Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Bộ trưởng giao thông Hy Lạp Kostas Karamanlis đã từ chức sau khi một đoàn tàu khách chở khoảng 350 người va chạm với một đoàn tàu chở hàng, khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và hơn 85 người bị thương. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn, dù thủ tướng Hy Lạp sau khi đến thăm hiện trường đã nói nguyên nhân là do “lỗi bi thảm của con người.” Trưởng ga ở thành phố Larissa gần đó đã bị bắt; nhưng ông phủ nhận cáo buộc sơ suất.
Bola Tinubu của đảng All Progressive Congress cầm quyền đã được tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nigeria. Ông Tinubu giành được 36% số phiếu bầu. Các đối thủ của ông đều bác bỏ kết quả và kêu gọi tổ chức bỏ phiếu lại. Hệ thống bỏ phiếu điện tử mới khiến kết quả kiểm phiếu bị chậm công bố và làm xói mòn niềm tin vào kết quả.
Eli Lilly, một công ty dược phẩm khổng lồ của Mỹ, thông báo giảm giá 70% cho các loại insulin kê đơn phổ biến nhất trong năm nay. Chính quyền Biden đã gây áp lực yêu cầu các công ty phải giảm giá insulin. Đảng Dân chủ cũng giới hạn giá insulin ở mức 35 đô la một tháng cho người cao tuổi có bảo hiểm Medicare.
Chỉ số quản lý mua hàng của ngành chế tạo Trung Quốc đạt 52,6, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2012. Dữ liệu trên 50 thể hiện tăng trưởng. Các nhà máy đã mở cửa lại và nhu cầu phục hồi kể từ khi Trung Quốc từ bỏ chính sách zero covid. Trong khi đó, hoạt động nhà máy của Nhật Bản giảm sâu nhất hai năm qua vào tháng 2.
Người biểu tình Israel đã chặn con đường chính nối Jerusalem và Tel Aviv trong “ngày gián đoạn” để phản đối những cải cách đối với Tòa án Tối cao do chính phủ đề xuất. Thủ tướng Binyamin Netanyahu, người đang bị xét xử vì tội tham nhũng, đang thúc đẩy các dự luật sẽ cho phép đa số quốc hội bác bỏ phán quyết của tòa. Cho tới nay sự việc đã gây ra biểu tình trên khắp đất nước.
Sản lượng của các nhà máy khu vực đồng Euro tăng trong tháng 2, lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái, nhờ nhập nguyên liệu thô nhanh hơn khi chuỗi cung ứng được cải thiện. Chỉ số S&P Toàn cầu đo lường sản lượng nhà máy tăng từ 48,9 lên 50,1, cho thấy có tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động chế tạo tổng thể tiếp tục giảm trên toàn khu vực đồng euro.
TikTok công bố các biện pháp mới để giảm thời gian sử dụng của trẻ em. Sau một giờ, ứng dụng Trung Quốc này sẽ yêu cầu người dùng dưới 18 tuổi nhập mật khẩu. TikTok đã bị chỉ trích vì không có các biện pháp bảo vệ người dùng trẻ tuổi, vốn dùng nó nhiều hơn các mạng xã hội thế hệ trước như Facebook.
Con số trong ngày: 30%, là tỉ trọng của châu Phi trong dự trữ tài nguyên khoáng sản của thế giới.
TIÊU ĐIỂM
Tổng thống Belarus thăm Trung Quốc
Vào thứ Năm, Alexander Lukashenko, tổng thống độc tài của Belarus, sẽ kết thúc chuyến công du Trung Quốc ba ngày của ông. Bất chấp áp lực gia tăng từ phương Tây, chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đón ông Lukashenko, một đồng minh trung thành của Nga, tại Bắc Kinh vào thứ Tư.
Ông Lukashenko nắm quyền ở Belarus từ năm 1994 và đã được Nga giúp đỡ đàn áp biểu tình chống chính phủ hồi năm 2020. Kết quả là Belarus bị phương Tây trừng phạt, khiến ông phải phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ của Điện Kremlin. Năm ngoái, ông đã cho quân Nga dùng đất Belarus làm bàn đạp xâm lược Ukraine.
Trung Quốc miêu tả chuyến thăm của ông Lukashenko là một cuộc trao đổi ngoại giao bình thường, mô tả Belarus là một đối tác chiến lược trong “mọi hoàn cảnh.” Trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc, ông Lukashenko đã khen ngợi kế hoạch hòa bình gần đây của Trung Quốc đối với Ukraine, trong đó không có bất kỳ yêu cầu nào về việc Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. Các quan chức Mỹ nói chuyến thăm là một chỉ dấu khác cho thấy Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Nga. Một số người cũng tin rằng nó tạo cơ sở để ông Tập sớm thăm Moscow.
Thủ tướng Ý đến Ấn Độ
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni sẽ gặp người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại Delhi vào thứ Năm trong chuyến công du nhằm hàn gắn quan hệ — và để bán vũ khí.
Cho đến gần đây, quan hệ hai nước vẫn căng thẳng, đặc biệt vì vụ xét xử hai lính thủy đánh bộ Ý đã bắn hai ngư dân vì nghi là cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Ấn Độ hồi năm 2012. Nhưng chuyến thăm của bà Meloni phù hợp với nỗ lực của phương Tây nhằm giúp Ấn Độ bớt phụ thuộc vào vũ khí Nga. Chính phủ Modi gần đây đã tuyên bố tăng mạnh chi tiêu quốc phòng, mở ra cơ hội kinh doanh cho các công ty Ý như Leonardo và Fincantieri.
Bà Meloni sau đó sẽ đến Abu Dhabi, UAE. Quan hệ với UAE thậm chí còn tế nhị hơn, nhất là vì khoản đầu tư tồi tệ của Etihad vào hãng hàng không quốc gia Alitalia và việc Ý từng cấm bán vũ khí cho UAE do nội chiến Yemen.
Thị trường chờ Macy’s báo cáo kết quả quý
Macy’s, tập đoàn cửa hàng thời trang lâu đời nhất nước Mỹ, sẽ công bố kết quả quý tư vào thứ Năm. Sau một năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó doanh số bán hàng phục hồi về mức trước đại dịch, tốc độ tăng trưởng của Macy’s đã chững lại trong năm ngoái khi lạm phát thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.
Kết quả quý ba của Macy’s tốt hơn mong đợi, nhờ các khách hàng cao cấp ở Bloomingdale’s và Bluemercury, hai chuỗi hàng xa xỉ thuộc sở hữu của công ty. Song hôm 6 tháng 1, Macy’s đã cảnh báo rằng doanh số bán hàng quý tư chỉ đạt gần 8,2 tỷ đô la, giảm từ 8,7 tỷ đô la trong cùng kỳ năm trước. Dù Thứ Sáu Đen và Giáng sinh diễn ra tốt đẹp, thời gian yên ắng lại “sâu hơn dự đoán.” Và sau đó là lạm phát.
Giới đầu tư rất háo hức được nghe định hướng của Macy’s cho năm tới. Giảm giá mạnh trong kỳ nghỉ lễ 2022 có thể chỉ đơn thuần là kéo chi tiêu lên sớm hơn. Các nhà bán lẻ tầm trung chuyên phục vụ cho tệp khách hàng có vừa đủ nhưng không dư dả ngân sách sẽ gặp một năm khó khăn phía trước.
Chuỗi sự kiện về đại dương quốc tế
Đây là một tuần bận rộn của những người quan tâm đến các đại dương của thế giới. Hội nghị thượng đỉnh hàng năm về đại dương của The Economist vừa kết thúc vào thứ Tư tại Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha. Còn bên kia bờ Đại Tây Dương ở Panama, hội nghị “Đại dương của Chúng ta” — do bộ ngoại giao Mỹ tổ chức — sẽ khai mạc vào thứ Năm. Cả hai sự kiện đều nhằm đánh giá tác động của khu vực công và tư trong việc bảo vệ các ngành kinh tế biển và hệ sinh thái của đại dương.
Trong khi đó, các đại diện chính phủ tại New York (trụ sở Liên Hợp Quốc) sẽ lại một lần nữa bất đồng về hiệp ước quản lý các vùng biển cả quốc tế (high seas). Những khu vực này nằm ngoài lãnh hải và bao phủ 64% diện tích các đại dương, nhưng con người vẫn chưa thống nhất về cách thức quản lý chúng. Đàm phán đáng lẽ kết thúc từ năm ngoái, nhưng rồi các bên không thể thống nhất được ai sẽ chịu chi phí thực hiện hiệp ước, và ai có quyền sở hữu các loài động thực vật trên biển, vốn thường được sử dụng cho y học và kỹ thuật sinh học. Kết quả lần này đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa các cam kết toàn cầu đã thống nhất tại COP15 Montreal, được đặt ra để bảo vệ 30% diện tích đai và đại dương cho tới năm 2030.