Thế giới hôm nay: 17/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chứng khoán Mỹ sụt giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1994, 3/4 điểm phần trăm, và dự kiến lãi suất mục tiêu tăng lên ít nhất 3% trong năm nay. Dữ liệu lạm phát gần đây đáng lo ngại đã buộc Fed phải hành động.

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, đồng thời dự báo tốc độ tăng trưởng GDP sẽ giảm mạnh. Họ cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 5,5% vào năm 2025, từ 3,8% hiện nay. Một số nhân vật trong ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng muốn tăng lãi suất nhanh hơn, khoảng 0,5 điểm phần trăm, nhưng với dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh vào cuối năm, quan điểm đối lập đã chiến thắng.

Các nhà lãnh đạo Pháp, ĐứcÝ đã đến Kyiv để bày tỏ ủng hộ Ukraine. Đây là lần đầu tiên họ đến thăm Kyiv kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga. Ukraine một lần nữa kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí; với Mỹ đã hứa viện trợ thêm 1 tỷ đô la. Trong khi đó, quân Nga tiếp tục tấn công Severodonetsk nhằm nỗ lực chiếm toàn bộ vùng Donbas.

Đức kêu gọi công dân tiết kiệm năng lượng khi nguồn cung khí đốt Nga giảm trên toàn châu Âu. Trong tuyên bố trên Twitter, phó thủ tướng Robert Habeck nói “mỗi kilowatt giờ đều có ích.” Trong những ngày gần đây công ty năng lượng nhà nước của Nga Gazprom đã cắt giảm 60% lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream, với lý do bảo trì chậm trễ; Đức nói động thái này có mục tiêu chính trị.

Cảnh sát Brazil đã trích xuất lời thú tội của một người đàn ông bị bắt vì liên quan đến vụ mất tích hai người ở thung lũng Javari thuộc rừng Amazon vào ngày 5 tháng 6: nhà báo Anh Dom Phillips và chuyên gia về các dân tộc bản địa Bruno Pereira. Nghi phạm thừa nhận đã bắn và giết cả hai ông, vì xung đột với ông Pereira về quyền đánh bắt cá của người dân địa phương.

Ủy ban cố vấn của FDA Hoa Kỳ khuyến nghị cơ quan này phê duyệt vắc xin covid-19 cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Họ nhận thấy cả vắc xin Moderna lẫn Pfizer đều an toàn và hiệu quả cho trẻ sơ sinh từ sáu tháng đến bốn tuổi. FDA nhiều khả năng sẽ làm theo khuyến nghị. Nhà Trắng cho biết tiêm chủng có thể bắt đầu sớm nhất từ thứ Ba.

Cháy rừng ở miền bắc Tây Ban Nha đã thiêu rụi khoảng 1.100 ha rừng, trong bối cảnh nắng nóng đẩy nhiệt độ lên cao kỷ lục. Các vụ cháy bùng lên ở vùng Catalonia từ thứ Tư; và giới chức đã huy động hàng trăm lính cứu hỏa trong nỗ lực ngăn đám cháy lan rộng.

TIÊU ĐIỂM

Triển vọng đơn xin gia nhập EU của Ukraine

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã đẩy Thụy Điển và Phần Lan về phía NATO. Nó cũng có thể đã mở ra cánh cửa cho Ukraine gia nhập EU. Trong ngày thứ Năm, các lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đã tuyên bố ủng hộ Ukraine trở thành ứng cử viên chính thức của Liên minh Châu Âu, bước đầu tiên để tiến tới thành viên đầy đủ. Ủy ban Châu Âu có thể sẽ làm theo vào thứ Sáu. Tuần tới, 27 người đứng đầu chính phủ của Liên minh Châu Âu sẽ gặp nhau để thảo luận trường hợp của Ukraine (cũng như Moldova, Georgia và các nước khác). Điều kiện cần là không nước nào phản đối.

Tuy nhiên, đàm phán về tư cách thành viên đầy đủ có thể mất tới mười năm hoặc hơn. Các đồng minh của Ukraine cho rằng họ nên được xem xét đặc biệt, nhưng số khác không muốn nới lỏng các quy định thông thường. Hơn nữa các nước đã nộp đơn từ lâu như Serbia hay Montenegro sẽ tức giận nếu có thiên vị. Người Ukraine nên chuẩn bị cho một quá trình lâu dài và khó khăn.

Thỏa thuận thuế doanh nghiệp toàn cầu đang có triển vọng tốt

Suốt nhiều năm qua, các chính phủ đã tìm nhiều cách để buộc các công ty đa quốc gia phải đóng thuế ở nơi họ kinh doanh. Các công ty ngày càng tạo ra giá trị với các hoạt động khó đo lường như nghiên cứu phát triển hay phần mềm, giúp họ dễ dàng cắt giảm hóa đơn thuế bằng cách ghi nhận lợi nhuận ở các thiên đường thuế. Nhưng sắp có thay đổi.

Vào thứ Sáu, bộ trưởng tài chính của 27 chính phủ EU sẽ họp bàn cách hệ thống hóa một thỏa thuận quy định mọi tập đoàn đa quốc gia phải trả thuế cao hơn hoặc bằng 15% ở mọi nơi trên thế giới. Vào năm ngoái G20 cũng đã đồng ý với các quy tắc tương tự. Trên lý thuyết, nó kéo giảm lợi nhuận của các công ty trốn thuế và tăng thu thế cho các chính phủ, vốn thường thiếu tiền. Nhưng một thỏa thuận như vậy cũng làm tổn hại đến các quốc gia hưởng lợi từ thuế thấp, chẳng hạn như Ireland.

Tình hình chính trị cực hữu ở Hy Lạp

Khi nền kinh tế Hy Lạp sụp đổ trong những năm 2010, các thế lực cực hữu đã bùng lên. Biểu tượng giống như chữ thập ngoặc của đảng cực đoan Golden Dawn, cũng như các cuộc diễu hành và tấn công người nhập cư, dường như đã thuyết phục được một bộ phận cử tri. Kết quả là Golden Dawn trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội tại thời điểm năm 2015. Nhưng đến năm 2020, các nhà lãnh đạo đảng đã bị kết tội điều hành một tổ chức tội phạm dưới vỏ bọc đảng phái chính trị. Phiên tòa xem xét đơn kháng cáo của họ bắt đầu từ thứ Tư, nhưng ngay lập tức phải dời lại khi các thẩm phán xem xét yêu cầu hoãn của Nikos Michaloliakos, nhà sáng lập Golden Dawn và là một người phản đối vắc-xin, với lý do đang hồi phục sau covid-19. Phiên tòa sẽ nối lại từ ngày 6 tháng 7.

Dù vậy, phe cực hữu của Hy Lạp vẫn còn đó. Ilias Kasidiaris, cấp phó cũ của Golden Dawn và là một trong những người bị kết án vào năm 2020, đang điều hành một đảng dân tộc cực đoan mới từ trong nhà tù và có thể đang tìm cách tham gia cuộc tổng tuyển cử năm sau. Trong khi đó Greek Solution, đảng cực hữu duy nhất còn trong quốc hội, tiếp tục được cử tri thu nhập thấp ủng hộ vì nền kinh tế Hy Lạp lại khó khăn.

Ấn Độ muốn có thỏa thuận thương mại với EU

Xuất khẩu của Ấn Độ đang bùng nổ. Trong tháng 5, 62 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ đã được họ bán ra nước ngoài, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ kỳ vọng xuất khẩu năm sẽ đạt 1 nghìn tỉ đô la vào năm 2030, tăng 250% so với năm 2021. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc liệu họ có thể giành được các hiệp định thương mại tự do song phương hay không. Ấn Độ đang đàm phán với Anh. Nhưng có một giải thưởng lớn hơn: Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn thứ ba của họ. Thứ Sáu này một phái đoàn Ấn Độ sẽ đến Brussels với hy vọng mở màn đàm phán.

Triển vọng tương đối sáng sủa. Cả hai bên đều muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình khỏi Trung Quốc. EU thậm chí đã tích cực tán tỉnh Ấn Độ kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, với mục tiêu tách New Delhi khỏi Nga. Hai bên muốn có thỏa thuận vào năm 2024, nhưng đàm phán sẽ căng thẳng xoay quanh các vấn đề như nông nghiệp hay sở hữu trí tuệ. Lần cuối cùng Ấn Độ và EU ngồi lại với nhau vào năm 2007, họ đàm phán tận sáu năm – trước khi đổ vỡ.