Sự chuyển dịch từ tư duy ‘cực’ sang ‘mạng lưới’ trong trật tự quốc tế đa cực hiện nay

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Vũ Lê Thái Hoàng* – Phạm Duy Thực**

 Tóm tắt: Khủng hoảng U-crai-na tạo ra nhiều hệ luỵ đối với quan hệ quốc tế, trong đó trật tự quốc tế có nguy cơ bị phân tách, thậm chí phân cực hơn. Tuy nhiên, khủng hoảng U-crai-na khó có thể đảo ngược tiến trình quá độ của trật tự quốc tế sang “đa cực, đa trung tâm” trong một sớm một chiều. “Đa cực, đa trung tâm” vẫn là chiều hướng phát triển chung của thế giới hiện nay. Song song với đó, xu hướng “mạng lưới” manh nha hình thành và phát triển. “Mạng lưới” giúp gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, thúc đẩy hợp tác và góp phần duy trì hoà bình thế giới, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh ở các mức độ khác nhau. Bài viết cho rằng tư duy về trật tự quốc tế theo “cực” gắn với cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện thực tồn tại từ lâu và ảnh hưởng sâu rộng đến tư duy quản trị toàn cầu và đối ngoại của các nước. Tuy nhiên, xu thế khách quan của thế giới cùng với nhu cầu triển khai chính sách đối ngoại linh hoạt và hiệu quả của các nước tạo ra xu hướng phát triển của “mạng lưới” đa trung tâm. Bài viết phân tích tư duy trật tự quốc tế theo “mạng lưới,” rút ra một số đặc điểm của tư duy này và gợi mở chính sách cho các nước nhỏ và tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tư duy trật tự quốc tế theo “cực”

Tuỳ theo cách tiếp cận, có nhiều định nghĩa khác nhau về trật tự quốc tế, nhưng nhìn chung, trật tự quốc tế được hiểu là một trạng thái so sánh và phân bổ quyền lực và là mẫu hình hoạt động hoặc dàn xếp hành vi của các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, theo luật chơi chung vì lợi ích quốc gia – dân tộc và của cả hệ thống quốc tế.[1]

Trật tự quốc tế ngày nay chủ yếu bắt nguồn từ sự hình thành quốc gia – dân tộc có chủ quyền theo Hoà ước Westphalia năm 1648 chấm dứt cuộc Chiến tranh Ba mươi năm ở châu Âu. Theo Henry Kissinger, Hoà ước Westphalia đặt nền móng cho quan hệ quốc tế hiện đại với các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế như độc lập dân tộc, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc tự quyết và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.[2]

Thế giới đã trải qua ba mô hình trật tự quốc tế chính, gồm trật tự đa cực, trật tự hai cực và trật tự đơn cực (trật tự đa cực từ 1648-1945, trật tự hai cực Yalta từ 1945-1991, thời khắc trật tự đơn cực từ 1991-2009. Từ năm 2009 thế giới chuyển sang thời kỳ quá độ sang “đa cực, đa trung tâm.”

Tư duy trật tự quốc tế theo “cực” vẫn rất phổ biến trong đời sống quan hệ quốc tế hiện nay. Mỹ giương cao “trật tự quốc tế tự do” với nỗ lực lấy lại vị thế siêu cường. Châu Âu mở rộng ra phía Đông để trở thành cường quốc đa phương. Nhật Bản tìm cách lấy lại vị thế nước lớn như thời điểm trước khi bị Trung Quốc vượt lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ công khai kêu gọi xây dựng một trật tự quốc tế “đa cực,” trong đó các nước này là các cực quan trọng.

Tư duy trật tự quốc tế theo “cực” chủ yếu xuất phát từ lý luận của chủ nghĩa hiện thực. Trong đó “cực” là các nước lớn, có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống quốc tế.[3] Kenneth Waltz nhận định, lịch sử quan hệ quốc tế trong hơn ba trăm năm qua luôn xoay chuyển theo sự thăng trầm của  “cực” vì “cực” có nguồn lực hoặc cơ hội để đạt được mục tiêu của mình. “Cực” vượt trội hơn các nước khác về mọi thành tố của năng lực quốc gia như dân số, lãnh thổ, tài nguyên thiên nhiên, năng lực kinh tế, lực lượng quân đội cũng như năng lực tổ chức – thể chế.[4] Fatos Tarifa cho rằng, “cực” sở hữu quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế, quyền lực quân sự và quyền lực về công nghệ. Vì vậy, khi “cực” gia nhập hoặc rời khỏi hệ thống quốc tế sẽ làm thay đổi cấu trúc của hệ thống và dẫn đến sự thay đổi trật tự quốc tế.[5]

Tư duy trật tự quốc tế theo “cực” có một số đặc điểm chính, gồm: (i) Tương quan lực lượng và phân bổ quyền lực theo thứ bậc phản ánh chính trị cường quyền nước lớn. Các nước yếu hơn trở thành “con tin” hay “lá bài” để các “cực” đem ra mặc cả trong cuộc chơi quyền lực của họ; (ii) Các “cực” thiết lập phạm vi ảnh hưởng, vùng đệm và vành đai an ninh để loại trừ các “cực” khác, đồng thời chi phối các nước trong phạm vi ảnh hưởng của mình; (iii) Không gian lựa chọn chính sách hạn chế, liên minh và chọn bên là phổ biến do các “cực” xây dựng liên minh riêng để cân bằng quyền lực; (iv) “Cực” mang nặng tính ý thức hệ. Minh chứng rõ nhất là trong Chiến tranh Lạnh; (v) “Cực” có tính đối kháng và hệ quả là dẫn đến chiến tranh. Thế giới đã xảy ra hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng trăm cuộc chiến tranh nhỏ hơn xảy ra từ năm 1648 đến nay; (vi) “Cực” cản trở toàn cầu hoá, chủ nghĩa đa phương và giải quyết hiệu quả các vấn đề toàn cầu. Tư duy theo cực tuy không đảo ngược xu thế toàn cầu hoá, liên kết và hội nhập quốc tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, song tạo ra sự phân mảnh thế giới, làm trầm trọng hơn chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý, hướng nội, biệt lập, bảo hộ, dẫn tới nguy cơ căng thẳng và mâu thuẫn, làm cho hợp tác quốc tế không thực chất. Đồng thời, các thiết chế đa phương gặp thách thức lớn, thậm chí bị tê liệt do các nước lớn phớt lờ, lợi dụng, thậm chí rút khỏi khi thấy các thiết chế đa phương không phục vụ được lợi ích của họ tại thời điểm đó.

Tư duy “mạng lưới”

Song song với đó, tư duy trật tự quốc tế theo “mạng lưới” hình thành và phát triển. Theo Zeev Maoz, quan hệ quốc tế là tập hợp các “mạng lưới” với các cấp độ và tầng nấc khác nhau. Trong một thế giới vô chính phủ, các quốc gia lo lắng cho an ninh và sự sinh tồn của mình nhưng nhiều quốc gia không thể tự bảo đảm an ninh cho mình nên cần phải kết giao với quốc gia khác để tạo sự cân bằng. Sự kết giao với các quốc gia khác hình thành nên các “mạng lưới” hợp tác cả về an ninh, kinh tế và thể chế.[6] Anne-Marie Slaughter cho rằng, tư duy “mạng lưới” là nhìn trật tự quốc tế không phải theo chiều dọc với bàn cờ chính trị quốc tế gồm các quốc gia độc lập, mà theo chiều ngang, gồm các mạng lưới kết nối xuyên chính phủ. “Mạng lưới” tạo ra một xã hội rộng mở, chính phủ rộng mở và hệ thống quốc tế rộng mở.[7] Emilie M. Hafner-Burton, Miles Kahler và Alexander H. Montgomery cho rằng “mạng lưới” phản ánh mẫu hình quan hệ mang tính cấu trúc, thể hiện sự liên kết và mối quan hệ giữa các trung tâm (hubs) và các “điểm nút” (nodes), là trung gian để tạo thành liên kết quan hệ dựa trên lợi ích. Các “điểm nút” có thể là quốc gia, hay dưới tầm quốc gia như tổ chức, cá nhân hoặc doanh nghiệp, v.v…[8]

Kết nối thương mại trên thế giới năm 1960, 1990 và 2020[9]

Nhiều quốc gia đã áp dụng tư duy “mạng lưới” vào việc triển khai chính sách đối ngoại, trong đó Mỹ là quốc gia đi tiên phong. Anne-Marie Slaughter cho rằng, Mỹ vận dụng “mạng lưới” trong chính sách đối ngoại từ khi Chính quyền Tổng thống George W. Bush huy động các lực lượng khác nhau trên thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố, song “mạng lưới” lúc đó còn mang tính sự vụ (ad-hoc).[10] Chính quyền Tổng thống Obama nâng tư duy “mạng lưới” lên tầm chiến lược hơn, thể hiện rõ trong Sáng kiến “Mạng lưới an ninh có nguyên tắc” mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Ashton Carter nêu ra tại Đối thoại Shangri-La, Xin-ga-po năm 2016. Richard Fontaine, Patrick Cronin, Mira Rapp-Hooper và Harry Krejsa cho rằng, Chính quyền Tổng thống Obama phát triển “mạng lưới” các quan hệ an ninh dày đặc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để bổ trợ cho cấu trúc “trục và nan hoa.” “Mạng lưới” an ninh của Mỹ có ba hướng chính: (i) Tăng cường hợp tác ba bên trong hệ thống đồng minh “trục và nan hoa”, ví dụ Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc hoặc Mỹ – Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a; (ii) Khuyến khích hợp tác giữa các “nan hoa,” giữa các “nan hoa” với các đối tác cùng quan điểm, ví dụ như Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a – Phi-líp-pin, Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a – Ấn Độ, Nhật Bản- Việt Nam; và (iii) Tăng cường mạng lưới an ninh, hợp tác thực chất tại các thiết chế đa phương khu vực, ví dụ như ADMM+.[11] Chính quyền Tổng thống Donald Trump và Chính quyền Tổng thống Joe Biden kế thừa và mở rộng “mạng lưới” thông qua khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPS), Bộ Tứ (QUAD), dàn xếp an ninh ba bên Anh – Ô-xtrây-li-a – Mỹ (AUKUS) và hợp tác với các đối tác cùng quan điểm. Mỹ cũng dẫn dắt các sáng kiến cơ sở hạ tầng mới như Mạng lưới điểm Xanh, và Tái xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (B3W) để đối trọng với Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. Mỹ cũng cạnh tranh có trách nhiệm hơn với các đối thủ như Trung Quốc và Nga.[12] Liên minh châu Âu (EU) có tư duy “mạng lưới” liên khu vực và toàn cầu. Năm 2016, EU đề ra Chiến lược toàn cầu về chính sách đối ngoại và an ninh, trong đó EU nhận thức thế giới ngày càng kết nối “mạng lưới” hơn. An ninh bên trong và bên ngoài EU đan xen lẫn nhau. Vì vậy, EU phải hành động như người định hình chương trình nghị sự, người kết nối, người điều phối và người thúc đẩy “mạng lưới” các chủ thể khác nhau. EU triển khai các ưu tiên chính sách thông qua các “mạng lưới” với các đối tác chủ chốt, các nước cùng quan điểm và các tổ chức khu vực nhằm cung cấp hàng hoá công và giải quyết các thách thức chung.[13] Năm 2018, EU công bố chiến lược Á – Âu, tập trung kết nối trên các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng mới, ứng dụng công nghệ số hóa và kết nối con người với nhau. Mục tiêu của chiến lược này là hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển và hàng không để tận dụng cơ hội ở cả hai châu lục.[14] Tháng 12/2021, EU công bố chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” để cạnh tranh với Sáng kiến BRI của Trung Quốc; tháng 3/2022 công bố “La bàn chiến lược” về an ninh quốc phòng trong không gian lân cận EU.

Một số quốc gia châu Âu chủ chốt như Pháp và Đức áp dụng tư duy “mạng lưới” thông qua việc thiết lập Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương. Đây là một “mạng lưới” phi chính thức các quốc gia cam kết xây dựng một trật tự đa phương để bảo đảm ổn định và hoà bình quốc tế và giải quyết các thách thức chung thông qua hợp tác. Liên minh này bảo vệ các quy chuẩn quốc tế, các hiệp định và thể chế đang bị áp lực hoặc gặp nguy hiểm; theo đuổi một chương trình nghị sự tích cực trong các lĩnh vực chính sách thiếu quản trị hiệu quả và những thách thức mới cần hành động tập thể; và thúc đẩy cải cách mà không làm ảnh hưởng đến các nguyên tắc và giá trị chính nhằm làm cho các thể chế đa phương và trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu bao trùm hoạt động hiệu quả hơn và mang lại kết quả rõ ràng cho người dân trên thế giới.[15]

Ca-na-đa kêu gọi cách tiếp cận đối ngoại theo Chiến lược mạng lưới toàn cầu (GNS) và công khai công nhận phát huy ảnh hưởng thông qua kết nối bởi vì Ca-na-đa nhận thức rằng “mạng lưới xác định cách thức vận hành của thế giới ngày nay.” Nội dung cốt lõi của GNS là cộng tác với chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), khu vực tư nhân, và các lực lượng chuyên biệt của Ca-na-đa, từ thanh niên đến giới học thuật, nghệ sĩ, v.v…

Nhật Bản cũng có tư duy “mạng lưới” để mở rộng liên kết khu vực và đối trọng với đối thủ ở khu vực là Trung Quốc. Nhật Bản tăng cường liên minh quân sự với Mỹ để duy trì nguyên trạng của trật tự quốc tế, mở rộng mạng lưới an ninh với Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, và một số quốc gia châu Âu; làm sâu sắc quan hệ với các nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, các nước Đông Nam Á. Nhật Bản đồng thời cải thiện quan hệ với Trung Quốc, tham gia hợp tác trong một số dự án BRI của Trung Quốc ở nước ngoài.[16]

Trong khi đó, Trung Quốc có một đại chiến lược về “mạng lưới.” Trung Quốc kiên trì triển khai tầm nhìn “Cộng đồng chung vận mệnh,” sáng kiến BRI cùng với nguồn lực từ Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) để tăng cường liên kết, hợp tác và phát huy ảnh hưởng ở tầm toàn cầu.[17] Anne-Marie Slaughter cho rằng, Sáng kiến BRI của Trung Quốc thực sự là một “mạng lưới” mở, kết nối khu vực Á – Âu cả trên đất liền và trên biển mà ở đó mọi con đường đều dẫn đến Bắc Kinh.[18]

Nga duy trì các “mạng lưới” như Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), BRICS, SCO, hợp tác quân sự với các đối tác truyền thống ở châu Á (Ấn Độ, Mi-an-ma, Việt Nam, Xi-ri), kênh hợp tác dầu và khí đốt với châu Âu, v.v…

Ấn Độ tham gia các “mạng lưới” quan hệ khác nhau, gồm BRICS, Hiệp hội Nam Á vì Hợp tác Khu vực (SAAC), các nước Hồi giáo ở Trung Đông, Bộ Tứ, các hợp tác ba bên như Ấn Độ – Trung Quốc – Nga, Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ, Ấn Độ – Nhật Bản – Ô-xtrây-li-a (gồm Sáng kiến phục hồi chuỗi cung ứng), Ấn Độ – Pháp – Nhật Bản…[19]

Một số nước Đông Nam Á cũng có tư duy “mạng lưới.” In-đô-nê-xi-a xây dựng tầm nhìn phát triển Trục biển toàn cầu (GMF) vào năm 2014 (năm 2017 công bố Chính sách Biển để hiện thực hoá GMF với 7 trụ cột và 76 dòng hành động).[20] Theo đó, In-đô-nê-xi-a đặt mục tiêu trở thành cường quốc tầm trung kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và thích ứng với sự chuyển động địa chính trị ở khu vực bắt nguồn từ các chiến lược và dàn xếp khu vực của các nước lớn như IPS, BRI, QUAD, AUKUS.[21] Tháng 12/2020, In-đô-nê-xi-a đề xuất ý tưởng thúc đẩy hợp tác “mạng lưới cảnh sát biển” của các nước ven Biển Đông (Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Việt Nam) để “chia sẻ kinh nghiệm” tăng cường “phối hợp” đối phó với các thách thức chung. Xin-ga-po phát triển thành trung tâm kết nối dịch vụ hậu cần cảng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đang tìm cách phát triển thành trung tâm thương mại số ở châu Á…

Các nước lựa chọn “mạng lưới” vì: (i) Sự chuyển dịch địa chính trị và tương quan sức mạnh thay đổi, các nước lớn không thể tự mình chi phối hoặc gánh vác công việc của thế giới;[22] (ii) Các nước lớn tăng cường cạnh tranh chiến lược với nhau song vẫn giữ cầu hợp tác, đặc biệt là về kinh tế thương mại, tránh xung đột trực tiếp và hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu, do vậy cần tập hợp lực lượng rộng khắp với các nước lớn khác và các nước nhỏ và tầm trung; (iii) Các nước nhỏ và tầm trung cũng có nhu cầu đa dạng hoá các hình thức tập hợp lực lượng, tránh phải lựa chọn đứng về một “cực” để đối đầu với “cực” khác, từ đó hạn chế cơ hội hợp tác rộng mở nhằm tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, phục vụ sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Thực tiễn trên cho thấy tư duy trật tự quốc tế theo “mạng lưới” có một số đặc điểm chính sau:

Thứ nhất, chủ thể chính trong “mạng lưới” vẫn là các nước lớn, song khoảng cách thu hẹp hơn. Phân bổ quyền lực giữa các quốc gia theo lĩnh vực và khu vực địa lý. Các nước lớn là trung tâm trong các mạng lưới chính trị, an ninh – quốc phòng, thương mại đầu tư, công nghệ.[23] Mặc dù vậy, các nước tầm trung và nước nhỏ vẫn phát huy được vai trò trong “mạng lưới,” có thể trở thành “điểm nút” quan trọng trong “mạng lưới” nếu phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình. Dani Rodrik và Stephen Walt khẳng định, trong trật tự thế giới ngày nay, các quốc gia lớn nhỏ khác nhau tồn tại trong đa dạng bất kể có sự khác nhau về chế độ chính trị, mô hình phát triển, nền văn hoá, tư tưởng. Các nước lớn phải tìm kiếm sự đồng thuận, thiện chí và hợp tác từ các quốc gia khác để đạt được trạng thái cân bằng cho trật tự quốc tế mới.[24]

Bên cạnh đó, “mạng lưới” còn khuyến khích sự tham gia của các chủ thể khác, như các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và người dân. Nói cách khác, “mạng lưới” có tác dụng tăng cường ngoại giao nhân dân.

Thứ hai, mục tiêu của các quốc gia là trở thành trung tâm của các “mạng lưới.” Quyền lực trong “mạng lưới” là khả năng quốc gia kiến tạo và tối đa hoá các “mạng lưới” quốc tế. Quyền lực của quốc gia trong “mạng lưới” không chỉ được xác định bởi các thuộc tính của nó (sức mạnh tổng hợp), mà còn được xác định bởi “điểm nút” trong “mạng lưới” kết nối một cách liên tục và số lượng các kết nối có được. “Điểm nút” càng ở vị trí trung tâm của “mạng lưới” và kết nối càng mạnh mẽ và chặt chẽ với nhiều “điểm nút” khác thì quyền lực của “điểm nút” trong “mạng lưới” càng cao.[25] Nói cách khác, quốc gia ở vị  trí trung tâm của “mạng lưới” có vị thế quốc tế cao nhất, tiếp đến là các “điểm nút.”[26]

Thứ ba, mẫu hình quan hệ trong “mạng lưới” là sự liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa “trung tâm” và các “điểm nút” dựa trên sự song trùng về lợi ích. Mối quan hệ có thể ngang bằng hoặc theo thứ bậc (nước lớn – nước lớn, nước lớn – nước nhỏ và nước nhỏ – nước nhỏ). “Mạng lưới” có ba nguyên tắc: (i) Các “điểm nút” và hành vi của các “điểm nút” là phụ thuộc lẫn nhau, không phải là các đơn vị độc lập; (ii) Quan hệ giữa các “điểm nút” có thể là kênh chuyển giao vật chất (vũ khí, tài chính…) hoặc sản phẩm phi vật chất (thông tin, chuẩn mực, niềm tin…); và (iii) Mẫu hình quan hệ lâu bền giữa các “điểm nút” tạo thành cấu trúc, từ đó xác định, cho phép hoặc hạn chế hành vi của các “điểm nút.” “Mạng lưới” tồn tại trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế thương mại, an ninh – quốc phòng, công nghệ, môi trường, v.v… Quan hệ giữa các nước dù thăng trầm song các nước cơ bản vẫn đan cài lợi ích, duy trì sự phụ thuộc lẫn nhau nhất định; không nhất biên đảo, chọn bên, đi với bên này để chống bên kia; không đứt gãy hoàn toàn và tránh hết mức khả năng xung đột quân sự trực tiếp với nhau.

Ví dụ, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, coi nhau là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất,”[27] song hai nước vẫn nỗ lực tìm kiếm điểm cân bằng mới trong quan hệ như ký Thoả thuận thương mại giai đoạn 1 (tháng 1/2020) và Mỹ miễn trừ thuế đối với hơn 350 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (tháng 3/2022). Đối phó với việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại U-crai-na, Mỹ và các nước đồng minh NATO một mặt củng cố quan hệ rạn nứt, mặt khác tăng cường hỗ trợ tài chính và vũ khí cho U-crai-na, điều động quân đội hiện diện thường trực ở sườn Đông của châu Âu để tăng cường răn đe Nga và áp đặt hơn 5.000 biện pháp trừng phạt đối với nước này, khiến Nga trở thành quốc gia chịu nhiều trừng phạt nhất trên thế giới. Nguy cơ phân tách Mỹ – Nga và EU – Nga trở nên hiện hữu hơn song “mạng lưới” là chất keo dính làm cho quan hệ Mỹ – Nga và EU – Nga không đổ vỡ hoàn toàn, ít nhất là trong ngắn hạn. [28]

Mẫu hình quan hệ trong “mạng lưới” còn biểu hiện ở chỗ, bên cạnh các liên minh truyền thống dựa trên lợi ích và giá trị (chủ yếu là các liên minh quân sự của Mỹ), các nước tập hợp lực lượng phi chính thức, mang tính sự vụ, lỏng lẻo, tiệm tiến, hợp tác và liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, đa khu vực, đa đối tác.[29]

Hợp tác đa phương vẫn là xu hướng chủ đạo, song hợp tác nhóm, hợp tác chuyên biệt ngày càng phổ biến. Các cơ chế hợp tác này có mức độ thể chế hóa thấp, lỏng lẻo, linh hoạt. Các nước tập trung tìm kiếm cơ hội hợp tác theo từng bối cảnh, tình huống, lĩnh vực cụ thể, nhất là trong lĩnh vực chuyên biệt mà họ có thể dẫn dắt và định hình chương trình nghị sự, có sự tham gia của các nước có cùng quan điểm, có tác dụng giảm tính nhạy cảm của việc “chọn bên” trong tập hợp lực lượng của các nước lớn và nguy cơ bị mắc kẹt trong cạnh tranh nước lớn.[30]

Thứ tư, luật chơi của “mạng lưới” dựa trên nguyên tắc, cạnh tranh có trách nhiệm. Các yếu tố đơn phương, bá quyền đơn phương, cường quyền nước lớn, gây sức ép và lôi kéo vẫn tồn tại trong quan hệ quốc tế do tư duy “cực” vẫn còn hiệu hữu. Tuy nhiên, các nước lớn đồng thời cạnh tranh trong việc cung cấp hàng hoá công và xây dựng năng lực cho các nước vừa và nhỏ cùng phát triển. Ví dụ, Trung Quốc và Mỹ tung ra các đại sáng kiến về cơ sở hạ tầng như BRI, B3W và Mạng lưới Điểm xanh để hỗ trợ năng lực cho các nước đang phát triển; Mỹ đưa ra Sáng kiến Tương lai sức khoẻ Mỹ – ASEAN trị giá 40 triệu USD để chống đại dịch Covid-19; Nhóm Bộ Tứ thiết lập các nhóm dịch vụ công hỗ trợ các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Đối tác vắc-xin, Nhóm làm việc về biến đổi khí hậu, Nhóm làm việc về công nghệ quan trọng và mới nổi, v.v…

Luật pháp quốc tế tuy đối mặt với thách thức nghiêm trọng do chính trị cường quyền song các nước trên thế giới, kể cả các nước lớn, vẫn có nhu cầu thượng tôn các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, khủng hoảng U-crai-na càng tạo thêm động lực cho các nước trên thế giới đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và giải quyết hoà bình các mâu thuẫn, khác biệt và tranh chấp quốc tế. Minh chứng rõ nét là Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 2/3/2022 đã thông qua nghị quyết với 141 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống, yêu cầu Nga ngừng hoạt động quân sự tại U-crai-na. Hơn 100 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã phát biểu, hầu hết bày tỏ quan ngại trước tình hình trên thực địa và cho rằng cần sớm nối lại đối thoại, ngăn tình hình xấu đi, chú trọng tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết xung đột trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.[31]

Tác động và hàm ý chính sách cho các nước nhỏ và tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ một trong các nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược đối ngoại là trong trung và dài hạn, phải dự báo trước các kịch bản về “những biến đổi trong trật tự quốc tế” để chuẩn bị sẵn các phương án ứng phó.[32] Quá trình chuyển dịch của trật tự quốc tế sang “đa cực, đa trung tâm” cùng với sự xuất hiện của xu hướng “mạng lưới” đa trung tâm mang đến cả tác động thuận và không thuận đối với an ninh, phát triển và vị thế của các nước nhỏ và tầm trung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Về tác động thuận, “mạng lưới” góp phần củng cố hoà bình, an ninh thế giới và sự ổn định của trật tự quốc tế. Các “mạng lưới” khác nhau có thể có các nguyên tắc, luật chơi khác nhau song “mạng lưới” cơ bản đề cao các nguyên tắc hành xử trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Các quốc gia trong “mạng lưới” phụ thuộc lẫn nhau, gửi đi thông điệp về mục đích ôn hoà/hoà bình của mình và nắm bắt rõ hơn mục đích ôn hoà/hoà bình của các nước trong “mạng lưới,” hạn chế áp đặt chính trị cường quyền, chèn ép và bắt nạt, qua đó giảm thiểu nghi ngờ, hiểu lầm, tính toán sai và nguy cơ xung đột, chiến tranh.

“Mạng lưới” còn có tác dụng thúc đẩy hợp tác giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, cấp bách toàn cầu của thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng bố, ô nhiễm môi trường. Anne-Marie Slaughter cho rằng các thách thức toàn cầu này hình thành theo mạng lưới xuyên quốc gia, cho nên cần phải có giải pháp “mạng lưới” mang tính xuyên quốc gia mới giải quyết được. Một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia không thể tự mình giải quyết được các thách thức an ninh toàn cầu này.[33]

“Mạng lưới” đồng thời tăng cường hợp tác cùng phát triển, trao đổi hàng hoá công trên cơ sở song trùng về lợi ích quốc gia – dân tộc. Các nước lớn có cơ hội quảng bá và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, thành tựu khoa học công nghệ, các phương pháp, biện pháp quản trị đất nước tối ưu và hỗ trợ các thành viên kém phát triển hơn trong mạng lưới; các nước nhỏ có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ và tương thích các chuẩn mực quốc tế hơn.[34] Cụ thể, mạng lưới thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt và hiệu quả; đa dạng hoá các lĩnh vực hợp tác, hợp tác nhóm, chuyên biệt, tham gia vào các FTA ở các cấp độ khác nhau, các dự án kết nối, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, thị trường vốn, công nghệ, chuỗi cung ứng, v.v…

“Mạng lưới” cũng trao cho các nước nhỏ và tầm trung cơ hội nâng tầm vị thế quốc gia. Họ có thể gần vị trí trung tâm của “mạng lưới” nếu lựa chọn đúng vấn đề thực sự có lợi thế so sánh, kết nối với đúng đối tác cùng chung lợi ích và đúng thời điểm. Các nước nhỏ và tầm trung có thể vượt qua vùng an toàn, nâng cao hơn nữa thương hiệu quốc gia. Họ không chỉ “tích cực, chủ động tham gia” mà còn “chủ động, tích cực kiến tạo,” phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt, hoà giải và đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các thiết chế đa phương.

Về tác động không thuận, “mạng lưới” không ngăn chặn triệt để hành vi cường quyền “cá lớn nuốt cá bé” vì tư duy “cực” vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, các nước nhỏ và tầm trung đối mặt với xu hướng cạnh tranh “vùng xám” giữa các nước lớn, các biện pháp cưỡng ép và dụ dỗ, lôi kéo tinh vi của các nước lớn vào “mạng lưới” của họ; hợp tác có thể dàn trải; các nước nhỏ và tầm trung có thể bị thất thế ngay trong các vấn đề mà họ có lợi thế; vị thế và uy tín trên trường quốc tế có thể bị suy giảm nếu không tận dụng triệt để ưu thế của “mạng lưới,” lựa chọn sai “mạng lưới” hoặc sai vấn đề và đối tác.

Để phát huy các tác động thuận và hoá giải các tác động không thuận của “mạng lưới,” các nước nhỏ và tầm trung trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược trước hết cần mở rộng tư duy về trật tự thế giới. Tư duy trật tự quốc tế theo “cực” vẫn tồn tại. Các quốc gia vẫn lo lắng cho sự sinh tồn, an ninh quốc gia và quyền lực. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào “cực” sẽ đóng khung tư duy về thế giới, dẫn đến vòng luẩn quẩn, thiếu linh hoạt trong ứng phó với sự chuyển động của tình hình quốc tế, dễ bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn, luôn lo lắng phải chọn bên hoặc bị các nước lớn thoả hiệp ở sau lưng. Ngược lại, “mạng lưới” tạo ra tâm thế cởi mở và tự tin hơn với thế giới bên ngoài, đan cài lợi ích chặt chẽ hơn, sẵn sàng mở rộng hợp tác với các nước lớn nhỏ khác nhau, đưa các quan hệ đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, để bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, các nước nhỏ và tầm trung, ngoài việc kiên trì theo đuổi các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, hợp tác,… cần phấn đấu trở thành trung tâm của các “mạng lưới,” phát huy vai trò tiên phong trong mạng lưới trong các vấn đề có lợi ích cao và có lợi thế so sánh, ít nhất là các “điểm nút” ở gần trung tâm của các “mạng lưới,” trung gian kết nối giữa trung tâm và các “điểm nút” trong “mạng lưới,” nâng cao vị trí, vị thế trong “mạng lưới” và trên trường quốc tế.

Các nước nhỏ và tầm trung cũng cần tích cực tham gia các “mạng lưới” trên các cấp độ khác nhau do các nước lớn thiết lập để đan xen chặt chẽ lợi ích, gồm các “mạng lưới” đa phương cũng như “mạng lưới” các nhóm các quốc gia cùng quan điểm; chủ động kiến tạo và tiên phong trong các “mạng lưới” theo vấn đề chuyên biệt mà mình có lợi thế và gắn chặt với lợi ích quốc gia – dân tộc; tự tin hơn trong việc tham gia vào các “mạng lưới” nhạy cảm về an ninh, chính trị để tăng cường đối thoại, dung hoà quan điểm và hoá giải những yếu tố bất lợi.

Cuối cùng, các nước nhỏ và tầm trung cần điều chỉnh chiến lược đối ngoại thích ứng với sự biến đổi của trật tự quốc tế với sự xuất hiện của “mạng lưới” đa trung tâm; thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và nhân dân tăng cường nhận thức về “mạng lưới;” nâng cao “tự chủ chiến lược”; nhận diện, tham gia, kiến tạo và dẫn dắt (nếu có thể) các “mạng lưới” quốc tế mà quốc gia thực sự có lợi thế cạnh tranh vì lợi ích quốc gia – dân tộc, an ninh, thịnh vượng và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Kết luận

Tư duy theo “cực” vẫn còn phổ biến và là tư duy chủ đạo về trật tự quốc tế song không phải là duy nhất. Tư duy trật tự quốc tế theo “mạng lưới” manh nha hình thành, tồn tại và phát triển. Tư duy “mạng lưới” có tác dụng giảm bớt tư duy “cực” để đẩy lùi chiến tranh, thúc đẩy hoà bình, đối thoại, hợp tác trên cơ sở lợi ích chung và các nguyên tắc tiến bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các nước nhỏ và tầm trung nên vận dụng tư duy “mạng lưới” vào chính sách đối ngoại của mình; kêu gọi các nước lớn kiềm chế theo đuổi tư duy lỗi thời về chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các khác biệt và tranh chấp quốc tế; tăng cường cạnh tranh có trách nhiệm, cung cấp hàng hoá công, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt, hợp tác cùng có lợi vì hoà bình, an ninh, thịnh vượng và tiến bộ trên thế giới./.

 * TS. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

** TS. Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.

Bài viết được xuất bản lần đầu dưới tựa đề “Sự chuyển dịch từ tư duy “cực” sang “mạng lưới” trong quá trình định hình trật tự quốc tế đa cực hiện nay” trên Tạp chí Nghiên cứu quốc tế (Học viện Ngoại giao), số 2 (129), tháng 6/2022.

———————–

[1] Vũ Lê Thái Hoàng, “Bàn về cách tiếp cận của lý luận phương Tây về Trật tự thế giới,” Nghiên cứu quốc tế 85, số 2 (tháng 6/2011): 215-44; G. John Ikenberry, After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Building of Order after Major Wars (Princeton: Princeton University Press, 2000), 23.

[2] Henry Kissinger, Trật tự thế giới (Hà Nội: Nhà xuất bản Thế giới, 2014), 22.

[3] Emerson M.S. Niou, Peter C. Ordeshook and Gregory F. Rose, The Balance of Power: Stability in International Systems (New York: Cambridge University Press, 1989), 78.

[4] Kenneth N. Waltz, Theory of International Politics (Boston: Addison-Wesley, 1979), 12, 131.

[5] Fatos Tarifa, The Fate of a Century: American Hegemony, European Dilemmas, and East Asian Challenges (Albania: Ombra GVG, 2010), 48.

[6] Zeev Maoz (ed.), Networks of Nations: The Evolution, Structure, and Impact of International Networks, 1816-2001 (New York: Cambridge University Press, 2011), xii.

[7] Anne-Marie Slaughter, The Chessboard and the Web: Strategies of Connection in a Networked World, (Connecticut: Yale University Press, 2017), 20.

[8] Emilie M. Hafner-Burton, Miles Kahler and Alexander H. Montgomery, “Network Analysis for International Relations,” International Organization 63, no. 3 (July 2009): 561, 562, 570.

[9]  “Visualizing Countries Grouped by Their Largest Trading Partner (1960-2020),” Visual Capitalist, February 11, 2022, https://www.visualcapitalist.com/cp/biggest-trade-partner-of-each-country-1960-2020/

[10] Anne-Marie Slaughter, “Sovereignty and Power in a Networked World Order,” Stanford Journal of International Law 40, no. 283 (2004): 283-327.

[11] Richard Fontaine, Patrick Cronin, Mira Rapp-Hooper and Harry Krejsa, Networking Asian Security: An Integrated Approach to Order in the Pacific (Washington DC: Center for New America Security, 2017), 8-9.

[12] Hoang Vu and Thuc D Pham, “The Shift in China – US Competition,” The Diplomat, October 13, 2021,  https://thediplomat.com/2021/10/the-shift-in-china-us-competition

[13] “Shared Vision, Common Action: A Stronger Europe,”EEAS, June 2016,  https://www.eeas.europa.eu/sites/default/files/eugs_review_web_0.pdf

[14] “Connecting Europe & Asia: The EU Strategy,” EEAS, September 26, 2019.

[15] Alliance for Multilateralism, https://multilateralism.org

[16] Nobuhiko Tamaki, “Japan’s Quest for a Rules-based International Order: The Japan-US Alliance and the Decline of US Hegemony,” Contemporary Politics 26, no. 4 (2020): 386, 397, 398.

[17] Graham Webster, “China’s ‘new world order’? What Xi Jinping Actually Said about Guiding Inter- national Affairs,” Transpacifica, February 23, 2017.

[18] Slaughter, The Chessboard and the Web: Strategies of Connection in a Networked World, 265.

[19] Chintamani Mahapatra, “2021 Indian Foreign policy: Looking Back and then Forward,” Firstpost, December 30, 2021, https://www.firstpost.com/india/2021-indian-foreign-policy-looking-back-and-then-forward-10246321.html

[20] “Indonesian Ocean Policy,” Coordinating Ministry for Maritime Affairs of Republic of Indonesia, February 20, 2017,  https://maritim.go.id/konten/unggahan/2017/07/offset_lengkap_KKI_eng-vers.pdf

[21] Fadhila Inas Pratiwi, et al, “Global Maritime Fulcrum: Indonesia’s Middle Power Strategy Between Belt And Road Initiatives (BRI) and Free-Open Indo Pacific (FOIP),” Central European Journal of International and Security Studies 15, no. 3 (2021): 31.

[22] Mỹ vẫn là nước mạnh nhất thế giới, song đang suy giảm tương đối, không thể phát huy vị thế đơn cực như giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh, nên phải huy động mạng lưới đồng minh và đối tác rộng khắp thế giới cùng chia sẻ gánh nặng, đặc biệt là các nền dân chủ, để bổ trợ cho hệ thống liên minh truyền thống, củng cố trật tự quốc tế tự do do Mỹ dẫn dắt. Trung Quốc vươn lên và có tiềm năng trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ. Nga tuy sức mạnh suy giảm nhưng tích cực sử dụng quyền lực nhằm lấy lại vị thế nước lớn. Ấn Độ vươn lên về kinh tế, trở thành chủ thể quan trọng trong kiến trúc khu vực ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhật Bản phục hồi địa vị là cường quốc bình thường…

[23] Anne-Marie Slaughter, “How to Succeed in the Networked World,” Foreign Affairs (November/December 2016); Emilie M. Hafner-Burton, Miles Kahler and Alexander H. Montgomery, “Network Analysis for International Relations,” International Organization 63, no. 3 (July 2009): 570.

[24] Dani Rodrik and Stephen Walt, “How to Construct a New World Order,” Harvard Kennedy School Falculty Research Working Paper Series, March 2021, https://drodrik.scholar.harvard.edu/files/dani-rodrik/files/new_global_order.pdf

[25] Emilie M. Hafner-Burton, Miles Kahler and Alexander H. Montgomery, “Network Analysis for International Relations,” International Organization 63, no. 3 (July 2009): 561, 562, 570.

[26] Slaughter, The Chessboard and the Web: Strategies of Connection in a Networked World, 45.

[27] “Remarks by President Biden on America’s Place in the World,” The White House, February 4, 2021, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2021/02/04/remarks-by-president-biden-on-americas-place-in-the-world/

[28] “China’s ‘difficult Balancing Act’ Over War in Uknaine,” RTE, March 26, 2022, https://www.rte.ie/news/2022/0326/1288521-china-russia-ukraine/

[29] Joseph A. Gagliano, Alliance Decision-Making in the South China Sea: Between Allied and Alone (Roughtledge, 2019), 125.

[30] Vũ Lê Thái Hoàng, Ngoại giao chuyên biệt: Hướng đi, ưu tiên mới của ngoại giao Việt Nam đến năm 2030 (Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2020), 54.

[31] “Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thảo luận về tình hình Ukraine,” Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 2/3/2022, https://dangcongsan.vn/thoi-su/phien-hop-khan-cap-lan-thu-11-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-thao-luan-ve-tinh-hinh-ukraine-605117.html

[32] “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc,” Báo điện tử Chính phủ, ngày 14/12/2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm

[33] Slaughter, “How to succeed in the networked world.”

[34] Slaughter, “Sovereignty and Power in a Networked World Order,” 291, 292, 293.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

    1. Thái Văn Long – Thái Thanh Phong. “Xu hướng tập hợp lực lượng mới tại châu Á – Thái Bình Dương và tác động đến Việt Nam.” Tạp chí Cộng sản, ngày 9/10/2019. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/813703/xu-huong-tap-hop-luc-luong-moi-tai-chau-a—thai-binh-duong-va-tac-dong-den-viet-nam.aspx
    2. Trần Bá Khoa. “Thế giới đơn cực hay đa cực.” Tạp chí Cộng sản, ngày 8/6/2008. https://www.tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/438/the-gioi-don-cuc-hay-da-cuc.aspx
    3. Vũ Lê Thái Hoàng. “Bàn về cách tiếp cận của lý luận phương Tây về Trật tự thế giới.” Nghiên cứu quốc tế 85, số 2 (tháng 6/2011): 215-44.

Tiếng Anh

    1. Bull, Hedley. The Anarchical Society: A Study of Order in World Politics. New York: Columbia University Press, 1977.
    2. Creutz, Katja et al. “The Changing Global Order and Its Implications for the EU.” Finish Institute of International Affairs, (2019).
    3. Ikenberry, John. After Victory: Institutions, Strategic Restraint, and the Building of Order after Major Wars. Princeton: Princeton University Press, 2000.
    4. Ikenberry, G. John. et al. “Introduction: Unipolarity, State Behavior, and Systemic Consequeces.” World Politics 61, 1 (January 2009).
    5. Kissinger, Henry. World Order. New York: Penguin, 2014.
    6. Krauthamer, Charles. “Unipolar Moment.” Foreign Affairs 70, 1 (1991).
    7. Kuz’niar, Roman. Europe in the International Order. Warsaw: The Polish Institute of International Affairs, 2016.
    8. Lascurettes, Kyle. and Michael Poznansky. “International Order in Theory and Practice.” International Stuties, August 31, 2021.  https://oxfordre.com/internationalstudies/view/10.1093/acrefore/9780190846626.001.0001/acrefore-9780190846626-e-673
    9. Lissner, Rebecca and Mira Rapp-Hooper. An Open World: How America Can Win the Contest for Twenty-First-Century Order. New Haven: Yale University Press, 2020.
    10. Maoz, Zeev (ed.). Networks of Nations: The Evolution, Structure, and Impact of International Networks, 18162001. New York: Cambridge University Press, 2011.
    11. Mersheimer, John. “The Rise and Fall of the Liberal International Order.” Paper Prepared for Presentation at Notre Dame International Security Center. September 11, 2018.
    12. Rodrik, Dani and Stephen Walt. “How to construct a New World O” Harvard Kennedy School Falculty Research Working Paper Series, March 2021. https://drodrik.scholar.harvard.edu/files/dani-rodrik/files/new_global_order.pdf
    13. Slaughter, Anne-Marie. The Chessboard and the Web: Strategies of Connection in a Networked World. Yale University Press, 2017.