Trung Quốc xâm nhập Nam Thái Bình Dương: Nên đối phó thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Charles Edel, “A Fault Line in the Pacific“, Foreign Affairs, 03/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mối nguy từ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên các đảo quốc Thái Bình Dương.

Lần cuối cùng mà hầu hết người Mỹ chú ý đến Quần đảo Solomon là vào giữa Thế chiến II, khi Mỹ và Nhật Bản có một trận hải chiến kéo dài trên vùng biển và vùng trời xung quanh Guadalcanal. Trận chiến cam go đó đã có tác động mang tính chiến lược rất lớn – chặn đứng bước tiến của Nhật vào Nam Thái Bình Dương, đảm bảo rằng các quốc gia đồng minh như Australia và New Zealand không bị các thế lực thù địch bao vây hoặc cắt đứt nguồn tiếp tế, đảo ngược thế trận ở Thái Bình Dương, cũng như cung cấp căn cứ để phát động cuộc phản công chống lại kẻ thù toàn trị. Nhắc đến hàng trăm hòn đảo nhỏ trải dài trên Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt giải thích với công chúng Mỹ rằng, dù chúng có thể “chỉ là những chấm nhỏ trên hầu hết các bản đồ … nhưng chúng bao phủ một khu vực chiến lược rộng lớn.”

Khu vực chiến lược rộng lớn, quan trọng cần phải chiếm giữ trong Thế chiến II này đã bị bỏ quên suốt vài thập niên qua, vì chiến lược và chính sách của Mỹ chuyển hướng tập trung vào những nơi khác. Giờ đây mọi chuyện phải thay đổi. Vào tháng 4, chính quyền Quần đảo Solomon thông báo rằng họ đã ký một hiệp ước an ninh đang chờ phê duyệt với Trung Quốc, và vào cuối tháng 5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đến thăm khu vực này trong nỗ lực tìm kiếm thêm nhiều thỏa thuận hơn từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Hiệp ước an ninh Quần đảo Solomon với ngôn từ mơ hồ và tổng quát dường như đang mở ra cánh cửa cho Trung Quốc đóng vai trò dập tắt bất ổn nội bộ ở Quần đảo Solomon, bằng cách cho phép Bắc Kinh triển khai lực lượng cảnh sát và quân đội Trung Quốc theo yêu cầu từ Quần đảo Solomon để “duy trì trật tự xã hội.” Hiệp ước, và các thỏa thuận tiềm năng trong tương lai với các đảo quốc Thái Bình Dương khác, có thể làm suy yếu an ninh khu vực bằng cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quân đội Trung Quốc, giúp họ tiếp cận một yết hầu hàng hải quan trọng, và đẩy Quần đảo Thái Bình Dương vào cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.

Thỏa thuận của Trung Quốc với Quần đảo Solomon và nỗ lực của nước này nhằm đạt được các thỏa thuận tương tự với các quốc gia Thái Bình Dương khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở cả trong và ngoài khu vực. Trung Quốc chắc chắn có khả năng cung cấp các khoản đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng trong khu vực, nhưng người dân địa phương lại đề cao cảnh giác vì một quan điểm hoàn toàn có cơ sở, rằng ngoài việc đáp ứng nhu cầu địa phương, các khoản đầu tư của Trung Quốc còn mong muốn thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh và phá hoại chính trị địa phương. Điều này thể hiện rõ nhất ở Quần đảo Solomon, nơi hơn 90% người dân nói rằng họ thích đất nước của mình đi theo các nền dân chủ tự do thay vì Trung Quốc, và gần 80% nói rằng họ không muốn đất nước nhận viện trợ tài chính từ Trung Quốc.

Thế nhưng, với Manasseh Sogavare, Thủ tướng của Quần đảo Solomon, Bắc Kinh đã tìm được cho mình một đối tác sẵn sàng. Quyết định ký kết thỏa thuận của Sogavare không chỉ khiến ông mâu thuẫn với nhiều công dân trong nước, mà còn mâu thuẫn với cả cộng đồng Thái Bình Dương rộng lớn hơn, vốn không ủng hộ việc một chế độ độc tài thiết lập các căn cứ quân sự ở đó. Ngoại trưởng New Zealand lên án thỏa thuận này là “không được hoan nghênh và không cần thiết,” trong khi Tổng thống Micronesia viết cho Sogavare rằng ông lo ngại một thỏa thuận như vậy sẽ khiến Quần đảo Thái Bình Dương trở thành “tâm chấn của một cuộc đối đầu trong tương lai.” Phản ứng gay gắt nhất đến từ Australia, nơi một số người ví thỏa thuận này với Khủng hoảng tên lửa Cuba và những người khác cho rằng đây là thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia kể từ Thế chiến II.

Việc công bố thỏa thuận an ninh giữa Honiara và Bắc Kinh, và chủ trương thúc đẩy ngoại giao của Trung Quốc, sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Mỹ và các đồng minh. Sự gắn kết của họ với các nước trong khu vực đã suy giảm. Washington phải mở rộng hiện diện ngoại giao của mình ở Quần đảo Thái Bình Dương, ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khu vực, củng cố các sáng kiến phát triển và nghiêm túc xem xét các quan ngại mang tính sống còn về biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia trong khu vực này. Cần phải có một sự thay đổi khẩn cấp trong cách tiếp cận để ngăn Bắc Kinh tiếp tục phá hoại nền dân chủ, và mở rộng dấu chân quân sự của mình trên khắp Thái Bình Dương.

Chiến lược Thái Bình Dương của Bắc Kinh

Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon chẳng hề xuất hiện từ hư không. Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp Thái Bình Dương bằng cách thu hút giới tinh hoa trong khu vực, xây dựng mối quan hệ với các thể chế khu vực, đồng thời tăng cường cả viện trợ lẫn đầu tư trên khắp khu vực. Như họ từng làm trước đây, Bắc Kinh hiện đang săn lùng các vùng đất có vị trí chiến lược, cho phép họ phát huy sức mạnh ra bên ngoài, tác động nhiều hơn lên chính trị của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đã có các báo cáo xuất hiện cho thấy các công ty do Trung Quốc làm chủ đang tìm cách phát triển các cảng nước sâu và sân bay ở Kiribati, Papua New Guinea, Samoa, Quần đảo Solomon, Vanuatu, và các địa điểm khác trên Thái Bình Dương.

Bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại từ Trung Quốc rằng họ không có ý định thiết lập căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, hoặc những nơi khác trong khu vực, hồ sơ và tham vọng của họ cho thấy điều ngược lại. Tại Campuchia, Djibouti, Pakistan, và Sri Lanka, Trung Quốc đã khởi xướng các dự án cơ sở hạ tầng lớn giúp họ có được quyền tiếp cận các cảng quan trọng về mặt chiến lược. Và như Bắc Kinh đã thể hiện ở Biển Đông, khi tuyên bố chủ quyền và sau đó quân sự hóa các đảo nhân tạo, chính phủ Trung Quốc vẫn thường công khai phủ nhận ý định thực sự của mình trong khi âm thầm tiến hành mở rộng dấu chân quân sự toàn cầu.

Việc Bắc Kinh tìm kiếm một chỗ đứng quân sự ở Thái Bình Dương là một ví dụ mở rộng cho những gì họ đã làm ở nơi khác. Xác lập sự hiện diện ở khu vực này có thể giúp hoàn thành một số mục tiêu chiến lược cùng một lúc – đảm bảo các tuyến đường liên lạc trên biển của Trung Quốc, tăng cường thu thập thông tin tình báo về các lực lượng đồng minh, bao vây Australia và New Zealand, đồng thời khiến cho bất kỳ kế hoạch di chuyển lực lượng nào của Mỹ vào khu vực sẽ trở nên phức tạp. Thông qua thỏa thuận lần này, Quần đảo Solomon đã mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Bây giờ, câu hỏi đặt ra cho Mỹ và các đồng minh là phải phản ứng như thế nào.

Chuyển hướng tập trung về các đảo

Đã có một cuộc tranh luận gay gắt nổ ra – đặc biệt là trong nội bộ Australia – rằng chính xác thì thỏa thuận Quần đảo Solomon đã xuất hiện bằng cách nào, và liệu Australia, Mỹ, hay bất kỳ quốc gia nào khác có thể hành động để ngăn chặn một thỏa thuận như vậy hay không. Điều này gây lo lắng đặc biệt nghiêm trọng ở Australia, nơi mọi chính phủ kể từ sau Thế chiến II đều đã nỗ lực ngăn chặn một thế lực thù địch có được sự hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Dù tiến hành một cuộc điều tra về lý do tại sao thỏa thuận này xảy ra có lẽ là việc nên làm, nhưng chơi trò chơi đổ lỗi sẽ không hiệu quả bằng việc sử dụng thời điểm này để tập trung vào cách Mỹ và các đồng minh có thể hợp tác với nhau nhằm giảm thiểu thiệt hại, và ngăn Trung Quốc ký kết các thỏa thuận tương tự ở nơi khác.

Trong những thập niên vừa qua, Thái Bình Dương không phải là một khu vực trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Điều đó dường như đang thay đổi, nhưng trừ phi sự chú ý mới này thực sự là nhằm đáp ứng nhu cầu của khu vực, còn nếu không, nó sẽ khó mà được chào đón nhiệt tình. Các chính phủ ở Quần đảo Thái Bình Dương lo ngại về bản chất của các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, nhưng đó không phải là mối quan tâm chính của họ. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo khu vực này đặc biệt quan tâm đến việc tìm cách thúc đẩy phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, và giải quyết các rủi ro hiện hữu của biến đổi khí hậu mà các quốc gia nằm tại vùng biển thấp ở Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương. Cách dễ nhất để có được lòng tin và trở thành một đối tác khu vực hấp dẫn hơn là làm việc với các quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương – một cách riêng lẻ, hoặc tập thể, và thường xuyên – để giải quyết những mối quan tâm này, vốn đã được các nhà lãnh đạo Quần đảo Thái Bình Dương đưa ra trong Tuyên bố Boe năm 2018 về An ninh Khu vực, trong đó đề cập đến “khái niệm an ninh mở rộng” để đối phó với hàng loạt thách thức mà Thái Bình Dương phải đối mặt.

Làm như vậy sẽ đòi hỏi phải theo đuổi các cam kết mạnh mẽ hơn nhằm chống lại biến đổi khí hậu, giám sát chặt chẽ vùng biển ven bờ của Quần đảo Thái Bình Dương để hạn chế đánh bắt cá bất hợp pháp, và ngăn chặn việc khai thác tài nguyên của ngư dân Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ và các đối tác nên tạo ra thị trường lao động cởi mở hơn để cho phép cư dân của Quần đảo Thái Bình Dương làm việc ở những nơi khác trong khu vực dựa trên nhu cầu việc làm, và hỗ trợ các sáng kiến giáo dục nhằm mang lại nhiều cơ hội hơn cho thanh niên của khu vực này theo học ở nước ngoài. Mỹ và các đối tác nên đầu tư vào các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản, cũng như mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kết nối Internet ở Quần đảo Thái Bình Dương. Các cơ quan lập pháp ở Australia, New Zealand, Mỹ và các nơi khác cũng có thể tìm cách hợp tác với những người đồng cấp dân cử của họ tại Quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận đường hướng cải thiện trách nhiệm giải trình của chính phủ. Tất cả các cam kết này sẽ đòi hỏi nguồn lực lớn hơn từ Mỹ và các đối tác, những thay đổi trong luật pháp trong nước ở nhiều quốc gia để cho phép mở rộng giấy phép lao động và gắn kết bền vững hơn với khu vực.

Mỹ cũng có thể thể hiện cam kết mới đối với Quần đảo Thái Bình Dương bằng cách thực hiện một số thay đổi quan trọng. Washington có lẽ đang có kế hoạch mở lại đại sứ quán Mỹ tại Quần đảo Solomon, vốn đã bị đóng cửa vào năm 1993, nhưng chính quyền Biden vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ tại Fiji hoặc Papua New Guinea. Họ cũng không có đại sứ thường trú tại Kiribati, Nauru, Samoa, Tonga, Tuvalu hoặc Vanuatu (nhóm này đang được phụ trách bởi đại sứ khu vực của Mỹ). Thật khó để kêu gọi gắn bó nghiêm túc và bền vững với cộng đồng Thái Bình Dương mà không có sự hiện diện tích cực của Mỹ. Ngoài những vị trí kể trên, Washington nên cân nhắc việc chỉ định một đại sứ tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, mô phỏng theo vị trí của Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, Washington cần phải cập nhật hiệp ước liên kết tự do với Liên bang Micronesia, Palau, và Quần đảo Marshall. Trong nhiều thập niên, những thỏa thuận này đã cho phép Mỹ hạn chế quyền tiếp cận quân sự của các quốc gia khác đối với ba nước ký kết hiệp ước, để đổi lấy sự đảm bảo về chính trị, phát triển, và quốc phòng từ Mỹ.

Mỹ cũng nên ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khu vực. Washington nên cam kết tham dự liên tục và cử các đại diện cấp cao hơn đến với tư cách là đối tác đối thoại tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Nước này cũng nên thể hiện sự quan tâm đến vai trò thành viên liên kết của diễn đàn dành cho hai lãnh thổ thuộc Mỹ đang nằm ở Quần đảo Thái Bình Dương– Samoa thuộc Mỹ và Guam – và thiết lập một cuộc họp thường kỳ với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tương tự như cuộc họp hai năm một lần của Nhật Bản với các nhà lãnh đạo của các đảo quốc Thái Bình Dương.

Cam kết với Thái Bình Dương

Tất nhiên, những điều chỉnh chính sách dài hạn hay những điều chỉnh nhân sự ngắn hạn đều không giải quyết được thách thức trước mắt, xuất phát từ dòng vốn đầu tư tăng mạnh của Trung Quốc và khả năng thiết lập sự hiện diện quân sự của nước này trong khu vực. Để giải quyết vấn đề thứ nhất, các đối tác dân chủ nên hỗ trợ các sáng kiến chống tham nhũng và minh bạch, đồng thời tài trợ cho các phương tiện truyền thông độc lập ở Quần đảo Thái Bình Dương. Về vấn đề thứ hai, các nỗ lực ngoại giao nên ưu tiên việc giới hạn thỏa thuận bí mật của Bắc Kinh và Honiara, để đảm bảo rằng nó chỉ là một thỏa thuận trên lý thuyết chứ không phải trên thực tế. Và bởi vì những lời phủ nhận của Bắc Kinh thường là tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, Washington nên bắt đầu cảnh báo các nhà lãnh đạo khu vực về viễn cảnh Trung Quốc quân sự hóa ở Thái Bình Dương sẽ như thế nào, và Mỹ sẽ làm gì để đối phó với hành động quân sự hóa đó. Việc quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực sẽ dẫn đến thiệt hại về môi trường, sự nhượng bộ chủ quyền từ Quần đảo Thái Bình Dương, và phản ứng không thể tránh khỏi của Mỹ và các đồng minh, theo đó có thể kéo các đảo Thái Bình Dương vào một cuộc xung đột trong tương lai.

Những gì xảy ra ở Quần đảo Solomon có hàm ý an ninh rộng lớn hơn cho khu vực và nên được xem là một phần trong nỗ lực có hệ thống của Bắc Kinh nhằm mở rộng sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương, thúc đẩy các công cụ kiểm soát độc tài, giảm bớt khả năng tiếp cận của Mỹ với khu vực, và hạn chế quyền tự do đi lại của các đồng minh của Mỹ. Những bước tiến mới ở Thái Bình Dương nên cho người Mỹ thấy được tầm quan trọng của việc thu hút những quốc gia đã bị lãng quên ở quần đảo này. Chúng cũng nên là cơ hội để đánh giá hiệu quả của chính sách của Mỹ và đồng minh đối với khu vực quan trọng này, đồng thời khuyến khích Washington sáng tạo hơn, chủ động hơn, và cam kết hơn với Thái Bình Dương.

Charles Edel là Giám đốc phụ trách Australia kiêm Cố vấn Cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ông từng là Nhân viên Hoạch định Chính sách của Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2015 đến năm 2017.