Thế giới hôm nay: 12/09/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Theo Điện Kremlin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp tổng thống Vladimir Putin trong “những ngày tới.” Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, ông Kim dường như đang di chuyển bằng tàu bọc thép tới thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. Tuần trước, giới chức Mỹ thông tin hai nhà lãnh đạo Nga-Triều sẽ thảo luận về việc Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga ở Ukraine.

Osama Hamad, thủ tướng của chính phủ miền đông Libya, cho biết 2.000 người có thể đã thiệt mạng ở miền đông do lũ lụt nghiêm trọng gây ra bởi cơn bão Daniel. Hàng nghìn người được báo cáo mất tích kể từ khi cơn bão cuốn trôi toàn bộ khu dân cư ở thành phố Derna, nơi các nhân chứng cho biết mực nước lên tới 3 mét.

Thụy Điển sẽ thêm 2,44 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng trong năm tới để đạt 2,1% GDP – vừa đủ vượt mục tiêu 2% của NATO và tăng gần gấp đôi chi tiêu so với năm 2020. Nước này từ bỏ chính sách không liên kết quân sự sau khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng đơn xin gia nhập NATO của nước này vẫn đang bị Thổ Nhĩ Kỳ cản trở.

Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng của nền kinh tế khu vực đồng euro sẽ giảm xuống 0,8% vào năm 2023 và 1,3% vào năm 2024, thấp hơn ước tính được công bố hồi tháng 5. Nhu cầu yếu và giá tiêu dùng tăng đã gây thiệt hại nặng hơn dự tính ban đầu, dù du lịch đã trở lại mạnh mẽ ở nhiều nơi trên lục địa.

Quân đội Ukraine tuyên bố đã giành lại quyền kiểm soát một số giàn khoan dầu và khí đốt, được gọi là “Tháp Boiko,” ở Biển Đen gần Crimea. Tình báo quân sự nước này cho rằng việc giành lại các địa điểm đã bị Nga chiếm giữ từ năm 2015 sẽ tước đi khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đen của Vladimir Putin. Moscow chưa đưa ra bình luận.

Số người chết do trận động đất kinh hoàng ở phía nam thành phố Marrakesh, Morocco, đã tăng lên ít nhất 2.800 vào thứ Hai. Các đội cứu hộ vẫn đang chạy đua để tìm kiếm những người sống sót, nhưng sau ba ngày, hy vọng bắt đầu mờ đi. Mạnh 6,8 độ, đây là trận động đất gây thương vong cao nhất ở nước này kể từ năm 1960.

Các mũi tiêm nhắc covid-19 mới đã được FDA chấp thuận sử dụng ở Mỹ. Số ca nhiễm coronavirus đang gia tăng trở lại; song các mũi vắc-xin nhắc mới do Moderna và Pfizer sản xuất có thể chống lại các biến thể mới nhất. CDC dự kiến ​​sẽ họp trong tuần này để xác định liều lượng và ai sẽ được khuyến khích tiêm.

Con số trong ngày: Người dân các nước châu Á ngủ ít hơn 35 phút so với các nơi khác trên thế giới.

TIÊU ĐIỂM

Apple chuẩn bị ra mắt iPhone 15

Thứ Ba này CEO Tim Cook của Apple sẽ ra mắt iPhone 15. Các tính năng mới thú vị bao gồm camera cải tiến và chip xử lý nhanh hơn. Buổi công bố đến đúng lúc Apple đón nhận hàng loạt tin xấu từ Trung Quốc, quốc gia chiếm 1/5 doanh thu và 1/5 thu nhập hoạt động của hãng.

Hồi cuối tháng 8, Huawei đã ra mắt phiên bản Mate mới, một dòng sản phẩm cao cấp nhằm cạnh tranh với iPhone. Đây là một bước đột phá đối với công ty công nghệ Trung Quốc, trong bối cảnh hãng bị hạn chế tiếp cận các công cụ sản xuất chip do lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Một số cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng đã cấm sử dụng iPhone.

Cả hai sự kiện đều không có khả năng gây tổn hại cho Apple trong ngắn hạn. Nhưng nhà đầu tư lo ngại chúng mở đầu cho sự thay đổi mang tính dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc. Ông Cook hy vọng iPhone mới sẽ đủ sức hấp dẫn người mua Trung Quốc và khiến các nhà đầu tư của Apple hài lòng.

Google bị bộ tư pháp Mỹ kiện

Vào thứ Ba, bộ tư pháp Hoa Kỳ sẽ bắt đầu vụ kiện chống lại Google với cáo buộc tập đoàn này thống trị một cách bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm. Cốt lõi của vụ kiện là câu hỏi liệu một thỏa thuận giữa Google và Apple có trái luật hay không. Để đổi lấy 15 tỷ USD mỗi năm, Apple chọn Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên tất cả các thiết bị của họ. Trong khi đó Google cũng được mặc định trên điện thoại thông minh và máy tính bảng chạy Android và trình duyệt Chrome. Kết quả là Google, DoJ tuyên bố, thống trị thị trường tìm kiếm ở phương Tây.

Google lập luận rằng người dùng chỉ cần vài cú nhấp chuột để chuyển sang công cụ tìm kiếm đối thủ và người tiêu dùng đều yêu thích dịch vụ của họ. Có thể sẽ chưa có phán quyết cho đến năm sau. Nhưng nếu thẩm phán ra phán quyết chống lại Google, họ có thể bị phạt nặng hoặc phải chấm dứt các thỏa thuận như với Apple.

Khủng hoảng hiến pháp ở Israel

Vào thứ Ba, Tòa án Tối cao Israel sẽ bắt đầu xem xét vụ kiện có thể được coi là quan trọng nhất trong lịch sử 75 năm của nước này. Tòa bắt đầu xét xử các kiến nghị chống lại chính phủ của thủ tướng Binyamin Netanyahu và một sửa đổi được quốc hội Israel đưa ra hôm 24 tháng 7, theo đó bỏ luật cho phép toà án lật ngược các quyết định của chính phủ trên cơ sở “hợp lý”.

Israel không có hiến pháp chính thức. Thay vào đó, quốc hội trong nhiều năm đã thông qua “luật cơ bản” thiết lập các quyền. Luật được thông qua hồi tháng 7 là nhằm sửa đổi luật cơ bản và là một phần của gói cải cách pháp lý gây tranh cãi của chính phủ. Tòa án Tối cao Israel từng hủy bỏ nhiều đạo luật, nhưng đây là lần đầu tiên tòa có thể loại bỏ một luật cơ bản.

Bên khởi kiện cho rằng sửa đổi làm xói mòn sự cân bằng quyền lực vốn là nền tảng của bất kỳ nền dân chủ nào. Trong khi đó chính phủ khẳng định việc tòa ngăn chặn luật của quốc hội là bằng chứng cho thấy các thẩm phán cần phải được kiềm chế. Bất kể kết quả ra sao, Israel rõ ràng đang tiến tới một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Mùa lập pháp bận rộn của Mỹ bắt đầu

Hạ viện Hoa Kỳ sẽ họp trở lại vào thứ Ba với rất nhiều công việc phía trước. Trước mùa hè, nó chỉ thông qua một trong 12 dự luật ngân sách cần được phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 để ngăn chính phủ đóng cửa. Nhưng giữa hai đảng có những bất đồng nhất định. Các thành viên bảo thủ nhất của phe Cộng hòa, vốn chiếm đa số mỏng ở Hạ viện, đã mạnh tay thúc đẩy các điều khoản chống phá thai, trong khi phe Dân chủ nỗ lực kiềm chế các đề xuất cắt giảm, bao gồm đối với các chương trình thực phẩm, vốn có thể khiến chi tiêu xuống dưới mức quy định trong thỏa thuận trần nợ hồi tháng 5.

Ngay cả khi các dân biểu tỏ ra hợp tác hơn, vẫn có khả năng các dự luật không được phê duyệt kịp thời. Nếu quá thời hạn, họ sẽ phải thông qua các biện pháp tài trợ tạm thời. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy muốn chính phủ có đủ ngân sách đến đầu tháng 12. Nhưng một số hạ nghị sĩ cứng rắn của đảng Cộng hòa từ chối trừ khi họ nhận được những nhượng bộ đáng kể, bao gồm cả về chi tiêu và nhập cư. Ông McCarthy sẽ cần phải có sức thuyết phục lớn, hoặc đạt được thoả thuận với đảng Dân chủ và chấp nhận phản ứng dữ dội từ chính đảng của mình.

<\/div>","ppAdditionalControls":"