Độc tài, “hóa rồng” và dân chủ ở Đài Loan (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Sĩ Quý*

Xem thêm: Phần 1

Khi Lý Đăng Huy lên đảm nhận chức vụ Tổng thống tháng 1/1988, nhìn vào những quan hệ thực tế, chính trường Đài Loan không nghĩ ông sẽ đủ lực trụ được dài lâu. Sinh trưởng ở Đài Loan, ông được Tưởng Kinh Quốc để ý, mời tham chính qua nhiều chức vụ như Chính vụ (Bộ trưởng không Bộ), Thị trưởng Đài Bắc và Chủ tịch Tỉnh Đài Loan, trước khi trở thành Phó Tổng thống. Từng học đại học và rồi trở thành giảng viên Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU), ông cũng từng du học tại Đại học Tokyo, Nhật, và làm Tiến sĩ kinh tế nông nghiệp Đại học Cornell, Mỹ. Ông được đánh giá là có phong cách một trí thức hơn là một chính khách lão luyện. Cho tới 1988, do không có nhiều hậu thuẫn trong hệ thống đảng và chính quyền, lại bị bao vây bởi nhiều chức sắc Quốc dân đảng có thế lực từ Trung Quốc đại lục, đại diện cho nhiều khuynh hướng quyền lợi khác nhau, vì vậy, theo nhiều nhân vật Quốc dân đảng gốc Trung Quốc đại lục, việc để ông tham chính chẳng qua chỉ là mang tính chất tạm thời.

Để làm chủ tình thế trong hệ thống chính quyền Quốc dân đảng ở Đài Loan năm 1988, với một người ở ngoài trung tâm quyền lực của đảng như Lý Đăng Huy, trước hết, ông phải va chạm với ba trung tâm quyền lực: 1/ Hệ thống quân đội, quy tụ quanh Tổng tham mưu trưởng bảo thủ Hắc Bách Thôn; 2/ Hệ thống đảng và an ninh, trong tay Tổng Thư Ký Quốc dân đảng đương nhiệm Lý Hoán (Lee Huan); và 3/ Hệ thống các cơ sở vật chất, tài chính của chính phủ, quy tụ trong tay Thủ tướng đương nhiệm Dư Quốc Hoa (Yu Kuo Hua), nguyên Thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Trong 5 năm từ 1988 đến 1993, Tổng thống Lý Đăng Huy đã phải lần lượt đối đầu với ba trung tâm quyền lực này. Lợi dụng sự bất hòa giữa ba phe, ông Lý đắc cử chức Chủ tịch Quốc dân đảng. Ở vị trí này, ông có thể chỉ định một số chức vụ, bước đầu tiên trong việc kiến tạo hậu thuẫn. Để ba phe lộ rõ chân tướng, trong dịp cải tổ chính phủ giữa năm 1989, ông đã chỉ định Lý Hoán làm thủ tướng để đuổi khéo Dư Quốc Hoa về vườn. Dư bị giới chính trị coi thường như một “quản gia của họ Tưởng”, nhưng lại nắm được một số quân thần bên cạnh gia đình họ Tưởng. Sự ra đi của Dư giúp Lý đưa được một số chuyên viên có khả năng và có chung quan điểm vào các chức vụ Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Kinh tế và Kế hoạch, và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Việc Lý Hoán, người đại diện cho nhóm cấp tiến, đảm nhận chức vụ Thủ tướng chính phủ giúp ông cơ hội đưa một số nhân sĩ Quốc dân đảng có uy tín, mang khuynh hướng tiến bộ vào trung tâm quyền lực và những người này cũng hỗ trợ ông vào chức Tổng thư ký đảng.

Tháng 3 năm 1990, khi Lý Đăng Huy được Quốc dân Đại Hội (vạn niên) bầu thêm một nhiệm kỳ Tổng thống, ý thức được quyền hạn quá lớn của Lý Hoán, ông tìm cách đưa Lý Hoán ra khỏi trung tâm quyền lực bằng cách lợi dụng sự xung khắc giữa nhóm bảo thủ và cấp tiến trong chính phủ. Hắc Bách Thôn, đại tướng, bộ trưởng quốc phòng, đại diện cho nhóm bảo thủ, được đặt làm Thủ tướng. Chiến thuật khôn ngoan của Lý Đăng Huy đã phần nào hoá giải được những chống đối từ phía bảo thủ, đồng thời cũng gạt bỏ được một đối thủ với tiềm năng đáng ngại như Lý Hoán.

Nhưng giai đoạn “sống chung” giữa ông với tướng Hắc chỉ là tạm thời vì hai người có quan điểm rất khác nhau. Lý bắt đầu cắt bớt quyền lực của Hắc, bằng cách chia rẽ quân đội. Ông thay một số lớn tướng lĩnh bảo thủ thân cận với tướng Hác bằng những tướng lĩnh gốc Đài của mình. Ông lại dùng đảng đối lập Dân Tiến, đang trên đà thắng thế với 1/3 tổng số phiếu năm 1992, vốn ghét Hắc, tạo áp lực, làm tê liệt quốc hội không cho thủ tướng Hác điều trần, khiến ông này phải từ chức. Năm 1993, Lý Đăng Huy cử Liên Chiến (Lien Chan), một người gốc Đài nhưng sinh ra ở Đại lục và có quan điểm tương đồng với ông làm Thủ tướng. Liên Chiến, con của Liên Chấn Đông, một quan chức lớn của Quốc dân đảng, có bằng Tiến sỹ Chính trị học tại Đại học Chicago, từng dạy học tại Mỹ, và là Giáo sư tại Đại học Quốc Gia Đài Loan, vốn “nổi tiếng” là “công tử” thuộc phái “thái tử đảng”. Bị coi là không có tài năng gì đặc biệt, nhưng Liên Chiến vẫn được “cơ cấu” qua nhiều ghế bộ trưởng như Giao thông, Ngoại giao… Dấu ấn của họ Liên để lại là chẳng có gì ấn tượng. Tuy vậy, là người gốc Đài, lại rất gần với Lý Đăng Huy, ông vẫn được trọng dụng với ghế thủ tướng. Vì lý do này, mà đảng Quốc dân chia rẽ trầm trọng, tạo cơ hội thắng cử cho đảng Dân Tiến sau này (Liên Chiến hai lần tranh cử Tổng thống, đều thua Trần Thủy Biển).

Trong 5 năm từ 1988 đến 1993, bất chấp nhiều oán trách và bất mãn từ các đảng đối lập và từ phía dân chúng, Lý Đăng Huy vẫn thành công, nắm được quyền gần như tuyệt đối trong đảng, phá vỡ hệ thống quyền lực mà trước đó ít ai dám đụng tới. Đến đầu năm 1996, khi ông cùng Liên Chiến ra tranh cử Tổng thống và Phó Tổng thống bằng hình thức phổ thông đầu phiếu lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan cũng như lịch sử Trung Hoa, chính phủ do ông lãnh đạo đã làm chủ tình hình đất nước tốt hơn nhiều so với hồi đầu nhiệm kỳ – một nhân tố cực kỳ quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa Đài Loan.

Đài Loan, Hàn Quốc và trong chừng mực nhất định, một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, đều là các nước có quan hệ phức tạp giữa kinh tế với chính trị, cũng là những nước điển hình về sự chuyển hóa tương đối thành công từ chế độ chuyên chế sang chế độ dân chủ. Với riêng trường hợp Đài Loan, cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12/1986 phải được coi là sự kiện ngoạn mục về chính trị với công lao của những người đối lập, ngoài đảng. Việc ba đảng mới được thành lập và riêng đảng Dân tiến chiếm được 22% số phiếu trước bầu cử là kết quả của những quyết định hợp thời và táo bạo. Các tài liệu về sau đã phân tích và đánh giá rất cao về ý nghĩa của sự kiện này. Từ các quyết định đó, đời sống tinh thần xã hội Đài Loan đi vào bước ngoặt dân chủ.

Đương nhiên, có nhiều nhân tố khách quan khác đóng vai trò là điều kiện, là tiền đề và là cái thúc đẩy cuộc chuyển đổi thành công ở Đài Loan. Sau mấy chục năm phát triển tư bản chủ nghĩa, người dân Trung Hoa ở đây đã ít nhiều được làm quen với các giá trị dân chủ, thị trường văn minh, và tiến bộ xã hội. Một tầng lớp trung lưu biết quan tâm đến đất nước, và một xã hội dân sự đủ trưởng thành để gánh lấy trách nhiệm. “Tinh thần Quốc gia” đã được sinh ra từ sự khác biệt chính trị dẫn đến khác biệt văn hóa giữa Đài Loan với đại lục, từ các áp lực quốc tế, từ nhu cầu thực thi dân chủ được qui định trong hiến pháp. Và, trên hết, ở Đài Loan tính đến năm 1986 đã xuất hiện một xu hướng chính trị với các lực lượng xã hội biết quan tâm đến lợi ích của số đông. Họ nảy sinh khá tự nhiên từ quần chúng với phương thức đấu tranh ôn hòa bất bạo động. Một số nhà lãnh đạo của các lực lượng này biết điều hành, dám quyết định, và dám chịu trách nhiệm v.v..

Điều cần lưu ý về phương diện lý luận và có ý nghĩa kinh nghiệm đáng kể về phương diện thực tiễn với lịch sử của sự tiến triển dân chủ là, đây không phải là một cuộc cánh mạng, mà chỉ là một cuộc cải cách. Có tài liệu còn coi là chưa đủ tiêu chuẩn của một cuộc cải cách thật sự. Trên thực tế, đây là một sự chuyển đổi ôn hòa, tức là một sự đổi thay xã hội trong khuôn khổ luật pháp hiện hành. Vấn đề là ở chỗ, nếu dân chủ ở Đài Loan lại là sản phẩm của một cuộc cách mạng bạo lực, thì cái giá phải trả cho điều đó sẽ thật khó lường (không nên quên rằng, bất cứ một cuộc cách mạng xã hội nào nếu diễn ra ở Đài Loan đều khó tránh khỏi có sự can thiệp trực tiếp từ Mỹ và Trung Quốc). Ấy là chưa nói tới cảnh báo của các nhà tư tưởng xưa về một cuộc cách mạng bạo lực ở các xã hội độc tài – bằng bạo lực, nếu cách mạng có thắng lợi, thì rất có thể một nền độc tài này lại cũng thường được thay thế bằng một nền độc tài khác.[1]

Thực tế ở Đài Loan còn chứng minh vai trò của tầng lớp trung lưu. Gắn liền với sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, tầng lớp trung lưu Đài Loan đã hình thành và dần có tiếng nói đáng kể trong đời sống chính trị xã hội. Cũng có những tác giả cho rằng điều này không tất nhiên đối với tất cả các xã hội. Ở Đài Loan, khi chính kiến của thành phần này chiếm một tỉ trọng nhất định trong dư luận xã hội, thì các lĩnh vực trước đây bị hạn chế, cấm đoán hay bị ngăn cản, chẳng hạn về các lề thói chính trị, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng… sẽ dần dần trở nên cởi mở hơn. Nếu chính trị, lĩnh vực đụng đến quyền lợi của số đông trực tiếp nhất, cũng không còn là khu vực cấm, không còn là đặc quyền dành riêng của một số tầng lớp xã hội nữa, thì toàn xã hội xã hội, trong đó đáng kể nhất là số đông những người lao động bình thường sẽ ý thức được mình có một vị thế mới trong các sinh hoạt chính trị, các cuộc bầu cử và trong các trách nhiệm xã hội khác.

Sự chuyển hóa như vậy đã diễn ra ở Đài Loan. Từ một chế độ độc tài, chuyên chế vào loại khắc nghiệt, Đài Loan đã bước sang một chế độ dân chủ. Nhiều ý kiến đánh giá rằng, ngày nay, Đài Loan là quốc gia hơn hẳn các nước châu Á khác, kể cả Hàn Quốc và Singapore về mức độ dân chủ và tự do – một mơ ước mà hàng ngàn năm nay, người Trung Hoa cũng như các dân tộc khác ở châu Á không nghĩ rằng có thể đạt tới. Tuy nhiên kinh nghiệm vừa nói rất có thể không đúng với nước khác.

Không ít người có ý kiến cho rằng, dân chủ sẽ khó phát triển ở nơi có trình độ phát triển xã hội thấp, nơi người dân chưa từng quen với các quan niệm về dân chủ. Điều này liệu có hợp lý, nhất là khi giải thích trường hợp Đài Loan.

Dĩ nhiên, nền dân chủ thường phát triển thuận lợi hơn ở những nước đã có ít nhiều kinh nghiệm về dân chủ chính trị, hoặc đã có nhiều cố gắng để có một nền dân chủ, kể cả những cố gắng đã bị thất bại. Theo định kiến, một số người thường nghĩ nền dân chủ khó có thể xuất hiện ở những nước chưa từng có những diễn biến chính trị kiểu phương Tây, hoặc những nước có trình độ dân trí thấp. Tuy nhiên, dân chủ về bản chất là một khái niệm phổ quát và là một quyền, một nhu cầu gần như tự nhiên. Sự tiến triển của dân chủ, về nguyên tắc và về lâu dài, luôn có lợi cho tiến bộ xã hội nói chung. Đến thời đại ngày nay, tức là tính đến khi Đài Loan đã một chân bước vào xã hội công nghiệp, việc vô tình hay cố ý coi một xã hội nào đó không có khả năng tiếp nhận dân chủ, thực chất là một kiểu quan điểm dối trá và vụ lợi.

Thực ra, với Đài Loan, sự vận động của lịch sử theo quỹ đạo dân chủ còn sớm hơn nhiều. Về mặt lý thuyết, ngọn cờ tư tưởng của Đài Loan là chủ nghĩa Tam Dân đã được đưa ra ngay từ năm 1905, với tổ chức “Trung Quốc đồng minh hội”, của Tôn Trung Sơn. Còn từ năm 1949, ở Đài Loan, các khái niệm dân chủ, dân quyền và dân sinh… vừa là lý tưởng lại vừa là khẩu hiệu khá phổ biến của tầng lớp trí thức và của đông đảo quần chúng.

Về phương diện lịch sử, chính quyền Quốc dân đảng, trước sau vẫn coi học thuyết Tam Dân là ý thức hệ của chế độ. Một mặt, cứng rắn với xã hội bằng chuyên chính, song mặt khác, lại lý tưởng hóa Tam Dân nên vẫn không ngần ngại phổ cập tư tưởng này, mặc dù mục đích tuyên truyền trên thực tế vẫn mâu thuẫn trực tiếp với hành động của chế độ. Các tư tưởng của Tôn Trung Sơn như quyền giám sát chính trị, trình độ dân chủ trong trật tự chính trị – xã hội… đã được giới thiệu đến công chúng và cũng được dùng làm “trang sức” để tô điểm cho bộ mặt của chế độ trong cộng đồng quốc tế. Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, Đài Loan không ngừng khẳng định ý thức hệ của Quốc dân đảng cố để cho thế giới thấy Trung Hoa dân quốc là một nước dân chủ.

Hoàn cảnh quốc tế là một nhân tố có tác động đến chiều hướng xã hội ở Đài Loan. Từ thập niên 50 đến thập niên 70, Trung Quốc đại lục dần trở thành người đại diện cho toàn Trung Hoa trước cộng đồng quốc tế. Tại Liên Hiệp Quốc, vị trí của Trung Hoa dân quốc năm 1971 đã buộc phải chuyển giao cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào tháng 12/1978, chính phủ Mỹ thời Carter quyết định sẽ không còn công nhận Trung Hoa Dân Quốc (ROC) là một chính phủ hợp pháp đại diện cho Trung quốc nữa, thay vào đó, là Cộng Hòa nhân dân Trung hoa (PRC). Hoa Kỳ cũng cam kết sẽ chấm dứt các cuộc tiếp xúc chính thức với chính quyền Đài Loan, và rút hết quân khỏi đảo…

Điều đó đã gây nên những áp lực buộc Đài Loan phải có những thay đổi. Nhằm duy trì sự hỗ trợ quốc tế, Quốc dân đảng phải khuyếch trương tư tưởng Tam dân và ngọn cờ “Một Trung Hoa tự do” (A free China). Trong thời gian trước đó, Đài Loan cũng đã cố tồn tại dưới hình ảnh này. Nhưng thực tế Đài Loan trong con mắt cộng đồng quốc tế lại chỉ là một xã hội độc tài quân sự, độc đảng, đàn áp lực lượng đối lập. Từ những năm 70 áp lực phải quay lại với tư tưởng dân chủ mà trước hết là với tư tưởng của Tôn Trung Sơn đã trở thành nặng nề với chính quyền và với Quốc dân đảng.

Suốt mấy chục năm, Quốc dân đảng luôn tự mâu thuẫn với mình. Về mặt ngoại giao, chính quyền ra sức quảng bá ra thế giới về một nước Trung Quốc tự do với đại diện chính thức là Quốc dân đảng. Trong khi đó về đối nội, Quốc dân đảng lại duy trì và tăng cường nền độc tài, dùng mọi cách biện minh cho việc xem thường dân chủ. Nửa chân thành nửa ngụy biện, các nhà chính trị thường thuyết phục người dân là một ngày nào đó khi quay trở lại Đại lục, thì học thuyết Tam Dân với tất cả các quyền về dân chủ sẽ được thực hiện.

Nhưng cái bắt tay của Mao Trạch Đông với Richard M. Nixon năm 1972 và đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc từ sau cải cách cuối những năm 1980 đã là những thực tế khiến cho triển vọng quay lại nắm quyền ở đại lục của Quốc dân đảng ngày càng xa vời. Chiếc “phao cứu sinh” để cứu uy tín và tính chính đáng của chế độ Đài Loan và của Quốc dân đảng trong con mắt cộng đồng thế giới từ những năm 1990 hóa ra chỉ còn ít nhiều thuyết phục ở việc cam kết và thực hiện dân chủ. Đó cũng là cơ sở để dân chúng Đài Loan chỉ trích Quốc dân đảng. Các nhà hoạt động chống chính quyền Quốc dân đảng ngày càng nhận được sự cảm tình và ủng hộ của dân chúng. Ước mơ của người dân bản địa Đài Loan về việc có được tiếng nói chính trị trong chính quyền tương ứng với dân số, trở thành một sức mạnh thực tế, thúc đẩy sự vận động của lịch sử.

Một nhân tố khác cũng không kém ý nghĩa trong việc thúc đẩy dân chủ là chế độ giáo dục, đào tạo. Chế độ Tưởng Giới Thạch quan tâm đến giáo dục ngay từ trước khi đến Đài Loan. Theo chân quân đội ra đảo năm 1949 có gần như toàn bộ những người tinh hoa nhất của đội ngũ trí thức lúc đó. Một số trường đại học danh tiếng của Trung Quốc lúc đó cũng đã chuyển toàn bộ ra đảo. Với chiến lược giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực được xây dựng công phu, Đài Loan đã xây dựng được một hệ thống giáo dục có chất lượng, có tuyển chọn nghiêm túc và công bằng trong việc nhận sinh viên đến từ bên ngoài và đưa sinh viên ra nước ngoài du học. Trường Đại học Quốc gia Đài Loan ở Đài Bắc (NTU) được đứng trong số 100 (51-60 trong năm 2013) trường đại học tốt nhất thế giới. Đài Loan luôn giữ liên lạc với bên ngoài và tiếp cận với các xu hướng tiến bộ trong khoa học và công nghệ.

Mặc dù “một Trung Quốc” là khát vọng cháy bỏng của người Trung Hoa, nhưng do sự cách biệt quá dài về chính trị giữa hai bờ eo biển đã trở thành cách biệt về kinh tế, xã hội, văn hóa, lối sống… nên ý thức về Đài Loan như một quốc gia đối với cư dân hòn đảo này ngày càng rõ nét (ý thức này mới chỉ bắt đầu xuất hiện ở Đài Loan trong vòng khoảng hơn 40 năm nay). Khái niệm một Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, Trung Quốc đại lục địa, Hong Kong, Ma Cao, đối với cư dân Đài Loan, dần dần trở thành vấn đề cần phải thảo luận.

Khác với Hong Kong hay Ma Cao, dân bản địa hầu như không có, hoặc có rất ít thì ở Đài Loan, khoảng 85% cư dân là dân bản địa. Mối quan hệ phức tạp với đại lục chủ yếu tồn tại ở những thành viên của bộ máy cầm quyền, các đảng viên Quốc dân đảng, lớp người lớn tuổi. Số đông dân chúng Đài Loan càng ngày càng nhận thấy và tự hào rằng mình khác với dân đại lục. Khai thác tình cảm này, Đảng Dân Tiến, đảng của giới trí thức chủ trương độc lập với đại lục, được xem là tổ chức chính trị của người Đài Loan, đã đánh trúng vào “tâm lý quốc gia” và giành thắng lợi trước Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2000.

Cũng cần phải một lần nữa nói tới vai trò có một không hai của các nhà lãnh đạo Đài Loan mà trước hết là Tưởng Kinh Quốc, người từ năm 1978 đã trở thành lãnh tụ của Quốc dân đảng. Ông, với nhãn quan chính trị thức thời và thực ra bằng kinh nghiệm cá nhân của mình đã hiểu được giá trị của nền dân chủ là gì.[2] Tưởng Kinh Quốc đã chọn giải pháp thay đổi để tồn tại, một sự quyết chọn có tính toán. Người kế nhiệm của Tưởng Kinh Quốc là Lý Đăng Huy dựa vào đó đã đi xa hơn, mạnh dạn liên kết với bên ngoài, chống lại những phần tử bảo thủ để tạo sự thay đổi. Bước đi cũng rất bài bản, thực tế và hợp pháp thông qua việc chuẩn y một loạt quyết định kèm theo sửa đổi luật pháp… cho phép xã hội hoạt động theo chiều ngược với quá khứ như tự do ngôn luận, xuất bản và báo chí tư nhân… dẫn xã hội đi vào quỹ đạo của thông lệ quốc tế. Nhiều quyết định chính trị rất khó khăn, song Lý Đăng Huy đã khôn khéo thực hiện và thực hiện rất đúng lúc.[3] Điều này nói lên vai trò quan trọng của người lãnh đạo biết và dám đưa ra những quyết định cần thiết và kịp thời.

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, trong tiến trình chuyển một xã hội từ những tình huống có vấn đề sang một trạng thái khả quan hơn, bốn kiểu người sau đây có ảnh hưởng thúc đẩy quan trọng: 1/ Những người có tư tưởng tiến bộ; 2/ Những người bảo thủ đương quyền; 3/ Những người tranh đấu bằng phương pháp quyết liệt; và 4/ Những người bên phía muốn thay đổi dùng phương pháp ôn hoà. Chính việc tập hợp tất cả những quan điểm khác biệt ấy, khi đối kháng, khi thoả hiệp, đã đem lại những thay đổi cần thiết cho xã hội. Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù những phân tích trên là hoàn toàn đúng, thì ở các xã hội Á đông như Đài Loan, Trung Quốc… việc thực hiện ý chí của người đứng đầu (dĩ nhiên khi người đứng đầu còn đủ mạnh và đang nắm giữ các trung tâm quyền lực) mới là điều có ý nghĩa và thường là quyết định. Nếu người đứng đầu, thủ lĩnh tối cao chưa muốn hoặc có ý định ngăn cản cải cách, thì con đường cải cách ôn hòa thật khó đi đến kết quả. Với trường hợp Đài Loan, như vừa phân tích ở trên, vai trò của Tưởng Kinh Quốc và Lý Đăng Huy, trên thực tế đã có ý nghĩa vô cùng lớn lao, nếu không muốn nói là quyết định. Bước chuyển của Đài Loan là kết quả của việc hiện thực hóa tầm nhìn chính trị của Tưởng Kinh Quốc. Đài Loan sẽ ra sao nếu họ Tưởng nhất quyết giữ nguyên thái độ như trước đó. Tiếp theo là vai trò của Lý Đăng Huy. Tình thế dân chủ manh nha và non trẻ của Đài Loan trở nên chắc chắn đến mức không thể đảo ngược, trước hết là có công của họ Lý.

* * *

Dân chủ là một chế độ xã hội, một cơ chế quyền lực để quản lý xã hội mà theo đó quyền lực thuộc về người dân. Nếu hiểu như thế, việc thực thi quyền lực xã hội ở Đài Loan ngày nay, về cơ bản, đúng là đã do dân quyết định, đã vì quyền lợi của số đông, vì lợi ích của đất nước. Người dân Đài Loan ngày nay, hơn hẳn các nước châu Á khác, kể cả Hàn Quốc, Singapore về mức độ tự do – tự do lập hội, tự do báo chí, ngôn luận, tự do ứng cử, bầu cử… không thua kém gì các nước phát triển khác. Còn nếu so với thời kì “khủng bố trắng” trong những thập niên 1950 – 1960 và phần nào đó tiếp tục cho đến thập niên 1980, hay so với thời kỳ xảy ra các cuộc đàn áp trong thập niên 1980, thì tình trạng hiện nay rõ ràng là một mơ ước mà người ta không tưởng là có thể đạt tới.

Dĩ nhiên, Đài Loan vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục nếu muốn hoàn thiện nền dân chủ còn non trẻ, hay nói như John F. Copper đã chỉ ra, quán tính độc tài trong xã hội Đài Loan ngày nay vẫn in dấu lên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống. Vấn đề là ở chỗ, trong bối cảnh dân chủ của toàn châu Á còn khá nhiều vấn đề từ hàng nghìn năm qua và từ hàng trăm năm qua đọng lại, nhất là ở các nước có văn hóa Nho giáo như Đài Loan, thì Đài Loan đã đi được một bước dài, rất dài, xứng đáng để các nước đi sau nghiêm túc cân nhắc, nghiên cứu.[4]

Đài Loan là một hiện tượng chuyển hóa ngoạn mục từ chế độ độc tài sang nền dân chủ non trẻ nhưng vững chắc. Bên cạnh Đài Loan là một Trung Hoa đại lục ngày càng phát triển và chưa từ bỏ ý muốn thôn tính. Điều này quy định cơ hội và chiều hướng cho sự lựa chọn của Đài Loan. Với Đài Loan, dân chủ cũng không làm hỗn loạn hay căng thẳng đời sống xã hội. Quá trình dân chủ chính trị sau khi hình thành trên thực tế đã góp phần làm lành mạnh hóa thêm cho trật tự kinh tế. Gần đây, nền kinh tế Đài Loan tăng trưởng mạnh hơn và có khuôn khổ pháp lý hợp lý hơn để sự cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Huyền thoại về sự cầm quyền không thể tốt hơn của Quốc dân đảng dày dạn kinh nghiệm đối với “quốc đảo” ngày nay đã trở thành lố bịch. Một xã hội thật sự tốt đẹp chắc chắn phải để cho chính quyền luôn nằm dưới sự giám sát của xã hội. Chính quyền, nói chính xác hơn, một số nhà cầm quyền, nếu lúc nào cũng nằm ngoài sự phản biện, giám sát của xã hội, thì chính quyền đó khó tránh khỏi nguy cơ tha hóa, hoặc ít nhất cũng là khó tránh khỏi làm lãng phí tiềm năng, nguồn lực của xã hội, hay làm lệch lạc sự phát triển bình thường của xã hội.

Bài học cất cánh của Đài Loan quả thực đáng để cho các nước đi sau suy ngẫm vận dụng.

* GS.TS., Viện Thông tin Khoa học xã hội. [email protected]. Bài đã xuất bản lần đầu trong tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 5 (165) /2015. tr. 47-65.

————————————-

[1] Andrew Lintott (1999). The Constitution of the Roman. Republic (Oxford University Press. p. 110.

[2] Tưởng Kinh Quốc (27/4/1910 – 13/1/1988) là con của Tưởng Giới Thạch và Mao Fumei. Ông sinh ra tại Fenghua, Zhejiang. Năm 1925, ông tới Liên Xô để tự nguyện học về chủ nghĩa Marx.Tại Moscow, ông say mê với chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là sách của Trotsky. Ông đã từng nộp đơn gia nhập Đảng cộng sản Liên Xô, nhưng bị từ chối. Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch thanh lọc tiêu diệt những người tả khuynh và những người cộng sản, đồng thời đuổi các cố vấn Liên xô. Tưởng Kinh Quốc đã viết một bài xã luận chỉ trích gay gắt hành động của cha. Sau đó, chính quyền Liên xô gửi ông đến làm việc tại một nhà máy sản xuất thép ở Siberia, nơi đây ông gặp Faina Ipatyevna Vakhreva – một phụ nữ Nga. Họ cưới nhau năm 1935 và có bốn con. Năm 1937, Tưởng Kinh Quốc trở về Trung quốc cùng với vợ con. Trong suốt thời gian nội chiến, ông giữ chức thị trưởng Thượng Hải với nhiệm vụ giải quyết tham nhũng và giảm lạm phát. Sau khi ra Đài Loan, từ 1950 đến 1965, ông là chỉ huy cảnh sát mật (Blue Shirts). Từ 1955 đến 1960, ông làm giám sát dự án xây dựng đường cao tốc. Năm 1965, ông là Bộ trưởng quốc phòng. Từ năm 1969 đến 1972, phó thủ tướng và từ năm 1972 đến 1978, giữ chức thủ tướng. Trong những năm cuối đời, Tưởng Giới Thạch ngày càng trao nhiều quyền hơn cho con mình. Năm 1975, khi Tưởng Giới Thạch qua đời, Tưởng Kinh Quốc lên lãnh đạo Quốc dân đảng và trở thành tổng thống năm 1978. Trong những năm đầu cầm quyền, ông đã duy trì nhiều chính sách chuyên chính do cha ông để lại, tiếp tục dùng thiết quân luật để cai trị. Ông đã có đóng góp đáng kể vào “sự thần kỳ Đài Loan” (Taiwan miracle). Lúc đó kinh tế Đài Loan tăng trưởng hơn 13%/năm, GDP đầu người năm 1980 là 3.500 US$ và trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới. Trong thời gian cầm quyền, ông đã quyết định nới lỏng kiểm soát chính trị. Các đảng đối lập, bất hợp pháp, đã được “cho phép” thành lập. Năm 1986, khi đảng Dân tiến thành lập, ông đã chống lại việc giản tán hay bắt giữ các lãnh tụ đảng này. Năm 1987, ông dỡ bỏ thiết quân luật và cho phép các chuyến viếng thăm gia đình tới đại lục. Ông đã bổ nhiệm Lý Đăng Huy làm chủ tịch Quốc dân đảng và chỉ định Lý Đăng Huy làm tổng thống kế nhiệm, chấm dứt chế độ cha truyền con nối. Năm 1988, Tưởng Kinh Quốc qua đời do bệnh xuất huyết và suy tim.

[3] Lý Đăng Huy, sinh 15/1/1923 tại Sanchih, gần Đài Bắc, khi Đài Loan còn là một phần của Nhật Bản. Lớn lên dưới sự quản lý của người Nhật, Lý đã nảy sinh những mối thiện cảm với người Nhật. Sau khi tốt nghiệp phổ thông với bằng danh dự, ông là một trong bốn sinh viên được cấp học bổng để theo học tại Kyoto Imperial University, Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Lý vào đại học quốc gia Đài Loan (National Taiwan University), và tốt nghiệp năm 1948 với bằng cử nhân nông nghiệp. Tháng 11/1946, ông gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc nhưng đã bỏ đi sau hai năm. Trong thời gian này, ông đã tham gia vào cuộc xung đột 28/2 (February 28 Incident). Năm 1953, Lý nhận bằng Master về kinh tế nông nghiệp tại Iowa State University. Sau đó, ông quay trở về Đài Loan và làm việc như một kinh tế gia cho Ủy ban hợp tác tái thiết nông thôn, một ủy ban được hỗ trợ bởi Mỹ. Giữa những năm 60, ông đến Mỹ và nhận bằng tiến sĩ ở Cornell University năm 1968. Sau khi trở về Đài Loan, Lý tham gia Quốc dân đảng , và được bổ nhiệm chức vụ bộ trưởng nông nghiệp. Năm 1978, là thị trưởng Đài Bắc, ông đã giải quyết được các vấn đề về thiếu nước và xây dựng hệ thống phân phối nước. Năm 1981, ông trở thành tỉnh trưởng Đài Bắc. Là một nhà kỹ trị, Lý nhanh chóng nhận được sự để ý của Tưởng Kinh Quốc. Trong nỗ lực trao quyền nhiều hơn cho người bản địa, Tưởng Kinh Quốc đã đề cử Lý vào chức phó tổng thống vào năm 1984. Năm 1988, khi Tưởng Kinh Quốc qua đời, Lý kế nhiệm chức tổng thống với sự hậu thuẫn của James Soong. Năm 1991, ông buộc các thành viên quốc hội từ đại lục phải từ chức và các cuộc tuyển cử được tiến hành nhằm trao nhiều quyền hơn cho người bản địa. Năm 1995, Lý viếng thăm đại học Cornell và đã tạo nên cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba (Third Taiwan Strait Crisis). Ngày 18/3/2000, Trần Thủy Biển của Đảng Dân Tiến giành thắng lợi trong bầu cử tổng thống với 39% phiếu chấm dứt thời kì lãnh đạo của Quốc dân đảng. Ông bị tố cáo là ủng hộ James Soong cố ý “chia phiếu” của Quốc dân đảng. Những cuộc biểu tình trước trụ sở Quốc dân đảng ở Đài Bắc đã khiến ông từ chức vào ngày 24/3/2000. Ông bị đuổi khỏi Quốc dân đảng và cũng trong năm này, ông lập ra một đảng mới.

[4] Copper, John F. (2010). Taiwan’s Democracy on Trian. University Press of America. // Xem: 台湾的民主之路!http://club.china.com/data/thread/1011/2716/38/21/7_1.html