Thế giới hôm nay: 24/11/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đòn tấn công liên tiếp của Nga vào cơ sở hạ tầng Ukraine đã gây ra mất điện trên diện rộng và buộc các quan chức phải ngắt ba nhà máy điện hạt nhân khỏi lưới điện quốc gia như một biện pháp phòng ngừa. Theo thị trưởng Lviv, thành phố này đang “không có ánh sáng” và bị “gián đoạn” nguồn cung cấp nước. Tên lửa cũng đã giết chết ba người ở thủ đô Kiev. Ngoài ra Moldova, nước nằm giáp Ukraine về phía Tây, cũng bị mất điện trên hơn một nửa đất nước, theo chính phủ nước này.

Tòa Tối cao Anh quyết định quốc hội Scotland không có quyền thông qua luật kêu gọi trưng cầu dân ý về độc lập mà chưa có sự chấp thuận của chính phủ Anh. Lập luận của thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon là kết quả trưng cầu dân ý năm 2014, trong đó người Scotland từ chối độc lập, đã lỗi thời. Nhưng chính phủ Anh ở Westminster không muốn tổ chức trưng cầu dân ý. Bà Sturgeon tweet rằng một đạo luật như vậy “tạo cơ sở” cho độc lập.

Nước Mỹ lại có xả súng hàng loạt khi một tay súng giết chết ít nhất 6 người trong siêu thị Walmart ở Chesapeake, Virginia. Kẻ tấn công, được cho là quản lý của cửa hàng, sau đó đã tự sát. Vụ nổ súng trước đó vào hôm thứ Bảy tại một hộp đêm ở Colorado đã giết chết năm người và làm bị thương 17 người.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, du lịch quốc tế sẽ đạt 65% so với tiền đại dịch vào cuối năm 2022. Dỡ bỏ các hạn chế covid-19 đã giúp ngành du lịch bùng nổ trong năm nay, với số chuyến du lịch nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 9 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm có thể làm yếu đà phục hồi của ngành.

Hai vụ đánh bom giờ cao điểm vào hệ thống xe buýt của Jerusalem đã khiến một người thiệt mạng và ít nhất 18 người bị thương. Cảnh sát Israel nói thủ phạm là các chiến binh Palestine, mặc dù chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm. Theo cảnh sát địa phương, đây là vụ đánh bom đầu tiên nhắm vào thường dân Israel kể từ năm 2016, sau nhiều tháng căng thẳng giữa Israel và Palestine.

Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro của Brazil thách thức kết quả của cuộc bầu cử 30 tháng 10 nơi ông đã thua Luiz Inácio Lula da Silva, với lý do các máy bỏ phiếu cũ không đáng tin cậy. Tòa án Brazil, cũng như các nhà lãnh đạo chính trị trong và ngoài nước, đều đã chấp nhận chiến thắng của Lula. Nhưng động thái của ông Bolsonaro có thể khiến lực lượng ủng hộ nhiệt thành của ông nổi dậy.

HP thông báo sẽ sa thải tới 6.000 người—hơn 1/10 lực lượng lao động—khiến hãng trở thành công ty công nghệ lớn mới nhất của Mỹ sa thải nhân viên. Được biết công ty có mục tiêu cắt giảm 1,4 tỷ đô la chi phí hàng năm. HP báo cáo doanh thu thuần năm nay giảm 0,8% so với năm ngoái, trong bối cảnh nhu cầu máy tính cá nhân và máy tính xách tay HP đặc biệt yếu.

Con số trong ngày: 63 tỷ đô la, là tổng số tiền các công ty huy động được từ IPO trên các sàn giao dịch Trung Quốc trong năm nay, so với 21 tỷ đô la ở New York.

TIÊU ĐIỂM

Giai đoạn thách thức của kinh tế Hàn Quốc

Khi ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc họp vào thứ Năm, thống đốc Rhee Chang-yong dự kiến ​​​​sẽ tăng lãi suất lên trên mức hiện tại là 3%. Nếu không tăng lãi suất để phản ứng lại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 3,75% vào ngày 2 tháng 11, ngân hàng có thể sẽ thấy dòng vốn tháo chạy khỏi Hàn Quốc, qua đó làm suy yếu đồng won.

Nhưng tăng lãi suất cũng mang lại rủi ro. Thị trường trái phiếu đã rơi vào hỗn loạn trong gần hai tháng qua kể từ khi thống đốc tỉnh Gangwon từ chối trả tiền cho những người mua trái phiếu tài trợ cho công viên giải trí Legoland. Động thái quay xe của chính quyền Gangwon và một đợt bơm thanh khoản vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã không giúp ích nhiều trong việc làm yên lòng nhà đầu tư. Với nợ cá nhân ở mức cao, ngân hàng trung ương chịu áp lực phải giữ lãi suất ổn định để tránh vỡ nợ và chống suy thoái kinh tế. Ông Rhee đã cảnh báo về “các dấu hiệu căng thẳng ngày càng tăng.”

Cuộc đấu pháp lý xung quanh số tài liệu bị tịch thu của Donald Trump

Kể từ tháng 8, Donald Trump đã luôn tìm cách ngăn cản cuộc điều tra về các tài liệu mật FBI thu giữ từ nhà riêng của ông ở Florida. Các luật sư của cựu tổng thống đã thuyết phục thành công một thẩm phán quận hạn chế các điều tra viên tiếp cận các tài liệu và chỉ định một người đánh giá độc lập để duyệt qua các tài liệu, nhằm xác định những tài liệu nào được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp.

Nhưng tiến trình kháng cáo không ủng hộ ông Trump. Tại phiên điều trần hôm thứ Ba ở Tòa Phúc thẩm 11, các thẩm phán đã nói toà không nên “can thiệp vào cuộc điều tra đang diễn ra của ngành hành pháp” về một vụ án hình sự. Một phán quyết cho phép các nhà điều tra truy cập tài liệu sẽ có sau Lễ Tạ ơn.

Tuần trước, bộ trưởng tư pháp Merrick Garland đã bổ nhiệm Jack Smith làm cố vấn đặc biệt cho các vụ điều tra tài liệu Mar-a-Lago và vai trò của ông Trump trong cuộc bạo động 6 tháng 1. Một phán quyết nhanh chóng của toà sẽ giúp ích rất nhiều cho ông Smith.

EU lại tranh luận về chính sách năng lượng

Các bộ trưởng năng lượng EU lại có thêm nhiều điều để nói khi họ gặp nhau vào thứ Năm. Một mùa thu ấm áp đã giúp ích phần nào khi giá năng lượng tăng chóng mặt. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang lên kế hoạch cho năm 2023 đầy khó khăn.

Chủ đề chính của cuộc thảo luận là mức trần giá khí đốt cho sản xuất điện, do Ủy ban châu Âu đề xuất hôm thứ Ba. Những người phản đối, đặc biệt là Đức, cho rằng mức trần sẽ khiến các nhà cung cấp giảm lượng hàng đến châu Âu, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng. Và những người ủng hộ giá trần cũng không hào hứng với đề xuất của ủy ban. Mức trần được đặt ở mức rất cao là €275 ($284) mỗi megawatt giờ và sẽ chỉ áp dụng khi giá bán buôn ở châu Âu chênh lệch so với giá khí tự nhiên hóa lỏng toàn cầu (như đã xảy ra trong mùa hè). Một đề xuất khác là đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào khí đốt. Nó vừa ít tranh cãi vừa hiệu quả hơn rất nhiều.

Chủ tịch Cuba công du bốn nước

Vào thứ Năm, chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel sẽ đến thăm Trung Quốc để yêu cầu chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ về kinh tế. Chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của ông – mà trong đó ông cũng sẽ đến Algeria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – cho thấy sự tuyệt vọng. Đà suy thoái dần dần của kinh tế Cuba sau sáu thập niên độc tài đã trở nên trầm trọng hơn do các biện pháp trừng phạt của Mỹ dưới thời Donald Trump, bên cạnh đại dịch và lạm phát. Thực phẩm đang khan hiếm và đắt đỏ, trong khi thủ đô Havana thường bị mất điện.

Nhưng ông Díaz-Canel có lý do để lạc quan. Bốn nước ông đến thăm có thể thấy giúp đỡ 11,3 triệu người Cuba là đáng để chọc tức Mỹ. Ví dụ, chính phủ Algeria đã đồng ý xuất khẩu dầu khí sang Cuba và tặng một nhà máy năng lượng mặt trời. Trung Quốc cũng có thể xem xét tái cấu trúc hoặc thậm chí xóa nợ cho Cuba, và có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về năng lượng và nông nghiệp. Nhưng cho đến khi Đảng Cộng sản thả lỏng, Cuba vẫn sẽ còn phụ thuộc vào các đồng minh của mình.