Đại Việt dưới thời vua Lê Thánh Tông (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tháng 2 năm Quang Thuận thứ 2 [12/3-10/4/1461], Vua Thánh Tông về Thanh Hóa, bái yết lăng tẩm:

Tháng 2, vua ngự về Tây Kinh bái yết sơn lăng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 7a.

Vào tháng 8 năm ngoái, Vua Anh Tông nhà Minh sai sứ bộ Duẫn Mân sang phong Lạng Sơn Vương Nghi Dân. Tháng 2 năm nay đến Quảng Tây, thì biết tin Nghi Dân cướp ngôi đã bị người trong nước lật đổ; rồi đưa Lê Hạo, tức Vua Thánh Tông, lên ngôi. Sau khi nghe Duẫn Mân tâu, Vua Minh quyết định cho sứ bộ trở về kinh:

Ngày 10 tháng 2 năm Thiên Thuận thứ 5 [21/3/1461]. Thông chính sứ Tả Tham nghị Duẫn Mân, Lễ khoa Cấp sự Vương Dự, Ty lễ giám Thái giám Sài Thăng tâu:

‘Mới đây chúng thần được lệnh mang chiếu thư đến nước An Nam, phong cho Tông, con trưởng của cố Vương Lê Lân. Khi đến Hoành Châu, Quảng Tây thẩm xét, biết được Tông giết vương trước là Lê Tuấn, nói dối bơi trên hồ bị chết trôi, rồi mạo xin cầu phong. Người trong nước không phục, bèn tôn con thứ của Lân là Hạo lên coi việc nước. Tông đã tự tử. Bọn thần đáng trở về.’

Thiên tử phán:

‘Lệnh Duẫn Mân, Vương Dự trở về kinh. Riêng Sài Thăng mang lễ vật tạm để tại kho Nam Kinh, đợi lệnh.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 70)

Lại vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, nước ta cử các sứ bộ Nguyễn Nhật Thăng, Đinh Lan, sang nhà Minh trình bày nội tình; xin phúng điếu cho Vua Nhân Tông, và cầu phong cho Vua Thánh Tông. Năm nay đến kinh đô nhà Minh, các sứ bộ liên tục hoạt động suốt năm, Minh Thực Lục ghi lại qua các văn bản sau đây:

Ngày 15 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 5 [25/4/1461]. Nước An Nam sai Sứ thần bọn Nguyễn Thăng dâng biểu, triều cống vàng, bạc, khí mãnh, cùng sản vật địa phương. Ban yến cùng lụa nõn trong ngoài.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 70)

Ngày 29 tháng 5 năm Thiên Thuận thứ 5 [6/7/1461]. Hạo [Vua Thánh Tông], em cố Quốc vương An Nam Lê Tuấn sai bọn Bồi thần Đinh Lan đến kinh đô thỉnh phong. Ban cho các vật như tiền giấy, lụa sa, lụa nõn trong ngoài.”.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 71)

Ngày 22 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ 5 [29/7/1461]. Em cố Quốc vương An Nam Lê Tuấn là Hạo, lại sai bọn Bồi thần Nguyễn Thăng dâng biểu, triều cống sản vật địa phương và cầu phong.”.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 71)

Các sứ bộ Nguyễn Nhật Thăng, Đinh Lan hoạt động khá năng nổ; nhưng bộ Lễ triều Minh tỏ vẻ chưa tin tưởng, lệnh tạm dừng ban sắc phong và cho điều tra:

Ngày 24 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ 5 [31/7/1461]. Bộ Lễ tâu:

‘Quốc vương An Nam Lê Lân [Lê Thái Tông] mất vào năm Chính Thống thứ 17 [1442-1443], triều đình phong Vương cho Tuấn [Lê Nhân Tông], người con nối dõi. Vào năm Thiên Thuận thứ 3 [1459-1460] Tuấn bị giết bởi người anh thứ tên là Tông [Lạng Sơn Vương Nghi Dân]. Rồi Tông cho người đến xin phong tước, Sứ thần mang chiếu thư chưa kịp tới nơi thì nghe tin Tông đã tự sát. Nay em của Tông là Hạo [Lê Thánh Tông] sai Bồi thần bọn Nguyễn Thăng tâu rằng Hạo chính là con vợ cả của Lân, đáng được làm vua.

Bọn Thần nghĩ rằng quốc sự nước này chưa yên, lại sai quan đến xin cầu phong ngay. Bởi vậy nên đãi yến, thưởng bọn Thăng, cho trở về trước. Rồi gửi văn thư cho Tam ty Quảng Tây sai Tuần vũ, Án sát, Ngự sử đến huyện Bằng Tường nơi biên giới để điều tra xem Tông có thực chết không. Nếu Hạo thực sự là em của Tuấn và không có gì rắc rối xẩy ra, thì nên phong.”

Thiên tử phán: Chấp thuận. Bèn sai quan Vệ cẩm y đến quan sát sự việc.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 70)

Tuy chưa được ban sắc phong cho Vua Thánh Tông, nhưng Sứ thần Đinh Lan vẫn tiếp tục đấu tranh để mang chính danh cho chính quyền hiện tại bằng cách đòi nhà Minh cử người sang điếu tế cho Vua Nhân Tông bị giết. Phía Minh bèn sai quan sang tế; tức hàm ý công nhận việc Lạng Sơn Vương Nghi Dân sai sứ tâu Vua Nhân Tông chết trôi là điều bịa đặt:

Ngày 25 tháng 9 năm Thiên Thuận thứ 5 [28/10/1461]. Bồi thần nước An Nam Đinh Lan tâu rằng:

 ‘Lúc sống được phong tước, lúc chết được điếu tế; đó là thịnh đức nhu viễn của thánh triều ban cho các nước xa xôi. Mới đây Quốc vương Lê Tuấn bị anh con dòng thứ là Tông giết. Rồi Tông sai đồng đảng Trình Lăng đến triều đình sàm tấu rằng Quốc vương bị chết trôi. Ý muốn viện dẫn kinh Lễ không điếu người chết trôi, để hòng che dấu sự gian dối. Triều đình không rõ tình tiết nội vụ, lại cho là việc của dân Di nên không xét đến.

Nay sự việc đã minh bạch, thì không thể không làm lễ điếu tế. Nhưng bọn thần đến kinh đô đã bốn tháng nay, triều đình vẫn chưa sai Sứ đến điếu tế; nay mạo muội xin được nghe lời chỉ bảo.’

Bèn sai Hành nhân đến ban lời dụ và tế.”.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 72)

Sứ bộ Đại Việt vẫn tiếp tục lưu tại Trung Quốc để xin ban sắc phong cho Vua; đến mùa đông phàn nàn không chịu được rét; nên Vua Anh Tông ra lệnh cho bộ Công cấp than hàng tháng:

Ngày 2 tháng 12 năm Thiên Thuận thứ 5 [2/1/1462]. Bồi thần An Nam lưu tại kinh sư khiếu nại với bộ Lễ rằng người phương nam chịu không được lạnh. Thiên tử mệnh bộ Công cấp than hàng tháng.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 72)

Trong nước, vào ngày 19 tháng 3 [29/4/1461], Vua ra sắc chỉ cho các quan phủ, huyện, lộ, trấn, xã phải khuyến khích dân chăm nghề làm ruộng, coi là nghề gốc:

Từ nay về sau, trong việc làm ruộng, phải khuyến khích quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán, làm trò du thủ du thực. Người nào có ruộng đất mà không chăm cày cấy, thì quan cai trị bắt trình trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 7b.

Ngày 11 tháng 7 [16/8/1461], ra sắc chỉ cho các phủ, lộ không được tự tiện làm chùa, quán mới:

Lúc ấy, dân gian tôn sùng đạo Phật, phần nhiều dựng chùa quán để cầu mong công đức một cách càn dỡ. Nhà vua ra sắc lệnh phàm các chùa quán, chỗ nào không có ngạch cũ, thì không thiện tiện dựng mới.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Ngày mồng 1 tháng 8 [4/9/1461], Hoàng trưởng tử Trang, tức Vua Hiến Tông ra đời, sau này mẹ được phong là Trường lạc hoàng thái hậu:

Tháng 8, ngày mồng 1, Hoàng trưởng tử Trang sinh. Bà mẹ là con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung, năm trước tuyển vào làm Sung nghi ở cung Vĩnh Ninh, sau này được tôn làm Trường Lạc hoàng thái hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 7b.

Ngày 21 tháng 10 [22/11/1461], Vua ban dụ khiển trách Đô ngự sử đài Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ; bởi các vị này tâu không nên duy trì lễ tế giao:

Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của thánh tổ thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến[1] đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 8a.

Tháng 12 [1/1-29/1/1462] ban phát Huấn Dân Đại Cáo, tức bản đại cáo nhắm dạy dỗ dân, và bổ nhiệm bọn Lê Lộng vào các chức vụ quan trọng:

Mùa đông, tháng 12, ban các điều đại cáo, từ phủ đến các châu, huyện, trang, mỗi nơi 1 bản.

Cấm các thuộc lại không được bóc trộm những điệp sớ dán kín, không được chia nhau cầm giữ mang về nhà, hoặc cho người ngoài truyền nhau sao chép.

Lấy Lê Lộng làm Đô đốc bình chương sự; Lê Chấp Trung làm Đô đốc, Trịnh Văn Sái làm Đô đốc tham dự triều chính chưởng điện tiền ty; Vũ Lãm làm Hàn lâm viện trực họa sĩ; Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Đình Mỹ làm quyền Lễ nghi viện thượng thư.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 8b.

Ngày 11 tháng 2 năm Quang Thuận thứ 3 [11/3/1462] (Minh Thiên Thuận năm thứ 5), nhà Minh sai Sứ sang điếu tế Vua Nhân Tông. Do năm ngoái Sứ thần nước ta là Đinh Lan khiếu nại nên Vua Anh Tông cử Hành nhân sang làm lễ. Dịp này, tại kinh đô nước ta, ngầm ra lệnh bắt người Hoa không được tiếp xúc với Sứ thần nhà Minh:

Ngày 11, nhà Minh sai chánh sứ là Hành nhân ty hành nhân Lưu Trật sang tế Nhân Tông.

Ra lệnh chỉ cho các quan văn võ biết: Các nhà quân, dân ở các lộ, huyện, phủ Trung Đô, nhà nào có nô tỳ là người Ngô [người Hoa], không được cho ra ngoài thông đồng với sứ nhà Minh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 9a.

Tháng 3 [31/3-29/4/1462] Nguyễn Sư Hồi, con danh thần Nguyễn Xí, có tội; Vua nghĩ đến công lao của hai cha con, nên tìm cách che chở:

Tháng 3. Nguyễn Sư Hồi có tội, được nhà vua tha cho, không bắt trừng trị. Sư Hồi cùng bọn Lê Niệm, Trịnh Văn Sái, Lê Thọ Vực và Nguyễn Lỗi không hòa hợp với nhau. Muốn hãm hại bọn Lê Niệm, Sư Hồi tự làm bài thơ nặc danh vu khống cho bọn này chực làm nghiêng đổ nguy hại đến xã tắc. Bài thơ ấy chưa kịp truyền bá ra ngoài thì bị phát giác, mọi người đều xin bắt tội Sư Hồi. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng:

‘Sư Hồi có công trong lúc trung hưng,[2] cha hắn là Xí lại có công lao lớn đối với nước,[3] nên tha tội chết cho hắn’.

 Nhà vua lại dụ bảo bọn Lê Thọ Vực rằng:

‘Bài thơ yêu quái ấy chưa chắc đã phải Sư Hồi soạn ra, các khanh không nên vin vào việc ấy mà hằn thù lẫn nhau’.

 Bọn Thọ Vực đều dập đầu lạy tạ.

Dương Quốc Minh tâu với nhà vua rằng:

‘Sư Hồi cùng cha hắn là Xí nhận của đút lót của người ta 80 lạng bạc’.

 Nhà vua sai viên Tư lễ giám Nguyễn Áng đem tờ sắc đến quở trách Sư Hồi để lấy lại số bạc đã ăn đút lót ngày trước và răn bảo rằng:

‘Nhà người có lỗi chớ ngại đổi, may ra sẽ không có sự ăn năn sau này’.

 Ngay lúc ấy lại nhận được lá thư nặc danh nói Sư Hồi sắp làm việc phản quốc. Nhà vua dụ bảo Sư Hồi rằng:

‘Trẫm ngự ngôi báu đến nay đã bốn năm, cha con ngươi trong một nhà được ban ân thụy khuê,[4] ấn thụ[5] hết lần này đến lần khác, vinh hiển sung sướng như thế, không một người bầy tôi nào sánh kịp. Nay trẫm đang đặt tín nhiệm vào nhà ngươi, dầu có lá thư này, lòng tín nhiệm của trẫm cũng không kém trước; nhưng sau khi nhận được lá thư này, về phần nhà ngươi, chẳng lại cần phải giữ cái đạo phòng thân một cách sâu sắc hơn nữa hay sao?”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Tháng 4 [30/4-28/5/1462], định lệ thi hương, thi hội. Hoàng Thanh, người làng Lương Xá, huyện Chương Đức, nay thuộc Hà Nội, dâng lời nói thẳng gồm 7 điều, được nhà Vua chấp nhận:

Mùa hạ, tháng 4, định lệ bảo kết[6] trong thi hương. Ra lệnh chỉ cho các thí sinh trong nước, không cứ là dân hay lính, hạn tới thượng tuần năm nay đến nhà giám hay đạo sở tại khai tên và căn cước đợi thi hương. Ai đỗ thì gửi danh sách lên Lễ nghi viện để đến trung tuần tháng giêng năm sau thi hội. Cho quan sở tại và xã trưởng xã mình làm giấy bảo đảm rằng người ấy thực là có đức hạnh thì mới được vào danh sách dự thi. Kẻ nào vào loại bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa… thì dẫu học giỏi, văn thơ hay, cũng không cho vào thi. Phép thi như sau:

 – Thí sinh phải nộp căn cước, khai rõ phủ, huyện, xã, tuổi tác cùng là chuyên học kinh nào, lý lịch ông cho ra sao, không được gian dối, giả mạo. Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan có tiếng xấu, thì bản thân và con cháu đều không được dự thi. Nếu mang sách hay mượn người làm hộ bài thì bị trị tội theo luật.

– Phép thi hương trước hết thi ám tả để loại bớt.

– Đề mục thi: Kỳ thứ nhất thì Tứ thư, kinh nghĩa gồm 5 bài. Kỳ thứ hai thi chiếu, chế, biểu dùng cổ thế hay tứ lục. Kỳ thứ ba thi thơ, dùng Đường luật, phú dùng cổ thế hay Ly Tao, văn tuyển, từ 300 chữ trở lên. Kỳ thứ tư thi một bài văn sách, đầu đề hỏi về kinh, sử hay việc đương thời, hạn 1.000 chữ. – Chữ húy của quốc triều, nếu hai chữ liền nhau thì đều không được dùng, nếu rời ra chữ một thì cũng cho dùng thay chữ khác, khuyên ở bên ngoài.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 10a.

Lấy Hoàng Thanh làm Môn hạ sảnh hữu ty lang trung tham tri Hải Tây đạo quân dân bạ tịch ky đô úy. Bấy giờ nhân có tai biến về mưa đá và sấm gió, xuống chiếu cầu lời nói thắng. Thanh bèn dâng sớ trình bày 7 việc:

1-Thuận âm dương để đón khí hòa.

2- Gần Kinh diên để tôn chánh học.

3- Chọn con nối để vững gốc nước.

 4- Tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí.

5- Thận trọng chức thú lệnh để chăn dân.

6- Thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị.

7- Đặt đồn điền để chứa lương cho biên giới.

Vua tiếp nhận cả.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 10b.

Tháng 8 [25/8-22/9/1462], Vua ra lệnh giết Thái úy Lê Lăng, cho là ngấm ngầm mưu làm phản, nhưng dư luận nghĩ rằng oan:

Sau khi cùng các đại thần giết được bè đảng bọn nghịch, Lăng bàn nên lập Cung vương Khắc Xương, nhưng vì Lê Xí không đồng ý mới đón lập nhà vua. Nhà vua nghe biết việc này, có ý không bằng lòng. Đến khi lên ngôi, Lăng lấy tư cách là công thần giúp việc chính trị, nhưng Lăng cương cường bộc trực làm cho nhà vua phải nể ngại, thường sai Nguyễn Lỗi đem bạc lạng đến cho và dụ bảo rằng:

‘Nhà ngươi phải cẩn thận, trước thế nào sau thế ấy, một mực thanh khiết công bằng, tính khí nhà người cương trực quá, bên ngoài làm ra nghiêm nghị mà trong bụng thì nhu ác, người nào có điều không vừa ý mình, thì đẩy xuống tận đất đen, người nào không trái ý mình thì âu yếm ẵm lên trên đùi, chả phải vì thế mà nghị luận bên ngoài lấy làm chưa thỏa mãn đó sao? Nhà ngươi nên răn chừa mới được’.

 Lê Lăng được tiến dần lên đến chức Thái úy. Nay có người tố cáo là Lăng ngấm ngầm mưu toan làm việc trái phép; nhà vua giận, sai giết đi, tịch thu nhà cửa và đem tội trạng của Lăng bá cáo cho trong kinh thành, ngoài các đạo được biết. Người ta đều cho là Lăng bị giết oan.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 19.

Tháng 9 [23/9-22/10/1462], Vua Minh sai sứ bộ Tiền Phổ sang nước ta phong Vua Thánh Tông Làm An Nam Quốc vương; cùng sai bọn Thái giám Sài Thăng tìm cách mua hương liệu. Minh Thực Lục xác nhận bọn Tiền Phổ khởi hành tại Bắc Kinh vào ngày 25/3/1462; Thái giám Sài Thăng được lệnh đem danh sách hương liệu đưa cho nước ta giao nạp, thay cho đồ tiến cống:

Tháng 9, nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện thị độc học sĩ Tiền Phổ, Phó sứ là Lễ khoa cấp sự trung Vương Dự mang sắc phong vua làm An Nam Quốc Vương.

Sai Tư lễ giám thái giám Sài Thăng, Chỉ huy thiêm sự Trương Tuấn, Phụng ngự Trương Vinh sang thu mua hương liệu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 11a.

Ngày 25 tháng 2 năm Thiên Thuận thứ 6 [25/3/1462]. Sai Hàn lâm viện Thị độc học sĩ Tiền Phổ, Lễ khoa Cấp sự Vương Dự làm Chánh Phó sứ đến phong Vương cho Hạo, con cố Quốc vương Lê Lân. Chiếu thư như sau:

“Trẫm nhận mệnh trời, thống ngự các nước Hoa Di, vạn phương chung một mối xa thư,[7] văn hóa phổ cập trong bốn cõi. Phàm kẻ dưới bầu trời, ai mà không có lòng hướng tới!

Nước An Nam các ngươi cung kính làm phiên thần đã lâu, cố Quốc vương Lê Lân kính trời thờ nước lớn, nhận trọng mệnh được thụ phong, giữ đất an dân, cung kính tròn chức cống. Truyền đến con Tuấn, không lơ là với phận sự. Nay Tuấn mệnh chung, người thừa kế phải coi sóc mọi việc trong nước.

Hạo là con của cố Quốc vương Lân, dáng hiền, có phẩm chất tốt, được lòng dân; dâng biểu triều cống, kính cẩn giữ lễ phiên thần. Đặc sai Hàn lâm viện Tiền Phổ làm Chánh sứ, Lễ khoa Cấp sự trung Vương Dự làm Phó sứ, nhận mệnh phong làm An Nam Quốc vương. Phàm bầy tôi, kỳ lão trong nước ngươi, đồng tâm hiệp lực phù trợ. Hãy kế tục sự nhiệp cũ, phát huy đức tốt trong việc làm, giữ đất nước yên ỗn, hưởng nhiều hạnh phúc. Nay ban chiếu chỉ để mọi người đều biết.”

Lại sai Tư lễ giám Thái giám Sài Thăng, Phụng ngự Trương Vinh cùng đi. Mệnh mang tiền, vật thu mua hương liệu và các vật khác. Sắc cho Hạo, lệnh mua các thứ ghi trong danh sách, giao cho bọn Thăng làm đồ tiến cống.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 73)

Tháng 10 [23/10-21/11/1462], sứ bộ Tiền Phổ trở về nước, Vua sai đem lễ vật biếu nhưng họ không nhận. Trong tháng, ban sắc chỉ qui định thể lệ về hưu, cùng thể lệ ký tên các bản tâu:

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 6 [28/10/1462], sứ thần nhà Minh là bọn Tiền Phổ trú ở sứ quán. Khi về, vua sai đem lễ vật đến, bọn Phổ cố từ chối không nhận.

 Ra sắc chỉ cho cả nước rằng: Kể từ nay, các quan viên văn võ làm việc đến 65 tuổi muốn nghỉ việc; các lại điển giám sinh,[8] nho sinh,[9] sinh đồ[10] tuổi từ 60 trở lên muốn về làm dân, thì đều cho người đó nộp đơn ở Lại bộ rồi xếp loại tâu lên để thi hành.

Ra lệnh cho các nha môn trong ngoài cả nước rằng: ở các bản tâu đề thì chính viên quan nha môn đó phải ký tên không được nhờ lại dịch ký tên hộ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 11b.

Tháng chạp [21/12/1462-19/1/1463], sai các sứ bộ sang nhà Minh tạ ơn phúng tế Vua Nhân Tông, sách phong Vua Thánh Tông, nạp cống hàng năm và tâu việc. Vào ngày mồng 4 [24/12/1462], Hoàng tử Tranh được phong làm Hoàng thái tử. Trong năm phong Nguyễn Xí làm Nhập nội hữu tướng quốc tức Tể tướng:

Tháng 12, sai sứ sang nhà Minh: Lê Công Lộ tạ ơn việc phúng tế, Trần Bàn sang tâu việc Bùi Hựu tạ ơn sách phong.

Tháng 12, sai bồi thần là bọn Lê Văn Hiển, Hoàng Văn Ngọ, Tạ Tử Điền sang tuế cống nhà Minh và xin ban mũ áo.

Ngày mồng 4, lập Hoàng trưởng tử Tranh làm Hoàng thái tử. Đại xá thiên hạ.

 Năm ấy thăng Thái phó Nguyễn Xí làm Nhập nội hữu tướng quốc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 11b.

Tháng 2 năm Quý Mùi, Quang Thuận thứ 4 [18/2-19/3/1463] (Minh Thiên Thuận năm thứ 7), mở kỳ thi hội, lấy 44 Tiến sĩ:

Tháng 2, tổ chức thi hội cho các sĩ nhân trong nước. Bấy giờ người dự thi có tới 4.400 người, lấy đỗ 44 người.

 Ngày 16 [5/3/1463], thi điện cho các tiến sĩ. Sai Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Nguyễn Lỗi và Nhập nội đô đốc đồng bình chương sự tri Đông đạo chư vệ quân dân Quốc tử giám tế tửu Lê Niệm làm đề điệu. Chính sự viện tham nghị chính sự Nguyễn Phục làm giám thí, Môn hạ sảnh ty tả gián nghị đại phu tri Bắc đạo quân dân bạ tịch kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ Nguyễn Như Đổ; Hàn lâm viện thừa chỉ học sĩ tri Đông đạo quân dân Nguyễn Vĩnh Tích; Quốc tử giám tế tửu Nguyễn Bá Ký làm độc quyển. Vua ra hiên, thân hành ra đề văn sách hỏi về đạo trị nước của các đế vương. Cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống, đỗ cập đệ hoặc xuất thân theo thứ bậc khác nhau.

Ngày 22 [11/3/1463], truyền loa xướng danh các tiến sĩ là bọn Lương Thế Vinh và ban ân mệnh cho từng người. Sai các quan Lễ bộ đem bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa cho các sĩ nhân biết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 11b.

Ngày mồng 3 tháng 3 [22/3/1463] danh thần Hoàng Thanh mất; được Lương Nhữ Hộc làm bài tán, đề vào chân dung:

Tháng 3, ngày mồng 3, Hoàng Thanh chết, thọ 53 tuổi. Thanh tên tự là Trực Khanh. Bấy giờ Lương Như Hộc người Hồng Châu có bài tán đề vào bức chân dung của Thanh rằng:

Thiếu kết tri ư Thái Tổ,

 Trưởng tín nhiệm ư Thánh Tông.

Thể cụ nhi dụng chu,

Tử hiếu nhi thần trung,

 Tứ triều lịch sự,

 Nhất tiết thủy chung.

 (Hồi trẻ được Thái Tổ biết,

Trưởng thành được Thánh Tông tin.

Thể toàn mà dụng đủ,

Con hiếu lại tôi trung.

Trải thờ bốn đời,

Trước sau một tiết).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 12b.

Vào tháng Chạp năm ngoái, sứ bộ Lê Công Lộ sang nhà Minh triều cống và tạ ơn điếu tế Vua Nhân Tông. Tháng 3 này, đến kinh đô được ban yến; đến tháng 6, lúc chuẩn bị về nước, Vua Minh sai Công Lộ mang sắc, cùng lụa biếu Vua Thánh Tông:

Ngày 5 tháng 3 năm Thiên Thuận thứ 7 [24/3/1463]. Nước An Nam sai Bồi thần Lê Công Lộ đến triều cống vàng, bạc, khí mãnh, sản vật địa phương. Ban yến cùng các vật như y phục tơ lụa.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 74)

Ngày 10 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ 7 [26/6/1463]. An Nam Quốc vương Lê Hạo sai bọn Bồi thần Lê Công Lộ dâng biểu đến triều cống các vật như vàng, bạc, khí cụ. Ban yến, tiền giấy, cùng lụa nõn trong ngoài, y phục dệt kim. Lại sai Công Lộ mang sắc cùng lụa nõn trong ngoài ban cho Vương nước này.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 74)

Cũng vào năm ngoái, khi Sứ bộ Tiền Phổ sang nước ta ban sắc phong, Vua Thánh Tông sai ngưới đưa quà biếu, nhưng bọn Phổ không dám nhận. Sứ thần nước ta được lệnh đem đến kinh đô nhà Minh; sự việc trình lên, Vua Anh Tông cho phép nhận:

Ngày 11 tháng 6 năm Thiên Thuận thứ 7 [27/6/1463]. Bộ Lễ tâu:

 ‘Hàn lâm viện Thị độc học sĩ Tiền Phổ, Lễ khoa Cấp sự trung Vương Dự đi sứ An Nam. Quốc vương An Nam Lê Hạo tặng Phổ 40 lạng vàng, 40 lạng bạc, cùng rương đựng cho mỗi thứ. Tặng Dự 30 lạng vàng, 40 lạng bạc; cùng mỗi thứ một rương đựng. Bọn Phổ hết sức từ chối, Vương mệnh Bồi thần Trình Bàn Thuận mang đến kinh đô. Bọn Phổ cũng không dám nhận.”

Thiên tử phán:

Đã đem đến đây, lệnh cho bọn Phổ nhận.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 74)

Tháng chạp [9/1-6/2/1464], nhà Vua ra chỉ dụ cho các quan đại thần; khẳng định không dùng kẻ tiểu nhân, và cầu lời nói thẳng:

Sắc dụ cho bọn Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ, Hình bộ thượng thư Trần Phong, Binh bộ thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích, Hộ bộ thượng thư Nguyễn Cư Pháp, Binh bộ thượng thư Nguyễn Đình Mỹ rằng:

“Ta nghe Tư Mã Quang[11] có nói: “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn”. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng ngươi quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm không lơi, các ngươi chớ có quên đấy!”

Lại dụ các quan tể thần và kinh diên rằng:

‘Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Phạm Du, khi bàn luận ở triều đình, hay lúc quyết định việc chính trị đều chỉ a dua lấy lòng hoặc ngậm miệng không nói, thì dù có lỗi nhỏ mà khép vào pháp luật cũng đáng; còn như bọn Nguyễn Mậu, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Trạc, biết lo vua yêu nước, gặp việc nói hết, thì dù có lầm lỗi mà được khoan thứ cũng là phải. Mới rồi, Nguyễn Mậu nói việc không đúng sự thực mà không bị buộc tội, đó là trẫm báo đền cái đức hay nói của Nguyễn Mậu“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 13b.

—————————————-

[1] Phong hiến: Chức Ngự sử giữ việc đàn hặc.

[2] Trung hưng: Sư Hồi cùng các đại thần bắt giết Nghi Dân, rước Thánh Tông, lập làm vua.

[3] Nguyễn Xí theo Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, lập được nhiều chiến công, sau khi trong nước đã bình định, xét công đánh giặc, chiến công của Xí đứng vào hàng thứ năm, được ban cho quốc tính. Xí lại giúp Thái Tông, Nhân Tông và sau lại cùng các thần bắt giết Nghi Dân lập Thánh Tông làm vua.

[4] Thụy khuê: Một thứ ngọc quý.

[5] Ấn thụ: Một thứ dây thao dùng để buộc quả ấn. Hai thứ này chỉ người bầy tôi nào có công to, giữ chức trọng, mới được vua chúa ban cho. Kích thước ngọc khuê và màu sắc dây thao, đã có thể lệ định sẵn.

[6] Bảo kết: Nghĩa là bảo đảm, cam kết.

[7] Xa thư: Lấy từ điển “thư đồng văn, xa đồng quĩ”; chỉ sự thống nhất, cùng chung chữ viết, cùng chung một trục xe.

[8] Giám sinh: Người nào thi hương bốn kỳ, đều trúng tuyển, được sung vào học tại Quốc tử giám, gọi là giám sinh.

[9] Nho sinh: Con cháu quan viên được sung vào học ở Chiêu văn quán hoặc Tú lâm cục, gọi là nho sinh.

[10] Sinh đồ: Người nào thi hương trúng được ba kỳ gọi là sinh đồ. Hồi đầu triều Lê, lại điển ở các nha môn, phần nhiều bổ dụng giám sinh, nho sinh hoặc sinh đồ.

[11] Tư Mã Quang: Danh thần nhà Tống, từng làm Tể tướng, soạn bộ Tư Trị Thông Giám.