Chuyển động Quốc Phòng (4/11 – 10/11/2022)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi

Chuyên mục Phân tích

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Lực lượng đánh thuê Wagner của Nga có trụ sở chính thức đầu tiên

Tập đoàn Wagner, một lực lượng lính đánh thuê tư nhân bí mật trước đây của Nga, mở trụ sở chính thức đầu tiên tại thành phố Saint Petersburg. Nhóm do Yevgeny Prigozhin, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, kiểm soát. Việc khai trương “Trung tâm Wagner” được coi là một bước đi của Prigozhin nhằm công khai hoạt động quân sự của mình và thể hiện sự chủ động hơn trong việc định hình chính sách quốc phòng của Nga.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russian mercenary force Wagner opens first official headquarters. Truy cập ngày 6/11/2022

‘Chúng tôi đã hoàn toàn bị lộ’, lính Nga nói hàng trăm người thiệt mạng trong cuộc tấn công

“Một máy bay không người lái của Ukraine lần đầu tiên bay qua đầu chúng tôi, và sau đó pháo của họ bắt đầu tấn công chúng tôi hàng giờ đồng hồ, không ngừng nghỉ,” Agafonov, người sống sót sau vụ pháo kích, nói với Guardian trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm thứ Hai. Agafonov nói rằng trải nghiệm đó như địa ngục, và cho biết thêm rằng các chỉ huy đơn vị của anh ta đã bỏ rơi lính của mình ngay trước khi cuộc pháo kích bắt đầu. Trong một video được quay tại một trung tâm huấn luyện ở Kazan, thủ phủ của vùng Tatarstan của Nga, hàng chục lính được điều động gần đây được nhìn thấy đang trách móc lãnh đạo vì không được trả lương, cũng như không được cung cấp đầy đủ nước uống và thực phẩm.

Xem thêm tại: Guardian, ‘We were completely exposed’: Russian conscripts say hundreds killed in attack. Truy cập ngày 8/11/2022

Lầu Năm Góc: ông Tập và ông Putin ‘tiến tới một liên minh’

Lầu Năm Góc nói rằng Nga và Trung Quốc dường như đang “tiến tới một liên minh” vào thời điểm các quốc gia phương Tây đang tìm cách cô lập Moscow vì cuộc chiến với Ukraine. Colin Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách vấn đề chính sách, nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng “chúng ta có thể dự đoán mối quan hệ Nga-Trung sẽ trở nên sâu sắc hơn”. Chín tháng trước, Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã ký kết quan hệ đối tác chiến lược “không có giới hạn” chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Xem thêm tại: Defense News, Pentagon: Xi and Putin ‘edging toward an alliance’. Truy cập ngày 9/11/2022

Hệ thống phòng không phương Tây giúp Ukraine bắn hạ nhiều tên lửa

Vào đầu tháng 10, Ukraine đã nhận được một hệ thống IRIS-T tiên tiến từ Đức, và ba hệ thống nữa đang trên đường tới nước này. Ukraine nói rằng hệ thống đầu được triển khai cho đến nay đã bắn hạ mọi mục tiêu. Tổ đội tên lửa S-300 được chuyển giao vào đầu năm nay từ Slovakia cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Hôm thứ Hai vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine xác nhận nước này cũng đã tiếp nhận hai hệ thống NASAM, do Kongsberg, công ty hàng không vũ trụ Na Uy và Raytheon của Mỹ, phát triển. Các quan chức Ukraine nói rằng hệ thống NASAM đã hoạt động được một thời gian và Mỹ đang tăng tốc bàn giao thêm sáu hệ thống khác trong thời gian tới.

Xem thêm tại: Economist, Western air-defence systems help Ukraine shoot down more missiles. Truy cập ngày 8/11/2022

Iran xác nhận gửi drone cho Nga nhưng là gửi trước cuộc chiến tại Ukraine “nhiều tháng”

Phát biểu với các phóng viên sau một sự kiện ở Tehran hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian đính chính cáo buộc của các quan chức phương Tây rằng Iran đã cung cấp máy bay không người lái cho Moscow và các tên lửa đất đối đất cũng có thể đang được triển khai. Các quan chức Iran trước đó đã nhiều lần nói rằng Tehran có hợp tác “quốc phòng” với Nga, nhưng không cung cấp vũ khí cho Điện Kremlin “với mục đích sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine”. Ông Amirabdollahian hôm thứ Bảy nhắc lại rằng Iran không ủng hộ bên nào trong cuộc chiến và sẵn sàng đối thoại với Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Iran confirms drones to Russia but ‘months’ before Ukraine war. Truy cập ngày 6/11/2022

Ukraine cáo buộc Iran đào tạo phi công drone cho Nga

Ukraine cho biết họ có bằng chứng về việc Iran đào tạo phi công Nga vận hành máy bay không người lái được sử dụng để tấn công các mục tiêu dân sự trên khắp đất nước trong các cuộc tấn công gây thiệt hại đến mức thị trưởng Kyiv kêu gọi người dân tạm thời rời thành phố. Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko khuyến cáo người dân tích trữ vật phẩm cần thiết như nước, pin sạc, nguồn cung cấp thực phẩm và quần áo ấm, và cảnh báo rằng không thể loại trừ tình trạng mất điện quy mô lớn. Cáo buộc diễn ra trong bối cảnh Ukraine cho rằng Iran đang nói dối khi Tehran lên tiếng xác nhận lần đầu tiên việc gửi drone cho Nga nhưng trước cuộc chiến vài tháng.

Xem thêm tại: WSJ, Ukraine Accuses Iran of Training Russian Drone Pilots. Truy cập ngày 8/11/2022

Tên lửa tấn công xuyên phá Storm Shadow tích hợp trên máy bay chiến đấu siêu thanh Fencer

Không quân Ukraine đang chờ đợi sự tích hợp loại tên lửa siêu thanh mới. Sau khi tên lửa không đối đất HARM AGM-88 được các máy bay MiG của Ukraine sử dụng thành công để tấn công căn cứ không quân Saki của Nga ở Crimea, Kyiv hy vọng loại vũ khí mới này sẽ nâng cao hiệu quả các cuộc không kích của Ukraine. Storm Shadow được thiết kế để đối phó với boongke, cơ sở hạ tầng kín đáo cũng như các mục tiêu di chuyển hoặc cố định. Sự tham gia trong tương lai của Storm Shadow vào cuộc chiến ở Ukraine sẽ không phải là lần ra mắt đầu tiên. Trái lại, tên lửa đã được đưa vào sử dụng trước đó trong các cuộc không kích ở Iraq, Libya và Syria .

Xem thêm tại: Bulgaria Military, Storm Shadow deep strike missile on Ukrainian supersonic Fencer. Truy cập ngày 5/11/2022

Mỹ đã bàn giao hệ thống MICLIC rà phá bom mìn M58 cho Ukraine

Theo một bức ảnh được công bố trên tài khoản Twitter “Ukraine Weapons Tracker” vào ngày 6 tháng 11 năm 2022, quân đội Ukraine đã nhận được hệ thống rà phá bom mìn M58 (MICLIC) từ Mỹ. M58 MICLIC được đưa vào trang bị cho Quân đội và Thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 1988, hệ thống này bao gồm khung gầm xe kéo M353 hoặc M200A1, cụm bệ phóng, bộ dẫn bắn M147, dây cước M58A3 và tên lửa 127mm MK22 Mod 4. Việc bàn giao theo sau công bố Bộ quốc phòng Mỹ ngày 15 tháng 9 về gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 600 triệu USD.

Army Recognition, US has delivered M58 Mine Clearing Line Charge MICLIC systems to Ukraine. Truy cập ngày 7/11/2022

Mỹ, Hà Lan cùng chia sẻ kinh phí nhằm tân trang xe tăng của CH Séc cho Ukraine

Lầu Năm Góc thông báo hôm thứ Sáu Mỹ và Hà Lan đang chia nhỏ chi phí tân trang thêm 90 xe tăng T-72B của CH Séc cho Ukraine nhằm đẩy lùi Nga trong cuộc chiến. Thỏa thuận này là một phần trong gói viện trợ 400 triệu USD của Mỹ cho Ukraine, bao gồm tài trợ để tân trang và tài trợ một số lượng chưa được tiết lộ các hệ thống phòng không Hawk đã lỗi thời của quân đội Mỹ. Gói tài trợ cũng bao gồm sự kết hợp giữa việc chuyển giao các trang thiết bị dự trữ của Mỹ và hợp đồng mới theo Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine.

Xem thêm tại: Defense News, US, Netherlands go Dutch to refurbish Czech tanks for Ukraine. Truy cập ngày 6/11/2022

Mỹ bí mật yêu cầu Ukraine cho Nga thấy rằng Kiev sẵn sàng đối thoại

Tờ Washington Post đưa tin hôm thứ Bảy rằng chính quyền Biden đang bí mật khuyến khích lãnh đạo Ukraine phát đi tín hiệu cởi mở để đàm phán với Nga và yêu cầu Ukraine từ bỏ quan điểm rằng sẽ không tham gia đàm phán hòa bình trừ khi ông Putin bị truất khỏi ghế quyền lực. Tờ báo dẫn lời nguồn giấu tên quen thuộc nói rằng yêu cầu của các quan chức Mỹ không nhằm thúc đẩy Ukraine vào bàn đàm phán, mà là một nỗ lực có tính toán để đảm bảo Kyiv duy trì được sự ủng hộ của các quốc gia khác vốn đang đối mặt với sức ép từ cử tri về một cuộc chiến tranh kéo dài trong những năm tới.

Reuters, U.S. privately asks Ukraine to show Russia it’s open to talks -Washington Post. Truy cập ngày 6/11/2022

 

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Triều Tiên bác bỏ cáo buộc vận chuyển vũ khí cho Nga

Triều Tiên bác bỏ tuyên bố của Mỹ rằng họ đang lén lút vận chuyển vũ khí cho Nga để phục vụ cho cuộc chiến ở Ukraine, nói rằng họ chưa bao giờ bán vũ khí cho Moscow và không có kế hoạch làm như vậy. Tuyên bố hôm thứ Ba của Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) được đưa ra sau khi Người phát ngôn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby tuần trước cho biết Mỹ có thông tin cho thấy Triều Tiên đang cung cấp cho Nga một số lượng “đáng kể” đạn pháo. Việc cung cấp vũ khí sẽ là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa hai quốc gia biệt lập trở nên sâu sắc hơn vào thời điểm Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân.

Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea dismisses claims of weapons shipments to Russia. Truy cập ngày 8/11/2022

Các động thái mới của Triều Tiên sau hàng loạt vụ thử tên lửa tuần qua

Triều Tiên đã bắn 4 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi bờ biển phía Tây vào sáng thứ Bảy. Vài giờ sau đó, 2 máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B của Mỹ đã bay qua Bán đảo Triều Tiên trong lần triển khai đầu tiên kể từ năm 2017. Triều Tiên đã phóng 85 tên lửa trong năm nay, trong đó có 23 quả được bắn chỉ riêng hôm thứ Tư tuần qua, nhiều hơn bất kỳ năm nào trước đó.

Bình Nhưỡng không chỉ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới đang được phát triển, mà còn bắn một loạt tên lửa tầm ngắn để phản đối Mỹ và Hàn Quốc khai hai nước tăng cường các cuộc tập trận quân sự chung. Tiếp đó, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo tầm ngắn về vùng biển phía đông của họ vào thứ Tư và mở rộng một loạt các cuộc trình diễn vũ khí gần đây, bao gồm cả những gì họ mô tả là các cuộc tấn công mô phỏng vào các mục tiêu của Hàn Quốc và Mỹ vào tuần trước. Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (SCJ) cho biết tên lửa được phóng từ thị trấn phía tây Sukchon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng và bay xuyên về phía vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên. Vụ phóng diễn ra sau khi Triều Tiên bắn hàng chục tên lửa vào tuần trước trong một phản ứng giận dữ đối với cuộc tập trận kết hợp quy mô lớn trên không giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Bình Nhưỡng cho rằng là một cuộc diễn tập xâm lược.

Xem thêm tại: NY Times, North Korea Launches More Missiles, and U.S. Bombers Fly Over the South. Truy cập ngày 6/11/2022; AP, N. Korea fires ballistic missile toward eastern sea. Truy cập ngày 10/11/2022

Ông LaPlante nói Quốc hội Mỹ sẵn sàng ủng hộ việc mua vũ khí dài hạn

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ LaPlante cho biết ông hy vọng Quốc hội sẽ thông qua thẩm quyền và kế hoạch chi tiêu mới để mở rộng sản xuất vũ khí của Mỹ theo cách chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh. Để giúp Ukraine chống lại Nga và lấp đầy kho dự trữ vũ khí của Mỹ, LaPlante trong nhiều tháng đã kêu gọi Lầu Năm Góc chấp nhận các hợp đồng đấu thầu dài hạn đối với các loại vũ khí thường được dành cho các loại tàu chiến và máy bay chiến đấu chủ lực. Trong một cuộc thảo luận rộng hơn tại trường đại học George Mason vào tuần trước, LaPlante cho biết ông tin rằng Quốc hội sẽ trao quyền và số tiền tương ứng với kế hoạch đề ra.

Xem thêm tại: Defense News, Congress poised to back multiyear weapons purchases, LaPlante says. Truy cập ngày 8/11/2022

Chỉ huy hạt nhân quân đội Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo về bước tiến của chương trình vũ khí hạt nhân Trung Quốc.

Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược cơ quan giám sát chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ cảnh báo rằng Trung Quốc đang phát triển vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với Mỹ và gọi vấn đề này là “vấn đề trước mắt” trong bài phát biểu tại một sự kiện kín đầu tuần này. Trong khi các quan chức Lầu Năm Góc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng và phát triển vũ khí hạt nhân nhiều năm qua, bình luận trên cho thấy tình hình còn tồi tệ hơn những gì các quan chức khác đã công bố.

Xem thêm tại: CNN, US military nuclear chief sounds the alarm about pace of China’s nuclear weapons program. Truy cập ngày 5/11/2022

Mỹ muốn đàm phán quốc phòng với Trung Quốc ‘trở lại đúng hướng’

Quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ hôm thứ Hai đã thúc giục Bắc Kinh nối lại các cuộc đàm phán quốc phòng với Washington, điều mà Trung Quốc đã cắt đứt sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào mùa hè. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết kể từ khi các hành động mạnh mẽ và hung hăng của quân đội Trung Quốc xung quanh Đài Loan bắt đầu vào tháng 8, chúng tôi đã không có thông tin liên lạc giữa hai lực lượng quân đội mà chúng tôi tin rằng có thể giúp tạo ra sự ổn định hơn và giảm nguy cơ gây hiểu lầm”.

Xem thêm tại: SCMP, US says it wants to get defence talks with China ‘back on track’. Truy cập ngày 9/11/2022

Giới chức hàng đầu Trung Quốc cho rằng PLA phải ‘dự phòng toàn phần’ cho cuộc chiến tại eo biển Đài Loan

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi PLA “tăng cường đào tạo toàn diện và chuẩn bị cho chiến tranh” trong báo cáo mà ông đã đưa ra tại đại hội Đảng Cộng sản tháng trước, các nhà lãnh đạo quân đội đã đưa ra một số diễn giải trong một cuốn sách xuất bản tuần này. “Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với sự can thiệp từ bên ngoài và các sự cố lớn liên quan đến nền độc lập của Đài Loan thông qua các biện pháp phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác, luôn duy trì trạng thái sẵn sàng cao và sẵn sàng chiến tranh mọi lúc”, đại tá Liu Yantong viết trong cuốn sách bình luận chính thức về báo cáo đại hội Đảng Trung Quốc vừa qua.

Xem thêm tại: SCMP, Chinese top brass say PLA must be on ‘full-time standby’ for war in Taiwan Strait. Truy cập ngày 6/11/2022

Nhiều cựu phi công quân sự từ phương Tây đang bị dụ dỗ đến Trung Quốc

Trong những tuần gần đây, lý do tại sao phi công nước ngoài có thể được nhìn thấy trên các máy bay phản lực của Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn. Vào ngày 18 tháng 10, Bộ Quốc phòng Anh thông báo rằng họ đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc thu hút các cựu phi công quân sự để huấn luyện lực lượng không quân của mình. Một quan chức cho biết một công ty tư nhân có tên là Học viện bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA) đã thuê tới 30 cựu phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh làm việc tại Trung Quốc với thù lao khoảng 270.000 USD một năm. Các trường hợp tương tự được báo cáo từ Úc, Pháp, và cả Mỹ.

Trong diễn biến có liên quan, Bộ Quốc phòng Canada cho biết họ đang điều tra các báo cáo rằng Trung Quốc đã cố gắng sử dụng các khoản chi trả béo bở để thu hút các cựu phi công quân sự Anh, Canada và các nước khác huấn luyện lực lượng không quân của mình. BBC cho biết Trung Quốc đang tìm cách để các cựu phi công được tuyển mộ giúp quân đội của nước này tìm hiểu về cách thức hoạt động của quân đội Anh và đồng minh, cũng như những thông tin quan trọng trong cuộc xung đột tiềm tàng chẳng hạn như xung đột với Đài Loan.

Xem thêm tại: Economist, Former military pilots from the West are being lured to China. Truy cập ngày 8/11/2022; CTV News, Canada probes reports China is trying to pay British, Canadian and other fighter pilots to train its air force. Truy cập ngày 6/11/2022

Hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái của Trung Quốc trở thành tâm điểm tại triển lãm hàng không Chu Hải

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các hệ thống phòng thủ chống máy bay không người lái tiên tiến nhất của Trung Quốc sẽ là tâm điểm của triển lãm hàng không hàng đầu của nước này khai mạc vào thứ Ba. Các hệ thống này được thiết kế để phát hiện và đánh chặn hàng loạt máy bay không người lái (UAV) ở độ cao thấp và kết hợp công nghệ phòng không, trí tuệ nhân tạo, chống tên lửa và dự kiến được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 14, ở thành phố biển Chu Hải, tỉnh Quảng Đông cho đến Chủ nhật.

Xem thêm tại: SCMP, China’s anti-drone defences to take centre stage at the Zhuhai air show. Truy cập ngày 7/11/2022

Ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ tập trung chuẩn bị cho chiến tranh

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố: Trung Quốc sẽ tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh khi tình hình an ninh của đất nước ngày càng ‘không ổn định và không chắc chắn’. Ông Tập nói rằng Bắc Kinh sẽ tăng cường toàn diện việc huấn luyện và chuẩn bị cho bất kỳ cuộc chiến nào. Lời cảnh báo của ông theo sau lời kêu gọi hồi tháng trước về việc phát triển quân sự nhanh hơn, ‘tự lực và vững chắc”’ trong công nghệ và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài khiến khả năng xảy ra xung đột ngày càng tăng.

Xem thêm tại: Daily Mail, China will focus on preparing for WAR, Xi Jinping declares. Truy cập ngày 9/11/2022

Trung Quốc cảnh giác khi Nhật Bản tham gia nền tảng an ninh mạng của NATO

Theo các nhà phân tích, việc Nhật Bản tham gia vào nền tảng phòng thủ mạng của NATO là mối quan tâm của Trung Quốc và phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của an ninh mạng ở Tokyo. Các đánh giá theo sau thông báo của Nhật Bản vào thứ Sáu rằng họ sẽ tham gia Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng của NATO, một nền tảng nhằm giúp các thành viên liên minh và đối tác của họ tự bảo vệ mình tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng. Nhật Bản cùng với Hàn Quốc và Úc sẽ trở thành một thành viên đóng góp của nền tảng này, vốn đang được tài trợ bởi 29 thành viên Nato và có sự tham gia của 9 quốc gia khác.

Xem thêm tại: SCMP, China casts wary eye as Japan signs up for Nato cybersecurity platform. Truy cập ngày 9/11/2022

Trung Quốc tặng xe tải, phương tiện vòi rồng cho cảnh sát Đảo quốc Solomon sau lượt quyên góp của Úc.

Trung Quốc sẽ tặng hai xe vòi rồng, 30 xe máy và 20 ô tô cho Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Solomon (RSIPF), đây là dấu hiệu khác cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng trở thành một đối tác an ninh lớn của nước này. Các phương tiện sẽ được bàn giao trong buổi lễ vào sáng thứ Sáu tại Honiara với sự có mặt của Thủ tướng Manasseh Sogavare và đại sứ Trung Quốc tại Quần đảo Solomon Lí Minh (Li Ming). Khoản quyên góp này là một minh chứng khác cho thấy sự cạnh tranh giữa Úc và Trung Quốc đang gia tăng ở Quần đảo Solomon, khi cả hai quốc gia đều cố gắng củng cố vị thế của mình với cảnh sát và các chính trị gia cấp cao tại quần đảo.

Xem thêm tại: ABC, China to gift water cannon trucks, vehicles to Solomon Islands police days after Australian donation. Truy cập ngày 5/11/2022

Cựu phi công quân sự Mỹ bị bắt ở Australia có cùng địa chỉ tại Bắc Kinh với hacker Trung Quốc

Một cựu phi công quân sự Mỹ bị bắt tại Úc và có khả năng bị dẫn độ sang Mỹ với các cáo buộc bí mật có cùng địa chỉ tại Bắc Kinh với một doanh nhân Trung Quốc bị bỏ tù tại Mỹ vì âm mưu tấn công máy tính của các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Địa chỉ tại Bắc Kinh được liệt kê trong hồ sơ của công ty Úc trong trường hợp người phi công và danh sách đen của Mỹ trong trường hợp của doanh nhân Trung Quốc. Tuy nhiên việc họ có sử dụng địa chỉ tại Bắc Kinh cùng lúc hay không vẫn chưa được làm rõ. Vụ việc theo sau việc cảnh sát Liên bang Úc bắt giữ Daniel Edmund Duggan, 54 tuổi, một cựu công dân Mỹ tại thị trấn nông thôn Orange ở bang New South Wales vào tháng trước.

Xem thêm tại: Reuters, Former U.S. military pilot arrested in Australia listed same Beijing address as Chinese hacker. Truy cập ngày 5/11/2022

Úc mua máy bay Lockheed giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng

Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua hơn 6 tỷ USD tiền bán thiết bị quân sự nước ngoài cho Úc khi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về kế hoạch đồn trú các máy bay ném bom có ​​khả năng hạt nhân của Mỹ ở quốc gia phía nam Ấn Độ – Thái Bình Dương. Canberra đã được chấp thuận mua 24 máy bay vận tải C-130J-30 Super Hercules do Lockheed Martin sản xuất với chi phí ước tính hơn 6 tỷ USD. Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng, thỏa thuận bao gồm các hệ thống cảnh báo tên lửa, các biện pháp đối phó hồng ngoại và các thiết bị và công nghệ khác cho máy bay.

Xem thêm tại: Defense News, Australia to buy Lockheed aircraft amid mounting tensions with China. Truy cập ngày 6/11/2022

Hải quân Ấn Độ lên kế hoạch ngăn tàu do thám Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ

Hải quân Ấn Độ sẽ không cho phép tàu Yuan Wang-6 đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này kéo dài tới 200 hải lý trên biển. Mặc dù trên thực tế, Yuan Wang-6  là một tàu do thám của Hải quân PLA được gửi đến Khu vực Ấn Độ Dương để theo dõi các vụ thử tên lửa của Ấn Độ từ Đảo APJ Abdul Kalam ngoài khơi bờ biển Odisha, nhưng được đăng ký chính thức như một tàu nghiên cứu và khảo sát. Trong khi các tàu thuyền nước ngoài, bao gồm cả tàu chiến, có thể tự do đi qua EEZ, luật pháp Ấn Độ nghiêm cấm mọi hoạt động khảo sát, nghiên cứu hoặc thăm dò tại đó của quốc gia khác mà không được phép.

Xem thêm tại: Economic Times, Navy plans to stop Chinese spy ship from entering India’s exclusive economic zone. Truy cập ngày 8/11/2022

Nhật Bản thực hiện nhiều động thái quân sự mới trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực

Nhật Bản và Anh chuẩn bị ký một hiệp ước quốc phòng lớn vào tháng 12 cho phép các nước tăng cường hợp tác với Mỹ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương và tăng cường khả năng răn đe trước mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc. Hai nước sẽ ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (RAA), theo các nguồn tin quen thuộc. Thỏa thuận này sẽ tuân theo một thỏa thuận tương tự mà Nhật Bản đã ký với Úc vào tháng Giêng và là một dấu hiệu khác cho thấy Tokyo đang củng cố mối quan hệ quốc phòng sâu sắc hơn với các đồng minh và đối tác để chuẩn bị cho khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Tiếp đó, Nhật Bản bắt đầu xem xét nới lỏng các điều kiện xuất khẩu đối với khí tài đã qua sử dụng của Lực lượng Phòng vệ, bao gồm cả xe tăng và tên lửa hiện đang bị cấm cung cấp cho nước ngoài. Tokyo cũng sẽ xem xét việc cung cấp miễn phí các thiết bị như vậy cho các nước châu Á để tăng cường hợp tác quốc phòng khi Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự. Cùng lúc, Nhật Bản đang xem xét giảm biên chế hai tàu khu trục được chế tạo ban đầu có hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo Aegis nhằm tăng tính cơ động của chúng. Chính phủ Nhật cũng có kế hoạch chế tạo các tàu đa năng có khả năng mang tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ phát triển. Thông qua quá trình cải tạo, chính phủ đặt mục tiêu cải thiện khả năng tương tác của hai tàu trên với 8 tàu khu trục trang bị Aegis hiện có, cho phép triển khai nhanh chóng tới các vùng biển như ngoài khơi Okinawa, nơi căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan.

Xem thêm tại: Financial Times, Japan to sign military pact with UK as allies eye China threat. Truy cập ngày 7/11/2022; Nikkei Asia, Japan weighs allowing secondhand tank and missile exports. Truy cập ngày 8/11/2022; Kyodo News, Japan to downsize 2 planned Aegis destroyers to increase mobility. Truy cập ngày 10/11/2022

Hãng hàng không vũ trụ Indonesia ra mắt ý tưởng máy bay chiến đấu thế hệ 4.5

Công ty hàng không vũ trụ Indonesia Infoglobal đã công bố bản mô phỏng ý tưởng máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 – i-22 Sikatan, tại triển lãm Indo Defense 2022 ở Jakarta. Mẫu máy bay mới này có hai biến thể – một cấu hình trang bị cánh mũi và một không trang bị. Cấu hình cánh mũi có sải cánh dài 9 m, trong khi loại không có cánh mũi có sải cánh dài 9,6 m. Cả hai mẫu đều được thiết kế hoàn toàn trong nước bởi các kỹ sư hàng không vũ trụ địa phương. Ý tưởng được hình thành với sự hợp tác của công ty thiết kế hàng không vũ trụ Vimana Litbang & Rekayasa, do cựu phi công UAV thương mại Sunanto Ajidarmo đứng đầu.

Xem thêm tại: Janes, Indonesian aerospace firm unveils 4.5-generation fighter concept. Truy cập ngày 8/11/2022

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:

Anh cam kết sẽ cung cấp pháo và máy bay trực thăng cho Estonia

Hai chính phủ hôm thứ Ba nói rằng các quan chức Anh và Estonia đã vạch ra một lộ trình để tăng cường quan hệ quân sự. Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng cường năng lực cho lực lượng quân đội Anh đang đóng tại các quốc gia Baltic bằng vũ khí phòng không tầm ngắn và hệ thống tên lửa phóng nhiều lần. Thỏa thuận được Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và người đồng cấp Estonia Hanno Pevkur ký kết tại London nhằm thực hiện các kế hoạch của NATO đã được phê duyệt tại Madrid, Tây Ban Nha vào mùa hè nhằm củng cố mặt trận phía đông của liên minh.

Xem thêm tại: Defense News, Britain vows to flow artillery, helicopters into Estonia. Truy cập ngày 9/11/2022

Các quan chức Mỹ và vùng Vịnh nói mối đe dọa từ Iran đã giảm bớt

Các quan chức Vịnh Ba Tư và Mỹ cho biết mối đe dọa về một cuộc tấn công của Iran nhằm vào Ả Rập Xê-út hoặc các nước láng giềng Trung Đông đã giảm bớt, vài ngày sau khi Riyadh chia sẻ thông tin tình báo với Washington cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra. Mỹ, Ả Rập Xê-út và các lực lượng quân sự khác đã cảnh giác cao độ về một cuộc tấn công từ Iran, khi căng thẳng giữa Riyadh và Tehran lên đến đỉnh điểm trong nhiều năm. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã đe dọa Ả Rập Xê Út về việc các cuộc biểu tình của Iran được đưa tin đậm nét bởi một đài truyền hình nói tiếng Farsi (tiếng Ba Tư) do Ả Rập Xê Út hậu thuẫn.

Xem thêm tại: WSJ, Threat of Iran Attack Has Eased, U.S. and Persian Gulf Officials Say. Truy cập ngày 6/11/2022

Chuyên mục Phân tích:

Những lựa chọn dành cho Nga và điểm yếu mà Ukraine có thể chọc thủng trong thời gian tới

Mick Ryan, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, phân tích trên twitter về những lựa chọn khả dĩ dành cho Nga trong năm 2023 và những điểm yếu của Nga mà Ukraine có thể chọc thủng trong thời gian tới.

Đầu tiên, Ryan nhận định rằng những chiến thắng trong các cuộc phản công của Ukraine kể từ đầu cuộc chiến khiến Nga phải liên tục thay đổi chiến lược của mình. Từ những yếu tố chiến lược của Nga rút ra từ cuộc chiến thời điểm hiện tại, tư duy về chiến dịch của Nga tại Ukraine năm 2023 của tướng Nga Surovikin sẽ như thế nào? Ryan gợi ý 5 yếu tố định hình chiến dịch của Nga vào năm 2023 gồm có:

    • Sự tiếp nối chiến lược tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự mang tính chiến lược, cụ thể là các điểm tập huấn và hậu cần. Nga cũng sẽ tìm một số cách nhằm ngăn chặn hệ thống phòng không dưới đất mới của Ukraine.
    • Nga sẽ bảo vệ 5 vùng lãnh thổ mà ông Putin đã tuyên bố sáp nhập.
    • Theo sau việc bảo vệ, Nga cũng sẽ thực hiện việc “Nga hóa” (Russify) các vùng đã chiếm đóng thông qua các hoạt động chính trị tương tự như ở Kherson.
    • Nga cũng sẽ thực hiện “tiết kiệm lực lượng” (economy of force) nhằm khiến Ukraine không thể dùng lực lượng tấn công ồ ạt Nga tại phía nam và đông.
    • Cuối cùng, các cố gắng nhằm cải thiện độ hiệu quả trên chiến trường của lực lượng không quân và lục quân Nga có thể bao gồm nỗ lực cải tiến hậu cần và an ninh khu vực hậu phương.

Vậy còn phía Ukraine và phương Tây có thể phản ứng như thế nào? Ryan tiếp tục đưa ra 5 phản ứng tương ứng cho Ukraine và phương Tây gồm:

    • Hỗ trợ về trang bị, tài chính và nhân đạo, huấn luyện của phương Tây tiếp tục cần thiết trong trung hạn, nếu Ukraine muốn thắng sẽ mất rất nhiều sự kiên nhẫn mang tính chiến lược, thời gian và nguồn lực.
    • Hỗ trợ về hệ thống phòng không, công nghệ chống drone rất cần thiết nhằm chống lại các cuộc tấn công trên không và bằng tên lửa từ Nga.
    • Chiến lược “bào mòn” của Ukraine – tấn công vào hậu cần, C2 (bộ chỉ huy và kiểm soát) và sĩ khí của Nga, vẫn cần được tiếp tục, tuy nhiên cần phải có sự thích ứng mới vì Nga cũng đang dần thích ứng trong chiến dịch của mình.
    • Cần tiếp tục chiêu mộ cho các lực lượng chiến đấu Ukraine bao gồm xe chiến đấu bọc thép, đạn dược, hỗ trợ tình báo và huấn luyện thông qua việc bắt đầu mở rộng sản xuất Quốc phòng ở phương Tây.
    • Cuối cùng, Ukraine cần duy trì chiến dịch gây ảnh hưởng chiến lược quan trọng bằng việc duy trì sự ủng hộ chính trị và công chúng của phương Tây cho cuộc chiến.

Tổng hợp tại twitter: Mick Ryan – What might Russia’s options be for 2023, and what are the vulnerabilities Ukraine can attack?. Truy cập ngày 5/11/2022

Một số phân tích về tình hình cuộc chiến tại Ukraine từ chuyên gia

Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), đưa ra một vài phân tích về hiện trạng của cuộc chiến trên twitter sau khi ông đến thăm trực tiếp Ukraine, bao gồm các khu vực nóng như Kherson.

Theo Kofman, Ukraine đang thắng thế và sĩ khí của quân đội đang cao. Điểm yếu nhất của Nga lộ rõ khi mùa đông đang đến chính là việc điều động binh lính nhằm giữ vững các chiến tuyến và gia tăng quân số. Tiếp đó, tình hình tại Kherson rất phức tạp khi quân Nga vừa rút lui, sơ tán, giảm quân số nhưng đồng thời cũng gia tăng lực lượng động viên. Cuộc chiến tại Kherson đang trở nên khó khăn vì Nga vẫn chưa có dấu hiệu hết đạn dược dù bị chặn nguồn tiếp tế.

Thêm vào đó, Kofman cho rằng cuộc chiến đang trở nên khó đoán, tuy nhiên rất nhiều chứng cứ chỉ ra rằng Nga đang rút lui từ bờ sông cánh phải và tránh việc bị chia cắt tại đây. Tuy nhiên, việc Nga quyết thủ Kherson vẫn còn mơ hồ, có lẽ Nga đang sử dụng các đơn vị lính đánh thuê hoặc lực lượng dự bị động viên trong khi bảo toàn số quân chất lượng hơn. Nhìn chung, cuộc chiến sẽ khó hạ nhiệt khi mùa đông đến, lực lượng Ukraine có khả năng sẽ tận dụng các lợi thế về phạm vi tấn công và độ chính xác của vũ khí nhằm bào mòn quân đội Nga trong thời điểm này.

Kofman nhận định rằng việc điều động gần đây của Nga cho thấy nước này đang triển khai các lực lượng dự bị động viên không có kinh nghiệm để ổn định chiến tuyến nhưng đồng thời dự trữ một số lượng không nhỏ quân động viên để hình thành lực lượng dự bị tuyến sau. Chiến lược của Nga trong mùa đông sắp tới có thể tập trung vào phòng thủ, tận dụng thời gian để tiếp tế trang bị (kể cả từ Belarus) hay Triều Tiên. Cuối cùng, các mục tiêu của lực lượng Ukraine là nhằm ngăn chặn lực lượng Nga tái xây dựng trong mùa đông, sử dụng hệ thống phòng không nhằm giảm các mối đe dọa từ các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng.

Tổng hợp tại twitter: Michael Kofman – A few thoughts on the current course of the war. Truy cập ngày 4/11/2022

Tranh luận: các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là “tàu sân bay không bao giờ chìm”?

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đã củng cố hơn các đảo nhân tạo của mình ở Biển Đông với nhiều tòa nhà, radar và kho chứa máy bay quân sự nhằm triển khai sức mạnh khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Hình ảnh một chiếc máy bay KJ-500H đang tiếp nhiên liệu trên đường lăn ở đá Chữ Thập đã được chụp lại bởi một nhiếp ảnh gia người Philippines. KJ-500 là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không thế hệ thứ ba của Trung Quốc có khả năng tăng cường giám sát ở Biển Đông.

Một số phương tiện, hệ thống vũ khí quân sự khác được chụp lại:

    • Tàu tên lửa hai thân Model 22, tích hợp các tính năng tàng hình và có thể mang tới 8 tên lửa chống hạm cận âm YJ-83.
    • Máy bay vận tải tầm trung Y-8, đây là mẫu máy bay vận tải phổ biến nhất với nhiều biến thể khác nhau luôn được liên tục nâng cấp và sản xuất.
    • Hệ thống vũ khí tương tự như H/PJ – 26 nòng 76mm và pháo phòng thủ H/PJ-13B được nhìn thấy tại hai tòa tháp hỏa lực đối không và đối hạm.
    • Radar tương tự radar cảnh báo ba chiều SLC – 7. Đây là loại radar chống tàng hình có thể phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu và có khả năng chống lại các cuộc tấn công phân tán (saturation attack).

Malcolm Davis, phân tích viên cấp cao từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho rằng về công năng tác chiến những căn cứ này cho phép Không quân Trung Quốc triển khai lực lượng đến các căn cứ đã có những nhà chứa máy bay kiên cố và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác cho các hoạt động tại Biển Đông. Tuy nhiên, các căn cứ này sẽ sống sót thế nào trong một cuộc chiến thực vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Thêm vào đó, Brad Martin, nghiên cứu viên chính sách cấp cao của RAND, nhận định rằng sự hiện diện của PLA trên những hòn đảo này là để mở rộng khả năng thực hiện việc giám sát mối đe dọa hàng hải tiềm tàng và thậm chí rút ngắn thời gian cảnh báo nếu PLA quyết định thực hiện hành động quân sự chống lại Philippines hoặc quốc gia ven biển khác.

Tuy nhiên, Collin Koh cho rằng những hòn đảo nhân tạo này không hề “không thể chìm”. Lý do là địa mạo (geomorphological) của các đảo này không ổn định khi chúng được xây quá gấp rút. Collin chỉ ra rằng các đánh giá về tác động môi trường và nghiên cứu cấu trúc xây dựng khả thi đã bị gạt ra bên lề. Koh cũng cho biết thêm cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn còn thực hiện các nghiên cứu nhằm đánh giá tính ổn định về địa mạo của các hòn đảo nhân tạo này, cho thấy rằng sự bất ổn định của hòn đảo vẫn là vấn đề nan giải và chưa có đột phá gì trong việc tìm ra giải pháp. Theo ông, các thách thức của các hòn đảo nhân tạo này gồm có:

    1. Việc dự trữ xăng, dầu, và dầu nhớt (POL) dẫn đến việc bào mòn môi trường biển.
    2. Khả năng định cư lâu dài trên những đồn điền này khi phải đối mặt với những vấn đề như dịch bệnh, thời tiết khí hậu, và vấn đề thiếu nước sạch

Xem thêm tại: SCMP, Fortified South China Sea artificial islands project Beijing’s military reach and power, say observers. Truy cập ngày 7/11/2022;  Twitter, Collin Koh. Truy cập ngày 7/11/2022

Chuyên gia cho rằng cần thêm hỏa lực nếu muốn bảo vệ eo biển Đài Loan

Liam Gibson, cộng tác viên cho các tờ Nikkei Asia, Al Jazeera và nhà phân tích tại Đài Loan, cùng với Darren Spinck, tác giả cuốn Bảo vệ eo biển: Tiếp cận Đài Loan trong sự xoay trục tại Ấn Độ – Thái Bình Dương của Anh, có một vài chia sẻ về vấn đề đảm bảo an ninh tại eo biển Đài Loan khi nước này đang phải đối mặt với hai mối hiểm họa Nga tại Ukraine và Trung Quốc tại Đài Loan. .

Cả hai chuyên gia cho rằng dù nỗ lực bảo vệ nền dân chủ tại châu Âu và châu Á của Mỹ rất mạnh, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy những hạn chế trong sức mạnh công nghiệp Mỹ. Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu, Mỹ đã viện trợ hơn 1,400 hệ thống phòng không Stinger và 8,500 pháo chống tăng Javelin, gần một phần ba trữ lượng Javelin của Mỹ, khiến cho quân kho của Mỹ sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục.

Mặt khác, các biện pháp răn đe kinh tế đơn lẻ cũng không cho thấy hiệu quả. Các lệnh trừng phạt có vai trò nhất định, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Mỹ phải rút ra bài học từ cuộc chiến tại Ukraine rằng chiến tranh kinh tế không hoàn toàn ngăn được một cuộc xâm lược. Do đó, Mỹ cần phải tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Đài Loan. Mỹ và các đồng minh Ấn độ – Thái Bình Dương cần đưa ra một chiến lược chống xâm nhập về kinh tế và quân sự nhằm ngăn chặn tham vọng bá quyền của Trung Quốc.

Về mũi nhọn quân sự, thay vì tập trung vào các “nền tảng rỗng tuếch”  (vanity platforms) dễ tổn thương như xe tăng Abrahams và chiến đấu cơ F-16, Đài Loan nên được trang bị các loại hệ thống vũ khí di động, có thể được che giấu dễ dàng, “vừa chạy và bắn” (shoot and scoot) vốn cho thấy hiệu quả tại Ukraine. Lợi thế về địa hình cung cấp khả năng ẩn nấp và tấm hoạt động cần thiết cho các hệ thống vũ khí như Javelin, Stinger, và hệ thống pháo HIMARS nhằm tấn công hiệu quả các phương tiện dưới nước của Trung Quốc trước khi chúng kịp đến đất liền.

Xem thêm tại: National Interest, Securing the Taiwan Strait Will Require More Than Arms. Truy cập ngày 7/11/2022

Đài Loan đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược

Ben Rhodes, tác giả cuốn After the Fall: Being American in the World War, có một vài cái nhìn từ bên trong Đài Loan trong bối cảnh leo thang gần đây giữa nước này với Trung Quốc trong một bài phỏng vấn với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên tờ Atlantic.

Trong buổi nói chuyện, bà Thái thừa nhận rằng một cuộc xâm lược là điều có khả năng xảy ra với Đài Loan và vì vậy Đài Bắc phải sẵn sàng chuẩn bị cho điều đó. Rhodes nhận định rằng tình thế của Đài Loan và Ukraine tương đồng về nhiều mặt và tình thế này khiến cho bà Thái phải hành động cẩn thận và có tính cân bằng – vừa phải chuẩn bị cho chiến tranh vừa phải tìm cách tránh né nó. Sự chuẩn bị này sẽ khiến cho Trung Quốc, với ý định thống nhất hòn đảo này, phải trả giá đắt và khiến cho ông Tập phải cân nhắc lại về hành động của mình. Cụ thể hơn, sự chuẩn bị này thể hiện qua việc ngân sách quốc phòng Đài Loan năm 2023 tăng hai chữ số, lên hơn 19 tỷ USD. “Chiến lược con nhím” (Porcupine strategy) cũng được Đài Loan đưa vào sử dụng, đây là chiến lược tập trung vào các khả năng bất đối xứng (như các vũ khí đối hạm, tên lửa đất đối không, trang bị hạng nhẹ và đạn dược) kết hợp với lực lượng trừ bị.

Tiếp đó, những thách thức trong mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan cũng có ảnh hưởng đến thời cuộc khi chúng trở thành lợi thế cho Trung Quốc khi chiến tranh xảy ra. Các động thái của Mỹ gần đây cũng khiến cho Trung Quốc phản ứng lại mạnh mẽ hơn với cách tiếp cận mà các nhà phân tích gọi là “luộc ếch” (boiling the frog). Đô đốc Lý Tư Minh (Lee Hsi-ming), tổng tư lệnh bộ tham mưu Đài Loan từ 2017 – 2019, chỉ ra hai kịch bản có thể xảy ra với Đài Loan. Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc sử dụng lối tiếp cận cưỡng buộc nhằm bao vây và gây áp lực Đài Loan. Kịch bản thứ hai có khả năng sẽ là một cuộc xâm lược toàn diện. Thêm vào đó, ông Lý phủ nhận khả năng kiểm soát trên chiến trường của Trung Quốc, cho rằng không thể tránh khỏi một cuộc xâm lược xảy ra, tuy nhiên Đài Loan có thể bào mòn Trung Quốc bằng lối tiếp cận bất đối xứng trên.

Xem thêm tại: Atlantic, Taiwan prepares to be invaded. Truy cập ngày 8/10/2022