Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, theo tuyên bố của tổng thống Phần Lan. Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối tư cách thành viên của hai nước này vì chứa chấp lực lượng ly khai người Kurd (mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố). Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ công bố các cam kết quân sự mới với NATO trong tuần này, bao gồm bổ sung thêm binh sĩ cho sườn phía đông của liên minh. Jake Sullivan cũng cho biết Mỹ sẽ bổ sung 2 tàu khu trục, trong số 4 chiếc đã đóng ở Tây Ban Nha.
Một cựu trợ lý Nhà Trắng đã làm chứng rằng Donald Trump biết đám đông ủng hộ ông sẽ hành động bạo lực khi họ tụ tập tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm ngoái. Cassidy Hutchinson – người từng làm việc cho chánh văn phòng Mark Meadows của ông Trump – nói với ủy ban điều tra của Hạ viện là ông Trump đã tìm cách chiếm quyền điều khiển chiếc limousine của mình từ nhân viên mật vụ để có thể lái đến gặp đám đông tại Điện Capitol .
Cảnh sát Thủ đô London bị chính phủ Anh đặt vào tình trạng giám sát đặc biệt, sau một loạt bê bối bao gồm vụ một sĩ quan cảnh sát giết hại Sarah Everard. Các sự việc khác bao gồm vụ lột trần quần áo để soát người một trẻ em và vụ lộ tin nhắn với lời lẽ xúc phạm của các cảnh sát. Trước đó, cựu ủy viên cảnh sát Dame Cressida Dick đã từ chức vào tháng 2.
Một thẩm phán quận ở Texas đã tạm thời chặn lệnh cấm hoàn toàn đối với phá thai trong bang, cho phép một số phòng khám thực hiện dịch vụ này cho đến 6 tuần thai. Song lệnh cấm có thể chỉ tồn tại được vài tuần trong khi chờ các thủ tục pháp lý. Kể từ khi Tòa Tối cao lật lại phán quyết Roe v Wade, lệnh cấm hoàn toàn đã có hiệu lực ở ít nhất sáu bang, với nhiều bang khác dự kiến theo chân.
Iran và Argentina đã nộp đơn xin gia nhập BRICS, một nhóm các nền kinh tế mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tuần trước, BRICS đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh do Trung Quốc chủ trì, trong bối cảnh nước này xem mình như một đối thủ của phương Tây. Bộ ngoại giao Nga nói đây là bằng chứng cho thấy phương Tây đang thất bại trong việc cô lập Moscow.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã quyết định 19 tháng 10 năm 2023 là ngày tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về nền độc lập của Scotland. Trong một bài phát biểu trước nghị viện, bà Sturgeon thừa nhận kế hoạch của bà sẽ phải chịu sự giám sát pháp lý của tòa tối cao. Trước đây người Scotland từng bỏ phiếu phản đối độc lập với tỉ lệ 55%-45% vào năm 2014. Còn hiện tại, tỉ số sẽ là 51%-49% (chưa bao gồm những người trả lời “không biết”), theo cuộc thăm dò hồi tháng 3 cho The Economist của Savanta ComRes.
Ghislaine Maxwell đã bị một thẩm phán ở New York kết án 20 năm tù, sau bản án trước đó về tội tuyển dụng trẻ vị thành niên cho Jeffrey Epstein lạm dụng tình dục. Bà Maxwell, 60 tuổi, cũng bị phạt 750,000 đô la. Thẩm phán cho biết hình phạt này không “thay cho Epstein hay đại diện cho Epstein.” Epsteirn chết trong tù vào năm 2019 trước khi ra hầu tòa.
Con số trong ngày: 9%, là tỷ lệ người Mỹ cho rằng phụ nữ mang thai không bao giờ được phá thai hợp pháp.
TIÊU ĐIỂM
OPEC khó có thể tăng sản lượng
Ngày càng khó có thể đổ lỗi cho OPEC về giá xăng dầu tăng cao hiện tại. Đứng đầu bởi Ả Rập Saudi, khối này có thể điều chỉnh nguồn cung dầu của toàn thế giới. Vào thứ Tư, OPEC sẽ họp online để thảo luận về hạn ngạch sản xuất. Đến thứ Năm, họ sẽ tiếp tục họp phiên bản mở rộng của nhóm, OPEC +, với các nhà sản xuất dầu lớn khác, đặc biệt là Nga.
Tăng xuất khẩu dầu sẽ giúp giảm giá. OPEC + đã cam kết tăng sản lượng lên gần 650.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, từ mức 400.000 thùng như dự kiến trước đó. Vào tháng 7, tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Ả Rập Saudi để kêu gọi nước này nới sản lượng hơn nữa. Nhưng tại hội nghị thượng đỉnh G7 hôm thứ Hai, người ta đã nghe lén được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với ông Biden rằng Saudi và UAE – hai nước OPEC duy nhất được cho là còn năng lực sản xuất dự phòng – đã chạm “đỉnh” và “không có công suất lớn.”
Chuyến công du đầu tiên của Putin kể từ đầu chiến tranh
Ngoại trừ phương Tây, phần còn lại của thế giới hầu như không chọn phe nào trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhưng Nga không có nhiều đồng minh thực sự, phần nào giải thích vì sao Vladimir Putin vẫn chưa rời khỏi nước ông kể từ cuối tháng Hai. Nhưng thứ Tư này, ông sẽ có chuyến thăm một ngày đến Tajikistan và Turkmenistan, hai quốc gia Liên Xô cũ thân thiện ở Trung Á, và hai ngày ở Belarus.
Tại Dushanbe, thủ đô Tajikistan, ông Putin sẽ gặp tổng thống Imomali Rakhmon, người đã nắm quyền suốt gần ba thập niên qua. Ông Rakhmon đánh giá cao việc Nga giúp đỡ họ chống lại các phần tử Hồi giáo, đặc biệt khi nước này có một căn cứ quân sự Nga với khoảng 7.000 binh sĩ. Tại Ashgabat, thủ đô Turkmenistan, ông Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của 5 quốc gia ven biển Caspi: Nga, Azerbaijan, Iran, Kazakhstan và Turkmenistan. Cuộc gặp này sẽ phức tạp hơn. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan đã từ chối công nhận các thực thể do Nga dựng lên ở miền đông Ukraine, có lẽ vì lo ngại chế độ của ông sẽ trở thành nạn nhân tương tự. Ông Putin, người từng cử quân đội đến hỗ trợ ông Tokayev trong cuộc bạo động hồi đầu năm, dĩ nhiên không hài lòng.
Kinh tế EU: lạm phát cao, tăng trưởng thấp
Hiện lạm phát đang ở mức cao còn thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy kinh tế khu vực đồng euro đang phát triển quá nóng. Không hẳn là vậy. Cho tới nay kinh tế EU vẫn bị kẹt giữa việc mở cửa lại sau đại dịch và tình hình bất an vì chiến tranh Ukraine và giá năng lượng cao. Hầu hết các chỉ số gần đây đều cho thấy suy thoái kinh tế. Khảo sát về người tiêu dùng và kinh doanh của Ủy ban Châu Âu, được công bố vào thứ Tư, dự kiến sẽ cho thấy tương tự.
Các chỉ số công nghiệp từ Đức và Áo cho thấy sụt giảm trong số đơn đặt hàng mới và kỳ vọng kinh doanh. Bên cạnh đó là những quan ngại về phân phối hạn mức khí đốt, đặc biệt là ở Đức. Và mặc dù tiền lương sẽ tăng lên theo giá cả, nó không có khả năng theo kịp với lạm phát. Vào tháng 7, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải quyết định tăng lãi suất ra sao. Thể hiện quyết tâm chống lạm phát trong khi vẫn bảo vệ được tăng trưởng và việc làm đòi hỏi một lựa chọn chính sách vô cùng tinh tế.
Chính quyền quân sự Myanmar khôi phục án tử hình
Các tướng lĩnh Myanmar không ngại đổ máu. Kể từ khi lên nắm quyền trong cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, quân đội đã giết chết ít nhất 2.000 người Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền đặc biệt bị phản đối vì tuyên bố treo cổ bốn tù nhân chính trị. Dù không rõ chính xác thời điểm các vụ hành quyết, nhiều người tin chúng sắp diễn ra. Đây sẽ là lần đầu tiên án tử hình được áp dụng ở Myanmar sau hơn 30 năm.
Hai trong số những người bị tử hình là các nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, những người bị kết tội cộng tác với chính phủ đối lập do các nghị sĩ bị đảo chính thành lập. Hai người còn lại bị kết tội giết các chỉ điểm viên của quân đội. Việc quân đội khôi phục giá treo cổ cho thấy họ muốn phe chống đối phải sợ hãi. Kể từ cuộc đảo chính, có tới 100.000 người Myanmar đã tham gia lực lượng dân quân. Họ ngày càng tổ chức tốt hơn và đang giành thêm lãnh thổ.