Nguồn: Chun Su-jin, “金正恩真的会让女儿成为接班人吗”, New York Times 31/05/2023
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Trong hơn sáu tháng qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đã cho thế giới một cái nhìn chưa từng có về cuộc sống riêng tư của ông. Trong bộ ảnh đầu tiên, một cô gái đi giày đỏ, cột tóc đuôi ngựa, tay trong tay với lãnh tụ họ Kim đi bên cạnh một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu Hwasong-17. Sau đó lại có bức ảnh cho thấy cô bé nhìn vào mắt cha mình tại một hoạt động chúc mừng thành công của các nhà khoa học vũ khí, và nhẹ nhàng vỗ vai cha cô trong một cuộc diễu binh. Vào ngày 16 tháng 5 năm nay, hai cha con được cho là cùng mặc áo khoác trắng của nhân viên phòng thí nghiệm khi đi thị sát hoạt động của một vệ tinh do thám.
Kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã hơn chục lần công bố những bức ảnh hai cha con cùng nhau xuất hiện. Có thể tin chắc là mọi thứ trong ảnh, từ kiểu tóc đến găng tay đều đã được dàn dựng công phu. Các nhà phân tích coi những bức ảnh đó là sự xác nhận Kim Jong-un đã có người kế vị, mặc dù chưa thể độc lập xác minh tính xác thực của các bức ảnh. Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, Triều Tiên gần như bị cô lập hoàn toàn. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của chế độ Triều Tiên đã bận rộn dàn dựng “chính trị nhiếp ảnh” (photography politics), làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi, các câu hỏi và tin tức từ thế giới bên ngoài.
Giờ đây, khi các vụ thử tên lửa định kỳ của Triều Tiên đã không thể tạo ra những tin tức giật gân mà Kim Jong-un khao khát, dường như ông đang tận dụng sức hấp dẫn dạng ngôi sao toàn cầu của con gái mình. “Chủ tịch Kim luôn khao khát được mọi người chú ý, nhưng ánh đèn sân khấu không còn tập trung chiếu về phía ông ấy nữa” — Kim Yong-soo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Triều Tiên nói, nhắc lại chuyện lần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên từng thu hút sự chú ý của giới truyền thông thế giới khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018 và 2019. Những bức ảnh chụp chung với con gái ông mới công bố đã có tác dụng phân tán sự chú ý của dư luận đối với việc Kim Jong-un không cung cấp đủ lương thực và năng lượng cho dân nước mình. Hơn nữa, theo Su Kim ở Viện Nghiên cứu Lowy, điều đó cũng làm cho cộng đồng quốc tế chẳng thể tập trung chú ý vào các giải pháp lâu dài cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Vậy chúng ta đã biết gì về cô gái này? Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, cô bé tên là Kim Ju-ae [chữ Hán là Kim Châu Ái, với Châu nghĩa là châu báu. Cũng có báo viết Kim Chủ Ái, với Chủ là chủ nhân], khoảng 10 tuổi, là con thứ hai của Kim Jong-un. Cô bé này hồi nhỏ từng được ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman ẵm. Mọi thông tin khác chủ yếu là phỏng đoán. Giờ đây, những người theo dõi tình hình Triều Tiên thích tranh luận nhất về chủ đề: Liệu cô bé có phải là người kế vị đã được xác định của Chủ tịch Kim hay không?
Có những dấu hiệu cho thấy câu trả lời là có. Chính quyền Triều Tiên lâu nay đều say mê hình ảnh thần tượng, điều đó một phần tạo ra sự sùng bái cá nhân xung quanh mỗi nhà lãnh đạo Triều Tiên. Có thể coi tình thân thiết giữa Kim Ju-ae với Kim Jong-un là một kiểu đồng ý chính thức. Người kế vị cũng phải là hoá thân của người tiền nhiệm, có sự hiểu biết thấu triệt về tư tưởng “tiên quân” [coi trọng quân sự] của chính quyền Triều Tiên. Những tấm ảnh nói trên dường như đã nói rõ điểm này.
Quyền lợi thế tập của Kim Ju-ae từng được tăng cường trong “câu chuyện được thêu dệt nói về dòng máu cách mạng vẻ vang chảy trong huyết quản của gia tộc họ Kim”, như lời một báo cáo năm 1988 của RAND Corporation về tính chính danh của chính quyền Kim Jong-il, ông nội của Kim Ju-ae. Tháng 2 năm nay, đài truyền hình quốc gia Triều Tiên nhấn mạnh, Kim Ju-ae là hậu duệ trực hệ (đích tôn) của huyết thống Bạch Đầu Sơn (Paektu), ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên (trong thần thoại chính thức của nhà nước, ông nội Kim Ju-ae được sinh ra trên Bạch Đầu Sơn), và có công bố ảnh chụp con ngựa trắng mà con trai “yêu quý nhất” của nhà lãnh đạo Triều Tiên sở hữu. Trước đó, truyền thông Triều Tiên từng công bố bức ảnh Kim Jong-un cưỡi ngựa trắng dưới chân dãy Bạch Đầu Sơn. Về sau, theo tin mới đây của đài Châu Á tự do, chính quyền Triều Tiên đã yêu cầu người Triều Tiên nào có tên “Ju-ae” đều phải đổi tên. Trước đây cũng từng có chuyện tương tự, yêu cầu ai cùng tên với nhà lãnh đạo tiền nhiệm đều phải đổi tên.
Cũng có người nói Kim Ju-ae không có cơ hội trở thành người kế vị. Ở một đất nước nơi mọi ý đồ đều được giấu kín, thì lịch sử và các sự kiện hiện tại sẽ định trước mục đích và số phận của cô bé. Theo dòng suy nghĩ ấy, truyền thống đàn ông thống trị và bất bình đẳng giới tính thâm căn cố đế của Triều Tiên và của vương triều họ Kim sẽ không thể lay chuyển.
Từ nhà lập quốc Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), đến Kim Jong-il, và bây giờ là Kim Jong-un, chính quyền Triều Tiên liền một mạch được truyền từ đời cha sang đời con. Ba thế hệ nam giới liên tiếp được tuyên bố là những nhà lãnh đạo tối cao và họ cai trị Triều Tiên bằng một công thức duy nhất với trung tâm là “Thánh nhân” của mỗi thế hệ. Hệ tư tưởng của Triều Tiên, được gọi là “Tư tưởng Chủ thể” (Juche), pha trộn chủ nghĩa xã hội với học thuyết Nho giáo. Học thuyết này là một hệ thống thứ bậc, quy định nam giới có địa vị cao hơn nữ giới và hạn chế các hoạt động của phụ nữ. Trong lý thuyết về chủ nghĩa xã hội đại gia đình của Triều Tiên, xã hội là một thể hữu cơ “tạo thành bởi Thánh nhân (Suryong, lãnh tụ vĩ đại) làm nòng cốt, với Đảng cùng nhân dân vây quanh. Trong cái xã hội mà mọi người cùng bị trói buộc vào vận mệnh chung ấy, giữa các cá nhân với nhau tồn tại một mối quan hệ không thể tách rời”, theo lời Kim Won-hong trong một bài báo xuất bản năm 2004 dưới tiêu đề “Phụ nữ Triều Tiên: Quan sát chi tiết về đời sống hàng ngày”. Dĩ nhiên, nòng cốt là chủ gia đình, tức gia trưởng.
Truyền thống lập con trai trưởng làm người thừa kế đã có lịch sử hàng trăm năm ở Triều Tiên; Kim Jong-un là con út trong nhà, chỉ được kế nhiệm sau khi cha ông không chấp nhận hai người anh của Kim Jong-un làm người kế vị. Theo Cục Tình báo Hàn Quốc, mọi người cho rằng Kim Jong-un có ít nhất một con trai (tức anh của Kim Ju-ae), và còn có một con nữa nhưng người ngoài chưa biết là trai hay gái; vì thế Kim Ju-ae không có nhiều khả năng là người kế vị. Koo Hae-woo, một cựu đặc vụ cấp cao từng làm ở Cục Tình báo Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên cũng đang thổi “làn gió cách mạng giới tính”, tuy thế ông vẫn dự đoán “lãnh đạo tối cao chỉ có thể là nam giới”.
Trên đất Triều Tiên, chỗ nào cũng thấy có hàng rào phân biệt giới tính rất khó vượt qua, hiện nay có lẽ còn nặng nề hơn hồi mới dựng nước sau Thế chiến II. Hồi ấy, vì mục đích xây dựng đế chế của mình, Kim Il-song đề xướng nam nữ bình đẳng để khích lệ phụ nữ cống hiến cho việc xây dựng kinh tế và xã hội. Pháp luật Triều Tiên dành cho phụ nữ quyền bầu cử và quyền làm công chức, thành lập Hội Đồng minh Phụ nữ dân chủ. Nhưng hồi thập niên 1990, chính quyền rơi vào cảnh tê liệt do khủng hoảng kinh tế và nạn đói. Các gia đình sống sót đều nhờ những phụ nữ đảm đang đứng ra gánh vác nhiệm vụ kiếm ăn nuôi cả nhà và quản lý gia đình.
Theo Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình nhân quyền ở Triều Tiên, “định kiến giới tính tràn lan” vẫn là nguyên nhân căn bản gây ra tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ. “Phụ nữ được gọi là ‘bông hoa’. Ngoại hình của phụ nữ – quần áo, kiểu tóc, thậm chí cả trang sức – đều do nhà nước kiểm soát,” Elizabeth Salmon viết trong báo cáo hồi tháng Hai của mình. Bà nói, bạo lực giới tính bị bình thường hóa: “Nhiều phụ nữ nước này phải đối mặt với các vụ quấy rối tình dục và cưỡng dâm, nhất là từ những người đàn ông có chức vụ cao mà hoàn toàn không bị trừng phạt.” Khoảng 72% người đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc là phụ nữ. Khoảng hơn chục phụ nữ chạy trốn khỏi Triều Tiên từng là kiến trúc sư và bác sĩ nói với tôi rằng mặc dù họ phải kiếm sống ở Seoul bằng cách bán sắt vụn hoặc làm việc trong các nhà tắm công cộng, nhưng họ thấy hạnh phúc hơn và được đối xử công bằng hơn.
Trước Kim Ju-ae rất lâu, chính quyền gia tộc họ Kim từng biến các phụ nữ ưu tú thành các thần tượng chính trị. Vào những năm 1970, bà nội của Kim Jong-il là Kang Ban-sok và mẹ ông là Kim Jong-suk đều được tạp chí Phụ nữ Joseon (Phụ nữ Triều Tiên) coi là hình mẫu. Kang Ban-sok được tuyên truyền là “Mẹ cúa mọi người Triều Tiên” trong các bài hát, tranh vẽ và thơ ca cách mạng. Bao giờ bà cũng xuất hiện trong bộ trang phục truyền thống của Triều Tiên và để kiểu tóc truyền thống. Chế độ Triều Tiên miêu tả Kim Jong-suk là “Mẹ của Cách mạng“. Phụ nữ Triều Tiên được giáo dục để trở thành người vợ, người mẹ tốt.
Mặc dù trong vòng thân cận của Kim Jong-un có mấy phụ nữ, nhưng tất cả họ đều phục vụ các mục tiêu của ông. Theo Yun Byung-se, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, “Kim Jong-un là chuyên gia về tận dụng các phụ nữ tùy tùng bằng cách giao cho họ những vai trò khác nhau.” Ví dụ, Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un, đóng vai “cảnh sát xấu” trong các tranh cãi ngoại giao với Mỹ, trong khi đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju đóng vai “Mẹ của Quốc gia”.
Yun Bingshi cho rằng việc Kim Jong-un cho con gái ra mắt là để người dân Triều Tiên biết rằng hậu duệ của dòng dõi Bạch Đầu Sơn sẵn sàng bảo vệ vương triều họ Kim. Còn Choi Byung-seop, người đã theo dõi các chương trình truyền hình của Triều Tiên trong ba thập niên tại Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho rằng Kim Jong-un muốn người Triều Tiên coi ông là “Người cha nhân từ của tất cả mọi công dân“. Kim Jong-il đã thả Kim Ju-ae như thả một quả bóng bay thử nghiệm để “thăm dò phản ứng bên trong và bên ngoài chính quyền của ông“, Kim Yong-soo nói. Thăm dò lòng trung thành của tầng lớp tinh hoa là một cách đo lường mức độ bền vững của quyền lực; Choi giải thích rằng việc đem con gái ra trình diễn với bên ngoài có thể có nghĩa là Kim Jong-un cảm thấy tương đối an toàn.
Những bức ảnh của Kim Ju-ae vừa khẳng định những điều chúng ta đã biết về Triều Tiên, vừa cho chúng ta biết thêm nhiều chuyện nữa. Cô bé chỉ là người mới nhất trong chuỗi những phụ nữ trong giới tinh hoa đã được thần tượng hóa và biến thành công cụ tuyên truyền. Tháng 2 năm nay, chính quyền Triều Tiên đã in ảnh Kim Ju-ae trên 5 con tem bưu chính mới. Giờ đây chúng ta chỉ có thể phỏng đoán về ý định thực sự của Kim Jong-un khi đẩy con gái mình vào tầm ngắm của dư luận.
Chun Su-jin là một nhà báo người Hàn Quốc. Trong gần hai chục năm qua bà từng viết bài về Triều Tiên cho tờ “JoongAng Ilbo” (Trung ương Nhật báo), một trong những tờ báo lớn nhất Hàn Quốc. Bà cũng là tác giả của cuốn “Phụ nữ Bắc Triều Tiên trong chính quyền: Những người con gái của Mặt Trời” (North Korean Women in Power: Daughters of the Sun).
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung, có tham khảo bản tiếng Anh “Why North Korea’s Princess Will Never Wear the Crown”.