Thế giới hôm nay: 13/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Nga đang gửi một đoàn xe quân sự có trực thăng, bộ binh và pháo binh tới miền đông Ukraine, trong bối cảnh Điện Kremlin chuyển chú ý khỏi thủ đô Kyiv. Quân đội Ukraine dự đoán Nga sẽ cố gắng chiếm Mariupol để làm bàn đạp tiến vào phần còn lại của tỉnh Donetsk. Cho đến nay hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở thành phố này, với các thi thể “nằm khắp nơi trên đường phố,” theo lời thị trưởng.

Một nghị sĩ Ukraine nói máy bay không người lái Nga đã thả một chất không xác định xuống Mariupol, và rằng “rất có thể” nó là chất độc hóa học. Cả chính quyền địa phương lẫn tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều chưa xác nhận. Lầu Năm Góc nói họ đang xem xét cáo buộc; ngoại trưởng Anh cho biết bà đang khẩn trương làm việc với các đồng minh để xác minh thông tin.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và bộ trưởng tài chính Rishi Sunak đã bị phạt vì tham dự các bữa tiệc giữa phong tỏa Covid-19. Họ nằm trong danh sách mới gồm 30 người bị cảnh sát phạt tiền vì vi phạm các quy tắc phong tỏa ở Phố Downing và Whitehall (các toà nhà chính phủ Anh) hồi năm ngoái. Sir Keir Starmer, lãnh đạo Công Đảng đối lập, đã ngay lập tức kêu gọi họ từ chức.

Lạm phát tại Mỹ lên mức 8,5% trong tháng 3, cao nhất kể từ cuối năm 1981. Giá năng lượng ở Mỹ đã tăng hai con số sau khi Tổng thống Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu Nga. Trong khi đó ở Ấn Độ, giá bán lẻ cũng tăng 6,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy nó đã lên cao hơn mức trần mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Ít nhất 16 người bị thương trong vụ xả súng ở ga tàu điện ngầm Brooklyn vào hôm thứ Ba, sở cứu hỏa của Thành phố New York cho biết. Tổng cộng có mười người đã bị bắn, với năm người trong tình trạng nguy kịch nhưng ổn định. Cảnh sát đang truy nã thủ phạm, sau khi hắn tháo chạy khỏi nhà ga ở Sunset Park.

Mỹ cử một tàu sân bay đến vùng biển ngoài khơi Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai tàu sân bay đến khu vực này kể từ năm 2017, và cho thấy Mỹ ngày càng quan ngại trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên. • Quốc hội Indonesia thông qua một dự luật bước ngoặt để giải quyết bạo lực tình dục. Luật này tạo ra một khuôn khổ cho phép các nạn nhân được bảo đảm công lý cả trong và ngoài hôn nhân. Nó bao gồm án tù cho hôn nhân cưỡng bức và bóc lột tình dục. • Mỹ ra lệnh cho các nhân viên lãnh sự không thiết yếu rời khỏi Thượng Hải sau khi thành phố này phong tỏa. Hiện người dân ở đây đang phàn nàn về việc thiếu thực phẩm, bị giam giữ và việc trẻ em phải tách khỏi cha mẹ. Trong tổng số 22.000 ca nhiễm được ghi nhận vào thứ Hai chỉ có chưa tới 1.000 ca là có triệu chứng.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lần thứ ba trong một tuần phát đi cảnh báo về tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhật Bản Nomura cho biết việc Trung Quốc phong tỏa có thể gây ra suy thoái; hiện doanh số bán xe hàng tháng giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc đã cho biết họ sẽ thúc giục các nhà đầu tư tổ chức hỗ trợ giá cổ phiếu • Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka cho biết nước này sẽ vỡ nợ 51 tỷ đô la. Ông nói khủng hoảng kinh tế đã nghiêm trọng đến mức “việc trả nợ” là “vô cùng thách thức và bất khả thi.” Các chủ nợ đang chờ đợi một chương trình phục hồi từ IMF.

TIÊU ĐIỂM

Sri Lanka đi từ khủng hoảng kinh tế đến vỡ nợ

Hôm thứ Ba chính phủ Sri Lanka đã thông báo mất khả năng chi trả số nợ ngoại tệ trị giá khoảng 35 tỷ đô la tính tại thời điểm cuối năm 2021. Dự trữ ngoại hối của nước này giảm 70% trong vòng chưa đầy hai năm qua và hiện chỉ ở mức 2,3 tỷ đô la. Vào ngày 18 tháng 4, bộ trưởng tài chính Ali Sabry sẽ bắt đầu đàm phán khẩn cấp với IMF.

Mặc dù bộ tài chính đổ lỗi cho chiến tranh Ukraine và covid-19, trên thực tế còn có các yếu tố khác. Đợt giảm thuế hồi năm 2019 làm cho ngân sách công bị hao hụt lớn. Ngoài ra việc neo đồng bản tệ ở tỷ giá quá cao cũng khuyến khích người dân Sri Lanka gửi kiều hối qua các kênh không chính thức, khiến ngân sách bị thất thu.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa muốn tiếp tục nắm quyền với sự hậu thuẫn của một chính phủ đoàn kết dân tộc. Trong bài phát biểu trên truyền hình, anh trai ông, thủ tướng Mahinda Rajapaksa, đã thừa nhận cuộc đàm phán với các nhân vật đối lập đã thất bại. Nhưng ông nói rõ là hai anh em ông sẽ không bỏ cuộc. Sri Lanka sẽ còn nhiều bất ổn ở phía trước.

Trọng tâm chiến trường Ukraine chuyển sang miền đông

Sau gần bảy tuần giao tranh, cuộc chiến ở Ukraine giờ đây sắp trở nên tồi tệ hơn. Nga đã từ bỏ thủ đô Kyiv và đang dồn quân sang khu vực Donbas ở miền đông, đặt dưới sự chỉ huy của tư lệnh mới, Đại Tướng Alexander Dvornikov. Trước tình hình này, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã so sánh giai đoạn tiếp theo với thế chiến thứ hai; còn theo một quan chức Mỹ đây sẽ là “một cuộc đấu dao.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang cầu xin tất cả những ai có thể lắng nghe — kể cả quốc hội Hàn Quốc — gửi càng nhiều vũ khí càng tốt. Chính phủ ông dự tính Nga sẽ mở chiến dịch chỉ trong vài ngày tới. Hiện quân Nga đang nhích dần lên và có thể sắp chiếm được thành phố cảng Mariupol. Lực lượng phòng thủ ở đây cho biết họ sắp hết lương thực và đạn dược. Và mặc dù các cáo buộc Nga dùng vũ khí hoá học vẫn chưa được kiểm chứng, những điều khủng khiếp hơn sẽ còn đợi ở phía trước.

Tuần công bố thu nhập của các ngân hàng tại Wall Street

Còn nhớ chỉ ba tháng trước kết quả kinh doanh của các ngân hàng Phố Wall đã kích hoạt một đợt bán tháo khổng lồ trên thị trường chứng khoán. Sau khi báo cáo cho thấy các khoản chi lương bổng tại Goldman Sachs tăng đột biến, giá cổ phiếu của công ty đã giảm gần 10% chỉ trong một ngày. Các nhà đầu tư nhận ra áp lực lạm phát không phải nhất thời và Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh để kiểm soát lạm phát. Kết quả là giá cổ phiếu lao dốc.

Câu chuyện này khả năng cao sẽ không lặp lại vào tuần này khi các ngân hàng công bố kết quả quý (JPMorgan Chase vào thứ Tư, theo sau là Citi, Goldman, Morgan Stanley và Wells Fargo vào thứ Năm). Mặc dù chiến sự ở Ukraine gây trở ngại cho một số mảng kinh doanh, chẳng hạn như mua bán sáp nhập, nhưng biến động trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng đồng thời khuyến khích khách hàng giao dịch nhiều hơn. Quý tiếp theo ở Phố Wall có thể sẽ là một tháng hỗn hợp. Có một điều rõ ràng: các kết quả ngân hàng này sẽ không gây lo ngại lạm phát lâu dài — bởi vì sự thật đã như thế rồi. Dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,5% trong 12 tháng tính đến tháng 3.

Petrobras có giám đốc điều hành mới

Vào thứ Tư, các cổ đông của tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras của Brazil dự kiến ​​sẽ thông qua việc bổ nhiệm giám đốc điều hành mới. José Mauro Coelho, một nhà hóa học công nghiệp, chính là nhân vật được tổng thống lựa chọn. Hồi tháng 3, ông Jair Bolsonaro đã sa thải Joaquim Silva e Luna, một cựu tướng lĩnh mới chỉ tại vị từ tháng 4 năm 2021. Ban đầu tổng thống hậu thuẫn kinh tế gia Adriano Pires, nhưng ông này từ chối.

Công ty cần “một người chuyên nghiệp hơn,” ông Bolsonaro đã phàn nàn vào tuần trước. Cuộc chiến ở Ukraine khiến giá năng lượng toàn cầu tăng cao. Nhưng riêng ở Brazil, chi phí xăng dầu lại tăng tới 47% trong năm 2021, góp phần đưa lạm phát tổng thể lên hơn 11% một năm. Ba phần tư người Brazil nói tổng thống phải chịu trách nhiệm, theo một cuộc thăm dò hồi tháng trước. Điều này khiến ông Bolsonaro bị cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva dẫn trước trong kết quả thăm dò dư luận cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới. Quyết định thay đổi nhân sự Petrobras của ông có lẽ không chỉ đơn thuần là về “tính chuyên nghiệp.”