Thế giới hôm nay: 22/09/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nhóm nhân quyền Nga OVD-Info cho biết khoảng 100 người đã bị bắt giữ vì biểu tình phản đối lệnh động viên mới. Các nhóm phản chiến đã kêu gọi biểu tình sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin công bố lệnh “động viên một phần.” Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu nói khoảng 300.000 quân dự bị sẽ bị bắt đi lính. Vào thứ Tư, các chuyến bay rời Nga đồng loạt cháy vé trong khi cú pháp tìm kiếm “cách rời khỏi Nga” tăng vọt trên internet.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lần thứ ba liên tiếp tăng 0,75 điểm phần trăm lãi suất chuẩn. Chiến dịch chống lạm phát hiện tại của ngân hàng trung ương đã đẩy lãi suất ngắn hạn từ 0% vào đầu tháng 3 lên 3% vào hôm nay, đánh dấu một sự thắt chặt chính sách tiền tệ chưa từng có trong bốn thập niên qua. Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho biết trong tháng này rằng giảm lạm phát là “nhiệm vụ số một.”

Trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, tổng thống Joe Biden đã lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Ông nói chiến tranh phải kết thúc trên “điều kiện chính đáng” và Nga là “quốc gia duy nhất cản đường.” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến ​​sẽ phát biểu vào buổi chiều. Vladimir Putin không tham dự, nhưng ngoại trưởng của ông, Sergey Lavrov, sẽ có bài phát biểu vào thứ Bảy.

Donald Trump bị tổng chưởng lý New York Letitia James kiện tội gian lận. Đơn kiện, trong đó cũng buộc tội 3 người con đã trưởng thành của ông Trump và các cộng sự khác, cáo buộc Trump Organization, công ty của gia đình cựu tổng thống, cố tình liệt kê sai số tài sản nắm giữ để được ưu đãi vay và giảm nghĩa vụ thuế. Vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ít nhất 250 triệu đô la.

Nga thả 10 tù binh nước ngoài bị bắt khi chiến đấu cho Ukraine, trong đó có một người Anh bị kết án tử hình. Được biết đàm phán thả tù binh được trung gian bởi thái tử Ả Rập Saudi, Muhammad bin Salman, người vẫn có quan hệ tốt với Moscow bất chấp áp lực từ phương Tây. Phần còn lại của nhóm tù binh này bao gồm bốn người Anh khác, hai người Mỹ, một người Maroc, một người Croatia và một công dân Thụy Điển, bộ ngoại giao Ả Rập cho biết.

Ít nhất bảy người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình gần đây ở Iran. Nhà chức trách đổ lỗi cho người biểu tình về cái chết của một cảnh sát, trong khi các nhóm nhân quyền cho rằng người biểu tình bị lực lượng an ninh giết hại. Nguyên nhân biểu tình xuất phát từ đám tang của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ người Kurd thiệt mạng trong khi bị cảnh sát đạo đức giam giữ. Trong khi đó, một sự cố chặn internet đã được ghi nhận ở khu vực người Kurd của Iran, trong khi quyền truy cập Instagram bị hạn chế trên toàn quốc.

Đức hoàn tất thỏa thuận quốc hữu hóa Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất của nước này. Theo “gói bình ổn,” tên của chương trình này, chính phủ liên bang sẽ bơm 8 tỷ euro vào công ty, sau khi Uniper bị ảnh hưởng nặng bởi thị trường năng lượng hỗn loạn. Chính phủ cũng đang đàm phán với hai nhà cung cấp khí đốt khác nhằm tránh bị lặp lại khủng hoảng năng lượng.

TIÊU ĐIỂM

Lệnh động viên cho thấy thế bế tắc của Putin

Trong nhiều tháng qua, tổng thống Vladimir Putin đã trấn an người Nga rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông ở Ukraine vẫn tiến triển theo kế hoạch. Nhưng vào hôm qua, ông tuyên bố lệnh “động viên một phần,” qua đó buộc tất cả công dân nam Nga trong lực lượng dự bị phải nhập ngũ nếu từng có kinh nghiệm quân sự.

Động thái này cho thấy sự tuyệt vọng của Điện Kremlin. Dù bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu nói chỉ có ít hơn 6.000 binh sĩ thiệt mạng ở Ukraine, số lính động viên do ông đưa ra lại lên tới 300.000 người. Đây là con số áp đảo lực lượng xâm lược Ukraine hồi tháng 2.

Ông Putin hứa sẽ có “huấn luyện quân sự bổ sung.” Song nhiều sĩ quan có thể đứng lớp huấn luyện đã thiệt mạng, bị thương hoặc phải ra tiền tuyến. Và người dân không ủng hộ động viên. Vào tối thứ Ba, cú pháp tìm kiếm “cách rời khỏi Nga” đã tăng vọt trên internet. Có lẽ Nga vẫn còn nhớ bài học của năm 1917, khi cuộc cách mạng Bolshevik lật đổ chế độ quân chủ và rút khỏi Thế chiến 1.

Biểu tình kéo dài ở Iran

Iran chìm trong biểu tình suốt một tuần qua kể từ cái chết khi bị giam giữ của Mahsa Amini, một phụ nữ trẻ bị kết tội mặc trang phục không đúng quy chuẩn. Cô Amini bị cảnh sát đạo đức giam giữ ở Tehran vào đầu tháng này vì mang khăn trùm đầu lỏng lẻo. Cảnh sát nói cô chết vì đau tim, trong khi nhân chứng nói cô bị đánh đập thậm tệ. Vụ việc đã châm ngòi cho biểu tình trên khắp đất nước, trong đó một số phụ nữ đã đốt khăn trùm đầu của mình.

Bắt buộc đội khăn trùm đầu là một quy tắc trụ cột trong chế độ thần quyền của Iran. Nếu nới lỏng quy định về trang phục, những ‎‎‎suy nghĩ sai lệch sẽ bắt rễ, theo suy nghĩ của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ebrahim Raisi, tổng thống bảo thủ được bầu vào năm ngoái, đã tỏ ra khắt khe hơn đối với các quy định về trang phục. Có thể đoán cảnh sát sẽ đàn áp gay gắt những người biểu tình (các nhà hoạt động nói năm người đã bị giết). Bất ổn bùng nổ ngay giữa bối cảnh lạm phát cao, bế tắc đàm phán hạt nhân với phương Tây, và những tin đồn về sức khỏe của lãnh đạo tối cao. Cái chết của cô Amini đã trở thành giọt nước tràn ly.

Cựu thủ tướng Pakistan bị kết án

Vào thứ Năm, tòa án cấp cao của Pakistan sẽ kết tội Imran Khan khinh thường tòa án. Vụ kiện này xuất phát từ tuyên bố của cựu thủ tướng rằng một thẩm phán từ chối thả một trong những phụ tá của ông dù biết người này bị cảnh sát tra tấn. Trước đó vào tuần trước, một tòa án khác đã ra phán quyết ông Khan không thể bị buộc tội khủng bố. Dù thế bản án thấp hơn vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Nếu bị kết tội, ông Khan có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Vì vậy, ông buộc tội các đối thủ dùng luật pháp để gạt bỏ ông. Ông có cái l‎‎‎ý của mình. Kể từ khi bị mất chức sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội vào tháng 4, ông và những người ủng hộ đã khiến người kế nhiệm Shehbaz Sharif phải đau đầu. Ông Khan đã khai thác các vấn đề quản l‎‎‎ý kinh tế của ông Shehbaz và hậu quả lũ lụt để tăng ủng hộ cho chính mình. Tòa án sẽ không thể thay đổi lựa chọn đó của ông.

Khủng bố gia tăng ở sa mạc Sahel

Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu các phiên thảo luận về Sahel, một dải đất ở biên giới phía nam của sa mạc Sahara, vào thứ Năm. Dự kiến sẽ rất căng thẳng. Trong những năm gần đây các phần tử thánh chiến có liên kết với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo đã biến Sahel trở thành điểm nóng khủng bố toàn cầu. Năm ngoái, khu vực này chiếm tới 1/3 tổng tử vong do khủng bố. Năm nay có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn.

Để đối phó với các phần tử thánh chiến, chính quyền quân sự Mali đã nhờ đến lính đánh thuê Wagner của Nga. Pháp, nước vốn dẫn đầu cuộc chiến, sau đó đã rút quân. Hiện các vụ thảm sát thường dân liên quan đến Wagner đang tăng lên chóng mặt, dù lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vẫn hiện diện. Khoảng 3.600 người đã thiệt mạng ở Mali, gần gấp đôi tổng số của cả năm ngoái.

Còn ở Burkina Faso, hồi tháng 1 quân đội đã đảo chính giành chính quyền, và cam kết tăng cường an ninh. Dù thế năm nay vẫn là năm có thương vong vì khủng bố cao nhất của Burkina Faso. Niger, một nền dân chủ, có hơn 700 người đã thiệt mạng cho đến nay.