Chuyển động Quốc Phòng (11/5 – 18/5/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

 

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ukraine muốn mua xe tăng Oplot mới

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết Kiev sẽ mua xe tăng Oplot cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Những chiếc xe tăng Oplot này sẽ được dùng để thay thế những chiếc T-64 và T-72 từ thời Liên Xô. Xe tăng Oplot được trang bị súng nòng trơn 125 mm ổn định toàn phần, cùng với bộ nạp đạn tự động kiểu băng chuyền. Ngoài ra, xe tăng Oplot còn có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển 9K119M Reflex. Xe tăng mới có trọng lượng khoảng 51 tấn với kíp lái gồm ba người và với tốc độ tối đa 70 kph.

Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine wants to buy new Oplot tanks. Truy cập ngày 13/5/2023

Nga cho biết hai chỉ huy thiệt mạng khi Kiev tiến hành cuộc tấn công Bakhmut

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm Chủ nhật rằng hai chỉ huy quân sự của họ đã thiệt mạng ở miền đông Ukraine, khi các lực lượng của Kiev tiếp tục nỗ lực vượt qua hàng phòng thủ của Nga tại thành phố Bakhmut đang bị bao vây. Theo đó, chỉ huy Vyacheslav Makarov của Lữ đoàn súng trường cơ giới số 4 và Phó chỉ huy Yevgeny Brovko từ một đơn vị riêng biệt đã thiệt mạng khi cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine vào phía bắc và phía nam của Bakhmut trong 24 giờ qua.

Xem thêm tại: Reuters, Russia says two commanders killed as Kyiv wages Bakhmut offensive. Truy cập ngày 16/5/2023

Điện Kremlin, chỉ huy Wagner bác bỏ việc phản bội quân đội Nga

Người đứng đầu Wagner, Yevgeny Prigozhin đã bác bỏ một báo cáo của Mỹ nói rằng ông đã phản bội Nga và Điện Kremlin, gọi đó là một “trò lừa bịp”. Theo đó, ông Prigozhin bác bỏ việc gặp Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, ở châu Phi nhằm cung cấp thông tin tình báo về vị trí của quân Nga, đổi lại Ukraine sẽ rút lui khỏi Bakhmut. Trước đó, Yevgeny Prigozhin nổi lên như một người chỉ trích dai dẳng đối với quân đội Nga, cáo buộc giới lãnh đạo Moscow phản bội người của mình khi không cung cấp đạn dược cho Wagner.

Xem thêm tại: Reuters, Kremlin, mercenary boss dismiss report Wagner offered to betray Russian troops. Truy cập ngày 16/5/2023

Tổng thống Ukraine nói phản công sẽ không nhằm tấn công lãnh thổ Nga

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đang chuẩn bị một cuộc phản công để giải phóng các khu vực bị Nga chiếm đóng, chứ không phải để tấn công lãnh thổ Nga. Trước đó, một tài liệu mật của Mỹ bị rò rỉ cho thấy tổng thống Zelenskyy đã cân nhắc việc cố gắng chiếm các khu vực ở Nga phù hợp để có thể sử dụng làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh. Trong số các khu vực vẫn bị Nga chiếm đóng có bán đảo Crimea và một phần miền đông Ukraine với dân số chủ yếu nói tiếng Nga.

Xem thêm tại: AP, Ukrainian president says counteroffensive won’t aim to attack Russian territory. Truy cập ngày 15/5/2023

Ukraine ca ngợi thành công đầu tiên trong cuộc tấn công bảo vệ Bakhmut

Quân đội Ukraine hôm thứ hai đã ca ngợi những tiến bộ xung quanh Bakhmut là cuộc phản công thành công đầu tiên trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát thành phố này. Kyiv cảnh báo rằng Moscow đã không thay đổi mục tiêu chiếm thành phố và đang gửi quân tấn công đến vùng ngoại ô của Bakhmut. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong và xung quanh Bakhmut, và mọi thứ đều khó khăn tại đây.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine hails its first offensive success in defence of Bakhmut. Truy cập ngày 16/5/2023

EU nói Trung Quốc sẽ lợi dụng thất bại của Nga ở Ukraine

Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ “tận dụng lợi thế địa chính trị” sau thất bại của Nga ở Ukraine và Brussels cần đáp trả tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Trước đó, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra các đề xuất hòa bình nhưng đã bị phương Tây chỉ trích vì đã nghiêng về phía Moscow mà không cam kết với Kyiv. Sau đó, ông Tập Cận Bình cuối cùng đã gọi điện cho tổng thống Zelensky nhưng động thái này phần lớn chỉ được coi là nỗ lực hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với các nước châu Âu.

Xem thêm tại: FT, EU says China will take advantage of Russian defeat in Ukraine. Truy cập ngày 13/5/2023

Kyiv bác bỏ cáo buộc quân đội Ukraine bắn rơi 4 máy bay Nga ở Bryansk

Moscow hôm thứ Bảy cho biết hai máy bay trực thăng Mi-8 Hip, một máy bay ném bom chiến đấu Su-34 Fullback và một máy bay chiến đấu Su-35 Flanker-E đã bị bắn hạ trong khu vực Bryansk thuộc biên giới của Nga nằm đối diện khu vực Chernihiv của Ukraine. Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết các máy bay Nga đã định thực hiện một “cuộc tấn công bằng tên lửa” vào khu vực Chernihiv của Ukraine nhưng đã bị “những người không xác định danh tính” phá hủy. Quân đội Ukraine đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine rejects claims that its troops shot down 4 Russian aircraft in Bryansk. Truy cập ngày 15/5/2023

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở Ukraine có khả năng bị hư hại

Một hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất đang được Ukraine sử dụng có thể đã chịu một số thiệt hại do cuộc tấn công của Nga, nhưng không bị phá hủy. Patriot được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, với các chức năng như chống máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Hệ thống Patriot thường có các bệ phóng được trang bị radar và các phương tiện hỗ trợ khác. Trước đó, bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ ba rằng họ đã phá hủy một hệ thống Patriot bằng một tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Xem thêm tại: Reuters, Patriot missile defense system in Ukraine likely damaged, US officials say. Truy cập ngày 18/5/2023

Ukraine nhận được mồi nhử ADM-160 do Mỹ sản xuất

Truyền thông thân Nga cho biết Ukraine hôm thứ sáu đã phóng hai tên lửa hành trình vào Luhansk. Mảnh vỡ của hai quả tên lửa được xác định là ADM-160, hay MALD, một tên lửa của Mỹ được thiết kế để áp chế hệ thống phòng không của đối phương. MALD là một phương tiện bay tự động, chi phí thấp, có thể lập trình bắt chước máy bay của Mỹ hoặc đồng minh để gây nhầm lẫn cho Hệ thống Phòng không Tích hợp (IADS) của đối phương.

Xem thêm tại: Defence Blog, Ukraine gets US-made ADM-160 decoys. Truy cập ngày 13/5/2023

Đức cam kết viện trợ quân sự gần 3 tỷ USD cho Ukraine

Đức sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá gần 3 tỷ USD, bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược trước khi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đến Berlin. Gói viện trợ quân sự mới bao gồm 30 xe tăng Leopard 1 A5, 20 xe bọc thép chở quân Marder, hơn 100 phương tiện chiến đấu, 18 khẩu lựu pháo tự hành, 200 máy bay do thám không người lái, 4 hệ thống phòng không IRIS-T SLM và các thiết bị phòng không khác.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Germany pledges almost $3bn in new military aid to Ukraine. Truy cập ngày 15/5/2023

Anh bắt đầu huấn luyện phi công chiến đấu Ukraine

Vương quốc Anh đã công bố vào thứ hai rằng sẽ khởi động giai đoạn bay cơ bản cho các nhóm phi công Ukraine để học huấn luyện cơ bản vào mùa hè này. Vương quốc Anh sẽ điều chỉnh chương trình được các phi công Anh sử dụng để cung cấp cho người Ukraine các kỹ năng lái mà họ có thể áp dụng cho các loại máy bay khác nhau. Khóa huấn luyện đi đôi với những nỗ lực của Anh trong việc hợp tác với các quốc gia khác cung cấp máy bay phản lực F-16 – loại máy bay chiến đấu được Ukraine lựa chọn.

Xem thêm tại: Defence Blog, Britain to start training Ukraine combat fighter pilots. Truy cập ngày 16/5/2023

Pháp gửi hàng chục xe bọc thép, xe tăng hạng nhẹ tới Ukraine

Pháp sẽ viện trợ cho Ukraine hàng chục xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ, bao gồm cả xe chiến đấu AMX-10RC sau cuộc hội đàm của tổng thống Emmanuel Macron với tổng thống Volodymyr Zelensky. Tổng thống Macron tái khẳng định với tổng thống Zelenskyy rằng Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ chính trị, tài chính, nhân đạo và quân sự cho Ukraine. Xe chiến đấu bọc thép AMX-10RC của Pháp có tốc độ và khả năng cơ động cao, cho phép chúng di chuyển nhanh chóng trên chiến trường.

Xem thêm tại: Reuters, France to send dozens of armoured vehicles, light tanks to Ukraine. Truy cập ngày 15/5/2023

Bỉ cung cấp gói viện trợ quân sự và tài chính mới cho Ukraine

Chính phủ Bỉ hôm thứ Sáu đã quyết định thông qua gói biện pháp hỗ trợ mới trị giá 99 triệu USD cho Ukraine. Một nửa số tiền hơn 49 triệu USD sẽ được dành cho viện trợ quân sự bao gồm cung cấp 80 xe bọc thép IVECO LMV Lynx, vũ khí và đạn dược. Cùng với viện trợ quân sự này, 49 triệu USD bổ sung sẽ được dùng hỗ trợ người dân Ukraine và củng cố sự hiện diện ngoại giao của Bỉ.

Xem thêm tại: Army Recog, Belgium offers new package of military and financial aid to Ukraine. Truy cập ngày 13/5/2023

Trung Quốc gửi cựu đại sứ Nga đến Kiev và Moscow để dàn xếp hòa bình

Trung Quốc sẽ cử đại diện đặc biệt của mình về các vấn đề Á-Âu, Lý Huệ (Li Hue) đến Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga trong chuyến đi đến châu Âu để tìm giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine. Lý Huệ từng là đại sứ Trung Quốc tại Nga từ năm 2009 đến 2019 và là gương mặt quen thuộc với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm của ông diễn ra khi Kiev cho biết lực lượng của mình đã giành lại được phần đất đáng kể ở thành phố Bakhmut phía đông Donetsk, một bước tiến hiếm hoi của Ukraine sau nhiều tháng giao tranh ác liệt tại khu vực.

Xem thêm tại: SCMP, China to send Russia hand Li Hui to Kyiv and Moscow on peace mission. Truy cập ngày 13/5/2023

Tổng thư ký NATO nói rằng đang mong đợi thỏa thuận giúp Ukraine đạt tiêu chuẩn liên minh

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ ba rằng ông hy vọng các đồng minh sẽ đồng ý về một chương trình dài hạn để giúp Ukraine chuyển đổi các tiêu chuẩn, học thuyết và trang thiết bị thời Liên Xô sang NATO, tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới ở Lithuania. Jen Stoltenberg cũng cho biết ông có kế hoạch rời vị trí tổng thư ký NATO khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 10.

Xem thêm tại: Reuters, Expect deal on helping Ukraine reach alliance standards. Truy cập ngày 16/5/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Chiến đấu cơ Mỹ chặn máy bay Nga gần Alaska

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) hôm Chủ nhật cho biết các máy bay chiến đấu của Mỹ đã chặn 6 máy bay Nga đang hoạt động trong không phận quốc tế gần Alaska. Các máy bay Nga bao gồm máy bay ném bom TU-95, máy bay tiếp nhiên liệu IL-78 và máy bay chiến đấu SU-35 trong khi máy bay Mỹ bao gồm máy bay chiến đấu F-16 và F-22, máy bay tiếp dầu KC-135 và E-3 AWACS.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, US fighter jets intercept Russian planes near Alaska. Truy cập ngày 16/5/2023

Mỹ sẵn sàng đối phó với cuộc tấn công siêu thanh của Trung Quốc vào đảo Guam

Lầu Năm Góc đang thực hiện các bước ban đầu để cung cấp cho đảo Guam một hệ thống phòng thủ tên lửa bền bỉ có khả năng bao quát 360 độ trước các mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên. Theo đó, đảo Guam sẽ nhận được một phiên bản radar bốn mặt di động AN/TPY-6 để tích hợp phòng không và phòng thủ tên lửa, gắn với hệ thống Aegis Ashore phân tách ở ngoại vi. Ngoài ra còn có các địa điểm phòng thủ tên lửa bổ sung được thiết kế để cung cấp khả năng phòng thủ đa lớp chống lại cuộc tấn công từ tên lửa hành trình, đạn đạo, cơ động và siêu thanh cùng lúc. Cơ sở Aegis Ashore sẽ bổ sung cho các khí tài phòng thủ tên lửa khác đã được bố trí trên đảo Guam, bao gồm Hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các tàu chiến gần đó được trang bị tên lửa Aegis.

Xem thêm tại: Asia Times, US readying for Chinese hypersonic attack on Guam. Truy cập ngày 14/5/2023

Giáo sư trưởng người Anh tham gia chương trình siêu thanh của Trung Quốc

Sau hơn 20 năm ở Anh với tư cách là một nhà vật lý nổi tiếng chuyên nghiên cứu về chất lỏng siêu tốc, Zhang Yonghao đã gia nhập phòng thí nghiệm siêu thanh quốc gia mới của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Nhóm của Zhang Yonghao sẽ phát triển các phương pháp và mô hình tính toán tiên tiến để mô phỏng hành vi của khí ở tốc độ và nhiệt độ cao, điều quan trọng trong việc chế tạo các phương tiện siêu thanh hiệu quả và hiệu quả hơn. Trước đó vào năm 2021, Anh đã thực hiện các cuộc điều tra đối với các học giả có quan hệ với Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia và hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những cuộc điều tra này nhắm vào các cá nhân có liên hệ với các tổ chức Trung Quốc, bao gồm các trường đại học và tổ chức nghiên cứu.

Xem thêm tại: SCMP, After 20 years in UK, British chair professor joins China’s hypersonic programme. Truy cập ngày 14/5/2023

Thượng nghị sĩ Mỹ đệ trình dự luật tăng cường các căn cứ không quân để bảo vệ Đài Loan

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ Marco Rubio đã đệ trình một dự luật nhằm củng cố các căn cứ không quân của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó tốt hơn trước sự gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan. Dự luật kêu gọi khảo sát các khí tài hàng không trong khu vực để xác định xem chúng có cần thiết để đối phó với cuộc xâm lược Đài Loan, hoặc có thiếu những cải tiến để “giảm thiểu thiệt hại cho máy bay trong trường hợp bị tên lửa, drone hoặc các hình thức tấn công khác” hay không.

Xem thêm tại: RFA, U.S. Sen. Rubio introduces bill to beef up air bases that would defend Taiwan. Truy cập ngày 12/5/2023

Cảnh sát biển Đài Loan nhận tàu tuần tra lớp An Bình mới

Hội đồng các vấn đề về đại dương (OAC) của Đài Loan đã tổ chức một buổi lễ chung để bàn giao tàu tuần tra lớp An Bình thứ sáu, Chi An, và tàu tuần tra 35 tấn thứ 25, và lễ đặt tên cho chiếc lớp An Bình thứ bảy. Tàu tuần tra lớp An Bình là một phiên bản cải tiến của tàu hộ tống lớp Đà Giang (Tuo Jiang) của Hải quân. Tàu lớp Đà Giang có thể chịu được sức gió lên tới cấp 9 theo thang Beaufort và có tốc độ tối đa hơn 81 km/h. Nó cũng được trang bị vòi rồng áp suất cao với tầm bắn tối đa 120 mét, tháp súng điều khiển từ xa và hệ thống tên lửa đa nòng Trần Hải (Chen Hai). Con tàu còn có hệ thống điều chỉnh tự động, cho phép phản ứng nhanh đối với các nhiệm vụ như tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra và ngăn chặn các tàu đánh cá nước ngoài.

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan Coast Guard receives new Anping-class patrol vessel. Truy cập ngày 16/5/2023

Kế hoạch vận chuyển vũ khí của Mỹ đến Đài Loan khiến Bắc Kinh lo lắng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm thứ ba rằng Mỹ sẽ viện trợ an ninh bổ sung trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan thông qua Thẩm quyền rút vốn của tổng thống (PDA) mà Quốc hội đã ủy quyền vào năm ngoái. PDA là một công cụ cho phép Mỹ chuyển giao nhanh chóng các trang thiết bị và dịch vụ quốc phòng từ kho của mình đến nước ngoài. Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), người phá ngôn bộ an ninh quốc gia nói rằng Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối kế hoạch này. Thêm vào đó, ông Đàm Khắc Phi cũng cho biết Đảng Dân tiến và những người ủng hộ Đài Loan ly khai sẽ đi vào ngõ cụt nếu họ sử dụng sự hỗ trợ bao gồm cả vũ khí từ Mỹ để thúc đẩy nền độc lập của hòn đảo.

Xem thêm tại: Asia Times, Planned US arms shipments to Taiwan set off Beijing. Truy cập ngày 18/5/2023

Cựu thủ tướng Anh muốn London sử dụng sức mạnh cứng để hỗ trợ Đài Loan chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc

Cựu thủ tướng Anh, Liz Truss nói rằng London phải tăng cường hợp tác quốc phòng với Đài Loan và sử dụng “sức mạnh cứng” để bảo vệ hòn đảo này khỏi sự xâm lược của Trung Quốc. Bà Liz Truss nói rằng nếu phương Tây muốn tránh chiến tranh xảy ra ở Biển Đông thì họ phải “thực dụng” về việc hợp tác quân sự, có “cách tiếp cận phối hợp” đối với những loại vũ khí được gửi đến Đài Loan. Liz Truss từng là một người phản đối Trung Quốc nổi tiếng khi còn giữ chức thủ tướng và ngoại trưởng Anh.

Xem thêm tại: Telegraph, Liz Truss wants UK ‘hard power’ to bolster Taiwan against China threat. Truy cập ngày 15/5/2023

Thủ tướng Nhật Bản nói an ninh của Đài Loan là vấn đề toàn cầu

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm thứ tư đã nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình ở eo biển Đài Loan, nói rằng đây là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với toàn thế giới. Phát biểu của thủ tướng Fumio Kishida diễn ra trong bối cảnh mối lo ngại về sự thống nhất và cam kết của G7 đối với an ninh Đông Á gia tăng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng trước cho biết vấn đề Đài Loan không phải là vấn đề của châu Âu.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan’s Kishida says Taiwan’s security is global issue. Truy cập ngày 12/5/2023

Tàu chiến Trung Quốc đi vòng quanh Nhật Bản khi căng thẳng gia tăng trước hội nghị thượng đỉnh G7

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm thứ năm đã công bố một bản đồ cho thấy tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 Lhasa, một trong những tàu chiến mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, dẫn đầu một đội hình bốn tàu chiến bao gồm một tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế đang đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ trong bối cảnh Nhật Bản chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo G7 vào tuần tới. Bản đồ cho thấy hành trình của tàu chiến Trung Quốc bắt đầu vào ngày 30 tháng 4 tại eo biển Tsushima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó đi qua eo biển Tsugaru ở mũi phía bắc của Hokkaido vào ngày 5 và 6 tháng 5 và cuối cùng là chuỗi đảo Izu phía nam Tokyo vào thứ năm.

Xem thêm tại: CNN, Chinese warships sail around Japan as tensions rise ahead of G7 summit. Truy cập ngày 12/5/2023

Nhật tăng gấp đôi số tên lửa dự phòng để răn đe Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Nhật Bản (MOD) thông báo rằng họ đã ký bốn hợp đồng với Tập đoàn Mitsubishi (MHI) để nhanh chóng phát triển và sản xuất các loại tên lửa tấn công (tầm xa) khác nhau. Bốn hợp đồng đã được ký kết với MHI bao gồm:

    • Sản xuất hàng loạt Type 12 SSM nâng cấp (phiên bản phóng từ mặt đất) trị giá 1,295 triệu USD. Hiện tại, Type 12 SSM có tầm bắn 200 km, nhưng Type 12 SSM phiên bản nâng cấp sẽ cải thiện tầm bắn lên 900 km và cuối cùng là 1.500 km, đồng thời tăng cường khả năng tàng hình.
    • Phát triển Type 12 SSM nâng cấp (phiên bản phóng từ mặt đất/trên không/tàu) trị giá 200 triệu USD.
    • Sản xuất hàng loạt đạn siêu vận tốc (HVGP) trị giá 891,8 triệu USD: HVGP là vũ khí tấn công kẻ thù xâm chiếm các hòn đảo xa xôi bằng đầu đạn lướt bay ở tốc độ siêu thanh/bội siêu thanh. HVGP ban đầu được lên kế hoạch phát triển theo hai giai đoạn: phiên bản thiết bị ban đầu (Block 1), hiện đang được phát triển và phiên bản năng lực nâng cao (Block 2) dựa trên phiên bản thiết bị ban đầu.
    • Phát triển tên lửa dẫn đường phóng từ tàu ngầm trị giá 436 triệu USD. Tên lửa dẫn đường phóng từ tàu ngầm là tên lửa tầm xa có thể phóng từ ống phóng ngư lôi của tàu ngầm do Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) vận hành. JSMDF hiện đang triển khai Harpoon làm tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm, nhưng tên lửa mới sẽ được sử dụng để tấn công các tàu hải quân và các tàu khác từ bên ngoài lớp phòng thủ chống ngầm của đối phương bằng cách mở rộng đáng kể tầm bắn của tên lửa.

Xem thêm tại: Naval News, Japan Doubles Down On Standoff Missiles To Deter China. Truy cập ngày 12/5/2023

Anh, Nhật đạt thỏa thuận công nghệ, quốc phòng mới

Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ đến thăm Tokyo trong tuần này để ký một thỏa thuận quốc phòng và công nghệ song phương mới với Nhật Bản trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Trong số các hoạt động hợp tác quốc phòng gần đây, Anh và Nhật Bản vào tháng 1 đã đạt được thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận quân sự chung diễn ra sau thỏa thuận giữa hai nước và Ý nhằm phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Tại hội nghị thượng đỉnh G-7, kéo dài ba ngày kể từ thứ sáu, Anh sẽ kêu gọi hành động phối hợp chống lại sự ép buộc kinh tế của các quốc gia thù địch và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine khi nước này đối mặt với cuộc xâm lược đang diễn ra của Nga.

Xem thêm tại: Kyodo News, Britain, Japan to reach new defense, technology agreement. Truy cập ngày 15/5/2023

Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản về kế hoạch mở văn phòng NATO

Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản về kế hoạch mở văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo vào năm tới, nói rằng liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo đang can thiệp vào các vấn đề khu vực và kích động đối đầu. Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, Christoph Heusgen cho biết, bất chấp mối quan hệ ngày càng sâu sắc của NATO với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả kế hoạch mở văn phòng tại Nhật Bản, liên minh quân sự này khó có thể can dự vào bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào ở châu Á. Christoph Heugen cho biết kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo thể hiện sự quan tâm của các nước NATO đối với ổn định khu vực và nhấn mạnh mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa NATO và Nhật Bản. Tuy nhiên, khi nói đến sự tham gia tích cực của NATO vào các tình huống xung đột có thể xảy ra (ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương), điều này sẽ không xảy ra do quy định trong hiến chương NATO.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, China slams Japan for plans to host NATO office. Truy cập ngày 14/5/2023; Japan Times, NATO not likely to intervene in an Indo-Pacific conflict, says MSC chief. Truy cập ngày 15/5/2023

Hàn Quốc cân nhắc thỏa thuận tàu ngầm với Canada

Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Justin Trudeau dự kiến ​​sẽ thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cả chương trình thay thế tàu ngầm của Canda vào thứ tư. Hải quân Hoàng gia Canada đang thúc giục chính phủ mua tới 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng thông thường mới để thay thế các tàu ngầm diesel lớp Victoria đã cũ. Trong số các phương án thay thế có tàu ngầm lớp Taigei của Nhật Bản, lớp S-80 Plus của Tây Ban Nha và tàu ngầm KSS-III của Hàn Quốc. Tàu ngầm KSS-III, còn được gọi là tàu ngầm lớp Dosan Ahn Chang-ho, là tàu ngầm tấn công diesel-điện có lượng choán nước 3.000 tấn.

Xem thêm tại: Korea Times, Korea eyes submarine deal with Canada. Truy cập ngày 17/5/2023

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát trạm vệ tinh quân sự

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm thứ ba đã thị sát một trạm vệ tinh quân sự. Thêm vào đó, ông Kim Jong-un cũng đã phê duyệt các bước tiếp theo của kế hoạch “hành động tương lai” với mục tiêu phóng vệ tinh quân sự này trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết việc phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự là một “yêu cầu cấp thiết đối với môi trường an ninh hiện hành của đất nước”. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã hoàn thành việc chế tạo vệ tinh do thám quân sự đầu tiên và ông Kim đã hối thúc đẩy nhanh quá trình chuẩn bị cuối cùng cho vụ phóng.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea’s Kim Jong Un inspects military satellite station. Truy cập ngày 18/5/2023

Mỹ ký hiệp ước quốc phòng mới với Papua New Guinea

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ký các thỏa thuận quốc phòng và giám sát với Papua New Guinea (PNG) trong chuyến thăm nhằm làm mới tầm quan trọng chiến lược của quốc gia này. Theo đó, một thỏa thuận riêng cho phép Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của PNG, với người lái tàu là các quan chức của PNG. Động thái này là nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn các quốc đảo ở Thái Bình Dương, trải dài 40 triệu km, khỏi các mối quan hệ an ninh với Trung Quốc, một mối lo ngại gia tăng trong bối cảnh căng thẳng về vấn đề Đài Loan.

Xem thêm tại: Reuters, Biden to sign defence pact in Papua New Guinea, with eyes on China. Truy cập ngày 12/5/2023

Úc tặng máy bay cho Sri Lanka để tăng cường khả năng giám sát hàng hải trên không của nước này

Chính phủ Úc đã thông báo rằng họ sẽ tặng một chiếc máy bay Beechcraft KA350 King Air cũ của Không quân Hoàng gia Úc cho Chính phủ Sri Lanka. Máy bay này sẽ được sử dụng để tăng cường khả năng giám sát hàng hải trên không của Sri Lanka. Đây là một phần trong cam kết của Chính phủ Úc nhằm củng cố và tăng cường hợp tác và hợp tác vốn là nền tảng của mối quan hệ song phương bền chặt giữa Úc và Sri Lanka.

Xem thêm tại: adaderana.lk, Australia to gift aircraft to enhance Sri Lanka’s aerial maritime surveillance. Truy cập ngày 15/5/2023

Bộ Tứ tăng cường an ninh khi các chỉ huy hàng đầu gặp nhau ở California

Các chỉ huy quân sự cấp cao từ các quốc gia thành viên của bộ Tứ, bao gồm cả Tổng tham mưu trưởng quốc phòng (CDS) của Ấn Độ, Tướng Anil Chauhan, sẽ gặp nhau tại Sunnylands ở California để tham dự một cuộc họp cấp cao về An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào ngày 15-17 tháng 5 nhằm đưa hợp tác an ninh lên một tầm cao mới trước Hội nghị thượng đỉnh  ở Sydney vào ngày 24 tháng 5. Cuộc tập trận hải quân Malabar được lên kế hoạch ngoài khơi Sydney vào tháng 8 năm nay và cuộc họp cấp cao của các chỉ huy quân sự của nhóm này vào tuần tới được coi là vừa là yếu tố thay đổi cuộc chơi – các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã thận trọng trong vấn đề hợp tác quân sự cho đến nay – vừa là phản ứng hiệu quả đối với thách thức hung hăng do Trung Quốc đặt ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Hindustan Times, Quad steps up to security, top commanders to meet in California. Truy cập ngày 14/5/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Nga nói hiệp ước lực lượng vũ trang châu Âu đi ngược lại lợi ích an ninh của mình

Quốc hội Nga sẽ quyết định vào thứ Hai thời gian chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Vũ trang Thông thường ở Châu Âu (CFE), sau sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 10 tháng 5. CFE có mục đích nhằm điều chỉnh số lượng lực lượng được triển khai bởi các nước thuộc Hiệp ước Warsaw và NATO. Trước đó vào năm 2015, Nga đã tuyên bố rằng họ ngừng hoàn toàn việc tham gia CFE.

Xem thêm tại: Reuters, Russia says European armed forces treaty contrary to its security interests. Truy cập ngày 15/5/2023

IDF tiêu diệt thủ lĩnh thứ sáu của nhóm khủng bố thánh chiến Hồi giáo

Chỉ huy các chiến dịch quân sự của nhóm thánh chiến Hồi giáo ở Dải Gaza, Ayeed Alhuseni đã bị tiêu diệt trong chiến dịch mới nhất của lực lượng vũ trang Israel (IDF). Ayeed Alhuseni thay thế Khalil Bahatini, người đã bị IDF thủ tiêu vào ngày đầu tiên của Chiến dịch Lá chắn và Mũi tên. Khalil Bahatini từng là sĩ quan chỉ huy chiến dịch của tổ chức ở Dải Gaza. IDF cho biết họ sẽ tiếp tục ngăn chặn nhóm Thánh chiến Hồi giáo bằng cách tiêu diệt các thủ lĩnh và trung tâm chỉ huy của nhóm này.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, Sixth Islamic Jihad terror group leader killed in IDF operation. Truy cập ngày 13/5/2023

Quân đội Mỹ củng cố thế bố trí phòng thủ ở vùng Vịnh sau khi Iran bắt giam tàu chở dầu

Quân đội Mỹ sẽ tìm cách củng cố thế bố trí phòng thủ ở vùng Vịnh sau khi Iran bắt giữ và quấy rối các tàu vận tải thương mại trong những tháng gần đây. Theo đó, Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ có trụ sở tại Bahrain cho biết họ đang hợp tác với các đồng minh trong khu vực để tăng cường luân chuyển tàu và máy bay tuần tra quanh eo biển Hormuz. Các động thái này diễn ra sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu thứ hai trong một tuần ở vùng biển vùng Vịnh vào đầu tháng này.

Xem thêm tại: Reuters, US military to bolster defensive posture in Gulf after Iran seizes tankers. Truy cập ngày 14/5/2023

Armenia báo cáo các cuộc đụng độ biên giới mới với lực lượng Azerbaijan

Các cuộc đụng độ biên giới mới đã nổ ra giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan, một ngày sau khi giao tranh chết người đe dọa làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình cuối tuần do Liên minh châu Âu dẫn dắt. Các cuộc đụng độ biên giới hôm thứ năm giữa Armenia và Azerbaijan đã khiến một quân nhân Azerbaijan thiệt mạng và bốn binh sĩ Armenia bị thương. Baku và Yerevan đang có tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ đối với khu vực Nagorno-Karabakh có đông dân cư là người Armenia của Azerbaijan, nơi họ đã tiến hành hai cuộc chiến tranh trước đó.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Armenia reports new border clashes with Azerbaijan forces. Truy cập ngày 13/5/2023

Nam Phi bác bỏ cáo buộc vận chuyển vũ khí cho Nga của Mỹ

Các quan chức Nam Phi đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng một tàu Nga đã thu thập vũ khí từ một căn cứ hải quân gần Cape Town vào cuối năm ngoái. Đại sứ Mỹ tại Nam Phi Reuben Brigety hôm thứ Năm cho biết một tàu Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ đã mang vũ khí lên tàu từ căn cứ Simon’s Town vào tháng 12, cho thấy việc chuyển giao đi ngược với lập trường trung lập của Pretoria trong cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Nam Phi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine, và đã bỏ phiếu trắng về các nghị quyết của Liên hợp quốc về lên án Nga.

Xem thêm tại: Reuters, South Africa rejects US accusations of arms shipment to Russia. Truy cập ngày 13/5/2023

Chiến sự tại Sudan: Một số sự kiện chính

Ngày 12 tháng 5: Các cuộc không kích và pháo kích vào Khartoum vẫn tiếp diễn sau khi quân đội Sudan và lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) không thể đạt được một lệnh ngừng bắn. Giao tranh cũng lan đến thành phố Khartoum Bắc. Ngoài ra, các bên cũng đã ký một tuyên bố về các nguyên tắc tại Jeddah, Ả Rập Saudi vào thứ năm bao gồm các các cam kết cho phép dân thường, nhân viên y tế và cứu trợ nhân đạo đi lại an toàn và giảm thiểu tác hại đối với dân thường và các cơ sở công cộng.

Ngày 14 tháng 5: Giao tranh khốc liệt tiếp tục diễn ra tại thủ đô Khartoum cũng như Geneina và Darfur và các bên tham chiến của Sudan đang không tôn trọng thỏa thuận bảo vệ dân thường trước các cuộc đàm phán ngừng bắn tiếp tục ở Ả Rập Saudi vào Chủ nhật tới.

Ngày 15 tháng 5: RSF tiếp tục tấn công Khartoum, cướp bóc và đốt cháy toàn bộ khu dân cư, các nhóm dân quyền. Thành phố bị tấn công ba ngày liên tiếp với tiếng súng, pháo kích và hỏa hoạn liên tục xảy ra ở ít nhất bốn khu phố. Đợt bùng phát bạo lực mới nhất diễn ra gần ba tuần sau khi các vụ việc tương tự xảy ra ở el-Geneina, Nyala và el-Fasher, thủ phủ của các bang Nam và Bắc Darfur.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Sudan’s army and RSF fight on after ceasefire talks fail; Sudan talks to resume in Saudi Arabia as battles rage in Khartoum; Fighting rages in West Darfur as Sudan marks one month of warfare. Truy cập ngày 18/5/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Nga đang chuẩn bị đối phó cuộc phản công của Ukraine ở những khu vực nào?

Trước thềm cuộc phản công của Ukraine, Nga đang xây dựng các tuyến phòng thủ quy mô lớn, đặc biệt ở phía tây nam khu vực Zaporizhzhia cũng như tại Crimea với thệ thống hào, boong ke, hầm trú dành cho bộ binh và phương tiện chiến đấu, mương chống tăng, rào chắn xe tăng bê tông hình chóp răng rồng và bãi mìn. Tuy nhiên, Nga không thể nào phòng thủ cả một tiền tuyến dài 800km với toàn bộ sức mạnh. Do đó, Nga có thể sử dụng chúng để phòng thủ ở một số vùng trọng yếu nhằm làm chậm bước tiến của Ukraine đủ lâu để quân tiếp viện kéo đến.

Có tổng cộng 7 vùng mà Nga có thể sẽ chọn làm tuyến phòng thủ trọng yếu. Đầu tiên là vùng Kharkiv và Luhansk. Tuyến phòng thủ xa nhất về phía đông của Nga bắt đầu từ vùng biên giới của Nga với Kharkiv chạy dọc xuống Pokrovske và Svatove sau đó vòng qua Kreminna và Bilohorivka tại Luhansk. Tuyến phòng thủ này chỉ có một vành đai phòng thủ kiên cố duy nhất lùi về sau tiền tuyến khoảng 5-20 km. Trong trường hợp Ukraine tấn công, quân Nga sẽ lùi về vành đai này và cố thủ. Hiện tại, trục Kupiansk tại Kharkiv được bảo vệ bởi một nhóm lực lượng khá phân tán, bao gồm Sư đoàn xe tăng 47 của Tập đoàn xe tăng cận vệ số 1 và Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ riêng biệt số 138 của Quân đoàn vũ trang liên hợp số 6. Tiếp theo là vùng Donetsk, với tuyến phòng thủ trải dài từ phía tây Sievierodonetsk chạy dọc xuống biên giới giữa vùng Luhansk và Donetsk cho đến phía sau Bakhmut. Khu vực xung quanh Donetsk được gia cố vững chắc sau khi cả Nga và Ukraine xây dựng lực lượng của mình trong suốt 10 năm qua. Do đó, Donetsk và các khu định cư xung quanh là một pháo đài, sẽ rất khó khăn và không phù hợp cho các hoạt động tấn công. Thêm vào đó, tại phía tây vùng Donesk và phía đông Zaporizhzhia, chiến tuyến của Nga bắt đầu gần Vuhledar. Tại đây không có tuyến phòng thủ kiên cố để Nga rút lui và phần lớn dựa vào đặc điểm địa hình của cánh đồng bên kia sông. Lực lượng Nga dọc theo khu vực được phòng thủ chặt chẽ đã kiệt sức và có những vấn đề về chỉ huy và cơ cấu cũng như văn hóa chỉ huy kém. Cuối cùng là hai vùng Zaporizhzhia và Kherson, với phòng tuyến kiên cố nhất ở phía nam, nơi lực lượng Nga chuẩn bị cho việc phòng thủ rất kỹ càng. Phòng tuyến này có nhiều lớp, và các vị trí phòng thủ tỏa xuống các con đường quan trọng và bao vây các khu dân cư quan trọng như Tokmak, Melitopol và Kamianka. Tuy nhiên, tuyến phòng thủ ở phía nam vùng Zaporizhzhia mới không thể bị chọc thủng với nhiều lớp mìn chống tăng và răng rồng cũng như các hầm trú ẩn dành cho bộ binh và phương tiện chiến đấu. Tại khu vực Kherson, các vị trí phòng thủ bắt đầu ngay bên trái (phía đông) của sông Dnipro, nơi Ukraine khó có thể thực hiện cuộc phản công.

Xem thêm tại: Kyiv Independent, Where does Russia expect Ukraine’s counterattack? Truy cập ngày 18/5/2023

Tại sao ông Putin cần Wagner?

Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn Wagner, đe dọa sẽ rút lực lượng khỏi Bakhmut nếu không được Nga viện trợ đạn dược. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau lời tuyên bố ông Prigozhin lại nói rằng tình hình đã tốt hơn theo hướng có lợi cho Wagner. Dù trước đó, ông Prigozhin đã nhiều lần chỉ trích giới chức quân sự cấp cao của Nga, nhưng tại sao Vladimir Putin lại chịu đựng Wagner? Trên thực tế, sự nổi lên của Wagner chỉ là tiến triển gần đây nhất trong mối quan hệ phụ thuộc lâu dài của Nga và Liên Xô vào các lực lượng không chính quy.

Để có thể hiểu được sức mạnh tương đối của Prigozhin và Wagner tại Nga, chúng ta cần phải xem xét tập đoàn này được nhìn nhận như thế nào bởi bốn cơ quan khác nhau tai5 Moscow: cơ quan tình báo quân đội (GRU), quân đội Nga, cơ quan an ninh quốc gia (FSB), và Vladimir Putin. Trước nhất, chính sự chuyển dịch ưu tiên của GRU từ hoạt động khai thác thông tin truyền thống sang thực hiện các chiến dịch vũ trang, hay “tình báo chủ động”, là cột mốc đánh dấu sự xuất hiện của Wagner. Đối với GRU, Wagner tiện thay là cái cớ phủ nhận cho các hoạt động gián điệp của cơ quan này, vào thời điểm mà Nga đang công khai phủ nhận việc can dự trực tiếp vào miền đông Ukraine. Tuy nhiên, kể từ khi nổi lên vào năm 2015 và cho đến cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, Wagner đã từ một lực lượng đánh thuê ủy nhiệm bí mật, không chính quy phát triển thành một lực lượng quân sự lớn hoạt động tại nhiều nước. Cho đến nay, ông Prigozhin vẫn còn được GRU hậu thuẫn dù sự ủng hộ này không mấy đảm bảo. Nhưng chỉ huy Wagner cũng có được sự ủng hộ từ quân đội bất chấp sự chỉ trích của ông Prigozhin nhằm vào Bộ quốc phòng Nga. Theo đó, việc Nga bổ nhiệm tướng Sergey Surovikin, cựu chỉ huy lực lượng Nga tại Ukraine, làm người giám sát việc viện trợ đạn dược cho Wanger chứng minh luận điểm này. Một lợi thế nữa của Wagner đó chính là ngoài chỉ huy của mình tất cả các chỉ huy khác đều ẩn danh, khiến cho giới lãnh đạo quân đội Nga không xem tổ chức này là đối thủ cạnh tranh.

Quan trọng không kém đối với Wagner là FSB, cơ quan tình báo chủ chốt của Nga. Sau những thất bại hồi đầu cuộc chiến, FSB gần đây đã lấy lại tầm ảnh hưởng và sự hiện diện của mình trong quân đội Nga và trấn áp bất kỳ bất đồng chính kiến nào tại Nga. Wagner, vốn thuộc thẩm quyền của cục phản gián quân sự của FSB, cũng sẽ được hưởng lợi từ việc bành trướng này. Cuối cùng, nhân tố quan trọng nhất để ông Prigozhin có thể tiếp tục vai trò của mình tại Ukraine chính là ông Putin. Theo đó, ông Putin nhận ra rằng cuộc chiến càng kéo dài lâu thì sức ảnh hưởng của quân đội ngày càng lớn, khiến cho ông khó lòng có thể tiếp tục kiểm soát quân đội. Để củng cố quyền kiểm soát, ông Putin phải dùng những cách không chính thống ví dụ như khuyến khích truyền thông nhà nước công khai các vấn đề trong quân đội. Nhưng chính vai trò của Wagner là một lực lượng đối trọng với quân đội Nga, và việc ông Prigozhin không phải là một mối đe dọa chính trị đối với ông Putin, mới là điểm nhấn. Do đó, với địa vị đặc biệt của mình – được quản lý lỏng lẻo bởi GRU, được ủng hộ bởi quân đội và được ông Putin bảo vệ – Prigozhin hy vọng sẽ tiếp tục giữ vị trí độc nhất của mình tại điện Kremlin.

Xem thêm tại: Foreign Policy, Why Putin Needs Wagner. Truy cập ngày 12/5/2023

Liệu cuộc chiến tại Bakhmut đã đến hồi kết?

Lực lượng Ukraine đang chuẩn bị rút quân khỏi Bakhmut bất kỳ lúc nào tại thời điểm này. Nhưng đường rút lui cũng như khung thời gian rút lui của Ukraine đã dần bị thu hẹp lại. Vào tối thứ hai, lực lượng Wagner tràn vào hai vùng phòng thủ kiên cố nhất tại trung tâm thành phố Bakhmut khiến cho quân Ukraine phải rút lui về phòng tuyến cuối cùng tại khu vực này. Lực lượng Ukraine có thể đàm phán với Nga về một cuộc rút lui an toàn, nhưng tổng thống Ukraine Zelensky sẽ không cho phép điều này xảy ra. Tính đến nay, trận chiến tại Bakhmut kéo dài khoảng 8 đến 9 tháng đã gây ra tổn thất nặng nề cho cả Ukraine và Nga.

Nhưng câu hỏi quan trọng là điều gì sẽ xảy ra sau khi cuộc chiến tại Bakhmut kết thúc? Trước nhất, Nga có thể sử dụng lực lượng của mình để tiến đến Chasiv Yar và đẩy lùi lực lượng Ukraine về sau sông Dnieper, vốn là điểm chiến lược tuyệt đối của Kyiv. Nếu lực lượng Nga có thể đến được bờ sông thì lực lượng Ukraine chắc chắn sẽ bị chia ra làm hai. Do đó, Ukraine phải lên kế hoạch thật kỹ càng nhưng chưa được thực hiện cuộc phản công lớn sắp tới ngay.  Lý do là vì nếu Ukraine để trống hậu phương và lực lượng Nga thành công chống lại được cuộc phản công, thì lực lượng Kyiv sẽ bị rơi vào thế gọng kìm từ hai phía bắc và nam cũng như không thể đạt được đột phá để có thể biện minh cho nỗ lực chiếm lấy vùng Kherson và Zaporizhzhia hay thậm chí là Crimea. Một vấn đề nữa đó là về nguồn nhân lực của lực lượng Ukraine. Hiện tại, tình trạng tuyển binh của Ukraine đang ngày càng khó khăn hơn và sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn khi công chúng biết được toàn bộ tác động từ thất bại ở Bakhmut. Cuối cùng là về giới lãnh đạo quân sự Ukraine khi tướng Valery Zaluzhny, một trong số lãnh đạo quân sự hàng đầu, cùng với tướng Aleksandr Syrskyi, tư lệnh lực lượng mặt đất, đều đã biến mất không một lời giải thích. Trong số các lời đồn đoán, có lời đồn rằng tổng thống Zelensky đi đến các nước châu Âu trong khi các lãnh đạo quân sự đối lập với ông bị loại bỏ, còn số khác cho rằng hai vị tướng tham nhũng và bị bắt, hoặc đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa. Nếu cuộc phản công bị hoãn lại vì lãnh đạo quân đội đã bị giết, hoặc vì bất cứ lý do gì khác, thì tổng thống Zelensky sẽ phải đối mặt với những vấn đề vô cùng lớn. Một trong số chúng là độ xác tín của các nguồn thông tin, có nghĩa là thông tin từ Bakhmut cho đến nay đã được xác thực, còn các lời đồn về số phận của hai vị tướng Ukraine vẫn chưa được xác thực.

Xem thêm tại: Asia Times, The end of Bakhmut. Truy cập ngày 18/5/2023

Cuộc chiến tại Ukraine mang hàm ý gì đối với sự đoàn kết của Đông Nam Á?

Dù nhấn mạnh vào việc tạo thuận lợi cho hợp tác khu vực và tăng cường quan hệ đoàn kết khu vực, nhưng ASEAN những năm gần đây đã bị chỉ trích vì phản ứng chậm. Vào năm 2021, ASEAN công bố “thỏa thuận năm điểm” về cuộc khủng hoảng tại Myanmar, nhưng bạo lực vẫn chưa chấm dứt. Thất bại tại Myanmar đến từ sự mất đoàn kết giữa các nước ASEAN khi Indonesia, Malaysia, Singapore công khai chỉ trích cuộc đảo chính, thì các nước gần Myanmar – như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, và Lào – lại miễn cưỡng trong việc lên án chính quyền quân sự.

Một vấn đề khác đã bộc lộ các thất bại tương tự trong việc đạt được sự đồng thuận khu vực là cuộc chiến tại Ukraine. Vào hội nghị thượng đỉnh diễn ra tuần qua, chủ tịch ASEAN là Indonesia nhắc đến “toàn vẹn lãnh thổ” và “chủ quyền” cũng như kêu gọi Nga tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng tuyên bố lại không chỉ đích danh Nga hay nhắc đến sự hung hăng theo bất kỳ cách nào. Sự mất đoàn kết trong ASEAN phản ánh sự khác biệt về lợi ích quốc gia của các nước thành viên. Theo đó, trong các nghị quyết của LHQ đối với cuộc chiến tại Ukraine, Brunei và Việt Nam kiên quyết bỏ phiếu trắng, trong khi Indonesia, Malaysia, và Thái Lan, vốn ban đầu công khai lên án Nga, nay lại chuyển sang bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết tiếp theo. Nhưng Singapore lại là nước duy nhất kiên định bỏ phiếu thuận cho các nghị quyết nhằm lên án Nga. Mặt khác, sự mất đoàn kết còn thấy rõ hơn đối với Lào khi mỗi lần Singapore bỏ phiếu thuận thì Viêng Chăn sẽ bỏ phiếu chống trong bất kỳ nghị quyết nào của LHQ về vấn đề Ukraine. Xu hướng này cho thấy Lào coi thường mức độ nghiêm trọng đối với các hành động của Nga, đồng thời nó cũng giải thích tại sao ASEAN không thể xếp Nga vào danh sách ‘nước xâm chiếm’ vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, hoặc thậm chí không nhắc đến tên Nga trong các tuyên bố. Mất đoàn kết về việc lên án Nga vi phạm luật quốc tế không chỉ cho thấy ASEAN đang đi ngược lại với cam kết về một trật tự quốc tế “dựa trên luật pháp” mà còn dấy lên nhiều câu hỏi đối với khả năng của tổ chức này trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp gần với mình.

Xem thêm tại: ASPI, What the invasion of Ukraine means for unity in Southeast Asia. Truy cập ngày 16/5/2023

Đài Loan đã chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ tiềm tàng của Trung Quốc thế nào?

Trong những tuần gần đây, khả năng phòng không của Đài Loan trở thành tâm điểm khi một tài liệu mật bị rò rỉ nói rằng hòn hòn đảo không đủ khả năng để đánh chặn một chiến dịch tấn công trên không từ Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tài liệu rò rỉ đã đánh giá thấp khả năng phòng thủ của Đài Loan với bằng chứng rằng radar cảnh báo sớm tầm xa của hòn đảo có thể phát hiện tên lửa vừa phóng chỉ trong vài giây, đồng thời Đài Bắc còn có hệ thống chỉ huy và kiểm soát rất ấn tượng. Nhưng vẫn còn đó những hoài nghi về khả năng phòng không tổng thể của Đài Loan.

Trước nhất, PLA hiện đang sở hữu hơn 3,000 máy bay chiến đấu và khoảng 300,000 quân nhân trong lực lượng không quân, trong khi Đài Loan chỉ có hơn 700 máy bay cùng 30,000 quân nhân trong lực lượng không quân của mình. Song ưu thế trên không của Trung Quốc có thể bị vô hiệu hóa bởi tên lửa phòng không với số lượng tương ứng. Nhờ vào việc sở hữu nhiều tên lửa tầm xa, tầm trung và tầm gần, Đài Loan có thể dùng chúng để củng cố khả năng phòng không của mình ở mức độ nào đó. Hiện tại, chương trình tên lửa của Đài Loan xoay quanh 6 loại tên lửa với tầm phóng khác nhau, bao gồm Thiên Kiếm (Tien Chi), Hùng Phong (Hsiung Feng) II, IIE và III, Vạn Chiến và Vân Phong (Yun Feng). Ngoài ra, còn có hệ thống chống tên lửa đạn đạo đất đối không Thiên Cung. Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng Đài Loan đầu tư vào tên lửa phòng không thôi là chưa đủ vì Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng không quân của mình và tốc độ sản xuất máy bay, như Thành Đô J-20, đã tăng gấp hai lần trong vòng ba năm trở lại đây. Do đó, Đài Loan vừa đang đầu tư mua khoảng 420 triệu USD vào vật liệu và bộ phận để duy trì chiến đấu cơ của mình, vừa tìm kiếm hỗ trợ từ Mỹ trong việc phát triển chiến đấu cơ nội địa tiếp theo. Ngoài ra, các chuyên gia còn quan ngại về các hành động vùng xám xung quanh Đài Loan, bao gồm việc xâm phạm vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo bằng máy bay cũng như các cuộc tập trận phong tỏa. Thêm vào đó, PLA gần đây đã thử nghiệm chiến thuật vùng xám mới bằng cách triển khai drone chiến đấu bao vây Đài Loan vào tuần trước làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang thử nghiệm khả năng đe dọa mới đối với hòn đảo.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng mục tiêu chính các hành động này của Trung Quốc là nhằm kích động “thái độ phòng thủ” giữa người dân Đài Loan trong khi gây ảnh hưởng đến khả năng trực chiến của hệ thống phòng không. Nhưng thay vì để các phi công Đài Loan cất cánh cùng máy bay mới để đánh chặn máy bay của Trung Quốc, vốn khiến cho việc huấn luyện thường ngày bị gián đoạn và việc bảo trì máy bay tốn công hơn, thì chính quyền Đài Loan nên sử dụng máy bay sắp bị bãi bỏ thực hiện nhiệm vụ trên.

Xem thêm tại: DW, How prepared is Taiwan for a potential Chinese attack? Truy cập ngày 13/5/2023

Liệu Nhật sẽ tham chiến khi xảy ra xung đột tại eo biển Đài Loan?

Khi rủi ro về một cuộc chiến tại Đài Loan gần kề, Nhật Bản đã gia tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng và trang bị cho lực lượng phòng vệ (SDF) khả năng phòng thủ tầm xa. Tuy nhiên, Tokyo chưa từng tham gia bất kỳ cuộc chiến nào kể từ năm 1945. Vậy Nhật Bản có tham chiến nếu xung đột tại Đài Loan xảy ra? Có ba lý do sẽ khiến Tokyo phải tham chiến.

Trước nhất, về mặt địa lý, hòn đảo xa nhất phía tây Nhật Bản cách Đài Loan 111km. Nếu như xung đột tại Đài Loan nổ ra, Mỹ sẽ cần phải sử dụng đến các căn cứ của mình tại Nhật để viện trợ cho Đài Bắc. Ngoài ra, khả năng xảy ra xung đột sẽ thấp hơn nếu Trung Quốc nghĩ rằng Nhật Bản sẽ can thiệp. Kế đến, chính liên minh giữa Washington và Tokyo sẽ là lý do Nhật Bản bị cuốn vào cuộc xung đột. Nhưng dù có sát cánh chiến đấu cùng Mỹ, thì mức độ tham gia của Nhật vẫn chưa rõ ràng. Tương tự như Mỹ, Nhật Bản cũng duy trì mơ hồ chiến lược đối với vai trò tiềm năng của mình. Tuy nhiên, khác với Mỹ, Nhật Bản không có bất kỳ cam kết pháp lý nào nhằm giúp Đài Loan tự bảo vệ. Thêm vào đó, liên minh giữa Nhật và Mỹ cũng sẽ gặp một số phép thử. Để có thể sử dụng các căn cứ tại Nhật, Mỹ cần phải có sự chấp thuận từ Tokyo. Trung Quốc có thể không tấn công Nhật nếu Tokyo từ chối can thiệp, nhưng hậu quả của việc từ chối sẽ là dấu chấm hết cho liên minh. Tuy không thể trực tiếp tham chiến, nhưng SDF được phép sử dụng vũ lực nếu Nhật Bản bị tấn công, ví dụ như trong trường hợp Trung Quốc phóng tên lửa vào căn cứ của Mỹ tại Nhật, hay tấn công vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vốn do Tokyo kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong trường hợp quyết định tham chiến, Nhật Bản sẽ phải chọn địa điểm và năng lực nào để phản công. Theo đó, Nhật có thể sẽ triển khai các tàu ngầm diesel đến điểm nút tại biển Hoa Đông, nhưng không có nghĩa là đến Đài Loan. Thêm vào đó, lực lượng Mỹ và Nhật cũng sẽ phải triển khai các chiến dịch cùng nhau, đặc biệt là trên không. Nhưng vấn đề là liên minh giữa Nhật và Mỹ không được thiết kế để có thể tác chiến như vậy. Không giống như Hiến chương NATO, vốn nhấn mạnh vào nguyên tắc phòng thủ tập thể, hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật năm 1960 buộc Mỹ phải bảo vệ Nhật để đổi lấy việc tiếp cận các căn cứ, chứ không phải ngược lại. Do đó, các chuyên gia đang tìm một mô hình để khắc phục từ những ví dụ gần đây như cấu trúc chỉ huy mà Mỹ và Anh sử dụng trong CTTG II. Phía Nhật dự định tạo ra một bộ chỉ huy chung vĩnh viễn, được cho là tương tự với Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ. Tuy nhiên, INDOPACOM thì lại ở tận Hawaii khiến cho việc phối hợp với lực lượng Nhật khó khăn trong trường hợp Tokyo bị tấn công. Cuối cùng, dư luận cũng vẫn không đồng tình với việc SDF sẽ đóng một vai trò tích cực hơn về mặt quân sự khi chỉ có 11% người được khảo sát đồng tình với việc Nhật sẽ chiến đấu sát cánh bên Mỹ.

Xem thêm tại: Economist, Will Japan fight? Truy cập ngày 12/5/2023