Thế giới hôm nay: 11/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cảnh báo “toàn bộ dự án châu Âu là mục tiêu” của Nga. Ông tiếp tục kêu gọi cấm vận dầu mỏ Nga, vì tình trạng hiện tại khiến Điện Kremlin cảm thấy “không bị trừng phạt.” Ukraine cũng chính thức cấm toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Nga, mặc dù thương mại giữa hai nước đã gần như chấm dứt kể từ đầu cuộc chiến. Bộ trưởng kinh tế Ukraine kêu gọi các nước khác làm theo.

Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk công bố 9 hành lang nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi miền đông đất nước, bao gồm cả thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây. Thường dân ở vùng Luhansk được kêu gọi sơ tán ngay lập tức. Chỉ trong ngày thứ Bảy đã có hơn 4.500 người sơ tán qua các hành lang nhân đạo.

Pháo kích của Nga đã phá hủy sân bay tại Dnipro, một thành phố miền trung Ukraine. Trong bối cảnh đó, ông Zelensky cảnh báo đất nước ông đang đối mặt một “trận chiến khó khăn” ở miền đông. Nga được cho là đang chuẩn bị mở chiến dịch tấn công khu vực này sau khi rút khỏi thủ đô Kyiv. Trước đó, tổng thống Ukraine đã kêu gọi một “phản ứng mạnh mẽ ở quy mô toàn cầu” đối với vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào ga tàu ở Kramatorsk, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết NATO có kế hoạch triển khai hiện diện quân sự thường trực ở biên giới nhằm phòng ngừa Nga xâm lược. Phát biểu với báo Telegraph, ông cho biết NATO đang “ở giữa một quá trình chuyển đổi triệt để.” Trong một diễn biến khác, một quan chức phương Tây xác nhận Nga đã bổ nhiệm Đại tướng Alexander Dvornikov làm chỉ huy cuộc xâm lược Ukraine. Đây dường như là nỗ lực của Điện Kremlin nhằm ổn định một chiến dịch đầy hỗn loạn.

Binh sĩ Israel đã giết một phụ nữ không vũ trang người Palestine tại trạm kiểm soát gần Bethlehem ở Bờ Tây. Các binh sĩ cũng đột kích vào khu phố Jenin, sào huyệt của các tay súng gây ra vụ tấn công chết người ở Tel Aviv hôm thứ Năm. Nhóm này đã giết chết 14 người Israel kể từ ngày 22 tháng 3, trong khi 11 người Palestine chết trong cùng thời gian. Năm ngoái, căng thẳng trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đã dẫn đến 11 ngày xung đột liên tiếp.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị lật đổ bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mà ông đã tìm cách trì hoãn. Ông Khan gặp nhiều khó khăn khi lạm phát tăng cao và không còn được quân đội ủng hộ. Lãnh đạo đối lập Shehbaz Sharif nhiều khả năng sẽ lên thay ông. • Iran trừng phạt 24 người Mỹ, đa số phục vụ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump khi ông rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tiến trình đàm phán hiện tại nhằm khôi phục thỏa thuận đã bị đình trệ.

Amazon đang tìm cách tổ chức bỏ phiếu lại sau khi các công nhân nhà kho ở Staten Island bỏ phiếu với tỷ lệ cao để thành lập công đoàn. Gã bán lẻ khổng lồ cáo buộc các nhân vật công đoàn và hội đồng lao động Mỹ tìm cách hạn chế nhân viên đi bỏ phiếu • Bồi thẩm đoàn ở New York đã kết tội Roger Ng, một cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs, với tội danh tham nhũng liên quan đến vụ tham ô quỹ đầu tư quốc gia 1MDB của Malaysia. Ông Ng là người đầu tiên – và có lẽ là duy nhất – dính líu đến vụ bê bối phải ra tòa ở Mỹ.

Con số trong ngày: 2, là số phiếu chênh lệch giúp phế truất Imran Khan khỏi ghế thủ tướng Pakistan.

TIÊU ĐIỂM

Giới luật sư hình sự Anh yêu cầu tăng thu nhập

Từ thứ Hai này, hiệp hội đại diện cho hầu hết các luật sư hình sự ở Anh và Xứ Wales sẽ bắt đầu thực hiện chính sách “không làm thay.” Kể từ giờ, các luật sư bào chữa sẽ không còn ra tranh biện thay đồng nghiệp nếu người kia vắng mặt không đến tòa.

Theo luật, luật sư bào chữa được nhà nước trả lương nếu thân chủ không đủ khả năng chi trả. Mức lương này của họ đã nhiều năm không tăng. Một đánh giá hồi tháng 11 đã đề xuất tăng ngay lập tức ở mức tối thiểu 15%. Chính phủ nói sẽ làm vậy từ tháng 10, nhưng giới luật sư muốn được tăng lương cao hơn.

Chính sách “không làm thay” sẽ làm chậm tiến độ của các vụ xử án vốn đang bị trì hoãn. Được biết thời gian trung bình từ giai đoạn nghi ngờ có tội phạm cho đến khi tuyên án tại tòa thường lên đến gần hai năm. Năm ngoái số vụ tồn đọng đã tăng lên tới 60.000 do bị đại dịch Covid-19 làm trì trệ. Các tòa án đang ngày càng không thể cho tất cả mọi người một phiên tòa công bằng và nhanh chóng.

Kinh tế Trung Quốc lao đao vì phong tỏa diện rộng

Trung Quốc thường công bố dữ liệu kinh tế nhanh hơn hầu hết các nước. Song giờ đây họ cũng không thể theo kịp với sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế giữa đợt bùng dịch covid-19 lớn. Hiện các hạn chế đã được áp đặt ở 73 trong số 100 thành phố lớn nhất Trung Quốc, theo hãng tư vấn Dragonomics. Phó chủ tịch Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc Bettina Schön cho biết Thượng Hải, vốn chiếm gần 3,8% GDP của cả nước, đã trở thành một “thành phố ma.” (Ngoài ra các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân thành phố đang bất mãn với cuộc phong tỏa vụng về của thành phố.)

Trong bảy ngày tới, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu kinh tế tháng 3, bắt đầu với số liệu lạm phát vào thứ Hai. Họ cũng sẽ công bố GDP quý đầu năm. Nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó, kết quả kém thứ hai kể từ khi Trung Quốc bắt đầu so sánh giữa các quý vào năm 2010. Các số liệu tháng 4 có thể còn tệ hơn.

Mỹ tìm cách thuyết phục Ấn Độ từ bỏ lập trường trung lập đối với Nga

Đối thoại Bộ trưởng 2+2 Mỹ-Ấn, tức một loạt các cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai bên, thường sẽ nhấn mạnh các giá trị chung giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới này. Thế nhưng đối thoại lần thứ tư tới đây tại Washington D.C. vào thứ Hai có thể sẽ bộc lộ bất đồng quan điểm lớn giữa hai bên.

Dù đã ra tuyên bố lên án hành động tàn bạo ở Bucha, Ấn Độ vẫn trung lập trước cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Họ đã bỏ phiếu trắng tất cả 11 nghị quyết về cuộc chiến này tại Liên Hợp Quốc, khẳng định rằng chỉ hành động vì lợi ích quốc gia riêng mình. Mỹ rất muốn Ấn Độ đổi ý. Họ đã cảnh báo Ấn Độ không nên mua dầu và vũ khí Nga – nhưng không quá quyết liệt, vì không muốn làm mất lòng một đồng minh quan trọng trong cuộc đấu với Trung Quốc. Tại thượng đỉnh vào thứ Tư, Mỹ được cho là sẽ đề nghị giúp Ấn Độ tìm các nguồn vũ khí thay thế (hiện khoảng một nửa lượng vũ khí nhập khẩu của New Delhi đến từ Nga). Đó có thể là cách tốt nhất để thuyết phục Ấn Độ.

Nguy cơ leo thang xung đột ở Bắc Cực

Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế sẽ bắt đầu họp tại St Petersburg vào thứ Hai. Lần này nó có ít người tham dự hơn trước. Vào ngày 3 tháng 3, bảy trong số tám thành viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực — Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển — đã đồng loạt tuyên bố tẩy chay cuộc họp để phản đối Nga xâm lược Ukraine.

Tài liệu thành lập của hội đồng nêu rõ hội đồng “không nên giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh quân sự,” phản ánh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác tại một khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Băng cực tan chảy đang mở ra các tuyến đường biển mới, mở ra khả năng khai thác khoáng sản dưới biển sâu, và làm tăng khả năng xung đột ở khu vực. Nga đã xây dựng 475 địa điểm quân sự dọc biên giới Bắc Cực trong sáu năm qua. Và đáp lại cuộc xâm lược Ukraine, Canada đã công bố kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự. Chỉ mới hồi đầu năm Hội đồng Bắc Cực còn được đề cử giải Nobel Hòa bình.