Thế giới hôm nay: 23/12/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nhà sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã được cho phép tại ngoại nhờ nộp 250 triệu đô la bảo lãnh sau phiên điều trần ở New York. Điều kiện tại ngoại quy định ông phải nộp hộ chiếu và bị giữ tại nhà cha mẹ ở California. Trước đó, vào thứ Tư, Bankman-Fried đã bị dẫn độ từ Bahamas về Mỹ. Ông sẽ ra hầu tòa về tám cáo buộc liên bang, bao gồm gian lận thanh toán, âm mưu thực hiện hành vi rửa tiền, và gian lận giao dịch hàng hóa và chứng khoán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda để thảo luận về “các kế hoạch chiến lược cho tương lai.” Cuộc gặp diễn ra trên đường ông Zelensky trở về từ Mỹ, vốn là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Ukraine rời khỏi đất nước kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2. Khi ở Washington, DC, ông Zelensky đã gặp tổng thống Joe Biden, người vừa tuyên bố viện trợ thêm 1,85 tỷ đô la cho Ukraine.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý ba, theo dữ liệu do Bộ Thương mại công bố hôm thứ Năm. GDP sau điều chỉnh theo lạm phát tăng với tốc độ hàng năm là 3,2% so với 2,9% như dự đoán, chủ yếu vì chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tăng — nhờ thị trường lao động mạnh mẽ—bất chấp lãi suất và lạm phát cao.

Trong khi đó, quý ba của kinh tế Anh đội sổ trong nhóm G7, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Cụ thể, kinh tế Anh suy thoái 0,3% trong quý này, thấp hơn 0,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch). Đầu tư kinh doanh cũng giảm 2,5%. Hầu hết các nhà kinh tế được Reuters thăm dò đều cho rằng Anh sẽ tiếp tục suy thoái.

Các chính trị gia Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ mạnh mẽ các đề xuất đơn giản hóa quy trình cho phép thay đổi giới tính đăng ký trong giấy tờ pháp lý. Những cải cách này dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 và sẽ hạ độ tuổi tối thiểu để đăng ký Chứng nhận Công nhận Giới tính từ 18 xuống 16, đồng thời loại bỏ yêu cầu chẩn đoán y tế về chứng trầm cảm do xác định lệch giới tính.

Một bệnh viện ở Thượng Hải nói với nhân viên rằng họ dự kiến một nửa trong số 25 triệu dân của thành phố sẽ bị nhiễm covid-19 vào cuối tháng 12. Hiện đại dịch đang càn quét khắp Trung Quốc sau khi chính phủ từ bỏ chính sách “zero covid” vì biểu tình lan rộng. Cho tới nay chính quyền địa phương chỉ ghi nhận khoảng 390.000 ca nhiễm, một con số bị nhiều người cho là quá thấp.

Hãng sản xuất chip nhớ Micron Technology của Mỹ thông báo cắt giảm 10% nhân viên trong năm mới, sau khi báo cáo thu nhập mới khiến giới phân tích thất vọng. Ngành kinh doanh vi mạch đang như ngọn tre trước gió. Đầu tư tăng mạnh trong năm 2020 khi cầu tăng trong đại dịch, nhưng rồi sụp đổ vào năm 2022 dưới áp lực lạm phát, lãi suất, và phong tỏa ở Trung Quốc.

Con số trong ngày: 6 triệu, là mục tiêu do chính phủ Ả Rập Saudi đặt ra đối với số lượt người hành hương haj mỗi năm tính đến 2030.

TIÊU ĐIỂM

Nhìn lại 2022: Tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

2022 không phải là năm có nhiều tiến bộ về chống biến đổi khí hậu. Liên Hợp Quốc cho biết chỉ mới có 0,5 tỷ tấn khí thải carbon dioxide được loại bỏ trong số 17-20 tỷ tấn chênh lệch phát thải carbon dioxide vào năm ngoái giữa các hứa hẹn chính trị và tỉ lệ cần mỗi năm cho tới 2030 để giữ tình trạng nóng lên ở mức 1,5°C so với mức nhiệt độ tiền công nghiệp. Các cam kết về nhiên liệu hóa thạch tại COP27 năm nay ở Ai Cập cũng không hề quyết liệt hơn lần trước, tại Glasgow năm 2021.

Nhưng hội nghị thượng đỉnh có thể đã làm nghiêng cán cân tranh luận về “tổn thất và thiệt hại” – rằng các nước giàu nên trả tiền cho các nước nghèo để giúp họ giải quyết thiệt hại trước mắt của biến đổi khí hậu. Hồi tháng 12, một thỏa thuận đã được ký kết tại COP15, hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, nhằm bảo tồn 30% diện tích đất và biển cho động vật hoang dã vào năm 2030. Giờ đây đến lượt các nước thực thi lời hứa của mình.

Nhìn lại 2022: Bóng ma đại dịch Covid-19

Đối với nhiều người phương Tây, 2022 là năm đánh dấu covid-19 bắt đầu biến mất — và chúng ta ngày càng rõ tác động của nó lên sức khỏe cộng đồng. Những nỗ lực sản xuất vắc-xin và xét nghiệm hiệu quả có thể được áp dụng để điều trị các bệnh khác, chẳng hạn như lao. Ngoài ra, thành công của các nhà khoa học trong việc truy dấu covid-19 qua hệ thống cống rãnh của các thành phố đã khơi dậy quan tâm về cách nước thải có thể giúp theo dõi các bệnh khác.

Thiệt hại về người của đại dịch cũng đang trở nên rõ ràng hơn. Dù số người chết chính thức trên toàn cầu là khoảng 6,6 triệu, mô hình của The Economist đưa ra con số thực về số người chết cao hơn tới ba lần, 20,6 triệu cho tới đầu tháng 12. Và chi phí kinh tế và chính trị của virus tiếp tục kéo dài, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi gần đây đã xảy ra biểu tình chống chính sách zero covid. Giới chức hầu như đã từ bỏ chính sách này, từ đó tạo ra một làn sóng lây nhiễm lên dân số vốn vẫn chưa được miễn dịch với virus. Bóng tối đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Nhìn lại 2022: Nền kinh tế tuần hoàn bắt đầu từ các nhà máy pin

Các nhà máy “gigafactories” sản xuất pin xe điện đang dẫn đầu một cuộc cách mạng kinh tế mới. Các hãng pin đang đẩy mạnh theo đuổi “sản xuất tuần hoàn,” tức tái chế sản phẩm cũ, qua đó giảm bớt tác động đến môi trường. Chẳng hạn, Northvolt của Thụy Điển đặt mục tiêu thu một nửa nguyên liệu thô, bao gồm lithium và coban, từ pin tái chế cho tới 2030.

Nhưng thách thức cũng rất phức tạp. Rất nhiều coban đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các công ty khai thác mỏ đang lợi dụng lao động trẻ em. Northvolt và các nhà sản xuất pin khác có nỗ lực truy dấu nguồn gốc vật liệu và kiểm tra các tiêu chuẩn sản xuất để đảm bảo không mua từ các công ty bất chính. Và họ cũng kỳ vọng tìm được nguồn lithium ở gần hơn thay vì Úc hay Chile, qua đó giúp giảm khoảng cách vận chuyển vật liệu. Các nhà máy gigafactories vẫn chưa phải là ví dụ điển hình của nền kinh tế tuần hoàn, nhưng chúng đang đặt ra lộ trình cho các ngành công nghiệp khác đi theo.

Nhìn lại 2022: Kính Viễn vọng James Webb trình làng

Tháng 7 vừa qua nhân loại được chứng kiến những hình ảnh đầu tiên từ Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), kính viễn vọng không gian lớn nhất trong lịch sử. Một trong những chủ đề khi ấy là “Vách đá Vũ trụ”— tức những kết cấu đỉnh bụi và khí thuộc tinh vân Carina. Tiền thân của JWST, Kính viễn vọng Không gian Hubble, từng chụp khu vực tương tự vào năm 2005. Nhưng phiên bản mới có rất nhiều khác biệt. JWST đã phát hiện ra những ngôi sao bé, lần đầu tiên trong lịch sử thiên văn.

JWST được ra mắt vào dịp Giáng sinh 2021, sau 11 năm trì hoãn và tiêu tốn 9,7 tỷ USD. Nó mang lại cho các nhà thiên văn công cụ tốt nhất để xem xét vũ trụ ở tần số hồng ngoại của ánh sáng. Từ đó họ sẽ mở ra những nghiên cứu mới — đặc biệt là quá trình hình thành các vì sao và hành tinh, từ thuở sơ khai của vũ trụ cho đến ngày nay. Sẽ có một hàng dài các nhà thiên văn háo hức khám phá tiềm năng đáng kinh ngạc của nó.