08/11/1923: Đảo chính Nhà hàng Bia

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Beer Hall Putsch begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1923, Adolf Hitler, Chủ tịch của Đảng Quốc Xã cực hữu, đã phát động Đảo chính Nhà hàng Bia (Beer Hall Putsch), nỗ lực đầu tiên của ông ta nhằm giành lấy quyền kiểm soát chính phủ Đức.

Sau Thế chiến I, phe Hiệp Ước chiến thắng đã yêu cầu hàng tỷ USD tiền bồi thường chiến phí từ Đức. Để đáp ứng các yêu cầu này, chính phủ dân chủ Đức đã làm tổn hại nền kinh tế và dẫn đến lạm phát nghiêm trọng. Đồng mark Đức, được định giá 5 mark = 1 dollar vào đầu năm 1921, đã rớt giá đến mức 4 tỷ mark = 1 dollar vào năm 1923. Trong khi đó, hàng ngũ Đảng Quốc Xã ngày một nhiều thêm những người Đức giận dữ, đồng cảm với sự thù hận của đảng này đối với chính phủ dân chủ, chính trị cánh tả, và người Đức gốc Do Thái. Đầu tháng 11/1923, chính phủ khởi động lại việc trả tiền bồi thường chiến phí, và Đức Quốc Xã quyết định hành động.

Hitler đã lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính chống lại chính quyền tại Bavaria, mà ông ta hy vọng cuộc đảo chính sẽ sớm lan sang quân đội Đức đang nản lòng, từ đó hạ gục chính quyền dân chủ trung ương ở Berlin. Tối ngày 08/11, lực lượng Đức Quốc Xã dưới sự chủ huy của Hermann Goering đã bao vây nhà hàng bia Munich, nơi các quan chức Bavaria gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương. Một lát sau, Hitler xông vào cùng một nhóm lính thuộc binh đoàn bão táp của Đảng Quốc Xã (Sturmabteilung/Storm Troopers); ông đã bắn chỉ thiên và tuyên bố rằng “cuộc cách mạng quốc gia đã bắt đầu.” Bị đe doạ bởi súng, các nhà lãnh đạo Bavaria miễn cưỡng đồng ý ủng hộ chế độ mới của Hitler.

Tuy nhiên, rạng sáng ngày 09/11, phía lãnh đạo Bavaria đã bác bỏ “sự ủng hộ cưỡng ép” này và ra lệnh đàn áp nhanh chóng lực lượng Quốc Xã. Vào lúc bình minh, quân đội chính phủ bao vây lực lượng chủ chốt của Quốc Xã đang chiếm đóng tòa nhà Bộ Chiến tranh. Hitler tuyệt vọng phản ứng bằng cách dẫn đầu một cuộc diễu hành về phía trung tâm Munich trong nỗ lực cuối cùng nhằm kêu gọi sự hỗ trợ. Gần tòa nhà Bộ Chiến tranh, 3.000 lính Quốc Xã đối đầu với 100 cảnh sát được vũ trang. Cả hai bên đều đã nổ súng. Có 16 lính Quốc Xã và 3 cảnh sát thiệt mạng. Hermann Goering trúng đạn vào háng, còn Hitler bị trật khớp khuỷu tay nhưng đã trốn thoát.

Ba ngày sau, Hitler bị bắt. Bị kết tội phản quốc, ông ta đã lãnh mức án tối thiểu 5 năm tù giam tại pháo đài Landsberg. Ông dành thời gian để viết cuốn tự truyện Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi), đồng thời rèn luyện kỹ năng hùng biện của mình. Áp lực chính trị từ Đức Quốc Xã đã buộc chính phủ Bavaria phải tuyên lại bản án đối với Hitler, và ông ta được thả chỉ sau chín tháng. Cuối thập niên 1920, Hitler cho tổ chức lại Đảng Quốc Xã, biến nó trở thành một phong trào cuồng tín với đủ khả năng giành được đa số trong Reichstag (Nghị Viện) vào năm 1932. Năm 1934, Hitler trở thành lãnh đạo duy nhất của một quốc gia vốn đang nuôi dưỡng ý định chiến tranh và diệt chủng.

Khi Stalin đối mặt Hitler: Ai hơn ai? (P1)