Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon từ chức sau 8 năm cầm quyền. Bà Sturgeon, người cũng sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland, quyết liệt ủng hộ Scotland độc lập. Nhưng hồi tháng 11 chính phủ bà đã thất bại khi Tòa án Tối cao Anh phán quyết bác bỏ trưng cầu dân ý lần hai. Bà Sturgeon nói quyết định từ chức không đến từ “những áp lực ngắn hạn,” mà vì công việc quá áp lực.
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 tăng 3% so với tháng trước, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Sau khi giảm hai tháng liên tiếp, chi tiêu tiêu dùng đã tăng ở hầu hết các lĩnh vực, dù phần nào do ảnh hưởng của lạm phát. Vì vậy, số liệu này vừa là tin tốt cho các nhà bán lẻ Mỹ vừa cho thấy áp lực lạm phát vẫn còn. Nó có thể thuyết phục Cục Dự trữ Liên bang tiếp tục tăng lãi suất.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố tiếp tục nỗ lực cứu hộ và hứa xây dựng lại các tòa nhà bị phá hủy trong động đất tuần trước. Ông Erdogan cho biết có hơn 105.000 người bị thương. Mười người sống sót đã được giải cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba, trong đó có một phụ nữ 77 tuổi từ trong đống đổ nát của một khu chung cư. Số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện đã vượt 41.000.
Nhà Trắng nói ba vật thể bay cao không xác định đã bị bắn hạ ở Bắc Mỹ kể từ thứ Sáu có thể “không mang mục đích xấu.” Không có bằng chứng cho thấy chúng liên quan tới khinh khí cầu do thám Trung Quốc bị không quân Mỹ bắn hạ hôm 4 tháng 2, họ cho biết. Thay vào đó, chúng có thể chỉ phục vụ mục đích thương mại hoặc nghiên cứu. Vụ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc đã gây ra một vụ ồn ào về mặt ngoại giao.
Có ít nhất 73 người di cư mất tích và được cho là thiệt mạng sau vụ chìm tàu gần bờ biển Libya. Trên tàu có khoảng 80 người đang đi từ Bắc Phi đến châu Âu. Trong năm nay đã có gần 140 người được xác định mất tích ở trung Địa Trung Hải. Người phát ngôn của Tổ chức Di trú Quốc tế gọi tình huống này là “không thể chấp nhận.”
Liên minh châu Âu đề xuất một gói trừng phạt mới trị giá 11 tỷ euro (11,8 tỷ USD), bao gồm các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện điện tử dùng trong vũ khí của Nga. EU cũng sẽ áp trừng phạt lên các công ty Iran nhằm hạn chế nước này cung cấp máy bay không người lái cho Nga. Các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ họp trong ngày thứ hai để thảo luận về khả năng tăng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Những người Bắc Triều Tiên trùng tên với con gái của nhà độc tài Kim Jong Un đã bị yêu cầu đổi tên. Động thái này dường như nhằm tạo ra bầu không khí bí ẩn xung quanh Ju Ae, một đứa trẻ được các hãng tin nhà nước mô tả là “đáng yêu” và “quý phái.” Được vẽ hình trên tem bưu chính của đất nước, cô bé có nét giống cha một cách kỳ lạ.
Con số trong ngày: 3.000, là số tình nguyện viên cho Mũ Bảo hiểm trắng, lực lượng ứng phó khẩn cấp của Syria.
TIÊU ĐIỂM
Thủ hiến Scotland từ chức
Mới ba tuần trước, thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon còn nói bà “hoàn toàn” không cảm thấy phải từ chức. Nhưng rồi bà từ chức hôm qua, với lý do công việc ảnh hưởng nặng nề lên cuộc sống cá nhân. Điều này khiến phong trào độc lập của Scotland rơi vào tình thế khó khăn.
Đảng Quốc gia Scotland (SNP) của bà ủng hộ rời Liên hiệp Anh và đã lãnh đạo Scotland từ năm 2007. Bà Sturgeon lên làm lãnh đạo vào năm 2014, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý mà cử tri Scotland từ chối độc lập. Kể từ đó là một tình trạng bế tắc kéo dài. Chính phủ Anh đã từ chối cho phép một cuộc trưng cầu dân ý khác, trong khi Tòa Tối cao phán quyết vào năm ngoái rằng chính phủ Scotland không có thẩm quyền tổ chức trưng cầu.
Bà Sturgeon sẽ vẫn làm thủ hiến cho đến khi tìm được người thay thế. Vào tháng 3, các đảng viên SNP sẽ bỏ phiếu để quyết định xem cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến vào tháng 1 năm 2025, có thể được biến thành một cuộc trưng cầu dân ý trên thực tế hay không. Đây là một canh bạc. Cử tri chia đôi về vấn đề độc lập và hơn 2/3 người Scotland phản đối một cuộc trưng cầu dân ý gián tiếp. Nhưng vấn đề cấp bách nhất của SNP là sự ra đi của một nhà lãnh đạo lôi cuốn và khôn ngoan mà không có người kế nhiệm rõ ràng.
Vương Nghị công du châu Âu
Vào thứ Năm, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, Vương Nghị, sẽ đến Ý để gặp thủ tướng Giorgia Meloni. Đây sẽ là ngày thứ ba trong chuyến công du châu Âu của ông Vương. Sau khi đã đến Pháp, ông dự kiến đến thăm trụ sở EU ở Brussels, cũng như Đức, Hungary và Nga.
Chuyến đi diễn ra giữa cuộc tranh cãi về khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, mà một trong số đó đã bị Mỹ bắn hạ trên Đại Tây Dương hôm 4 tháng 2. Vụ xâm phạm không phận Mỹ khiến ngoại trưởng Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước. Tại Đức, ông Vương dự kiến sẽ tham dự Hội nghị An ninh Munich, một hội nghị thường niên của các ông lớn an ninh và quân sự, vào thứ Sáu. Một cuộc gặp tiềm năng với ông Blinken bên lề sự kiện sẽ nhằm mục đích giảm căng thẳng. Nhưng chuyến thăm của ông Vương tới Nga, chỉ vài ngày trước kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine, làm nổi bật một điểm nhức nhối khác trong quan hệ Trung Quốc-phương Tây: nước này ngầm ủng hộ Vladimir Putin.
Hồng Kông tìm cách đối phó với tình trạng suy giảm dân số
Lần gần nhất Hồng Kông công bố dữ liệu dân số, người ta đã thấy một cuộc di cư. Khoảng 121.500 người Hồng Kông — tức 1,6% dân số — đã rời đi trong 12 tháng tính đến tháng 6 năm 2022. Họ bỏ đi vì suy thoái kinh tế, vì một trong những tỷ lệ tử vong do covid cao nhất thế giới, và vì chính sách zero covid. Họ cũng bỏ đi vì cuộc đàn áp dân chủ từ năm 2020 với luật an ninh quốc gia hà khắc. Chính phủ chắc chắn sẽ lo lắng khi số liệu mới được công bố vào thứ Năm.
Trưởng đặc khu Hồng Kông John Lee biết lãnh thổ này có vấn đề. Vị cựu giám đốc an ninh vẫn quyết liệt đàn áp các quyền tự do. Nhưng ông đã đưa ra một chương trình cho phép những người có điều kiện chuyển đến thành phố mà không cần lời mời làm việc, nhằm lấp đầy khoảng trống do các giám đốc điều hành vừa bỏ đi để lại. Hàng ngàn ngôi nhà sẽ được xây mới để kéo giảm chi phí bất động sản. Và nhiều hạn chế covid cuối cùng đã được dỡ bỏ, dù quy định nghiêm ngặt về khẩu trang vẫn còn đó. Chưa rõ bấy nhiêu có đủ để ngăn Hồng Kông đi xuống hay không.
Paramount sau giai đoạn chuyển giao thế hệ
“Unscripted”, một tựa sách được xuất bản trong tuần này, ghi lại những năm cuối đời bất ổn của Sumner Redstone, một tỷ phú hơn 90 tuổi, và gia đình của ông trên đỉnh đế chế truyền thông do ông sáng lập. (Redstone qua đời năm 2020.) Paramount Global, tập đoàn sở hữu CBS, MTV, Paramount Pictures, Showtime và Simon & Schuster, hiện được điều hành bởi con gái ông, Shari Redstone. Vào thứ Năm, công ty sẽ công bố kết quả quý mới nhất.
Dù giá cổ phiếu của Paramount thấp hơn gần 40% so với mức 12 tháng trước, đà phục hồi trong những tuần gần đây cho thấy niềm tin vào bà Redstone. Paramount+, dịch vụ phát trực tuyến của họ, đã thu hút được khoảng 55 triệu người đăng ký chỉ trong vòng chưa đầy hai năm. “Top Gun: Maverick”, phim hành động do Tom Cruise đóng chính và Paramount Pictures sản xuất, đã thành công vang dội trong năm ngoái. Nhà xuất bản sách Simon & Schuster cũng đang đi tìm người mua lại, sau khi đề xuất sáp nhập với Penguin Random House bị chặn vì lý do cạnh tranh. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đón chờ tin tốt.