01/09/1939: Đức xâm lược Ba Lan

Nguồn: Germany invades Poland, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1939, các lực lượng Đức dưới sự kiểm soát của Adolf Hitler đã tấn công Ba Lan cả trên bộ và trên không. Thế chiến II chính thức bắt đầu.

Tại sao Đức xâm lược Ba Lan?

Đức xâm lược Ba Lan nhằm giành lại lãnh thổ đã mất, và cuối cùng thống trị nước láng giềng phía đông của họ. Cuộc xâm lược Ba Lan của Đức là phần mở đầu cho kế hoạch tiến hành chiến tranh của Hitler – những gì sau này sẽ trở thành chiến lược “blitzkrieg” (tấn công chớp nhoáng).

Cách tiếp cận chớp nhoáng của Đức được đặc trưng bằng việc ném bom dữ dội ngay từ đầu để phá hủy năng lực đường không, đường sắt, hệ thống liên lạc và kho chứa đạn dược của đối phương, tiếp đến là một cuộc xâm lược lớn trên bộ với quân số, xe tăng, và pháo binh áp đảo. Sau khi dồn dập tấn công, tàn phá toàn bộ lãnh thổ của kẻ thù, bộ binh Đức sẽ tiến vào, loại bỏ mọi kháng cự còn sót lại.

Khi Hitler xây dựng được căn cứ hoạt động tại quốc gia bị nhắm mục tiêu, ông ta ngay lập tức sẽ bắt đầu thiết lập lực lượng “an ninh” để tiêu diệt tất cả kẻ thù chống lại hệ tư tưởng Quốc Xã của mình, dù là về chủng tộc, tôn giáo, hay chính trị. Ở những nước bị xâm lược, việc tạo ra các trại tập trung dành cho lao động nô lệ và thủ tiêu thường dân luôn đi đôi với sự cai trị của Đức. Ví dụ, một ngày sau khi Đức xâm lược Ba Lan, Hitler đã thành lập các trung đoàn “Sứ giả Thần chết” (Death’s Head) của SS để khủng bố dân chúng.

Sự kháng cự của Ba Lan suy yếu dần

Quân đội Ba Lan đã có nhiều sai lầm chiến lược nghiêm trọng ngay từ đầu. Dù có tới 1 triệu người, lực lượng Ba Lan lại thiếu thốn nghiêm trọng các trang thiết bị, và họ đã cố gắng đối đầu trực tiếp với quân Đức, thay vì lùi về các vị trí phòng thủ.

Tư duy lạc hậu của các chỉ huy Ba Lan cùng với tình trạng lạc hậu của quân đội nước này đơn giản là không thể sánh được với các lực lượng cơ giới hiện đại và áp đảo của Đức. Và, tất nhiên, mọi hy vọng của người Ba Lan về hỗ trợ đáp trả từ Liên Xô đã tan thành mây khói với việc Hiệp ước Bất tương xâm Ribbentrop-Molotov được ký kết.

Người Anh sẽ đáp trả bằng các cuộc không kích vào Đức ba ngày sau đó.