Thế giới hôm nay: 02/06/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tầm xa có tầm bắn 50 dặm (80 km), trong một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá 700 triệu USD. Để được nhận loại vũ khí này, các quan chức cấp cao của Ukraine đã phải hứa với Mỹ là sẽ không bắn vào bên trong lãnh thổ Nga. Trong một bài viết trên tờ New York Times, Joe Biden cho biết ông không muốn xảy ra chiến tranh giữa NATO và Nga hay có ý định lật đổ Vladimir Putin. Mục tiêu của Mỹ là một Ukraine “dân chủ, độc lập” với các phương tiện đủ để “tự vệ trước hành động xâm lược.”

Quân Nga ngày càng chiếm được nhiều phần của thành phố công nghiệp Severodonetsk ở miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine nói Nga đang nã pháo vào các khu vực xung quanh. Hôm thứ Ba, thống đốc tỉnh Luhansk ở miền đông Ukraine cho biết Nga đã bắn trúng một xe bồn chứa đầy axit nitric ở Severodonetsk. Hậu quả là người dân được yêu cầu tìm nơi trú ẩn để tránh nhiễm độc.

Nga tiếp tục cắt mạnh nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi EU ra lệnh cấm một phần đối với dầu Nga. Tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga, Gazprom, tuyên bố sẽ khóa van khí cho các công ty ở Đan Mạch, Đức và Hà Lan với lý do họ không thanh toán bằng đồng rúp. Trước đó vào thứ Hai, các lãnh đạo EU đã đồng ý thông qua gói trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của khối, theo đó sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong năm nay.

Mỹ thông báo sẽ sớm bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới với Đài Loan. Chỉ vài tuần trước, hòn đảo này đã bị loại khỏi một sáng kiến ​​do Mỹ dẫn đầu mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), với mục tiêu kiềm chế tham vọng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực. Dường như các nước khác ngại tham gia IPEF nếu nó bao gồm Đài Loan, lãnh thổ bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc vạch ra một kế hoạch 5 năm mới cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tham vọng của họ là tăng tỷ lệ điện tái tạo trong lưới điện quốc gia lên một phần ba cho tới năm 2030, từ mức gần 29% của năm 2020. Nước này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh trong nền kinh tế nói chung lên 20%. Hiện nay Trung Quốc vẫn là quốc gia phát thải khí nhà kính gây hại cho khí hậu lớn nhất thế giới.

Alexei Navalny cho biết ông lại bị chính quyền Nga buộc thêm tội, với bản án 15 năm tù nữa nếu bị kết tội. Các cáo buộc bao gồm thành lập một tổ chức cực đoan “nhắm vào các quan chức và tài phiệt” và tổ chức biểu tình chống chính phủ. Trước đó vào tháng 3, ông Navalny đã bị tuyên án 9 năm tù vì tội gian lận và khinh thường tòa án.

Chính quyền Biden cho biết sẽ tăng cường trừng phạt Triều Tiên nếu nước này vẫn tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân theo dự kiến. Tuần trước, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết đề xuất tại Liên Hợp Quốc của Mỹ về việc tăng cường trừng phạt vì Triều Tiên tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa. Nước này đã không thử hạt nhân kể từ năm 2017, cũng là lần gần nhất Liên Hợp Quốc áp trừng phạt.

Con số trong ngày: 2.500, là số lượng tên lửa phòng không được Đức viện trợ cho Ukraine kể từ đầu cuộc xâm lược của Nga.

TIÊU ĐIỂM

Nga áp đảo ở Severodonetsk

Chiến sự ở thị trấn công nghiệp Severodonetsk đang đi đến hồi kết. Severodonetsk có vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương khi nằm ở phần lãnh thổ miền đông Ukraine nhô vào khu vực do Nga kiểm soát; và do đó Nga đã dồn hết sức mạnh vào đây cũng như các khu vực xung quanh. Các phóng viên truyền hình Nga thậm chí đã tuyên bố chiến thắng. Mặc dù có hơi phóng đại, nhưng rõ ràng quân đội Nga đã có chỗ đứng vững chắc khi chiến sự ác liệt chỉ còn diễn ra ở trung tâm thị trấn. Các nguồn tin địa phương cho thấy quân đội Ukraine đã bắt đầu rút quân, chuẩn bị cho một cuộc thoái lui trên diện rộng.

Nga đã dồn một tỷ lệ đáng kể lực lượng của mình vào Severodonetsk và Lyman, một trung tâm vận tải và đầu cầu tiềm năng để vượt qua sông Donets và tiến về phía bắc. Những mục tiêu chiến trường khiêm tốn này hoàn toàn khác xa tham vọng ban đầu của Điện Kremlin là chiếm toàn bộ Ukraine. Chúng cũng không phải mục tiêu gần đây là chiếm toàn bộ vùng Donbas, trong đó có tỉnh Luhansk với Severodonetsk, và tỉnh Donetsk. Nhưng việc họ đang thắng lợi là có thật.

OPEC kiên quyết không tăng sản lượng

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, trong đó có Nga, sẽ họp vào thứ Năm để quyết định mục tiêu sản xuất dầu trong tháng tới. Nhiều người dự đoán họ sẽ chỉ tăng khiêm tốn khoảng 400.000 thùng mỗi ngày. Bấy nhiêu là không thấm vào đâu khi phương Tây đang vật lộn với lạm phát cao.

Giá dầu hiện dao động quanh mức 120 USD/thùng, không xa mức 127 USD cao nhất mười năm qua hồi tháng 3. Nhưng OPEC đã và đang chống lại áp lực kêu gọi tăng sản lượng của phương Tây. Một lý do là mối quan hệ băng giá giữa chính quyền Biden và Ả Rập Saudi, thành viên quan trọng nhất trong OPEC. Một vấn đề nữa là việc nhóm không rõ sẽ có bao nhiêu dầu của Nga biến mất khỏi thị trường do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Song OPEC dường như cũng không đủ khả năng bơm thêm dầu. Suốt nhiều tháng qua họ đã rất chật vật để theo kịp các mục tiêu sản lượng, dù chúng rất khiêm tốn. Kết quả dễ đoán là giá vẫn sẽ cao.

Tròn 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại vị

Lần đầu tiên Nữ hoàng tự mình chủ trì một sự kiện là vào năm 1942, khi bà kiểm tra Đội Cận vệ Grenadier tại Lâu đài Windsor. Đến nay bà đã tiến hành hơn 21.000 lần cắt băng khánh thành và công bố bảng kỷ niệm, hơn 200 bức chân dung chính thức, và hơn 300.000 bức điện chúc mừng gửi đến các công dân 100 tuổi. Từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 6, nước Anh sẽ kỷ niệm một cột mốc quan trọng nữa của Nữ hoàng Elizabeth II: 70 năm bà trị vì.

Phần lớn buổi lễ sẽ chỉ là các nghi thức mang tính biểu diễn. Binh sĩ sẽ diễu hành trên ngựa, trong khi bữa trưa ở Windsor sẽ lập kỷ lục về chiếc bàn dài nhất thế giới. Song lần kỷ niệm này không phải chuyện vặt. 70 năm trị vì là chưa từng có tiền lệ đối với một quốc vương Anh, đặc biệt hơn nữa khi nữ hoàng được ủng hộ rộng rãi. Cứ mười người Anh thì có tám người có quan điểm ủng hộ, trong khi mọi lứa tuổi đều có quan điểm tích cực về bà.