Thế giới hôm nay: 05/10/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

EU đã thống nhất một thỏa thuận cải tổ hệ thống chính sách di cư, ngay sau khi Đức và Ý giải quyết xong tranh chấp giữa họ về vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở Địa Trung Hải. Thỏa thuận này sẽ làm cơ sở cho các vòng đàm phán tiếp theo giữa các nước thành viên và Nghị viện châu Âu để xây dựng luật mới. Được thông qua bất chấp phản đối của một số nước, thỏa thuận này quy định các nước có biên giới sẽ có thể đẩy nhanh thủ tục tị nạn và yêu cầu hỗ trợ từ các nước khác. Các nước không có biên giới sẽ phải chấp nhận đón một hạn ngạch người di cư nhất định hoặc đóng góp vào một quỹ chung.

Bán tháo trái phiếu trên toàn cầu đã đẩy chi phí vay lên mức cao nhất trong nhiều năm ở một số nước, trong bối cảnh nhà đầu tư chuẩn bị cho chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm của Mỹ lần đầu tiên tăng trên 5% kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức vượt quá 3%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản đang nỗ lực duy trì chính sách kiểm soát đường cong lợi suất bằng cách mua trái phiếu khẩn cấp.

Các nhân viên y tế bắt đầu cuộc đình công lớn nhất từ trước đến nay ở Mỹ, với các yêu cầu tăng lương và bổ sung nhân lực. Khoảng 75.000 nhân viên của Kaiser Permanente, một nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn, đã đình công trong ba ngày bắt đầu từ thứ Tư sau khi đàm phán với công ty sụp đổ. Kaiser Permanente cho biết họ đang thuê nhân công tạm thời để duy trì hoạt động của bệnh viện.

Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa chính thức tham gia vào cuộc đua trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ, một ngày sau khi Kevin McCarthy bị phế truất. Hai cái tên đó là Jim Jordan và Steve Scalise, trong khi những người khác ​​sẽ công bố trước ngày 11 tháng 10, ngày tổ chức dự kiến của cuộc bỏ phiếu toàn Hạ viện. Việc ông McCarthy bị mất chức, sau cuộc bỏ phiếu do hạ nghị sĩ Cộng hòa Matt Gaetz đề xướng, đã đẩy Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn.

Bộ quốc phòng Nga cho biết phòng không của họ đã bắn hạ 31 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm – một trong những cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi chiến sự bắt đầu. Hôm thứ Ba, tổng thống Mỹ Joe Biden đã trấn an các lãnh đạo NATO rằng Mỹ sẽ duy trì hỗ trợ cho Ukraine. Trước đó vào thứ Bảy, ông đã ký một dự luật ngân sách liên bang không bao gồm viện trợ cho Ukraine.

Giải Nobel Hóa học được trao cho “khám phá và tổng hợp các chấm lượng tử,” các hạt cực nhỏ có đặc tính quang học và điện tử đặc biệt. Chúng được dùng trong y học để hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật và cải thiện khả năng nhắm mục tiêu của thuốc điều trị ung thư, cũng như để sản xuất các tấm pin mặt trời và tivi. Những người thắng giải là Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov — các nhà khoa học Pháp, Mỹ và Nga. Tất cả họ đều làm việc tại Mỹ.

FIFA đã trao quyền đăng cai World Cup 2030 cho Morocco, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nhưng để đánh dấu 100 năm giải đấu, ba trận mở màn sẽ diễn ra ở Uruguay (chủ nhà và đội thắng trận đầu tiên), Argentina (đội á quân 1) và Paraguay (nơi đặt trụ sở Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ). Các nước châu Á và châu Đại Dương hiện có thể bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký đăng cai World Cup 2034.

Con số trong ngày: 9, là số cuộc đảo chính ở châu Phi trong thập niên này, chiếm hơn một phần ba số cuộc đảo chính thành công ở châu Phi trong thế kỷ 21.

TIÊU ĐIỂM

IMF và WB khai mạc hội nghị thường niên

Vào thứ Năm, giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva, sẽ có bài phát biểu trước cuộc họp thường niên do quỹ đồng tổ chức với Ngân hàng Thế giới vào tuần tới. Các đại biểu có lẽ sẽ cảm thấy hài lòng với đà tăng trưởng liên tục của nền kinh tế thế giới. Mới một năm trước, giữa cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraine gây ra, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán một cuộc suy thoái toàn cầu sâu sắc vào năm 2023. Nhưng giờ đây, mức tăng trưởng GDP thực tế có thể đạt tới khoảng 3%. Dù không mạnh mẽ, nó không phải là tệ.

Trong khi đó, những đường nét của một cấu trúc kinh tế toàn cầu mới đang trở nên rõ ràng hơn. Như tờ The Economist đã đưa tin, “kinh tế quê hương” đang dẫn dắt chính sách trên toàn thế giới. Các chính phủ đang ngày càng tỏ ra hoài nghi về lợi ích của thương mại và đầu tư tự do. Thay vào đó, họ tìm cách xây dựng “khả năng tự cường trong nước” thông qua việc sử dụng rộng rãi chủ nghĩa bảo hộ và trợ cấp. Cách tiếp cận mới này sẽ rất tốn kém. Do đó, mặc dù mọi thứ trông có vẻ ổn, những rủi ro vẫn còn ở phía trước.

Tình trạng Quỹ Khí hậu Xanh Toàn cầu

COP15, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Copenhagen năm 2009, được nhiều người coi là một thảm họa. Sự kiện năm đó kết thúc trong bất đồng và hỗn loạn. Điểm sáng duy nhất là lời hứa về Quỹ Khí hậu Xanh Toàn cầu (GCF) – một con heo đất mà các nước giàu sẽ trả tiền để giúp các nước nghèo đối phó với nhiệt độ tăng. Chính thức được thông qua vào năm 2011, GCF đặt mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020.

Nó vẫn chưa nhận được số tiền đó. Nhưng tham vọng (hoặc việc giả vờ một cách lạc quan) vẫn còn đó. Vào thứ Năm, các đại biểu chính phủ sẽ tham dự một “hội nghị cam kết cấp cao” ở Bonn, Đức, nơi họ dự định sẽ chi tiền cho chu kỳ tiếp theo, kéo dài từ năm 2024 đến năm 2027. Mười bốn quốc gia đã đưa ra cam kết. Những nước hào phóng nhất là Đức (2,1 tỷ USD), Anh (2 tỷ USD) và Pháp (gần 1,7 tỷ USD). Mỹ, Úc và Nhật Bản vẫn chưa cam kết bất kỳ khoản tiền nào. Các nước nghèo, từ lâu đã tức giận về việc các nước giàu trốn tránh lời hứa, sẽ rất chú ý đến vấn đề này.

Liệu Amernia và Azerbaijan có tiến đến kết thúc xung đột?

Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Chính trị châu Âu, quy tụ gần 50 người đứng đầu chính phủ và khai mạc vào thứ Năm ở Tây Ban Nha, từng được coi là cơ hội cho các nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia gặp nhau. Nó đáng lẽ là lần đầu tiên hai bên gặp nhau kể từ khi Azerbaijan giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, một vùng đất ly khai của người Armenia bên trong biên giới của Azerbaijan, vào tháng trước. Nhưng vào phút cuối, tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã hủy chuyến đi.

Việc quân đội Azerbaijan tiếp quản Nagorno-Karabakh đã khiến khoảng 100.000 người, gần như toàn bộ dân số trong khu vực, tháo chạy sang Armenia. Những người lạc quan hy vọng rằng việc Armenia không còn kiểm soát Karabakh sẽ mở đường cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan. Nhưng sự vắng mặt của ông Aliyev ở Granada đã làm tiêu tan những hy vọng đó. Ông và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, đã cân nhắc về việc liên kết hai nước của họ bằng một hành lang trên bộ xuyên qua miền nam Armenia. Đây có thể là bước khởi đầu cho một giai đoạn tranh chấp mới nhuốm màu bạo lực.