Nhìn lại xu hướng bỏ chữ Hán ở Đông Á: Trường hợp Nhật Bản

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Khái niệm “Bỏ chữ Hán ở các nước Đông Á” có nghĩa là không tiếp tục dùng chữ Hán làm chữ viết chính thức của nước mình. Dĩ nhiên, muốn bỏ chữ Hán đang dùng thì nhất thiết phải làm ra được một loại chữ viết mới có thể thay thế chữ Hán. Làm chữ viết ở thời xưa là một công trình lao động trí óc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi trí tuệ và thời gian rất nhiều năm, thậm chí hàng trăm năm. Nếu không làm được một loại chữ mới thích hợp thì chẳng thể bỏ được chữ Hán đang dùng.

Các nước Đông Á như Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam thời cổ không có chữ viết, về sau đều tiếp nhận chữ Hán của Trung Quốc làm chữ viết chính thức của nhà nước mình. Tuy rằng các nước trên đều sùng bái chữ Hán nhưng sau một thời gian sử dụng thứ chữ này họ đều nhanh chóng nhận thấy chữ Hán không ghi được ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Như một tất yếu lịch sử, các nước này đều lần lượt tự tìm cách tạo ra chữ viết riêng cho dân tộc mình, và do đó xuất hiện xu hướng bỏ chữ Hán, dùng chữ viết của mình.

Người Nhật tiếp nhận chữ Hán muộn hơn người Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam nhưng lại trước tiên có ý tưởng bỏ chữ Hán, thay bằng loại chữ viết riêng của họ. Tiếp đó đến bán đảo Triều Tiên, Việt Nam. Cuối cùng, Trung Quốc – nơi khai sinh chữ Hán lại xuất hiện trào lưu bỏ chữ Hán với quy mô rầm rộ nhất, xuất phát từ quan điểm cho rằng chữ Hán lạc hậu, cản trở sự phát triển nền văn minh nước này. Tại Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam, xu hướng bỏ chữ Hán chủ yếu xuất phát từ mong muốn có một loại chữ viết ghi được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình, thay cho chữ Hán đi mượn không làm được chức năng đó.

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, xu hướng bỏ chữ Hán tại Đông Á trở thành phong trào lớn mạnh lan rộng với quy mô lớn, tốc độ ngày một nhanh. Phong trào này lúc lên lúc xuống, có nơi thành công, có nơi thất bại. Thập niên 1950, chính quyền Trung Quốc tổ chức công tác nghiên cứu bỏ chữ Hán với quyết tâm cao, quy mô lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngôn ngữ thế giới, nhưng cuối cùng, vào thập niên 1980, công tác này lại kết thúc một cách lặng lẽ khó hiểu.

Nhìn chung phong trào nói trên thu được kết quả rất hạn chế. Cho tới nay Trung Quốc và Nhật vẫn dùng chữ Hán như cũ nhưng có cải tiến đôi chút, chỉ bán đảo Triều Tiên và Việt Nam đã bỏ chữ Hán với mức độ khác nhau. Duy nhất Việt Nam tuy là nước chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài nhất của văn hoá Trung Quốc, tiến trình bỏ chữ Hán bắt đầu muộn nhất, thực thi lặng lẽ nhất nhưng lại thành công hơn cả, hoàn toàn bỏ được chữ Hán, chữ Nôm, triệt để “Thoát Hán” về ngôn ngữ.

Dư luận Trung Quốc cho rằng nguyện vọng bỏ chữ Hán ở Nhật, Triều Tiên-Hàn Quốc, Việt Nam chủ yếu có động cơ chính trị, và bỏ chữ Hán là một chủ trương sai lầm, các nước này hiện đang hối tiếc về việc đó. Một số rất ít người Việt Nam cũng tán thành quan điểm ấy.

Theo chúng tôi, việc bỏ chữ Hán thành công hay không, điều đó chủ yếu phụ thuộc vào tính chất ngôn ngữ của dân tộc muốn bỏ chữ Hán, nghĩa là phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Nói cách khác, không thể tiến hành thay đổi chữ viết theo ý chí chủ quan. Chữ Hán hầu như là chữ biểu ý duy nhất trên thế giới. Bỏ chữ Hán thì tất nhiên phải thay bằng một loại chữ biểu âm, như vậy nếu ngôn ngữ không thích hợp với chữ viết biểu âm thì không thể làm được chữ biểu âm cần có. Việt Nam bỏ chữ Hán thành công là do ngôn ngữ Việt thích nghi với chữ biểu âm. Nhưng Hán ngữ không thích nghi với chữ viết biểu âm nên tiến trình bỏ chữ Hán ở Trung Quốc bất thành.

Quá trình bỏ chữ Hán ở Đông Á kéo dài hơn nghìn năm để lại những bài học lịch sử có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt về ngôn ngữ học, rất đáng để mọi người ôn lại, rút ra những điều bổ ích. Bài này trình bày tổng quan tình hình tiến trình “Bỏ chữ Hán” tại Nhật, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, chủ yếu nói về mặt ngôn ngữ học trong tiến trình đó.

TIẾN TRÌNH BỎ CHỮ HÁN TẠI NHẬT

Người Nhật thời cổ không có chữ viết. Thế kỷ 3 sau CN, chữ Hán qua bán đảo Triều Tiên du nhập Nhật. Thế kỷ 4-5, chữ Hán chính thức vào nước này. Thế kỷ 6-9 thời Tuỳ-Đường (581-907), Trung Quốc đang giàu mạnh. Trong 264 năm từ năm 630 đến năm 895, chính quyền Nhật hơn chục lần cử các đoàn sứ giả “Khiển Tuỳ Sứ” rồi “Khiển Đường Sứ”, mỗi đoàn trên trăm người, nhiều nhất trên 500 người, sang Trung Quốc ở lại nhiều tháng học văn hoá Trung Hoa –– học tiếng nói, chữ viết, khoa học kỹ thuật, pháp luật, văn học nghệ thuật, tìm mua nhiều thư tịch, kinh sách Phật giáo, Nho giáo. Họ bê nguyên xi chữ Hán về dùng, gọi là Kanji (Hán tự). Loại chữ này được giới quý tộc và trí thức Nhật sùng bái. Bộ chính sử đầu tiên của Nhật “Nhật Bản Thư kỷ” và “Cố sự ký” viết bằng chữ Hán ra đời vào thế kỷ 8, hình thành nền văn học chữ Hán ở Nhật.

Người Nhật dùng chữ Hán để ghi tiếng Nhật. Họ đọc chữ Hán theo hai cách khác nhau. Một là Cách đọc On (từ Hán-Việt là Âm độc), tiếng Nhật là On-yomi, tiếng Anh là On-reading, tức cách đọc âm Hán-Nhật. Hai là Cách đọc Kun (Huấn độc), Kun-yomi, Kun-reading, tức cách đọc âm thuần Nhật, đọc theo nghĩa tiếng Nhật. Ví dụ chữ Hán 山 đọc âm On là “san”, âm Kun là “yama”.

Về sau, họ nhanh chóng thấy việc dùng chữ Hán như trên gây ra nhiều khó khăn, như phải dùng quá nhiều chữ, không ai có thể nhớ hết, hơn nữa chữ Hán không ghi được các từ thuần Nhật và thiếu nhiều từ Nhật như trợ từ, kính ngữ… Thế kỷ 9, người Nhật làm ra chữ Kana là loại chữ biểu âm kiểu âm tiết, gồm chữ Katakana và chữ Hiragana, ghi được các từ thuần Nhật. Từ đó họ dùng hỗn hợp cả 2 loại chữ biểu âm này cùng với chữ Kanji biểu ý, nhờ thế giảm được đáng kể (có số liệu nói giảm được khoảng 83%) số lượng chữ Kanji cần dùng.

Việc dùng chữ biểu âm ở Nhật không gặp trở ngại gây ra bởi tình trạng có nhiều chữ đồng âm như trong tiếng Trung Quốc, Triều Tiên. Đó là do Nhật ngữ thuộc loại ngôn ngữ đa lập (đa âm tiết, multisyllabic, mỗi đơn từ có không dưới 2 âm tiết), ví dụ yama (núi), kuruma (xe), mỗi từ có 2 và 3 âm tiết. Toán học cho biết: cấu tạo chữ kiểu tổ hợp nhiều âm tiết có khả năng tạo ra cực nhiều từ khác âm, nhờ đó tránh được nạn đồng âm.

Sau khi tiếp xúc văn hoá phương Tây, người Nhật nhận thấy, so với chữ Hà Lan, chữ Hán khó học khó dùng hơn nhiều. Trong thế kỷ 19, người Nhật bắt đầu có phong trào phê phán chữ Hán lạc hậu, dùng chữ Hán chỉ làm tốn thời gian, nên bỏ chữ Hán. Năm 1866, tổ sư ngành bưu chính Nhật là Maejima Hisoka đầu tiên kiến nghị bỏ chữ Hán, chỉ dùng chữ Kana, nhưng chính quyền Mạc Phủ không chấp nhận. Đến thời Minh Trị, hai năm 1869, 1873, ông lại kiến nghị lên Thiên Hoàng, kết quả vẫn thế. Ông lập Hội chữ Kana, phát động phong trào chỉ dùng chữ Kana, xuất bản tạp chí và sách chỉ in chữ Kana. Năm 1884 có học giả đề nghị bỏ cả chữ Hán và chữ Kana, chỉ dùng chữ Romaji (tức dùng chữ Latin phiên âm tiếng Nhật). Quan chức đầu tiên phụ trách giáo dục-văn hoá trong Chính phủ Minh Trị là Akira Mori từng đưa ra ý tưởng dùng tiếng Anh thay cho tiếng Nhật. Năm 1946, nhà văn nổi tiếng Shiga Naoya đề nghị toàn dân bỏ tiếng Nhật, dùng tiếng Pháp…Tuy vậy Nhà nước không chấp nhận các lời kêu gọi hoặc đề nghị ấy, vẫn dùng chữ Hán như cũ.

Thực tế cho thấy, do chữ Hán đã thâm nhập cả nghìn năm vào đời sống văn hoá Nhật nên ý tưởng bỏ chữ Hán rất khó thực hiện. Vả lại, bỏ chữ Hán có nghĩa là bỏ mất nền văn hoá truyền thống lâu đời rất phong phú của tổ tiên – không người Nhật nào chấp nhận sự đứt rời văn hoá ấy.

Chẳng những không bỏ chữ Hán, mà người Nhật còn sáng tạo ra “Hoà chế Hán ngữ” (Hán ngữ do Nhật làm), đặt ra ngót nghìn từ ngữ chữ Hán như văn hoá, văn minh, dân tộc, tư tưởng, pháp luật, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, v.v…  để chuyển ngữ chính xác các từ ngữ của văn hoá phương Tây, là một cống hiến rất lớn cho sự phát triển Hán ngữ hiện đại. Việt Nam, Hàn Quốc cũng được hưởng lợi. Một học giả Trung Quốc nói các từ ngữ “Hoà chế” ấy chiếm 70% số từ vựng Hán ngữ hiện đại, “không có các từ ấy thì hiện nay chúng ta chẳng biết nói gì với nhau”.

Năm 1900, Chính phủ Nhật bắt đầu thực thi kiến nghị của nhà tư tưởng Khai sáng nổi tiếng Fukuzawa Yukichi, là giảm lượng chữ Hán cần dùng xuống còn 2000-3000 chữ, bậc tiểu học chỉ còn học 1200 chữ.

Sau 1945, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật ra sức đẩy mạnh phong trào bỏ chữ Hán. Họ tổ chức điều tra tình hình dùng chữ Hán trong dân bản xứ. Kết quả thật bất ngờ: hơn 95% người Nhật biết chữ Hán, chứng tỏ chữ Hán có cơ sở rất vững tại nước này; nếu bỏ chữ Hán, dùng chữ khác, thì 95% người Nhật lập tức trở thành mù chữ.

Rốt cuộc Chính phủ Nhật chỉ chủ trương hạn chế số chữ Hán sử dụng. Năm 1946 Chính phủ ban hành “Đương dụng Hán tự biểu” quy định chỉ dùng 1850 chữ Hán. Nhưng sự hạn chế đó gây ra một số bất tiện. Năm 1981, giới hạn 1850 được nới thành 1945 chữ, và không cấm dùng các chữ Hán khác. Năm 2010 lại mở rộng thành 2136 chữ Hán; học sinh tiểu học phải biết 1026 chữ, trung học biết 1110 chữ.

Hiện nay người Nhật dùng kết hợp chữ Kanji với chữ Kana (gồm chữ Katakana, chữ Hiragana) và cả chữ Romaji –– dùng Romaji để ghi âm tên người, tên đất, thương hiệu, ví dụ Toyota, New York nhằm giảm số chữ Kanji cần dùng.

Tóm lại, chữ viết của người Nhật hiện nay vẫn rất phức tạp, vừa biểu ý vừa biểu âm và không thể bỏ được chữ Hán, tuy từ thời Minh Trị họ đã “Thoát Hán” sau khi thực hành đường lối “Thoát Á nhập Âu” của nhà tư tưởng Khai sáng Fukuzawa Yukichi.

(còn nữa)