Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Liz Truss sẽ thay thế Boris Johnson làm thủ tướng Anh sau khi được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Bà Truss, đương kim ngoại trưởng, đã đánh bại Rishi Sunak, cựu bộ trưởng tài chính, trong cuộc bỏ phiếu của khoảng 170.000 đảng viên, thắng 57% trong số 140.000 phiếu bầu. Thủ tướng mới, người tự xưng là theo chủ nghĩa Thatcher, sẽ nhậm chức trong tình hình kinh tế khó khăn với giá năng lượng cao kỷ lục và một cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt.
OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga, đã đồng ý giảm sản lượng dầu nhằm ngăn giá giảm thêm. Động thái giảm 100.000 thùng mỗi ngày này thật ra chỉ tương ứng 0,1% nhu cầu toàn cầu. Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng đáng kể vào sáng thứ Hai khi thị trường phản ứng với việc Nga đình chỉ vô thời hạn đường ống Nord Stream 1.
Tòa án tối cao Kenya giữ nguyên kết quả của cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 8, mà William Ruto thắng sít sao. Tòa án đã nghe một số kiến nghị phản đối kết quả từ các đồng minh của ứng viên bị đánh bại, Raila Odinga. Tuy nhiên, chánh án Martha Koome đã bác bỏ mọi cáo buộc về việc gian lận phiếu, đàn áp cử tri và giả mạo kết quả. Bà nói một số bằng chứng “hoàn toàn không có giá trị,” khiến tòa phải tham gia vào một “cuộc rượt đuổi ngỗng hoang.”
Ivan Safronov, một cựu nhà báo quốc phòng Nga, đã bị kết án 22 năm tù vì tội phản quốc. Ông bị bắt vào năm 2020 xoay quanh các cáo buộc chuyển thông tin mật về các thương vụ vũ khí Nga cho Cộng hòa Séc. Ông từ chối chấp nhận đề nghị do công tố viên đề ra về áp dụng bản án 12 năm nếu ông đồng ý nhận tội. Trong một diễn biến khác, Nga đẩy mạnh đàn áp bất đồng chính kiến khi Novaya Gazeta, một trong những hãng thông tấn độc lập cuối cùng của đất nước, bị tước giấy phép truyền thông, đồng nghĩa không còn được hoạt động ở Nga.
Một thẩm phán đã đồng ý với yêu cầu của Donald Trump về việc chỉ định trọng tài độc lập để xem xét các tài liệu bị FBI thu giữ từ nhà riêng của ông. Cựu tổng thống Mỹ từng tuyên bố các tài liệu này được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp và do đó phải được trả lại cho ông. Thẩm phán nói ông Trump “sẽ không được nhận lại phần lớn các tài liệu đã bị tịch thu.”
Israel thừa nhận có “khả năng cao” Shireen Abu Aqleh, một nhà báo người Palestine thiệt mạng ở Bờ Tây hồi tháng 5, đã bị quân đội của họ giết “một cách vô tình.” Nhưng quân đội cho biết không thể xác định chính xác cách mà phóng viên Al Jazeera chết, vì cho rằng các máy bay chiến đấu của Palestine cũng có mặt ở khu vực này. Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc trước đó đã kết luận bà Abu Aqleh bị giết bởi hỏa lực của Israel.
Một vụ đánh bom liều chết bên ngoài đại sứ quán Nga ở Kabul đã giết chết sáu người, trong đó có hai nhân viên đại sứ quán. Nga là một trong số ít các quốc gia vẫn duy trì phái bộ ngoại giao ở Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản một năm trước. Bạo lực, bao gồm cả đánh bom liều chết, đã giảm đi nhiều kể từ khi nhóm này lên nắm lại quyền lực. Hiện vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Con số trong ngày: 60%, là tỷ lệ cử tri Đảng Bảo thủ Anh cho rằng đất nước đang “đi xuống.”
TIÊU ĐIỂM
Thách thức chính trị của tân thủ tướng Anh
Vào thứ Ba, Liz Truss sẽ bay đến Lâu đài Balmoral ở Scotland, nơi Nữ hoàng Elizabeth II sẽ chính thức mời bà thành lập chính phủ mới của Anh. Sự kiện này được quyết định bởi 57,4% thành viên của Đảng Bảo thủ, những người đã chọn ngoại trưởng đương nhiệm lên làm lãnh đạo đảng thay vì đối thủ của bà, Rishi Sunak.
Bấy nhiêu là đủ để bà Truss có được vị trí mà bà mong muốn. Song tỷ lệ phiếu không ấn tượng như thăm dò trước bầu cử đã gợi ý. Kết quả của bà thậm chí còn tệ hơn những người tiền nhiệm. Boris Johnson thắng 66% số phiếu vào năm 2019; còn David Cameron thắng 68% vào năm 2005.
Tại vòng một trước đó, bà Truss chỉ được 32% số nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ. Xếp sau ông Sunak, tỷ lệ ủng hộ vòng một của bà là thấp nhất so với bất kỳ ứng viên chiến thắng nào kể từ khi các quy tắc hiện hành được áp dụng từ năm 1998. Một tỉ lệ ủng hộ nội bộ thấp như vậy là khá đáng ngại. Bà Truss sẽ cần phải lãnh đạo đảng ngày càng chia rẽ của mình vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng đang gây khó khăn khắp châu Âu. Cần phải lưu ý là các lãnh đạo Bảo thủ gần đây thường không có nhiệm kỳ dài lắm. Do đó, bà Truss sẽ phải làm việc chăm chỉ để đảm bảo vị thế của mình trong mắt các đồng nghiệp.
Tổng thống Israel sẽ phát biểu trước quốc hội Đức
Tổng thống Israel, Isaac Herzog, sẽ phát biểu trước Hạ viện Đức vào thứ Ba. Bài phát biểu là điểm nhấn cho chuyến thăm của ông, và diễn ra đúng dịp 50 năm vụ thảm sát 11 vận động viên và huấn luyện viên người Israel bởi khủng bố Palestine tại Thế Vận Hội Munich 1972.
Diễn biến trước ngày tưởng niệm thật căng thẳng. Hồi tháng 7, gia đình các nạn nhân đã từ chối đề nghị bồi thường của Đức và từ chối tham dự buổi lễ tưởng niệm vào thứ Hai. Sau một thỏa thuận vào phút cuối, bao gồm một lời xin lỗi chính thức về lỗi an ninh và các khoản bồi thường, các gia đình đã đổi ý. Frank-Walter Steinmeier, tổng thống Đức, nói “thật đáng xấu hổ” khi phải mất tới 50 năm để các bên đi đến một thỏa thuận.
Sau bài phát biểu tại Thượng viện, ông Herzog sẽ đến thăm nơi từng là trại tập trung Bergen-Belsen của Đức Quốc xã. Là một người lính trong quân đội Anh, cha ông, Chaim Herzog, đã giúp giải phóng trại này vào năm 1945, và về sau trở thành tổng thống thứ sáu của Israel. Tính biểu tượng trong chuyến đi của tổng thống thứ mười một, cả về tính cá nhân lẫn chính trị, là rất rõ ràng.
Nam Phi tiếp tục chìm trong khủng hoảng kinh tế
Nam Phi đáng lẽ là đầu tàu công nghiệp của cả lục địa. Nhưng hiệu quả kinh tế của nước này đã gây thất vọng suốt 15 năm qua. Mặc dù thu nhập của hầu hết mọi người đều tăng sau khi chế độ Apartheid chấm dứt vào năm 1994, chỉ 5% dân số giàu nhất có thu nhập thực tế tăng trong 10 năm qua. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã rất nghiêm trọng.
Vì vậy, người Nam Phi sẽ không quá quan tâm khi nước họ công bố số liệu GDP quý hai vào thứ Ba. Dữ liệu dự kiến cho thấy phục hồi chậm chạp sau hai năm đại dịch. Các công ty gặp khó khăn bởi mất điện kỷ lục do công ty điện lực nhà nước bị khủng hoảng, vì vậy hoạt động kinh tế khó có thể bật tăng trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp 34%, cao nhất trên thế giới, nhiều khả năng sẽ không thay đổi.
Thị trường bất động sản Úc hạ nhiệt
Tình trạng bùng nổ nhà đất ở nhiều thị trường đang phần nào được kiềm chế khi các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Thị trường bất động sản Úc, một trong những thị trường lạnh giá nhất thế giới, đang tiến vào đà giảm mạnh nhất trong gần 40 năm qua. Giá nhà trên toàn quốc đã giảm 3,4% kể từ khi ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 5, theo công ty dữ liệu bất động sản CoreLogic. Ở Sydney, giá nhà đang giảm gần 1.000 đô la Úc (680 đô la Mỹ) một ngày.
Đây có thể chỉ là khởi đầu. Lạm phát giá tiêu dùng năm đang ở mức 6,1%. Vào thứ Ba, Ngân hàng Dự trữ Úc sẽ tăng lãi suất tháng thứ năm liên tiếp, có thể là 0,5 điểm phần trăm, lên 2,35%. Các nhà kinh tế cho rằng giá nhà có thể giảm tới 20% so với mức đỉnh. Vì một số hộ gia đình Úc nằm trong số những hộ mắc nợ cao nhất thế giới, điều này chắc chắn gây tổn hại. Dù thế vẫn chưa có khả năng suy thoái; và ngay cả khi giá nhà giảm 1/5, chúng vẫn còn cao hơn trước đại dịch.