Thế giới hôm nay: 12/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quân đội Ukraine đã tấn công thành phố Melitopol ở phía đông nam bằng một loạt tên lửa. Nước này cũng cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga đã cắt đứt nguồn điện của phần lớn hạ tầng, trừ các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất ở thành phố cảng Odessa. Hiện cả hai bên đều cần thêm vũ khí. Đại sứ Ukraine tại Berlin nói với tờ báo Welt am Sonntag rằng Đức sẽ gửi thêm đạn dược và vũ khí. Trong khi đó, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói nước ông đang đẩy mạnh sản xuất vũ khí để tự bảo vệ mình khỏi “kẻ thù” phương Tây.

Tàu vũ trụ Orion của NASA đã trở về Trái đất an toàn, kết thúc sứ mệnh Artemis I kéo dài 26 ngày xoay quanh Mặt Trăng. Khoang tàu không người lái đã trở về bầu khí quyển với tốc độ 40.000 km/h trước khi hạ cánh nhẹ nhàng bằng dù ở Thái Bình Dương. Các sứ mệnh trong tương lai dự kiến sẽ mang theo phi hành gia, khi cơ quan vũ trụ Mỹ nỗ lực đưa con người quay lại bề mặt Mặt Trăng.

FBI đã bắt giữ Abu Agila Masud, một người đàn ông Libya bị buộc tội chế tạo quả bom làm nổ tung chuyến bay Pan-Am trên bầu trời thị trấn Lockerbie của Scotland năm 1988. Vụ tấn công khủng bố đã giết chết 270 người. Ông Masud, người bị buộc tội dính líu đến khủng bố hai năm trước, bị một nhóm dân quân Libya bắt cóc vào tháng trước và hiện sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt truy tố.

Một trong số 14 phó chủ tịch được bầu của Nghị viện Châu Âu đã bị cảnh sát Bỉ bắt giữ vì tình nghi nhận hối lộ từ một quốc gia giấu tên. Eva Kaili, một thành viên của liên minh trung tả của Hy Lạp, đã bị khai trừ đảng sau khi cảnh sát bắt quả tang số tiền mặt trị giá 600.000 euro (632.000 USD) trong các cuộc khám xét quanh Brussels. Các nguồn tin giấu tên nói với hai hãng tin của Bỉ rằng bà Kaili nhận hối lộ từ Qatar.

Hàng chục nghìn người Bangaldesh đã xuống đường ở thủ đô Dhaka để kêu gọi thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và tổ chức bầu cử sớm. Biểu tình được tổ chức bởi Đảng Quốc gia Bangladesh đối lập, vốn đổ lỗi cho việc chính phủ không thể giải quyết giá nhiên liệu cao. Bà Hasina gọi các lãnh đạo phe đối lập là “những kẻ khủng bố đốt phá.” Lịch trình hiện tại quy định cuộc bầu cử tiếp theo diễn ra vào năm 2023.

Ba nhóm nhân quyền, từ Belarus, Nga và Ukraine, đã nhận giải Nobel Hòa bình ở Stockholm. Giám đốc của Memorial, một nhóm nhân quyền bị Nga cấm từ năm ngoái, cho biết chính quyền Nga đã yêu cầu ông từ chối giải thưởng. Giải thưởng của Belarus được trao đại diện cho vợ của một nhà lãnh đạo đang ngồi tù; trong bài phát biểu của mình, bà nói Nga muốn biến Ukraine thành một “chế độ độc tài phụ thuộc” – giống như đất nước của bà.

TIÊU ĐIỂM

Hungary ngáng đường EU mở rộng trừng phạt Nga

Ukraine một lần nữa là trọng tâm của cuộc họp 27 ngoại trưởng EU tại Brussels vào thứ Hai. Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng sẽ họp vào cuối tuần. Khối này đang xem xét gói trừng phạt thứ 9 lên Nga, bổ sung gần 200 cá nhân và 3 ngân hàng vào danh sách đen. Ngoài ra họ cũng muốn gửi 18 tỷ euro (19 tỷ đô la) viện trợ tài chính cho Ukraine.

Nói thì dễ hơn làm. Cả lệnh trừng phạt và viện trợ đều phải được tất cả chính phủ EU thông qua. Nhưng Hungary với thủ tướng chuyên quyền Viktor Orban đã đe dọa phủ quyết cả hai trừ khi Brussels giải ngân hàng tỷ euro tài trợ cho nước ông vốn đang bị EU tạm giữ do lo ngại về tình trạng tham nhũng và tình trạng độc lập của hệ thống tư pháp. Các cuộc gặp tới đây sẽ là cơ hội cho các lãnh đạo EU cố gắng thuyết phục ông Orban ký một thỏa thuận, hoặc tìm cách bỏ qua Hungary, có thể bằng cách áp dụng trừng phạt và viện trợ không qua EU. Dù thế nào thì cuộc họp thượng đỉnh cũng hứa hẹn sẽ có căng thẳng.

Tổng thống Mexico muốn cải cách các quy định bầu cử

Sau khi gây ra biểu tình lớn nhất kể từ khi Andrés Manuel López Obrador lên làm tổng thống vào giữa tháng 11, gói cải cách bầu cử đầy tranh cãi của Mexico sẽ được Thượng viện Mexico tranh luận và xem xét thông qua trong tuần này. Gói này được hạ viện gấp rút thông qua vào tuần trước, và sẽ làm suy yếu cơ quan bầu cử của Mexico, INE, bằng cách cắt giảm ngân sách và hạn chế bớt quyền trừng phạt các hành vi vi phạm luật bầu cử. Các quy định về vận động và tuyên truyền đối với công chức cũng sẽ được nới lỏng.

Mặc dù ông López Obrador không còn yêu cầu cải cách hiến pháp như ý định ban đầu (do thiếu 2/3 đa số cần thiết trong quốc hội), bất kỳ đòn đánh nào nhắm vào INE cũng sẽ là một chiến thắng cho ông. Bấy lâu nay ông đã cáo buộc — bất chấp mọi bằng chứng — rằng ông thất cử vào các năm 2006 và 2012 là vì cơ quan này chứng thực các kết quả gian lận. Nhìn chung cải cách mới sẽ không có ích cho Mexico. Còn nhớ nền cai trị độc đoán của Đảng Cách mạng Thể chế kết thúc vào năm 2000, sau bảy mươi năm, chính nhờ vào các thiết chế bầu cử được xây dựng một cách tỉ mỉ trong quá trình dân chủ hóa Mexico.

Nhiều ngành nghề của Anh lên kế hoạch đình công

RMT, một tổ chức công đoàn đại diện cho công nhân ngành vận tải của nước Anh, có kế hoạch tổ chức 5 lần đình công nữa trong tháng tới. Các thành viên của RMT nhiều khả năng sẽ không chấp nhận lời đề nghị lương mới nhất từ ​​giới chủ trong cuộc bỏ phiếu kết thúc vào thứ Hai; được biết công đoàn đã khuyến khích họ bỏ phiếu phản đối.

Tình trạng bất ổn lao động đang lan rộng khắp nước Anh. Các y tá sẽ đình công lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 15 và 20 tháng 12. Còn các nữ hộ sinh sẽ quyết định vào thứ Hai xem có nên đình công hay không. Một số công chức, nhân viên xử lý hành lý tại sân bay Heathrow, và nhân viên an ninh Eurostar cũng đình công trong tuần này. Tháng 12 năm 2022 dường như sẽ trở thành tháng bất ổn nhất ở Anh kể từ năm 1989. Lạm phát hai con số đang là thủ phạm khiến người lao động phải đòi tăng lương cho phù hợp với sinh hoạt phí, trong khi nền kinh tế nói chung suy thoái.