Chuyển động Quốc Phòng (13/10 – 19/10/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Chiến tranh Israel – Hamas:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga đặt mục tiêu chọc thủng tuyến phòng thủ Ukraine ở phía đông bắc

Nga đang đặt mục tiêu chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine ở khu vực Kupiansk-Lyman phía đông bắc sau khi giao tranh gia tăng mạnh. Việc chiếm lại các thị trấn Kupiansk và Lyman vào năm ngoái gần thành phố Kharkiv lớn thứ hai của Ukraine là một bước quan trọng trong nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm đuổi quân đội Nga khỏi một số khu vực ở trung tâm công nghiệp Donbas. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận hoạt động quân sự căng thẳng trong khu vực, cho biết quân đội của họ đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công của Ukraine ở khu vực Kupiansk và hai cuộc tấn công khác ở Lyman lân cận.

Xem thêm tại: Reuters, Russia aims to pierce Ukraine defences in northeast, general says. Truy cập ngày 18/10/2023

Nga liên tục tấn công thị trấn Avdiivka của Ukraine

Quân đội Nga hôm thứ bảy tiếp tục tấn công dữ dội vào thị trấn Avdiivka phía đông Ukraine , với pháo kích dữ dội đến mức đội cứu hộ khẩn cấp không thể vớt được người chết từ các tòa nhà bị đổ nát. Cả Nga và Mỹ đều mô tả sự gia tăng bạo lực xung quanh Avdiivka là một cuộc tấn công mới của Nga. Giao tranh ngày càng gia tăng ở các khu vực khác của mặt trận dài 1.000 km . Phía Ukraine nói Avdiivka rất quan trọng đối với Moscow “bởi vì đây là cơ hội duy nhất để thể hiện một chiến thắng nào đó vì họ không có lựa chọn nào khác.

Xem thêm tại: Reuters, No letup in Russian strikes on Ukrainian town of Avdiivka. Truy cập ngày 15/10/2023

Hơn hai chục drone Ukraine bị phá hủy trên Kursk, các khu vực khác của Nga

Các đơn vị phòng không Nga đã phá hủy 27 drone của Ukraine tại khu vực Kursk. 18 chiếc drone đã bị bắn hạ ở vùng Kursk ở miền nam nước Nga, trong khi 2 chiếc bị phá hủy ở vùng Belgorod. Các cuộc tấn công bằng drone vào Nga, đặc biệt là ở Crimea – bị Moscow sáp nhập vào năm 2014 – và ở các khu vực giáp biên giới Ukraine, gần như xảy ra hàng ngày kể từ khi hai drone bị phá hủy trên Điện Kremlin vào đầu tháng 5.

Xem thêm tại: Reuters, More than two dozen drones destroyed over Kursk, other Russian regions – Russia. Truy cập ngày 16/10/2023

Bộ trưởng tài chính Ukraine nói các nhà tài trợ ngày càng ‘mệt mỏi’ khi chiến tranh kéo dài

Ukraine đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo hỗ trợ tài chính khi các nước tài trợ chủ chốt dồn sự chú ý sang các cuộc bầu cử sắp tới và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Ukraine cần đảm bảo sự hỗ trợ tài chính của phương Tây để bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách 43 tỷ USD vào năm 2024. Cụ thể hơn, các cuộc đàm phán trong tuần này đã bị lu mờ bởi xung đột giữa Israel và Hamas, nổ ra ngay khi các đại biểu đang trên đường tới Marrakesh. Ukraine đã dành riêng các khoản thu thuế và quỹ bổ sung để huy động từ nợ nội bộ, nhưng nước này sẽ phụ thuộc vào sự trợ giúp từ bên ngoài cho phần lớn các yêu cầu chi tiêu trong năm tới.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine finance minister says donor ‘tiredness’ growing as war drags on. Truy cập ngày 15/10/2023

Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ tấn công vùng lãnh thổ do Moscow chiếm đóng

Quân đội Ukraine đã đưa ra các báo cáo về các cuộc tấn công sử dụng hệ thống ATACMS, do Mỹ viện trợ, thành công, có độ chính xác cao vào các sân bay gần Luhansk ở phía đông Ukraine và ở Berdiansk ở phía nam, trên Biển Azov, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Lực lượng đặc biệt Ukraine, cho biết 9 máy bay trực thăng, một bệ phóng tên lửa phòng không, đường băng và các thiết bị khác đã bị phá hủy và gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine uses US long-range missiles to strike Moscow-occupied territories. Truy cập ngày 18/10/2023

 

Chiến tranh Israel – Hamas:

Cuộc tấn công trên bộ của Israel ở Gaza có thể không phải là một cuộc xâm lược toàn diện

Đại sứ Mỹ tại Israel cho biết chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza có thể không phải là một cuộc xâm lược toàn diện nhưng có thể sẽ diễn ra theo từng giai đoạn. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm thứ bảy cho biết họ đang chuẩn bị thực hiện một loạt các kế hoạch tác chiến tấn công, bao gồm một cuộc tấn công tổng phối hợp từ trên không, trên biển và trên bộ nhằm chống lại Hamas ở Gaza. Nhưng mối lo ngại lớn đó là Israel sẽ phải đối mặt với các cuộc phục kích và máy bay chiến đấu xuất hiện từ các đường hầm ở Gaza trong cuộc tấn công trên bộ. Hôm thứ Sáu, IDF đã ra lệnh cho 1,1 triệu cư dân ở phía bắc Gaza sơ tán về phía nam vì sự an toàn của chính họ.

Xem thêm tại: CNBC, Israel’s ground offensive in Gaza may not be a ‘full invasion,’ says ex-U.S. ambassador. Truy cập ngày 18/10/2023

Quân đội Israel phủ nhận việc tấn công bệnh viện ở Gaza, khẳng định tòa nhà không bị hư hại

Quân đội Israel hôm thứ tư công bố bằng chứng cho thấy một tên lửa do Palestine bắn nhầm đã gây ra vụ nổ trong đêm tại một bệnh viện ở Gaza khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trước đó, Hamas đã đổ lỗi vụ nổ cho Israel. Israel cho biết đây là kết quả của vụ phóng tên lửa thất bại của nhóm Hồi giáo Jihad người Palestine, một nhóm chiến binh khác trong vùng đất này. Số người chết vì vụ nổ bệnh viện cho đến nay là cao nhất so với bất kỳ sự cố nào ở Gaza trong thời kỳ bạo lực hiện nay, gây ra các cuộc biểu tình ở Bờ Tây bị chiếm đóng và trong khu vực rộng lớn hơn, bao gồm cả ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Xem thêm tại: Reuters, Israel military steps up denial it hit Gaza hospital, says building undamaged. Truy cập ngày 19/10/2023

Một người thiệt mạng, 3 người bị thương trong cuộc tấn công xuyên biên giới của Hezbollah vào miền bắc Israel

Các chiến binh Hezbollah của Lebanon đã phóng một tên lửa vào một ngôi làng biên giới phía bắc của Israel vào Chủ nhật, khiến một người thiệt mạng và ba người khác bị thương. Quân đội Israel cho biết họ đang tấn công Lebanon để trả đũa và tuyên bố một khu vực cách biên giới Lebanon 4 km sẽ giới hạn tiếp cận của công chúng.

Xem thêm tại: Reuters, One killed, 3 wounded in cross-border Hezbollah attack on northern Israel. Truy cập ngày 16/10/2023

Iran cảnh báo thực hiện các động thái ‘đánh phủ đầu’ chống lại Israel trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza

Iran đã cảnh báo về khả năng có hành động “đánh phủ đầu” chống lại Israel “trong những giờ tới”, khi Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết Iran phải bảo vệ Gaza, đồng thời cảnh báo việc Israel sử dụng bom phố tại khu vực này. Tehran cũng cảnh báo Israel về sự leo thang trong khu vực nếu lực lượng của nước này tiến vào Gaza để tấn công trên bộ.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Iran warns of ‘preemptive’ action against Israel amid Gaza war. Truy cập ngày 18/1/0/2023

Triều Tiên phủ nhận việc Hamas sử dụng vũ khí của mình chống lại Israel

Triều Tiên hôm thứ sáu phủ nhận việc Hamas sử dụng vũ khí của họ trong cuộc tấn công chống lại Israel, nói rằng các cáo buộc gần đây là một nỗ lực của Washington nhằm đẩy trách nhiệm cuộc xung đột sang nước thứ ba. Các chuyên gia quân sự cho biết trong tuần này rằng các bức ảnh chụp từ cuộc xung đột cho thấy phiến quân Hamas có thể đang sử dụng vũ khí của Triều Tiên, bao gồm cả lựu đạn phóng tên lửa F-7. F-7, cũng như một số lượng nhỏ tên lửa chống tăng dẫn đường Bulsae-2 (ATGM) của Triều Tiên, đã được Hamas sử dụng trong các cuộc đụng độ năm 2021. Triều Tiên gọi tuyên bố về việc vũ khí của họ được sử dụng trong các cuộc tấn công là “tin đồn vô căn cứ và sai sự thật”.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea denies its weapons used by Hamas against Israel. Truy cập ngày 14/10/2023

Máy bay giám sát của Anh hoạt động gần Israel

Máy bay giám sát điện tử RC-135 ‘Rivet Joint’ của Anh đã tiến hành tuần tra gần Israel, Dải Gaza và Lebanon. RC-135W Rivet Joint là máy bay giám sát điện tử chuyên dụng có thể được sử dụng ở tất cả các chiến trường trong các nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật. Việc triển khai những máy bay này đến khu vực này là điều bất thường, mặc dù không phải là chưa từng có và không có gì đáng ngạc nhiên.

Xem thêm tại: UKDJ, British surveillance aircraft operating near Israel. Truy cập ngày 16/10/2023

Mỹ tăng cường hỏa lực Trung Đông đề phòng chiến tranh Israel-Hamas lan rộng

Mỹ đang tăng cường hỏa lực ở Trung Đông để ngăn chặn sự lan rộng của cuộc xung đột giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas của Palestine và ngăn chặn Iran can dự khi quốc tế lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực rộng lớn hơn. Tàu sân bay mới nhất của Mỹ – và lớn nhất thế giới – đã có mặt ở phía đông Địa Trung Hải và chuẩn bị có tàu sân bay thứ hai của Mỹ tham gia trong 10 ngày tới. Mặc dù Nhà Trắng cho biết “không có kế hoạch hoặc ý định” sử dụng chúng, nhưng điều đó có nghĩa là lực lượng quân sự của Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ trên không nhằm bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ nếu cần. Mỹ cũng có một loạt căn cứ ở Trung Đông với quân đội, máy bay chiến đấu và tàu chiến. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết: “Iran cho rằng Mỹ đã can dự quân sự vào cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.”

Xem thêm tại: Reuters, US boosts Middle East firepower in case Israel-Hamas war spreads. Truy cập ngày 16/10/2023; Iran says US already ‘militarily involved’ in Israeli-Palestinian conflict. Truy cập ngày 17/10/2023

Máy bay Nhật Bản bay tới Djibouti để sẵn sàng sơ tán công dân tại Israel

Ba máy bay của Lực lượng phòng vệ trên không đã rời Nhật Bản hôm thứ bảy đến Djibouti ở Đông Phi để chuẩn bị cho việc vận chuyển công dân Nhật Bản từ Israel. Máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu KC767 của ASDF khởi hành từ Căn cứ Không quân Komaki ở miền trung Nhật Bản và hai máy bay vận tải C2 rời Căn cứ Không quân Miho ở tỉnh Tottori phía tây để túc trực tại căn cứ SDF ở Djibouti. Nhật Bản đã sử dụng Djibouti khi nước này thực hiện chiến dịch sơ tán công dân ở Sudan gần đó vào tháng 4, nơi giao tranh giữa quân đội Sudan và lực lượng bán quân sự đã leo thang.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan SDF planes fly to Djibouti to ready for I evsraelacuation. Truy cập ngày 15/10/2023

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Mỹ phải sẵn sàng cho hai cuộc chiến song song với Trung Quốc, Nga

Mỹ phải chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh có thể xảy ra song song với Nga và Trung Quốc bằng cách mở rộng lực lượng thông thường, tăng cường liên minh và tăng cường chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Các cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác cũng như xung đột ngày càng tồi tệ với Nga về việc nước này xâm chiếm Ukraine và chúng trở nên nghiêm trọng trong khoảng thời gian 2027-2035. Báo cáo cho biết chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kéo dài 30 năm của Mỹ, bắt đầu từ năm 2010 và ước tính tiêu tốn khoảng 400 tỷ USD vào năm 2046, phải được tài trợ đầy đủ để nâng cấp tất cả các đầu đạn, hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng đúng tiến độ. Các khuyến nghị khác bao gồm triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Á và châu Âu, phát triển kế hoạch triển khai một số hoặc tất cả đầu đạn hạt nhân dự trữ của Mỹ và sản xuất thêm máy bay ném bom tàng hình B-21 và tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia mới.

Xem thêm tại: Reuters, US must be ready for simultaneous wars with China, Russia, report says. Truy cập ngày 14/10/2023

Ottawa nói máy bay Trung Quốc chặn máy bay quân sự Canada là không thể chấp nhận được

Bộ trưởng Quốc phòng Canada Bill Blair cho biết việc máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn máy bay quân sự Canada trên vùng biển quốc tế hôm thứ hai là không thể chấp nhận được, gây nguy hiểm và rất liều lĩnh. Trước đó, một máy bay phản lực của Trung Quốc đã bay cách một máy bay giám sát của Canada trong vòng 5 mét khi máy bay này đang tham gia một hoạt động của Liên hợp quốc nhằm thực thi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Vụ việc xảy ra ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Trung Quốc, trên máy bay có phi hành đoàn. Vào tháng 6 năm 2022, quân đội Canada cáo buộc máy bay chiến đấu Trung Quốc quấy rối máy bay tuần tra của họ khi họ theo dõi các hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt của Triều Tiên, đôi khi buộc máy bay Canada phải chuyển hướng khỏi đường bay của nó.

Xem thêm tại: Reuters, Interception of Canadian military plane by Chinese jets was unacceptable -Ottawa. Truy cập ngày 18/10/2023

Mỹ tham dự diễn đàn quốc phòng Bắc Kinh nhằm cải thiện quan hệ

Mỹ cho biết họ đã chấp nhận lời mời tham dự diễn đàn an ninh hàng năm hàng đầu của Trung Quốc vào cuối tháng 10, dấu hiệu mới nhất cho thấy triển vọng cải thiện mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Washington rất mong muốn khôi phục liên lạc giữa quân đội với quân đội với Trung Quốc, đối thủ chiến lược chính của họ, và ba nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết Bắc Kinh đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tham dự diễn đàn Tương Sơn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không cử bộ trưởng quốc phòng Austin tới sự kiện và Lầu Năm Góc cũng không cho biết Trung Quốc đã mời ai hoặc ai từ phía Mỹ tham dự.

Xem thêm tại: Reuters, US to attend Beijing defense forum in latest sign of improving ties. Truy cập ngày 13/10/2023

Trung Quốc điều máy bay chiến đấu cảnh báo máy bay Hải quân Mỹ ở eo biển Đài Loan

Trung Quốc hôm thứ năm cho biết họ đã cử máy bay chiến đấu theo dõi và cảnh báo một máy bay tuần tra của Hải quân Mỹ bay qua eo biển Đài Loan. Trước đó vào thứ Năm, hạm đội số 7 của Hải quân Mỹ cho biết máy bay trinh sát và tuần tra hàng hải P-8A Poseidon, cũng được sử dụng cho các nhiệm vụ chống tàu ngầm, đã bay qua eo biển này trong không phận quốc tế.

Xem thêm tại: Reuters, China says sends fighter jets to warn US Navy plane in Taiwan Strait. Truy cập ngày 13/10/2023

Trung Quốc sẽ dùng phà thương mại để xâm chiếm Đài Loan

Báo cáo cho thấy Hải quân Trung Quốc dựa vào đội tàu vận tải biển thương mại vì hạm đội tác chiến đổ bộ của họ vẫn chưa đủ cho các hoạt động quan trọng như xâm lược Đài Loan. Theo đó, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào phà RoRo (roll-on/roll-off) đã được minh họa trong cuộc tập trận đổ bộ gần đây vào tháng trước tại tỉnh Phúc Kiến, nằm đối diện Đài Loan. Các tàu Roro này có lượng choán nước tích lũy 100.000 tấn và được phân về Nhóm Vận tải số 8 của Dân quân Hàng hải để thực hiện các hoạt động và tập trận quân sự.

Xem thêm tại: Asia Times, China would use commercial ferries to invade Taiwan. Truy cập ngày 14/10/2023

Hàn Quốc nhắm mục tiêu các công ty chế tạo tàu ngầm hải quân Đài Loan

Chính quyền Hàn Quốc viện dẫn nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa kinh tế khi họ buộc tội công ty công nghệ hàng hải SI Innotec vào năm ngoái vi phạm luật thương mại vì hoạt động trong chương trình tàu ngầm quân sự mới của Đài Loan. Thỏa thuận của SI Innotec cung cấp cho Đài Loan thiết bị sản xuất tàu ngầm “tác động trực tiếp đến an ninh chung của Hàn Quốc”. Lo ngại về một cuộc khủng hoảng tương tự như việc triển khai THAAD lần thứ hai, chẳng hạn như trả đũa kinh tế, bắt đầu xuất hiện.

Xem thêm tại: Reuters, Fearing China, South Korea targets firms building Taiwan navy submarines. Truy cập ngày 17/10/2023

Hàn Quốc tổ chức triển lãm quốc phòng lớn nhất nhằm tăng doanh số bán hàng toàn cầu

Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul (ADEX) hai năm một lần đã khai mạc vào thứ ba, với các nhà tổ chức cho biết sẽ có nhiều công ty hơn bao giờ hết và một chuyến bay chưa từng có từ máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Triển lãm năm nay nhằm giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ tư thế giới. Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu đạt 20 tỷ USD xuất khẩu quốc phòng trong năm nay sau khi đạt kỷ lục 17,3 tỷ USD doanh số bán vũ khí vào năm ngoái, bao gồm các hợp đồng lớn với Ba Lan về xe tăng, pháo, máy bay chiến đấu và tên lửa.

Xem thêm tại: Reuters, South Korea to hold largest defence show in bid to boost global sales. Truy cập ngày 17/10/2023

Bộ trưởng Quốc phòng mất tích của Trung Quốc có khả năng bị thay thế

Tướng Lưu Chấn Lập (Liu Zhenli), người đứng đầu cơ quan quân sự chịu trách nhiệm về các hoạt động và kế hoạch chiến đấu của Trung Quốc, đã nổi lên như ứng cử viên hàng đầu để thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người đã không xuất hiện trước công chúng trong hơn sáu tuần. Việc bổ nhiệm ông Lưu thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Lý – điều có thể xảy ra trước khi Bắc Kinh tổ chức diễn đàn an ninh quốc tế vào cuối tháng này – có thể thúc đẩy sự can dự quân sự với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng khu vực. Sự vắng mặt của ông Lý cho đến nay vẫn chưa được giải thích chính thức, mặc dù có báo cáo cho rằng ông Lý đang bị điều tra về tội tham nhũng trong việc mua sắm thiết bị quân sự ở cương vị trước đó.

Xem thêm tại: Reuters, Combat veteran is likely replacement for China’s missing defence minister. Truy cập ngày 14/10/2023

Nhật Bản, Mỹ, EU tổ chức diễn tập phòng thủ mạng với sự hỗ trợ của Ấn Độ, ASEAN

Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu đang tiến hành khóa đào tạo an ninh mạng kéo dài 5 ngày với các kỹ sư đến từ các nước ASEAN, Ấn Độ và các đối tác khác. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết cuộc tập trận kéo dài đến thứ Sáu nhằm đối phó với sự gia tăng các cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng. Các chính phủ tham gia nhằm mục đích tăng cường phòng thủ mạng để ngăn chặn các cuộc tấn công lan rộng trên toàn cầu thông qua chuỗi cung ứng.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan, U.S., EU hold cyber defense drill with India, ASEAN support. Truy cập ngày 13/10/2023

Nhật Bản thực hiện thử nghiệm bắn súng điện từ đầu tiên trên biển

Nhật Bản cho biết họ đã thử nghiệm thành công súng điện từ hàng hải cỡ trung ở ngoài khơi. Nguyên mẫu súng điện từ cỡ trung bình của TLA có thể bắn đạn thép 40mm nặng 320g. Súng điện từ dựa vào nam châm điện chứ không phải chất đẩy hóa học để bắn đạn với vận tốc rất cao, thậm chí ở tốc độ siêu thanh. Ngoài việc được lắp đặt trên các tàu khu trục, có khả năng loại vũ khí này cũng có thể được trang bị trên các tàu phòng thủ tên lửa đa năng đang được phát triển của Nhật Bản.

Xem thêm tại: The Drive, Japan’s Railgun Performs First Test Firing At Sea. Truy cập ngày 18/10/2023

Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Úc sẽ gặp nhau vào thứ Năm

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara hôm thứ ba cho biết ông dự kiến ​​gặp người đồng cấp Úc Richard Marles tại Tokyo vào cuối tuần này để thảo luận về việc tăng cường quan hệ an ninh giữa hai nước. Nhật Bản và Úc đã quyết định hoãn các cuộc đàm phán an ninh “hai cộng hai” có sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của họ tại Tokyo vào thứ Sáu do xung đột leo thang giữa Israel và nhóm chiến binh Palestine Hamas. Nhật Bản và Úc, cả hai đều là đồng minh an ninh thân cận của Mỹ, đã tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây trong bối cảnh sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japanese and Australian defense ministers to meet on Thursday. Truy cập ngày 18/10/2023

Triều Tiên nói tàu sân bay Mỹ ghé thăm Hàn Quốc là hành động khiêu khích công khai

Triều Tiên hôm thứ Sáu lên án chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ tới Hàn Quốc, gọi đây là hành động khiêu khích. Tàu Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhóm tấn công của nó đã đến cảng Busan của Hàn Quốc hôm thứ Năm trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, sau cuộc tập trận của đồng minh ở vùng biển gần đó. Triều Tiên cho biết chuyến thăm của tàu sân bay cho thấy kế hoạch tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào Triều Tiên đã đạt đến “giai đoạn nghiêm trọng nhất” có nghĩa là “sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh hạt nhân đã đến trước mắt”.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea says US carrier’s visit to South ‘undisguised’ provocation. Truy cập ngày 14/10/2023

Trung Quốc, Ấn Độ tổ chức hội đàm cấp tướng quân sự về vấn đề biên giới

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự lần thứ 20 vào ngày 9-10/10. Bộ này cho biết hai bên đã có những trao đổi “tích cực, sâu sắc và mang tính xây dựng” nhằm giải quyết các vấn đề còn lại ở khu vực phía Tây biên giới Trung Quốc-Ấn Độ một cách “sớm và có thể chấp nhận được”. Họ cũng đồng ý duy trì đối thoại thông qua các kênh quân sự và ngoại giao, đồng thời bảo vệ hòa bình và yên tĩnh dọc biên giới trong thời gian này.

Xem thêm tại: Reuters, China, India hold military chief-level talks on border issues. Truy cập ngày 13/10/2023

Đông Nam Á:

Philippines tố cáo Trung Quốc có hành động ‘nguy hiểm và gây rối’ ở Biển Đông

Quân đội Philippines đã kêu gọi Trung Quốc ngừng “các hành động không an toàn” ở Biển Đông, sau khi một tàu hải quân Trung Quốc theo dõi và cố gắng ngăn chặn một tàu hải quân Philippines đang thực hiện sứ mệnh tiếp tế vào cuối tuần trước. Một tàu Hải quân Trung Quốc đã tiến gần tới khoảng cách 350 thước khi cố gắng vượt qua phía trước tàu Philippines gần đảo Thị Tứ. Đây là nỗ lực mới nhất trong một loạt nỗ lực của Trung Quốc nhằm giám sát và ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines cho nhân viên tại các thực thể do Manila chiếm đóng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông.

Xem thêm tại: Reuters, Philippines denounces China for ‘dangerous and offensive’ actions in South China Sea. Truy cập ngày 17/10/2023

Cảnh sát biển Philippines tăng cường lực lượng với 4.220 tân binh

Tổng cộng có 4.220 tân binh đã bắt đầu đào tạo tại các trung tâm đào tạo khu vực khác nhau của PCG trên toàn quốc, nâng lực lượng hiện tại của PCG lên hơn 30.000 người. Khóa đào tạo PCG kéo dài sáu tháng tập trung vào các cuộc diễn tập cơ bản cũng như các phong tục và truyền thống của Cảnh sát biển. PCG có kế hoạch tuyển dụng thêm 4.000 nhân sự vào năm tới và thêm 3.000 người nữa vào năm 2025, nâng tổng lực lượng lao động của PCG lên hơn 37.000 – tăng 185% về nhân lực chỉ trong vòng sáu năm. Năm 2019, PCG chỉ có khoảng 13.000 nhân sự.

Xem thêm tại: Inquirer, Philippine Coast Guard beefs up force with 4,220 new recruits. Truy cập ngày 16/10/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Pháp triển khai 7.000 quân tăng cường an ninh sau vụ giáo viên bị sát hại

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy đã triển khai tới 7.000 binh sĩ để tăng cường tuần tra an ninh, khi cảnh báo có bom buộc bảo tàng Louvre phải sơ tán một ngày sau khi một giáo viên thiệt mạng trong một cuộc tấn công của người Hồi giáo. Văn phòng của ông Macron cho biết binh lính sẽ được triển khai vào tối thứ Hai cho đến khi có thông báo mới như một phần của hoạt động an ninh đang diễn ra tại các trung tâm thành phố lớn và các địa điểm du lịch. Pháp đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao nhất hôm thứ Sáu sau khi một thanh niên 20 tuổi đâm chết một giáo viên và làm hai người khác bị thương nặng tại một trường học ở thành phố Arras, miền bắc nước Pháp.

Xem thêm tại: Reuters, France deploys 7,000 troops for extra security after teacher slain. Truy cập ngày 17/10/2023

Quân đội Romania tăng cường sứ mệnh gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo

NATO hôm thứ Bảy cho biết hơn 130 binh sĩ từ Romania đã tăng cường sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Lực lượng Kosovo sau cuộc xung đột ở miền bắc Kosovo trong nhiều năm. Liên minh quân sự cho biết trong một tuyên bố rằng 200 binh sĩ Anh đã được triển khai vào đầu tháng này và quân đội từ Romania đã đến vào thứ sáu. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã ủy quyền bổ sung lực lượng cho Kosovo vào cuối tháng 9 sau khi trận chiến giữa cảnh sát và người Serb có vũ trang ẩn náu trong một tu viện đã biến một ngôi làng yên tĩnh ở phía bắc Kosovo thành vùng chiến sự vào ngày 24 tháng 9.

Xem thêm tại: Reuters, Romanian troops boost NATO’s peacekeeping mission in Kosovo. Truy cập ngày 15/10/2023

Hải quân Na Uy theo dõi tàu Trung Quốc thăm dò đường ống Baltic

Một tàu Hải quân Na Uy đã theo dõi một tàu container Trung Quốc đang điều tra về hư hỏng đường ống dẫn khí đốt ở Vịnh Phần Lan trong khoảng 15 giờ khi tàu này di chuyển dọc theo bờ biển phía Tây Na Uy hôm thứ Hai. Các nhà điều tra Phần Lan hôm thứ ba cho biết họ đang điều tra tàu Trung Quốc NewNew Polar Bear và tàu Sevmorput mang cờ Nga cũng như các tàu khác có mặt trong khu vực khi đường ống ở Biển Baltic bị hư hỏng vào ngày 8 tháng 10. Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đã triển khai Hải quân của mình sau vụ phá hoại Dòng chảy phương Bắc để bảo vệ các giàn khoan dầu khí ngoài khơi cũng như mạng lưới đường ống dẫn khí đốt dưới Biển Bắc trải dài hơn 8.000 km.

Xem thêm tại: Reuters, Norwegian Navy shadows Chinese vessel probed over Baltic pipe damage. Truy cập ngày 19/10/2023

Sân bay Aleppo của Syria ngừng hoạt động sau cuộc tấn công của Israel

Israel hôm thứ bảy đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào sân bay Aleppo của Syria  khiến sân bay này ngừng hoạt động. Sân bay vừa đi vào hoạt động hôm thứ Bảy sau khi các cuộc tấn công tên lửa đồng thời của lực lượng Israel vào các sân bay ở thủ đô Damascus của Syria và thành phố Aleppo phía bắc đã làm hư hỏng đường băng. Các cuộc tấn công vào các sân bay nhằm mục đích làm gián đoạn đường cung cấp của Iran tới Syria, nơi ảnh hưởng của Tehran đã tăng lên kể từ khi nước này bắt đầu hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli attack on Syrian Aleppo airport puts it out of service. Truy cập ngày 16/10/2023

Ai Cập vận chuyển drone cho quân đội Sudan

Ai Cập đã vận chuyển drone cho quân đội Sudan, một nguy cơ leo thang xung đột đang thu hút nhiều bên tham gia trong khu vực hơn. Drone Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển giao cho quân đội Sudan vào tháng trước. Quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) đã bị mắc kẹt trong cuộc tranh giành quyền lực bùng phát thành xung đột vào ngày 15 tháng 4.

Xem thêm tại: Reuters, Egypt delivered drones to Sudan’s military, Wall Street Journal reports. Truy cập ngày 15/10/2023

RSF đạt được tiến bộ, tìm cách củng cố quyền kiểm soát thủ đô Khartoum

Lực lượng phản ứng nhanh (RSF) chiến đấu với quân đội Sudan trong sáu tháng qua đã đạt được bước tiến và đang tìm cách củng cố phạm vi hoạt động của họ ở thủ đô trong những tuần gần đây. RSF hiện dường như đang cố gắng di chuyển về phía nam, tới bang Gezira, một khu vực nông nghiệp và trung tâm dân cư trọng điểm. Tuần trước, RSF đã nắm quyền kiểm soát Ailafoun, một thị trấn lớn trên một trong những tuyến đường đến Madani, và họ đã cướp phá và di dời hàng nghìn cư dân. Lực lượng này cũng tiếp tục tấn công ác liệt vào Nyala và El Obeid ở phía tây thủ đô.

Xem thêm tại: Reuters, Sudan’s paramilitary RSF advances, seeks to cement control. Truy cập ngày 19/10/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Ukraine, Israel và ba hệ thống đang thay đổi cục diện chiến tranh

Trong ba năm qua, ba cuộc xung đột đã làm nổi bật cả tính liên tục và những thay đổi vốn có của chiến tranh. Theo đó, chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai, Chiến tranh Ukraine và cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel, mỗi cuộc chiến đều cho thấy nhiều nét liên tục đặc trưng của chiến tranh trong hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn năm. Nhưng chúng cũng báo trước những thay đổi đáng kể phía trước. Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai nổ ra vào tháng 9 năm 2020 khi một cuộc tấn công trên bộ của Azerbaijan bắt đầu, bao gồm các đơn vị thiết giáp được hỗ trợ bởi pháo binh và drones. Với hàng nghìn thương vong của cả hai bên và hàng chục nghìn thường dân phải di dời, Azerbaijan đã giành lấy chiến thắng. Sau đó, một lệnh ngừng bắn đã được thống nhất vào tháng 12 năm 2020 và lực lượng gìn giữ hòa bình do Nga dẫn đầu đã được đưa vào. Chiến tranh Ukraine bắt đầu vào năm 2014 nhưng đã leo thang ồ ạt do cuộc xâm lược quy mô lớn của Nga vào tháng 2 năm 2022. Cuộc chiến đang diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng có trong thế kỷ 21. Cuộc chiến tranh Israel-Hamas gần đây hơn, vẫn chưa thể hiện đầy đủ. Trong khi cuộc chiến ban đầu chỉ giới hạn trong phạm vi cuộc thảm sát thường dân Israel ở một phần nhỏ phía nam Israel, thì lực lượng đông đảo của Israel và lực lượng Hezbollah cho thấy rằng đây là một cuộc chiến có thể mở rộng đáng kể về phạm vi và địa lý trong những tuần tới.

Ngoài ra, ba cuộc xung đột chứa đựng nhiều khía cạnh khác nhau có tính chất vượt thời gian. Mỗi cuộc chiến đều đã chứng minh rằng chính trị thúc đẩy hành động quân sự và bạo lực là điều không thể thiếu trong hành động đó. Một sự liên tục quan trọng khác là việc không ngừng tìm kiếm các công nghệ sẽ mang lại cho bên này hay bên kia lợi thế quyết định trên chiến trường. Cả ba cuộc xung đột đều chứng kiến ​​các công nghệ mới được giới thiệu và trong một thời gian, tạo ra lợi thế cho bên sử dụng chúng. Những cuộc chiến này cũng từng chứng kiến những công nghệ cũ được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là pháo binh. Ngoài ra, còn có những ý tưởng cũ hơn như chiến tranh đào hầm và chiến hào cũng như việc sử dụng rộng rãi chiến tranh tuyên truyền và thông tin. Vai trò trung tâm của con người trong xung đột là một tính liên tục quan trọng khác được thể hiện rõ ràng trong những xung đột này. Cho dù đó là sự lãnh đạo của các quốc gia liên quan, sự ủng hộ và niềm đam mê của xã hội dân sự hay sự dũng cảm và hy sinh của quân nhân, tính con người vẫn thống trị hầu hết mọi khía cạnh của chiến tranh.

Cuối cùng, sự bất ngờ là yếu tố tiếp nối quan trọng trong tất cả các cuộc xung đột này. Tại Nagorno-Karabakh, lực lượng Azerbaijan đã gây bất ngờ cho đối thủ bằng việc sử dụng rộng rãi drone để tiêu diệt xe bọc thép của đối phương cũng như cô lập và tiêu diệt các vị trí của Armenia/Artsakh. Ở Ukraine, cả hai bên đã có lúc gây bất ngờ trước đối phương, có lẽ đáng chú ý nhất là cuộc tấn công ngoạn mục vào Kharkiv của Ukraine vào năm 2022. Và, vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã khiến Israel choáng váng với một cuộc tấn công đa miền khiến khả năng đáp trả của Israel choáng ngợp nhưng cũng khiến Israel bất ngờ.. Vì vậy, có thể thấy rõ nhiều điểm liên tục trong bộ ba cuộc chiến hiện đại này. Dù có ít thay đổi hơn, nhưng những thay đổi xuất hiện trong quá trình diễn ra các cuộc xung đột này chắc chắn sẽ làm thay đổi tính chất của chiến tranh.

Xem thêm tại: Mick Ryan, A Transformative Trinity. Truy cập ngày 16/10/2023

Phương Tây tập trung ủng hộ Israel làm xói mòn sự ủng hộ của các nước đang phát triển dành cho Ukraine?

Sự ủng hộ của phương Tây đối với cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã gây nguy hại đến những nỗ lực xây dựng sự đồng thuận với các nước đang phát triển quan trọng trong việc lên án cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine. Điều đó đã làm xói mòn những nỗ lực kể từ cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga nhằm xây dựng sự đồng thuận với các quốc gia hàng đầu ở Nam bán cầu (Global South) – như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi – về nhu cầu duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ. Một số nhà ngoại giao Mỹ lo ngại rằng phản ứng của chính quyền Biden đã không thừa nhận rằng sự ủng hộ rộng rãi của Mỹ đối với Israel có thể khiến phần lớn các nước Nam bán cầu trở nên xa lánh. Ở Trung Đông, nhiều người Ả Rập cảm thấy rằng Mỹ và các cường quốc phương Tây khác chưa bao giờ buộc Israel phải chịu trách nhiệm về cách đối xử của họ với người Palestine, hoặc chưa bao giờ quan tâm đầy đủ đến các cuộc xung đột tàn khốc ở Syria, Yemen và Libya. Trong khi đó, Nga và đồng minh Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với người Palestine.

Chỉ bốn tuần trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, các nhà lãnh đạo Mỹ, EU và các đồng minh phương Tây đã tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi và yêu cầu các quốc gia đang phát triển lên án các cuộc tấn công của Nga vào dân thường Ukraine nhằm duy trì sự tôn trọng hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Nhưng trong những ngày gần đây, có một sự thay đổi trong giọng điệu của một số chính phủ phương Tây. Kể từ hôm chủ nhật, EU và Anh đã công bố tăng cường vận chuyển viện trợ tới Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ đến thăm Israel vào thứ Tư trước khi gặp các nhà lãnh đạo Jordan, Ai Cập và Chính quyền Palestine tại Amman. Chặng thứ hai của chuyến đi đó đã bị hủy sau vụ nổ chết người tại bệnh viện Gaza vào tối thứ Ba. Một số nhà lãnh đạo cảnh báo rằng việc không bảo vệ quyền của người Palestine ở Gaza có nguy cơ khiến các quốc gia phương Tây bị cáo buộc là đạo đức giả. Nghị quyết do Nga đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chỉ nhận được sự ủng hộ từ 4 quốc gia – Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mozambique và Gabon – nhưng nhiều nhà ngoại giao phương Tây lo ngại rằng nghị quyết sửa đổi của Nga có thể giành được 9 phiếu cần thiết để thông qua. Mỹ, Anh hoặc Pháp sau đó có thể phủ quyết nó, mang lại cho Moscow một chiến thắng về mặt tuyên truyền.

Xem thêm tại: Financial Times, Rush by west to back Israel erodes developing countries’ support for Ukraine. Truy cập ngày 19/10/2023

Liệu làn sóng xung đột tại Israel có thể gây hại Đài Loan?

Phản ứng của Israel trước cuộc tấn công tàn khốc do các tay súng Palestine từ Dải Gaza vẫn đang ở giai đoạn đầu. Do đó, vẫn chưa thể dự đoán được quy mô cuối cùng của nó. Nhưng có thể xem xét tác động ngắn hạn và trung hạn đối với động lực địa chính trị nguy hiểm trong và xung quanh eo biển Đài Loan, vẫn là một trong những điểm nóng bất ổn nhất thế giới. Trước nhất, hậu quả đầu tiên có thể xảy ra từ cuộc tấn công của Hamas là việc các hợp đồng vũ khí của Đài Loan với Mỹ để chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc sẽ còn bị trì trệ hơn nữa. Các ước tính hiện tại ước tính giá trị của các hệ thống vũ khí Mỹ đã ký hợp đồng nhưng chưa giao cho Đài Loan vào khoảng 18 tỷ USD. Các hệ thống này bao gồm tên lửa phòng không Stinger và bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon – những thành phần quan trọng giúp quân đội Đài Loan đang suy yếu nhiều chống lại Trung Quốc. Nhưng sau những động thái của Mỹ nhằm cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Israel, Đài Loan giờ đây sẽ rơi xuống vị trí thứ ba (ít nhất) trong danh sách khách hàng mua vũ khí ưu tiên của Mỹ – sau Ukraine.

Vấn đề đối với Đài Loan là ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ đã trải qua sự suy thoái nghiêm trọng trong vài thập kỷ qua. Một hậu quả có thể xảy ra khác của cuộc chiến tranh Gaza là Trung Quốc giờ đây có thể muốn tăng cường sức ép quân sự đối với Đài Loan với hy vọng rằng một nước Mỹ đang bận tâm sẽ không có đủ khả năng để đáp trả một cách hiệu quả, mang lại cho Trung Quốc một cơ hội tuyệt vời để gây thêm áp lực lên Đài Loan thông qua các hoạt động “vùng xám” leo thang nhanh chóng. Một hậu quả khác của cuộc chiến tranh Gaza liên quan đến chính Trung Quốc. Bắc Kinh giờ đây có thể bị buộc phải tuyên bố vị trí của mình trong trật tự quốc tế.

Xem thêm tại: Asia Times, Could Israel shock waves hit Taiwan? Truy cập ngày 15/10/2023

Hamas đã áp đảo Vòm Sắt của Israel như thế nào?

Một ví dụ điển hình về sức mạnh quân sự của Israel là hệ thống phòng không Iron Dome, được ca ngợi rộng rãi là hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa và tên lửa tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, Israel đã bị mất cảnh giác trước một cuộc tấn công tên lửa quy mô rất lớn của nhóm chiến binh Palestine Hamas. Để hiểu lý do tại sao, trước tiên cần hiểu những điều cơ bản về hệ thống phòng không. Một hệ thống phòng không bao gồm ba thành phần chính. Đầu tiên, có các radar để phát hiện, xác định và theo dõi tên lửa đang bay tới. Phạm vi của các radar này khác nhau. Radar của Iron Dome hoạt động hiệu quả trong khoảng cách từ 2,5 đến 43,5 dặm (4 đến 70 km). Khi một vật thể đã được radar phát hiện, nó phải được đánh giá để xác định xem liệu nó có phải là mối đe dọa hay không. Sau đó, các thông tin như phương hướng và tốc độ được sử dụng để đưa ra quyết định này. Nếu một vật thể được xác nhận là mối đe dọa, người vận hành Iron Dome sẽ tiếp tục theo dõi vật thể đó bằng radar và nó có tối đa một phút để phản ứng trước một cuộc tấn công. Yếu tố chính thứ hai của hệ thống phòng không là trung tâm điều khiển chiến đấu. Thành phần này xác định cách thích hợp để xử lý mối đe dọa đã được xác nhận. Thành phần chính thứ ba là tên lửa đánh chặn. Đối với Iron Dome, nó là tên lửa siêu thanh có cảm biến tầm nhiệt. Những cảm biến này cung cấp thông tin cập nhật trong chuyến bay cho máy bay đánh chặn, cho phép nó điều khiển và tiếp cận mối đe dọa. Thiết bị đánh chặn sử dụng ngòi nổ gần được kích hoạt bởi một radar nhỏ để phát nổ ở gần tên lửa đang bay tới để không cần phải đánh trực tiếp mới vô hiệu hóa được.

Vậy tại sao hệ thống này kém hiệu quả hơn trước các cuộc tấn công gần đây của Hamas? Hamas đã bắn hàng nghìn tên lửa và Israel có chưa đến một nghìn tên lửa đánh chặn trên thực địa sẵn sàng chống lại chúng. Ngay cả khi Iron Dome có hiệu quả 100% trước các mối đe dọa sắp tới, số lượng tên lửa do Hamas phóng rất lớn có nghĩa là một số tên lửa sẽ vượt qua được. Tên lửa do Hamas bắn có giá khoảng 600 USD mỗi tên lửa, do đó chúng rẻ hơn khoảng 100 lần so với tên lửa đánh chặn Iron Dome. Tổng chi phí mà Israel phải trả cho việc bắn tất cả các tên lửa đánh chặn của mình là khoảng 48 triệu USD. Nếu Hamas bắn 5.000 tên lửa thì chi phí sẽ chỉ là 3 triệu USD. Do đó, Hamas đã tích lũy một số lượng lớn tên lửa tương đối rẻ tiền mà họ biết rằng sẽ áp đảo khả năng phòng thủ của Iron Dome. Thật không may cho Israel, cuộc tấn công của Hamas là một ví dụ rất rõ ràng về sự bất đối xứng về quân sự: một cách tiếp cận chi phí thấp, năng lực kém hơn đã có thể đánh bại một hệ thống công nghệ cao, đắt tiền hơn. Nó minh họa rõ ràng sự cần thiết của các hệ thống phòng không hiệu quả hơn nhiều theo hai cách quan trọng. Đầu tiên, cần có một kho vũ khí phòng thủ sâu hơn nhiều để có thể giải quyết số lượng rất lớn các mối đe dọa tên lửa. Thứ hai, chi phí cho mỗi vũ khí phòng thủ cần phải được giảm đáng kể.

Xem thêm tại: Asia Times, How Hamas overwhelmed Israel’s Iron Dome? Truy cập ngày 17/10/2023

Đường hầm ở Gaza mang lại lợi thế cho Hamas trong cuộc chiến chống lại Israel?

Giai đoạn tiếp theo của cuộc tấn công phối hợp trên không, trên bộ và trên biển ở Gaza sẽ là triển khai lực lượng mặt đất để bảo vệ phía bắc Gaza, điều này sẽ cho phép các đơn vị chuyên môn bắt đầu tìm kiếm và phá hủy hệ thống đường hầm của Hamas. Giai đoạn này có thể gây tổn thất lớn về sinh mạng của Israel vì các chiến binh Hamas dưới lòng đất sẽ có quyền tiếp cận mặt đất để gây thương vong cho quân đội Israel. Các lối vào đường hầm ở Gaza được ẩn giấu dưới các ngôi nhà, nhà thờ Hồi giáo và trường học, trong khi những con phố và ngõ hẻm chật hẹp của lãnh thổ này dự kiến ​​sẽ tràn ngập bẫy bom và các thiết bị nổ tự chế được kích nổ theo lệnh. Sẽ rất khó khăn và nguy hiểm đối với Lực lượng Phòng vệ Israel khi dọn đường đi qua các tòa nhà bị sập và các khu vực bị chặn bởi đống đổ nát. Một khi Lực lượng Đặc biệt Israel tiến vào hệ thống đường hầm, mục tiêu của họ sẽ là tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas, tiêu diệt các chiến binh và vũ khí của Hamas – đặc biệt là kho vũ khí tên lửa – và giải thoát bất kỳ con tin Israel nào bị giữ trong đường hầm. Tuy nhiên, đây sẽ là một quá trình tốn kém vì Hamas rất quen thuộc với môi trường xung quanh và đã có thời gian gài bẫy các đường hầm cũng như chuẩn bị các vị trí phòng thủ dưới lòng đất. Mạng lưới đường hầm rộng khắp được cho là sâu tới 30 mét dưới lòng đất ở một số nơi và là một phần không thể thiếu trong hệ thống phòng thủ của Gaza mà Hamas đã mất nhiều năm chuẩn bị. Ngay cả khi lực lượng Israel có thể phá hủy các đường hầm và quét sạch Hamas ra khỏi phía bắc Gaza, thì họ sẽ phải quyết định xem có nên chiếm lãnh thổ này hay không – nơi có thể cần một số lượng lớn quân – hay rút lui.

Xem thêm tại: ASPI, Gaza tunnels give Hamas an advantage in fight against Israel. Truy cập ngày 18/10/2023

Trung Quốc được hưởng lợi khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến của đồng minh?

Gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ gặp lãnh đạo đảng Dân chủ Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Bắc Kinh. Đây có vẻ là tín hiệu cho thấy ông Tập và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở San Francisco vào tháng tới. Có phải Mỹ đang cố gắng giảm bớt sự thù địch? Các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ dường như đã hạ nhiệt trước những lời chỉ trích gay gắt nhất của họ chống lại Trung Quốc gần đây. Bất cứ khi nào Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh, trong trường hợp này là chiến tranh lạnh, bạn có thể chắc chắn rằng các phương tiện truyền thông cổ vũ chiến tranh sẽ lao vào bôi nhọ kẻ thù của Mỹ trong thời gian tới. Nhưng hiện tại, chính sách “xoay trục sang châu Á” của Washington – được hiểu là nhằm ép Trung Quốc – có thể phải tạm dừng một thời gian ngắn. Một vấn đề lớn khi điều hành một đế chế toàn cầu là Mỹ chắc chắn sẽ nhúng tay vào rất nhiều khu vực, trong đó có vấn đề Trung Quốc. Nhưng việc nhúng tay vào vấn đề Trung Quốc lại rất khó khăn khi Mỹ còn nhiều khu vực khác phải lưu tâm. Chỉ riêng Ukraine đã có thể là một sự chuyển hướng lớn. Ngay cả khi Mỹ sẵn sàng thực hiện, việc tiến hành một cuộc chiến ủy nhiệm cũng không hề dễ dàng.

Mặt khác, sự thống nhất của phương Tây vốn được nhiều người ca ngợi đang rạn nứt. Khi chiến tranh kéo dài, các nền kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề và chiến thắng ngày càng khó nắm bắt, việc kiểm soát các chư hầu sẽ ngày càng khó khăn hơn. Nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt nên ngay cả người Ukraine cũng lo lắng liệu họ có phải chia sẻ chúng với người Israel trong cuộc chiến sau này ở Gaza hay không. Cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine đã đẩy Nga thẳng vào vòng tay của Trung Quốc. Cuộc tấn công của Hamas, tuy là một thảm kịch đối với người Palestine và Israel, nhưng lại là một món quà cho Bắc Kinh và Moscow. Cuộc xung đột đã chấm dứt giấc mơ của Washington bỏ lại một Trung Đông tương đối ổn định để chiến đấu với Trung Quốc. Phần thưởng lớn là có được mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Israel và Ả Rập Saudi, tất cả được thực hiện bằng cách phớt lờ những lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người Palestine. Điều đó vừa tan thành mây khói khi người Ả Rập đòi hỏi sự đoàn kết để ủng hộ người Palestine. Hải quân Mỹ phải tái triển khai hai tàu sân bay hiện đại nhất của mình trở lại Địa Trung Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin về cơ bản đã cam kết bất cứ loại vũ khí nào Israel muốn, Israel sẽ có được. Sẽ rất khó để giữ cho các quốc gia Ả Rập độc tài thân thiện khác ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng trong khu vực đầy biến động.

Xem thêm tại: SCMP, China to benefit as US gets bogged down in the wars of its allies. Truy cập ngày 16/10/2023