Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Nga cho biết họ sẽ đình chỉ các cuộc thanh tra vũ khí hạt nhân của Mỹ theo Hiệp ước START mới, đồng thời đổ lỗi rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến quá trình này trở nên cực kỳ khó khăn. Hiệp ước là thỏa thuận vũ khí hạt nhân duy nhất còn tồn tại giữa Mỹ và Nga. Nó giới hạn số lượng vũ khí hạt nhân mà họ có thể triển khai và cho phép mỗi bên kiểm tra kho vũ khí của bên còn lại. Hiệp ước dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2026, dù vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã gợi ý rằng chính quyền của ông muốn đàm phán về một hiệp ước thay thế nó.
Israel đã mở lại các cửa khẩu biên giới vào Dải Gaza vào thứ Hai, theo một thỏa thuận ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa Israel và các chiến binh Palestine, chính thức có hiệu lực vào Chủ nhật và dường như vẫn được tôn trọng. Các xe tải chở nhiên liệu đã có thể di chuyển vào Gaza, xoa dịu tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng. Các cuộc không kích của Israel vào khu vực này đã khiến 44 người thiệt mạng, trong đó có hai thủ lĩnh của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Trung Quốc đã thông báo về các cuộc tập trận quân sự mới xung quanh Đài Loan vào thứ Hai, bất chấp tuyên bố trước đó của họ, rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ kết thúc vào Chủ nhật. Trung Quốc cũng thông báo cuộc tập trận mới kéo dài đến ngày 15/08 ở Hoàng Hải, vùng nước ngăn cách họ với Bán đảo Triều Tiên. Quân Giải phóng Nhân dân đã tiến hành các cuộc tập trận có phối hợp lớn nhất từ trước đến nay ở Eo biển Đài Loan, để đáp trả chuyến thăm của một phái đoàn Mỹ. Tô Trinh Xương, Thủ tướng Đài Loan, cho biết hòn đảo của ông sẽ “không bao giờ cúi đầu trước áp lực.”
Các nhân viên Ukraine tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang phải “làm việc dưới nòng súng của Nga”, Đại sứ Ukraine tại cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tiết lộ vào hôm thứ Hai. Ông kêu gọi cử một phái đoàn quốc tế tới nhà máy hạt nhân vốn đã bị hư hại do người Nga pháo kích vào cuối tuần, theo các nhà chức trách Ukraine. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, cáo buộc Nga sử dụng “khủng bố hạt nhân” và kêu gọi các lệnh trừng phạt quốc tế đối với lĩnh vực hạt nhân của Nga.
Travis McMichael, một trong ba người đàn ông da trắng bị buộc tội giết Ahmaud Arbery vào năm 2020, đã nhận thêm bản án chung thân về tội thù hận (hate-crime), bổ sung vào bản án chung thân vì tội giết người đã tuyên trước đó. Hai kẻ giết người khác, gồm cha của McMichael và một người hàng xóm của gia đình họ, sẽ nhận phán quyết cuối cùng vào thứ Hai. Arbery, một người đàn ông da đen, đã bị đuổi theo và bị bắn chết khi đang chạy bộ qua một khu phố chủ yếu là người da trắng ở Georgia, trong một cuộc tấn công được nhiều người mô tả là “một vụ tư hình thời hiện đại.”
SoftBank, gã khổng lồ trong ngành đầu tư Nhật Bản do Masayoshi Son lãnh đạo, đã công bố khoản lỗ hàng quý kỷ lục: 23,4 tỷ USD. Việc bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu là nguyên nhân gây ra phần lớn thiệt hại: Vision Fund của Son hiện đang gánh khoản nợ hơn 17 tỷ đô la. Xu hướng giảm sự ủng hộ dành cho các công ty khởi nghiệp và việc không bán được Arm, một công ty sản xuất chip của Anh, đã khiến SoftBank gặp khó khăn suốt nhiều tháng qua.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ cho biết Boeing có thể sớm nối lại việc chuyển giao các lô hàng máy bay phản lực 787 Dreamliner của mình, gần hai năm sau khi việc giao hàng bị tạm dừng vì lỗi sản xuất. Thông báo này là tin tức đáng hoan nghênh đối với công ty sau một vài năm nhiều biến động – dòng máy bay 737 MAX của hãng đã buộc phải dừng hoạt động sau hai vụ tai nạn chết người, bên cạnh những gián đoạn trong di chuyển bằng đường hàng không do đại dịch.
Tiêu điểm
Tương lai nào cho hạ nghị sĩ cấp tiến Ilhan Omar ở Minneapolis?
Bốn tiểu bang của Mỹ sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào thứ Ba, trước khi diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Nhưng có lẽ Minnesota – cụ thể là quận thứ năm của nó, bao gồm thành phố lớn nhất tiểu bang, Minneapolis – sẽ là nơi mang lại bất ngờ lớn nhất. Đó là vì cử tri đang lo lắng về tình hình tội phạm.
Kể từ mùa hè năm 2020, khi George Floyd bị một cảnh sát của thành phố sát hại, cảnh sát vẫn là một vấn đề nóng bỏng. Nhưng thái độ đối với lực lượng này đã đột ngột thay đổi khi tội phạm – cụ thể là các vụ nổ súng và cướp xe –gia tăng trên toàn quốc.
Ilhan Omar – một nữ nghị sĩ Đảng Dân chủ siêu cấp tiến (hyper-progessive), và là thành viên sáng lập của nhóm The Squad trong Hạ viện – có thể sẽ thua cuộc do sự thay đổi thái độ kể trên. Bà là người nhiệt tình đề xuất ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát và xóa bỏ Sở cảnh sát Minneapolis. Vào tháng 11, các cử tri đã bác bỏ đề xuất đó một cách rõ ràng. Và bầu cử sơ bộ hôm thứ Ba cho họ cơ hội thay thế Omar bằng Don Samuels, một cựu thành viên hội đồng thành phố, người đã vận động tranh cử mạnh mẽ về vấn đề tội phạm. Omar vẫn là người có khả năng chiến thắng – nhưng bà cũng có thể sẽ thất vọng.
Bầu cử tổng thống ở Kenya
Kenya đã là một nền dân chủ đa đảng trong 30 năm, nhưng chỉ sở hữu những thành tích không nhất quán. Bầu cử năm 2002 là một sự kiện tràn ngập niềm vui, nhưng bạo lực sắc tộc đã nổ ra sau cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi vào năm 2007. Hôm thứ Ba, những người Kenya chật vật tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống thứ năm của họ sẽ lại phải đối mặt với một tương lai ảm đạm, mà nguyên nhân phần nhiều là từ dàn ứng viên chẳng mấy triển vọng.
Raila Odinga, ứng viên hàng đầu, chỉ về nhì trong ba cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất mà ông tham gia tranh cử. Liên minh của ông với vị tổng thống sắp mãn nhiệm không được lòng dân, Uhuru Kenyatta, đã làm hoen ố danh tiếng của ông – và Kenyatta đã phải vật lộn để thuyết phục bộ tộc của mình, người Kikuyu, ủng hộ Odinga. Trong khi đó, đối thủ chính của Odinga là William Ruto, phó tổng thống đương nhiệm. Sau những tranh cãi với Kenyatta, chiến dịch dân túy của Ruto đã đánh trúng tâm lý bất bình của người dân Kenya.
Những lời hứa hẹn tranh cử ngông cuồng, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe toàn dân, sẽ khó mà được cấp ngân sách, và hiện chỉ được đón nhận một cách thờ ơ. Nhiều thanh niên Kenya thậm chí còn không thèm đăng ký bỏ phiếu. Người chiến thắng sẽ phải đối phó với một khối cử tri ủ rũ và một nền kinh tế bấp bênh. Dù sao thì Kenya có lẽ cũng đã ‘trưởng thành’ về mặt chính trị.
Tình hình lạm phát ở các thị trường mới nổi
Brazil và Trung Quốc nằm ở hai đầu đối diện của từ viết tắt BRICs nổi tiếng, vốn do ngân hàng Goldman Sachs đặt ra, để chỉ bốn trong số các thị trường mới nổi lớn nhất. Hai gã khổng lồ hiện cũng ở hai đầu đối lập của chu kỳ lạm phát toàn cầu.
Ngân hàng trung ương Brazil là một trong những ngân hàng đầu tiên phản ứng với nguy cơ tăng giá. Nó bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 03/2021 và đã mạnh mẽ chiến đấu với lạm phát kể từ đó. Vào tháng 6, tỷ lệ lạm phát hàng năm của nước này lên tới 11,9%. Các số liệu lạm phát mới công bố vào thứ Ba có thể sẽ là dấu hiệu cho thấy tăng giá cuối cùng cũng đạt đỉnh.
Tại Trung Quốc, quốc gia đang chống chọi với thị trường bất động sản trì trệ kéo dài và các đợt phong tỏa virus liên tục, thì một nền kinh tế ‘quá nóng’ dường như là nỗi lo xa vời. Nhưng các số liệu mới vào thứ Tư có thể cho thấy tình trạng lạm phát tạm lắng bấy lâu nay đã bắt đầu trỗi dậy, và có thể đe dọa mục tiêu 3% của chính phủ. Đối với vấn đề lạm phát, hai nền kinh tế mới nổi – nhưng cực kỳ khác biệt này – có thể kết thúc năm nay theo cách tương tự nhau.
Về những người sẽ bầu chọn thủ tướng tiếp theo của Anh
Thế nào là một thành viên Đảng Bảo thủ? Câu hỏi này từng được trả lời bằng những biếm họa, về những gương mặt hồng hào và những chiếc quần thậm chí còn hồng hơn thế. Tuy nhiên, sự hài hước đó đã dần phai nhạt. Trong 4 năm qua, các thành viên Đảng Bảo thủ đã phải hai lần bầu chọn Thủ tướng Anh. Sau khi Boris Johnson tuyên bố từ chức vào tháng 7, họ lại bị triệu tập một lần nữa. Vào thứ Ba, họ sẽ tập trung tại Darlington miền đông bắc nước Anh, điểm dừng chân mới nhất trong chuyến vận động tranh cử của Liz Truss và Rishi Sunak, hai ứng viên đang tìm cách lôi kéo họ. Sau đó, vào cuối tuần, những người này sẽ nhận được lá phiếu qua bưu điện và phải đưa ra quyết định trước ngày 02/09.
Không ai biết chính xác có bao nhiêu đảng viên Bảo thủ, người ta ước tính con số vào khoảng 160.000, trong đó nhóm đàn ông, lớn tuổi và da trắng, chiếm áp đảo. Trong những cuộc vận động tranh cử, họ luôn rất lịch sự, dù thường xuyên tỏ ý bất bình. Một số bị thu hút bởi bản tính “điên cuồng” của bà Truss, Ngoại trưởng và là người được cho là có thể đánh bại ông Sunak, cựu Thủ tướng. Và nhiều người trong nhóm đảng viên này, trên thực tế, thích mặc quần dài màu hồng.