Nhìn lại xu hướng bỏ chữ Hán ở Đông Á: Trường hợp Trung Quốc

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Xem thêm: Trường hợp Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc

Chữ Hán ra đời vào khoảng năm 1300 TCN tại Trung Quốc, với hình thái đầu tiên là chữ Giáp Cốt, tức chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú vật. Người Trung Quốc xưa nay có truyền thống coi chữ Hán là biểu tượng, là đại diện, là vật mang văn hoá truyền thống của dân tộc Hoa Hạ, chữ Hán được tôn thờ như một báu vật của nền văn minh Trung Hoa.

Chữ Hán có tính biểu ý, tách rời tiếng nói, đặc điểm đó cho phép những người nói các thứ tiếng khác nhau có thể dùng chữ Hán như một thứ chữ viết chung để giao lưu với nhau. Trung Quốc đất rộng người đông, dân địa phương nào nói tiếng địa phương ấy (phương ngữ), nghe không hiểu nhau, nay cả nước có thể dùng chữ Hán viết ra để hiểu nhau. Trong tình hình đó, chữ Hán đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp thống nhất Trung Quốc. Ngoài ra, chữ Hán còn được các nước xung quanh như Việt Nam, Triều Tiên… tiếp nhận làm chữ viết của họ, tạo nên vùng ảnh hưởng của chữ Hán, nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc. Hơn nữa, hầu như mỗi chữ Hán đều có ý nghĩa thâm sâu, thể hiện nền văn minh Trung Hoa cổ đại, hình dạng chữ lại tựa như bức hoạ, là nền tảng tạo nên nghệ thuật thư pháp độc đáo. Vì thế người Trung Quốc xưa nay đều tôn thờ chữ Hán, thậm chí cho rằng chữ Hán tiên tiến nhất thế giới.

Từ thế kỷ 19, văn minh phương Tây bắt đầu thâm nhập Đông Á, khiến vùng này nảy sinh trào lưu học tập phương Tây, đòi thay đổi tình trạng lạc hậu mọi mặt của nước mình. Nhiều học giả Trung Quốc nêu yêu cầu làm ra loại chữ phiên âm kiểu phương Tây thay thế chữ Hán. Phong trào này dựa trên “Thuyết chữ Hán lạc hậu”, cho rằng chữ Hán lạc hậu, quá khó học, khiến cho hầu hết dân mù chữ, cam chịu làm nô lệ. Lỗ Tấn nói chữ Hán “là khối u trên con người tầng lớp đại chúng lao khổ Trung Quốc”, “là lợi khí của chính sách ngu dân”. Giới trí thức nói chữ Hán có “ba nhiều, năm khó”: Số lượng chữ nhiều, chữ có nhiều nét, nhiều âm đọc; khó nhận mặt chữ, khó đọc, khó nhớ, khó viết, khó dùng, trong đó số chữ quá nhiều là khó khăn lớn nhất. Cũng vì thế mà chữ Hán không đánh máy được, không dùng được máy in sắp chữ, cản trở việc phổ biến kiến thức. Hậu quả làm Trung Quốc chậm tiến về mọi mặt, nước yếu dân nghèo, nền văn minh Trung Quốc phát triển sớm nhưng sau đó bị các nước phương Tây vượt qua. Cũng do khó học nên Hán ngữ không thể trở thành ngôn ngữ có tính quốc tế, làm cho sức mạnh mềm của Trung Quốc bị giảm đáng kể, tuy rằng số người dùng chữ Hán nhiều nhất thế giới.

Một số học giả quá khích nói chữ Hán lạc hậu sẽ đưa Trung Quốc tới chỗ diệt vong, họ đòi bỏ chữ Hán. Phát sinh phong trào cải cách chữ Hán diễn ra trong gần một thế kỷ, ngày một lên cao và được các thế hệ chính quyền Trung Quốc ủng hộ, huy động sức mạnh toàn dân thực hiện. Phong trào này chủ yếu thực hiện hai việc chính :

– Chỉnh lý chữ Hán, đơn giản hóa các chữ nhiều nét, nhằm để chữ Hán dễ học.

– Ghi âm chữ Hán, nhằm thống nhất cách đọc chữ, trên cơ sở đó, làm một loại chữ phiên âm dùng chữ cái (như chữ Latin hoặc chữ Slav), có thể thay thế chữ Hán.

Không ngờ, việc làm một loại chữ phiên âm nhằm mục tiêu bỏ chữ Hán lại cực kỳ khó. Thực tế cho thấy, sau hơn nửa thế kỷ cố gắng, người Trung Quốc chỉ mới làm được việc ghi âm chữ Hán bằng một phương án dùng chữ cái Latin – tức “Phương án phiên âm Hán ngữ” ban hành năm 1958. Nhiệm vụ quan trọng nhất — làm một loại chữ phiên âm thay cho chữ Hán, đã không thành công, đành bỏ dở. Dù sao, phương án phiên âm Hán ngữ cũng là một thành tựu đáng kể.

Trung Quốc đất rộng người đông, dân vùng nào nói tiếng vùng ấy, nghe không hiểu nhau, họ chỉ có thể giao lưu với nhau bằng chữ viết. Thế nhưng do chữ Hán không thể hiện âm đọc nên người ta có thể đọc chữ theo nhiều âm khác nhau. Vì vậy phải tìm cách đọc chữ Hán theo một âm thống nhất cả nước, từ đó tiến tới làm cho toàn dân cùng nói một tiếng nói thống nhất. Năm 1913, Nhà nước họp Hội nghị thống nhất âm đọc chữ Hán, họp liền ba tháng chỉ thẩm định được âm đọc của 6.500 chữ.

Muốn thống nhất âm đọc chữ Hán, trước hết phải ghi được âm đọc chữ. Thời xưa đã có phương pháp trực âm phương pháp phiên thiết, nhưng cả hai cách này đều bất tiện, vì đều dùng 1 hoặc 2 chữ Hán khác để ghi âm; vả lại có những chữ không thể ghi âm theo cách đó. Năm 1605, giáo sĩ người Ý truyền giáo tại Trung Quốc Matteo Ricci làm được phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán. Từ đó trở đi giới học giả nước này có phong trào tìm cách phiên âm (tức ghi âm) chữ Hán. Trước năm 1946 đã đề ra khoảng 30 phương án, đều dựa trên cơ sở phương án Ricci. Trong đó Hệ thống ghi âm Wade-Giles (Wade-Giles system) sử dụng chữ cái Latin là hệ thống phiên âm chữ Hán phổ biến nhất trước thập niên 1980.

Năm 1918 làm được Bảng chữ cái ghi âm (Chú âm tự mẫu, từ 1930 gọi là Chú âm phù hiệu). Bảng này có 39 chữ cái, hiện nay dùng 37, các chữ cái có tự dạng của chữ Hán cổ ít nét nhất. Chú âm phù hiệu về cơ bản ghi được toàn bộ các âm của chữ Hán, đã sử dụng thành công ở đại lục thời gian 1920-1958, hiện vẫn sử dụng ở Đài Loan. Nhưng vì chữ cái ghi âm có tự dạng chữ Hán cổ nên người nước ngoài không đọc được.

Trước thập niên 1950, đã lập được một số phương án dùng chữ cái Latin ghi âm chữ Hán, người nước ngoài có thể đọc được. Như phương án “Quốc ngữ La Mã tự” do Chính phủ Nam Kinh công bố năm 1928, là phương án Latin hóa ghi âm Hán ngữ pháp định đầu tiên. Năm 1984, phương án này được Đài Loan sử dụng thay cho Chú âm phù hiệu, nhằm Latin hóa ghi âm chữ Hán.

Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, phong trào phiên âm hóa chữ Hán dâng lên rất cao. Năm 1950, Mao Trạch Đông chỉ thị phải cải cách chữ viết theo hướng chung của thế giới là làm chữ phiên âm (tức chữ biểu âm). Tháng 12/1954, Chính phủ lập Ủy ban Cải cách chữ viết Trung Quốc, tập trung 23 học giả chỉ đạo công tác cải cách chữ viết. Ủy ban này lập Ban Phương án Phiên âm chữ Hán, phát động phong trào cả nước làm phương án phiên âm (pinyin) chữ Hán. Tổng cộng Ủy ban Cải cách chữ viết đã nhận được 655 phương án của 633 tác giả.

Tháng 10/1955, Hội nghị Cải cách chữ viết toàn quốc xem xét 6 phương án phiên âm Hán ngữ, gồm 4 phương án dùng chữ vuông, một dùng chữ cái Slav, một dùng chữ cái Latin (do Châu Hữu Quang đề xuất). Hội nghị chọn phương án chữ cái Latin. Ngày 12/2/1956, Ủy ban Cải cách chữ viết công bố Dự thảo phương án phiên âm Hán ngữ bằng chữ Latin. Sau khi thẩm định phương án, tháng 10/1957, Ủy ban đưa ra dự thảo sửa đổi. Ngày 11/2/1958, Quốc hội Trung Quốc thông qua Phương án phiên âm Hán ngữ (Scheme for the Chinese Phonetic Alphabet). Châu Hữu Quang được gọi là cha đẻ của phương án này.

Cho đến nay, Phương án trên đã được áp dụng rộng rãi để:

– Ghi chú âm đọc (phiên âm) chữ Hán, giúp người học chữ Hán tự đọc được âm của chữ;

– Dạy tiếng Phổ thông trong toàn dân, dạy Hán ngữ cho người nước ngoài;

– Làm biên mục trong các tự điển, từ điển; khi đó chữ Hán được ghi chú âm đọc và được sắp xếp, tra chữ theo thứ tự chữ cái Latin hóa, tiện hơn tra theo bộ thủ;

– Dùng làm cơ sở để tạo chữ viết cho các dân tộc thiểu số;

– Dùng cho các lĩnh vực không thể hoặc không tiện sử dụng chữ Hán, như chữ nổi cho người mù, thao tác tay cho người câm điếc, đánh tín hiệu cờ, đèn, đưa chữ Hán vào máy tính v.v..;

– Dùng trong giao lưu quốc tế, viết tên người, địa danh v.v…

Tính đến năm 2000 hơn 68% dân Trung Quốc đã nắm được chữ phiên âm Hán ngữ.

Từ 1958, Trung Quốc ngừng sử dụng Chú âm phù hiệu, tuy trong từ điển vẫn dùng để ghi chú âm đọc chữ Hán, song song với ghi chú bằng chữ phiên âm Latin. Từ 1/11/1967, Trung Quốc chính thức thực thi Phương án phiên âm Hán ngữ, dựa vào phương án này để sáng chế chữ phiên âm Latin hóa cho các dân tộc thiểu số chưa có chữ viết. Trong quá trình sử dụng Phương án phiên âm Hán ngữ, Nhà nước thường xuyên nhắc nhở mọi người nhớ rằng chữ phiên âm Hán ngữ chỉ là công cụ bổ trợ cho chữ Hán, không phải là thứ chữ viết có thể dùng thay cho chữ Hán.

Tóm lại, việc nghiên cứu làm loại chữ biểu âm để thay thế chữ Hán đã không thành công. Nguyên nhân là do Hán ngữ không thích hợp dùng chữ biểu âm (phonograph), chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Nói cụ thể : Hán ngữ là ngôn ngữ đơn lập (monosyllabic language) nhưng lại nghèo âm tiết, vì thế tồn tại rất nhiều chữ/từ đồng âm khác nghĩa, ví dụ riêng một âm [yì] có tới gần 200 chữ cùng âm khác nghĩa. Khi Hán ngữ dùng chữ phiên âm thì do các chữ/từ đồng âm có cùng tự hình nên không phân biệt được ý nghĩa các chữ/từ đó. Có học giả sáng tác một câu chuyện gồm hơn 90 chữ Hán toàn bộ đọc âm [shi], khi viết bằng chữ phiên âm, đọc lên không thể hiểu là gì. Riêng chữ Hán biểu ý thì phân biệt được các chữ/từ đồng âm, vì mỗi chữ Hán có một tự hình riêng. Tình trạng quá nhiều chữ/từ đồng âm là trở ngại khách quan không thể vượt qua trong việc nghiên cứu làm chữ biểu âm thích hợp Hán ngữ.

Từ năm 1986, Nhà nước Trung Quốc đình chỉ công tác nghiên cứu làm loại chữ biểu âm thay thế chữ Hán, coi việc đó chỉ là nghiên cứu học thuật và để cho các thế hệ sau giải quyết. Hiện nay và có lẽ là mãi mãi, chữ Hán vẫn là chữ viết pháp định của người Trung Quốc.

Thất bại trong công tác nói trên đã đánh dấu chấm hết cho tiến trình bỏ chữ Hán kéo dài hàng thế kỷ của Trung Quốc. Hiện nay người Trung Quốc tiếp tục sử dụng chữ Hán như cũ, nhưng có kết hợp dùng thêm Phương án Phiên âm Hán ngữ như một công cụ bổ trợ trong chế độ “Song văn” (hai loại chữ) đang thịnh hành ở nước này. Hầu như toàn bộ người Trung Quốc dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính đều thành thạo sử dụng Phương án Phiên âm Hán ngữ bằng chữ cái Latin.

Như để tổng kết tiến trình bỏ chữ Hán bất thành nói trên, nhà ngôn ngữ học Châu Hữu Quang đưa ra nhận định: Chữ Hán là “báu vật” của văn minh cổ đại, lại là “gánh nặng” của văn minh hiện đại.  Coi chữ Hán là “gánh nặng” của văn minh hiện đại, có lẽ Châu Hữu Quang muốn nhắc nhở các thế hệ người Trung Quốc sau này sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu cải cách chữ viết theo hướng bỏ chữ Hán.