Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Thành Xương Giang tọa lạc tại thị xã tỉnh Bắc Giang hiện nay; trước khi bị đánh chiếm vào ngày mồng 8 tháng 9 [28/9/1427], Bình Định Vương đã mấy lần cho mang thư dụ. Sau đây là bức thư thứ nhất, trong Quân Trung Từ Mệnh Tập:
“Thư dụ hàng các tướng sĩ trong thành Xương Giang.
Kể ra, thích cho người sống mà ghét việc giết người, là một người tướng có nhân nghĩa; xét biết thời cơ mà biết lượng sức mình là một người tướng có trí thức. Ta kính vâng mệnh trời, lấy đại nghĩa chuyên việc đánh dẹp. Nghĩ đến cơ đồ tổ tông bị nguy đổ, thương nỗi nhân dân phải lầm than; đánh thành lấy đất không giết một người nào. Cho nên đánh đông dẹp tây, không nơi nào không phục.
Thành Xương Giang nhỏ mọn kia dám chống lại mệnh trời, nổi giận đi đánh, nghĩa nên phải thế, sự không được đừng. Nhưng đem núi Thái Sơn đè bẹp quả trứng, sức không chịu được bao lâu, lấy lửa đỏ rực đốt cháy lông gà, thế khó đương được chốc lát. Lấy thuận mà đánh kẻ nghịch, lo gì không phải theo; lấy sức mạnh mà đánh kẻ yếu, lo gì không đánh được. Mà, còn lấy lời nói chăm chăm hiểu dụ, thực vì nhân mạng trong một thành là hệ trọng, mà không nỡ làm cho thương tổn. Vả lại, các xứ Tân Bình [Quảng Bình], Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, thóc không phải là không nhiều, binh không phải là không giỏi. Thế mà đô đốc họ Thái [Thái Phúc] cùng các quan ba ti đều bỏ thành về hàng, đem quân theo mệnh. Vì rằng họ hiểu rõ việc thành hay bại đều có mệnh trời mà không dám trái. Bọn các người nếu biết trên xét thời trời, dưới suy việc người thì có thể giữ được vị lộc đến vô cùng, khỏi để nhân dân một thành bị chém giết; lũ các ngươi được là người trí thức mà ta cũng không mất tiếng là một vị tướng có nhân nghĩa. Thế mà cứ mê muội không hiểu biết gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt, không phải là ta cho làm bạo ngược bừa bãi mà là tự lũ các người làm ra tội nghiệt đó thôi. Đó thực là lúc còn mất nguy cấp đấy, nên tính cho kỹ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 4.
Trước cuộc đại tấn công vào thành, lại một lần nữa phân tích rạch ròi, đem hết tình lý ra dụ dỗ:
“Thư dụ tướng sĩ trong thành Xương Giang.
Ta nghe: đối với đạo quân nhân nghĩa, kẻ nào thuận đức thì sống, kẻ nào trái đức thì chết. Vì người cầm quân ấy giữ việc đánh giết, nắm quyền sống chết: khi thì khoan hồng như khí dương, khi thì thần khắc như khí âm, đều tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được. Nay các ông bằng một nghìn quân, một mình giữ thành trơ trọi. Đã đến hơn một năm nay, tin tức không thông, mà tự cậy là thành cao hào sâu, có khác gì người mù mà không sợ cái chết, không biết tự liệu sức mình.
Kể ra, thời có khi thịnh khi suy, thế có kẻ mạnh kẻ yếu; cũng là lẽ trời lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hai trái ngược. Nếu chỉ khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi, cam lòng chịu lấy tai vạ, âu cũng đáng thương lắm. Vì thế mà tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết. Cho nên ta không ngại nói đi nói lại, lại sai người đến nơi dụ bảo.
Nếu các ông biết tỉnh ngộ thì không những người cả trong thành ấy nhờ đó được an toàn; cả sự giàu sang của các ông cũng có thể giữ được lâu dài, mà đức hiếu sinh của thượng đế cũng thấm khắp đến với lòng dân. Nếu không thế thì giữa người thuận đức với kẻ trái đức, tất có một kẻ sống một kẻ chết. Đó là lẽ tất nhiên. Ta có thể tự theo ý riêng mình sao được! Các ông nên mau mau mở cửa thành, cởi áo giáp cùng ta hòa giải. Ta nếu trái lời giao ước tất nhiên trời chẳng dung cho, nếu các ông cứ chấp mê, ta tất không tha thứ.
Nay hãy tạm lấy một việc trước mắt, hãy tỏ từng việc cho các ông nghe: các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tam Đái, Thị Cầu, Tiền Vệ đều may biết thời thế, hiểu quyền biến, chuyển họa làm phúc, để cho người trong các thành ấy có đến hơn 56.000 người đều được an toàn. Duy có một thành Khâu Ôn [Lạng Sơn] không hiểu sự biến, bo bo giữ kiến thức nhỏ, để cho người trong một thành ngọc đá đều bị thiêu cháy, há chẳng đáng xót thương! Các ông nên nghĩ, chớ để hối hận về sau.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 5.
Tháng 9, quân ta đánh chiếm thành Xương Giang tại thị xã Bắc Giang; thành này nằm trên đường giao thông huyết mạch đoàn quân Minh tiếp viện phải đi qua; nên chúng muốn giữ cho bằng được, mà phía ta cũng quyết đánh dứt điểm. Trải qua hơn nửa năm trời chiến đấu gay go, cuối cùng ta đắp đất mở đường, dùng câu liêm, giáo dài, tên lửa, súng lửa xông vào, thành bị hạ:
“Tháng 9, ngày mồng 8 [28/9/1427], bọn Thái úy Trần Hãn, Tư mã Lê Sát, thiếu úy Lê Triện, Lê Lý đánh lấy được thành Xương Giang. Khi ấy, viên chỉ huy nhà Minh là Kim Dận cho là thành này nằm ngay trên đường về của quân Minh, nên cùng với tên quan mới bổ đến là Lý Nhậm liều chết cố thủ. Trải qua hơn 6 tháng trời cầm cự với các quân Khoái Châu [Hưng Yên], Lạng Giang [Lạng Sơn, Bắc Giang], chúng vừa đánh vừa giữ, khiến quan quân không thể lên được thành. Vua sai bọn Hãn đắp đất, mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ. Bọn Dận, Nhậm đều tự sát. Đem ngọc lụa và con gái bắt được của giặc ban hết cho quân sĩ. Tổng binh Vương Thông được tin, làm hai bài văn tế. Được hơn 10 ngày thì viện binh giặc tới nơi, nhưng thành đã bị hạ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 38b
Sử Trung Quốc Minh Thực Lục cũng mô tả việc đánh thành Xương Giang rất gay go, duy việc ghi thành bị hãm vào ngày 2 tháng 4 năm Tuyên đức thứ 2 [28/4/1427], là điều vô lý. Do bởi cũng bộ sử này sau đó chép vào ngày 6 tháng 6 năm Tuyên Đức thứ 2 [ 1/7/1427], tức gần 2 tháng sau đó, có 3 người lính theo đường tắt về, báo rằng thành Xương Giang bị vây rất gấp; nên Vua Tuyên Tông ra lệnh Liễu Thăng cùng Mộc Thạnh tiếp viện gấp cho Xương Giang. Minh Thực Lục chép về việc công hãm thành Xương Giang như sau:
“Ngày 2 tháng 4 năm Tuyên đức thứ 2 [28/4/1427]. Ngày hôm nay giặc Giao Chỉ Lê Lợi công hãm thành Xương Giang. Lợi cho rằng Xương Giang là nơi quan trọng, trên đường đại quân ra vô; bèn dùng hơn 8 vạn quân đánh. Quan giữ thành Đô Chỉ huy Lý Nhiệm, Chỉ huy Cố Phúc ra lệnh già, trẻ, phụ nữ đều lên mặt thành, dương cờ hò hét, ngày đêm chống cự; Bọn Nhiệm bất ngờ mang quân tinh nhuệ ra công kích, đốt phá dụng cụ đánh thành. Bốn phía giặc đều xây núi đất, dùng phi minh bắn vào thành; Nhiệm sai quân cảm tử ban đêm mở cửa thành ra đánh, giết giặc giữ núi đất. Mưu tập kích doanh trại, giặc đào địa đạo vào thành, Nhiệm sai đào hào ngang chặn địa đạo, rồi ném đá xuống, khiến giặc chết nhiều.
Giặc nghe tin đại binh của Chinh di Tướng quân sắp tới, sợ sẽ dùng thành này làm chổ dựa, bèn tăng cường thêm quân và voi tấn công. Tên đá bắn vào như mưa. Nhiệm dùng trăm cách để chống cự, trải qua 9 tháng trời, giao tranh hơn 30 trận; khởi đầu trong thành có hơn 2000 tướng sĩ, lúc này chết và tật bệnh đến một nửa, nhưng giặc vẫn quyết vây đánh, dùng thang mây leo lên thành, rồi đọat cửa, Nhiệm điều lính quyết tử ba lần đánh lui, nhưng giặc lại xua voi và lính vào. Bọn Nhiệm kiệt sức, đánh không xuể, Nhiệm và Phúc đều tự tử; quan trong thành là Phùng Trí khóc ròng, hướng về phía bắc bái tạ, rồi cùng Chỉ huy Lưu Thuận, Tri phủ Lưu Tử Phụ thắt cổ chết. Trong thành các quan quân, cùng trai gái chết rất đông; giặc phóng hỏa đốt, cướp phá đến sạch không.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 165)
Bức thư chiêu dụ thành Bình Than sau đây đề cập đến việc thành Xương Giang bị hãm vào ngày mồng 8 tháng 9 [28/9/1427], như vậy thời điểm gửi thư ắt phải xảy ra sau ngày nêu trên. Trong văn bản ghi người cầm đầu thành là Chỉ huy sứ vệ Trấn Di, nên hiểu Trấn Di là tên một vệ của quân Minh, chứ không phải là tên một phủ thuộc Lạng Sơn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì xã Bình Than thuộc huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh:
“Thư dụ hàng các tướng sĩ trong thành Bình Than.
Thư gửi chỉ huy sứ vệ Trấn Di là ông họ An và các quan ở trong thành.
Ta nghe: đại đức thích cho người ta sống, thần vũ không hay giết người, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để yên dân. Người nào theo đúng lẽ ấy thì phúc nào cũng đem lại, làm trái lẽ ấy thì họa nào cũng đưa đến. Xem như xưa kia, Đặng Vũ không giết càn, Tào Bân giả cách ốm[1] so với việc Bạch Khởi, Lý Quảng[2] thỏa ý giết người qui hàng, đối với lẽ báo ứng: làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, có thể lấy đó làm gương. Ta từ khi dấy nghĩa đến giờ, về việc thuận đức, trái đức, tuy đối với lẽ phải, cố nhiên có sự thỏa đáng, nhưng giữa những điều đối xử nghiệt hay khoan, cho hay lấy, không bao giờ là không thể theo đức hiếu sinh của trời đất và lòng đại lượng của thánh nhân: Thà bỏ sót một người mắc tội phi thường.
Nay các ngươi bằng số quân không đầy một ngàn mà còn giữ lấy một thành trơ trọi, ròng rã hàng năm, tin tức không thông, cái ngày mà thành bị hãm mất, chẳng sớm thì chiều. Ta sở dĩ để hoãn lại không kịp đánh ngay là có ý muốn bọn các ngươi xét rõ về cơ nghi của sự thế, hiểu rõ về lẽ thành bại, hoặc may trời nhủ bảo trong lòng, có thể chuyển họa làm phúc để toàn được tính mệnh cho cả một thành. Về lẽ họa phúc, chính ngay trước mắt, về cơ thuận nghịch, không thể không xét kỹ. Ngay như các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tiều Hậu vệ Tam Giang, Thị Kiều, mà đô đốc họ Thái và 2 quan đô ti họ Chu, họ Tiết, quan bố chánh họ Kim, án sát họ Trương phụ trách[3] cùng các quan chỉ huy các thành, thiên hộ phủ, huyện đều biết thời thông biến; cùng ta hòa giải để cho nhân dân các thành ấy đều được sống cả. Ngày mà quân ta kéo vào thành, tịnh không xâm phạm mảy may; người nhà vợ con đều được yên vui, thì cái lẽ trời cao ban phúc cho người thiện há có sai đâu! Còn như cái thành Xương Giang tự cho là thành cao, hào sâu, lương chứa lại nhiều, không biết tự lượng; khác nào con bọ ngựa dám lấy càng mà chống lại xe đang đi. Ta mỗi khi nghĩ đến nhân dân trong thành, họ không có tội gì mà phải giết chết, mới gửi thư tín không ngại phiền phức, lấy lẽ họa phúc ân cần nhủ bảo; lại bảo đô đốc họ Thái và các quan chỉ huy ba ti ở các phủ huyện đều đến dưới thành, hai ba lần hiểu dụ mà kẻ kia vẫn chố chấp hôn mê như người lòa không biết sợ chết. Ta bất đắc dĩ mới sai bọn tì tướng đúng hẹn tiến đánh. Ngày 18 tháng này [Chánh sử Toàn Thư ghi ngày mồng 8 (28/9/1427), có lẽ đây chép sai], giờ ngọ trống trận mới nổi tiếng, liền bị tan vỡ. Đó là lầm lỗi của bọn chỉ huy Lý Nhiệm để đến nỗi người trong một thành, hóa ra máu chảy, há chẳng đáng đau sót lắm ru? Bọn các ông nên coi vào bọn họ Thái, thuận lẽ thì được hưởng phúc và bọn Lý Nhiệm trái lẽ thì bị mắc họa: ai hơn ai kém là người có ý thức, tất phải phân biệt. Nếu còn cậy thành cao, hào sâu, không răn việc xe trước đã đổ thì ta sợ thành trì của các ông không phải là nơi hiểm trở trời đặt ra mà không thể vượt qua. Vả lại, lòng người nhân đức đúng mực, không nỡ để cho một kẻ nào không được yên chốn, huống chi là người cả một thành? Thấy gan óc họ dày xuống đất mà không xót xa trong lòng hay sao? Ta sở dĩ luôn luôn lấy việc ấy để hiểu dụ chẳng qua là để theo đức hiếu sinh của trời để toàn vẹn cho sự sống còn của nhân dân trong một thành đó mà thôi. Bọn các ông hãy nghĩ cho kỹ, chớ để hối về sau. Thư nói không hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 3.
Tại thành Đông Quan, nghĩa quân chiếm được đê sát bờ sông Hồng, bèn tu bổ thêm, tạo lợi thế để tấn công:
“Vua sai các tướng đắp đê Vạn Xuân[4] để làm chiến lũy. Trước đây, quân Minh đào mương nhỏ cạnh sông Cái [sông Hồng] ngoài thành để chứa thuyền chiến và khí giới, lại đắp thêm thành phụ để cố thủ, mà đê Vạn Xuân là lối đi lại cho quân do thám và người chăn ngựa, cắt cỏ của giặc, ở trên đê cao này mà nhòm xuống thì rất tiện. Giặc cho thế là đắc sách. Khi quan quân tiến đánh, quân Minh thường đặt mai phục để tranh hơn. Vua hạ lệnh cho các tướng vượt sông, lừa lúc giặc không ngờ, cướp lấy đê đắp thành chiến lũy, chỉ một đêm là xong, toàn bộ quãng đê về ta. Đến khi nghe viện binh của giặc tới, các tướng sĩ nhiều người dâng thư khuyên vua đánh các thành ở Đông Đô để cắt đứt nội ứng của giặc. Vua nói:
‘Đánh thành là hạ sách. Ta đánh thành bền vững hàng năm hàng tháng không hạ được, khi ấy quân ta sức mỏi chí nhụt, nếu viện binh của giặc lại đến thì trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, đó là con đường nguy hiểm. Chi bằng nuôi sức quân, mài giũa tinh thần sắc bén, để đợi viện binh của giặc. Viện binh giặc bị phá thì thành giặc nhất định phải hàng. Như thế là nhất cử lưỡng tiện, là mưu chước vẹn toàn.
Bèn hạ lệnh canh giữ nghiêm ngặt, ngày đêm tuần tra khám xét.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 38b.
Bấy giờ các đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng, Mộc Thạnh sắp sang; nhà Vua ra lệnh tản cư dân chúng những nơi giặc có thể đi qua:
“Hạ lệnh cho các xứ Lạng Giang, Bắc Giang , Tam Đái [Vĩnh Phú], Tuyên Quang, Quy Hóa [Yên Bái, Lào Cai] dời vợ con của quân dân đi xa để tránh viện binh của giặc tới.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 39a.
Mấy ngày sau các đạo quân cứu viện vào biên giới. Phía Lạng Sơn, Liễu Thăng xua quân tiến gấp, thấy quân ta tháo lui y lại càng đắc chí khinh địch, xông trước đại quân; bị phục kích giết tại ải Chi Lăng. Kế đó quân Minh liên miên bị đánh, suốt từ huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho đến huyện Lạng Giang, Bắc Giang; các tướng Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ lần lượt chết, đạo quân xâm lăng hoàn toàn sụp đổ:
“Ngày 18 tháng 9 [8/10/1427], nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy [Nam Quan]. Chinh Nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa.[5] Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta. Vua họp các tướng bàn rằng:
‘Giặc vốn khinh ta, cho là ngưới nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng’.
Bèn sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng[6] để đợi giặc. Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu. Giặc tiến đánh, Lựu lại bỏ cửa Ải Lưu lui về đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân đánh phá uy hiếp Chi Lăng. Bọn Sát và Nhân Chú mật sai Lựu ra đánh rồi giả cách thua chạy. Giặc quả nhiên rất mừng. Ngày 20 [10/10/1427], Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên[7] và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc. Ngày 25 [15/10/1427], vua lại sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân tiếp đến ải núi Mã Yên. Bọn Sát và Nhân Chú chỉ huy các quân tung hết binh sĩ ra đánh giặc, chém Bảo Định bá Lương Minh tại trận.[8] Ngày 28 [18/10/1427], Lý Khánh cũng chết. Thôi tụ và Hoàng Phúc dẫn quân miễn cưỡng tiến lên. Nhân Chú lại đánh bại bọn chúng, chém được hơn 2 vạn thủ cấp, bắt được lừa ngựa, trâu bò, quân tư khí giới nhiều không kể xiết.[9]
Mùa đông, tháng 10, vua sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân bao vây bốn mặt, lại dựng rào lũy ở tả ngạn sông Xương Giang để ngăn chặn. Bọn Tụ không còn mưu kế gì khác, đành phải đắp lũy giữa cánh đồng để tự vệ.[10] Tụ ngỡ là thành Xương Giang chưa bị phá, dẫn quân định đến đó. Khi tới nơi thì thành Xương Giang đã bị mất, chúng hết cả hy vọng, lại càng kinh hoàng sợ hãi. Gặp lúc trời báo tai biến, mưa to gió lớn, núi rừng gầm thét, người ngựa nhìn nhau không nhích lên được bước nào. Giặc chỉ còn cách đợi đến đêm vắng, bắn súng làm tín hiệu báo cho hai thành Đông Quan và Chí Linh để họ nghe thấy tiếng súng thì ra cứu viện. Nhưng Đông Quan và các thành khác tự cứu còn chưa xong, biết đâu đến chỗ khác! Vua bèn sai các quân thủy, bộ cùng tiến quân bao vây chúng. Lại chia quân chặn hết các ải Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy, Bàng Quan.[11] Thôi Tụ và Hoàng Phúc muốn tiến cũng không được, muốn lui cũng không xong, bèn giả hòa, nhưng âm mưu định chạy vào thành Chí Linh. Vua biết được quỷ kế của chúng, kiên quyết khước từ không cho hòa. Kế đó, Trần Hãn chặn đứng đường vận chuyển lương thực của giặc, sai bọn Lê Vấn, Lê Khôi, đem 3 nghìn quân Thiết đột, 4 thớt voi, cùng với bọn Sát, Lý, Nhân Chú, Văn An tấn công bọn giặc. Ngày 15 [3/11/1427], quân Minh đại bại, ta chém hơn 5 vạn thủ cấp giặc, bắt sống bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tên, thu được vũ khí, ngựa chiến, vàng bạc, vải lụa nhiều không kể xiết. Còn những kẻ chạy trốn thì trong khoảng không đến 5 ngày đều bị bọn chăn trâu kiếm củi bắt gần hết, không sót tên nào.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 39b.
Sử nhà Minh chép tương tự, riêng về thời gian chép sau Toàn Thư 8 ngày. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dày công nghiên cứu, so sánh lịch thời Minh và lịch nhà Lê nước ta có chung những tháng nhuần, nên xác nhận lịch 2 nước giống nhau. Vậy do bởi chiến dịch kéo dài hàng tháng, nên thời điểm mỗi bên chọn lựa để mô tả, ở vị trí khác nhau. Nội dung sử Minh chép thêm việc Vua Lê Lợi gửi thư xin bãi binh, và tiểu sử các tướng hàng đầu chết gồm Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh, Thôi Tụ. Riêng Bảo định bá Lương Minh, sử Việt chép bị giết, Minh Thực Lục chép bị bệnh chết:
“Ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 [30/9/1427]. Ngày hôm nay quân của quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chỗ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di [bắc huyện Chi Lăng] như vào chỗ không người. Ý Thăng xem thường, Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng:
“Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc ngụy trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, Ngài nên nói gấp.”
Khánh rán ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến eo núi Đảo Mã, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nỗi lên bốn phía, Thăng bị đâm chết bằng giáo; đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch. Lúc này Hữu Tham tướng Đô đốc Thôi Tụ thu thập quan quân, chỉnh đốn đội ngũ. Cũng ngày hôm đó Lương Minh bệnh chết, lại ngày hôm sau Lý Khánh cũng chết. Rồi đến ngày hôm sau nữa, Thôi Tụ điều quan quân tiến; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít giặcthì đông, cố gắng đánh nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân loạn, Thôi Tụ bị bắt sống. Giặc hô lớn:
‘Kẻ hàng không bị giết.’
Quan quân hoặc tử trận, hoặc chạy về biên giới, không một ai hàng. Lang trung Sử An, Chủ sự Trần Dung, Lý Tông Phương đều chết vào ngày hôm đó; duy một mình Chủ sự Phan Hậu thoát trở về được.
Liễu Thăng người đất An Khánh, huyện Hoài Ninh. Cha tên là Đức, thời Hồng Vũ giữ chức Bách hộ vệ Trung Cẩn, tại Yên Sơn.
Thăng thay chức, theo Thái tông Hoàng đế dẹp yên nội nạn, tham dự trên hai mươi trận đều có công, mấy lần được thăng đến chức Đô Chỉ huy Đồng tri giữ Trung Đô. Năm Vĩnh Lạc thứ 3 thăng chức Tả quân Đô đốc Thiêm sự. Năm Vĩnh Lạc thứ 4 theo Anh Quốc công Trương Phụ bình Giao Chỉ, năm thứ 6 được thăng An viễn bá. Năm thứ 8 sung chức Phó Tổng binh hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phía bắc, đến sông Huyền Minh đánh bại giặc, được đặc cách phong tước Phụng Thiên Tĩnh Nạn Suy Thành Tuyên Lực Vũ thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc An viễn hầu, hưởng lộc 1.500 thạch, trấn tại Ninh Hạ. Rồi tuân chiếu chỉ về kinh, giữ chức Tổng binh đại doanh, lại hỗ tòng Thiên tử bắc chinh, tiến đến Thương Nhai, Hiệp Quỉ, sông Lực Nhi, Khánh Châu; đều có công lao.
Nhân tông Hoàng đế lên ngôi, được gia phong Thái tử Thái truyền, đến nay sung chức Tổng binh quan, đem quân đánh Giao Chỉ, tử trận. Thăng tính trực, giản, điềm tĩnh; xử sự bình dị; dõng cảm lúc lâm địch, thắng sinh kiêu, mà lại ít mưu lược nên đi đến chỗ thất bại.
Lương Minh người huyện Nhữ Dương, Hà Nam; thời Hồng Vũ tập ấm chức của cha làm Bách hộ Tiền vệ Yên Sơn. Lúc Thái Tông Hoàng đế tĩnh nội nạn, theo hầu Hoàng đế Nhân Tông ở lại giữ Bắc Kinh. Bấy giờ quân địch vây thành, Minh ra sức chiến đấu, lập kỳ công mấy lần thăng đến chức Hậu quân Đô đốc Thiêm sự. Khi Hoàng đế Nhân Tông giám quốc tại Nam Kinh, Minh can tôi nhận hối lộ, bị hạ ngục. Năm Vĩnh Lạc thứ 19 được tha và phục chức rồi nhận sắc mệnh đến Quảng Đông đánh giặc Nụy. Lúc vua Nhân tông lên ngôi, được thăng Đô đốc Đồng tri mệnh trấn Ninh Hạ; lại được hậu thưởng về công thủ thành, được phong tước Bảo định bá, đến nay bị bệnh mất.
Minh tính rộng rãi, công việc ưa giản dị; nhưng quả cảm, gặp giặc hăng đi trước, rành chỉ huy quân lính; phút cuối nếu Minh không chết, Tụ không đến nỗi bị bại.
Thôi Tụ người đất Phượng Dương, huyện Hoài Viễn. Theo vua Thái tông bình nội nạn có công, được thăng đến chức Chỉ huy sứ vệ Tô Châu. Năm Vĩnh Lạc thứ 8, hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phương bắc, đánh bại giặc tại Quảng Hán, được thăng Đô Chỉ huy Thiêm sự Hà Nam. Năm Hồng Hy thứ nhất thăng Tả quân Đô đốc Thiêm sự, đến nay theo bọn Liễu Thăng đánh Giao Chỉ. Sau khi Thăng chết quân bại, Tụ thu liễm thực lực đánh tiếp, nhưng sức không đương nổi, bị giặc bắt. Giặc ép Tụ dụ chúng hàng, Tụ không theo; giặc dùng trăm kế để cưỡng dụ, Tụ không nghe, nên bị giết.
Lý Khánh người huyện Thuận Nghĩa, phủ Thuận Thiên. Vào thời Hồng Vũ, từ Sinh viên Quốc Tử giữ chức Đô sát viện Hữu thiêm Đô Ngự sử, sau đó được trao chức Viên ngọai lang bộ Hình, rồi thăng lên Tri phủ Thiệu Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ nhất chiếu ban Thị lang bộ Hình, năm thứ 5 cải sang Hữu Phó Đô Ngự sử Đô sát viện, xây dựng Bắc Kinh được thăng Thượng thư bộ Công, năm thứ 22 điều sang bộ Binh, kiêm Thái tử Thiếu bảo; Nhân tông Hoàng đế mệnh thị tòng yết Hiếu lăng. Khánh ước thúc, nên tùy tùng tướng sĩ không dám xâm phạm mảy may của dân. Thiên tử muốn săn bắn, mấy lần dâng thư can gián. Rồi lưu tại bộ Binh, Nam Kinh. Khi An viễn hầu Liễu Thăng chinh Giao Chỉ, mệnh Khánh tham tán quân sự, đến Quảng Tây phát bệnh, vào đất Giao Chỉ thì mất… “(Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 171)
Nhắm lung lạc lòng quân địch, trong thời gian đạo quân tiếp viện sang nước ta, Bình Định Vương Lê Lợi sai quân sư Nguyễn Trãi soạn nhiều văn thư gửi cho các nhân vật quan trọng trong đạo quân này. Khi Tổng binh Liễu Thăng vượt biên giới khoảng 1 ngày, đến Ải Lưu thuộc Lạng Sơn; y nhận được thư đứng tên Trần Cảo hậu duệ nhà Trần, khuyên bỏ binh giáp, hòa giải, phục hồi triều đại nhà Trần; nhưng Liễu Thăng kiêu căng, không thèm mở thư ra xem, xua quân tiếp tục tiến:
“Thư gửi Liễu Thăng.
Ta nghe, Mạnh tử có bảo rằng: “Chỉ nó người nhân giả (người có lòng nhân đạo yêu thương mọi người v.v…) là có thể mình là nước lớn mà đi lại tốt với nước nhỏ; người trí giả (người khôn ngoan, tử tế v.v…) là có thể mình là nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn. Nước lớn mà đi lại với nước nhỏ chính là biết vui theo đạo trời (lẽ phải). Nước nhỏ mà hòa hảo với nước lớn chính là biết kiêng nể mệnh trời.
Xưa kia, đức Thái tổ Cao hoàng đế [Minh Thái Tổ] ta lúc mới nổi lên làm vua, thì vua An Nam trước kia đã vào cống trước các nước, đặc biệt là được khen thưởng, được phong tước vương. Đời nọ truyền đời kia, giữ gìn bờ cõi, triều cống đầy đủ. Gẫm xem đức Thái tổ ta, theo đúng đường lối đạo lạc thiên, cùng với lòng thành úy thiên [sợ trời] của các vua Trần chúng tôi trước kia, đã thuận theo (lẽ phải) được hưởng phúc lành, há chẳng hay lắm sao?
Từ lúc Hồ (Quí Ly) gây việc càn bậy, lật đổ bàn thờ cúng tổ tiên (họ Trần) chúng tôi, hắn đối với trên thì nói dối triều đình, đối với dưới thì làm khổ cực dân chúng. Vì thế đức Thái tông đem quân trừng phạt, một khi đánh yên ngay, hạ chiếu tìm con cháu họ Trần để cho nối việc thờ cúng tổ tiên. Lúc đó, biên thần muốn lập công, tâu bậy về triều, bảo rằng con cháu họ Trần đều đã hết cả. Chúng liền xin đặt (đất An Nam) làm quận huyện giống như đời Hán Đường.
Từ đấy đến nay hơn 20 năm, binh đao liền liền, tai vạ thảm thương, nhân dân Trung Quốc khổ về việc đánh dẹp. Kể cả những trận lần trước kia cùng là những trận lần gần đây, quân lính lừa ngựa đưa tới mười phần không còn một. Cái mà lấy được không bù nổi cái mất đi, mưu mẹo lo lắng không hàn gắn nổi vết thương nặng. Tất cả là do Hồ (Quí Ly) không biết đi lại kính mến triều đình đến nỗi bị phải sụp đổ. Nhưng mà đối với đường lối thuận theo lẽ phải (lẽ trời) của nước lớn thì tôi sợ cũng có điều thiếu sót.
Nay tôi tủi phận là con cháu còn sót lại của vua Trần, ẩn náu ở đất Lão Qua đã hơn 10 năm nay. Người trong nước tôi khổ về chính sự khắc nghiệt của các quan lại (triều đình); nhớ lại ơn đức cũ của các vua Trần trước kia, mới cùng bàn nhau đánh đuổi bọn quan cai trị, ép tôi về nước. Khoảng tháng 11 năm ngoái, các quan quân đóng giữ ở các thành các xứ đều đã lục tục mở cửa, bỏ binh giáp, hòa giải cùng với chúng tôi. Tất cả các quan lại và quân dân trai gái gồm có hơn một vạn người, chúng tôi đều thu nuôi cả, không phạm đến mảy may.
Nay tôi lại nghe thấy, triều đình lại sai tướng quân đem đại quân đến bờ cõi (nước tôi); không biết rõ đạo quân ấy là quân cứu viện chăng? Hay là quân đến đóng giữ chăng? Hay lại là quân đến làm việc lập lại họ Trần chăng? Các ông ví xét rõ sự tình thời thế, đóng đại quân lại rồi đem việc hòa giải của tất cả các quan lại quân dân nói trên kia, làm tờ sớ tâu rõ công việc về triều đình, tôi cũng liền lập tức cho đúc người vàng, mang tờ biểu, tiến cống thổ sản địa phương. Còn các bầy tôi trong triều may ra biết đem đường lối thẳng thắn (can ngăn Vua) lại làm việc dấy kẻ bị diệt, nối lại dòng kẻ mất gốc, mà tránh được việc phi lí dùng binh đến cùng, khoe khoang võ lực như đời Hán, Đường. Sai một vài đặc sứ dụ dỗ bằng lời nói êm ấm để tha tội cho nước An Nam. Làm như thế thì các ông có thể ngồi yên đó mà hưởng thành công. Mà nước lớn sẽ làm trọn được đạo “lạc thiên”; nước nhỏ cũng tỏ được hết lòng thành thực “úy thiên”. Như thế há chẳng tốt đẹp lắm ru!” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 6.
Lại một bức thư thứ hai, nhân danh Bình Định Vương Lê Lợi cảnh cáo Liễu Thăng chớ hung hăng hiếu chiến; hãy lui quân ra khỏi bờ cỏi, sẽ thông hiếu hòa bình:
“Thư gửi Liễu Thăng.
Thư bảo cho các vị tổng binh của Thiên triều. Ta nghe: Quân của Vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để yên dân. Trước đây gửi thư, chính là muốn Trung Quốc mở rộng đường vỗ yên, nước nhỏ hết lòng thành kính nể. May ra cái tệ thích khoe khoang, ưa lập công của nhà Hán, nhà Đường từ đây hết đi, mà đạo của vua Thang vua Vũ dấy nước bị diệt, nối dòng đã tuyệt, lại thấy cử hành, không biết thư trước có đến các ông hay không?
Nay nghe thấy đại quân thốt nhiên đến bờ cõi; tôi thật vừa sợ vừa mừng: đây là quân cứu viện chăng, hay sẽ làm việc dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt chăng? Trước đây hơn hai mươi năm, binh đao liền liền, tai họa lắm lắm. Quân lính của Trung Quốc mười phần không còn một phần. Dân vô tội của nước nhỏ tôi gặp nhiều sự chết uổng. Cái lấy được không đủ bù cho cái mất, sự thu hoạch không bõ vào sự mất đi. Nói đến việc ấy, chắc các ông không thích nghe.
Nay, nước tôi tìm được người cháu ba đời của họ Trần ở đất Lão Qua đã hợp lòng mọi người. Ngày tháng 11 năm nay [có lẽ vào năm ngoái đúng hơn], nước tôi đã sai đúc hai pho tượng người bằng vàng, sắp đủ đồ sản vật địa phương để tiến cống, sai người đến kinh tâu bày. May ra cuộc bàn của đại đình lại tuân theo điều chương của Thái tổ (hoàng đế), và sự lý trong tờ chiếu để lại cho Thái tông hoàng đế, thì đó là sự may cho nước Giao Chỉ chúng tôi, và sự may lớn cho cả thiên hạ.
Các ông là tướng lão luyện của Thiên triều vâng mệnh đem quân ra cõi ngoài, công việc ngoài đô thành, mình tự chuyên là được rồi. Sao không xét rõ thời nghi, tùy tiện sắp việc, lui quân ra ngoài bờ cõi, sai một viên sứ giả mang một lá thư đến, xem hư thực, rồi sau đem công việc nên làm ở trên đây xin mệnh lệnh của triều đình, may được chuẩn y, thì bọn các ông không phải khó nhọc lòng sức mà hưởng thành công. Nếu đình nghị không bằng lòng thì lúc đó tiến quân cũng chưa muộn gì. Nay, các ông không nghĩ đến việc ấy, đem quân cô độc đi sâu vào đất người, cầu may nên được công việc. Tôi không cho việc làm ấy của các ông là phải. Và lại, con ong cái bọ còn có cái nọc, huống chi người trong một nước, tôi há lại không có người nào là người có mưu kế dũng lược hay sao? Các ông chớ cho nước tôi là ít người mà coi thường. Đến lúc ấy thì lòng thành của nước tôi thờ nước lớn thực có phần thiếu, mà các ông hối lại sẽ không kịp nữa. Kể ra cứu đám đánh nhau, không nên đánh đập, gỡ mối rối loạn chớ nên tay không. Nay các ông quả muốn cứu đám đánh nhau chăng? Muốn gỡ mối rối loạn chăng. Xin chớ có đánh đập, chớ có tay không khiến cho người giận lại càng giận thêm mà rối loạn lại càng rối loạn thêm. Thư này đến nơi, kính mong trả lời cho biết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 7.
Thư gửi cho Bảo định bá Lương Minh và Thượng thư Hoàng Phúc được gửi đi ngay sau khi Tổng binh Liễu Thăng bị phục kích tử trận vào ngày 20 tháng 9 [10/10/1427]; nội dung khuyên lui quân ra khỏi bờ cõi, sẽ sẵn sàng mở đường cho đi:
“Thư gửi Lương Minh Hoàng Phúc.
Thư gửi các ông: quan tổng binh là Bảo định bá tên là Lương Minh, quan Thượng thư Hoàng Phúc.
Tôi thường nghe, binh cốt để bảo vệ cho dân, không phải là để làm hại dân, dẹp yên để không phải giết, không phải là để giết nhiều người. Cho nên có câu rằng: “Binh là bất đắc dĩ mới phải dùng”. Điều mà có thể thôi được hay không thể thôi được, không phải là bản tâm của thánh nhân. Nay các ông đem quân đi sâu vào (cõi đất người) chính là bị hãm vào thế trong miệng cọp, muốn tiến không được, muốn lui không hay. Còn ta thì nhân thế chẻ tre, sau khi chẻ được mấy đốt, cứ lọng lưỡi dao mà chẻ đi, thực không khó gì. Nhưng ta vẫn nghĩ đến nghĩa nước nhỏ thờ nước lớn, có mặt trời soi trên, không dám thiếu lòng (thành kính). Cho nên nhiều lần phải, gửi thế là sự không may lớn cho cả nhân dân thiên hạ. Sao có thể thôi được mà không thôi hẳn.
Trước đây, các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An và Tiền, Hậu Vệ, Thị Cầu, Xương Giang, Tam Giang đều đã mở cửa thành, cởi giáp cùng ta hòa giải. Phàm hết thảy quan quân, đàn ông, đàn bà, lớn bé cộng mấy vạn người, ta đều thu nuôi tất cả, không xâm phạm một chút nào. Xin các ông lui ngay quân ra ngoài bờ cõi, ta tự dẹp mở lối về, cho các ông được thung dung đem quân về, ta sẽ đem các quan lại đàn ông, đàn bà nói trên kia trao tất cả ở ngoài bờ cõi. Như thế thì các ông có thể ngồi hưởng thành công mà Nam, Bắc từ nay vô sự, há chẳng hay ư? Nếu có thể thôi được mà không thôi, là do các ông không biết dập tắt lửa đi để cho nó tự cháy lên, không phải là tội của ta vậy. Thư nói không hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 8.
Tiếp đến có 3 lá thư gửi chung cho các tướng hiệu nhà Minh; bảo rút quân ngay ra khỏi biên giới, hứa sẽ đem các quan lại quân nhân bị bắt tại các thành về nước, và dâng biểu triều cống. Nếu còn có ý trông đợi quân Vương Thông tại thành Đông Quan, hoặc quân Mộc Thạnh tại cửa ải Lê Hoa. Thực tế quân tại thành Đông Quan chỉ cách một ngày đường, đã không đến thì không bao giờ dám đến; quân Mộc Thạnh tại biên giới, sau khi thấy được bằng chứng Liễu Thăng thua trận, đã vội rút về. Cuối cùng tối hậu thư, hẹn trong 3 ngày, phải rút về nước:
“Đầu mục nước An Nam kính gửi các vị tỳ tướng của thiên triều.
Tôi nghe: quân của Vương giả, cốt trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người. Nay các ông vâng mệnh đi đánh dẹp, chỉ nên trên xét lòng trời, dưới thuận việc người. Trước đây cái tai họa đắm thuyền,[12] thì trời đã răn bảo rõ lắm. phàm quan đi qua một đường nào, việc chạy trốn hại thường thường có đến bao nhiêu người, nhân dân chứa oán lại quá lắm. Các ông bỏ việc ấy không xét đến mà xông pha nguy hiểm, khinh xuất tiến quân. Kinh Dịch có câu nói rằng: “Quân đi phải có kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì dẫu phải, cũng gặp sự không hay”. Huống chi lòng trời lòng người đã như thế mà các ông còn cố gượng cứ làm, thì tự mua lấy thất bại, há chẳng đáng ư? Vả lại, bọn An Viễn hầu (Liễu Thăng) Bảo định bá (Lương Minh), Lý thượng thư (Lý Khánh) lại nối nhau bị chết, quân không người thống lĩnh, và không theo kỷ luật, chẳng bại vong sao được. Xin các ông nên chóng lui quân, đóng lại ở đất Long Châu, Bằng Tường, tôi lập tức đem ngay các quan lại quân nhân đã bắt được ở các thành đến ngoài cõi, trả lại hết cả. Và đem người vàng đã đúc, sai người đi theo, dâng biểu vào cống để nước nhỏ tôi được hết lễ thờ nước lớn, mà nước lớn được hết đạo vỗ yên người xa. Làm một việc mà được hai điều lợi, hai bên đều tốt cả. Thế không phải là may lớn cho nhân dân cả thiên hạ ư? Các ông nếu còn dùng dằng lâu ngày, chứa lòng nghi ngờ, làm hỏng mưu kế, tôi sợ rằng các ông sẽ chết vùi xương trong bụng cá ở Xương Giang [sông Thương], còn có ích gì đâu?
Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 9.
“Đầu mục nước An Nam thư gửi các vị tỳ tướng thiên triều.
Trước đây, mấy lần gửi thư, nói về việc thành hay bại của nhà nước và nỗi vui hay buồn của nhân dân. Những việc ấy rất là quan trọng. Người có chí vỗ yên bờ cõi há chẳng xót xa ư! Tôi không biết lá thư trước đây có đến nơi hay không?… Lòng của người nhân nhân quân tử, há lại dửng dưng như thế được sao?
Xưa nay đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm; thánh nhân bất đắc dĩ mới phải dùng đến. Còn việc đánh nhau đến cùng, thánh nhân vẫn có lời răn. Từ khi (triều Minh) lấy được Giao Chỉ đến giờ, dụng binh liên miên, tai họa chồng chất, mỗi ngày càng quá lắm. Trừ số người, ngựa, nguyên phái đi đánh trước, và nhiều lần tiếp tục đem thêm đã bị chết hại thì không kể, mỗi năm lại đem sang thêm mấy vạn quân và ngựa nữa. Số quân mà tổng binh đem đến sau, hiện không còn ai. Nay An viễn hầu Liễu đại nhân thống lĩnh đại quân vào cõi, chúng tôi đã gửi thư (các thư gửi cho Liễu Thăng) đều khẩn khoản nói: nên trên xét thiên thời, dưới xem nhân sự, may ra nước lớn có thể hết đạo vỗ yên, người xa nước nhỏ được hết lòng thờ nước lớn. Nhưng không may các đại nhân cho là lời nói ấy không đáng nghe, đem quân đi sâu vào cõi nước tôi, quân lính giữ bờ cõi của chúng tôi không làm thế nào được, ví như loài chim cùng thì phải mổ lại, loài thú cùng thì phải đánh lại. Trong khi vội vàng còn thì giờ đâu mà nghĩ đến lễ nghĩa chứ? Đó tuy là tội lỗi của tôi, cố nhiên không thể chối cãi được, nhưng cũng vì các ông khu xử, chưa chắc đều là phải cả. Tính việc ngày nay không gì bằng (các ông) lui quân ra ngoài bờ cõi, tôi lập tức đem ngay các quân nhân đã bắt được ở các thành trả lại hết. Rồi đem thư của nước tôi và bản tâu nói rõ đầu đuôi, tâu lên triều đình. May ra mà lời bàn của triều đình ưng cho, thì các ông có thể không mất tiếng tốt, mà Nam, Bắc từ nay vô sự. Đó không những là sự may cho nước An Nam tôi, cũng là sự may lớn cho cả bàn dân thiên hạ. Các ông đều là người Trung Quốc; về đạo nhân nghĩa và lẽ thành bại, được, hỏng xưa nay, ngày thường đã học tập, tất biết rõ rồi, tôi còn phải nói đi nói lại làm gì nữa.
Thư nói không hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 10.
“Đầu mục nước An Nam thư gửi các vị tỳ tướng thiên triều.
Tôi nghe, mưu việc từ trước khi có việc xảy ra, thì khi việc đến dễ mưu tính; việc xảy ra rồi mới mưu tính, thì mưu tính sẽ không kịp. Tôi đã gửi thư đến hai ba lượt không ngại phiền để nói nhiều. Mới rồi lại đã gửi đến một văn bản giãi tỏ chân tình, việc gì cũng nói hết ở trong bản ấy rồi. Các ông nên chóng lui quân ra ngoài cõi, không nên như Giả Hồ (không rõ nghĩa) lưu liên lâu ngày đến nỗi hỏng việc.
Kể ra, Vương giả không lừa dối bốn biển, Bá giả không lừa dối láng giềng, cho nên Văn hầu không tham đánh ấp Nguyên,[13] Thương quân [Thương Ưởng] không bỏ việc thưởng người dời cây gỗ; người mà không có tín thì làm gì được. Ngày nay tôi đã răn bảo quân lính, dẹp mở dường về cho các ông từ Cần Trạm [Kép, huyện Lạng Giang, Bắc Giang] đến Khâu Ôn,[14] nếu thấy đại quân qua lại không được xâm phạm mảy may. Các ông, trọng hạn ba ngày, nên thu nhặt mà đi. Quá hạn ấy mà còn chậm lại, thế là các ông thất tín, không phải lỗi ở tôi vậy. Kinh thi có câu nói: “Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Chắc rằng các ông sở dĩ ở chậm lại, có ý trông mong vào quân ở thành Đông Quan sang tiếp ứng chăng? Hay là ở quân Vân Nam sang tiếp ứng chăng? Thì, từ Đông Quan đến đây chỉ có một ngày đường, không phải hẹn còn có thể tự đến cứu được, há lại nỡ lòng nào dửng dưng ngồi nhìn không đau lòng hộ ư? Thế thì các ông trông mong về quân thành Đông Quan đã tuyệt vọng rồi.
Còn như Kiềm quốc công ở Vân Nam trước đây cùng với các ông cũng vâng mệnh trên họp quân ở đấy. Nhưng Kiềm đại nhân tuổi cao đức cả, đã sớm biết lẽ phải, thấy việc làm rõ. vừa mới đến bờ cõi, lập tức sai người dò thăm hư thực, nghe tin trước đây thành trì các xứ Tam Giang đều đã hòa giải, bèn lui quân về Lâm An,[15] làm bản tâu về triều. Tôi lại đem những quân nhân của các ông mà tôi đã bắt được đưa đến chỗ Kiềm đại nhân, nói rõ duyên do, bọn An viễn hầu, Bảo định bá, Lý thượng thư bị chết. Kiềm quốc đại nhân đã lui quân về Vân Nam rồi. Thế là bọn các ông trông mong về đạo quân ở Vân Nam lại tuyệt vọng nốt.
Hai mặt trông mong ấy đều đã tuyệt vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa, việc trước đã qua rồi, bỏ việc ngày nay không mưu tính đến, hối sao cho kịp. Thư nói chẳng hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 11.
———————-
[1] Tướng Tống Tào Bân tấn công nhà Nam Đường, bao vây Kim Lăng. Bỗng ông trở bệnh, không ngó ngàng gì tới công việc. Các tướng lĩnh đến hỏi thăm bệnh tình của ông, Tào Bân nói rằng: “Bệnh của ta không thể trị bằng thuốc men được. Vào ngày các ngươi chiếm được thành, nếu các tướng lĩnh của ta có thể nghiêm túc lập lời thề rằng sẽ không giết bừa một người nào, không tham lam trộm cướp bất cứ vật gì, thì bệnh ta sẽ khỏi!”. Các tướng lĩnh đều thắp hương và thề rằng sẽ tôn trọng triệt để quân lệnh này. Nhờ vậy Hậu Chủ Lý Dục và quan tướng cùng dân chúng được bảo toàn tính mạng.
[2] Lý Quảng tướng nhà Hán, làm thái thú Lũng Tây. Người Khương làm phản, Lý Quảng dụ hàng. Người Khương hàng hơn tám trăm người, bị Quảng lừa giết cả trong một ngày.
[3] Đô đốc Thái là Thái Phúc, trấn thủ thành Nghệ An. Hai quan Đô ty họ Chu, họ Tiết là Đô chỉ huy Chu Quảng và Tiết Tụ ở thành Diễn Châu. Án sát họ Trương có lẽ là Trương Lân ở thành Điêu Diêu, tức thành Tiền vệ của thành Đông Quan. Bố chính họ Kim chưa rõ tên.
[4] Đê Vạn Xuân: Tức đê Thanh Trì ngày nay.
[5] Cương Mục chú Lê Hoa: Theo Tuyên Quang tỉnh chí, tương truyền rằng, xưa kia, Lê Hoa thuộc tỉnh Tuyên Quang, về sau bị lấn mất vào Mông Tự thuộc Vân Nam. Vậy chưa biết có đúng không?
[6] Chi Lăng: ải hiểm trở nhất trên con đường từ Pha Lũy đến Đông Quan, cách Pha Lũy khoảng 60 km, thuộc xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.
[7] Mã Yên: Tên nôm là núi Yên Ngựa tại Chi Lăng, một hòn núi đá cao khoảng 40m so với mặt đất, chu vi 300m, nằm ở phía nam cánh đồng lầy lội, muốn qua phải bắc cầu mới đi được.
[8] Đây là trận phục kích lớn xảy ra ở Cần Trạm, nay là vùng Kép và một số xóm phía tây nam xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ngày nay.
[9] Trận ngày 28 tháng 9 xảy ra ở Phố cát là vùng đồi đất giữa Cần Trạm và Xương Giang, khoảng xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay. Trận này, Lý Khánh phải thắt cổ tự tử.
[10] Khu vực đóng quân của địch ở phía bắc thành Xương Giang, đó là một vùng đồng ruộng và xóm làng rộng lớn gồm xã Tân Dinh thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ngày nay.
[11] Ải Bàng Quan: hay Nội Bàng, ở vùng Chũ, tỉnh Bắc Giang ngày nay.
[12] Thư số b15 trong Quân Trung Từ Mệnh Tập cũng có đoạn: “Hiện nay có An viễn hầu là Liễu Thăng vâng mệnh triều đình đem hơn 10 vạn quân, đi đến Quảng Tây, đã hai lần sắc thư gọi về, Liễu thăng trót đã mang quân ra, chống lại mệnh lệnh mà cứ đi. Quân đi đến Lễ giang, bị tai họa đắm thuyền, chết đuối đến hơn một vạn người. Đó là, trời bảo cho biết đã rõ lắm rồi”.
[13] Thời Xuân thu, Tấn văn công đánh nước Nguyên, cho đem lương ăn ba ngày, hẹn ba ngày không đánh được thì về. Hễ ba ngày không hạ được thành, quân xin ở lại để đánh. Văn công nói: “Tín là vật báu của nước, và là cái để cho dân dựa. Được Nguyên mà mất tín, thì dân dựa vào đâu”. Liền cho lui quân một xá (30 dặm) để tỏ sự tín (Tả truyện).
[14] Cần Trạm nay là vùng Kép, Khâu Ôn là vùng thị xã Lạng Sơn. Đó là hai địa điểm trên đường từ Pha Lũy đến Xương Giang.
[15] Lâm An là một phủ thuộc Vân Nam Trung Quốc.