Nguồn: “What is friendshoring?” The Economist, 30/08/2023.
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tại hội nghị thường niên Jackson Hole vào tuần trước, các lãnh đạo ngân hàng trung ương toàn cầu đã thảo luận về mối đe dọa của tiến trình phi toàn cầu hóa và các vấn đề khác. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde lưu ý rằng các chính phủ phương Tây đang ngày càng áp dụng nhiều chính sách thúc đẩy friendshoring (chuyển sản xuất sang các nước bạn bè thân thiện) đối với các ngành công nghiệp chiến lược. Vậy friendshoring có nghĩa là gì?
Nhìn chung, friendshoring xảy ra khi một chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuyển hoạt động sản xuất từ các đối thủ địa chính trị sang các nước thân thiện hơn. Lệnh cấm của chính quyền Biden đối với đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc trong tháng này là một ví dụ. Friendshoring cũng gần giống với nearshoring, có nghĩa là chuyển sản xuất về gần nhà hơn. Cả hai chính sách đều nhằm mục đích tăng cường an ninh thương mại. Dĩ nhiên chúng không phải là tối ưu, vì sản xuất sẽ kém hiệu quả đi một khi chính trị chứ không phải lợi nhuận quyết định nơi sản xuất hàng hóa. Nhưng những người ủng hộ nó cho rằng cái giá phải trả là xứng đáng để giảm bớt phụ thuộc vào các nước thù địch. Tiếng nói này đặc biệt có ảnh hưởng sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để buộc EU chấm dứt viện trơ Ukraine, và trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen đã ngầm ám chỉ về việc giảm phụ thuộc của phương Tây vào Trung Quốc trong một bài phát biểu năm ngoái khi bà kêu gọi cung cấp một cách an toàn hơn các nguyên liệu quan trọng, đặc biệt là những nguyên liệu cho chất bán dẫn và pin xe điện. Gần đây bà đã tới thăm Ấn Độ và Việt Nam để tăng cường quan hệ với các doanh nghiệp ở đó. Thoạt nhìn, friendshoring dường như có tiến triển. Thương mại hai chiều Trung-Mỹ đang suy giảm: hồi năm 2018, Trung Quốc chiếm 2/3 hàng nhập khẩu của Mỹ từ nhóm các nước châu Á “chi phí thấp”, nhưng chỉ chiếm hơn một nửa vào năm ngoái. Và năm nay Mexico đã soán ngôi Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Song thực tế phức tạp hơn. Mặc dù Mỹ đang nhập khẩu ít hơn từ Trung Quốc, các nhà cung cấp thân thiện của họ vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguyên vật liệu Trung Quốc. Nhập khẩu phụ tùng ô tô từ Trung Quốc của Mexico đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Và trong một số ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là năng lượng xanh, Mỹ tiếp tục phụ thuộc vào Trung Quốc: nước này cung cấp hơn 1/3 số pin dung lượng lớn mà Mỹ nhập khẩu, tăng 5 điểm phần trăm kể từ bài phát biểu của bà Yellen. EU cũng đối mặt thách thức tương tự, khi Trung Quốc cung cấp tới 14 trên 27 nguyên liệu thô được khối này quy vào dạng có tầm quan trọng đặc biệt.
Cho đến nay, friendshoring chỉ dẫn đến thay đổi mang tính bề mặt trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, trong khi các đặc tính căn bản hầu như không bị ảnh hưởng. Chính quyền Biden khẳng định họ muốn hạn chế sự tách biệt. Trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 28 đến 30 tháng 8, bộ trưởng thương mại Mỹ Gina Raimondo đã nói với thủ tướng Lý Cường rằng Mỹ không muốn tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Đó có thể là do chi phí đáng kể của friendshoring. Một nghiên cứu do IMF công bố hồi tháng 5 cho thấy friendshoring sẽ gây thiệt hại cho GDP thực ở Mỹ và châu Âu từ 0,1-1%, đồng thời gây ra thiệt hại lên tới 4,7% đối với các nước bị kẹt giữa phương Tây và các đối thủ chính trị. Một báo cáo khác của ECB cho thấy tổng chi tiêu quốc gia toàn cầu sẽ giảm 5,3% trong trường hợp xấu nhất. Mỹ có thể mua được an ninh chuỗi cung ứng, nhưng họ sẽ phải trả cái giá khá đắt./.