03/08/1923: Calvin Coolidge tuyên thệ nhậm chức tổng thống

Nguồn: Calvin Coolidge takes oath of office after Warren G. Harding’s death, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1923, Calvin Coolidge đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 30 của Mỹ, vài giờ sau cái chết của Tổng thống Warren G. Harding.

Sinh ngày 04/07/1872 tại Plymouth, Vermont, Coolidge là con trai của một thủ kho trong làng. Ông tốt nghiệp trường Đại học Amherst ở Massachusetts và đã thăng tiến trong giới chính trị của tiểu bang, với tư cách là đảng viên Cộng hòa, từ ủy viên hội đồng thành phố ở Northampton năm 1898 đến thống đốc năm 1918. Coolidge đã giành được tấm vé của Đảng Cộng hòa vào năm 1920 trong liên danh tranh cử của Harding, và họ đã giành được chiến thắng quyết định trước bộ đôi của đảng Dân chủ, gồm James Cox và Franklin Delano Roosevelt.

Năm 1923, chính quyền của Harding đã sa sút sau các vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Bộ trưởng Tư pháp Harry M. Daugherty và các quan chức chính phủ cấp cao khác, một nhóm được gọi là Băng Ohio (Ohio Gang). Vì quá mệt mỏi, Harding quyết định rời Washington trong kỳ nghỉ hè, nhưng đã đột ngột qua đời ở San Francisco vào cuối ngày 2/8, sau khi bị đau tim hoặc đột quỵ. Coolidge nhận được tin Harding qua đời vào sáng sớm hôm sau, khi ông đang thăm gia đình ở Vermont. Ông tuyên thệ nhậm chức dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu; cha của ông, một công chứng viên, đã giúp con tuyên thệ bằng cuốn Kinh Thánh của gia đình.

Coolidge ngay lập tức bắt tay vào việc phục hồi hình ảnh đã hoen ố của chính phủ, cố gắng kiến tạo hình ảnh về các giá trị xưa của New England và sự khắc khổ của Thanh Giáo để trấn an công chúng đang gặp bất ổn. Vốn là một người ít nói—ông được biết đến với cái tên “Silent Cal” (Cal im lặng)—Coolidge đã dần trở thành một tổng thống cực kỳ nổi tiếng, giành được hơn 54% số phiếu phổ thông khi ông đắc cử vào năm 1924. Thời gian ông ở Nhà Trắng cũng trùng hợp với một kỷ nguyên chưa từng có tiền lệ về thịnh vượng vật chất và tiến bộ công nghệ, với việc người tiêu dùng được tận hưởng các sản phẩm mới phổ biến như xe hơi, radio, và đồ gia dụng như máy hút bụi và máy giặt.

Là người cực kỳ bảo thủ, Coolidge tin rằng chính phủ nên can thiệp ít nhất có thể vào các doanh nghiệp và ngành công nghiệp, cho dù đó là để kiểm soát sức mạnh ngày càng tăng của các tập đoàn lớn, hay hỗ trợ các ngành đang gặp khó khăn như nông nghiệp. Ông ủng hộ giảm thuế cho các doanh nghiệp và tăng thuế để bảo vệ hàng hóa Mỹ, nhưng lại phủ quyết kế hoạch viện trợ cho nông dân và kế hoạch sản xuất điện giá rẻ trên sông Tennessee. Lên nắm quyền chỉ 5 năm sau khi Thế chiến I kết thúc, Coolidge ủng hộ chủ nghĩa biệt lập trong chính sách đối ngoại và phản đối tư cách thành viên của Mỹ trong Hội Quốc Liên.

Dù gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử vào năm 1928, Coolidge lại quyết định không tranh cử, từ giã chính trường ngay trước thảm họa thị trường chứng khoán vào tháng 11/1929 và cuộc Đại Suy thoái sau đó, vốn đã làm tê liệt đất nước. Ông qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 1/1933. Dù được tưởng nhớ vì đã khôi phục lại phẩm giá cho Nhà Trắng, thời kỳ Coolidge cũng đi vào lịch sử như một thời kỳ chính phủ tự mãn trước thảm họa kinh tế sắp xảy ra.