Chuyển động Quốc Phòng (2/12 – 8/12/2022)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi

Chuyên mục Phân tích

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Gần 13,000 binh sĩ Ukraine tử trận

Một quan chức Ukraine cho biết gần 13,000 binh sĩ Ukraine đã tử trận trong cuộc chiến kéo dài hơn 9 tháng với Nga. Đây là bản báo cáo cập nhật đầu tiên kể từ báo cáo thương vong hồi tháng 8. Mykhailo Podolyak, cố vấn cho tổng thống Zalensky, nói rằng số thương vong từ 10,000 đến 12,000 thậm chí 13,000. Tuy nhiên các số liệu trên chưa được chính phủ Ukraine chính thức xác nhận và tổng thống Zalensky sẽ công bố số thương vong khi đến thời điểm thích hợp. Tháng trước, tướng McMillian cho rằng quân đội Nga đã chứng kiến ​​hơn 100.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến, và Ukraine có lẽ cũng chịu tình cảnh tương tự.

Xem thêm tại: Al Jazeera, As many as 13,000 Ukrainian soldiers killed in war: Aide. Truy cập ngày 3/12/2022

Anh nói Nga có khả năng lên kế hoạch bao vây thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk.

Bộ Quốc phòng Anh hôm thứ Bảy cho biết Nga có khả năng đang lên kế hoạch bao vây thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk bằng các cuộc tiến công chiến thuật ở phía bắc và phía nam. Việc chiếm được thị trấn sẽ có giá trị tác chiến hạn chế nhưng cho phép Nga đe dọa Kramatorsk và Sloviansk. Bộ quốc phòng Anh cho biết thêm trên thực tế có khả năng việc chiếm giữ Bakhmut chủ yếu trở thành một mục tiêu chính trị mang tính biểu tượng đối với Nga.

Xem thêm tại: Reuters, Russia likely planning to encircle Donetsk Oblast town of Bakhmut, Britain says. Truy cập ngày 4/12/2022

Các quốc gia Bắc Âu có thể tập trung hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Các chính phủ Bắc Âu đang xem xét một số sáng kiến ​​chung để hỗ trợ Ukraine phòng thủ chống lại Nga, bao gồm các đề xuất mua vũ khí chung, phối hợp quyên góp vũ khí và mở rộng hợp tác hậu cần để vận chuyển thiết bị quân sự đến Ukraine. Các cuộc thảo luận bắt nguồn từ một cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Bắc Âu vào tháng 11 do Phần Lan tổ chức tại Helsinski. Cuộc họp tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc phòng toàn Bắc Âu trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine, xem xét tiềm năng liên kết chặt chẽ hơn của bốn quốc gia để hỗ trợ Kiev. Tính đến nay, số tiền mà Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch hỗ trợ cho Ukraine sẽ vượt quá 2 tỷ USD vào cuối năm nay.

Xem thêm tại: Defense News, Nordic nations may pool their growing military support to Ukraine. Truy cập ngày 7/12/2022

Lithuania chuyển giao cho Ukraine đạn 155mm và 2 khẩu pháo PzH 2000 đã được sửa chữa

Bộ Quốc phòng Lithuania thông báo vào ngày 3 tháng 12 năm 2022 rằng hai khẩu pháo tự hành PzH 2000 155mm do Đức sản xuất đã được đưa tới Ukraine sau khi sửa chữa ở Lithuania, và đã chuyển một phần đạn pháo 155mm. Hiện tại, lực lượng vũ trang Lithuania có tổng cộng 21 chiếc PzH 2000. Ukraine đã nhận được 14 chiếc Pzh từ Đức và 5 chiếc từ Hà Lan. Loại đạn 155 mm mà Lithuania cung cấp đặc biệt cần thiết cho Ukraine trong cuộc chiến. Tính đến nay, Bộ Quốc phòng Lithuania đã cung cấp cho Ukraine các hỗ trợ quân sự dưới dạng vũ khí, đạn dược, thiết bị chụp ảnh nhiệt, UAV, thiết bị gây nhiễu máy bay không người lái, đào tạo nhân sự và mọi hình thức hỗ trợ khác phù hợp với yêu cầu của Ukraine.

Xem thêm tại: Army Recog, Lithuania delivers to Ukraine 155mm ammunition and 2 repaired PzH 2000 howitzers. Truy cập ngày 6/12/2022

Quân đội Mỹ có kế hoạch tăng cường sản xuất đạn ‘đột biến’ khi Ukraine cạn kiệt kho dự trữ

Quân đội Mỹ đang tìm cách tăng cường sản xuất đạn pháo 155mm hàng tháng trong ba năm tới. Kế hoạch gia tăng sản xuất đạn phụ thuộc vào chi tiêu khẩn cấp cho Ukraine mà Quốc hội đã thông qua, nhưng cũng dựa trên hơn 600 triệu đô la đầu tư công nghiệp trong đợt viện trợ tiếp theo và trong dự luật chính sách quốc phòng hàng năm vẫn đang được tranh luận tại Quốc hội. Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth nói riêng với các phóng viên rằng Mỹ sẽ tăng chế tạo 14.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng lên 20.000 quả vào mùa xuân và 40.000 quả vào năm 2025.

Xem thêm tại: Defense News, Army plans ‘dramatic’ ammo production boost as Ukraine drains stocks. Truy cập ngày 6/12/2022

Mỹ cố gắng thuyết phục thêm đồng minh gửi tên lửa NASAMS tới Ukraine

Giám đốc điều hành Raytheon Technologies Greg Hayes cho biết các quan chức Mỹ đang làm việc để môi giới một thỏa thuận với NATO và các quốc gia Trung Đông để gửi một số máy bay đánh chặn NASAMS của họ tới Ukraine. Hayes cho biết thỏa thuận này sẽ cho phép Ukraine, quốc gia đang đưa các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến mới nhận được vào sử dụng rất hiệu quả để chống lại Nga, tránh việc phải chờ đợi thêm hai năm cho các hệ thống mới từ nhà máy của Raytheon. NASAMS được triển khai bởi năm thành viên NATO—Hungary, Lithuania, Hà Lan, Na Uy và Tây Ban Nha—và Oman và Qatar ở Trung Đông; Australia, Chile, Phần Lan và Indonesia cũng triển khai hệ thống này.

Xem thêm tại: Defense One, US Trying to Persuade More Allies to Send NASAMS Missiles to Ukraine, Raytheon CEO Says. Truy cập ngày 2/12/2022

Lockheed nhận được hợp đồng HIMARS để bổ sung hàng gửi đến Ukraine

Lockheed Martin giành được hợp đồng trị giá 431 triệu USD từ quân đội Mỹ để sản xuất các bệ phóng Hệ thống HMIMARS M142 với tốc độ tối đa nhằm nhanh chóng bổ sung kho dự trữ của Mỹ và các đồng minh cũng như đối tác gửi vũ khí cho Ukraine. Hợp đồng hỗ trợ cả Quân đội và các đối tác bán hàng quân sự nước ngoài khác nhau. Lockheed cũng giành được một hợp đồng với Quân đội Mỹ vào tháng trước trị giá 14,4 triệu USD để tăng năng lực sản xuất nhằm nhanh chóng bổ sung kho dự trữ HIMARS của Mỹ. Lockheed hiện đang có thể chế tạo 60 bệ phóng HIMARS mỗi năm, nhưng hợp đồng này sẽ cho phép công ty tăng sản lượng lên 96 bệ phóng mỗi năm.

Xem thêm tại: Defense News, Lockheed gets HIMARS contract to replenish stock sent to Ukraine. Truy cập ngày 3/12/2022

Hai căn cứ Nga bị tấn công khi Moscow bắn loạt tên lửa mới

Các vụ nổ hôm thứ Hai đã làm rung chuyển hai cơ sở quân sự sâu bên trong nước Nga, bao gồm một sân bay từng là căn cứ cho các máy bay ném bom được cho là đã được sử dụng trong các cuộc không kích không ngừng của Moscow nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng của Ukraine. Các cuộc không kích của Nga tiếp tục vào thứ Hai nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine chỉ vài giờ sau khi có báo cáo về các vụ nổ tại căn cứ máy bay ném bom chiến lược Engels-2 ở Saratov, trên sông Volga và tại căn cứ không quân Dyagilevo ở vùng Ryazan. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraine dàn dựng các vụ tấn công khiến ít nhất 3 binh sĩ Nga thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Kiev không nhận trách nhiệm nhưng nếu được xác nhận thì đây sẽ đánh dấu cuộc tấn công sâu nhất của Ukraine bên trong lãnh thổ Nga.

Xem thêm tại: Washington Post, Explosions hit two bases in Russia as Moscow fires new missile barrage. Truy cập ngày 6/12/2022

Nga “nướng” kho đạn ở Ukraine với tốc độ ‘bất thường’

Nga “nướng” kho dự trữ vũ khí với tốc độ “bất thường” khi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài sang tháng thứ 10. Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết Nga không có đủ khả năng để tự thay thế những vũ khí đó. Cụ thể dự trữ vũ khí chính xác của Nga đang cạn kiệt nhanh nhất. Bà cho biết cộng đồng tình báo Mỹ và các đồng minh đang hết sức chú ý đến tình trạng kho vũ khí của Nga và cách chúng có thể được sử dụng trong các cuộc xung đột khác. Haines cho biết thêm Nga đã nhận được một số đạn pháo từ Triều Tiên và cộng đồng tình báo cũng đang tiếp tục theo dõi các giao dịch đó.

Xem thêm tại: Defense News, Russia burning through ammunition in Ukraine at ‘extraordinary’ rate. Truy cập ngày 6/12/2022

Triều Tiên có đang cung cấp đạn dược cho Nga?

Triều Tiên đã ra lệnh cho các nhà máy sản xuất vũ khí vào cuối tháng 10 sản xuất thêm đạn pháo thông thường. Đối mặt với đơn đặt hàng sản xuất mới với các đánh giá lớn cuối năm đang đến gần, các nhà máy sản xuất vũ khí đang phản ứng trong hoang mang. Triều Tiên Nhật Báo xác định rằng các nhà máy sản xuất đầu đạn và vỏ đạn hàng đầu như Nhà máy Máy kéo Tổng hợp Kanggye và Nhà máy Máy công cụ Changjagang ở Manpo đã nhận được đơn đặt hàng. Đây là một động thái khác thường khi thời điểm cuối năm thường dành cho việc hoàn thành mục tiêu thường niên hơn là nhận đơn sản xuất mới. Bộ Quốc phòng Triều Tiên hồi tháng 11 phủ nhận tin đồn nước này xuất khẩu vũ khí sang Nga. Tuy nhiên, phía Mỹ lại cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đang bí mật cung cấp lượng lớn đạn dược cho Moscow.

Xem thêm tại: Diplomat, Is North Korea Producing Munitions for Export to Russia? Truy cập ngày 2/12/2022

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Mỹ ra mắt B-21 Raider, máy bay ném bom tàng hình được thiết kế nhằm răn đe Trung Quốc

Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu đã trình diễn máy bay ném bom mới đầu tiên sau hơn 30 năm, vén bức màn về máy bay phản lực tầm xa bí mật được xem là trung tâm trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó Trung Quốc. Với chi phí trung bình gần 700 triệu đô la mỗi chiếc, B-21 tự hào có thiết kế cánh bay tương lai và có khả năng bay hàng nghìn km để tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau chiến tuyến của kẻ thù, tránh bị các hệ thống phòng không tinh vi nhất phát hiện. Máy bay này là phần đầu tiên của cuộc đại tu trị giá 1 nghìn tỷ đô la của lực lượng răn đe hạt nhân Mỹ, cũng sẽ bao gồm các tàu ngầm hạt nhân mới và tên lửa trên đất liền, chống lại lực lượng hạt nhân đang mở rộng của chính Trung Quốc.

Xem thêm tại: Wall Street Journal, U.S. Unveils B-21 Raider, the Stealth Bomber Designed to Deter China. Truy cập ngày 3/12/2022

Trung Quốc tìm cách tăng cường quan hệ Ả Rập khi Mỹ xoay trục khỏi Trung Đông

Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tìm kiếm lợi ích địa chính trị ở Trung Đông, trước chuyến đi dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập vào tuần tới. Trong một văn kiện chính thức có tên “Báo cáo về Hợp tác Trung – Ả rập Thời đại Mới”, Bắc Kinh phủ nhận việc Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại, và nhắc lại lập trường của Bắc Kinh đối với các khu vực xung đột, bao gồm Palestine, Syria, Yemen, Libya và Sudan. Trung Quốc sẽ chỉ hỗ trợ các quốc gia trong khu vực cùng đoàn kết để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và hỗ trợ người dân địa phương khám phá con đường phát triển của riêng họ một cách độc lập và tự chủ. Báo cáo được công bố sau khi Mỹ đưa Ả Rập ra khỏi trọng tâm chiến lược của mình.

Xem thêm tại: SCMP, China looks to strengthen Arab ties as US pivots from Middle East. Truy cập ngày 4/12/2022

Tàu dân quân biển Trung Quốc áp sát đảo Palawan

Hàng chục tàu dân quân biển Trung Quốc ở Biển Tây Philippines đã di chuyển gần hơn đến đảo Palawan trong những tháng gần đây, bao gồm cả vùng biển gần các địa điểm của kế hoạch thăm dò năng lượng chung giữa Philippines và Trung Quốc. Các tàu bề ngoài là để đánh cá vẫn ở lại vùng biển này bất chấp các phản đối ngoại giao chống lại sự hiện diện của chúng. Hình ảnh vệ tinh do AMTI đưa ra cho thấy tàu Trung Quốc hiện diện liên tục tại đá Iroquois trong suốt thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng 9 năm 2022 với số lượng từ hai đến gần 30 tàu.

Xem thêm tại: Globalnation Inquirer, Chinese militia vessels coming closer to Palawan. Truy cập ngày 8/12/2022

Tên lửa của Trung Quốc có thể tấn công ‘hai phần ba’ lãnh thổ Úc

Một báo cáo mới đáng báo động nói rằng Trung Quốc có khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa trên “hai phần ba” lãnh thổ nước Úc. Bản báo cáo bao gồm một bản đồ tiết lộ bao nhiêu phần của nước này có thể dễ dàng lọt vào tầm ngắm của Bắc Kinh. Bản đệ trình tuyên bố rằng Úc thực sự đang ở trong tầm tấn công của tên lửa Trung Quốc, và các rạn san hô và đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc thực hiện “các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26”. Báo cáo cũng thúc giục chính phủ Úc nên di chuyển các kho dự trữ, kho chứa nhiên liệu và các căn cứ quân sự tiềm năng xa hơn về phía nam trong lục địa Úc để gia tăng khả năng phòng thủ của đất nước.

Xem thêm tại: News Au, China missile strikes could reach ‘two-thirds’ of Australia, says report. Truy cập ngày 6/12/2022

Mỹ mở rộng hiện diện quân sự tại Úc, nhắm tới Đài Loan

Mỹ sẽ tăng cường hiện diện luân phiên quân đội và hải quân tại Úc trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về một cuộc khủng hoảng Đài Loan tiềm ẩn. Hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai thêm tàu ​​chiến và tàu ngầm tới Úc. Đại sứ quán Mỹ tại Úc thông báo về sự xuất hiện của USS Mississippi, một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, tại một căn cứ hải quân ở Tây Úc. Lực lượng Không quân Mỹ cũng đã gửi thêm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới Úc sau cuộc họp hai cộng hai vào năm 2021. Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit đã được triển khai tại Úc lần đầu tiên trong năm nay và Canberra đã nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. to expand Australia military footprint with eye on Taiwan. Truy cập ngày 8/12/2022

Mỹ thông qua gói viện trợ quân sự mới cho Đài Loan

Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã đồng ý vào thứ Ba (ngày 6 tháng 12) về dự thảo cuối cùng của ngân sách quốc phòng năm tới, trong đó sẽ chính thức bao gồm 10 tỷ đô la Mỹ viện trợ quân sự cho Đài Loan cũng như đào tạo binh sĩ để tăng cường sức mạnh phòng thủ của Đài Loan trước một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Sau vài tháng đàm phán, các nhà lãnh đạo của Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Hạ viện đã đưa ra phiên bản cuối cùng của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2023. Tổng ngân sách là 857,9 tỷ USD, nhiều hơn khoảng 80 tỷ USD so với năm 2022. Cùng lúc đó, Đài Loan đã nhận được 50 tên lửa AGM-88 HARM của Mỹ mà nước này mua hồi năm 2017. Tư lệnh Không quân Đài Loan Huang Chi-wei nói rằng loại tên lửa AGM-88 mà Đài Loan mua có phần nhỉnh hơn loại mà quân đội Mỹ đang sử dụng. Dù đợt giao hàng này sớm hơn dự kiến một năm nhưng Đài Loan sẽ làm bất cứ thứ gì để tăng tốc việc giao hàng sắp tới. Trưởng phòng quy định thời chiến của Bộ Quốc phòng Đài Loan Lee Shi-chiang nói rằng Đài Loan nên nhận 250 tên lửa vác vai Stinger trong năm nay và 250 tên lửa vào năm 2025 với lời hứa từ Mỹ rằng 500 tên lửa Stinger sẽ được giao tới trước năm 2024. Thêm vào đó, tên lửa TOW 2B của Đài Loan dự kiến ​​bắt đầu được chuyển giao vào quý 4 năm nay nhưng sẽ bị trì hoãn cho đến năm sau và hoàn thành vào năm 2024.

Xem thêm tại: Taiwan News, US lawmakers agree on bill to provide US$10 billion in military aid to Taiwan. Truy cập ngày 8/12/2022; Taiwan receives HARM missiles ahead of schedule. Truy cập ngày 8/12/2022

Bộ quốc phòng Đài Loan báo cáo hoạt động của quân đội Trung Quốc

BQP Đài Loan trên twitter đã báo cáo các động thái của Trung Quốc xung quanh khu vực với mốc thời gian như sau: Ngày 2/12: 19 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 5 máy bay được phát hiện (J-16*4 và Y-8 ASW) đi vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam Đài Loan. Ngày 3/12: 14 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, máy bay được phát hiện (BZK-007 UCAV RECCE) đã vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan và tiến vào ADIZ phía tây nam. Ngày 4/12: 25 máy bay PLA và 4 PLAN, 10 máy bay được phát hiện (SU-30*2, J-16*4, J-10*2, Y-8 ASW, BZK-005) đã đi vào ADIZ phía tây nam. Ngày 5/12: 8 máy bay PLA và 4 tàu PLAN đã được phát hiện. Ngày 6/12: 20 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 6 máy bay được phát hiện (J-16*4, KJ-500 và H-6*2) đã đi vào ADIZ phía tây nam và đông nam. Ngày 7/12: 17 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 4 máy bay được phát hiện (SU-30, TB-001 UCAV RECCE, và J-10*2) đã đi vào ADIZ phía tây nam. Ngày 8/12: 27 máy bay PLA và 4 tàu PLAN, 11 máy bay được phát hiện (J-10*4, CH-4 UCAV, J-16*4, Y-8 ASW, BZK-005 UAV) đã đi vào ADIZ phía tây nam.

Xem thêm tại: Twitter, Ministry of National Defense, R.O.C. Report. Truy cập ngày 2-8/12/2022

Canada gửi thêm tàu ​​chiến qua eo biển Đài Loan nhằm cảnh báo Trung Quốc

Canada dự định điều thêm tàu ​​chiến đến eo biển Đài Loan để khẳng định vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền là vùng biển quốc tế sau khi Ottawa đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mô tả Bắc Kinh là một cường quốc “ngày càng rắc rối”. Canada đã đầu tư 298 triệu USD nhằm hỗ trợ quân sự cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho biết Ottawa sẽ tăng số lượng tàu khu trục được triển khai trong khu vực từ một tàu lên ba tàu chiến. Ngoài việc gửi thêm các nhà ngoại giao Canada đến khu vực này, bà cho biết Canada sẽ bố trí thêm các tùy viên quân sự trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Financial Times, Canada to send more warships through Taiwan Strait in signal to China. Truy cập ngày 6/12/2022

Triều Tiên bắn hơn 130 quả đạn pháo để cảnh cáo sau Hàn Quốc-Mỹ cuộc tập trận

Triều Tiên cho biết họ đã bắn hơn 130 quả đạn pháo ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây vào thứ Hai sau khi phát hiện các cuộc tập trận quân sự qua biên giới ở miền Nam. Một số quả đạn rơi xuống vùng đệm gần biên giới biển mà Seoul cho là vi phạm thỏa thuận Liên Triều năm 2018 được thiết kế để giảm căng thẳng. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội Hàn Quốc đã gửi một số thông tin liên lạc cảnh báo tới Triều Tiên về vụ việc. Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết quân đội Triều Tiên đã tiến hành khai hỏa sau khi phát hiện hàng chục “vỏ đạn” được bắn ở miền Nam gần đường biên giới chung.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea fires over 130 artillery rounds as warning after South Korea-U.S. drills. Truy cập ngày 6/12/2022

Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ áp lệnh trừng phạt Triều Tiên về vấn đề thử nghiệm tên lửa

Nhật, Hàn, và Mỹ đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt lên các quan chức Triều Tiên có liên quan đến các chương trình vũ khí trái phép khi Washington cáo buộc tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng đe dọa nghiêm trọng đến khu vực và toàn thế giới. Lệnh trừng phạt đóng băng bất cứ tài sản ở Mỹ nào của các cá nhân trong danh sách tuy nhiên chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng. Hàn Quốc cũng liệt kê thêm 7 cá nhân, bao gồm một người Đài Loan và Singapore, và 8 thực thể.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Japan, S Korea, US slap sanctions on N Korea over missile tests. Truy cập ngày 2/12/2022

Nhật Bản hợp tác với Mỹ về kế hoạch năng lực phản công chung

Nhật Bản sẽ chuẩn bị một kế hoạch hoạt động chung với quân đội Mỹ để có “khả năng phản công” để tấn công các địa điểm phóng tên lửa của kẻ địch và cải thiện độ chính xác của các cuộc phản công bằng cách sử dụng thông tin mà quân đội Mỹ thu được qua vệ tinh. Các mục tiêu phản công sẽ được giới hạn ở các mục tiêu quân sự. Do đó, cần phải biết vị trí của các căn cứ tên lửa và các mục tiêu khác, đồng thời dẫn đường chính xác cho các tên lửa tầm xa dùng làm phương tiện phản công. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản lập kế hoạch tác chiến hỗn hợp liên quan đến khả năng phản công.

Cùng lúc, Nhật Bản và Mỹ sẽ xem xét nghiên cứu chung về công nghệ tên lửa đánh chặn vũ khí siêu thanh do Trung Quốc và Nga triển khai. Kế hoạch là có thể đánh chặn vũ khí trong giai đoạn bay trước khi chúng rơi xuống đất ở độ cao mà các hệ thống phòng thủ hiện có không thể đáp trả. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ bắt đầu thiết kế động cơ tên lửa lớn và các thành phần khác cho tên lửa đánh chặn vào năm tài khóa 2023. Tên lửa đánh chặn cần bay quãng đường dài với tốc độ cao và có khả năng xoay chuyển để đáp ứng với những thay đổi trong quỹ đạo, được gọi là phương tiện đánh chặn siêu thanh (HGV). Nga đã triển khai HGV và Trung Quốc được cho là đã bắt đầu vận hành DF-17, một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn HGV.

Xem thêm tại: Asian Nikkei, Japan and U.S. eye joint research on hypersonic glide interception. Truy cập ngày 5/12/2022; Japan to work with U.S. on joint counterattack capability plan. Truy cập ngày 8/12/2022

Khối cầm quyền Nhật Bản nhất trí về sự cần thiết của ‘khả năng phản công’

Các đảng cầm quyền của Nhật Bản đã đồng ý hôm thứ Sáu rằng Tokyo nên cam kết đạt được “khả năng phản công” để giải quyết tình trạng xấu đi nhanh chóng của môi trường an ninh khu vực. Đảng Dân chủ Tự do đã ủng hộ việc đạt được khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù, trong khi đối tác liên minh cấp dưới là đảng theo chủ nghĩa hòa bình Komeito cảnh giác một động thái như vậy sẽ tạo ra sự thay đổi trong chính sách định hướng tự vệ độc nhất của Nhật Bản. Khả năng cho phép Nhật Bản bắn và vô hiệu hóa tên lửa của kẻ thù trước khi chúng được phóng từ lãnh thổ nước ngoài vẫn còn gây tranh cãi giữa các chuyên gia pháp lý, vì Nhật Bản đã theo đuổi chủ nghĩa hòa bình theo Hiến pháp từ bỏ chiến tranh kể từ năm 1947.

Xem thêm tại: Asian Nikkei, Japan ruling bloc agrees on need for ‘counterstrike capability’. Truy cập ngày 3/12/2022

Nhật Bản có kế hoạch tăng gần gấp ba đơn vị phòng thủ tên lửa ở các đảo xa

Nhật Bản đang xem xét tăng gần gấp ba số lượng đơn vị trong Lực lượng Phòng vệ được trang bị khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở các hòn đảo xa xôi phía tây nam của đất nước vào cuối năm tài khóa 2031. Kế hoạch này dự kiến ​​sẽ được đưa vào bản Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia Nhật, một chính sách xây dựng quốc phòng kéo dài 10 năm sẽ được cập nhật vào cuối năm nay, khi Tokyo tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ ở tây nam Nhật Bản với việc gia tăng số lượng phòng thủ tên lửa lên 11 đơn vị, một khu vực chiến lược quan trọng trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh của quân đội mình ở Biển Đông.

Xem thêm tại: Kyodo News, Japan plans to almost triple missile defense units in remote islands. Truy cập ngày 6/12/2022

Máy bay chiến đấu Nhật Bản đến Philippines lần đầu tiên kể từ Thế chiến II

Hôm thứ Ba vừa qua hai máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã hạ cánh xuống Philippines lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, như một phần của sự hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản và Lực lượng Không quân Philippines. Hai máy bay chiến đấu F-15 đã đến Căn cứ Không quân Clark, nơi có khoảng 60 thành viên ASDF tham gia các cuộc giao lưu được tổ chức từ ngày 27 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và hợp tác quốc phòng giữa các lực lượng của hai quốc gia. Sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu Nhật đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử giao lưu quốc phòng của Nhật Bản và Philippines.

Xem thêm tại: Kyodo News, Japanese fighter planes in Philippines for 1st time since WWII. Truy cập ngày 7/12/2022

Việt Nam – Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’

Với sự tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, hôm nay 5-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. Trong tuyên bố chung, lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng, an ninh và trị an đồng thời Mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển và các hướng hợp tác khác. Về mặt hợp tác an ninh quốc phòng, Việt Nam và Hàn tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, hợp tác công nghệ và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp đánh giá, dự báo về các vấn đề chiến lược có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia hai nước.

Xem thêm tại: TTO, Việt Nam – Hàn Quốc ra tuyên bố chung, nâng cấp quan hệ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’. Truy cập ngày 5/12/2022

Mỹ sẽ chuyển giao 12 máy bay huấn luyện T-6 Texan II cho Việt Nam

“Ba máy bay huấn luyện T-6 dự kiến được chuyển giao trong quý I năm 2024, 2-3 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào cuối năm đó. 6-7 máy bay còn lại được chuyển vào năm 2027”, chuẩn tướng Sarah Russ thuộc lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết trong họp báo sáng nay tại đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.

Việt Nam hồi năm 2018 cử hai phi công tham gia khóa đào tạo dài 52 tuần với máy bay T-6 Texan II trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ. Thượng uý Đặng Đức Toại trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong ALP vào ngày 31/5/2019, đồng đội của anh là trung uý Doãn Văn Cảnh cũng hoàn tất chương trình huấn luyện không lâu sau đó.

T-6 Texan II là dòng máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi do tập đoàn Raytheon của Mỹ chế tạo dựa trên mẫu Pilatus PC-9 của Thụy Sĩ. Nó được phát triển trong thập niên 1990 và đưa vào biên chế quân đội Mỹ từ năm 2001, thay thế mẫu Cessna T-37B của không quân và T-34C Turbo Mentor hải quân.

Xem thêm tại: VNE, Mỹ nói sắp chuyển giao 12 máy bay huấn luyện cho Việt Nam. Truy cập ngày 9/12/2022

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi:

Lực lượng Mỹ giám sát vùng trời Trung Đông tại căn cứ Qatar trong bối cảnh World Cup

Khoảng 8.000 lính Mỹ đồn trú để canh chừng vùng trời Trung Đông đầy biến động từ một căn cứ lớn do Mỹ điều hành. Được xây dựng trên một dải sa mạc bằng phẳng cách thủ đô Doha của Qatar khoảng 20 dặm (30 km) về phía tây nam, Căn cứ Không quân Al-Udeid từng được coi là nhạy cảm đến mức các sĩ quan quân đội Mỹ xác định nó chỉ nằm ở đâu đó “tại Tây Nam Á”. Vào lúc cao điểm của các cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Syria, hơn 10.000 binh sĩ đã gọi căn cứ này và các địa điểm khác ở Qatar là nhà. Con số đó đã giảm 1/5 kể từ khi chính quyền Biden bắt đầu rút bớt một số lực lượng khỏi Trung Đông để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc và Nga.

Xem thêm tại: AP, US forces monitor Mideast skies at Qatar base amid World Cup. Truy cập ngày 3/12/2022

Israel thử vũ khí chống tên lửa Barak trên biển

Tàu hộ tống lớp Sa’ar 6 của Hải quân Israel đã đánh chặn mục tiêu mô phỏng tên lửa hành trình tiên tiến bằng vũ khí tầm xa Barak. Cuộc thử nghiệm gần đây do Hải quân, Tổng cục Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Bộ Quốc phòng và nhà sản xuất Barak Israel Aerospace Industries sử dụng tàu INS Oz thực hiện đánh dấu một “cột mốc quan trọng” trong quá trình phát triển tên lửa đánh chặn Barak. Tên lửa đánh chặn hành trình tầm xa Barak là một phần của hệ thống phòng không Barak MX, hệ thống này có khả năng phóng thẳng đứng và bao phủ 360 độ tương tự như Barak 8 của Ấn Độ.

Xem thêm tại: Defense News, Watch Israel test its anti-missile Barak weapon at sea. Truy cập ngày 2/12/2022

Máy bay chiến đấu của Israel tấn công Gaza khi EU kêu gọi ‘chịu trách nhiệm’

Các máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công các địa điểm ở Dải Gaza sau khi một tên lửa rơi ở miền nam Israel và khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở Bờ Tây bị chiếm đóng, nơi 10 người Palestine đã bị lực lượng Israel giết kể từ tuần trước. Quân đội Israel cho biết các cuộc không kích vào đầu giờ Chủ nhật nhắm vào một cơ sở sản xuất vũ khí và một đường hầm dưới lòng đất của Hamas. Không có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về quả tên lửa mà quân đội Israel cho biết đã rơi xuống một khu vực trống gần hàng rào ngăn cách của Israel vào tối thứ Bảy không gây ra thương vong hoặc thiệt hại về tài sản.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli warplanes attack Gaza as EU calls for ‘accountability’. Truy cập ngày 5/12/2022

CH Congo cáo buộc nhóm phiến quân M23 giết 50 dân thường

Lực lượng vũ trang Congo cáo buộc nhóm phiến quân M23 và đồng minh giết 50 dân thường trong cuộc thảm sát diễn ra hôm thứ Ba tại phía đông thị trấn Kishishe. Hàng chục nghìn người đã phải di dời do giao tranh tái diễn vào tháng trước giữa các lực lượng vũ trang và M23, lực lượng đang tiến hành cuộc tấn công nghiêm trọng nhất ở miền đông DRC kể từ năm 2012. Congo cũng cáo buộc nước láng giềng của mình, Rwanda, hỗ trợ M23, một cáo buộc mà Kigali đã bác bỏ.

Xem thêm tại: Al Jazeera, DR Congo army accuses M23 rebels of killing 50 civilians. Truy cập ngày 2/12/2022

Estonia mua hệ thống HIMARS khi các đồng minh phía đông tăng cường dự trữ pháo

Estonia đã ký hợp đồng với Mỹ để mua sáu Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142, hay HIMARS, gia nhập nhóm các đồng minh Đông Âu đang mở rộng nhanh chóng khi để mắt đến vũ khí sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thỏa thuận được ký kết giữa ECDI và Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA), trị giá hơn 200 triệu USD. HIMARS là bệ phóng tên lửa di động tầm xa do công ty quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Việc Ukraine sử dụng các hệ thống do Mỹ cung cấp để chiến đấu chống lại sự xâm chiếm lãnh thổ của Nga đã kéo theo một số thành viên Đông Âu của NATO mua vũ khí.

Xem thêm tại: Defense News, Estonia buys HIMARS, as eastern allies boost artillery arsenals. Truy cập ngày 7/12/2022

 

Chuyên mục Phân tích:

Cuộc chiến tại Ukraine bước sang giai đoạn mới với mùa đông đầu tiên

Mùa đông đang đến với chiến trường Ukraine, dấy lên nhiều câu hỏi về cách tiến hành chiến tranh và ở một số góc độ, liệu chiến tranh có thể được tiến hành hiệu quả hay không trong khoảng thời gian này.

Các quan chức Ukraine tin rằng việc ngừng hoạt động chiến đấu vào mùa đông sẽ tạo cơ hội cho quân đội Nga đang bị bao có thời gian nghỉ ngơi, tập hợp lại và cố gắng lấy lại động lực đã bị mất trong suốt hơn 9 tháng giao tranh. Vì vậy, ngay cả trong những tháng lạnh giá sắp tới, Ukraine vẫn quyết tâm duy trì áp lực quân sự lên kẻ thù vượt trội về số lượng nhưng lại đang chùn bước. Nhưng Nga đang sử dụng một chiến thuật gây áp lực của riêng mình: đó là phá hủy có chủ ý cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, với mục tiêu gián tiếp làm lung lay tinh thần của nhân dân Ukraine. Các đợt oanh tạc bắt đầu rầm rộ vào đầu tháng 10 nhằm vào các mục tiêu như nhà máy nhiệt điện và các trạm biến áp đã đẩy lưới điện quốc gia đến bờ vực sụp đổ, trong khi nhiệt độ lại đang giảm mạnh. Thừa nhận điều đã trở thành bản chất hai mặt của cuộc chiến – nhu cầu của quân đội về vũ khí tinh vi, cả tấn công lẫn phòng thủ, và nhu cầu ngày càng tăng của dân chúng khi thiếu điện.

Bất chấp thời tiết khắc nghiệt trên chiến trường, các nhà phân tích và quan chức phương Tây tin rằng các chỉ huy Ukraine sẽ tiếp tục duy trì sức ép trong những tháng thời tiết lạnh giá để chiếm lại nhiều lãnh thổ do Nga kiểm soát. Mưa mùa thu, dẫn đến bùn dày đã làm chậm tốc độ trận chiến, nhưng mặt đất đóng băng vào cuối mùa đông sẽ lại cho phép các thiết bị hạng nặng di chuyển tự do hơn. Đây cũng là lý do khiến ông Putin phải đợi đến tháng 2 mới tiến hành xâm lược. Nhưng cuộc chiến sắp tới sẽ rất tàn khốc ở những nơi như Bakhmut, thành phố phía đông đã từng là một vòng xoáy tàn sát do các lực lượng Nga gây ra, bao gồm cả lính đánh thuê từ nhóm tư nhân khét tiếng Wagner. Ở phía nam, bờ Biển Đen hiện có thể là bàn đạp quan trọng cho các lực lượng Ukraine. Trong nhiều tháng, Ukraine đã bảo vệ thành công thành phố Mykolayiv, mặc dù các cuộc tấn công bằng tên lửa gần như liên tục đã tàn phá nhiều khu vực của thành phố này. Thành phố Kherson, hiện đã được giải phóng khỏi sự chiếm đóng kéo dài 8 tháng của Nga, đã bị Nga pháo kích dữ dội từ bên kia sông Dnieper, nơi các lực lượng của Moscow đã củng cố hệ thống phòng thủ của họ để đề phòng một cuộc tấn công mới của Ukraine. Đối với Ukraine, ngay cả những chiến thắng cũng bị che mờ bởi đau khổ. Tháng trước, các nhà chức trách đã bắt đầu sơ tán dân thường khỏi các khu vực mới chiếm lại ở các tỉnh Kherson và Mykolayiv vì điều kiện mùa đông sẽ rất khó khăn do thiếu nhiệt, điện và nước.

Xem thêm tại: SCMP, Ukraine war enters new phase with first winter since Russia’s invasion. Truy cập ngày 3/12/2022

Chúng ta biết về máy bay ném bom tàng hình B-21 mới của Mỹ?

Lần đầu tiên sau hơn 30 năm Lực lượng Không quân Mỹ ra mắt mẫu máy bay ném bom tàng hình mới mang tên B-21. Thế hệ máy bay ném bom tàng hình chiến lược tầm xa này được thiết kế để thay thế B-1 Lancer và B-2 Spirit nay đã trở nên lỗi thời và trở thành xương sống của lực lượng ném bom Không quân Mỹ. B-2 Spirit là mẫu máy bay ném bom đi trước thời đại khi được phủ lớp vật liệu tân tiến khắp thân kết hợp giữa thiết kế mới cho khung máy bay và cửa động cơ làm tăng khả năng “tàng hình” trước radar. Lợi thế này giúp B-21 thực hiện các nhiệm vụ không kích tầm xa ở các khu vực phòng thủ kiên cố với khả năng sống sót cao, điều mà những máy bay ném bom khác như B-1 và B-52 chưa thể làm được.

Vậy điều gì làm cho B-21, mẫu kế vị của B-2 này đặc biệt? Nhiều chi tiết vẫn được giấu kín, nhưng có thể thấy B-21 Raider vẫn giữ rất nhiều từ thiết kế của đàn anh như cánh bay và động cơ được thiết kế để giảm tín hiệu phát xạ radar. Thiết kế khung thân của B-21 cũng nhỏ hơn do đó khả năng mang bom và tên lửa cũng bị giảm một nữa. B-21 cũng không có tốc độ quá nhanh, khi được thiết kế để bay với tốc độ cận siêu thanh. Tuy nhiên, các máy bay đời mới có giá thành rẻ hơn và phí bảo trì thấp hơn đáng kể so với đàn anh của mình. Do đó chúng sẽ được mua với số lượng cao hơn khi không phải bỏ ra quá nhiều tiền và sức người để duy trì.

Vậy B-21 có gì mới hơn? Những gì Không quân Mỹ yêu cầu là xây dựng một hệ thống vũ khí tấn công có cảm biến tầm xa mạnh mẽ và có tính kết nối cao có khả năng chia sẻ dữ liệu về loại kẻ thù mà nó đang đối phó. B-21 phù hợp với chiến lược mạng lưới kể trên, khi nó có khả năng thu thập và chuyển giao thông tin tình báo tới các máy bay, vệ tinh hay các hệ thống radar thân thiện. Nói cách khác, bộ não máy tính của B-21 là thứ tài sản quý giá, và việc sử dụng phần mềm mã nguồn mở cho phép B-21 có thể được nâng cấp dễ dàng, đảm bảo duy trình tính linh hoạt và ưu thế công nghệ đồng thời đảm bảo kéo dài độ hữu ích của nó. Mẫu máy bay ném bom này còn có thể bay theo phương thức có người lái hoặc không người lái và các khoang vũ khí bên trong của nó sẽ cho phép mang theo các tên lửa tàng hình tầm xa mới nhất như JASSM (Tên lửa liên kết không đối đất) cũng như các loại vũ khí hạt nhân và thông thường khác.

Các tính năng trên của B-21 rất quan trọng nếu nó muốn sống sót khi thực hiện nhiệm vụ. Gần đây các bước tiến trong công nghệ radar lượng tử khiến cho các loại máy bay tàng hình dể bị phát hiện. Trong nhiều thập kỷ máy bay tàng hình đã thống trị bầu trời, nhưng nếu radar lượng tử thực sự hoạt động hiệu quả thì lợi thế trọng yếu của máy bay tàng hình Mỹ sẽ biến mất chỉ trong một đêm. Tuy nhiên, cho dù B-21 không thể tàng hình thì các chức năng khác vẫn khiến nó trở nên chết người với khả năng tiếp thu thông tin ở mức độ lớn hơn kẻ thù của mình. Trung Quốc đã theo dõi khả năng tác chiến của các loại máy bay ném bom tàng hình của Mỹ trong nhiều thập kỷ, và Bắc Kinh đã đẩy mạnh nghiên cứu nhằm chế tạo máy bay ném bom tàng hình Xian H-20 của riêng mình. B-21 Raider sẽ gặp phải những kẻ thách thức trong thời gian sắp tới.

Xem thêm tại: Al Jazeera, What we know about new US B-21 stealth bomber, first in 30 years. Truy cập ngày 2/12/2022

Phương Tây học được gì từ cuộc chiến tại Ukraine?

Kể từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, nhiều thứ đã thay đổi trong suốt mười tháng qua với các thảo luận liên quan tới tính hữu dụng của xe tăng, sự xuất hiện của các loại phương tiện bay không người lái giúp thay đổi thế trận và vũ khí chống tăng của phương Tây tràn vào Ukraine. Từ đó, có rất nhiều bài học mà phương Tây có thể lĩnh hội từ cuộc chiến tại Ukraine suốt mười tháng qua.

Cuối tháng 11 vừa qua Học viện Quân sự Hoàng gia Anh (RUSI) xuất bản một bản báo cáo về những bài học từ 5 tháng đầu của cuộc chiến, khoảng thời gian Ukraine chủ yếu ở thế phòng thủ. Cuộc xâm lược thất bại, nhưng trong vòng 48 tiếng đầu của cuộc chiến, Nga đã tấn công phá hủy 75% hệ thống phòng không cố định của Ukraine, thành công ngắt kết nối vệ tinh của Ukraine bằng các cuộc tấn công mạng và khiến cho các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Ukraine tê liệt trong nhiều tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, Nga đã phải mất đến hai ngày hoặc hơn để truyền mục tiêu tình báo về cho trung tâm tác chỉ huy ở Moscow để phát lệnh tấn công.

Mỹ rõ ràng không thể chờ cho Trung Quốc mắc sai lầm tương tự trong cuộc chiến ở Đài Loan. Điều đó nghĩa rằng binh sĩ phải nhanh nhẹn hơn, và tránh tập trung tại một chỗ quá lâu vì quân địch sẽ phát hiện ra dù họ có hoạt động theo từng nhóm nhỏ. Tiếp đó, vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine như tên lửa chống tăng NLAW và Javelin cũng như drone TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ thực tế không hiệu quả như những gì phương Tây vẫn tuyên truyền. Chiến thuật háo kích thực sự đóng vai trò quan trọng và là điều các quân đội Châu Âu cần phải chú ý. Kho vũ khí của Ukraine lớn đến đáng sợ, khi Kyiev bắt đầu cuộc chiến với hơn 1000 hệ thống pháo ống và 1,680 rocket bắn loạt – hơn cả Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan gộp lại.

Hạn chế chủ yếu của phương Tây là đạn dược. Drone đóng vai trò không thể thiếu cho việc thu thập tình báo, giám sát và trinh sát hơn là thực hiện nhiệm vụ tấn công. Nhưng bài học chủ chốt ở đây là quân đội cần nhiều drone hơn những gì họ nghĩ. Cuộc chiến cũng cho ta thấy cách đánh bại drone. Nga sử dụng đơn vị trinh sát để định vị mục tiêu bằng laze, nhưng Ukraine có thể chặn lại bằng bom khói. Cách tiêu diệt drone quan trọng nhất là sử dụng chiến tranh điện từ (electronic warefare), loại vũ khí bị lép vế bởi vũ khí tàng hình. EW của Nga đã buộc Ukraine phải hạn chế cách họ sử dụng máy bay không người lái của mình. Về lý thuyết, chúng có thể được điều khiển từ xa qua các mục tiêu của Nga và gửi lại cảnh quay trực tiếp cho một đơn vị pháo binh. Trong thực tế, phát xạ vô tuyến cần thiết cho điều hướng và liên lạc, từ cả máy bay không người lái và trạm mặt đất, có thể được phát hiện và trong một số trường hợp bị gián đoạn bởi cuộc tấn công điện tử. Vì vậy, thay vào đó, Ukraine đã phải bay nhiều máy bay không người lái của mình trên các tuyến đường được thiết lập sẵn, với dữ liệu được tải xuống khi quay trở lại. Đó thường là vài giờ sau đó, lúc đó mục tiêu có thể đã di chuyển. Dữ liệu của Ukraine cho thấy chỉ một phần ba các nhiệm vụ bằng máy bay không người lái chứng minh là thành công.

Xem thêm tại: Economist, What is the war in Ukraine teaching Western armies? Truy cập ngày 2/12/2022

Chiến tranh Ukraine phơi bày ‘thực tế phũ phàng’ về năng lực vũ khí của phương Tây

Sau hơn mười tháng với rất nhiều nỗ lực viện trợ vũ khí cho Ukraine, phương Tây giờ đây đối mặt với vấn đề gia tăng khả năng sản xuất đạn dược khi cuộc chiến đang gặm nhấm kho dự trữ của các đồng minh Kyiev. Vấn đề không chỉ nằm ở khả năng tiếp tục viện trợ vũ khí cần thiết cho Ukraine mà còn là khả năng cho các đối thủ như Trung Quốc thấy rằng phương Tây có đủ khả năng răn đe, với một khả năng công nghiệp quốc phòng hiệu quả trước những cuộc tấn công tiềm tàng. Mỹ đã gửi một phần ba số tên lửa chống tăng Javelin dự trữ và một phần ba số tên lửa đối không Stinger cho Ukraine, tạo ra áp lực cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Anh cũng gặp vấn đề về việc bổ sung tên lửa chống tăng NLAW. Kho vũ khí của châu Âu thậm chí còn chắt chiu hơn. Pháp gửi sáu khẩu pháo tự hành Caesar hồi tháng 10 và chỉ làm được khi chuyển hướng đơn đặt hàng pháo công nghệ cao sang Đan Mạch.

Có hai nguyên nhân chính khiến các nước phương Tây gặp phải vấn đề này. Trước nhất là về mặt cấu trúc, kể từ sau Chiến tranh Lạnh các nước phương Tây đã phải giảm thiểu các khoản chi quân sự, thu hẹp công nghiệp quốc phòng và chuyển sang sản xuất “vừa đủ” và giảm dự trữ trang thiết bị như đạn dược. Chiến đấu với phiến quân nổi loạn và khủng bố không còn cần đến những loại vũ khí hạng nặng cho các cuộc xung đột căng thẳng trên đất liền. Nhưng giả định này đã thay đổi đối với Ukraine, tại mặt trận Donbas mùa hè qua Nga tiêu tốn đạn trong vòng hai ngày bằng với Anh trong vòng một tuần. Nguyên nhân thứ hai là quan liêu. Dù các chính phủ phương Tây nói rằng họ cam kết với các khoản chi quốc phòng lớn hơn, nhưng giữa sự vô định về kinh tế họ đã chậm trễ trong việc đưa ra các hợp đồng dài hạn cho các nhà thầu quốc phòng để điều hướng sản xuất. Điều này khiến cho các tập đoàn quốc phòng như Saab (Đan Mạch), BAE (Anh) lo sợ rằng nếu như các tập đoàn này mở rộng năng suất sản xuất và sau đó cuộc chiến kết thúc thì các bộ quốc phòng sẽ cắt hợp đồng của họ.

Xem thêm tại: Financial Times, Ukraine war exposes ‘hard reality’ of west’s weapons capacity. Truy cập ngày 3/12/2022

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân sẽ khiến các nước láng giềng lo lắng

Các nhà phân tích quân sự cho biết sự gia tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân và sức mạnh quân sự của Trung Quốc sẽ gây lo ngại cho các nước láng giềng, mặc dù Bắc Kinh có lý do chính đáng để tăng cường an ninh. Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc về sức mạnh và chiến lược quân sự của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh hiện có khoảng 400 đầu đạn hạt nhân và con số này có thể lên tới 1.500 vào năm 2035. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng Mỹ đang sử dụng các số liệu được phóng đại làm cái cớ để phát triển sức mạnh quân sự của mình. Bộ quốc phòng Mỹ cho biết yếu tố quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là sự quyết tâm theo đuổi việc tích lũy và bành trướng sức mạnh quốc gia của mình nhằm chuyển đổi các khía cạnh của hệ thống quốc tế sao cho hệ thống chính trị Trung Quốc và các lợi ích quốc gia được ưu ái hơn. Một khía cạnh nữa nằm ở việc tăng cường khả năng răn đe của PLA. Châu Trần Minh (Zhou Chenming), nghiên cứu viên tại think tank khoa học và công nghệ quân sự Yên Vương, cho rằng tình hình mất ổn định anh ninh xung quanh Trung Quốc đã đẩy Bắc Kinh quyết định nhanh chóng xây dựng sức mạnh quân sự. Tiếp đó, Timothy Health, chuyên viên phân tích cấp cao tại Rand Corporation cho rằng các mục tiêu hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc có cả mục đích dân sự và quốc phòng, rằng một quân đội mạnh và hiện đại có thể giúp Đảng Cộng sản củng cố chỗ đứng trong lòng dân về mặt chính trị. Thêm vào đó, Health cũng cảnh báo các lãnh đạo Trung Quốc phải nhận ra việc xây dựng một đội quân hùng mạnh sẽ hiển nhiên khuấy động nỗi sợ giữa các quốc gia láng giềng. Bradley Bowman, giám đốc cấp cao Viện Quân sự và Quyền lực Chính trị tại Washington, cũng đồng tình rằng việc Trung Quốc bành trướng sức mạnh quân sự khiến cho láng giềng của mình đứng ngồi không yên. Bowman cũng cho biết sức mạnh quân sự đang tăng của Trung Quốc đồng thời tạo ra lý do cho các đồng minh của Mỹ tại khu vực mong muốn sự hiện diện của Mỹ nhiều hơn tại khu vực dẫn đến sự phát triển của cái gọi là bộ Tứ gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, với mục đích chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và hung hăn hơn.

Xem thêm tại: SCMP,  Huge nuclear arms push by China would worry neighbours, analysts warn, as US report sees 1,500 warheads by 2035. Truy cập ngày 4/12/2022

Tại sao hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật lại cần khả năng phản công?

Các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Nhật đã thảo luận rất sôi nổi về việc đạt được khả năng tấn công về mặt phòng thủ tên lửa. Cuộc tranh luận về việc tiếp nhận “khả năng phản công” hay còn được biết đến là “khả năng tấn công căn cứ quân địch” đã tăng nhiệt theo cấp số nhân khi Ủy ban Nghiên cứu An ninh của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đề xuất rằng Nhật Bản phải xem xét việc có được những khả năng như vậy để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa. Dưới cái gọi là hệ thống phòng thủ “ngọn giáo và chiếc khiên” (spear and shield), trong đó Nhật là chiếc khiên còn Mỹ là ngọn giáo, Tokyo tập trung vào việc phát hiện/theo dõi tên lửa đạn đạo bằng radar hoạt động dưới Không gian Khu vực Phòng thủ Hàng Không Nhật (JADGE) sau đó đánh chặn tên lửa với hai lớp phòng thủ. Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật (SDF) sẽ đánh chặn tên lửa từ các tàu khu trục Aegis ở giai đoạn giữa và Lực lượng Phòng vệ Trên không sẽ đánh chặn chúng bằng Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo PAC – 3 ở giai đoạn cuối. Trong khi đó, lực lượng Mỹ sẽ cung cấp cho Nhật Bản thông tin về các vụ phóng tên lửa được vệ tinh cảnh báo phát hiện sớm và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa chống lại kẻ tấn công. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc sở hữu hơn 600 tên lửa đạn đạo tầm ngắn SRBM (có tầm từ 300-1000km), 500 tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM, 1,000-3000 km), 250 tên lửa đạn đạo tầm trung cao (IRBM, 3000-5,500 km), 300 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM, hơn 5,500km) cũng như hơn 300 tên lửa phóng từ đất liền (GLCM). Với số lượng tên lửa khổng lồ như vậy, Nhật Bản không thể nào bảo vệ mình khi thiếu hụt tên lửa đánh chặn trước một cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc. Tokyo không thể nào đạt được khả năng răn đe bằng cách chống xâm nhập khi chỉ tăng cường “lá chắn” của mình. Theo lẽ đó, việc đạt được khả năng phản công trở nên hợp lý về mặt chuỗi cung ứng, tài chính và chiến lược. Hiện tại, Nhật đang cân nhắc tổng cộng 10 loại tên lửa cho khả năng phản công, bao gồm tên lửa tấn công hỗn hợp (JSM), tên lửa cảnh giác không đối đất đất hỗn hợp (JASSM) và tên lửa đối hạm tầm xa (LRASM).

Xem thêm tại: Diplomat, Why Japan’s Missile Defense Requires ‘Counterstrike Capabilities. Truy cập ngày 8/12/2022

Việt Nam chuyển hướng buôn bán vũ khí khi nới lỏng quan hệ với Nga

Việt Nam dự định chuyển dịch quốc phòng lớn khi Hà Nội muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga và triển khai xuất khẩu vũ khí tự mình sản xuất. Việt Nam là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới với kinh phí nhập khẩu vũ khí ước tính lên đến 1 tỷ USD và tiếp tục tăng trong bối cảnh căng thẳng thất thường với Trung Quốc. Hầu hết số kinh phí đó trước đây đổ vào Nga, một trong những nguồn cung vũ khí và hệ thống quốc phòng chính của Việt Nam do đó khiến Việt Nam trở thành khách hàng mua sắm vũ khí hàng đầu của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng điều đó đang thay đổi khi Hà Nội cố gắng trở nên tự chủ để tự sản xuất trang bị tân tiến mà Nga không thể cung cấp cũng như đối mặt với áp lực cắt giảm giao dịch với Nga từ phương Tây trong bối cảnh Moscow xâm lược Ukraine. Thay vào đó, Việt Nam chuyển sang các nhà cung cấp từ châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel, và Mỹ song song với việc gia tăng công nghiệp quốc phòng nội địa để có thể xuất khẩu vũ khí với sự hỗ trợ của Israel và các đối tác khác. Thứ Năm 8/12 Hà Nội tổ chức triển lãm quốc phòng quốc tế quy mô lớn đầu tiên với sự tham gia của 170 đơn vị, bao gồm cả các công ty phương Tây như Lockheed Martin của Mỹ và Nexter của Pháp. Triển lãm quốc phòng quốc tế kéo dài ba ngày này sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa kênh và nguồn mua sắm công nghệ nhằm sản xuất trang thiết bị quân sự cho quân đội của mình và xuất khẩu sang nước khác. Nguyễn Thế Phương, chuyên gia quốc phòng Việt Nam cho biết Việt Nam sản xuất xe vũ trang và vũ khí hạng nhẹ như rocket chống tăng, súng phóng lựu, súng máy. Thêm vào đó Việt Nam cũng bắt đầu phát triển thêm các hệ thống công nghệ tiên tiến bao gồm drone, radar, tên lửa chống hạm. Tuy nhiên, Siemon Wezeman, nghiên cứu viên cấp cao tại SIPRI cho rằng khả năng sản xuất của Việt Nam rất hạn chế, với chỉ một cơ số nhỏ drone trinh sát xuất khẩu trong thập niên vừa qua. Tiếp đó, Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Yusolf – Ishak ISEAS cho rằng khả năng các nước sẽ mua vũ khí hạng nhẹ hầu hết là các nước láng giềng Việt Nam như Lào và Campuchia. Ông Phương nối tiếp khi cho rằng các khách hàng tiềm năng khác sẽ là các nước châu Mỹ latinh và Đông Nam Á. Theo ông Hợp, Việt Nam đang thương thảo để nhập khẩu vệ tinh và các sản phẩm lưỡng dụng từ các đối tác ngoài Nga. Ấn Độ, Israel và các nước Đông Âu trở thành các nhà cung cấp thay thế tốt hơn vì họ có thể cung cấp vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga hiện vẫn chiếm 80% kho vũ khí của Việt Nam. Đối với các hệ thống tân tiến hơn thì các nhà sản xuất từ Mỹ và Đông Á cũng có tiềm năng trở thành nhà cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Xem thêm tại: Reuters, Analysis: Vietnam shifts gears on arms trade as it loosens ties with Russia. Truy cập ngày 7/12/2022