Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tại Kosovo, lực lượng an ninh đang bao vây khoảng 30 tay súng đã giết chết một sĩ quan cảnh sát trong vụ việc được chính quyền gọi là tấn công khủng bố. Ba tay súng cũng thiệt mạng trong vụ xả súng xảy ra ở phía bắc đất nước gần biên giới với Serbia, nơi có nhiều người Kosovo sắc tộc Serb. Khu vực này có bất ổn kể từ tháng 5 khi các thị trưởng người Kosovo sắc tộc Albania được bổ nhiệm ở một số thị trấn. Serbia không công nhận Kosovo.
Bộ trưởng quốc phòng Ý chỉ trích kế hoạch hỗ trợ tài chính của Đức cho các tổ chức từ thiện hỗ trợ người di cư vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu. Đây là tranh cãi mới nhất trong nội bộ EU về cách ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi và Trung Đông. Bộ ngoại giao Đức phản bác rằng nước này có “nghĩa vụ pháp lý, nhân đạo và đạo đức” trong việc ứng cứu người trên biển.
Ngoại trưởng Armenia nói với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng cần có sự can thiệp của quốc tế để ngăn chặn các hành vi thanh lọc sắc tộc ở Nagorno-Karabakh, vài ngày sau khi Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực bị bao vây. Phe ly khai Armenia cho biết các điều khoản của lệnh ngừng bắn, được thống nhất hôm thứ Tư, đang được tôn trọng khi Azerbaijan vào kiểm soát khu vực. Nga, nước có lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực, cho biết phe ly khai đã giao nộp vũ khí, trong đó có hơn 800 khẩu súng.
Hamas, một nhóm Hồi giáo Palestine, cho biết Israel đã giết chết hai người, trong đó có một chiến binh của họ, trong cuộc đột kích vào một trại tị nạn gần thành phố Turkalm ở Bờ Tây. Israel mô tả cuộc đột kích là “hoạt động chống khủng bố.” Bạo lực trên lãnh thổ leo thang trong những tháng gần đây. Hồi tháng 7, Israel đã phát động cuộc đột kích lớn nhất trong hơn 20 năm vào một trại gần thành phố Jenin.
Ukraine cho biết cuộc tấn công tên lửa lớn của họ vào trụ sở hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea hôm thứ Sáu đã được lên kế hoạch cho trùng với cuộc họp của các lãnh đạo hải quân Nga. Tình báo quân đội Ukraine cho biết hai tướng Nga bị thương trong vụ tấn công. Hôm thứ Bảy, Nga cho biết Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công tên lửa khác vào Sevastopol ở Crimea. Thống đốc bán đảo do Điện Kremlin bổ nhiệm tuyên bố các hệ thống phòng không đã bắn hạ một tên lửa ngay ngoài khơi, với các mảnh vỡ rơi gần bờ.
Bộ trưởng nông nghiệp Australia kêu gọi đối thoại mới với Trung Quốc về mức thuế trừng phạt lên rượu vang Australia. Trung Quốc đã áp thuế hơn 200% lên mặt hàng này của Úc vào năm 2020, một phần là để trả đũa vì Australia đặt câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc phát tán virus Covid-19. Tháng trước, Trung Quốc đã giảm thuế đối với lúa mạch Úc, và từ đó đã đề xuất giảm thuế rượu vang đổi lại việc Úc giảm thuế tương ứng cho một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Tàu vũ trụ Mỹ OSIRIS-REX đã thả một khoang chứa mẫu “đất” của Bennu, một tiểu hành tinh, xuống sa mạc ở Utah. Sứ mệnh bảy năm tuổi này là nỗ lực đầu tiên của NASA nhằm thu hồi một mảnh đá vũ trụ nguyên chất. Các nhà khoa học hy vọng thành phần hóa học của mẫu sẽ làm sáng tỏ cách các hành tinh được hình thành cách đây 4,5 tỷ năm.
TIÊU ĐIỂM
Giới doanh nghiệp Đức tỏ ra bi quan
Viện IFO nghiên cứu kinh tế của Đức sẽ công bố kết quả khảo sát mới nhất về niềm tin kinh doanh (Chỉ số Môi trường Kinh doanh) vào thứ Hai. Nhiều khả năng nó sẽ giảm tháng thứ năm liên tiếp. Các chủ doanh nghiệp Đức đang chìm trong tâm lý bi quan sau hàng loạt số liệu thống kê ảm đạm về tình trạng của nền kinh tế. Về cơ bản, họ lo ngại về dự báo của IMF rằng Đức có thể sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái trong năm nay.
Hơn nữa, giá năng lượng vẫn ở mức cao, trong khi chính phủ tỏ ra chậm trễ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, và những tháng mùa đông lạnh giá đang đến gần với một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine. Nhiều công ty bị thiếu nhân công tay nghề cao, thậm chí là cả nhân viên thông thường. Nhưng ít nhất các doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng; sổ đặt hàng vẫn đầy và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ để cải thiện tâm trạng bi quan nói chung.
BBC ra toà ở Ấn Độ
Tòa án Tối cao Delhi sẽ bắt đầu xét xử vụ kiện phỉ báng chống lại BBC vào thứ Hai về bộ phim tài liệu của đài này về thủ tướng Narendra Modi, được phát sóng hồi tháng 1. Một phần của bộ phim xem xét thời gian ông Modi làm thủ hiến bang Gujarat, đặc biệt là vai trò của ông trong các cuộc bạo loạn khiến hơn 1.000 người, hầu hết là người Hồi giáo, thiệt mạng vào năm 2002. Ông Modi thường bị cáo buộc đã không làm đủ để ngăn chặn bạo loạn. Ông luôn phủ nhận các cáo buộc và từng được Tòa Tối cao Ấn Độ xóa bỏ các cáo buộc liên quan hồi năm 2022.
Những người đệ đơn kiện cho rằng chương trình này bôi nhọ danh tiếng của Ấn Độ và bôi xấu thủ tướng cũng như cơ quan tư pháp. Chính phủ Ấn Độ đã chặn các clip của nó trên mạng xã hội. BBC ở Ấn Độ hiện đang bị điều tra vì cáo buộc vi phạm các quy tắc ngoại hối. Đến nay đài vẫn tỏ ra kiên định. Song bất kể kết quả của vụ kiện phỉ báng ra sao, những rắc rối của họ ở Ấn Độ vẫn sẽ chưa kết thúc.
Alabama sắp công bố bản đồ bầu cử
Quá tam ba bận? Một “chuyên gia đặc biệt” do tòa án bổ nhiệm ở Alabama sẽ hy vọng như vậy vào thứ Hai khi ông đệ trình bản đồ bầu cử mới của bang. Phiên bản đầu, được vẽ hồi năm 2021, đã bị tòa liên bang hủy bỏ vì làm suy giảm quyền lực của cử tri da đen — một quyết định được Tòa án Tối cao giữ nguyên hồi tháng 6. Cơ quan lập pháp của bang được giao nhiệm vụ tạo thêm một khu vực bỏ phiếu có người da đen chiếm đa số hoặc một khu vực nào đó “tương tự như vậy.” Nhưng đến tháng 8, cơ quan lập pháp bang do phe Cộng hòa kiểm soát đã đệ trình một bản đồ sửa đổi chỉ làm tăng số lượng cử tri da đen ở một quận lên 40%.
Vào tháng 9, hội đồng ba thẩm phán đã bác bỏ nó. Viết rằng họ “băn khoăn” trước việc cơ quan lập pháp tỏ ra không tuân thủ, họ giao quyền vẽ bản đồ cho một “chuyên gia đặc biệt,” tức một luật sư được giao nhiệm vụ thực hiện lệnh của tòa án.
Câu chuyện ở Alabama đang được theo dõi sát sao. Một vụ kiện tương tự ở Florida — với cáo buộc bản đồ do cơ quan lập pháp bang tạo ra (với sự đóng góp lớn của thống đốc Ron DeSantis) mang tính phân biệt chủng tộc — sẽ được đưa ra xét xử vào thứ Ba.
Mỹ nỗ lực giữ liên minh với Quần đảo Marshall
Khi căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng gia tăng, tầm quan trọng chiến lược của các quốc đảo Thái Bình Dương cũng tăng theo. Liên minh của Mỹ với Quần đảo Marshall sẽ hết hạn vào ngày 30 tháng 9, có khả năng để lại một lỗ hổng lớn trong hệ thống an ninh hàng hải và hàng không rộng lớn trên khắp đại dương của nước này. Do đó, cuộc họp ở Washington, DC vào thứ Hai trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hoa Kỳ-Các Quần đảo Thái Bình Dương sẽ có ý nghĩa rất quan trọng khi tổng thống Joe Biden cố gắng ký một thỏa thuận mới với người đồng cấp Marshall của ông, David Kabua.
Hồi tháng 7, Quần đảo Marshall đã đàm phán để có gói gia hạn liên minh trị giá 2,2 tỷ USD trong 20 năm, hay “hiệp ước liên kết tự do” với Mỹ, cho phép các lực lượng vũ trang của Mỹ tiếp cận quần đảo, mặc dù các chi tiết đầy đủ vẫn chưa được tính toán và được quốc hội phê chuẩn. Để đạt được thỏa thuận, Marshall đã từ bỏ nỗ lực đòi bồi thường bổ sung cho các hòn đảo bị ảnh hưởng nặng bởi các vụ thử tên lửa hạt nhân của Mỹ trong những năm 1940 và 1950. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, Thượng viện Mỹ đã trao thêm bồi thường cho các nạn nhân của vụ thử hạt nhân trên lục địa Hoa Kỳ và Guam, một lãnh thổ chưa hợp nhất. Đối với người Marshall, điều này là không chấp nhận được. Ông Biden sẽ có nhiều việc phải làm phía trước.