Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân, nhưng không chỉ Mỹ là bên ngáng đường

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Ngày 11/1/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lần đầu tiên tuyên bố rõ ràng “Hàn Quốc có thể sở hữu vũ khí hạt nhân của mình”. Sau đó, cuộc thảo luận của cộng đồng xã hội Hàn Quốc về vấn đề “Tự mình phát triển vũ khí hạt nhân” liên tục tăng nhiệt. “Nhật báo Triều Tiên” của Hàn Quốc ngày 31/1 đưa tin: kết quả thăm dò dân ý cho thấy 76% dân chúng nước này bày tỏ ý muốn “Hàn Quốc cần độc lập phát triển vũ khí hạt nhân”.

Sự việc Hàn Quốc hăng hái ủng hộ chủ trương “sở hữu vũ khí hạt nhân” cũng làm cho nước Mỹ rất quan tâm. Một số cơ quan truyền thông Mỹ đã tiến hành phân tích, đánh giá chi tiết vấn đề liệu Hàn Quốc có đủ năng lực độc lập nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

Dự án hạt nhân bắt đầu từ thời Tổng thống Park Chung Hee

Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Yoon Suk Yeol từng nói “Nếu mối quan hệ căng thẳng với Triều Tiên tiếp tục leo thang thì Hàn Quốc có thể dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật để tự vũ trang”. Ông còn cho biết “Nếu xảy ra tình hình như vậy thì chẳng bao lâu nữa, dựa vào nền khoa học kỹ thuật của mình, cùng với thời gian, chúng ta có thể rất nhanh chóng có vũ khí hạt nhân.”  Sự việc này được cho là nhà lãnh đạo Hàn Quốc “lần đầu tiên trong mấy chục năm nay chính thức nói về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân trang bị cho nước mình”.

Trang mạng “The North 38 (Vĩ tuyến 38 Bắc)” của Mỹ lâu nay quan tâm vấn đề bán đảo Triều Tiên cho rằng sự tự tin của Tổng thống Yoon Suk Yeol đối với việc nghiên cứu triển khai vũ khí hạt nhân không phải không có căn cứ. Dư luận bên ngoài phổ biến cho rằng Hàn Quốc có đủ các công nghệ cơ bản để nghiên cứu triển khai thứ vũ khí này.

Theo giới thiệu, kế hoạch làm vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc bắt đầu từ những năm 1970. Trong thời kỳ đầu chiến tranh lạnh, quân đội Mỹ từng bố trí nhiều vũ khí hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Nhưng vào cuối thập niên 1960, do sa vào vũng lầy chiến tranh Việt Nam mà Mỹ buộc phải bắt đầu tiến hành chiến lược co cụm toàn cầu. Tháng 7/1970, sau khi quân đội Mỹ báo cho Chính phủ Hàn Quốc biết họ sẽ rút quân với quy mô lớn ra khỏi bán đảo Triều Tiên, Chính phủ Park Chung Hee, xuất phát từ mối lo ngại sẽ mất sự bảo vệ của Mỹ, đã khởi động kế hoạch độc lập nghiên cứu triển khai vũ khí hạt nhân, họ bắt đầu nhập khẩu lò phản ứng hạt nhân và công nghệ xử lý nhiên liệu hạt nhân nghèo. Tháng 4/1975, sau sự sụp đổ của chính quyền Nam Việt Nam bị Mỹ bỏ rơi, nỗi lo ngại của phía Hàn Quốc càng tăng lên. Trong cuộc họp báo sau đó chỉ hai tháng, Tổng thống Park Chung Hee lần đầu tiên công khai nói tới ý muốn “trực tiếp sở hữu vũ khí hạt nhân”. Cho dù dưới sức ép của Mỹ, cuối cùng Pháp đã quyết định huỷ bỏ việc bàn giao cho Hàn Quốc các thiết bị liên quan, nhưng Hàn Quốc vẫn tiếp tục tiến hành công tác nghiên cứu hạt nhân.

Theo giới thiệu, Hàn Quốc là một quốc gia có nền công nghiệp lớn mạnh, nếu muốn nghiên cứu triển khai làm bom nguyên tử có yêu cầu kỹ thuật tương đối thấp, thì khó khăn lớn nhất đối với họ thực ra là phải có đủ lượng nguyên liệu hạt nhân phân hạch. Ngay từ năm 1975 Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp định không phổ biến hạt nhân (NPT), tuy thế họ vẫn không hoàn toàn đình chỉ công tác nghiên cứu trong lĩnh vực làm giàu nhiên liệu hạt nhân. Năm 1982, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc đã tách được thành công vài miligam chất Plutonium-239. Là nước rất cảnh giác trước việc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ lập tức yêu cầu Hàn Quốc không được dùng bất cứ phương thức nào tiến hành tái chế chất Plutonium; đổi lại, Mỹ đồng ý chuyển nhượng cho Hàn Quốc công nghệ lò phản ứng hạt nhân và cung cấp viện trợ tài chính cho dự án năng lượng hạt nhân của nước này.

Từ tháng 1 đến tháng 3/2000 các nhà khoa học Hàn Quốc ít nhất đã 3 lần sử dụng công nghệ tách chiết laser làm giàu được 200 mg Uranium-235 đến mức độ 77%, gần đạt cấp độ vũ khí [tức khi chất Uranium-235 có độ tinh khiết 90%]. Mãi cho tới năm 2004 sự việc này mới bị phát hiện, khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế tiến hành giám sát thiết bị thí nghiệm bí mật làm giàu hạt nhân của Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc thanh minh: công tác nghiên cứu liên quan kể trên được tiến hành trong tình trạng vô ý thức, không nắm được kiến thức liên quan. Sau đó Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đã tiến hành điều tra toàn diện hoạt động nghiên cứu hạt nhân của Hàn Quốc, và ngày 11/11/2004 công bố báo cáo, đánh giá sự kiện kể trên là một vấn đề “đáng quan tâm nghiêm trọng”.

Trang mạng của Hội các nhà khoa học Mỹ cho biết: Muốn làm một đầu đạn hạt nhân, ít nhất cần có 15 đến 25 kg Uranium-235 hoặc 7 đến 10 kg Plutonium-239 ở cấp độ vũ khí. Trên thực tế, Hàn Quốc đã nắm được công nghệ làm giàu nhiên liệu hạt nhân liên quan, chỉ có điều họ chưa sản xuất với quy mô lớn.

“Đủ để làm 4000 đầu đạn hạt nhân” 

Hiện nay, hơn 20 lò phản ứng hạt nhân trong các nhà máy điện hạt nhân của Hàn Quốc đều dùng nhiên liệu hạt nhân nhập khẩu, loại nhiên liệu hạt nhân dân dụng này không thể trực tiếp dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhưng nhiên liệu hạt nhân sau khi đã được nhà máy điện hạt nhân sử dụng (gọi là nhiên liệu nghèo) lại là nguồn vật liệu quan trọng, có thể từ đó tách chiết lấy được chất Uranium-235 và Plutonium-239 làm bom hạt nhân.

Năm 1973, Mỹ và Hàn Quốc ký hiệp định năng lượng hạt nhân, trong đó yêu cầu “Hàn Quốc khi tiến hành tái xử lý vật chất hạt nhân đặc biệt hoặc khi thay đổi hình thái và nội dung nhiên liệu hạt nhân thì trước tiên phải được phía Mỹ đồng ý”. Yêu cầu này được coi là Mỹ cấm Hàn Quốc tiến hành nghiên cứu triển khai nhiên liệu nghèo. Trải qua 4 năm đàm phán, cuối cùng năm 2015 phía Hàn Quốc đạt được một hiệp định hạt nhân mới với Mỹ, trong đó không còn quy định bằng văn bản việc cấm Hàn Quốc tiến hành làm giàu hạt nhân và tái xử lý nhiên liệu nghèo.

Trong mấy chục năm qua, Hàn Quốc đã tích luỹ được một lượng lớn nhiên liệu nghèo. Mạng CNN của Mỹ cho biết, nếu Hàn Quốc quyết định làm vũ khí hạt nhân, trên lý thuyết họ có thể tách chiết từ số lượng nhiên liệu nghèo nói trên được một lượng nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí đủ để làm 4.000 đầu đạn hạt nhân. Nhưng hiện nay Hàn Quốc còn chưa có tồn kho lượng Plutonium hoặc Uranium ở cấp độ vũ khí, vì thế trước hết họ cần sản xuất thật nhiều máy ly tâm để tiến hành tách chiết, làm giàu nhiên liệu hạt nhân, “cần thời gian ít nhất là 2 năm mới có thể sản xuất đủ số lượng nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí”.

Trang mạng “Vĩ tuyến 38 Bắc” cho biết, sau khi có đủ lượng nhiên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí, bước tiếp sau là thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc có đủ năng lực kỹ thuật để vượt qua mọi thách thức về khoa học và về công trình chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng nếu muốn chứng minh tính năng thực tế của thứ vũ khí đó thì còn phải tiến hành thử hạt nhân. Vì Hàn Quốc có diện tích lãnh thổ nhỏ hẹp nên bất cứ việc thử nghiệm hạt nhân nào cũng đều sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế và trong nước.

Trang mạng “Dynamic” của Mỹ cho biết, nếu muốn tạo ra sự răn đe hạt nhân có hiệu quả thì Hàn Quốc còn phải thực hiện thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân và tích hợp đầu đạn đó vào tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tên lửa phóng từ tàu ngầm hoặc từ máy bay ném bom. Hiện nay Hàn Quốc đã có tên lửa đạn đạo “Hyunmoo–2” và tên lửa hành trình “Hyunmoo-3”, trên lý thuyết đều có thể mạng đầu đạn hạt nhân nhỏ. Đặc biệt tên lửa đạn đạo “Hyunmoo-4” lần đầu tiên phóng thử năm 2020 có thể mang được đầu đạn chiến đấu nặng 2 tấn rất thích hợp sửa thành tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Nhưng để tích hợp đầu đạn hạt nhân vào các nền tảng vũ khí kể trên, Hàn Quốc còn phải hoàn thành rất nhiều công việc, nhất là việc lắp ráp, tháo dỡ và bố trí đầu đạn hạt nhân, vốn tồn tại những rủi ro lớn về an toàn. Những việc đó Hàn Quốc phải tự mày mò làm lấy và phải xây dựng một hệ thống chỉ huy và khống chế vũ khí hạt nhân nghiêm ngặt.

Mất niềm tin vào “ô hạt nhân” của Mỹ

Theo truyền thông nước ngoài, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc đã tiến gần tới khả năng tự nghiên cứu triển khai vũ khí hạt nhân, nhưng họ đứng trước những rủi ro chính trị rất lớn, có nghĩa là họ phải chính thức rút ra khỏi Hiệp định NPT. Trang mạng “Vĩ tuyến 38 Bắc” cho biết, “Điều đó sẽ giáng một đòn đánh vào địa vị lãnh đạo của Mỹ trên lĩnh vực cấm phổ biến hạt nhân trong mấy chục năm nay. Washington không có lựa chọn nào khác, họ chỉ có thể mạnh mẽ lên án và phản đối Hàn Quốc chế tạo vũ khí hạt nhân”. Công nghệ hạt nhân của Hàn Quốc chủ yếu phụ thuộc vào sự cho phép xuất khẩu của Mỹ, nhiên liệu hạt nhân cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài, “nếu Seoul quyết định làm vũ khí hạt nhân thì có thể tất cả các nhà máy điện hạt nhân đang cung cấp một phần ba sản lượng điện của Hàn Quốc sẽ phải đóng cửa.

Trang mạng “Dynamic” cảnh báo: Nếu Hàn Quốc làm vũ khí hạt nhân thì tất nhiên Mỹ phải thu hồi cái ô hạt nhân đối với Hàn Quốc. “Việc đẩy mạnh bản địa hoá vũ khí hạt nhân sẽ hạ thấp mức độ an ninh của Hàn Quốc. Rất có thể điều đó sẽ gây ra phản ứng leo thang của Triều Tiên, và Seoul sẽ không thể một mình đối phó với sự đe doạ ấy.” Đồng thời truyền thông Mỹ cho rằng Hàn Quốc và Triều Tiên còn thiếu kinh nghiệm và thiếu kênh liên lạc với nhau về mặt đối phó cuộc khủng hoảng hạt nhân. Theo tin của CNN, ông Lewis, chuyên gia chống phổ biến vũ khí tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middlebury nói: “Việc sở hữu vũ khí hạt nhân không thể loại trừ được vũ khí hạt nhân của đối thủ. Ví dụ Israel tuy rằng đang sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng họ vẫn sợ Iran có vũ khí hạt nhân, vì thế vũ khí hạt nhân của Israel vẫn không thể loại bỏ được mối đe doạ mà Israel cảm nhận thấy từ vũ khí hạt nhân của Iran.”.

Nhưng CNN lưu ý tới vấn đề phía sau phát biểu của Tổng thống Yoon Suk Yeol, đó là việc Hàn Quốc đã mất lòng tin vào “ô hạt nhân” của Mỹ. Tin tức cho biết, kết quả điều tra dư luận cho thấy hai phần ba người dân Hàn Quốc tỏ ý thà mong muốn tự mình làm lấy vũ khí hạt nhân còn hơn chấp nhận để Mỹ tái bố trí vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong đó 40% dân Hàn Quốc rõ ràng phản đối Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chỉ có 26% số người được hỏi phản đối Hàn Quốc tự làm vũ khí hạt nhân.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 韩国想独立开发核武器,阻力不只来自美国 trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 31/01/2023. Tác giả:  Trần Sơn, nhà báo được mời của Thời báo Hoàn Cầu.

Lý do Hàn Quốc cân nhắc tự phát triển vũ khí hạt nhân