Thế giới hôm nay: 24/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã hủy bỏ một đạo luật của bang New York yêu cầu người dân “phải có lý do chính đáng” để mang theo một khẩu súng ngắn giấu trong người ở nơi công cộng. Với tỉ lệ 6-3 đúng theo lằn ranh ý thức hệ, các thẩm phán nhận định đạo luật này, vốn có tuổi đời cả thế kỷ, đã vi phạm quyền hiến định của những công dân “có nhu cầu tự vệ thông thường” là mang vũ khí. Đây dĩ nhiên không phải tin vui cho những người người vận động kiểm soát súng.

27 thành viên EU đã chính thức trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập. Dù tiến trình gia nhập có thể kéo dài cả một thập niên, động thái này, vốn được thúc đẩy bởi cuộc xâm lược của Nga, vẫn là một bước tiến lịch sử. Tổng thống Volodymyr Zelensky miêu tả nó như “một khoảnh khắc lịch sử độc nhất vô nhị.” Moldova cũng được trao tư cách tương tự.

Ukraine đã nhận được một lô hàng tên lửa HIMARS từ Mỹ. Được biết mỗi hệ thống mang theo sáu tên lửa dẫn đường bằng GPS, bắn chính xác ở khoảng cách xa tới 70-84km — khoảng ba lần tầm bắn của các loại pháo được Mỹ cung cấp cho đến nay. Ông Zelensky đang cầu xin chuyển giao vũ khí hạng nặng, và cho biết Nga muốn phá hủy toàn bộ khu vực Donbas bằng không kích và pháo binh.

Các nhà điều tra liên bang đã khám xét nhà của Jeffrey Clark, một cựu quan chức Bộ Tư pháp Mỹ, liên quan đến cuộc điều tra của bộ về âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Ông Clark dường như là nhân vật quan trọng trong nỗ lực của Donald Trump. Vài ngày trước cuộc nổi loạn 6 tháng 1 ở Điện Capitol, ông Trump đã có ý định bổ nhiệm ông này làm bộ trưởng tư pháp.

Đức chuyển sang giai đoạn thứ hai của kế hoạch khẩn cấp ba bước nhằm đối phó với tình trạng thiếu khí đốt vì Nga giảm nguồn cung. Đức đã cáo buộc Nga “vũ khí hóa” khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của EU. Chính phủ Đức sẽ cho vay tiền để giúp các công ty lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, bên cạnh các biện pháp khác.

Viện trợ bắt đầu đến với các vùng xa xôi của Afghanistan bị ảnh hưởng bởi trận động đất 5,9 độ hôm thứ Tư, vốn khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng. Taliban đã kêu gọi quốc tế hỗ trợ. Một quan chức cấp cao cho biết chính phủ “không đủ khả năng tài chính để hỗ trợ người dân trong phạm vi cần thiết”. Liên Hợp Quốc cho biết “luôn sẵn sàng” nhưng các nỗ lực cứu hộ sẽ bị cản trở bởi địa hình, thời tiết và thiếu hạ tầng tiếp cận.

Ngân hàng trung ương Na Uy đã tăng lãi suất chuẩn từ 0,75% lên 1,25% nhằm kiềm chế lạm phát, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong 20 năm qua. Ngân hàng cảnh báo lãi suất “rất có thể” sẽ tiếp tục tăng vào tháng 8 lên 1,5%, vì dự đoán lạm phát cơ bản sẽ đạt 3,2% trong năm nay, cao hơn mức mục tiêu 2%.

Con số trong ngày: 300kg, là trọng lượng của con cá đuối bắt được trên sông Mekong vào hôm 13 tháng 6 – con cá nước ngọt lớn nhất từng được đặt lên bàn cân.

TIÊU ĐIỂM

Giao tranh khốc liệt ở miền đông Ukraine

Tình hình đang xấu đi cho quân đội Ukraine ở Donbas. Thành phố Severodonetsk của tỉnh Luhansk, nơi một số ít tay súng và dân thường Ukraine còn sót lại đang cố thủ trong một nhà máy hóa chất, đã bị cắt đứt khỏi giao thông đường bộ và hiện chỉ có thể được tiếp tế qua sông Donets. Quân Nga cũng đang đánh lên Lysychansk, một thị trấn bên kia sông, từ phía nam. Giới chức Ukraine cũng nói Nga có thể đang chuẩn bị tấn công vào thị trấn Sloviansk ở tỉnh Donetsk lân cận.

Nhưng nỗ lực của họ còn phụ thuộc vào nhân lực của quân đội Nga. Các tân binh Nga hiện chỉ được huấn luyện từ ba đến bảy ngày trước khi ra trận, theo BBC tiếng Nga. Quân đội cũng phải dùng lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner. Ngoài ra, lô tên lửa HIMARS của Mỹ, vừa đến vào hôm thứ Năm, có thể cho phép Ukraine phản công vào cuối mùa hè.

Tiêu dùng ở Anh đi xuống

Động lực của kinh tế Anh đến từ mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng. Vì vậy, hồi đầu năm nay giới kinh tế đã khá bi quan trước triển vọng khủng hoảng giá sinh hoạt làm giảm tiêu dùng ở Anh. Theo Khảo sát Niềm tin Người Tiêu dùng của GfK, mức độ lạc quan trong tháng 5 đã giảm xuống thấp nhất kể từ khi chỉ số bắt đầu vào năm 1974. Các số liệu chính thức được công bố vào thứ Sáu cũng sẽ không cho thấy nhiều cải thiện.

Tháng trước, bộ trưởng tài chính Rishi Sunak đã tiết lộ một gói hỗ trợ để bù đắp cho giá năng lượng tăng cao. Nhưng niềm tin vẫn thấp đến mức đủ tạo ra suy thoái. Liệu nền kinh tế có thoát khỏi vòng xoáy thắt chặt hay không còn phụ thuộc vào tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng. Hiện doanh số bán lẻ không mấy khởi sắc trong những tháng gần đây. Nhưng các nhà kinh tế kỳ vọng thị trường việc làm mạnh mẽ của đất nước và các khoản tiết kiệm được tích lũy trong đại dịch sẽ giúp nâng đỡ chi tiêu, ngay cả khi lạm phát làm giảm thu nhập thực tế.

Bức tranh vĩ mô bi quan của kinh tế Brazil

Thoạt nhìn kinh tế Brazil có vẻ khá ổn định. Lạm phát đã chậm lại trong tháng 5, và các số liệu được công bố tới đây vào thứ Sáu cũng sẽ cho thấy tương tự. Brazil tăng trưởng 1% trong quý đầu năm và ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất bảy năm qua.

Nhưng nhìn toàn cảnh rất đáng lo ngại. Dù có chậm lại, lạm phát vẫn đang ở mức 12%. Do đó ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm trong tuần trước, lên 13,25%. Lãi suất cao sẽ kìm hãm tăng trưởng. Và tuy thất nghiệp thấp, lương thực tế đã giảm đi vì giá cả leo thang.

Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Brazil, Jair Bolsonaro, biết tình cảnh này sẽ không có lợi cho ông trước cuộc bầu cử vào tháng 10. Vì vậy, khi công ty dầu khí nhà nước Petrobras muốn tăng giá nhiên liệu vào đầu tuần, ông Bolsonaro ngay lập tức sa thải giám đốc thứ ba của họ chỉ trong vòng hai năm. Có thể ông Bolsonaro nghĩ rằng làm vậy giúp ổn định tình hình. Nhưng hỗn loạn tại Petrobras sẽ chỉ thổi thêm lo lắng vào thị trường.

Mưa lớn gây lũ lụt ở Nam Á

Dự báo thời tiết thứ Sáu ở Ấn Độ và Bangladesh sẽ cho thấy nhiều mưa hơn. Đây chẳng phải tin vui gì sau một tuần mưa như trút nước gây lũ lụt ở cả hai nước. Văn phòng khí tượng của Ấn Độ tính toán rằng Assam và Meghalaya, hai bang ở phía đông bắc, đã đón nhận lượng mưa nhiều hơn 134% so với mức trung bình dự báo của năm nay. Hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong khi nước uống trở nên khan hiếm.

Từ tháng 6 đến tháng 9, gió mùa mùa hè mang lại 70% lượng mưa hàng năm của Nam Á. Mùa màng sẽ thất bát nếu không có những trận mưa này, trong khi quá nhiều nước sẽ gây ra thảm họa. Và biến đổi khí hậu đang làm gia tăng rủi ro. Các nhà khoa học ước tính nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm một độ, gió mùa Nam Á sẽ mang theo nhiều hơi nước hơn 5%. Hiện thế giới đã nóng lên 1,1-1,3°C so với thời tiền công nghiệp, và sẽ còn ấm hơn nữa. Ngoài ra thời tiết thay đổi còn làm cho gió mùa trở nên thất thường và nguy hiểm hơn.