29/09/1953: New York Times nói người Liên Xô thèm “giấc mơ Mỹ”

Nguồn: New York Times article claims Russians want the “American dream”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, một bài báo trên New York Times tuyên bố rằng các công dân Liên Xô cũng muốn có “giấc mơ Mỹ”: sở hữu đất đai và một ngôi nhà của riêng họ. Đây là một trong số nhiều bài báo xuất hiện trong những năm 1950 và 1960, khi các phương tiện truyền thông Mỹ cố gắng truyền tải thông điệp rằng người dân Liên Xô cũng không khác nhiều so với người dân Mỹ.

Dù đại đa số người Mỹ ủng hộ các chính sách chống Liên Xô của chính phủ, nhưng hầu hết trong số họ đã gặp khó khăn khi phải cố gắng “không thích” người dân nước này. Rốt cuộc thì, trong Thế chiến II, chính phủ Mỹ đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền để thuyết phục người dân Mỹ rằng người Liên Xô – dù sống trong một quốc gia cộng sản – là một đồng minh tốt trong cuộc chiến chống lại nước Đức của Hitler. Ngay cả Hollywood cũng vào cuộc, cho ra mắt nhiều bộ phim mô tả những người Liên Xô anh hùng hiên ngang trong cuộc chiến chống lại quân Đức Quốc Xã. Khi Thế chiến II kết thúc, và sự rạn nứt giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu phát triển thành Chiến tranh Lạnh, nhiều người Mỹ đã bối rối trước hình ảnh mới của Liên Xô như một mối đe dọa đối với Mỹ.

Chính phủ Mỹ và một phương tiện truyền thông hợp tác đã sớm giải quyết vấn đề này. Thông điệp mà họ truyền đi rất rõ ràng và trực tiếp: chính phủ Xô-viết là một chế độ độc tài cộng sản, muốn thống trị thế giới; mặt khác, dân thường Liên Xô cũng không khác nhiều so với dân thường Mỹ. Họ chỉ khao khát sự tự do và thoải mái về vật chất. Câu chuyện đăng trên New York Times ngày 29/09/1953 là một ví dụ hoàn hảo cho cách tiếp cận này. Nó bắt đầu bằng cách giải thích rằng một “người Liên Xô may mắn” cuối cùng có thể tìm được một “mảnh đất nhỏ để xây nhà.” Bài báo đặt ra câu hỏi, “Vậy điều đầu tiên anh ấy làm sẽ là gì?” Anh ta “dựng một hàng rào to đẹp bao quanh khu đất.” Nhiều thập niên cai trị của chế độ cộng sản “chỉ thành công trong việc mài dũa bản năng nắm giữ đất tư nhân của người dân Liên Xô.” Cây bút của tờ Times nhận định rằng “Nếu muốn dân chúng hài lòng, chính phủ Xô-viết sẽ phải đi một chặng đường dài trong việc nhượng bộ để thỏa mãn điều đó.”

Bài báo cũng là bằng chứng cho ý tưởng rằng một trong những chương trình tuyên truyền hay nhất của Mỹ hướng đến công dân Liên Xô là dựa trên mô tả sự giàu có và tiện nghi vật chất khổng lồ sẵn có ở Mỹ. Năm 1959, cuộc triển lãm đầu tiên của Mỹ đã được tổ chức tại Liên Xô, chủ yếu trưng bày xe hơi, thiết bị nhà bếp, quần áo thời trang và một lượng lớn hàng tiêu dùng khác. Gần 3 triệu người Liên Xô đã chen chúc để xem và giật lấy các cuốn catalogue.