Thế giới hôm nay: 26/05/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thủ phạm 18 tuổi của vụ xả súng tại Uvalde, Texas, vào hôm thứ Ba đã đăng lên Facebook kế hoạch tấn công một trường học ngay trước khi gây án, theo lời các quan chức. Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết chúng đều là tin nhắn riêng tư. Salvador Ramos đã bắn bà của mình – người may mắn không thiệt mạng – tại nhà trước khi bắn hạ 19 trẻ em và hai người lớn tại trường tiểu học. Tất cả những nạn nhân khi ấy đều đang trong cùng một phòng học.

Thống đốc tỉnh Luhansk của Ukraine cảnh báo là quân đội Nga đang tìm cách “phá hủy hoàn toàn” thành phố Sievierodonetsk. Tình hình trong thành phố này đang xấu đi. Tuyên bố hôm thứ Ba của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, vốn cho rằng Nga cố tình kéo chậm đà tiến để cho phép dân thường lánh khỏi xung đột, đã bị tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ là nói dối.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất đến mức làm chậm tăng trưởng kinh tế nhằm kiềm chế lạm phát, theo biên bản từ cuộc họp tháng 5. Thay vào đó, hầu hết họ cho rằng chỉ cần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại hai cuộc họp tiếp theo của Fed là đủ và phù hợp. Tuy nhiên, biên bản cũng cho thấy “một lập trường chính sách thắt chặt có thể trở nên phù hợp” trong tương lai.

Bản báo cáo kết luận về vụ bê bối tiệc tùng ở Phố Downing trong giai đoạn phong toả covid-19 ở Anh cho thấy lỗi nằm ở lãnh đạo cấp cao. Phát biểu trước quốc hội ngay sau khi bản báo cáo được công bố, thủ tướng Boris Johnson đã nói ông “khiêm tốn” và “học được một bài học,” nhưng tiếp tục không nhận sai khi tham dự các buổi tiệc chia tay nhân viên. Ông nói “kinh hoàng” trước cách đối xử nhân viên an ninh và vệ sinh [như thể hiện trong các đoạn clip]. Bản báo cáo dài 37 trang của Sue Grey, một công chức cấp cao, giữ nguyên kết luận của báo cáo tạm thời từ ngày 31 tháng 1 của bà, và cho biết “nhiều người sẽ thất vọng khi hành vi như vậy diễn ra ngay ở cấp cao nhất của chính phủ.”

Bạo lực nổ ra trên khắp Pakistan sau khi Imran Khan, cựu thủ tướng đã bị lật đổ hồi tháng 4, mở một cuộc tuần hành tại thủ đô Islamabad để kêu gọi thay đổi chính phủ. Đáp lại, cảnh sát đã vây ráp thành phố với hàng chục container vận chuyển. Tại Punjab, tỉnh đông dân nhất, người biểu tình đã bị đối xử bằng hơi cay và dùi cui sau khi lập hàng rào chặn đường cao tốc đến Islamabad.

Pfizer sẽ nhượng lại các loại thuốc đã được cấp bằng sáng chế của họ, bao gồm cả vắc-xin covid-19, cho 45 nước nghèo với một mức giá nhất định. Sáng kiến ​​này sẽ được thí điểm đầu tiên ở Ghana, Malawi, Rwanda, Senegal và Uganda. Được biết Pfizer đã phải chịu nhiều chỉ trích sau khi các nhà sản xuất khác, bao gồm AstraZeneca của Anh và Johnson & Johnson của Mỹ, tạm thời bán vắc-xin của họ trên cơ sở phi lợi nhuận từ giữa năm 2021.

Nga bị đẩy gần đến mức vỡ nợ lịch sử sau khi bộ tài chính Mỹ cắt nốt một con đường cho phép Nga thanh toán cho trái chủ nước ngoài. Cho đến nay khe hở này đã cho phép Nga khai thác các nguồn ngoại tệ tích lũy của họ. Hiện Nga còn gần 2 tỷ đô la phải thanh toán trong năm nay. Nga đã không vỡ nợ nước ngoài kể từ năm 1917 và khả năng cao sẽ phản đối bất kỳ tuyên bố nào cho rằng họ vỡ nợ.

Con số trong ngày: 900, là số vụ xả súng vào trường học ở Mỹ kể từ vụ thảm sát Sandy Hook một thập niên trước.

TIÊU ĐIỂM

Nhiều câu hỏi xoay quanh việc Tiểu đoàn Azov đầu hàng

Tiểu đoàn Azov của Ukraine đã cầm chân quân Nga tại thành phố Mariupol suốt 12 tuần qua. Nhưng vào thứ Năm này, Tòa án Tối cao của Nga dự kiến ​​sẽ tuyên bố Azov là một “tổ chức khủng bố.”

Đây là một nhóm quân sự gây tranh cãi, với một số liên hệ trong quá khứ với chính trị cực hữu, đã bị Nga xem là một tổ chức “cực đoan” từ lâu. Do đó, tuyên bố của toà dường như là để chuẩn bị cho một phiên tòa xét xử những binh sĩ đã đầu hàng quân Nga hồi đầu tháng này. Cho đến nay Điện Kremlin đã thường xuyên sử dụng Azov để biện minh cho cuộc chiến tranh, mà họ mô tả là một “chiến dịch quân sự” nhằm “phi phát xít hóa” Ukraine.

Không rõ thoả thuận giữa các bên ra sao để cuối cùng Ukraine quyết định đầu hàng ở Mariupol. Các quan chức chính phủ đã từ chối bình luận, nói rằng bất kỳ tuyên bố nào cũng có thể gây nguy hiểm các quân nhân. Dường như đã có một số cam kết về việc trao đổi tù binh chiến tranh – nhưng không nhất thiết là phải trước phiên tòa.

Sau hơn một thập niên lập quốc, Nam Sudan vẫn hỗn loạn

Quốc gia trẻ nhất thế giới có vô vàn những rắc rối. Được thành lập vào năm 2011, Nam Sudan đã trải qua phần lớn 11 năm đầu tiên của mình trong xung đột sắc tộc về quyền lực và quyền tiếp cận nguồn thu dầu mỏ. Một bên là lực lượng trung thành với tổng thống Salva Kiir; với một bên là những người ủng hộ phó tổng thống Riek Machar. Thỏa thuận hòa bình năm 2018 đáng lẽ đã khép lại 5 năm nội chiến. Nhưng các điều khoản của nó đã bị làm ngơ hoặc bị lợi dụng làm cơ sở cho mạng lưới chính trị bảo trợ và tham nhũng. Thiếu tiến bộ về thỏa thuận hòa bình, vốn được vạch ra gần đây trong một báo cáo do các quan sát viên chỉ định của LHQ viết, sẽ khiến LHQ vào thứ Năm này phải bỏ phiếu gia hạn lệnh cấm vận vũ khí và đóng băng tài sản đối với Nam Sudan.

Còn đối với người dân Nam Sudan, cuộc sống thật nghiệt ngã. Các tổ chức phi chính phủ đã ghi nhận tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng ở nước này. Vào tháng 3, Chương trình Lương thực Thế giới đã cảnh báo về “nạn đói tồi tệ nhất từ trước đến nay” ở Nam Sudan. Sau độc lập, mọi chuyện lại trở nên tệ đi.

Kỳ họp khác thường của Diễn đàn Davos

Cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, kết thúc vào thứ Năm này, là một nghiên cứu về sự trái ngược – đặc biệt là giữa những người trực tiếp tham dự và hàng tỷ người khác có số phận đang được quyết định ở Davos. Lần này, khác biệt lớn nằm giữa triển vọng u ám của thế giới với niềm vui được họp trực tiếp sau hai năm rưỡi đại dịch.

Chiến tranh (ở Ukraine), dịch bệnh (những ảnh hưởng kéo dài của covid-19, đặc biệt là ở Trung Quốc) và nạn đói (với giá lương thực cao ngất trời) đứng đầu một chương trình nghị sự không mấy vui vẻ. Chính sách zero covid khiến nhiều người Trung Quốc không thể đến, trong khi người Nga bị cấm tham gia. Số lượng người tham dự, do đó, có lẽ đã giảm một nửa so với những năm trước, và các công ty chỉ tập trung vào các bữa tiệc và những cuộc tụ họp. Tuy nhiên Davos cũng không hoàn toàn vô dụng. Người tham dự cho biết các cuộc gặp thẳng thắn bên lề vẫn rất có ích.

Kết quả kém lạc quan của Alibaba

Trong những ngày đầu của đại dịch covid-19, phong toả và các biện pháp hạn chế khác đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng ở Trung Quốc. Hoạt động kinh doanh đã phát triển nhanh chóng trong phần lớn năm 2020 đối với những công ty như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay siêu ứng dụng giao hàng Meituan. Nhưng hai năm trôi qua, và với việc Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược zero-covid, các hạn chế đã bắt đầu làm ảnh hưởng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng và kéo cầu giảm. Do đó, triển vọng cho Alibaba cũng tối đi đáng kể.

Khi Alibaba báo cáo thu nhập quý vào thứ Năm, các nhà phân tích dự đoán lợi nhuận sẽ giảm ít nhất 50% so với quý trước. Điều này một phần do nhu cầu yếu đi, một phần vì Alibaba từng là một trong những mục tiêu chính bị chính phủ đàn áp về mặt quy định. Phong toả đang dần được dỡ bỏ trong khi một số nhà phân tích tin rằng đàn áp công nghệ cũng qua đi. Nếu thật vậy, Alibaba sẽ dần dần hồi phục.