

Được biết khoảng 29 tổ chức ở Costa Rica đã bị tấn công kể từ giữa tháng 4. Giới chức hải quan đã phải chuyển sang dùng giấy tờ vật lý, trong khi bệnh viện không thể truy cập hồ sơ bệnh nhân và giáo viên không được trả lương. Song hệ thống kho bạc, bao gồm cả cổng khai thuế trực tuyến, dự kiến sẽ hoạt động trở lại từ thứ Hai. Vì chính phủ từ chối trả tiền chuộc, nhiều khả năng họ sẽ lại bị tin tặc tấn công. Không rõ thủ phạm là bên nào, mặc dù chúng sử dụng ransomware của Conti và Hive, các băng nhóm ở Nga.

Gần đây Mỹ Latinh dường như đã trở thành một bãi thử cho các loại tội phạm này. Trong danh sách nạn nhân có cả Peru. Costa Rica bị tấn công có thể chỉ vì họ là một mục tiêu dễ. Cũng như nhiều quốc gia khác, nước này cần đầu tư vào hệ thống phòng thủ của mình.