Chuyển động Quốc Phòng (10/3 – 16/3/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga dùng tên lửa thế hệ mới tấn công Ukraine

Các binh sĩ Ukraine đã phát hành một đoạn video ngắn cho thấy thứ dường như là phần còn lại của hệ thống vũ khí không đối đất dẫn đường Grom-E1 mới. Grom-E1 là một hệ thống tên lửa dẫn đường không đối đất được thiết kế để tiêu diệt một loạt các mục tiêu mặt đất với tọa độ được xác định trước đó. Tên lửa Grom-E1 nặng 594 kg, dài 4,2 m, đường kính thân 0,31 m, sải cánh 1,9 m, được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và dẫn đường vệ tinh. Hệ thống Grom được phát triển bởi Tập đoàn tên lửa chiến thuật và là một phần trong vũ khí của các máy bay chiến đấu như MiG-35, Su-34, Su-35, Su-57 và trực thăng.

Xem thêm tại: Defence Blog, Russia uses next-gen missile to strike Ukrainian targets. Truy cập ngày 14/3/2023

Chỉ huy lính đánh thuê Wagner yêu cầu thêm đạn dược cho trận chiến Bakhmut

Chỉ huy lính đánh thuê Wagner Prigozhin nói rằng điều quan trọng nhất bây giờ là nhận thêm đạn dược từ quân đội Nga và “tiến công” ở Bakhmut. Prigozhin cho biết lực lượng của ông cần 10.000 tấn đạn dược mỗi tháng cho trận chiến. Wagner đã dẫn đầu các cuộc tấn công chống lại các thành phố ở miền đông Ukraine bao gồm cả Bakhmut, trở thành cuộc chiến dài nhất và đẫm máu nhất trong cuộc tấn công kéo dài một năm của Nga. Tính đến nay, cả Nga và Ukraine đều chịu tổn thất nặng nề xung quanh Bakhmut.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Wagner mercenary chief demands more ammunition for Bakhmut battle. Truy cập ngày 12/3/2023

Máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất, được trang bị và vũ khí hóa, bị bắn rơi ở miền đông Ukraine

Tuần qua, lực lượng Ukraine cho biết đã bắn hạ một drone vũ trang, về sau được xác định là Mugin-5, một UAV thương mại do Trung Quản sản xuất. Báo cáo cho thấy drone vũ trang thương mại không có khớp gắn camera, đồng nghĩa với việc nó không thể được sử dụng cho mục đích giám sát, khiến cho nó tương tự như “bom câm”. Ngoài ra, loại đạn tải trên drone có khả năng là một thiết kế ” chất nổ phân mảnh cao”, “đơn giản và không mang tính khí động học cao”. Chuyên gia cũng cho biết cơ chế giải phóng quả bom dường như được chế tạo bằng các bộ phận in 3D “cho thấy UAV đã được cải tiến một cách nhanh chóng”.

Xem thêm tại: CNN, Chinese-made drone, retrofitted and weaponized, downed in eastern Ukraine. Truy cập ngày 16/3/2023

Ukraine thiếu quân tinh nhuệ và đạn dược khi tổn thất, chủ nghĩa bi quan gia tăng

Chất lượng quân đội Ukraine đã xuống cấp khi nhiều chiến binh giàu kinh nghiệm bị loại khỏi cuộc chiến sau một năm thương vong. Mỹ và Châu Âu đã ước tính rằng có tới 120.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào đầu năm ngoái. Dòng quân dự bị thiếu kinh nghiệm được đưa đến để khắc phục tổn thất đã thay đổi cục diện của lực lượng Ukraine, vốn thiếu thốn đạn dược cơ bản, bao gồm đạn pháo và bom cối. Việc Ukraine không có khả năng thực hiện một cuộc phản công đang được thổi phồng quá mức sẽ châm ngòi cho những chỉ trích mới rằng Mỹ và các đồng minh châu Âu đã chờ đợi quá lâu, đến khi lực lượng này đã xuống cấp, để tăng cường các chương trình huấn luyện và cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép, bao gồm cả xe tăng chiến đấu Bradleys và Leopard .

Xem thêm tại: Bloomberg, Ukraine short of skilled troops and munitions as losses, pessimism grow. Truy cập ngày 14/3/2023

ICC dự kiến ​​khởi động các vụ án tội ác chiến tranh chống lại người Nga về Ukraine

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) dự kiến ​​sẽ tìm cách bắt giữ các quan chức Nga vì dùng vũ lực trục xuất trẻ em khỏi Ukraine và tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự, đây sẽ là vụ án tội ác chiến tranh quốc tế đầu tiên phát sinh từ cuộc xâm lược của Moscow. Lệnh bắt giữ có thể bao gồm tội danh diệt chủng và dự kiến ​​sẽ được tiến hành trong “thời gian gần” nếu yêu cầu của công tố viên được một thẩm phán chấp thuận. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ công tố viên có thể xin lệnh truy nã những quan chức nào của Nga.

Xem thêm tại: Reuters, ICC expected to launch war crimes cases against Russians over Ukraine. Truy cập ngày 15/3/2023

Cuộc chiến của Putin đã không làm thay đổi mối quan hệ sâu sắc trong lĩnh vực quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc

Các công ty quốc phòng nhà nước Trung Quốc đã duy trì mối quan hệ thương mại với các công ty quốc phòng Nga bị trừng phạt trong năm qua, ngay cả khi nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới cắt đứt quan hệ với Moscow và các công ty thúc đẩy cuộc tấn công vào Ukraine. Hồ sơ cho thấy trong suốt năm 2022, nhà thầu quốc phòng Poly Technologies có trụ sở tại Bắc Kinh đã gửi ít nhất hàng chục lô hàng – bao gồm các bộ phận máy bay trực thăng và thiết bị vô tuyến không đối đất – tới một công ty Nga bị Mỹ trừng phạt vì có liên hệ với nhà lãnh đạo Vladimir Putin trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhà máy Hàng không Ulan Ude, nhà cung cấp máy bay trực thăng cấp quân sự – cũng tiếp tục gửi các bộ phận và một số máy bay trực thăng cho công ty có trụ sở tại Bắc Kinh vào năm ngoái. Hầu hết các bộ phận máy bay trực thăng có trong các chuyến hàng tới Nga đều được dán nhãn để sử dụng cho trực thăng đa năng Mi-171E, chúng được thiết kế để vận tải và tìm kiếm cứu nạn.

Xem thêm tại: CNN, China and Russia have deep defense sector ties. Putin’s war has not changed that, data show. Truy cập ngày 11/3/2023

Tập Cận Bình hội đàm cùng tổng thống Zalensky, gặp Vladimir Putin vào tuần tới

Tập Cận Bình có kế hoạch nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine, có thể là sau chuyến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào tuần tới. Cuộc gặp với TT Zelensky dự kiến ​​sẽ diễn ra trực tuyến, phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh đóng vai trò tích cực hơn trong việc làm trung gian hòa giải để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Chuyến đi tới Nga sẽ đánh dấu lần ra nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau khi ông đảm bảo nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là người đứng đầu nhà nước Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra khi nhà lãnh đạo 69 tuổi đang tìm cách đánh bóng vị thế của mình với tư cách là một chính khách toàn cầu và điều hướng cuộc cạnh tranh leo thang với Mỹ và đồng minh.

Xem thêm tại: Mint, China’s Xi to speak to Zalensky, meet next week with Putin. Truy cập ngày 14/3/2023

Pakistan đề nghị chuyển 44 xe tăng T-80UD cho Ukraine để đổi lấy hỗ trợ tài chính

Pakistan có kế hoạch chuyển giao 44 xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UD cho Ukraine để đổi lấy hỗ trợ tài chính từ các nước phương Tây. Pakistan cũng sẽ giao cho Ukraine đạn 155 mm, túi đẩy M4A2, kíp nổ M82 và ngòi nổ PDM đã được chuyển đến Ukraine thông qua một cảng ở Ba Lan. T-80UD có lớp giáp tổng hợp làm từ các lớp vật liệu gốm và thép. Vũ khí chính của T-80UD bao gồm một pháo nòng trơn 125 mm, có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau, đạn xuyên giáp (APFSDS), đạn chống tăng (HEAT) và đạn nổ phân mảnh (HE-FRAG). Lớp giáp được thiết kế để bảo vệ chống lại nhiều mối đe dọa, bao gồm đạn xuyên giáp, lựu đạn phóng rocket và tên lửa chống tăng.

Xem thêm tại: Army Recog, Pakistan offers to transfer 44 T-80UD tanks to Ukraine in exchange of financial assistance. Truy cập ngày 12/3/2023

Đan Mạch xác nhận 100 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine sẽ sẵn sàng vào mùa xuân

Đan Mạch đã xác nhận hợp tác với Đức và Hà Lan để tặng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Leopard 1A5 cho Ukraine. Trước đó, vào đầu tháng 2, Đan Mạch cùng với Hà Lan và Đức đã khởi động dự án tân trang số lượng lớn xe tăng Leopard 1A5. Leopard 1A5 được trang bị một khẩu pháo L7A3 105mm, có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn xuyên giáp (APDS), đạn chống tăng (HEAT) và đạn nổ nén (HESH). Vũ khí thứ hai của MBT này bao gồm một súng máy đồng trục 7,62mm và một súng máy phòng không 7,62mm gắn trên vòm chỉ huy. Leopard 1A5 có tổ lái 4 người, bao gồm chỉ huy, lái xe, xạ thủ và người nạp đạn.

Xem thêm tại: Army Recog, Denmark confirms that 100 Leopard 1A5 tanks for Ukraine will be ready in the spring. Truy cập ngày 13/3/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Lầu Năm Góc nói Nga cung cấp nhiên liệu cho đầu đạn hạt nhân Trung Quốc

John F. Plumb, trợ lý bộ trưởng quốc phòng về chính sách không gian, bày tỏ lo ngại hôm thứ Tư rằng Nga đang cung cấp uranium cho các lò phản ứng của Trung Quốc, và các lò này lại đang sản xuất plutonium cho đầu đạn như một phần của quá trình xây dựng hạt nhân quy mô lớn của Bắc Kinh. Trợ lý Plumb cũng nói rằng các mối đe dọa hạt nhân đối với Mỹ đang gia tăng, bao gồm cả từ khinh khí cầu giám sát tầm cao và tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân. Chi tiết về hợp tác hạt nhân Nga-Trung gây ra nhiều lo ngại cho Mỹ, bao gồm việc cơ quan hạt nhân quốc gia Nga Rosatom được cho là đã cung cấp 14.279 pound uranium cho Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc để sản xuất các đầu đạn hạt nhân mới.

Xem thêm tại: WashingtontTimes, Pentagon says Russia supplying fuel for Chinese nuclear warheads. Truy cập ngày 10/3/2023

Vị tướng bị Mỹ trừng phạt trở thành gương mặt đại diện cho quân đội Trung Quốc

Tướng Lí Thượng Phúc (Li Shangfu), người được bổ nhiệm vào Chủ nhật với tư cách là bộ trưởng quốc phòng mới của Trung Quốc, là một nhân vật đầy kinh nghiệm trong nỗ lực hiện đại hóa PLA – lý do khiến Mỹ trừng phạt ông vì mua vũ khí từ Nga. Năm 2016, Tướng Lí được bổ nhiệm làm phó chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới của PLA – một cơ quan tinh nhuệ được giao nhiệm vụ thúc đẩy quá trình phát triển khả năng tác chiến mạng và không gian của Trung Quốc. Xuất thân là một nhà kỹ trị – tướng Lí là một kỹ sư hàng không vũ trụ từng làm việc trong chương trình vệ tinh của Trung Quốc – thứ sẽ giúp ông đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu tạm thời của Chủ tịch Tập Cận Bình đặt cho PLA.

Xem thêm tại: Reuters, US-sanctioned general to become public face of China’s growing military. Truy cập ngày 13/3/2023

Trung Quốc vượt Nga về vũ khí siêu thanh

Trung Quốc đang đi trước Nga trong việc phát triển vũ khí siêu thanh và có thể đã triển khai một loại vũ khí có khả năng tấn công các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Paul Freisthler, trưởng bộ phận phân tích của cơ quan tình báo quốc phòng (DIA), nói rằng Trung Quốc cũng đang theo đuổi việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được trang bị đầu đạn siêu thanh đã được thử nghiệm từ năm 2014. Ông Freisthler cũng cho biết Bắc Kinh đã thúc đẩy việc phát triển công nghệ và năng lực tên lửa siêu thanh thông thường và trang bị hạt nhân thông qua đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai tập trung và mạnh mẽ. Viện khí động học Trung Quốc tuyên bố rằng ít nhất ba đường hầm gió siêu thanh có khả năng hoạt động ở tốc độ Mach 8, 10 và 12 lần tốc độ âm thanh đã được xây dựng. Trong khi Nga hiện tại có ba hệ thống dã chiến bao gồm một vũ khí phóng từ biển di chuyển với tốc độ Mach 8.

Xem thêm tại: Bloomberg, China Has Lead Over Russia In Hypersonic Weapons, DIA Says. Truy cập ngày 11/3/2023

Tập Cận Bình kêu gọi ‘nâng cấp nhanh hơn’ lực lượng vũ trang

Ông Tập cho biết hôm thứ Tư rằng Trung Quốc phải tối đa hóa “khả năng chiến lược quốc gia” của mình trong nỗ lực “nâng cấp một cách có hệ thống sức mạnh tổng thể của đất nước để đối phó với các rủi ro chiến lược, bảo vệ lợi ích chiến lược và thực hiện các mục tiêu chiến lược. Ông Tập cũng đã đưa ra một loạt lời kêu gọi đẩy nhanh việc xây dựng khả năng tự lực về khoa học và công nghệ, củng cố năng lực chiến lược trong các lĩnh vực khẩn cấp, làm cho chuỗi cung ứng và công nghiệp trở nên linh hoạt hơn và làm cho dự trữ quốc gia “có khả năng bảo vệ an ninh quốc gia cao hơn”. Chương trình do ông Tập đề ra phù hợp với một số chiến lược quốc gia đã được triển khai, bao gồm chiến dịch “Made in China 2025” nhằm đưa Trung Quốc chiếm ưu thế trong 10 lĩnh vực chính từ mạch tích hợp đến hàng không vũ trụ, và chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ nhằm tích hợp quân sự-dân sự trong kinh tế.

Xem thêm tại: AP News, China’s Xi calls for ‘more quickly elevating’ armed forces. Truy cập ngày 10/3/2023

Đài Loan ra mắt máy bay không người lái giám sát và chiến đấu mới

Một nhà phát triển vũ khí quân sự Đài Loan đã tiết lộ năm loại drone quân sự nội địa mới vào thứ ba, khi hòn đảo tự trị này tìm cách tăng cường khả năng chiến tranh bất đối xứng trước mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc. Mẫu drone đầu tiên là Albatross II, có khả năng tiến hành giám sát và theo dõi các tàu hải quân trên biển trong thời gian dài bằng AI. Cardinal III, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, được thiết kế để giám sát các hoạt động dọc bờ biển. UAV tuần kích, được trang bị một đầu đạn và có khả năng nhắm vào các cá nhân hoặc phương tiện từ trên trời. Các loại drone chiến đấu mới khác cũng được thiết kế để sử dụng hệ thống vệ tinh GPS và công nghệ theo dõi hình ảnh để khởi động các cuộc tấn công.

Xem thêm tại: CNN, Taiwan unveils its new combat and surveillance drones as China threat grows. Truy cập ngày 15/3/2023

Đài Loan nói rằng chi tiêu quốc phòng tập trung vào việc sẵn sàng cho ‘phong tỏa toàn diện’ của Trung Quốc

Chi tiêu quốc phòng của Đài Loan trong năm nay sẽ tập trung vào việc chuẩn bị vũ khí và thiết bị nhằm đối phó với một “cuộc phong tỏa toàn diện” của Trung Quốc, bao gồm các bộ phận của máy bay chiến đấu F-16 và bổ sung vũ khí. Trong một bản cập nhật về đánh giá mối đe dọa từ Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động phối hợp nhằm kiểm soát các điểm nút chiến lược và ngăn chặn sự tiếp cận của các lực lượng nước ngoài. Ông Chính cũng cho biết Đài Bắc đã bắt đầu xem xét dự trữ nhiên liệu chiến lược và khả năng sửa chữa vào năm ngoái.

Xem thêm tại: Reuters, Taiwan says defence spending to focus on readying for ‘total blockade’ by China. Truy cập ngày 14/3/2023

Anh chấp thuận tăng xuất khẩu liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan, có nguy cơ chọc giận Trung Quốc

Anh đã thông qua việc tăng mạnh xuất khẩu các bộ phận và công nghệ tàu ngầm sang Đài Loan vào năm ngoái khi nước này nâng cấp lực lượng hải quân, một động thái có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Anh với Trung Quốc. Giá trị giấy phép do chính phủ Anh cấp cho các công ty xuất khẩu linh kiện và công nghệ liên quan đến tàu ngầm sang Đài Loan đạt tổng trị giá kỷ lục 167 triệu bảng Anh (201,29 triệu USD) trong 9 tháng đầu năm ngoái. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng đây là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc, làm suy yếu chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời phá hoại hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan.

Xem thêm tại: Reuters, UK approves increased submarine-related exports to Taiwan, risking angering China. Truy cập ngày 14/3/2023

Tình báo Mỹ cảnh báo nguy cơ đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại LAC

Bản Đánh giá Mối đe dọa Hàng năm của Cộng đồng Tình báo Mỹ tuyên bố rằng mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn “căng thẳng” sau “cuộc đụng độ chết người” của họ vào năm 2020. Báo cáo cảnh báo rằng “bố trí quân sự mở rộng” của cả hai nước dọc theo Đường ranh giới Kiểm soát Thực tế (LAC) làm tăng nguy cơ “đối đầu vũ trang” và có thể “đe dọa trực tiếp đến người dân và lợi ích của Mỹ, kêu gọi Mỹ can thiệp”. Tháng 12 năm ngoái, lực lượng của hai nước đã đụng độ ở Tawang của Arunachal Pradesh sau khi phía Trung Quốc cố gắng xâm nhập.

Xem thêm tại: WION News, US intelligence warns of risky confrontation between India and China at LAC. Truy cập ngày 10/3/2023

Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 9

Chiều 13-3, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và ngài Oka Masami đã đồng chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 9. Về tình hình thế giới, Việt Nam và Nhật cùng trao đổi về vấn đề an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, cũng như nhấn mạnh việc giữ vững môi trường hòa bình tại biển Đông. Về hợp tác quốc phòng song phương, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi đoàn, đẩy mạnh hợp tác công nghiệp quốc phòng, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo, tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ, đào tạo, quân y…

Xem thêm tại: QDND, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ 9. Truy cập ngày 14/3/2023

Nhật cân nhắc xuất khẩu vũ khí sang các nước bị xâm lược

Nhật Bản đang xem xét xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia đang phải chống lại một cuộc xâm lược, chẳng hạn như Ukraine, trong một động thái được cho là sẽ nâng cao uy tín của Tokyo trên toàn cầu. Cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ gửi áo chống đạn và các thiết bị phi sát thương khác cho Ukraine. Theo quy định hiện hành, Tokyo chỉ có thể chuyển giao máy bay chiến đấu, xe bọc thép và tên lửa cho các quốc gia cùng phát triển và sản xuất phần cứng. Với sửa đổi mới, Ukraine sẽ đủ điều kiện để Tokyo gửi vũ khí sát thương. Việc thúc đẩy sửa đổi các quy tắc diễn ra khi Nhật Bản chuẩn bị đón tiếp các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima. Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 sẽ tạo cơ hội cho Tokyo thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình và tuyên bố rằng tất cả các quốc gia G7 sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan weighs weapon exports to nations under invasion. Truy cập ngày 11/3/2023

Mỹ hướng tới đàm phán răn đe ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc

Khi Nhật Bản và Hàn Quốc tiến tới nối lại quan hệ hữu nghị trước những bất bình lịch sử, các quan chức Mỹ đang xem xét khả năng về một thể thức ba bên mới cho các cuộc đàm phán với các đồng minh Đông Á về chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Mỹ đã tổ chức các cuộc thảo luận song phương với cả hai nước về khả năng răn đe mở rộng – cam kết sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ các đồng minh. Những cuộc đàm phán này có thể được mở rộng thành một định dạng ba chiều. Bản Đánh giá Vị thế Hạt nhân do Mỹ công bố vào tháng 10 đề cập đến việc tạo cơ hội mới cho đối thoại ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc về khả năng răn đe mở rộng, hoặc các cuộc thảo luận bốn bên bao gồm Úc.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. eyes trilateral deterrence talks with Japan and South Korea. Truy cập ngày 11/3/2023

Hàn Quốc, dưới áp lực từ Trung Quốc, đang tiến gần hơn đến Quad

Seoul sẽ áp dụng “cách tiếp cận dần dần” để chính thức gia nhập bộ Tứ, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản. Gần đây, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận về việc liệu quốc gia châu Á này có chính thức tham gia bộ Tứ hay không kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chỉ ra rằng ông dự định sắp xếp các chính sách đối ngoại và quốc phòng của đất nước chặt chẽ hơn với Washington. Trung Quốc – nước coi khối do Mỹ lãnh đạo là một phương tiện để chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của mình trong khu vực – trước đây đã bày tỏ lo ngại về sự phát triển tiềm năng này.

Xem thêm tại: SCMP, South Korea, under pressure from China, is moving closer to the Quad. Truy cập ngày 12/3/2023

Hàn Quốc nên chế tạo vũ khí hạt nhân để phòng thủ trước Triều Tiên, thị trưởng Seoul nói

Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon nói rằng Hàn Quốc nên chế tạo vũ khí hạt nhân để tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Triều Tiên, ngay cả khi có nguy cơ bị quốc tế trừng phạt, đồng thời cho rằng nước này không thể bị ràng buộc bởi mục tiêu phi hạt nhân hóa. Ông Oh Se-hoon được coi là ứng cử viên có khả năng tranh cử tổng thống vào năm 2027. Với tư cách là thị trưởng, ông giám sát các cuộc tập trận phòng thủ dân sự hàng năm của Seoul và một cơ chế an ninh tích hợp nhằm bảo vệ một khu vực đô thị, nơi sinh sống của gần một nửa trong số 51 triệu dân của đất nước. Ngày càng nhiều quan chức cấp cao của Hàn Quốc ủng hộ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tái triển khai bom và tên lửa hạt nhân chiến thuật của Mỹ, vốn đã được rút khỏi Bán đảo Triều Tiên những năm 1990.

Xem thêm tại: SCMP, South Korea should build nuclear weapons to defend against North, says Seoul’s mayor. Truy cập ngày 14/3/2023

Hàn mua thêm máy bay tàng hình, máy bay đánh chặn để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên

Hàn Quốc công bố bản kế hoạch trị giá 5.6 tỷ USD để mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-35A và tên lửa đánh chặn Tiêu chuẩn-6 (SM-6) từ Mỹ nhằm phòng thủ trước tên lửa của Triều Tiên và các mối đe dọa khác. Ủy ban xúc tiến dự án quốc phòng Hàn Quốc đã thông qua một đề xuất khác nhằm phát triển vũ khí dẫn đường chiến thuật mặt đất để tăng cường khả năng tấn công chính xác chống lại các mối đe dọa lớn trong giai đoạn đầu của một cuộc chiến. Cơ quan mua sắm quốc phòng của nước này cũng có kế hoạch trang bị cho các tàu khu trục của hải quân Hàn Quốc các tên lửa dẫn đường được sản xuất hàng loạt trong nước để tăng cường khả năng đánh chặn phòng không.

Xem thêm tại: NK News, Seoul to acquire more stealth jets, interceptors to counter North Korean threats. Truy cập ngày 15/3/2023

Triều Tiên phóng hai tên lửa, vụ thử thứ hai trong ba ngày

Triều Tiên đã bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông, lần phô trương sức mạnh thứ hai trong tuần này, khi Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều năm. Các tên lửa được bắn trong khoảng thời gian khoảng 10 phút từ 7:41 sáng giờ địa phương vào sáng thứ Ba.

Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea fires two missiles, second test in three days. Truy cập ngày 10/3/2023

Philippines, Mỹ khởi động tập trận chung giữa lo ngại Trung Quốc

Philippines và Mỹ đã phát động các cuộc tập trận quân đội vào thứ Hai, với trọng tâm là tăng cường khả năng của quốc gia Đông Nam Á này để bảo vệ và bảo vệ lãnh thổ của mình khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài. Hơn 3.000 binh sĩ Philippines và Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận thường niên kéo dài ba tuần mang tên Salaknib, bao gồm nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật bằng vũ khí hạng nhẹ, các sự kiện bắn đạn thật bằng pháovà súng cối. Phần lớn các hoạt động sẽ diễn ra tại Fort Magsaysay, một trong năm địa điểm hiện có mà Mỹ có quyền tiếp cận theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA) với Manila. Trung Quốc đã chỉ trích thỏa thuận mở rộng, gọi đó là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc thông qua liên minh quân sự.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines, US kick off joint drills amid China concerns. Truy cập ngày 14/3/2023

Tàu Trung Quốc ra lệnh cho máy bay Philippines bay qua Trường Sa ‘rời đi ngay lập tức’

Khi một chiếc máy bay của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines chở các nhà báo bay qua quần đảo Trường Sa ở Biển Đông đang tranh chấp, Trung Quốc đã ra lệnh qua đài phát thanh yêu cầu máy bay của Manila rời đi lập tức. Nhưng phi công Philippines trả lời rằng họ đang bay trong lãnh thổ Philippines. Trong chuyến bay trên chiếc Cessna Caravan, các nhân viên lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã xác định được gần 20 tàu Trung Quốc, bao gồm cả các tàu bị nghi ngờ là dân quân biển, ở vùng biển xung quanh một số trong chín đảo và rạn san hô do Manila chiếm đóng.

Xem thêm tại: SCMP, South China Sea: Chinese ship orders Philippine plane flying over Spratlys to ‘leave immediately’. Truy cập ngày 11/3/2023

Tập trận Cobra Gold vạch trần cuộc chiến Mỹ-Trung vì Thái Lan

Hơn 3.800 lính Mỹ dẫn đầu lực lượng của 30 quốc gia và quan sát viên tham gia Cobra Gold, cuộc tập trận quân sự lớn nhất châu Á của Lầu Năm Góc, kết thúc bằng một cuộc tập trận bắn đạn thật vào ngày 10 tháng 3. Các quân nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia và Malaysia – cùng 3.000 quân nhân Thái và hơn 3.800 lính Mỹ thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – tham gia đầy đủ trong hai tuần lập kế hoạch và diễn tập thực địa. Các đối tác diễn tập và quan sát viên từ 23 quốc gia khác mang đến tổng số hơn 7.000 nhân viên tham gia các cuộc diễn tập chiến tranh và các tình huống khác trên đất liền, trên biển và trên không trong năm nay. Các cuộc tập trận cũng nhằm mục đích giữ cho quân đội Thái Lan duy trì liên minh với Washington, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng chính trị, kinh tế, công nghệ và văn hóa tại vương quốc này.

Xem thêm tại: Asia Times, Cobra Gold drills expose US-China fight for Thailand. Truy cập ngày 14/3/2023

Liên doanh quốc phòng Ấn Độ-Nga hướng tới thỏa thuận tên lửa 200 triệu USD với Indonesia

BrahMos, một liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, đã giành được thỏa thuận nước ngoài đầu tiên vào năm ngoái với việc bán tên lửa chống hạm trên bờ trị giá 375 triệu USD cho Philippines – một phần trong nỗ lực thúc đẩy đầy tham vọng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm tăng gấp ba lần xuất khẩu quốc phòng. Giám đốc điều hành BrahMos Aerospace Atul D. Rane cho biết họ đang thảo luận với Jakarta về một thỏa thuận trị giá 200 triệu đến 350 triệu USD cung cấp tên lửa bờ và một phiên bản có thể gắn trên tàu chiến. Thêm vào đó, BrahMos cũng đang nhắm đến việc thực hiện một đơn đặt hàng tiếp theo trị giá khoảng 300 triệu đô la với Philippines.

Xem thêm tại: Reuters, India-Russia defence firm eyes $200 mln missile deal with Indonesia. Truy cập ngày 16/3/2023

Thủ tướng Úc tuyên bố Ấn Độ là đối tác an ninh ‘hàng đầu’ trong chuyến thăm tàu ​​sân bay

Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã tận dụng chuyến thăm mang tính bước ngoặt tới tàu sân bay hàng đầu của Ấn Độ INS Vikrant để tuyên bố rằng New Delhi là đối tác quốc phòng “cấp cao nhất”. Các lực lượng Ấn Độ sẽ tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Talisman Sabre tại Australia trong năm nay. TT Albanese cũng xác nhận rằng năm nay Úc sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân Chiến dịch Malabar với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Cũng trong năm, cuộc tập trận Talisman Sabre, được tổ chức hai năm một lần và được tiến hành tại các cơ sở đào tạo lực lượng quốc phòng Úc (ADF) được chỉ định chủ yếu trên khắp Queensland và các khu vực của Biển San hô.

Xem thêm tại: ABC, Prime Minister Anthony Albanese declares India ‘top tier’ security partner during aircraft carrier visit. Truy cập ngày 11/3/2023

Mỹ và đồng minh AUKUS công bố thỏa thuận tàu ngầm đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Úc đã tiết lộ một kế hoạch trị giá hàng trăm tỷ USD cho một hạm đội tàu ngầm hạt nhân mới trong nỗ lực ngăn chặn sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan. Thỏa thuận được công bố bao gồm việc Mỹ bán cho Úc 5 tàu ngầm lớp Virginia và việc Canberra cùng với London chuyển giao tàu ngầm thế hệ mới – SSN Aukus, nhưng mẫu mới này sẽ không mang được đầu đạn hạt nhân cho phù hợp với tư cách là quốc gia phi hạt nhân của Úc. Chương trình tàu ngầm AUKUS dự tính sẽ tiêu tốn ngân sách của Úc hơn 240 tỷ USD ngay khi chiếc tàu ngầm thứ tám được giao tới.

Xem thêm tại: Bloomberg, US and Allies Unveil Submarine Deal to Counter China in Pacific. Truy cập ngày 14/3/2023

Mỹ bán 200 tên lửa Tomahawk cho Úc

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa qua đã chuẩn thuận việc bán 200 tên lửa Tomahawk cho Australia, biến quốc gia này trở thành đồng minh thứ hai, sau Anh, sở hữu loại vũ khí này. Hợp đồng trị giá 895 triệu đô-la Mỹ, bao gồm bảo trì và hỗ trợ hậu cần. Việc sở hữu Tomahawk được cho là sẽ nâng cao năng lực phối hợp chiến đấu giữa quân đội Úc với lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và các lực lượng đồng minh khác.

Xem thêm tại: CNN, US agrees to sell 220 Tomahawk missiles to Australia. Truy cập 17/3/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Nhập khẩu vũ khí châu Âu tăng, sự thống trị xuất khẩu của Mỹ tăng

Các quốc gia châu Âu đã tăng nhập khẩu vũ khí chính của họ lên 47% trong 5 năm tính đến năm 2022, trong khi tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Mỹ tăng từ 33% lên 40%. Các quốc gia châu Âu trong liên minh NATO do Mỹ lãnh đạo đã tăng nhập khẩu vũ khí lên 65% so với giai đoạn 5 năm trước đó. Nhưng trên toàn thế giới, chuyển giao vũ khí quốc tế đã giảm 5,1%. Xuất khẩu vũ khí Mỹ đã tăng 14% trong giai đoạn 2013-2017 và Mỹ chiếm 40% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Thị phần của Nga giảm từ 22% xuống 16%.

Xem thêm tại: Reuters, European arms imports climb, U.S. dominance in exports grows, think tank says. Truy cập ngày 14/3/2023

Nâng cấp quân sự của Đức sẽ mất ‘nửa thế kỷ’ với tốc độ hiện tại

Theo một báo cáo thường niên về tình trạng của quân đội Đức (Bundeswehr), việc nâng cấp lực lượng vũ trang của Đức sẽ mất 50 năm để hoàn thành nếu vẫn tiếp tục với tốc độ chậm chạp như hiện nay. Bà Eva Högl, ủy viên quốc hội phụ trách lực lượng vũ trang cho biết quyết định gửi một loạt vũ khí đến Kyiv của Berlin đã tạo ra những khoảng trống khó lấp đầy. Bà Eva Hogl cũng kêu gọi các quan chức đảm bảo rằng thiết bị “được thay thế nhanh chóng để không làm tổn hại vĩnh viễn khả năng sẵn sàng tác chiến của Bundeswehr”. Thêm vào đó, bà Hogl cũng kêu gọi thêm 300 tỷ USD để để bổ sung kho đạn dược đã cạn kiệt vào thời điểm châu Âu đang cố gắng theo kịp mức tiêu thụ đạn pháo của Ukraine.

Xem thêm tại: FT, Germany’s military upgrade to take ‘half a century’ at current pace. Truy cập ngày 15/3/2023

Máy bay Nga quấy rối và va chạm với máy bay không người lái Reaper của Mỹ trên Biển Đen

Một máy bay chiến đấu của Nga đã quấy rối và sau đó va chạm với một máy bay không người lái của Mỹ trên Biển Đen hôm thứ Ba, buộc Mỹ phải đưa máy bay không người lái MQ-9 Reaper rơi xuống vùng biển quốc tế. Hai máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã theo dõi máy bay không người lái giám sát của Mỹ khi nó bay trong không phận quốc tế trên Biển Đen, sau đó một trong hai chiếc đã va vào cánh quạt của chiếc Reaper, buộc Mỹ phải loại bỏ nó. Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga đã phát hiện drone của Mỹ bay trên Biển Đen và điều động các máy bay phản lực để xác định kẻ xâm nhập nhưng cả hai chiếc Su-27 đều không sử dụng vũ khí.

Xem thêm tại: xNBC, Russian jet harasses and then collides with U.S. Reaper drone over Black Sea. Truy cập ngày 16/3/2023

Canada mua vũ khí chống tăng, công nghệ chống máy bay không người lái cho đơn vị ở Latvia

Quân đội Canada gọi đợt thiết bị đầu tiên mà họ sẽ mua là hệ thống tên lửa chống X di động, hay PAXM. Dự án đó sẽ mua tên lửa chống tăng, cùng với các thiết bị mô phỏng để huấn luyện. Quân đội Canada ở Latvia cũng sẽ sớm nhận được hệ thống chống máy bay không người lái. Chương trình Counter Uncrewed Aircraft System, hay CUAS, cho phép ​​lực lượng này mua một hệ thống chống lại các máy bay không người lái nhỏ. Dự án phòng không sẽ chứng kiến ​​một hệ thống phòng không tầm ngắn di động dành cho binh lính được trang bị cho các đơn vị Canada ở Latvia. Binh lính Canada đã đồn trú ở Latvia từ năm 2017. Tháng 6 năm 2022, chính phủ Canada tái khẳng định cam kết với Latvia, cho biết sẽ cải thiện năng lực chỉ huy kiểm soát, phòng không, và chống tăng.

Xem thêm tại: Defense News, Canada to buy anti-tank weapon, counter-drone tech for unit in Latvia. Truy cập ngày 14/3/2023

Thỏa thuận ‘đôi bên cùng có lợi’ do Trung Quốc làm trung gian có thể kết thúc chiến tranh Yemen

Thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian giữa Iran và Ả-rập Xê-út nhằm nối lại quan hệ ngoại giao sau 7 năm gián đoạn được nhiều người kỳ vọng sẽ làm giảm xung đột leo thang trên khắp Trung Đông. Mặc dù các chi tiết của thỏa thuận chưa được công khai, nhưng nhiều nhà phân tích tin rằng chúng bao gồm việc đưa cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm ở Yemen đến hồi kết bằng đàm phán. Ngoài ra, các nhà phân tích kỳ vọng sự hòa hoãn sẽ có tác động tích cực đến Syria, quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá, nơi Iran và Nga đã hỗ trợ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad chiến đấu với quân nổi dậy tìm cách lật đổ ông.

Xem thêm tại: SCMP, China-brokered ‘win-win’ deal could bring Yemen war to a close, analysts say. Truy cập ngày 12/3/2023

Nga đã gửi một số vũ khí do Mỹ cung cấp thu được ở Ukraine cho Iran

Nga đã thu giữ một số vũ khí và thiết bị do Mỹ và NATO cung cấp, như vũ khí vác vai bao gồm hệ thống chống tăng Javelin và hệ thống phòng không Stinger còn sót lại trên chiến trường ở Ukraine và gửi chúng cho Iran, nơi Mỹ cho rằng Tehran sẽ cố gắng thiết kế đảo ngược các hệ thống này. Không rõ liệu Iran có thiết kế đảo ngược thành công bất kỳ vũ khí nào của Mỹ lấy từ Ukraine hay không, nhưng Tehran đã chứng tỏ sự thành thạo trong việc phát triển các hệ thống vũ khí dựa trên thiết bị của Mỹ đã thu giữ trong quá khứ, chẳng hạn như tên lửa dẫn đường chống tăng Toophan được thiết kế đảo ngược từ BGM của Mỹ, hay Tên lửa -71 TOW vào những năm 1970.

Xem thêm tại: CNN, Russia has been sending some US-provided weapons captured in Ukraine to Iran. Truy cập ngày 11/3/2023

Lực lượng Israel giết 3 người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng

Quân đội Israel cho biết các lực lượng của họ đã bắn chết ba người đàn ông Palestine đã nổ súng vào binh lính ở Bờ Tây bị chiếm đóng, vụ đổ máu mới nhất trong làn sóng bạo lực kéo dài một năm ở khu vực này. Quân đội Israel cho biết “các tay súng đã nổ súng” tại một vị trí của quân đội gần giao lộ Jit phía tây Nablus, và các binh sĩ đáp trả bằng “đạn thật”. Các binh sĩ, thành viên của đơn vị trinh sát bộ binh tinh nhuệ Golani, đã tịch thu ba khẩu súng trường M16 và một khẩu súng lục mà người Palestine sử dụng. Lữ đoàn Tử vì đạo Al-Aqsa, một nhánh vũ trang của đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, tuyên bố những người bị giết là thành viên của tổ chức này.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli forces kill three Palestinians in occupied West Bank. Truy cập ngày 13/3/2023

Vũ khí Mỹ để lại ở Afghanistan xuất hiện trong cuộc nổi dậy của Pakistan Taliban

Vũ khí hiện đại và các thiết bị nhìn đêm tinh vi do lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo rút khỏi Afghanistan và quân đội Afghanistan chạy trốn bỏ lại đang được Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) sử dụng để tăng cường các cuộc tấn công vào cơ quan thực thi pháp luật. Nhóm này chịu trách nhiệm về 89 vụ tấn công trên khắp Pakistan vào năm 2022. Trong một số cuộc tấn công, cảnh sát ở Khyber Pakhtunkhwa xác định rằng các chiến binh TTP đã sử dụng vũ khí và thiết bị tiên tiến từng thuộc về lực lượng Mỹ hoặc Afghanistan để thực hiện các cuộc phục kích vào ban đêm. Chế độ Taliban ở Kabul đã phủ nhận việc TTP và các nhóm chiến binh khác có quyền truy cập vào các thiết bị bị bỏ rơi.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. arms left in Afghanistan surface in Pakistan Taliban insurgency. Truy cập ngày 13/3/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P7): Bài học dành cho công nghiệp quốc phòng Trung Quốc

Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy tình trạng ảm đạm của công nghiệp quốc phòng Nga, đặc biệt là những hạn chế về lĩnh vực sản xuất vũ khí thông thường. Lực lượng Nga đang ngày càng phụ thuộc vào vũ khí cũ từ thời Liên Xô với độ chính xác và tin cậy thấp khi kho dự trữ vũ khí tiên tiến đã cạn kiệt. Moscow đã bắt đầu cải tiến cứ điểm công nghiệp quốc phòng nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng mạnh mẽ của lực lượng vũ trang trong cuộc chiến đang diễn ra. Bước đi này sẽ thay đổi sâu rộng ngành công nghiệp quốc phòng thông thường của Nga nhằm đáp ứng nhiệm vụ xây dựng lại và tái vũ trang triệt để quân đội.

Đối với nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, câu hỏi đầu tiên trong việc đánh giá các tác động của chiến tranh sẽ là mức độ có ích của nó đối với một cuộc xung đột quân sự trong tương lai. Con đường phát triển công nghiệp và công nghệ quốc phòng của Bắc Kinh phần lớn dựa trên học thuyết “chiến tranh cục bộ được thông tin hóa”, theo đó Trung Quốc tập trung xây dựng công nghiệp quốc phòng với trọng tâm là chiến tranh thông tin. Trong khi đó, cuộc chiến của Nga tại Ukraine lại trái ngược hoàn toàn, vì nó đại diện cho một cuộc chiến cơ giới hóa kiểu mẫu của giai đoạn công nghiệp, với một số sáng tạo hạn chế trên nền công nghệ thế kỷ 21, tiêu biểu là drones. Học thuyết quân sự Trung Quốc lại dựa trên các bài học đúc kết từ các chiến dịch quân sự chống Iraq của Mỹ vào các năm 1991 và 2003. Chính vì thế, tác động lâu dài của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với kế hoạch phòng thủ của Trung Quốc có thể bị hạn chế. Một bài học rõ ràng dành cho PLA từ cuộc chiến này đó là nhu cầu nhằm đảm bảo trữ lượng đạn dược cho một cuộc chiến kéo dài. Ngành công nghiệp quốc phòng Nga và Liên Xô cũ vẫn là cái bóng dai dẳng và có tầm ảnh hưởng phủ lên hệ thống vũ khí của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhập khẩu hàng tỷ USD vũ khí, vật liệu, kiến thức công nghệ và năng lực công nghiệp từ Nga, nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, hệ thống phòng không và tàu hải quân của Trung Quốc đều bắt nguồn từ các mẫu của Nga. Nhưng với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga hiện tại, Trung Quốc có một cơ hội vàng để thay thế vị trí đối tác xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga. Việc thay thế này sẽ giúp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tăng cường hình ảnh của mình từ một nhà sản xuất vũ khí chất lượng thấp, giá cả phải chăng thành một nhà cung cấp vũ khí cao cấp, thứ sẽ giúp Bắc Kinh có dòng thu nhập cao để thực hiện tham vọng chuyển đổi quốc phòng của mình nếu thành công.

Các kế hoạch hiện đại hóa quốc phòng mới nhất của Moscow đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển các thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa siêu thanh, vũ khí laze, tàu ngầm hạt nhân và hệ thống tự động thế hệ mới – tất cả những lĩnh vực mà Bắc Kinh hết sức quan tâm. Nếu các ngành công nghiệp quốc phòng do nhà nước chỉ đạo tương tự của họ có thể tạo ra mối quan hệ công nghiệp và công nghệ quốc phòng hiệu quả và lâu dài, thì họ sẽ đặt ra một thách thức quân sự phức tạp và đáng lo hơn nhiều đối với Mỹ.

Xem thêm tại: Foreign Policy, Lessons for the Next War: Lessons for China’s Defense Industry. Truy cập ngày 12/3/2023

Liệu Nga có đang tạo ra động lực chiến đấu mới tại Ukraine?

Mick Ryan, cựu thiếu tướng quân đội Úc, có bài phân tích trên Twitter về việc Nga đang tạo ra động lực và nắm thế chủ động tại Ukraine. Về cơ bản, nắm thế chủ động là việc đạt được lợi thế so với kẻ thù và từ chối mục tiêu của kẻ thù. Từ đó, các nhà lãnh đạo quân sự tìm cách gián đoạn việc hoạch định chính sách của kẻ thù, khiến cho kế hoạch của đối thủ không còn phù hợp. Ngay khi bắt đầu cuộc xâm lược, Nga đã nắm thế chủ động khi chiếm được 20% lãnh thổ Ukraine và giữ cho Ukraine ở thế phòng thủ sáu tháng đầu cuộc chiến.

Nhưng kể từ giữa năm 2022, điều này đã bắt đầu thay đổi. Dù nga đã chiếm được Luhansk, nhưng lại phải trả cái giá đắt về nhân mạng và trang thiết bị. Thêm vào đó, việc Ukraine đạt được khả năng tấn công tầm xa với HIMARS khiến cho lực lượng Nga bị bào mòn và đưa Kyiv vào thế phản công tại vùng phía nam và phía đông. Đến cuối năm 2022, thế chủ động về mặt chiến lược và tác chiến nghiêng về phía Ukraine. Ngược lại, dù sử dụng tên lửa và drone tấn công tàn bạo Ukraine, Nga vẫn không thể tạo ra bất kỳ động lực nào cho chiến dịch của mình. Mặt khác, Ukraine dường như đã sẵn sàng cho các chiến dịch tấn công vào mùa đông, dù ở quy mô nhỏ hơn so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, việc viện trợ của phương Tây đến chậm bao gồm cả tình trạng thiếu đạn pháo có lẽ đã ngăn cản bước tiến của Ukraine. Đầu năm 2023, Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các địa điểm khác nhau tại phía Đông Ukraine như Vuhledar và đưa Trận chiến Bakhmut vào cuộc tấn công lớn hơn ở phía đông của Nga.

Việc Nga thực hiện chiến dịch quy mô lớn như vậy là nhằm tạo ra động lực cho cuộc chiến. Việc tạo ra động lực có hai phương diện, vật lý và tâm lý. Vật lý yêu cầu bước tiến, điều động, giao tranh và giành lấy chiến trường cũng như tiêu diệt kẻ thù và tâm lý khi Nga muốn định hình nhận thức của binh sĩ, chính phủ, giới báo chí Ukraine và Phương tây nhằm khiến cho họ tin rằng Nga có năng lực tấn công càng lâu càng tốt. Tuy Nga đã tạo ra động lực trong hai tháng qua, nhưng vẫn chưa nắm được thế chủ động về mặt chiến lược hay trên chiến trường tại phía đông. Ngoài ra, tuy Ukraine đang chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân nhưng Kyiv cũng cần phải đánh giá xem thời gian và địa điểm nào sẽ giúp họ đạt được đạt được khả năng thâm nhập sâu, ở cấp độ tác chiến để đánh bật kế hoạch phòng thủ của Nga ở toàn bộ khu vực. Tóm lại, chúng ta có thể thấy rằng Nga đã bắt đầu tiến công tại thời điểm lợi thế nghiêng về Ukraine, và cuộc tiến công này có thể đi đến thất bại trong những tháng tới.

Xem thêm tại: Mick Ryan, Is Russia generating momentum in Ukraine? Truy cập ngày 15/3/2023

Một cuộc xung đột Mỹ-Trung tại Đài Loan sẽ đe dọa Ấn Độ thế nào?

Một cuộc chiến Mỹ – Trung tại Đài Loan sẽ là mối đe dọa thực sự đến Ấn Độ và việc Mỹ bị đánh bại có thể là một thảm họa đối với New Delhi. Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm sử dụng đòn bẩy kinh tế để theo đuổi đại tham vọng trở thành bá quyền khu vực và quốc gia ưu việt toàn cầu cho tới nay chưa đạt được nhiều thành công. Nhưng Bắc Kinh có một lựa chọn khác có khả năng thực hiện và hiệu quả hơn: Việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại Đài Loan. Theo đó, việc đạt được chiến thắng trong cuộc tấn công Đài Loan sẽ giúp phá vỡ liên minh mới hình thành nhằm ngăn chặn tham vọng bá quyền của Bắc Kinh và củng cố rõ rệt lợi thế quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Nếu trường hợp đó xảy ra, kinh nghiệm từ cuộc chiến tại Ukraine cho thấy chiến lược tối ưu nhất của Bắc Kinh sẽ là sử dụng vũ lực áp đảo và trực tiếp nhằm buộc Đài Loan phải đầu hàng Bắc Kinh. Thật không may, đây không chỉ là suy đoán. Thay vào đó, Trung Quốc rõ ràng đang xây dựng và triển khai quân đội để làm chính việc này, và để đối đầu với Mỹ và các đồng minh của họ như một phần của cuộc xâm lược. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có lý để nghĩ rằng cơ hội để mình hành động có thể bị hạn chế về thời gian khi Trung Quốc cảm thấy mình ngày càng rơi vào thế bị bao vây bởi Mỹ và đồng minh. Thêm vào đó, việc chờ đợi có thể khiến Bắc Kinh phải đối mặt với quân đội của Mỹ và đồng minh đạt được năng lực mạnh hơn nhiều vào năm 2030, đồng nghĩa với việc Trung Quốc có động lực mạnh mẽ để hành động trước khi đánh mất cơ hội. Không ai biết chắc Trung Quốc sẽ làm gì, nhưng mối đe dọa là có thật và cấp bách, và nếu chiến tranh xảy ra, chiến thắng của Mỹ không phải là điều hiển nhiên.

Một cuộc chiến như vậy – và đặc biệt là một thất bại của Mỹ – sẽ có những tác động trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với Ấn Độ. Đầu tiên, một cuộc chiến tại Đài Loan sẽ có nguy cơ sẽ biến thành một cuộc chiến khu vực, khiến cho lợi ích của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng. Nhưng thất bại của Mỹ trước Đài Loan mới là mối nguy hiểm lớn nhất đối với lợi ích của Ấn Độ. Ngay sau khi Mỹ thất bại tại Đài Loan, Trung Quốc có lẽ sẽ lập tức đảm bảo việc kiểm soát Biển Đông khi các nước ASEAN và nơi khác sẽ xích lại gần Bắc Kinh, cho phép PLA triển khai lực lượng và kiểm soát kinh tế sâu hơn đối với khu vực. Từ đây, Trung Quốc có thể giải quyết được “thế lưỡng nan Malacca”, ám chỉ sự phụ thuộc của nền kinh tế lẫn địa chính trị của Bắc Kinh đối với eo biển Malacca chật hẹp và phức tạp, giành quyền tiếp cận tự do tới Ấn Độ Dương. Theo đó, Bắc Kinh có thể sẽ gây áp lực để cô lập và làm suy yếu Ấn Độ hùng mạnh, kẻ thách thức mạnh nhất còn lại đối với sự thống trị của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương. Ngoài ra, các quốc gia nhỏ hơn, bị đe dọa bởi Trung Quốc, sẽ ngần ngại tham gia cùng New Delhi trong việc kiểm soát tham vọng của Bắc Kinh; những nước khác sẽ tìm cách liên kết với Bắc Kinh để lợi dụng tình thế khó khăn của Ấn Độ khiến cho triển vọng của Ấn Độ trong thế giới này sẽ rất ảm đạm.

Xem thêm tại: Hindustan Times, The real and acute threat of a Sino-US conflict over Taiwan. Truy cập ngày 12/3/2023

Để chống lại Trung Quốc, Mỹ và đồng minh tạo lập khả năng “chuyển đổi” cho các lực lượng quân đội

Quân đội Mỹ đang mở rộng sự hiện diện của mình tại Châu Á và Thái Bình Dương, cũng như gia tăng khả năng của đồng minh nhằm ngăn chặn các bước tiến hung hăng của Trung Quốc. Điểm mấu chốt của chiến lược này là khả năng tương tác—khả năng quân đội của Mỹ và đồng minh hoạt động hiệu quả cùng nhau. Không dừng lại ở đó, Úc muốn nâng từ tương tác lên “chuyển đổi” (interchangeble) – trong đó Mỹ và đồng minh có thể thường xuyên sử dụng khí tài, và phối hợp hậu cần cùng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Các đồng minh khác của Mỹ, như Hàn Quốc cũng đã xây dựng một cấu trúc chỉ huy tích hợp với Mỹ, đồng thời cùng Mỹ và Nhật tập trận phòng không tập trung vào khả năng tương tác.

Tuy nhiên, một thách thức để có thể tích hợp quân đội giữa Mỹ và đồng minh là luật của Mỹ, dưới cái tên Quy định Buôn bán Vũ khí Quốc tế – nhằm kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quân sự và quốc phòng – khiến cho đồng minh thân cận của Washington sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vũ khí và thiết bị tiên tiến nhất. Các chuyên gia quốc phòng nhận định rằng nới lỏng các quy định trên có thể sẽ giúp các quốc gia thân thiện thiết lập các nhà máy lắp ráp tên lửa Mỹ hay các bộ phận của chúng. Tuy nhiên, ngay cả khi cả hai quốc gia, như Úc và Mỹ, triển khai cùng một thiết bị thì không có nghĩa rằng chúng luôn luôn tự động tương thích với nhau. Cho đến nay, Mỹ vẫn hay bán các phiên bản vũ khí xuất khẩu cho các nước khác mà khác với những gì được quân đội của Mỹ sử dụng, ví dụ như các bộ phận nhỏ hoặc là các phiên bản phần mềm khác nhau trong hệ thống. Bên cạnh đó, khuôn khổ tiêu chuẩn hóa quy trình và thiết bị của NATO giữa các quốc gia thành viên để cải thiện khả năng tương tác cũng có thể sẽ hữu ích cho liên minh của Mỹ tại Châu Á và Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: WSJ, To Counter China, U.S. and Allies Seek to Make Militaries ‘Interchangeable’. Truy cập ngày 13/3/2023

Liệu việc sụt giảm xuất khẩu quân sự có phải là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dự trữ vũ khí?

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố dữ liệu xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong hai giai đoạn kéo dài năm năm gần đây nhất, với giai đoạn từ 2018 đến 2022 giảm 23% so với giai đoạn từ 2013 đến 2017. Nghê Lê Hùng (Ni Lexiong), giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật tại Thượng Hải, cho rằng sự sụt giảm trong xuất khẩu vũ khí có thể là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tập trung vào nhu cầu dự trữ trong nước khi căng thẳng địa chính trị gia tăng. Tống Trung Bình, cựu huấn luyện viên của PLA, cho rằng việc dự trữ là rất cần thiết để Trung Quốc củng cố lực lượng dự bị để chuẩn bị cho chiến tranh. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nói rằng bên cạnh nhu cầu ngày càng tăng cho quân đội của mình, Trung Quốc cũng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn toàn cầu do Covid gây ra đối với sản xuất công nghiệp quân sự. Chính sách Covid của Trung Quốc có thể đã làm cho đầu ra của việc sản xuất quân sự chững lại do ngừng việc sản xuất liên tục, nhưng các chuyên gia cũng dự đoán rằng khối lượng đơn đặt hàng quân sự của Trung Quốc sẽ tiếp tục khi đại dịch lắng xuống. Thêm vào đó, báo cáo của SIPRI cũng cho thấy số lượng vũ khí Trung Quốc nhập từ Nga giai đoạn 2020-2022 giảm đáng kể so với giai đoạn 2018-2022 và vẫn sẽ tiếp tục giảm. Điều đó cho thấy rằng Trung Quốc đang ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu vũ khí của Nga vì Bắc Kinh đang tăng tốc việc sản xuất vũ khí quan trọng tiên tiến trong nước. Các chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục gia tăng thị trường xuất khẩu vũ khí nước ngoài và các nước Trung Đông là khách hàng tiềm năng cho vũ khí của Bắc Kinh khi tại Triển Lãm Quốc phòng Quốc tế tại Abu Dhabi Bắc Kinh đã trình làng hơn 500 thiết bị quân sự, gồm cả drone quân sự siêu nhỏ mới ra mắt mang tên Fengniao hay Chim ruồi.

Xem thêm tại: SCMP, Is a fall in China’s military exports a sign of stockpiling at home? Truy cập ngày 15/3/2023

Chuyện gì sẽ xảy ra khi các quốc gia đang ngày càng tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân?

Từ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cho đến châu Âu, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu đang ngày càng tăng. Cùng với đó, một số các quốc gia giờ đây đang bật đèn xanh cho ý tưởng về việc sở hữu vũ khí hạt nhân khiến cho điểm nóng địa chính trị có nguy cơ trở thành điểm nóng hạt nhân. Đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên, Hàn Quốc giờ đây muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Có một khả năng đạt được điều này khi Hàn Quốc thỏa thuận với Mỹ về việc duy trì vũ khí hạt nhân của mình nhưng quyền sử dụng sẽ phụ thuộc vào Washington. Việc Seoul muốn vũ khí hạt nhân là một dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột tại bán đảo Triều Tiên giờ đã bước sang một giai đoạn mới. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Úc và Philippines cũng muốn thỏa thuận tương tự?

Đột nhiên châu Á sẽ có thêm nhiều quốc gia hạt nhân ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Triều Tiên và trong trường hợp Mỹ từ chối cung cấp vũ khí cho đồng minh của mình tại AĐD-TBD, thì có khả năng trật tự địa chính trị của các nước đồng minh sẽ bị đảo lộn. Nhưng tại Trung Đông, đây là một sự vận động rất khác. Việc Iran tiến đến gần hơn việc chế tạo bom nguyên tử sẽ gây ra hai thay đổi lớn. Đầu tiên, Iran có thể sử dụng chúng về mặt địa chính trị, và chia sẻ chúng với nhiều quốc gia từ Venezuela đến Syria, đặt Mỹ vào ghế nóng địa chính trị. Kế đến, một Iran được vũ trang hạt nhân sẽ tạo một cuộc “khủng hoảng sống còn” đối với các kẻ thù của nó. Tại Đông Âu, Belarus bỏ phiếu để lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga. Vài tháng sau, Ba Lan ra tín hiệu sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Từ việc các cường quốc hạt nhân có nguy cơ mở rộng, chúng ta thấy được những tác động chấn động đối với thế giới. Trước nhất, phần lớn sức mạnh của Mỹ đến từ sự phụ thuộc của các quốc gia khác vào chính Washington. Nếu các đồng minh của Mỹ bắt đầu tự bảo vệ mình, chẳng hạn như bằng vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ làm xói mòn sức mạnh của Washington một cách ồ ạt. Thứ đến, mối đe dọa của vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến chiến tranh. Liệu cộng đồng quốc tế có thể đối mặt với hai cuộc chiến lớn, giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, giữa Israel và Iran cùng lúc? Kế đến, ngày càng có nhiều quốc gia khao khát trở thành cường quốc hạt nhân, họ sẽ hướng về ai? Quyết định chuyển giao vũ khí hạt nhân của Mỹ có thể mở ra cơ hội cho các cường quốc hạt nhân khác làm điều tương tự, ví dụ như Brazil có thể yêu cầu Trung Quốc và Nga chuyển giao công nghệ hạt nhân. Cuối cùng, cách các nước sử dụng vũ khí hạt nhân có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tiếp theo. Ví dụ, nếu Philippines có được vũ khí hạt nhân, thì các loại vũ khí này có thể được triển khai trên các đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu hạt nhân ở châu Á. Tình trạng này có thể lặp lại trên toàn cầu khi vũ khí hạt nhân lan rộng, tạo ra tình trạng khủng hoảng vĩnh viễn cho các chính phủ.

Xem thêm tại: SCMP,  In an insecure world, more countries are reaching for nuclear weapons. Truy cập ngày 16/3/2023

Úc, Anh và Mỹ đang hợp lực ở Thái Bình Dương, nhưng tàu ngầm hạt nhân sẽ đến kịp lúc để chống lại Trung Quốc?

Dưới thỏa thuận AUKUS mới, Mỹ – Anh – Úc sẽ xây dựng một hạm đội kết hợp gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ưu tú sử dụng công nghệ, nhân công và kinh phí từ cả ba nước, tạo ra một lực lượng đáng gờm ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng vẫn còn một đoạn đường dài phía trước mà thỏa thuận AUKUS này phải thực hiện. Kể từ 2023, bên cạnh việc huấn luyện quân đội Úc, tàu ngầm hạt nhân Mỹ sẽ tăng cường các chuyến thăm hải cảng của Canberra, Anh cũng sẽ thực hiện các chuyến thăm tương tự sau ba năm. Cho đến năm 2027, tàu ngầm của Mỹ và Anh sẽ bắt đầu luân chuyển tại cảng quân sự HMAS Stirling của Úc, nơi sẽ được nâng cấp với số tiền hàng tỷ USD. Sau đó, từ đầu thập niên 2030, Úc sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ, với tùy chọn mua thêm 2 chiếc nữa. Cũng trong cùng thập niên, Anh sẽ đóng tàu ngầm hạt nhân AUKUS đầu tiên – một sự kết hợp giữa tàu ngầm lớp Astute với hệ thống chiến đấu và vũ khí của Mỹ. Cuối cùng, Úc sẽ vận hành tàu ngầm AUKUS đầu tiên của mình vào đầu thập niên 2040 với tổng giá trị khoảng 268 đến 368 tỷ USD.

Vậy kế hoạch tàu ngầm này sẽ hoạt động như thế nào? Việc cung cấp các tàu ngầm lớp Virginia sẽ làm giảm bớt những lo ngại về những thiếu sót của hạm đội tàu ngầm chạy bằng diesel-điện “lớp Collins” hiện tại của Úc. Các tàu ngầm diesel-điện này dễ bị phát hiện hơn và do đó dễ bị tổn thương hơn so với các phiên bản chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dù chỉ có ba tàu lớp Virginia, nhưng chúng sẽ cung cấp khả năng tốt hơn nhiều so với sáu tàu Collins khi phiên bản hạt nhân di chuyển dưới nước với vận tốc lớn hơn phiên bản diesel-điện và chỉ bị hạn chế bởi trữ lượng lương thực trên tàu. Ngoài ra, Úc cũng sẽ có dây chuyền sản xuất hạm đội tàu ngầm hạt nhân mới, với tên gọi là SSN-AUKUS, dây chuyền sản xuất riêng biệt này sẽ cung cấp các chức năng bổ sung, với đầu vào từ cả ba quốc gia. Nhưng tại sao Úc lại cần đến tàu ngầm hạt nhân? Trước nhất, khí tài được chọn là tàu ngầm hạt nhân là để tăng khả năng ẩn mình, do tàu ngầm hạt nhân có khả năng ‘tàng hình’ trước các thiết bị giám sát tiên tiến và lặn dưới nước trong thời gian dài. Thứ hai, do Úc không đủ khả năng tự đóng tàu ngầm, thỏa thuận lần này sẽ giúp Mỹ và Anh chuyển giao công nghệ để giúp Canberra có khả năng đóng và triển khai tàu ngầm cùng với Washington và London. Kế đến, thỏa thuận mới sẽ đem lại công việc, nâng cao tay nghề trong lĩnh vực công nghệ đẩy hạt nhân và quản lý chúng, đồng thời gia tăng nền công nghiệp quốc phòng của Úc.

Tuy nhiên, thỏa thuận AUKUS cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ Nga và Trung Quốc khi Bắc Kinh cáo buộc Mỹ, Anh và Úc đang đi quá xa trên con đường nguy hiểm và gọi thỏa thuận này là một sự vi phạm trắng trợn hiệp ước hạt nhân mà có thể dẫn đến việc chạy đua vũ trang. Thêm vào đó, ông Tập Cận Bình đã hạ quyết tâm về vấn đề của Đài Loan, rằng ông không thể để vấn đề này lại cho các thế hệ sau. Hiện tại, Úc nói rằng mình  tin tưởng vào sự hỗ trợ liên tục của lưỡng đảng ở Washington cho chương trình này, vốn sẽ dựa vào việc chuyển giao liên tục nguyên liệu hạt nhân và các bí mật vũ khí khác từ Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có rủi ro là trong những năm tới, một nhà lãnh đạo Mỹ theo xu hướng biệt lập giống phong cách của cựu Tổng thống Donald Trump – hoặc thậm chí có thể là chính Trump – có thể xuất hiện và đe dọa thỏa thuận.

Xem thêm tại: CNN, Australia, the UK and US are joining forces in the Pacific, but will nuclear subs arrive quick enough to counter China? Truy cập ngày 15/3/2023; Conversation, AUKUS submarine plan will be the biggest defence scheme in Australian history. So how will it work? Truy cập ngày 15/3/2023; Al Jazeera, Why Australia wants nuclear-powered submarines? Truy cập ngày 15/3/2023