Nguồn: Romanov family executed, ending a 300-year imperial dynasty, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, tại Yekaterinburg, Nga, Sa hoàng Nicholas II và gia đình đã bị những người Bolshevik hành quyết, kết thúc triều đại Romanov kéo dài ba thế kỷ.
Đăng quang vào năm 1896, Nicholas không được đào tạo trở thành người cai trị và cũng không mong muốn lên ngôi. Điều đó chẳng giúp ích gì cho chế độ chuyên chế mà ông tìm cách duy trì giữa một dân tộc đang khao khát thay đổi. Kết quả thảm khốc của Chiến tranh Nga-Nhật đã mở đường cho Cách mạng Nga năm 1905, cuộc cách mạng chỉ kết thúc sau khi Nicholas phê chuẩn thành lập một nghị viện mang tính đại diện – tức Duma – và hứa sẽ cải cách hiến pháp.
Tuy nhiên, Sa hoàng đã sớm rút lại những nhượng bộ này, và liên tục giải tán Duma mỗi khi cơ quan này phản đối ông, góp phần vào sự ủng hộ ngày càng tăng của công chúng đối với những người Bolshevik và các nhóm cách mạng khác. Năm 1914, Nicholas đẩy đất nước của mình vào một cuộc chiến tốn kém khác – Thế chiến I – trong đó người Nga đã thiếu sự chuẩn bị cần thiết để giành chiến thắng. Làn sóng bất mãn ngày càng gia tăng khi lương thực trở nên khan hiếm, binh lính trở nên mệt mỏi vì chiến sự, và những thất bại tàn khốc dưới tay Đức chứng tỏ sự kém hiệu quả của nước Nga dưới thời Nicholas.
Tháng 03/1917, cách mạng đã nổ ra trên các đường phố của Petrograd (nay là St. Petersburg) và Nicholas buộc phải thoái vị vào cuối tháng đó. Tháng 11 cùng năm, những người Bolshevik xã hội chủ nghĩa cấp tiến, do Vladimir Lenin lãnh đạo, đã giành chính quyền Nga từ tay chính phủ lâm thời, đi đến quyết định hòa hoãn với Liên minh Trung tâm và chuẩn bị thành lập nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới. Nội chiến nổ ra ở Nga vào tháng 06/1918, và sang tháng 7, lính Bạch Vệ chống Bolshevik đã tiến vào Yekaterinburg, nơi Nicholas và gia đình đang sinh sống, trong một chiến dịch chống lại lực lượng Bolshevik. Chính quyền địa phương nhận lệnh không cho phép giải cứu gia đình Romanov, và sau một cuộc họp bí mật của Xô-viết Yekaterinburg, bản án tử hình đã được tuyên cho gia đình hoàng gia.
Đêm muộn ngày 16/07, Nicholas, Alexandra, 5 người con và 4 người hầu của họ được lệnh phải nhanh chóng mặc quần áo, và đi xuống hầm của ngôi nhà mà họ đang bị giam giữ. Trong căn hầm đó, gia đình hoàng gia và những người hầu được yêu cầu xếp thành hai hàng để chụp một bức ảnh, lấy lý do để dập tắt tin đồn rằng họ đã trốn thoát. Đột nhiên, khoảng một chục người đàn ông có vũ trang xông vào phòng, xả súng bắn thẳng vào gia đình hoàng gia. Những người vẫn còn thở khi khói súng tan sau đó cũng bị đâm chết.
Hài cốt của Nicholas, Alexandra, và ba người con của họ được khai quật trong một khu rừng gần Yekaterinburg vào năm 1991, và được xác định danh tính hai năm sau đó bằng cách sử dụng xét nghiệm DNA. Thái tử Alexei và một người con gái của nhà Romanov vẫn chưa được tìm thấy, làm dấy lên truyền thuyết dai dẳng rằng Anastasia, con gái út của Romanov, đã sống sót sau vụ hành quyết gia đình mình. Trong số những cô “Anastasia” xuất hiện ở châu Âu vào thập niên sau Cách mạng Nga, Anna Anderson, người đã qua đời tại Mỹ năm 1984, là người có vai diễn thuyết phục nhất. Tuy nhiên, vào năm 1994, các nhà khoa học đã sử dụng DNA để chứng minh rằng Anna Anderson không phải là con gái của Sa hoàng, mà là một phụ nữ Ba Lan tên là Franziska Schanzkowska.