Nguồn: Gideon Rachman, “Why the west cannot turn a blind eye to a murder in Canada,” Financial Times, 02/10/2023
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bỏ qua việc các chính phủ nước ngoài nhúng tay vào các vụ ám sát sẽ gây ra rủi ro lớn cho an ninh quốc gia và ổn định xã hội.
Khi chào đón Narendra Modi đến Washington hồi tháng 6, Joe Biden nói, “Giữa chúng ta có sự tôn trọng lẫn nhau rất lớn vì cả hai nước đều là những nền dân chủ.” Tuyên bố chung do các nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ đưa ra nhấn mạnh niềm tin chung của họ rằng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ phải được tôn trọng.”
Tuyên bố đó được đưa ra vào ngày 22/06, bốn ngày sau vụ ám sát Hardeep Singh Nijjar, người đã bị bắn tới 34 viên đạn trong một bãi đậu xe ở Vancouver.
Vụ ám sát Nijjar ít được quốc tế chú ý vào thời điểm đó. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi đáng kể sau cáo buộc của Canada, rằng Ấn Độ có liên quan đến vụ sát hại nhà hoạt động người Sikh, vốn bị phía Ấn Độ cho là khủng bố.
Ấn Độ đã gọi cáo buộc của Canada là “vô lý” và đã xuất hiện nhiều bình luận dự đoán Canada và Thủ tướng nước này, Justin Trudeau, sẽ bị sỉ nhục. Quan điểm này dường như dựa trên hai ý tưởng. Đầu tiên, Canada đã không đưa ra được bằng chứng để biện minh cho tuyên bố của mình. Thứ hai, các đồng minh thân cận nhất của Canada – trên hết là Mỹ, ngoài ra còn có Anh và Australia – đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với Ấn Độ, đến mức họ sẽ tìm mọi cách để che giấu tất cả những gì xấu xa. Điều này sẽ khiến Canada rơi vào thế khó.
Đánh giá của Ấn Độ có thể đã được chứng minh là đúng. Nhưng tôi nghi ngờ điều đó. Trudeau thỉnh thoảng bị xem là không có nhiều ảnh hưởng, nhưng rất khó có khả năng ông đưa ra một cáo buộc nghiêm trọng như vậy nếu không có bằng chứng. Quả thực, dường như phần lớn thông tin tình báo ban đầu đến từ Mỹ. Vì vậy, những cáo buộc này khó có thể “chìm xuồng”.
Rõ ràng, Mỹ coi việc chống lại Trung Quốc là thách thức an ninh quan trọng nhất của mình và Ấn Độ được coi là đối tác không thể thiếu. Australia và Anh cũng đang nhiệt tình ‘ve vãn’ chính phủ Modi.
Nhưng việc cho phép Ấn Độ thực hiện một vụ giết người trên đất Canada – nếu đó thực sự là điều đã xảy ra – sẽ gây ra nguy hiểm trực tiếp tới an ninh quốc gia nhiều hơn so với một bước lùi tạm thời trong nỗ lực chống lại Trung Quốc.
Nếu chính phủ Ấn Độ kết luận rằng giờ đây họ có toàn quyền truy đuổi kẻ thù – cả ở trong nước lẫn nước ngoài – dù họ sống ở đâu, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ thực sự nguy hiểm cho các xã hội đa văn hóa như Canada, Anh, và Australia.
Ai sẽ là người tiếp theo bị nhắm mục tiêu? Và quốc gia nào khác có thể quyết định rằng họ cũng muốn thực hiện một vài vụ giết người ở phương Tây? Chẳng hạn, Trung Quốc từng cáo buộc Anh chứa chấp tội phạm chạy trốn công lý ở Hong Kong. Giống như Ấn Độ, Trung Quốc dường như đã xoá mờ ranh giới giữa ủng hộ ly khai và ủng hộ khủng bố. Nếu Anh hoặc các quốc gia phương Tây khác từ chối giao nộp các nhà hoạt động người Hong Kong – hoặc người Tây Tạng, hoặc người Duy Ngô Nhĩ – liệu Trung Quốc có kết luận rằng, trong trật tự thế giới mới nổi, họ có thể bắt cóc hoặc ám sát những nhà hoạt động đó một cách dễ dàng?
Người ta tin rằng hiện có người thuộc hơn 250 sắc tộc khác nhau sinh sống ở London và Toronto. Trong số đó có rất nhiều người bị chính phủ các nước mà họ bỏ lại phía sau không tin tưởng hoặc ghét bỏ. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc các quốc gia phương Tây chứa chấp những kẻ khủng bố người Kurd. Căng thẳng giữa các cộng đồng nhập cư khác nhau cũng có thể dễ dàng bùng phát do lan truyền bạo lực chính trị.
Bất chấp sự tán thành của Thủ tướng Modi đối với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ,” nhiều nhà hoạch định chính sách Ấn Độ vẫn có quan điểm hoài nghi về ý tưởng này. Giống như người Nga và người Trung Quốc, họ tin rằng, trên thực tế, Mỹ vừa đặt ra luật lệ, vừa vi phạm luật lệ tuỳ theo nhu cầu và ý thích bất chợt của mình.
Shashi Tharoor, một chính trị gia đối lập nổi tiếng của Ấn Độ và là cựu quan chức Liên Hợp Quốc, đã bày tỏ sự đồng tình với quan điểm này khi ông chế nhạo việc phương Tây lên án vai trò của Ấn Độ trong vụ giết Nijjar, lập luận rằng, “Hai nước thực hiện các vụ ám sát ngoài lãnh thổ nhiều nhất trong 25 năm qua là Israel và Mỹ.”
Nhưng lập luận này bỏ sót một điểm quan trọng. Người Mỹ đã tiêu diệt những kẻ thù nguy hiểm, chẳng hạn như Osama bin Laden, khi những tên này sống tại những quốc gia mà việc cố gắng sử dụng hệ thống tư pháp địa phương sẽ là vô ích. Nhưng người Mỹ không tiêu diệt những kẻ bị cáo buộc là khủng bố khi chúng ở trên lãnh thổ của các nền dân chủ đồng minh. Ngay cả người Israel cũng đã không ám sát bất kỳ ai ở phương Tây kể từ vụ giết người ở Paris hơn 30 năm trước.
Sự thất vọng của Ấn Độ trước sự khoan dung của Canada đối với “bọn khủng bố người Sikh” khiến tôi liên tưởng đến cơn thịnh nộ ở Anh hồi thập niên 1980 và 1990, khi người Mỹ gốc Ireland ủng hộ IRA. Vào thời điểm đó, các vụ đánh bom chết người thường xuyên xảy ra ở Anh và IRA đã hai lần suýt xóa sổ các lãnh đạo cấp cao nhất của chính phủ Anh. Dù vậy, sẽ không thể tưởng tượng được việc Vương quốc Anh cử một đội đặc vụ ám sát đến đường phố Boston – hoặc Vancouver.
Giọng điệu o bế được nhiều chính phủ phương Tây áp dụng khi làm việc với Modi có thể đã tạo cho New Delhi ấn tượng rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không phải chịu trách nhiệm. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã gọi Modi là “ông chủ.” Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, gọi ông là “người phi thường, với tầm nhìn xa trông rộng” khi bà đến thăm Delhi.
Chắc chắn, Mỹ và các đồng minh rất muốn hòa hợp với Ấn Độ. Nhưng nếu Canada cung cấp bằng chứng thuyết phục về vai trò của Ấn Độ trong vụ giết Nijjar, thì sẽ phải áp dụng những quy trình pháp lý và ngoại giao mà chúng ta không thể đơn giản bỏ qua. Rốt cuộc thì “trật tự dựa trên luật lệ” vẫn có một số ý nghĩa nhất định.