Chuyển động Quốc Phòng (18/8 – 24/8/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Quân đội Nga đặt mua thêm hệ thống phòng không Tor-M2

Lực lượng Nga sẽ nhận được thêm các hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) chiến thuật Tor-M2. Tor là một trong số ít hệ thống SAM tầm ngắn do Nga sản xuất có hiệu quả cao trong việc chống lại tên lửa hành trình và đạn dược dẫn đường chính xác. Hầu hết các hệ thống Tor đều dựa trên khung gầm bánh xích GM-355 cho phép nó theo kịp xe tăng và các phương tiện bọc thép khác trên mọi địa hình. Theo các báo cáo, Nga đã mất 29 hệ thống SAM dòng Tor, bao gồm một phiên bản cực hiếm Tor-M2DT.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russian army orders more Tor-M2 anti-air systems. Truy cập ngày 20/8/2023

Putin gặp các tướng hàng đầu phụ trách các nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine

Vladimir Putin đã đến thăm chỉ huy chiến dịch của Nga tại Ukraine và các quan chức quân sự hàng đầu khác sau khi Ukraine tuyên bố giành được lợi thế phản công ở mặt trận phía đông nam. Trong chuyến thăm, tổng thống Putin đã nghe báo cáo từ tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người phụ trách các hoạt động của Nga ở Ukraine, và các chỉ huy và sĩ quan quân sự hàng đầu khác. Cuộc họp diễn ra sau khi Ukraine cho biết họ đã giải phóng một ngôi làng nhỏ dọc chiến tuyến.

Xem thêm tại: Reuters, Putin meets top generals in charge of Russia’s war efforts in Ukraine. Truy cập ngày 20/8/2023

Tướng Surovikin bị cách chức tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ Nga

Tướng Nga Sergei Surovikin, người từng là chỉ huy lực lượng Nga ở Ukraine, được cho là đã bị cách chức tư lệnh lực lượng hàng không vũ trụ của nước này. Tướng Surovikin đã không xuất hiện trước công chúng kể từ cuộc binh biến ngắn ngủi hồi tháng 6 của Yevgeny Prigozhin. Tướng Surovikin được coi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của ông Prigozhin trong quân đội Nga và trong cuộc tranh giành quyền lực của thủ lĩnh Wagner với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia’s General Surovikin dismissed as head of aerospace forces: Reports. Truy cập ngày 24/8/2023

Nga tuyên bố drone tự sát tấn công căn cứ không quân Soltsy

Bộ Quốc phòng Nga cho biết drone tự sát tự chế đã tấn công căn cứ không quân ở vùng Novgorod. Soltsy-2 là một căn cứ không quân ở tỉnh Novgorod, nằm cách Soltsy 2 km về phía bắc và cách Novgorod 72 km về phía tây nam. Căn cứ không quân này chứa các máy bay lớn, với một khu phức hợp riêng biệt gồm 9 khu vực cứng cáp cách sân bay khoảng 1609 km. Soltsy-2 cũng là nơi đóng quân của Trung đoàn Hàng không Hỗn hợp số 40, đơn vị sử dụng Tu-22M3 như một phần của Sư đoàn Hàng không Ném bom Hạng nặng 22.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russia claims kamikaze drones tried to attack Soltsy air base. Truy cập ngày 20/8/2023

Anh cho biết máy bay ném bom siêu thanh của Nga có khả năng đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng drone

Tình báo quân đội Anh hôm thứ ba cho biết một cuộc tấn công bằng drone vào cuối tuần nhằm vào một sân bay sâu bên trong nước Nga mà Moscow đổ lỗi cho Ukraine rất có thể đã phá hủy một máy bay ném bom tầm xa siêu âm TU-22M3. Kyiv hôm thứ hai tuyên bố đã tấn công một sân bay quân sự khác của Nga và cho biết Nga đã sử dụng TU-22M3 để ném bom các mục tiêu trên khắp Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ bảy rằng một sân bay quân sự ở khu vực Novgorod nơi những chiếc máy bay này đóng quân đã bị drone Ukraine tấn công và một chiếc máy bay đã bị hư hại.

Xem thêm tại: Reuters, UK says a supersonic Russian bomber likely to have been destroyed in drone attack. Truy cập ngày 23/8/2023

Nga cho biết họ đã phá hủy tàu quân sự do Mỹ sản xuất chở lính Ukraine gần Đảo Rắn

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ ba cho biết đã phá hủy một tàu quân sự tốc độ cao do Mỹ sản xuất chở lính Ukraine ở phía đông Đảo Rắn trên Biển Đen. Theo đó, một máy bay chiến đấu của Nga đã hạ gục con tàu mà họ cho biết đang chở “nhóm lính đổ bộ của Ukraine”. Đảo Rắn là một tiền đồn nhỏ của Ukraine ở phía tây bắc Biển Đen, nơi căng thẳng leo thang kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc từ các cảng phía nam.

Xem thêm tại: Reuters, Russia says it destroyed U.S.-made military vessel carrying Ukrainians near Snake Island. Truy cập ngày 23/8/2023

Nga điều máy bay trinh sát đuổi drone ra khỏi Crimea

Lực lượng không quân Nga đã điều động hai máy bay phản lực để buộc hai drone ngừng trinh sát gần bán đảo Crimea. Trước đó, hành trình bay của drone MQ-9 Reaper và TB2 Bayraktar đang thực hiện trinh sát trên không tại khu vực Bán đảo Crimea được ghi lại trên Biển Đen. Nga đã điều động hai máy bay phản lực buộc các drone này “thay đổi hướng bay và rời khỏi khu vực trinh sát trên không”.

Xem thêm tại: Reuters, Russia scrambles jets to force reconnaissance drones off Crimea -defence ministry. Truy cập ngày 24/8/2023

Nga bắn hạ 3 drone trong cuộc đột kích mới nhất vào Moscow

Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ hai drone và vô hiệu hóa một chiếc khác ở trung tâm Moscow. Bộ Quốc phòng Nga cho biết một drone đã bị nhiễu điện từ và đâm vào một tòa nhà ở trung tâm thành phố Moscow vào sáng sớm thứ tư, và hai chiếc khác bị hệ thống phòng không bên ngoài thủ đô bắn hạ. Giao thông hàng không tại các sân bay Vnukovo, Sheremetyevo và Domodedovo của Moscow đã bị tạm dừng. Vào sáng thứ ba, hai drone đã bị bắn hạ trên bầu trời thị trấn Krasnogorsk ở khu vực Moscow và khu định cư Chastsy. Ngoài ra, hai drone khác cũng bị đẩy lùi trên không phận vùng Bryansk gần biên giới Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia downs 3 combat drones in latest attempted raid on Moscow. Truy cập ngày 21/8/2023

Hà Lan, Đan Mạch cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine

Hà Lan và Đan Mạch sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine trong đợt giao hàng đầu tiên vào đầu năm tới. Cam kết này được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ chấp thuận khả năng Amsterdam và Copenhagen chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kyiv. Đan Mạch sẽ giao tổng cộng 19 máy bay phản lực, trong đó 6 chiếc đầu tiên sẽ được chuyển đến Ukraine vào dịp năm mới, tiếp theo là 8 chiếc vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm sau. Hà Lan có sẵn tất cả 42 chiếc F-16 nhưng vẫn chưa quyết định liệu có tặng hết tất cả hay không. Phía Nga cho biết quyết định viện trợ các máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine sẽ chỉ làm leo thang xung đột, trong khi Ukraine cho biết các máy bay này sẽ giúp chấm dứt cuộc xâm lược của Moscow.

Xem thêm tại: Reuters, Netherlands, Denmark commit to delivering F-16s to Ukraine. Truy cập ngày 22/8/2023; Jerusalem Post, Russia warns F-16 donations will escalate war with Ukraine. Truy cập ngày 22/8/2023

Lực lượng Ukraine giành thêm nhiều thắng lợi ở tỉnh Zaporizhzhia

Quân đội Ukraine đã tiến về phía đông nam Robotyne và phía nam Mala Tokmachka ở tỉnh Zaporizhzhia. Làng Robotyne là cứ điểm quan trọng về mặt chiến thuật của Nga mà quân đội Ukraine cần phải tái chiếm để có thể tiếp tục tiến về phía nam tới Tokmak và Melitopol. Ở tiền tuyến phía nam, các lực lượng Ukraine tiếp tục các hành động tấn công theo hướng Berdiansk và Melitopol. Ở miền đông Ukraine, quân đội Nga đang tấn công ở các khu vực Kupiansk, Lyman, Avdiivka và Marinka. Nga cũng được cho là đã tiến hành các cuộc tấn công không thành công gần vùng đất lâm nghiệp Serebrianske ở Luhansk, Kreminna và Bilohorivka, cũng như Urozhaine và Staromaiorske mới được giải phóng ở tỉnh Donetsk. Đối với Bakhmut, các lực lượng Nga đang cố gắng giành lại các vị trí đã mất ở Zaliznianske, Vasylivka và Bohdanivka ở phía bắc thành phố, theo báo cáo của Maliar. Cuộc giao tranh cũng đang diễn ra ở sườn phía nam của Bakhmut – ở trung tâm Klishchiivka, phía bắc và phía tây Andriivka và phía bắc Kurdiumivka.

Xem thêm tại: Kyiv Independent, Defense Ministry: Ukrainian forces make further gains in Zaporizhzhia Oblast. Truy cập ngày 22/8/2023

Tình báo Mỹ cho biết Ukraine sẽ không đạt được mục tiêu chính của cuộc tấn công

Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ không tới được thành phố quan trọng Melitopol ở phía đông nam, điều đó có nghĩa là Kyiv sẽ không hoàn thành mục tiêu chính là cắt đứt cây cầu đất liền của Nga tới Crimea trong nỗ lực năm nay. Lực lượng Ukraine, đang tiến về Melitopol từ thị trấn Robotyne cách đó hơn 50 dặm, sẽ vẫn ở bên ngoài thành phố vài dặm. Melitopol có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc phản công của Ukraine vì nơi đây được coi là cửa ngõ vào Crimea.

Xem thêm tại: Washington Post, U.S. intelligence says Ukraine will fail to meet offensive’s key goal. Truy cập ngày 18/8/2023

Trung Quốc giúp Nga trang bị trực thăng, drones và kim loại

Trung Quốc đang giúp trang bị cho Nga máy bay trực thăng, drones, kính ngắm quang học và các kim loại quan trọng được ngành công nghiệp quốc phòng sử dụng. Các công ty Nga đã nhận được hàng chục nghìn lô hàng từ Trung Quốc kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine bắt đầu cho đến quý đầu tiên của năm nay. Xuất khẩu hàng hóa có tiềm năng sử dụng cho mục đích quân sự đã tăng hơn ba lần trong năm kết thúc vào tháng 6 này, so với năm trước. Những hàng hóa như vậy được phân loại là lưỡng dụng, nghĩa là chúng cũng có mục đích dân sự, cho phép Trung Quốc lách các biện pháp trừng phạt quốc tế và tuyên bố rằng họ chỉ tiến hành thương mại hợp pháp với Nga.

Xem thêm tại: Telegraph, China helping to arm Russia with helicopters, drones and metals. Truy cập ngày 20/8/2023

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Tàu khu trục của Hải quân Mỹ sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh

Hải quân Mỹ sẽ thay thế Hệ thống pháo kép 155 mm của USS Zumwalt bằng bốn ống tên lửa 87 inch, mỗi ống chứa ba thân trượt siêu thanh thông thường (C-HGB). USS Zumwalt là tàu đầu tiên của lớp tàu hải quân Zumwalt, được mô tả là tàu khu trục lớn nhất thế giới. Hải quân Mỹ đang tìm cách lắp đặt vũ khí và con tàu có thể triển khai vào năm 2025.

Xem thêm tại: Jerusalem Post, US Navy destroyer to be fitted with hypersonic missiles. Truy cập ngày 21/8/2023

Quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho xung đột ở eo biển Đài Loan

Trung Quốc đã công bố một đoạn video cho thấy những người lính trong trang bị chiến đấu thực hiện động tác ép người dưới sóng vỗ, một tiểu đoàn xe tăng tiến vào lúc hoàng hôn và quân đội chạy lên bờ cát vượt qua các chướng ngại vật chống đổ bộ, tương tự như các chướng ngại vật rải rác trên bờ biển Đài Loan. Kèm theo video là một bài hát thể hiện ý chí chiến đấu của các chiến sĩ. Cả video và bài đăng trên WeChat đều không đề cập trực tiếp đến Đài Loan. Nhưng video được đăng tải bởi Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông chịu trách nhiệm về eo biển Đài Loan.

Xem thêm tại: Guardian, China’s army filmed apparently preparing for conflict in Taiwan strait. Truy cập ngày 18/8/2023

Bộ Quốc phòng Đài Loan phủ nhận tai nạn tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở eo biển Đài Loan

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan Tôn Lệ Phương (Sun Li-fang) cho biết tình báo và giám sát quân sự không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào về vụ tai nạn tàu ngầm Trung Quốc gần eo biển Đài Loan. Trong những ngày gần đây, các nền tảng mạng xã hội như twitter (X) tràn ngập tin đồn rằng một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093 (lớp Thương) của Trung Quốc đã gặp tai nạn ở eo biển Đài Loan, khiến tất cả mọi người trên tàu thiệt mạng.

Xem thêm tại: Taiwan News, Defense ministry denies Chinese nuclear sub accident in Taiwan Strait. Truy cập ngày 24/8/2023

Trung Quốc gửi ‘cảnh báo nghiêm khắc’ tới Đài Loan sau chuyến thăm của Mỹ

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên không và trên biển xung quanh Đài Loan nhằm gửi “cảnh báo nghiêm khắc” tới các lực lượng ly khai trên hòn đảo này sau chuyến thăm gần đây của Phó Tổng thống Đài Loan William Lai tới Mỹ. Bộ chỉ huy chiến khu phía đông cho biết cuộc tập trận tập trung vào sự phối hợp giữa tàu và máy bay để kiểm tra việc giành quyền kiểm soát không gian trên không và trên biển, đồng thời kiểm tra khả năng chiến đấu. Các tàu được trang bị tên lửa và máy bay chiến đấu đã tham gia vào hoạt động này và các đơn vị đã phối hợp cùng nhau để mô phỏng tình hình xung quanh Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan nhanh chóng lên án cuộc tập trận, cho rằng họ đã triển khai lực lượng thích hợp để đáp trả và có đủ khả năng, quyết tâm và tự tin để đảm bảo an ninh quốc gia.

Xem thêm tại: Al Jazeera, China military drills send ‘stern warning’ to Taiwan after US visit. Truy cập ngày 20/8/2023

Đài Loan công bố tên lửa có khả năng tấn công sâu vào Trung Quốc

Đài Loan vừa trình làng tên lửa Hùng Phương 2E (HF-2E) tại căn cứ quân sự Jiupeng ở huyện Bình Đông ở cực nam hòn đảo. Tên lửa này được cho là đã thể hiện khả năng ấn tượng khi bay được 300 km từ bắc xuống nam và 180 km từ đông sang tây ở cự ly 30 km. Với tầm bắn được báo cáo là 1.200 km, HF-2E có thể nhắm mục tiêu hiệu quả vào bờ biển phía đông và khu vực miền trung Trung Quốc, bao gồm Thanh Đảo và Vũ Hán. Quân đội Đài Loan cũng có thể nhắm mục tiêu vào các cơ sở quan trọng của PLA như radar, địa điểm tên lửa, sân bay và các khí tài giám sát và trinh sát.

Xem thêm tại: Asia Times, Taiwan’s secret missile for striking deep in China. Truy cập ngày 18/8/2023

Đài Loan sẵn sàng nhận lô xe tăng M1A2T Abrams đầu tiên

Đài Loan dự kiến ​​sẽ nhận lô 38 xe tăng Abrams M1A2T đầu tiên vào năm tới, tiếp theo là 42 xe tăng vào năm 2025 và 28 chiếc khác vào năm 2026. Trước đó, vào năm 2019 Mỹ đã phê duyệt bán 108 xe tăng cho Đài Loan, trị giá tổng cộng 2,2 tỷ USD. Thỏa thuận này còn bao gồm 14 xe bọc thép bánh xích M88A2 Hercules. Vũ khí chính của Abrams M1A2T là pháo nòng trơn M256 120 mm, nó còn được trang bị súng máy M240 7,62 mm đồng trục để phòng thủ tầm gần. Ngoài ra, M1A2T còn được trang bị Trạm vũ khí điều khiển từ xa CROWS II chứa súng máy 12,7 mm và một súng máy M240 7,62 mm khác được gắn riêng cho phép xe tăng tấn công nhiều mục tiêu, từ thiết giáp của đối phương đến bộ binh và thậm chí cả máy bay tầm thấp.

Xem thêm tại: Army Recog, Taiwan ready to receive first batch of M1A2T Abrams tanks. Truy cập ngày 24/8/2023

Mỹ phê duyệt bán thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan

Chính phủ Mỹ đã phê duyệt việc bán thiết bị quân sự tiềm năng trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan, bao gồm hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, hỗ trợ đạn dược và thiết bị cho chương trình máy bay chiến đấu F-16. Tháng trước, Mỹ đã phê duyệt khoản đầu tư 345 triệu USD viện trợ quân sự cho Đài Loan đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Joe Biden sử dụng quyền rút vốn của tổng thống để chuyển vật tư quân sự từ Lầu Năm Góc sang Đài Loan, tương tự như những gì đã làm với Ukraine.

Xem thêm tại: Al Jazeera, US approves potential $500m sale of military equipment to Taiwan. Truy cập ngày 24/8/2023

Mỹ, Hàn tập trận chung trong bối cảnh Triều Tiên có thể khiêu khích

Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị bắt đầu các cuộc tập trận quân sự thường kỳ vào thứ hai trong bối cảnh lo ngại rằng Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Cuộc tập trận Lá chắn Tự do Ulchi sẽ diễn ra tại Hàn Quốc cho đến ngày 31 tháng 8, bao gồm các cuộc tập trận nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận sẽ bao gồm khoảng 30 sự kiện huấn luyện thực địa, so với 13 sự kiện năm ngoái và ít nhất một máy bay ném bom B-1 của Mỹ cũng có thể được triển khai trong cuộc tập trận. Triều Tiên đang trong tình trạng báo động cao.

Trong một diễn biến khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm thứ Hai giám sát vụ thử tên lửa hành trình chiến lược phóng từ một tàu chiến mới. Vụ phóng nhằm mục đích xác minh “chức năng chiến đấu của tàu và tính năng của hệ thống tên lửa trên tàu”, đồng thời nâng cao khả năng của thủy thủ trong việc thực hiện “nhiệm vụ tấn công trong chiến tranh thực tế”. Ông Kim cho biết con tàu sẽ duy trì “tính cơ động cao, sức mạnh tấn công mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu liên tục để đối phó với các tình huống bất ngờ”.

Xem thêm tại: NHK, US, S.Korea to launch joint military exercise amid possible N.Korea provocations. Truy cập ngày 22/8/2023; Reuters, North Korea’s Kim directs cruise missile test as South Korea, US begin drills. Truy cập ngày 22/8/2023

Quân đội Hàn Quốc đối mặt với khủng hoảng quân số

Hàn Quốc đang phải vật lộn để lấp đầy hàng ngũ lính nghĩa vụ của mình trong khi phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Quân số của Hàn Quốc đã giảm từ 618.000 năm 2017 xuống còn 500.000 vào năm 2022. Để duy trì lực lượng vũ trang hiện tại với thời hạn nghĩa vụ bắt buộc khoảng 18 tháng, quân đội cần khoảng 222.000 lính nghĩa vụ mới mỗi năm. Tuy nhiên, số nam giới 20 tuổi phải tòng quân dự kiến ​​sẽ giảm từ 334.000 vào năm 2020 xuống còn 236.000 vào năm 2025 và giảm xuống còn 130.000 vào năm 2040. Để tăng số lượng sĩ quan và hạ sĩ quan, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã huy động trần tuổi nhập ngũ từ 27 đến 29 tuổi và sẽ khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia quân đội hơn.

Xem thêm tại: IPDF, ROK military confronts demographic crisis. Truy cập ngày 19/8/2023

Triều Tiên nói các thỏa thuận ở Trại David làm tăng khả năng xảy ra ‘chiến tranh nhiệt hạch’

Triều Tiên hôm thứ ba lên án các cuộc tập trận quân sự hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc, cảnh báo về một “cuộc chiến tranh nhiệt hạch” đối với các thỏa thuận ba bên gần đây nhằm tăng cường quan hệ giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tại Trại David. Triều Tiên cho biết thỏa thuận Trại David hôm thứ Sáu nhằm mục đích tạo ra một “sự khiêu khích chiến tranh hạt nhân. Bài bình luận của Triều Tiên cho biết tình hình hiện tại đòi hỏi quân đội của họ phải “chủ động, tấn công và hành động áp đảo cho một cuộc chiến tranh”, mặc dù không nêu rõ chi tiết.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea says Camp David agreements raise possibility of ‘thermonuclear war’. Truy cập ngày 22/8/2023

Trung Quốc triển khai vệ tinh theo dõi diễn tập quân sự ở Úc

Trung Quốc triển khai 3 vệ tinh Shiyan 12-01, Shijian-17 và Shijian-23 phía Tây và Đông để quan sát nhiều khu vực nơi diễn ra cuộc tập trận Talisman Sabre. Kể từ khi Cuộc tập trận Malabar bắt đầu vào ngày 10 tháng 8, hàng trăm vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) nhỏ hơn nhiều cũng đã được theo dõi khi chúng hoàn thành hàng nghìn lượt bay ở độ cao thấp hơn nhiều trên lục địa Úc, tập trung vào hoạt động của các tàu chiến quanh cảng Sydney.

Xem thêm tại: ABC, China deploys swarm of satellites to monitor military exercises in Úc. Truy cập ngày 19/8/2023

Mỹ, Nhật Bản và Úc lên kế hoạch tập trận hải quân chung ở Biển Đông

Mỹ, Nhật Bản và Úc đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông ngoài khơi phía tây Philippines trong tuần này để nhấn mạnh cam kết của họ đối với pháp quyền trong khu vực sau hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Cuộc tập trận sẽ bao gồm ba tàu sân bay và trực thăng cùng nhau di chuyển để phô trương sức mạnh và thực hiện các cuộc tập trận chung. Mỹ có kế hoạch triển khai tàu sân bay USS America, trong khi Nhật Bản sẽ điều động một trong những tàu chiến lớn nhất của mình, tàu sân bay trực thăng JS Izumo. Hải quân Hoàng gia Úc sẽ gửi HMAS Canberra, cũng mang theo máy bay trực thăng. Philippines sẽ không tham gia cuộc tập trận tuần này do hạn chế về hậu cần quân sự nhưng sẵn sàng tham gia trong tương lai.

Xem thêm tại: AP, US, Japan and Úc plan joint navy drills in disputed South China Sea, Philippine officials say. Truy cập ngày 21/8/2023

Úc mua tên lửa Tomahawk của Mỹ để tăng cường khả năng tấn công tầm xa

Úc sẽ chi 833 triệu USD để tăng cường khả năng tấn công tầm xa khi nước này hoàn tất thỏa thuận mua hơn 200 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ. Ngoài Tomahawks, Úc sẽ chi khoảng 277 triệu USD để mua hơn 60 tên lửa dẫn đường chống bức xạ tiên tiến từ Mỹ. Tên lửa dẫn đường chống tăng tầm xa cũng sẽ được mua cho các phương tiện trinh sát chiến đấu Boxer của Quân đội Úc trong một hợp đồng trị giá hơn 50 triệu đô la Úc. Thông báo của Tomahawk được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ chấp thuận việc bán Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) cho Úc với giá 975 triệu USD.

Xem thêm tại: Reuters, Úc to buy U.S. Tomahawk missiles to boost long-range strike capability. Truy cập ngày 22/8/2023

Nepal, Trung Quốc nối lại tập trận chung

Nepal và Trung Quốc chuẩn bị nối lại các cam kết quân sự và quốc phòng song phương vốn bị đình trệ do đại dịch Covid. Điều này bao gồm việc đình chỉ hoạt động tập trận giữa Nepal và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, các hoạt động huấn luyện quân sự khác như khóa học phòng thủ quốc gia ở Trung Quốc và các cam kết khác. Cuộc tập trận chung nhằm mục đích chống khủng bố, ứng phó và quản lý thảm họa, chiến tranh tầm cao, cùng nhiều nội dung khác. Năm 2019, Nepal và Trung Quốc từng quyết định tiến hành cuộc tập trận chung ở quận Nuwakot nhưng bị hủy bỏ vào giờ chót.

Xem thêm tại: Kathmandu Post, Nepal, China to resume joint military drills. Truy cập ngày 19/8/2023

Pakistan cho biết dân thường thiệt mạng do súng Ấn Độ ở ranh giới Kashmir

Cảnh sát ở Kashmir do Pakistan quản lý hôm thứ Hai cho biết một thường dân đã bị lực lượng Ấn Độ bắn chết dọc theo ranh giới tranh chấp của khu vực Himalaya, vụ việc thứ hai như vậy kể từ tháng 6 bất chấp thỏa thuận ngừng bắn. Khu vực Kashmir xinh đẹp được tuyên bố chủ quyền toàn bộ nhưng chỉ kiểm soát một phần bởi Ấn Độ và Pakistan. Hai nước đã trải qua hai cuộc chiến và tham gia nhiều cuộc đụng độ trong khu vực kể từ khi cả hai giành được độc lập khỏi sự cai trị của Anh vào năm 1947. Ấn Độ cho biết Pakistan huấn luyện và hỗ trợ phiến quân Hồi giáo chiến đấu đòi độc lập cho người Kashmir. Islamabad phủ nhận cáo buộc này và nói rằng họ chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần và ngoại giao cho “những người đấu tranh cho tự do”.

Xem thêm tại: Reuters, Pakistan says civilian killed by Indian gunfire on Kashmir boundary. Truy cập ngày 22/8/2023

Đông Nam Á:

Philippines tiếp tế tiền đồn ở Biển Đông sau lệnh cấm của Bắc Kinh

Lực lượng vũ trang Philippines hôm thứ bảy cho biết họ sẽ một lần nữa tìm cách tiếp tế cho nhóm binh lính đóng trên một con tàu rỉ sét từ Thế chiến 2 trên một rạn san hô ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc ngăn chặn nỗ lực trước đó bằng vòi rồng. Người phát ngôn lực lượng vũ trang Philippines cho biết việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán là minh chứng cho niềm tin vững chắc của nước này vào trật tự quốc tế dựa trên luật lệ làm nền tảng cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Manila đã đệ đơn phản đối ngoại giao chống lại Bắc Kinh trong tháng này sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng và các động thái “nguy hiểm” để ngăn Philippines gửi hàng tiếp tế cho bính lính đóng ở Bãi Cỏ Mây.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines to resupply South China Sea troops after Beijing’s block. Truy cập ngày 20/8/2023

Philippines, Úc tiến hành tập trận chung tấn công trên không gần Biển Đông

Philippines và Úc đã tiến hành một cuộc tập trận tấn công trên không gần Biển Đông để mô phỏng các kịch bản chiến đấu thực tế, nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động và sẵn sàng của các lực lượng liên quan. Cuộc tập trận được tổ chức tại thị trấn Rizal thuộc tỉnh Palawan, có sự tham gia của 175 binh sĩ thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) và hai trung đội của Lực lượng Phòng vệ Úc (ADF).

Xem thêm tại: Strait Times, Philippines, Úc conduct joint air assault drills near South China Sea. Truy cập ngày 22/8/2023

Indonesia dựa vào ngư dân địa phương để tăng cường phòng thủ Quần đảo Natuna

Quần đảo Natuna của Indonesia trong những năm gần đây đã trở thành tuyến đầu trong nỗ lực phòng thủ hòn đảo xa xôi của nước này, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động trong khu vực. Sự hiện diện của quân đội ở Natuna ngày càng tăng. Sân bay Ranai trên Natuna Besar phục vụ cả máy bay dân sự và quân sự và được bao quanh bởi các cơ sở của lực lượng không quân. Quân đội Indonesia quan sát mặt biển bằng hệ thống radar ở đầu phía bắc của hòn đảo, nơi đối diện với đường chín đoạn. Indonesia cũng đang tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của nhóm phòng thủ vào tháng tới gần quần đảo Natuna.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Indonesia taps local fishers to boost Natuna Islands defense. Truy cập ngày 19/8/2023

Indonesia mua 24 máy bay chiến đấu F-15EX của Boeing

Indonesia đã ký với Boeing của Mỹ về thỏa thuận mua 24 chiếc máy bay chiến đấu F-15EX trong động thái mới nhất nhằm nâng cấp phi đội không quân lỗi thời của nước này. Boeing cho biết F-15EX là phiên bản tiên tiến nhất của F-15 từng được chế tạo, được trang bị hệ thống radar tiên tiến và các hệ thống điện tử hàng không khác, cho phép máy bay phát hiện và theo dõi mục tiêu với độ chính xác cao. F-15EX cũng có thể được trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa không đối không, bom và các loại vũ khí đặc biệt khác.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Indonesia to buy 24 F-15EX fighter jets from Boeing. Truy cập ngày 23/8/2023

Việt Nam lên kế hoạch tăng cường quân sự trên các cứ điểm ở Biển Đông

Việt Nam được cho là có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Dự án do Bộ Quốc phòng và hải quân Việt Nam chủ trì, bao gồm việc xây dựng và mở rộng quân sự cũng như các cơ sở khác trên Đá Phan Vinh và Đá Bồ Câu. Kế hoạch này, với ngân sách ước tính là 270 triệu USD, được cho là bao gồm công việc nạo vét để xây dựng một bến tàu lớn, cũng như nâng cấp các cơ sở lắp đặt tên lửa và phòng không. Hà Nội được cho là có ý định xây dựng nhà ở không chỉ cho quân nhân mà còn cho dân thường, cùng với hệ thống giao thông, năng lượng và cơ sở xử lý nước thải và chất thải.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Vietnam said to plan military buildup on South China Sea footholds. Truy cập ngày 20/8/2023

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Ba Lan nhận được trực thăng Apache với khả năng hỗ trợ trên không tầm gần

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông qua thương vụ bán 96 trực thăng tấn công AH-64E Apache trị giá 12 tỷ USD cho Ba Lan. Ba Lan đã yêu cầu mua máy bay trực thăng tấn công với 1.844 tên lửa Hellfire, 460 tên lửa không đối đất chung AGM-179A, 508 tên lửa Stinger 92K Block I và 7.650 Hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác nâng cao WGU-59/B II (APKWS-II).

Xem thêm tại: Defence Blog, Poland to get Apache helicopters with serious close air support abilities. Truy cập ngày 22/8/2023

Iran chế tạo máy bay không người lái Mohajer tiên tiến với phạm vi nâng cao

Iran đã chế tạo một máy bay không người lái tự chế tiên tiến có tên Mohajer-10 với phạm vi và thời gian bay được nâng cao cũng như tải trọng lớn hơn, truyền thông nhà nước Iran đưa tin hôm thứ Ba. Máy bay không người lái có phạm vi hoạt động 2.000 km (1.240 dặm) và có thể bay tới 24 giờ với tải trọng có thể lên tới 300 kg, gấp đôi công suất của máy bay không người lái “Mohajer-6”.

Xem thêm tại: Reuters, Iran builds advanced Mohajer drone with enhanced range. Truy cập ngày 23/8/2023

Các lãnh đạo quốc phòng của ECOWAS đồng ý ‘ngày D’ cho can thiệp quân sự vào Niger

Khối Tây Phi đã đồng ý xác định “D-day” cho khả năng can thiệp quân sự nhằm khôi phục nền dân chủ ở Niger sau khi các tướng lĩnh lật đổ và giam giữ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tháng trước. Các chỉ huy trưởng quốc phòng đã gặp nhau để điều chỉnh chi tiết về hoạt động quân sự tiềm năng nhằm khôi phục Bazoum nếu các cuộc đàm phán đang diễn ra với các nhà lãnh đạo đảo chính thất bại. Hầu hết 15 quốc gia thành viên của ECOWAS đều sẵn sàng đóng góp vào lực lượng chung, ngoại trừ Cape Verde và những quốc gia cũng nằm dưới sự cai trị của quân đội – Mali, Burkina Faso và Guinea

Xem thêm tại: Al Jazeera, ECOWAS defence chiefs agree ‘D-day’ for Niger military intervention. Truy cập ngày 19/8/2023

Chuyên mục Phân tích:

NATO trong thập niên mới (P8): đối phó với Trung Quốc

Bản Khái niệm chiến lược năm 2022 của NATO đã công nhận Trung Quốc là một thách thức an ninh, nhưng bây giờ liên minh cần biến điều đó thành các hành động cụ thể. Đầu tiên, NATO cần phát triển các kế hoạch dự phòng cho các hành động của mình trong trường hợp xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung. Thêm vào đó, NATO cũng cần có khả năng thường xuyên đưa ra các quan điểm chung về Trung Quốc, ngay cả khi nó nằm ngoài trọng tâm địa lý của liên minh ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương. Ở mức tối thiểu, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương cần có khả năng nêu lên các vấn đề về Trung Quốc một cách thường xuyên. Cuối cùng, liên minh có thể sẽ cần tới một cơ quan cố vấn nào đó để giảm xung đột giữa NATO và Liên minh châu Âu – và tránh tình trạng tê liệt trong một cuộc khủng hoảng. Kế đến, NATO cần các công cụ để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc làm suy yếu khả năng thực hiện sứ mệnh quân sự của mình, bao gồm các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng, viễn thông, sự sẵn sàng của quân đội và khả năng tương tác. Quan trọng hơn thảy, NATO cần phải có khả năng phòng vệ khu vực châu Âu – Đại Tây Dương cao hơn hiện tại. Theo đó, việc triển khai tàu của Pháp hoặc Anh ở vùng biển châu Á sẽ cần thiết và NATO nên tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trọng tâm công việc của NATO vẫn phải là ở châu Âu. Khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn, và nếu cần thiết, đánh bại Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc có một hàng phòng thủ vững chắc ở Đông Âu. Điều đó bắt đầu bằng việc giáng cho Nga một thất bại chiến lược ở Ukraine, nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi sự hiện diện lâu dài và đáng kể hơn của NATO ở sườn phía đông.

Xem thêm tại: Foreign Policy, NATO’s Next Decade: NATO and China. Truy cập ngày 20/8/2023

Cuộc chiến tại Ukraine sẽ kéo dài hàng năm trời?

Cuộc chiến của Nga với Ukraine có nguy cơ trở thành một cuộc chiến trường kỳ kéo dài thêm vài năm nữa. Lý do đầu tiên là do giới hạn hỗ trợ của phương Tây. Mỹ và các đồng minh chủ chốt của châu Âu như Đức muốn ngăn cản Nga giành chiến thắng, nhưng lại lo ngại về chi phí và rủi ro khi giúp Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn. Kế đến, phương Tây đang vạch ra những thỏa thuận lớn để chấm dứt chiến tranh, nhưng chúng không phù hợp với mục tiêu của Kiev và Moscow. Tổng thống Biden cho biết mục tiêu viện trợ của Mỹ là đặt Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể cho các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng. Nhưng trong suốt cuộc chiến, việc củng cố Ukraine bằng viện trỡ quân sự đã xung đột với một ưu tiên khác, lấn át ưu tiên của phương Tây: tránh leo thang không kiểm soát dẫn đến chiến tranh trực tiếp với Nga hoặc Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tiếp đến, vũ khí hạn chế của quân đội Ukraine, bao gồm cả sức mạnh không quân và phòng không, đã góp phần gây ra tổn thất nặng nề cho họ trong suốt cuộc chiến và khiến cuộc phản công chậm chạp một cách đau đớn vào mùa hè này trước các tuyến kiên cố của Nga ở vùng Zaporizhzhia và Donetsk. Các quan chức phương Tây không nghĩ rằng Mỹ và các đồng minh của họ có thể để Kyiv một mình xác định mục tiêu. Họ sợ rằng những mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa của Ukraine sẽ đảm bảo một cuộc chiến bất tận. Họ muốn cung cấp cho Ukraine củ cà rốt để chấp nhận việc mất một số lãnh thổ trên thực tế, chẳng hạn như tư cách thành viên NATO hoặc Liên minh châu Âu hoặc những lời hứa về viện trợ kinh tế và quân sự dài hạn. Các sự kiện gần đây, từ cuộc nổi dậy của nhóm bán quân sự Wagner đến việc đồng rúp mất giá, cho thấy cuộc chiến đang gây căng thẳng cho nền kinh tế và quân sự của Nga như thế nào, nhưng chưa đến mức đột phá. Một số nhà quan sát tin rằng tình trạng chiến tranh chống lại Ukraine và những cá nhân ủng hộ phương Tây trong lòng nước Nga đang đe dọa lý do tồn tại của một chế độ không còn có thể mang lại sự tăng trưởng và ổn định kinh tế. Nga đã không từ bỏ mục tiêu tối đa mà mình đã theo đuổi ở nhiều nước láng giềng trong nhiều năm nhằm tái khẳng định phạm vi ảnh hưởng cũ của mình và ngăn chặn các nước như Ukraine tiến xa hơn về phía Tây.

Xem thêm tại: WSJ, Why Russia’s War in Ukraine Could Run for Years. Truy cập ngày 21/8/2023

Ukraine sẽ có bao nhiêu máy bay F-16 và chúng sẽ thay đổi chiến tranh như thế nào?

Hà Lan và Đan Mạch đã dẫn đầu nỗ lực đào tạo phi công và cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine để giúp chống lại ưu thế trên không của Nga. Cụ thể hơn, Đan Mạch sẽ giao tổng cộng 19 máy bay phản lực với 6 chiếc đầu tiên sẽ tới Ukraine vào cuối năm nay, tiếp theo là 8 chiếc vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025. Hà Lan có sẵn 42 chiếc F-16 nhưng vẫn chưa quyết định liệu sẽ viện trợ tất cả chúng hay không. Tổng thống Zelenskyy gọi khoản tài trợ này là một “thỏa thuận đột phá” và cho biết các máy bay sẽ tăng cường khả năng phòng không của Ukraine và giúp nước này phản công chống lại lực lượng Nga. Tuy nhiên, việc viện trợ F-16 cũng vẫn sẽ khiến Ukraine gặp nhiều thách thức. Trước nhất, các quan chức Mỹ cho rằng F-16 sẽ chẳng giúp ích cho Ukraine trong nỗ lực hiện tại và sẽ không thay đổi cuộc chơi vì hệ thống phòng không của Nga. Ngoài ra, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết sáu tháng đào tạo được coi là thời gian tối thiểu đối với phi công nhưng vẫn chưa biết sẽ mất bao lâu để đào tạo kỹ sư và thợ máy. Chương trình huấn luyện sẽ giúp các phi công và nhân viên kỹ thuật Ukraine có thể sử dụng F-16 trong chiến đấu vào đầu năm tới. Thách thức tiếp theo là khung máy bay cần được bảo trì thường xuyên vì các máy bay phản lực F-16 mà Ukraine sẽ nhận đều đã có tuổi đời khoảng 40 năm. Một thách thức khác là áp lực về thời gian đối với việc đào tạo phi công, kỹ sư và thợ máy. Mặt khác, F-16 cũng mang lại một số cơ hội cho lực lượng Ukraine. F-16 được trang bị pháo 20 mm và có thể mang bom, rocket và tên lửa. Nhiều đồng minh của NATO sở hữu F-16, giúp tìm phụ tùng thay thế dễ dàng hơn so với các máy bay Nga mà Ukraine hiện đang sử dụng. Đan Mạch và các quốc gia khác cũng bắt đầu sử dụng các máy bay phản lực khác như F-35 theo đơn đặt hàng của Đan Mạch, thúc đẩy nguồn cung phụ tùng thay thế từ những máy bay đã nghỉ hưu.

Xem thêm tại: Reuters, How many F-16 jets will Ukraine get and how will they change war? Truy cập ngày 24/8/2023

Tại sao Ukraine gặp khó khăn trong việc gỡ bỏ bom mìn của Nga?

Sự thích ứng quan trọng nhất gần đây đối với diễn biến của cuộc chiến là sự thay đổi chiến lược của Nga sang sử dụng hàng trăm nghìn quả mìn. Trong khi công nghệ quân sự đã tiến bộ trong vài thập kỷ qua, thì chiến thuật và công nghệ phát hiện, rà phá và xuyên thủng các bãi mìn lại không tiến bộ trong 50 năm qua. Hai sự phát triển công nghệ gần đây đã làm gia tăng khoảng cách giữa thách thức chọc thủng các bãi mìn và các giải pháp hiện có. Đầu tiên là khả năng quan sát chiến trường hiện nay đã trở nên phổ biến. Chiến tranh Ukraine đã chứng kiến ​​sự phát triển của một mạng lưới quân sự-dân sự được kết nối gồm các cảm biến, phân tích và phổ biến thông tin tình báo. Sự phát triển thứ hai là điều khiển hỗ trợ hỏa lực được số hóa. Tên lửa tầm xa, pháo binh, trực thăng tấn công, đạn tuần kích và tác chiến điện tử hiện được đồng bộ hóa với các hệ thống chỉ huy chiến đấu số hóa thời đại mới, từ đó được liên kết với mạng cảm biến dạng lưới. Do đó, trong khi nhiều thập kỷ trước, phải mất một thời gian để phát hiện kẻ thù đang tiến hành xâm phạm chướng ngại vật và thậm chí còn lâu hơn để hạ gục chúng, thì giờ đây, quá trình này chỉ mất một hoặc hai phút. Các lực lượng tham gia vào các chiến dịch thâm nhập cũng có thể nhanh chóng bị nhắm mục tiêu và thường sẽ có những quả mìn rải rác bắn ra phía sau họ vào các làn đường mà họ đã rà phá trong bãi mìn.

Năm vừa qua đã cho thấy xu hướng rõ ràng về việc giảm thời gian từ lúc phát hiện đến khi tiêu diệt trên chiến trường hiện đại. Thế nhưng chúng ta vẫn chưa cập nhật được chiến thuật và kỹ thuật chọc thủng bãi mìn. Trong khi Ukraine đã bắt đầu thích nghi bằng cách tiến hành rà phá bom mìn nhiều hơn, thì trong ngắn hạn, các quốc gia phương Tây nên cung cấp cho Ukraine nhiều thiết bị rà phá bom mìn được cơ giới hóa hơn. Hơn 1.000 phương tiện kỹ thuật bọc thép và chuyên dụng – bao gồm máy lăn và máy cày cũng như thiết bị rà phá bom mìn – tồn tại trong các tổ chức quân đội châu Âu. Chúng sẽ giúp ích cho Ukraine hiện tại và trong các cuộc tấn công không thể tránh khỏi trong năm tới và hơn thế nữa.

Xem thêm tại: ABC, Russia is expanding its use of landmines in Ukraine but removing them is proving difficult. Truy cập ngày 18/8/2023

Liệu Philippines sẵn sàng đối phó xung đột tại Đài Loan?

Philippines là quốc gia gần Đài Loan nhất trong số 5 đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Sau khi tổng thống Philippines Marcos nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái, Manila đã tăng cường hợp tác quân sự với Washington bằng cách mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ tới 4 căn cứ quân sự mới. Do đó, Trung Quốc ngày càng cảnh giác trước sự can dự của Philippines vào vấn đề Đài Loan và lo ngại về sự can thiệp quân sự của Mỹ vào xung đột Đài Loan. Từ quan điểm của Trung Quốc, việc Philippines tập trung vào vấn đề Đài Loan là một nỗ lực nhằm thu hút thêm sự trợ giúp quân sự của Mỹ và củng cố lập trường cứng rắn của nước này đối với các tranh chấp ở Biển Đông do năng lực quân sự của Philippines còn hạn chế, khó có thể tăng cường sức mạnh phòng thủ ở cả Biển Đông và vùng phía bắc gần eo biển Đài Loan cùng một lúc.

Tuy nhiên, nếu Philippines có thể nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Mỹ, nước này có thể tăng cường sức mạnh quân sự với chi phí tối thiểu – từ đó giải phóng các nguồn lực để tăng cường sự quyết đoán của Manila ở Biển Đông. Như Chính sách An ninh Quốc gia 2023 đến 2028 đã lưu ý Philippines sẽ tăng cường hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ để nâng cao hơn nữa khả năng quân sự và cả hai bên đã hợp tác để thiết lập một “thế trận răn đe đáng tin cậy”. Tuy nhiên, cách tiếp cận này vấp phải sự phản đối từ bên trong. Theo đó, có sự chia rẽ rõ ràng trong giới tinh hoa Philippines, về cả chính sách với Trung Quốc nói chung và vấn đề Đài Loan nói riêng, về bố trí lực lượng quốc phòng và tăng cường khả năng răn đe đối với Trung Quốc – cả ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Quan hệ giữa Philippines và Mỹ ở eo biển Đài Loan vẫn còn ở mức thấp. Hợp tác quốc phòng đã làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan khi cả hai bên đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Xem thêm tại: Diplomat, Is the Philippines Ready for a Taiwan Conflict? Truy cập ngày 20/8/2023

Hải quân Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ?

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc hiện là quy mô lớn nhất và tham vọng nhất mà chúng ta từng thấy đối với bất kỳ quốc gia nào kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng sự thật là Hải quân Mỹ, cùng với hải quân các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản, vẫn mạnh hơn nhiều so với Hải quân Trung Quốc và điều đó có thể sẽ tiếp tục. Trung Quốc thường được mô tả là có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Nhưng Mỹ có nhiều loại tàu chiến chủ lực quan trọng nhất, phù hợp với tác chiến trên biển. Con số chỉ thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc đối với các tàu nhẹ hơn và ít vũ trang hơn, chẳng hạn như tàu khu trục nhỏ và tàu tuần tra ven biển. Lợi thế của Trung Quốc về các loại tàu chiến nhẹ hơn có thể đặc biệt quan trọng trong một cuộc xung đột chủ yếu diễn ra ở eo biển Đài Loan và các khu vực ven biển khác gần Trung Quốc. Khả năng một quốc gia thực hiện các cuộc tấn công tên lửa là một yếu tố quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ xem xét số lượng tàu chiến. Mỹ có thể dễ dàng bù đắp cho lợi thế về số lượng của Trung Quốc về số lượng tàu chiến hạng nhẹ bằng tên lửa “phòng thẳng đứng tầm xa” ở khoảng cách hơn 1.500 km. CSIS đã ước tính rằng trong trường hợp Trung Quốc bắt đầu chiến tranh với Đài Loan, Mỹ có thể bắn hơn 5.000 tên lửa chống hạm trong 3-4 tuần đầu tiên. Mô phỏng tỏ ra bi quan về việc liệu con số này có đủ để ngăn chặn hay đánh bại cuộc tấn công của Trung Quốc trong những tuần đầu tiên hay không, nhưng nó vẫn cho thấy Trung Quốc phải chịu tổn thất đáng kể.

Trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng ta có thể dự đoán rằng Mỹ sẽ sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm làm tê liệt các căn cứ hải quân và các mục tiêu khác bên trong Trung Quốc. Hải quân Mỹ cũng có năng lực tác chiến mạng vượt trội so với hải quân Trung Quốc. Nguồn lực mạng của Mỹ tập trung ở “Hạm đội thứ mười”, với hơn 19.000 quân nhân tại ngũ và dự bị. Mỹ có 26 bộ chỉ huy, 40 đơn vị lực lượng đặc nhiệm mạng và 29 bộ chỉ huy dự bị trên toàn thế giới, có thể sẵn sàng tấn công Trung Quốc trong trường hợp chiến tranh. Những nhiệm vụ như vậy có thể nhằm mục đích vô hiệu hóa, làm gián đoạn hoặc phá hủy khả năng chỉ huy, kiểm soát và hiệu quả chiến đấu của hải quân Trung Quốc. Trong cuộc chiến với Trung Quốc, Mỹ có thể trông cậy vào sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh chủ chốt, như Anh, Canada và Úc, thông qua các cuộc tấn công quân sự mạng từ xa chống lại Trung Quốc. Báo cáo tháng 5 năm 2023 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đánh giá rằng cán cân hải quân vẫn nghiêng về Mỹ, đặc biệt là về năng lực tàu ngầm. Lợi thế về sức mạnh hải quân của Mỹ so với Trung Quốc có thể sẽ duy trì ít nhất trong thập kỷ tới, và có thể lâu hơn.

Xem thêm tại: Asia Times, Fret not, Aussies: US Navy still far superior to China’s. Truy cập ngày 22/8/2023