Thế giới hôm nay: 15/05/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Volodymyr Zelensky đến Đức, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của ông tới nước này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Trong cuộc gặp với thủ tướng Olaf Scholz, tổng thống Ukraine cảm ơn Đức vì đã trở thành một “người bạn thực sự” và nói rằng với sự hỗ trợ nhiều hơn của phương Tây, thất bại của Nga là “không thể đảo ngược.” Chính phủ Đức đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 2,7 tỷ euro (2,95 tỷ USD) cho Ukraine trước khi ông đến. Trước đó, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại Rome. Mặc dù một số thành viên trong liên minh cánh hữu của bà bày tỏ quan điểm ủng hộ Điện Kremlin, bà Meloni đã cam kết chính phủ bà hỗ trợ Ukraine.

Người Thổ Nhĩ Kỳ đã đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Thăm dò ý kiến cho thấy vị đương kim tổng thống độc đoán, Recep Tayyip Erdogan, có thể sẽ thua trước Kemal Kilicdaroglu, nhân vật đại diện của một liên minh các đảng phái. Với khoảng 80% số phiếu đã kiểm, truyền thông nhà nước nói ông Erdogan đang dẫn trước, một tuyên bố bị các nhân vật đối lập bác bỏ. Cuộc bầu cử sẽ không phải đi tiếp vào vòng hai cuối tháng này nếu một ứng viên có được hơn 50% số phiếu.

Bão Mocha đổ bộ vào bờ biển BangladeshMyanmar, gây ra gió giật 215 km/giờ và thuỷ triều cao hơn tới 4 mét so với bình thường. Ở Bangladesh, gần 500.000 người đã được sơ tán đến các khu vực an toàn hơn. Khu vực trũng thấp của Cox’s Bazar, nơi sinh sống của 1 triệu người tị nạn Rohingya từ Myanmar, đặc biệt dễ bị tổn thương.

Giao tranh ác liệt tiếp tục được ghi nhận ở thủ đô Khartoum của Sudan, mặc dù cả hai bên – quân đội và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh – đã đồng ý vào thứ Năm về một “tuyên bố nguyên tắc” để bảo vệ thường dân và đảm bảo tiếp cận nhân đạo. Hiệp hội luật sư Darfur nói có hơn 100 người thiệt mạng trong giao tranh ở khu vực tây Darfur vào thứ Sáu và thứ Bảy.

Thùng phiếu chính thức đóng cửa ở Thái Lan. Nhiều khả năng các cử tri sẽ khép lại nhiệm kỳ của thủ tướng Prayuth Chan-ocha, một cựu tướng lĩnh lên nắm quyền sau cuộc đảo chính 2014. Đảng Pheu Thai được kỳ vọng giành chiến thắng vang dội. Nó được lãnh đạo bởi Paetongtarn Shinawatra, con gái của Thaksin Shinawatra, một thủ tướng bị quân đội lật đổ hồi năm 2006. Giới quân sự có thể không từ bỏ quyền lực một cách dễ dàng.

Tân CEO của Twitter lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi lên nắm quyền vào thứ Sáu. Trong một tweet, Linda Yaccarino nói bà được truyền cảm hứng bởi tầm nhìn của Elon Musk, chủ sở hữu của Twitter, để “biến đổi” công ty. Twitter bị lỗ nặng về doanh thu quảng cáo kể từ khi ông Musk mua doanh nghiệp này với giá 44 tỷ USD vào năm ngoái.

Thụy Điển đã giành chiến thắng trong Cuộc thi Ca khúc Eurovision. Bài hát chiến thắng thuộc về Loreen với “Tattoo,” đánh dấu lần thứ hai đăng quang của cô. Tới nay Thụy Điển đã bảy lần về nhất Eurovision. Lần đăng quang đầu tiên của họ là hồi năm 1974 bởi một ban nhạc lúc bấy giờ còn ít người biết: ABBA.

TIÊU ĐIỂM

Con đường nào giúp Sri Lanka thoát nợ?

Sri Lanka không phải là một nền kinh tế lớn, với GDP chỉ bằng 0,3% của Mỹ và 0,5% của Trung Quốc. Nhưng họ đã trở thành trường hợp thử nghiệm cho cấu trúc tài chính toàn cầu trong thời đại cạnh tranh siêu cường. Mỹ kêu gọi Trung Quốc nhanh chóng giải quyết các khoản nợ không thể trả của Sri Lanka, nhưng Trung Quốc lập luận rằng Ngân hàng Thế giới, do Mỹ lãnh đạo, cũng nên chấp nhận giảm nợ cho các khoản vay của chính họ.

Gần đây có một số tiến bộ. IMF, vốn không thể cho các nước có nợ không bền vững vay, đã phê duyệt khoản vay 3 tỷ đô la cho Sri Lanka vào tháng 3, sau khi Trung Quốc đảm bảo với quỹ là sẽ giảm nợ cho nước này. Đến thứ Hai, một quan chức cấp cao của IMF sẽ kết thúc chuyến thăm đánh giá tiến độ ở Sri Lanka. Một điểm vướng mắc hiện nay là tranh chấp giữa các trái chủ nước ngoài và trong nước. Chiến tranh Lạnh mới đã tạo thêm một trở ngại mới cho việc xóa nợ, bên cạnh các vấn đề xưa cũ quen thuộc.

Macron nỗ lực kêu gọi đầu tư vào Pháp

Emmanuel Macron sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Versailles vào thứ Hai cho hơn 200 nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu để khuyến khích họ đầu tư vào nước ông. Các dự án mới trị giá 13 tỷ euro (14 tỷ đô la Mỹ) sẽ được công bố. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tổng thống đang thúc đẩy chính sách công nghiệp mới, nhằm giảm phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng liên lục địa và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, cả trong nước cũng như ở châu Âu.

Hôm thứ Năm, ông kêu gọi Pháp ngừng trợ cấp mua ô tô điện sản xuất bên ngoài châu Âu để đáp lại các chính sách trợ giá của Mỹ và Trung Quốc. Sang hôm sau, ông Macron đến thăm thành phố cảng Dunkirk, nơi ProLogium, một công ty Đài Loan, đang xây dựng một nhà máy sản xuất pin điện trị giá 5,2 tỷ euro – hình thức đầu tư mà ông muốn nhắm đến. Tập trung vào các nhà máy và tạo việc làm là điều tốt cho nước Pháp. Nhưng nó cũng là một chiến lược cho ông Macron vượt qua nhiều tháng biểu tình phản đối cải cách lương hưu.

 Tình hình Sudan vẫn bế tắc

Đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài một tháng qua ở Sudan đã được nối lại vào Chủ nhật tại Ả Rập Saudi, dù không có nhiều hy vọng. Sau nhiều tuần chiến đấu để giành quyền kiểm soát thủ đô Khartoum, cả quân đội quốc gia Sudan lẫn Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), nhóm dân quân của Muhammad Hamdan Dagalo (một lãnh chúa được gọi là Hemedti), đều không thể giành được lợi thế quyết định. Và cả hai đều không có vẻ sẽ nhượng bộ.

Người dân Sudan sẽ càng chịu khổ. Tới nay hơn 750 người đã thiệt mạng và hơn 200.000 người phải chạy sang các nước láng giềng. Ở Khartoum, quân đội RSF đang trú ẩn giữa các khu dân cư trong khi máy bay chiến đấu đổ bom đạn lên đầu họ. Bốn ngày đàm phán ở Jeddah vào tuần trước chỉ đưa ra được một “tuyên bố về các nguyên tắc” để hai bên tuân theo, chẳng hạn như cho phép viện trợ đến tay dân thường. Nhưng khi cả hai bên tiếp tục triển khai thêm quân tới thủ đô, thì ngay cả thỏa thuận khiêm tốn này cũng sẽ trở nên khó thực hiện hơn bao giờ hết.

Trung Quốc cử đặc phái viên ngoại giao đến Ukraine

Lý Huy, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, sẽ thăm Ukraine, Nga và các nước châu Âu khác bắt đầu từ thứ Hai. Khi điện đàm với người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa cử đặc phái viên. Cuộc nói chuyện hồi tháng 4 là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo trao đổi kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái. Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao xung quanh cuộc xung đột.

Ông Lý từng là đại sứ Trung Quốc tại Moscow từ năm 2009 đến 2019, vì vậy ông rất thông thạo chính trị Nga. Đức, Pháp và Ba Lan cũng nằm trong hành trình của ông. Có nhiều lý do để hoài nghi về những nỗ lực của Trung Quốc. Kế hoạch hòa bình 12 điểm mà họ trình bày hồi tháng 2 chỉ lặp lại những yêu cầu của Điện Kremlin. Và kể từ đó, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập sẵn sàng gây thêm áp lực lên “người bạn thân” Vladmir Putin. Do đó, giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thực sự nghiêm túc trong việc trở thành một người kiến tạo hòa bình hay không.