Thế giới hôm nay: 01/05/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hai ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase và PNC nằm trong số khoảng sáu ngân hàng được chính phủ nước này kêu gọi tham gia đấu thầu mua lại First Republic, một ngân hàng đang gặp khó khăn. Hạn chót nộp thầu mua lại các khoản tiền gửi và tài sản của First Republic là buổi trưa Chủ nhật ở New York, và dự kiến sẽ có thỏa thuận vào tối cùng ngày. Cổ phiếu của First Republic giảm 49% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm thứ Sáu, sau khi có tin tài sản của hãng có thể bị nhà nước quản lý.

Giao tranh ác liệt tiếp diễn ở thủ đô Khartoum của Sudan, sau khi lệnh ngừng bắn ba ngày có hiệu lực từ hôm thứ Năm bị phá vỡ. Hàng triệu người đang bị kẹt lại trong thành phố với nguồn cung thực phẩm và thuốc men cạn dần. Tính đến nay trên toàn Sudan đã có hơn 500 người thiệt mạng sau hai tuần giao tranh. Hàng ngàn công dân nước ngoài đã được sơ tán khỏi đất nước.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bất ngờ sụt giảm trong tháng 4, một dấu hiệu cho thấy tốc độ phục hồi không ổn định của nước này sau phong toả covid. Chỉ số quản lý mua hàng của ngành sản xuất đạt 49,2, giảm từ 51,9 của tháng 3 (con số thấp hơn 50 cho thấy suy thoái). Một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế do Reuters công bố từng dự đoán chỉ số này đạt 51,4 trong tháng 4.

Cử tri Paraguay đang bầu tổng thống và các vị trí khác. Thăm dò ý kiến cho thấy một cuộc chạy đua tổng thống sát sao giữa Santiago Peña, thuộc Đảng Colorado cầm quyền, và Efraín Alegre, người đứng đầu liên minh trung tả. Đảng Colorado đã nắm quyền ở Paraguay suốt gần 75 năm qua, nhưng bị cáo buộc tham nhũng. Ông Alegre đã thách thức chính sách công nhận Đài Loan chứ không phải Trung Quốc của Paraguay.

Chính phủ Cuba hủy bỏ cuộc diễu hành Ngày 1/5, vốn thường được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng nhân Ngày Quốc tế Lao động, với lý do thiếu nhiên liệu cần thiết để đưa hàng trăm ngàn người tham dự đến thủ đô Havana. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và giảm nhập khẩu dầu từ Venezuela đã khiến hòn đảo này thiếu nhiên liệu đến mức một số tài xế phải xếp hàng nhiều ngày chỉ để đổ xăng.

Đức Thánh Cha Francis kêu gọi một giáo đoàn ở Budapest không đóng cửa đối với người di cư và những người chạy trốn xung đột. Trong chuyến thăm ba ngày tới Hungary, nhà lãnh đạo Công giáo nhiều lần bày tỏ mối quan ngại của ông về cuộc chiến ở Ukraine. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, đã tỏ ra kém nhiệt tình hơn các nhà lãnh đạo EU khác trong việc ủng hộ Ukraine. Gần đây, ông thậm chí cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Arm, một nhà thiết kế chip của Anh thuộc sở hữu SoftBank, xác nhận đã đăng ký bí mật để niêm yết trên thị trường chứng khoán New York. Công ty được cho là đang đặt mục tiêu huy động 10 tỷ đô la trong đợt IPO lớn nhất năm. Quy mô các vụ IPO ở Mỹ trong năm nay đã giảm khoảng 22% trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế bất ổn.

TIÊU ĐIỂM

Ngân hàng First Republic sụp đổ

Lại thêm một ngân hàng nữa của Mỹ đứng trên bờ vực phá sản. Hôm Chủ nhật, giới chức nước này đã gấp rút hoàn thiện thoả thuận dàn xếp bán First Republic, một ngân hàng với tài sản khoảng 200 tỷ đô la, trước khi thị trường châu Á mở cửa vào thứ Hai. Một số ngân hàng, bao gồm cả JPMorgan Chase, nằm trong số những người mua tiềm năng. Điểm mấu chốt chính là làm thế nào để chia sẻ những tổn thất của First Republic, với những người mua lại tiềm năng yêu cầu có hỗ trợ vững chắc từ chính phủ.

Cũng như các ngân hàng khác của Mỹ sụp đổ gần đây, First Republic bị người gửi tiền quay lưng và bị giảm giá trị tài sản khi lãi suất tăng. Quá trình mở sổ sách của ngân hàng này và công khai chính sách hỗ trợ đã diễn ra có trật tự hơn so với hồi tháng 3. Nhưng vụ sụp đổ của nó vẫn diễn ra nhanh một cách đáng kinh ngạc, từ giá trị thị trường 20 tỷ đô la hai tháng trước cho đến bán tháo như hiện tại, làm dấy lên lo ngại lây lan sâu rộng hơn nữa.

Giới công đoàn Pháp tiếp tục biểu tình

Tám công đoàn Pháp đặt mục tiêu dùng Ngày Lao động Quốc tế để tiếp tục phản đối các quy tắc lương hưu mới. Cải cách tăng tuổi hưởng lương hưu tối thiểu từ 62 tuổi lên 64 của tổng thống Emmanuel Macron đã trở thành luật từ tháng 4. Nhưng biện pháp này không được ủng hộ và các nhà lãnh đạo công đoàn đang hy vọng ngày thứ 13 đình công liên tiếp kèm biểu tình vào thứ Hai sẽ buộc tổng thống đổi ý.

Biểu tình cũng là phép thử cho gương mặt đại diện mới của chủ nghĩa công đoàn cấp tiến ở Pháp. Hồi tháng 3, Sophie Binet, một cựu lãnh đạo phong trào sinh viên 41 tuổi, đã trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Confédération Générale du Travail, công đoàn hiếu chiến nhất của đất nước, có liên kết với Đảng Cộng sản. Ngay cả khi số lượng người xuống đường không như ý muốn, các công đoàn vẫn sẽ tìm cách quấy rầy cuộc sống của ông Macron bằng cách tổ chức biểu tình đập chảo ồn ào khi ông đi thăm đất nước nhằm “kết nối lại” với người dân.

Hôm 28 tháng 4, cơ quan xếp hạng Fitch đã hạ bậc nợ công của Pháp, một phần vì bất ổn xã hội làm phức tạp quá trình hoạch định chính sách. Ông Macron có được cải cách của mình, nhưng phải trả giá bằng tương lai bất ổn phía trước.

Mỹ và Philippines xích lại gần nhau

Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Philippines, Ferdinand “Bongbong” Marcos, sẽ gặp nhau tại Washington vào thứ Hai để thảo luận về việc thắt chặt liên minh quân sự song phương. Vì những lý do riêng, hai nước đều phản đối hành vi xâm lấn vũ trang của Trung Quốc trên các phần của Biển Đông mà Philippines có tuyên bố chủ quyền được quốc tế công nhận.

Việc lấn chiếm cản trở Philippines khai thác tài nguyên thiên nhiên. Và nó đe doạ khả năng Mỹ dùng Philippines làm căn cứ để bảo vệ Đài Loan, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược hòn đảo này.

Một liên minh chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Philippines có thể ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Điều đó hấp dẫn ông Biden. Và ông Marcos hy vọng mối quan hệ được cải thiện với Mỹ sẽ ngăn cản các tàu có vũ trang của Trung Quốc, vốn hầu hết là dân sự bên cạnh một số tàu hải quân, xâm phạm vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Sau một thời gian dài tự tung tự tác ở Biển Đông, Trung Quốc đang bị thách thức.

Các biên kịch Hollywood có thể đình công

Cứ ba năm một lần, Liên minh Các Nhà Sản xuất Phim và Truyền hình Mỹ sẽ đàm phán một hợp đồng mới với Hiệp hội Biên kịch WGA. Năm nay, đàm phán trở nên tồi tệ khi mô hình kinh doanh cũng như điều kiện làm việc của các hãng phim và giới biên kịch bị phát trực tuyến làm đảo lộn. Phần lớn các thành viên WGA đã bỏ phiếu đình công nếu hợp đồng của họ hết hạn vào thứ Hai mà không có thỏa thuận.

Nếu một cuộc đình công của các nhà biên kịch khiến Hollywood đóng cửa, thì quay phim, thiết kế trang phục và những người khác cũng sẽ mất việc. Các doanh nghiệp gần trường quay cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Lần đình công gần đây nhất vào năm 2007 và 2008 đã khiến kinh tế California bị thiệt hại tới 2,1 tỷ đô la.

Sự việc trên một lần nữa cho thấy vấn đề cơ bản của Hollywood: liệu ngành công nghiệp điện ảnh có thể tồn tại khi người Mỹ ít đến rạp hơn? Trong khi các giám đốc điều hành hãng phim nghiền ngẫm câu hỏi đó, Hollywood nên làm quen với các vụ đình công.