Thế giới hôm nay: 16/06/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Một báo cáo được chờ đợi từ lâu cho thấy cựu thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói dối Quốc hội một cách có chủ ý và nhiều lần. Sau khi xem xét lời khai của ông Johnson về các bữa tiệc được tổ chức tại Phố Downing trong đại dịch, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng kết luận rằng ông đã thể hiện “sự coi thường nghiêm trọng” (đối với các quy định) một cách “chưa có tiền lệ.” Báo cáo đáng lý sẽ khuyến nghị đình chỉ ông khỏi Quốc hội trong 90 ngày, nhưng ông Johnson đã từ chức vào tuần trước. Ông tuyên bố mình là nạn nhân của một “đòn chính trị.”

Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm lên mức chuẩn 3,5%, cao nhất 22 năm qua. Thông báo này trái ngược với quyết định tạm dừng thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hôm thứ Tư. ECB cảnh báo lạm phát của khu vực đồng Euro, ở mức 6,1% trong tháng 5, hiện cao hơn của Mỹ và sẽ duy trì ở mức “quá cao trong thời gian dài.”

Ukraine tuyên bố “thành công một phần” trong cuộc phản công ở Zaporizhia. Vị tướng đứng đầu quân đội Ukraine thông báo đã chiếm lại khoảng 100 km vuông đất và đang “tiến về phía trước.” Trong khi đó tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh là những nỗ lực của Ukraine đã thất bại, đồng thời cho biết thêm rằng tỷ lệ thương vong của họ cao gấp 10 lần Nga.

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ủng hộ Đạo luật Phúc lợi Trẻ em Da đỏ, một đạo luật được thông qua năm 1978 buộc các bang phải ưu tiên đặt trẻ bản địa được nhận làm con nuôi được sống trong nhà của người bản địa, một phần là để bảo vệ các truyền thống văn hóa. Với tỉ lệ phiếu 7-2, đa số các thẩm phán không đồng ý với lập luận của nguyên đơn rằng luật này thể hiện sự lạm quyền của quốc hội và phân biệt chủng tộc.

Hy Lạp tuyên bố ba ngày quốc tang sau vụ chìm thuyền di cư ngoài khơi bờ biển phía nam khiến ít nhất 79 người thiệt mạng. Lực lượng cứu hộ đã cứu được hơn 100 người dù bị cản trở bởi gió mạnh. Con thuyền được cho là chở 400 người từ Libya đến Ý.

Chính phủ Úc gấp rút thông qua luật ngăn Nga xây dựng đại sứ quán mới bên cạnh toà nhà quốc hội ở Canberra với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết các cơ quan an ninh đã đưa ra cảnh báo “rõ ràng” cho ông về các rủi ro. Hồi tháng 5, một tòa án liên bang Úc đã bác bỏ quyết định chính thức vào năm ngoái về việc chấm dứt hợp đồng thuê đất của Nga, vốn có từ năm 2008.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần đầu tiên hạ lãi suất cho vay trung hạn sau mười tháng. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng cho biết họ đang cung cấp 33 tỷ đô la cho các ngân hàng để bảo vệ thanh khoản. Đầu tuần này, họ đã cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn. Đây là các biện pháp phản ứng trước đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc sau đại dịch. Dữ liệu bất động sản công bố hôm thứ Năm còn tiết lộ nhiều điểm yếu hơn.

Con số trong ngày: 2,1 nghìn tỷ đô la, là khoản thâm hụt doanh thu của chính phủ Mỹ trong năm tính đến tháng 5 — tương đương 8,1% GDP.

TIÊU ĐIỂM

Nhật Bản kiên định chính sách tiền tệ nới lỏng

Kể từ khi đảm nhận vị trí thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tháng 4, Ueda Kazuo đã xây dựng danh tiếng như một người biết kiềm chế. Đã có nhiều lời đồn đoán là ngân hàng sẽ ngừng chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng. Nhưng ông Ueda khẳng định vẫn “kiên nhẫn” duy trì cách tiếp cận hiện có, vốn được thiết kế để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài nhiều thập niên. Sau cuộc họp hai ngày vào thứ Sáu, ông Ueda nhiều khả năng sẽ tiếp tục các chính sách như kiểm soát đường cong lợi suất, một công cụ đặt ra mức trần cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm.

Giờ đây lạm phát đã trở lại. Chỉ số giá không tính thực phẩm tươi sống và nhiên liệu đã tăng 4,1% trong tháng 4 so với một năm trước đó — cao nhất bốn mươi năm qua. Một số nhà phân tích cho rằng điều này báo trước sự khởi đầu của một chu kỳ nâng lương và chi tiêu tiêu dùng. Nhưng không có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó. Tiền lương chỉ tăng 1% trong năm qua, có nghĩa là lương của người lao động đang giảm theo giá trị thực.

Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt Anh gây áp lực lên các siêu thị

Tesco, siêu thị lớn nhất nước Anh, sẽ công bố báo cáo giao dịch quý vào thứ Sáu. Bản cập nhật cho nhà đầu tư được đưa ra giữa áp lực từ các chính trị gia xoay quanh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, người tiêu dùng giờ đây lo lắng về giá lương thực tăng cao hơn là giá năng lượng. Văn phòng ước tính thực phẩm hiện đắt hơn khoảng 1/5 so với một năm trước, tương ứng với mức tăng cao thứ hai trong hơn 45 năm qua.

Chính phủ Bảo thủ đã đề xuất một thỏa thuận với các siêu thị hàng đầu để kiểm soát giá một số mặt hàng cơ bản như sữa và bánh mì. Hiệp hội Bán lẻ Anh, một cơ quan thương mại, cho biết kế hoạch này sẽ không hiệu quả. Họ nói chi phí cao hơn xuất phát từ giá năng lượng và lao động tăng. Do đó lợi nhuận của Tesco sẽ được xem xét kỹ lưỡng.

Mùa phán quyết của Toà Tối cao Mỹ

Các thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ chỉ có hai tuần để đưa ra 20 phán quyết cho các vụ án được điều trần từ tháng 10 đến tháng 4 vừa qua. Phán quyết quan trọng nhất trong ba quyết định được đưa ra hôm thứ Năm là Haaland kiện Brackeen, một phán quyết với tỷ lệ 7-2 bác bỏ nỗ lực cản trở Đạo luật Phúc lợi Trẻ em Da đỏ. Luật này, ban hành năm 1978, bảo vệ trẻ em người Mỹ bản địa khỏi việc bị tách khỏi gia đình và bộ lạc. Chỉ có Thẩm phán Samuel Alito và Clarence Thomas đồng ý với các nguyên đơn là luật này vượt quá giới hạn quyền của quốc hội.

Sẽ có nhiều phán quyết hơn vào ​​thứ Sáu. Liệu Tu chính án thứ Nhất có trao cho nhà thiết kế web theo Cơ đốc giáo quyền từ chối tạo trang web cho đám cưới đồng tính, bất chấp luật chống phân biệt đối xử của tiểu bang? Liệu tổng thống Joe Biden có thể tiến hành kế hoạch giảm nợ sinh viên cho hàng triệu người vay hay không? Người sử dụng lao động phải bao dung đến đâu đối với niềm tin tôn giáo của người lao động? Và liệu tuyển sinh đại học dựa trên chủng tộc có phù hợp với hiến pháp hay không?