Nguồn: Vivian Wang, “布林肯访华:中方态度冷淡,双方或持续对抗”, New York Times, 17/06/2023.
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Để làm dịu mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc với Mỹ, Chủ nhật này [18/6/2023] Ngoại trưởng Blinken sẽ bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc bị trì hoãn từ lâu. Nhưng lập trường ngày càng cứng rắn và đôi khi hoàn toàn thù địch của Trung Quốc cho thấy chủ đề chuyến đi này của Blinken không chỉ là về hòa dịu mà còn là đối đầu.
Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ là một quốc gia bá quyền đang trên đà suy sụp tìm cách củng cố địa vị thống trị của mình ở các sân sau của Trung Quốc và chủ trương khiêu khích Trung Quốc trên vấn đề Đài Loan, một hòn đảo dân chủ tự trị. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án Mỹ dẫn đầu các quốc gia khác liên kết triển khai hành động kiềm chế Trung Quốc về mặt quân sự, ngoại giao và công nghệ. Cho dù Trung Quốc đồng ý đối thoại, nhưng thực tế cho thấy họ đã sẵn sàng đối phó với xung đột, không hy vọng nhiều về khả năng và tác động của sự tan băng thực sự trong quan hệ giữa hai nước.
“Trung Quốc thực sự đang từ bỏ ảo tưởng,” Zhu Feng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh nói. “Trung Quốc ngày càng không tin tưởng vào khả năng quan hệ Trung-Mỹ có thể được cải thiện với những nỗ lực của Trung Quốc.”
Tập Cận Bình gần đây đã cảnh báo các quan chức [Trung Quốc] rằng họ cần chuẩn bị tốt cho “những tình huống cực đoan”. Điều đó cho thấy các mối đe dọa từ bên ngoài của Trung Quốc đang tăng mạnh. Việc tàu chiến Trung Quốc cố ý áp sát tàu chiến và máy bay Mỹ đã bị các quan chức Mỹ gọi là hành động khiêu khích không cần thiết. Trong một cuộc điện đàm trong tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với Blinken rằng “đã rõ” ai phải chịu trách nhiệm về mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước.
Trên tầng nấc rộng hơn, trong thập niên cầm quyền vừa qua của mình, Tập Cận Bình đã ưu tiên quan tâm vấn đề an ninh quốc gia, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tự lực cánh sinh và nói rằng nguy cơ sống còn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang có mặt ở khắp nơi. Tại Trung Quốc, tinh thần dân tộc chủ nghĩa thường được chính quyền kích động đang tăng cường cổ vũ cho chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh.
Chính phủ Mỹ cũng phải đối mặt với áp lực của dư luận trong nước yêu cầu không được tỏ ra mềm yếu [với Bắc Kinh]. Vì thế [ý tưởng] áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc đã trở thành sự đồng thuận hiếm hoi của hai đảng Cộng hoà và Dân chủ. Trong khi tỏ ra mong muốn tìm kiếm đối thoại, Tổng thống Biden vẫn mô tả Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất của Mỹ. Chính phủ Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt các quan chức và công ty Trung Quốc, đồng thời tìm cách cắt đứt các kênh Trung Quốc sử dụng nhằm lấy được những công nghệ quan trọng trong phạm vi toàn cầu. Vẫn có những nghị sĩ Quốc hội Mỹ lên án chính quyền quá nhân nhượng với Trung Quốc, chẳng hạn như việc xem nhẹ tin tức gần đây về việc Trung Quốc xây dựng một cơ sở do thám ở Cuba.
Do cả hai bên đều thể hiện lập trường xem ra không thể hòa giải, [cho tới nay] về cơ bản chưa có quan chức và chuyên gia nào đặt hy vọng vào một bước đột phá lớn trong chuyến thăm của Blinken. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ kể từ năm 2018. Cho tới nay còn chưa rõ liệu Blinken có gặp Tập Cận Bình hay không.
Trung Quốc có thái độ thờ ơ với chuyến thăm của Blinken, nguyên nhân căn bản là do họ cho rằng thái độ của Mỹ không chân thành và không đối xử công bằng với Trung Quốc. Khi Blinken hoãn chuyến thăm dự kiến vào tháng 2 vì sự cố khinh khí cầu do thám của Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố Mỹ đã phản ứng quá đáng. Trung Quốc còn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ nói rằng Bắc Kinh đang xem xét việc cung cấp vũ khí cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời coi cử chỉ của Mỹ kêu gọi các đồng minh hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc như một bằng chứng cho những nỗ lực kiềm chế của Mỹ đối với Trung Quốc.
Trong một bài xã luận đăng vào tuần trước, Thời báo Hoàn cầu [của Trung Quốc] cho rằng yêu cầu đối thoại của Mỹ “chỉ là diễn kịch”.
“Chúng ta chẳng những không thể phối hợp diễn xuất với họ mà còn phải cảnh giác cần thiết về ý đồ thực sự đằng sau việc diễn kịch”, bài báo viết.
Tuyên bố của Trung Quốc nói rằng trách nhiệm hàn gắn quan hệ giữa hai nước thuộc về Mỹ cho thấy nước này ngày càng không muốn thỏa hiệp, theo lời Drew Thompson, nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore. Việc Tập Cận Bình cảnh giác cao đối với các rủi ro có nghĩa là ông ta chỉ muốn nhìn thấy phía Mỹ đưa ra những nhượng bộ lớn, chẳng hạn như giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều mà Mỹ không muốn chấp nhận.
“Chuyến thăm của Blinken rõ ràng không phải là một cuộc thương lượng,” Thompson, người từng làm việc về các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết. “Cả hai bên sẽ trao đổi ý kiến để hiểu rõ hơn về lập trường của mỗi bên và hiểu rõ hơn về những lằn ranh giới hạn cuối cùng của mỗi bên.
“Nhưng ngay cả những trao đổi như vậy cũng có thể có giới hạn. Tuy chính phủ Biden kiên trì cho rằng tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc là rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng cạnh tranh leo thang thành xung đột quân sự, nhưng một số người cho rằng Trung Quốc đã thể hiện ý muốn đối đầu ngày càng mạnh mẽ.
Lầu Năm Góc cho biết trong tháng này tại eo biển Đài Loan, một tàu chiến Trung Quốc đã áp sát một tàu khu trục Mỹ, khoảng cách giữa hai bên chưa đến 140 mét. Trong tháng 5, trên bầu trời Biển Đông, một máy bay chiến đấu Trung Quốc bay thẳng đến phía trước máy bay trinh sát của Mỹ. Phía Mỹ gọi đó là một động tác không an toàn, trong khi Trung Quốc đáp lại nói rằng đó là một phản ứng đối với hành động khiêu khích của Mỹ.
Sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng gây lo lắng sâu sắc cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Trong cuộc tập trận chung với Nga vào tháng này, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay sát không phận Hàn Quốc, buộc các máy bay chiến đấu Hàn Quốc phải khẩn cấp cất cánh để đáp trả.
Thompson cho rằng có thể là Bắc Kinh muốn làm cho các quốc gia khác không thể biết chắc trong một số tình huống nào đó Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao, để họ phải hành động thận trọng hơn.
Ông nói: “Đó là một phần lý do khiến Trung Quốc hạn chế tiếp xúc, bởi lẽ Trung Quốc cho rằng đối thủ của họ bối rối là có lợi cho họ.”
Việc Trung Quốc vẫn chấp nhận chuyến thăm của Blinken cho thấy Bắc Kinh hiểu rằng nền kinh tế hai nước vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và không thể coi nhẹ tầm quan trọng của mối liên hệ này khi Trung Quốc tìm cách vực dậy nền kinh tế của mình. Trung Quốc muốn Mỹ rút lại các biện pháp quản chế công nghệ. Các quan chức Trung Quốc gần đây cũng đã đón tiếp nồng nhiệt nhiều chuyến thăm của các doanh nhân Mỹ, kể cả Elon Musk, người được truyền thông nhà nước đưa tin là “hoàn toàn tin tưởng vào thị trường Trung Quốc”. Hôm Thứ Sáu [16/6], Tập Cận Bình đã gặp Bill Gates tại Bắc Kinh, ông gọi Gates là “người bạn Mỹ đầu tiên tôi gặp ở Bắc Kinh trong năm nay.”
Cả hai chính phủ đều hy vọng sau chuyến thăm của Blinken, các quan chức Mỹ cấp cao khác, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Yellen, Bộ trưởng Thương mại Raimondo và đặc phái viên về khí hậu John Kerry, sẽ đi thăm Trung Quốc.
Có lẽ quan trọng nhất là cuộc gặp có thể xảy ra giữa Tập Cận Bình và Biden tại San Francisco trong hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11.
Giáo sư Zhu Feng từ Nam Kinh cho biết, Trung Quốc không từ chối đối thoại mà chỉ muốn đảm bảo rằng Mỹ có thể lắng nghe những lo ngại của Trung Quốc, chẳng hạn như vấn đề mua chip bán dẫn. “Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc bây giờ là chủ đề này không thể chỉ do Mỹ quyết định.”
Hôm thứ Tư, Daniel J. Kritenbrink, quan chức hàng đầu về Đông Á của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng Blinken sẽ được nghe những tuyên bố cứng rắn về vấn đề Đài Loan từ các quan chức Trung Quốc và rằng ông sẽ sẵn sàng đối mặt với việc Trung Quốc phê bình chính quyền Biden gần đây cấm xuất khẩu sang Trung Quốc một số chip bán dẫn tiên tiến và thiết bị sản xuất chip.
Mặc dù khó có thể đạt được một thỏa thuận lớn, nhưng một số nhà phân tích cho rằng hiện nay quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên, việc tái khởi động vào thời điểm này những hoạt động ngoại giao có tính thực chất là một mục tiêu đáng theo đuổi.
Evan Medeiros, giáo sư Đại học Georgetown, từng là giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Chính phủ Obama, nói rằng trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô ít nhất đã có được đồng thuận về những dự kiến hành động và chuẩn mực hành vi, qua đó đã hình thành nền tảng cho sự cạnh tranh giữa hai nước. Ngày nay giữa Mỹ và Trung Quốc còn chưa có sự đồng thuận như vậy, ông nói.
“Chuyến thăm Trung Quốc của Blinken đối mặt với một vùng bất định về chiến lược,” giáo sư Medeiros nói. “Đây là một tình huống hoàn toàn mới.”