Chuyển động Quốc Phòng (17/3 – 23/3/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Tổng thống Putin bị truy nã vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tòa án cáo buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh và tập trung vào các cáo buộc trục xuất trái phép trẻ em từ Ukraine sang Nga. Tuy nhiên, ICC không có thẩm quyền bắt nghi phạm, và chỉ có thể thực thi quyền tài phán tại các quốc gia thành viên của mình – và Nga không thuộc tòa quốc tế này. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến tổng thống Putin theo những cách khác, chẳng hạn như ông không thể đi ra nước ngoài.

Xem thêm tại: BBC, Putin arrest warrant issued over war crime allegations. Truy cập ngày 18/3/2023

Tổng thống Putin thăm Crimea nhân kỷ niệm ngày sáp nhập từ Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Crimea hôm thứ Bảy trong một chuyến thăm không báo trước để đánh dấu kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này từ Ukraine, một ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết họ đã ban hành lệnh bắt giữ ông. Nga chiếm Crimea vào năm 2014, 8 năm trước khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Ukraine cho biết họ sẽ chiến đấu để trục xuất Nga khỏi Crimea và tất cả các vùng lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm đóng trong cuộc chiến kéo dài một năm.

Xem thêm tại: Reuters, Putin visits Crimea on anniversary of its annexation from Ukraine. Truy cập ngày 20/3/2023

Chín tàu chiến Nga được phát hiện ngoài khơi bờ biển Crimea

9 tàu chiến Nga, 2 trong số đó là tàu sân bay tên lửa, trong tình trạng chiến đấu đã được nhìn thấy ở bờ biển Crimea. Các tàu hải quân Nga được phát hiện cách kho vũ khí Ukraine hơn 100 hải lý, điều đó có nghĩa là lực lượng Ukraine không thể tấn công các tàu này. Tính đến tháng 2, 18 tàu chiến Nga được cho là đã bị lực lượng Ukraine tiêu diệt kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.

Xem thêm tại: Jersusalem Post, Nine Russian warships spotted off the coast of Crimea. Truy cập ngày 20/3/2023

Lô hàng tên lửa Kalibr của Nga bị trúng đạn khi quá cảnh tới Crimea

Ukraine báo cáo phá hủy “nhiều” tên lửa hành trình Kalibr do Nga sản xuất khi chúng đang được vận chuyển bằng tàu lửa tới Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea. Ihor Ivin, người đứng đầu chính quyền Dzhankoi do Nga thiết lập, nói rằng thành phố đã bị máy bay không người lái tấn công và một người đàn ông 33 tuổi bị thương do mảnh đạn máy bay không người lái bắn rơi. Giới chức Nga không lên tiếng xác nhận tên lửa bị phá hủy trong vụ tấn công.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Ukraine says Russia Kalibr missile cargo hit in transit to Crimea. Truy cập ngày 22/3/2023

Ukraine “đốt” đạn dược ở Bakhmut, khiến các cuộc chiến trong tương lai gặp rủi ro

Việc Ukraine bắn phá dữ dội đến mức Lầu Năm Góc gần đây đã nêu quan ngại với Kiev sau nhiều ngày nã pháo liên tục, nhấn mạnh sự căng thẳng giữa quyết định bảo vệ Bakhmut bằng mọi giá của Ukraine và hy vọng chiếm lại lãnh thổ vào mùa xuân. Dù Mỹ và Anh đang chuẩn bị viện trợ hàng ngàn loại đạn pháo cũng như rocket, nhưng đây chỉ là “nỗ lực cuối cùng” vì các đồng minh của Ukraine không có đủ đạn dược để bù đắp tốc độ tiêu hao của Ukraine. Việc tiêu tốn này đặt Kyiv vào một tình thế ngày càng nguy hiểm: Ukraine chỉ có một cơ hội tiến công trong năm nay để chiếm lại các phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng và Kyiv sẽ phải thực hiện nhiệm vụ đó trong tình trạng thiếu đạn dược kéo dài.

Xem thêm tại: NY Times, Ukraine Burns Through Ammunition in Bakhmut, Putting Future Fights at Risk. Truy cập ngày 17/3/2023

Ukraine vẫn có thể tiếp tế quân đội ở Bakhmut

Quân đội Ukraine cho biết hôm thứ Bảy rằng các lực lượng bên ngoài thành phố Bakhmut ở phía đông đang tìm cách ngăn chặn các đơn vị Nga để đạn dược, thực phẩm, thiết bị và thuốc men có thể được chuyển đến cho quân phòng thủ. Nga coi việc chiếm Bakhmut là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược giành quyền kiểm soát khu vực công nghiệp Donbas phía đông Ukraine. Thành phố Bakhmut đã bị phá hủy phần lớn trong nhiều tháng giao tranh khi Nga liên tục tiến hành các cuộc tấn công.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine still able to resupply troops in battered Bakhmut, says army. Truy cập ngày 20/3/2023

Quân đội Ukraine nhận xe tăng M1A1 Abrams vào mùa thu năm nay

Chuẩn tướng không quân Pat Ryder cho biết Mỹ sẽ viện trợ cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams vào mùa thu năm nay. Chuẩn tướng Ryder cho biết thêm biến thể M1A1 Abrams sẽ có khả năng tương đồng với M1A2, gồm giáp và hệ thống vũ khí tiên tiến, như nòng 120mm và súng máy hạng nặng đạn. Quyết định viện trợ biến thể M1A1 là do thân xe đã có sẵn trong kho chỉ cần tân trang và tái trang bị là có thể nhanh chóng viện trợ cho Ukraine, thay vì phải mua từ nhà sản xuất như kế hoạch ban đầu.

Xem thêm tại: Army Recog, Ukrainian army to receive M1A1 Abrams tanks by fall 2023. Truy cập ngày 23/3/2023

Thủ tướng Nhật Bản Kishida ghé thăm Ukraine để gặp tổng thống Zelensky

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến đi bất ngờ tới Ukraine để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – một ngày sau khi ông Tập Cận Bình gặp Vladimir Putin tại Moscow. Chuyến đi của ông Kishida là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật Bản đến thăm một quốc gia hoặc khu vực đang có giao tranh kể từ Thế chiến II và là chuyến thăm đầu tiên của một đồng minh của Mỹ trong khu vực. Nga cho biết hai máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Nga đã bay trên vùng biển Nhật Bản trong hơn 7 giờ đồng hồ cùng thời gian với chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tại Ukraine. Máy bay Tupolev Tu-95MS có khả năng mang vũ khí hạt nhân và Moscow thường xuyên cho chúng bay qua vùng biển quốc tế ở Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương để phô diễn sức mạnh.

Xem thêm tại: CNN, Japan Prime Minister Kishida makes surprise visit to Ukraine to meet Zelensky. Truy cập ngày 22/3/2023; Reuters, Russia flies strategic bombers near Japan as its PM visits Ukraine. Truy cập ngày 22/3/2023

Trung Quốc chuyển vũ khí tấn công và áo giáp cho Nga

Các công ty Trung Quốc, bao gồm một công ty có liên hệ với chính phủ ở Bắc Kinh, đã gửi cho Nga 1.000 khẩu súng trường tấn công và các thiết bị khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, bao gồm các bộ phận máy bay không người lái và áo giáp. Các báo cáo cho thấy Tập đoàn North Industries Group đã gửi cho Nga mẫu súng trường CQ-A, được mô phỏng theo M16 nhưng được gắn thẻ là “súng săn dân dụng”. Các công ty Nga cũng nhận 12 chuyến hàng mang bộ phận drone và 12 tấn áo giáp vào cuối năm 2022. Mặc dù dữ liệu này không nói lên rằng Bắc Kinh đang bán vũ khí cho Moscow, nhưng nó cho thấy Trung Quốc đang bán cho Nga thiết bị “lưỡng dụng” – những thiết bị thương mại cũng có thể được dùng trên chiến trường Ukraine.

Xem thêm tại: Politico, ‘Hunting rifles’ — really? China ships assault weapons and body armor to Russia. Truy cập ngày 17/3/2023

Tập Cận Bình, Putin phát tín hiệu đoàn kết chống Mỹ trong tuyên bố chung

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi xây dựng quan hệ song phương sâu sắc hơn sau hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Ba. Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy “hòa bình và đối thoại”, kêu gọi Moscow và Kyiv nối lại đàm phán hòa bình, và lặp lại tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chiến lược và toàn diện Nga – Trung. Ông Tập và ông Putin cũng thảo luận về vấn đề Đài Loan – điểm căng thẳng chính giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Nga ủng hộ nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh và thừa nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Trong một tín hiệu nữa về mặt trận thống nhất chống Mỹ, các nhà lãnh đạo kêu gọi một trật tự thế giới đa cực và bày tỏ quan ngại về hiệp ước an ninh AUKUS.

Xem thêm tại: Nikei Asia, Xi, Putin signal unity against U.S. in joint statement. Truy cập ngày 23/3/2023

Blinken cảnh báo về kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là nhằm ‘đóng băng’ lợi ích chiến tranh của Nga

Mỹ đang cố gắng bác bỏ một đề xuất ngừng bắn ở Ukraine của Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung, nói rằng việc ngừng chiến ngay bây giờ sẽ giúp củng cố quyền kiểm soát của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Theo đó, việc ngừng bắn sẽ công nhận việc Nga giành được lãnh thổ và chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, đồng thời tạo cơ hội cho Moscow củng cố các vị trí của mình và làm mới quân đội khi Ukraine chuẩn bị cho một cuộc tấn công mùa xuân sắp tới. Lời chỉ trích phủ đầu về một đề xuất ngừng bắn là nỗ lực mở rộng của chính quyền Biden trong việc sử dụng các tuyên bố và tiết lộ công khai để cố gắng thu hẹp khả năng điều động của Bắc Kinh với Moscow, bao gồm cả việc Trung Quốc tự coi mình là người hòa giải.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “thế giới không nên bị đánh lừa” bởi một kế hoạch hòa bình tiềm năng giữa Trung Quốc và Nga đối với Ukraine, kế hoạch này sẽ “đóng băng” lãnh thổ tại nơi bị lực lượng Nga chiếm giữ. Putin bày tỏ sẵn sàng thảo luận về kế hoạch chi tiết của Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng Blinken cho biết bất kỳ kế hoạch nào không khôi phục các phần lãnh thổ bị Nga chiếm giữ đều là “chiến thuật đình trệ tốt nhất”.

Xem thêm tại: Bloomberg, Blinken Warns of a Xi-Putin Peace Plan to ‘Freeze’ Russian War Gains. Truy cập ngày 21/3/2023; WSJ, U.S. Seeks to Head Off Any Chinese Call for Cease-Fire in Ukraine. Truy cập ngày 18/3/2023

Anh sẵn sàng bổ sung hệ thống phòng không cho Ba Lan sau khi MiG-29 được giao cho Ukraine

Anh sẵn sàng giúp Ba Lan bổ sung hệ thống phòng không do Warsaw đã gửi một số máy bay chiến đấu MiG-29 tới Ukraine, nhưng phía Ba Lan vẫn chưa đưa ra yêu cầu nào. Ba Lan tuần trước cho biết họ sẽ gửi cho Ukraine bốn máy bay chiến đấu MiG-29 trong những ngày tới, khiến nước này trở thành đồng minh đầu tiên của Kiev cung cấp loại máy bay này. Anh sẽ có thể giúp Ba Lan, giống như trước đây khi Ba Lan gửi xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 tới Ukraine, bằng việc cung cấp cho Warsaw xe tăng Challenger 2.

Xem thêm tại: Reuters, Britain ready to fill Warsaw’s air defence gaps after MiG-29 delivery to Ukraine. Truy cập ngày 21/3/2023

Nga nói Mỹ đang nhúng tay vào cuộc chiến tại Ukraine

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm Chủ nhật cho biết các chuyến bay không người lái của Mỹ trên Biển Đen là dấu hiệu cho thấy Mỹ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột với Nga. Vào tuần trước, một máy bay không người lái của Mỹ đã rơi xuống biển sau khi bị máy bay chiến đấu Su-27 của Nga chặn lại trong cuộc chạm trán quân sự trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa hai bên kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine vào năm ngoái. Nga cho biết máy bay không người lái Reaper Q-9 của Mỹ đã vi phạm giới hạn không phận và mất kiểm soát sau khi mất lái đột ngột.

Xem thêm tại: Reuters, Black Sea drones show U.S. involvement in conflict against Russia, says Kremlin. Truy cập ngày 17/3/2023

17 quốc gia EU và Na Uy đồng ý kế hoạch pháo binh

Cơ quan Quốc phòng châu Âu cho biết 17 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Na Uy đã đồng ý cùng nhau mua đạn pháo 155mm để giúp Ukraine và bổ sung cho kho dự trữ của chính họ. Các quốc gia đã ký kết một thỏa thuận dự án, đặt ra các điều khoản tham chiếu cho nỗ lực mua sắm chung. Kyiv đã nói với EU rằng họ muốn 350.000 quả đạn pháo mỗi tháng để giúp quân đội ngăn chặn cuộc tấn công dữ dội của Moscow và cho phép tiến hành các cuộc phản công mới vào cuối năm.

Xem thêm tại: SCMP, 17 EU nations and Norway agree artillery plan. Truy cập ngày 21/3/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Chỉ huy quân sự nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ các quyền tự do ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mỹ, nói rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa đã bước sang giai đoạn “cạnh tranh nước lớn mới” trong đó môi trường an ninh ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại và đầu tư. Đô đốc Aquilino cũng đề cập đến động thái của Trung Quốc đối với các tàu và máy bay của Mỹ ở eo biển Đài Loan, nơi Bắc Kinh đã làm mới lại các mối đe dọa đối với Đài Bắc. Tuy nhiên, Đô đốc Aquilino nói thêm rằng dù Mỹ không muốn đi đến xung đột hay ủng hộ độc lập cho Đài Loan, nhưng quân đội sẽ tiếp tục “bay, dong buồm và hoạt động” tại khu vực nhằm gìn giữ quyền hàng hải và quyền tự do của tất cả các quốc gia.

Xem thêm tại: AP News, Military chief says US will defend Indo-Pacific freedoms. Truy cập ngày 17/3/2023

Trung Quốc kiểm soát các dự án cáp internet ở Biển Đông

Trung Quốc đã bắt đầu cản trở các dự án lắp đặt và bảo trì các tuyến cáp internet ngầm xuyên qua Biển Đông, khi Bắc Kinh tìm cách kiểm soát nhiều hơn đối với cơ sở hạ tầng truyền dữ liệu của thế giới. Trung Quốc đã trì hoãn phê duyệt việc thăm dò đáy biển cho tuyến cáp – thuộc sở hữu của một tập đoàn bao gồm China Mobile, Chunghwa Telecom và Meta – trong vài tháng trong vùng lãnh hải của họ xung quanh Hồng Kông. Căng thẳng về việc ai sở hữu, xây dựng và vận hành các tuyến cáp quang gửi lưu lượng truy cập internet khắp thế giới đã tăng mạnh kể từ năm 2020, khi chính phủ Mỹ bắt đầu ngăn chặn sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án quốc tế. Washington cũng đã bị từ chối cấp phép cho các tuyến cáp ngầm nối Mỹ với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Xem thêm tại: FT, China exerts control over internet cable projects in South China Sea. Truy cập ngày 17/3/2023

Đài Loan tăng cường huy động thời chiến trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng mối đe dọa

Đài Loan đã phác thảo các đề xuất lập pháp quan trọng về cách chính phủ của họ sẽ quản lý trong giai đoạn thời chiến có thể xảy ra trong tương lai. Trước đó, vào tháng hai, chính phủ tổng thống Thái Anh Văn đã đưa ra dự thảo thay đổi đạo luật Tổng động viên, trong đó nêu chi tiết các biện pháp được thực hiện trong thời chiến nhằm điều phối thông tin, an ninh và chuỗi chỉ huy của Đài Loan. Các điều khoản mới cho phép chính phủ kiểm soát các mạng thông tin, bao gồm các nền tảng tin tức kỹ thuật số, nhà xuất bản và đài truyền hình trong thời chiến. Các đề xuất khẩn cấp được đưa ra khi Trung Quốc đẩy mạnh việc chuẩn bị xâm lược quân sự và cưỡng ép chính trị.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Taiwan to strengthen wartime mobilization amid rising China threat. Truy cập ngày 21/3/2023

Nhật Bản đối mặt với rào cản sẵn sàng khi hiện đại hóa quân đội

Rào cản khó khăn nhất của Nhật Bản, khi nước này khởi động một chương trình hiện đại hóa quân sự chưa từng có và tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, là mức độ sẵn sàng hoạt động của các lực lượng không quân, hải quân và lục quân. Đô đốc nghỉ hưu Katsutoshi Kawano cho biết Nhật Bản đang “cạn kiệt khả năng bảo trì” cũng như kho dự trữ nhiên liệu và đạn dược cho một cuộc xung đột kéo dài. Đô đốc Kawano hoan nghênh việc tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP, một tiêu chuẩn do NATO đặt ra, bởi vì nó cho phép Tokyo chi nhiều tiền hơn cho lực lượng bảo vệ bờ biển, tích hợp tình báo với các đồng minh và xây dựng lại kho vũ khí chiến tranh.

Xem thêm tại: USNI News, Japan Faces Readiness Hurdle As it Modernizes Military, Former Defense Chief Says. Truy cập ngày 18/3/2023

Nhật Bản, Anh, Ý thúc đẩy phát triển máy bay chiến đấu chung vào năm 2035

Nhật Bản, Anh và Ý hôm thứ Năm tái khẳng định cam kết thúc đẩy quá trình phát triển chung một loại máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo như một trọng tâm trong mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Mistsubishi Fx sẽ là máy bay chiến đấu tàng hình đa năng vượt trội so với F-35 và Eurofighter, với các cảm biến và mạng tiên tiến. Máy bay chiến đấu này dự kiến ​​sẽ thay thế 94 chiếc F-2 ở Nhật Bản, 144 chiếc Eurofighters ở Anh và 94 chiếc Eurofighters ở Ý.

Xem thêm tại: AP News, Japan, UK, Italy push joint fighter jet development by 2035. Truy cập ngày 17/3/2023

Nhật Bản chuyển tên lửa đến căn cứ đảo xa khi căng thẳng khu vực gia tăng

Nhật Bản đã điều động 570 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) đến một căn cứ mới được xây dựng trên Ishigaki, một hòn đảo xa xôi gần Trung Quốc và Đài Loan, khi nước này tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ trong khu vực. Theo các lực lượng Nhật Bản, trong số các đơn vị được phái đi hôm thứ Năm có các đội tên lửa có khả năng phóng tên lửa đất đối hạm và đất đối không. Quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và Điếu Ngư Đài ở Đài Loan đã trở thành một trong những tâm điểm làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Xem thêm tại: CNN, Japan moves missile capable troops into remote island base as regional tensions rise. Truy cập ngày 17/3/2023

Nhật mở đường dây nóng quốc phòng với các nước ASEAN

Tại cuộc họp với các đối tác ASEAN hôm thứ Tư vừa qua, Bộ trưởng QP Nhật Bản Ino Toshiro công bố một đường dây nóng nối Tokyo với các thành viên của tổ chức này. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên lạc giữa Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN. Tokyo hy vọng sẽ sử dụng đường dây nóng để tăng cường quan hệ với các nước ASEAN khi Trung Quốc có những động thái khẳng định ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Xem thêm tại: NHK News, Japan opens defense hotline linking it with ASEAN nations. Truy cập ngày 17/3/2023

Hàn Quốc tiến tới ‘bình thường hóa’ hiệp ước quân sự với Nhật Bản

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói với Thủ tướng Nhật Fumio Kishida rằng ông muốn “bình thường hóa hoàn toàn” một thỏa thuận quân sự năm 2016 có tên là Thỏa thuận an ninh chung về thông tin quân sự (GSOMIA), cho phép hai đồng minh của Mỹ chia sẻ bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Trước đây, Seoul đã đe dọa hủy bỏ GSOMIA vào năm 2019 khi quan hệ với Tokyo trở nên xấu đi do tranh chấp thương mại và mâu thuẫn lịch sử bắt nguồn từ 35 năm cai trị thuộc địa của Nhật Bản.

Xem thêm tại: SCMP, South Korea moves to ‘normalise’ military pact with Japan. Truy cập ngày 19/3/2023

Mỹ nói Trung Quốc và Nga cản trở hành động của LHQ đối với Triều Tiên

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield phát biểu tại một cuộc họp hội đồng LHQ rằng “sự cản trở” của Trung Quốc và Nga đang khuyến khích Triều Tiên “phóng tên lửa đạn đạo mà không bị trừng phạt” và thúc đẩy việc phát triển các loại vũ khí nguy hiểm và tinh vi hơn. Báo cáo của đại sứ Linda cho biết cuộc khủng hoảng đang gia tăng không chỉ đe dọa khu vực mà cả hòa bình và ổn định toàn cầu, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an một lần nữa nói lên tiếng nói của mình.

Xem thêm tại: AP News, US says China and Russia blocking UN action on North Korea. Truy cập ngày 21/3/2023

Triều Tiên tuyên bố gần 800.000 người đã đăng ký chiến đấu chống lại Mỹ

Triều Tiên tuyên bố rằng khoảng 800.000 công dân đã tình nguyện tham gia hoặc tái nhập ngũ để chiến đấu chống lại Mỹ. Theo đó, việc người trẻ nhiệt thành nhập ngũ cho thấy ý chí quật cường của thế hệ trẻ nhằm quét sạch những kẻ cố gắng tiêu diệt nhà nước xã hội chủ nghĩa, và thực hiện thắng lợi sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước. Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau khi Triều Tiên hôm thứ Năm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 để đáp trả các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea claims almost 800,000 have signed up to fight against US. Truy cập ngày 19/3/2023

Kim Jong Un giám sát một cuộc phản công hạt nhân mô phỏng chống lại Mỹ, Hàn Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc phản công hạt nhân chống lại Mỹ và Hàn Quốc nhằm cảnh báo các cuộc tập trận quân sự chung của Seoul và Washington. Cuộc tập trận của Triều Tiên gồm  một vụ phóng tên lửa tầm ngắn nhưng – một cách bất thường – tên lửa bay từ một silo chôn dưới đất, mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp cải thiện tốc độ và độ ổn định trong các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trong tương lai. Các cuộc tập trận mô phỏng được thiết kế nhằm gia tăng khả năng răn đe và phản công hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Xem thêm tại: Reuters, North Korea’s Kim oversees simulated nuclear counterattack against US, South Korea. Truy cập ngày 21/3/2023

EU chú ý các chuyến thăm cảng, tập trận chung với Philippines ở Biển Đông

Đại sứ đặc mệnh của EU tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Richard Tibbels nói rằng EU đang tìm cách để thiết lập sự hiện diện hàng hải phối hợp – cơ chế giúp tăng cường sự phối hợp của các khí tài hải quân và không quân của các nước thành viên tại khu vực. Đồng thời, EU cũng đang soạn thảo các hướng dẫn về hoạt động hàng hải, bao gồm các cuộc tuần tra chung, tại Biển Tây Philippines hay vùng Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền. Động thái này là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường hiện diện hàng hải của EU tại các vùng nước tranh chấp nhằm giữ vững quyền tự do hàng hải.

Xem thêm tại: PhilStar, EU eyes port calls, joint exercises with Philippines in South China Sea. Truy cập ngày 17/3/2023

Ấn Độ nói tình hình với Trung Quốc mong manh, nguy hiểm ở mặt trận Himalaya

Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cho biết tình hình giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh phía tây Himalaya rất mong manh và nguy hiểm, với các lực lượng quân sự được triển khai sát nhau ở một số khu vực. Trước đó, vào giữa năm 2020, ít nhất 24 binh sĩ đã bị giết khi cả hai bên đụng độ tại khu vực, nhưng tình hình đã dịu xuống thông qua các cuộc hội đàm ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, bạo lực đã nổ ra ở khu vực phía đông của đường biên giới chưa được phân định giữa hai cường quốc châu Á trang bị vũ khí hạt nhân vào tháng 12 năm ngoái nhưng không gây ra thương vong.

Xem thêm tại: SCMP, India says situation with China fragile, dangerous in the Himalayan front. Truy cập ngày 19/3/2023

Tàu ngầm mới sẽ ngăn chặn các cuộc phong tỏa ngăn cách Úc với thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles cho biết hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc sẽ giúp ngăn chặn một đối thủ nước ngoài thực hiện một cuộc phong tỏa cắt đứt các tuyến đường thương mại của nước này với phần còn lại của thế giới. Tuần qua, Úc vừa công bố thỏa thuận tàu ngầm AUKUS trị giá lên đến 368 tỷ USD nhằm ngăn chặn mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, đồng thời phòng thủ đất nước trước một cuộc chiến không thể lường trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Marles cũng cho biết thêm rằng Úc “hoàn toàn” không hứa sẽ hỗ trợ Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở Đài Loan, và nước này không có nghĩa vụ có qua có lại nào đối với thỏa thuận.

Xem thêm tại: The Age, New submarines will deter blockades that cut us off from the world: Marles. Truy cập ngày 20/3/2023; Reuters, Australia did not vow to help U.S. defend Taiwan in submarine deal, minister says. Truy cập ngày 20/3/2023

Lầu Năm Góc chọn công ty Úc chế tạo máy bay thử nghiệm siêu thanh

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chọn Hypersonix Launch Systems, một công ty hàng không vũ trụ của Úc, để phát triển một loại máy bay tốc độ cao có thể thử nghiệm các công nghệ siêu thanh. Máy bay sẽ hỗ trợ chương trình Đơn vị Đổi mới Quốc phòng có tên là Khả năng Thử nghiệm trên không Hypersonic and High-Cadence, hay HyCAT. Máy bay do Hypersonix phát triển, được đặt tên là DART AE, sẽ thử nghiệm các nền tảng, bộ phận, cảm biến và thông tin liên lạc tốc độ cao và hệ thống điều khiển. DART AE được trang bị động cơ phản lực scramjet chạy bằng nhiên liệu hydro và có thể bay với tốc độ lên tới Mach 7. Máy bay dự kiến ​​bay lần đầu tiên vào đầu năm 2024 và quá trình thử nghiệm HyCAT dự kiến ​​sẽ bắt đầu trong 12-18 tháng tới.

Xem thêm tại: Defense News, Pentagon chooses Australian firm to build hypersonic test aircraft. Truy cập ngày 19/3/2023

Phái đoàn Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc thăm quần đảo Solomon chỉ cách nhau vài ngày

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã thảo luận về an ninh toàn cầu và sự hiện diện của Trung Quốc ở Thái Bình Dương với Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare. Ngoại trưởng Hayashi nói rằng Nhật Bản đang “quan sát các tiến triển” trong hiệp ước an ninh của Solomon với Trung Quốc hồi năm ngoái. Nối tiếp chuyến thăm của Nhật Bản, phái đoàn Cơ quan Phát triển Độc lập Trung Quốc cũng đến hội đàm với Thủ tướng Sogavare, và giám sát việc chuẩn bị cho Đại hội thể thao Thái Bình Dương. Các nghị sĩ của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng đang thăm Quần đảo Solomon như một phần của chuyến công du Thái Bình Dương, do Kurt Campbell, điều phối viên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng dẫn đầu.

Xem thêm tại: ABC, Japan, US and Chinese delegations visit Solomon Islands within days of one another. Truy cập ngày 21/3/2023

Trung Quốc và Campuchia tập trận hải quân lần đầu tiên ở vùng biển Campuchia

Trung Quốc và Campuchia đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân đầu tiên – Rồng Vàng trong vùng biển của Campuchia với hơn 3.000 binh sĩ và 300 phương tiện tham gia. Tàu Tĩnh Cương Sơn của hải quân Trung Quốc đưa quân đến Campuchia đã thực hiện diễn tập với 2 tàu tuần tra của Hải quân Hoàng gia Campuchia và thiết lập liên lạc trước khi thực hành phối hợp điều hướng theo đội hình khác nhau. Mối quan hệ ngày càng sâu sắc của Campuchia với Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ và Australia, cũng như một số nước ở Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông.

Xem thêm tại: Al Jazeera, China and Cambodia hold first naval drills in Cambodian waters. Truy cập ngày 21/3/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:

Iraq và Iran ký thỏa thuận thắt chặt an ninh biên giới

Iraq và Iran đã ký một thỏa thuận an ninh biên giới vào Chủ nhật nhằm thắt chặt biên giới với khu vực người Kurd của Iraq, nơi Tehran nói rằng những người bất đồng chính kiến ​​​​người Kurd có vũ trang là mối đe dọa đối với an ninh của họ. Thỏa thuận an ninh chung bao gồm sự phối hợp trong việc “bảo vệ biên giới chung giữa hai nước và củng cố hợp tác trong một số lĩnh vực an ninh”. Biên giới đã trở thành tâm điểm mới vào năm ngoái khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và drone chống lại các nhóm người Kurd Iran có trụ sở ở miền bắc Iraq.

Xem thêm tại: Reuters, Iraq and Iran sign deal to tighten border security. Truy cập ngày 20/3/2023

Israel tấn công sân bay Aleppo của Syria

Bộ Quốc phòng Syria cho biết hôm thứ Tư rằng Isreal đã thực hiện các cuộc không kích vào sân bay quốc tế Aleppo, lần thứ ba trong vòng sáu tháng. Các báo cáo cho biết các máy bay chiến đấu của Israel đã bắn tên lửa về phía Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria và từng là trung tâm thương mại của nước này, khi bay qua Địa Trung Hải. Israel đã thực hiệu nhiều cuộc không kích nhằm vào Syria nhưng ít khi nào thừa nhận trách nhiệm, và các quan chức Tel Aviv nói rằng các cuộc tấn công là nhằm vào các nhân viên và bãi chứa vũ khí bị nghi ngờ do Iran tài trợ.

Xem thêm tại: Al Jazeera,  Israel launches missile attack on Syria’s Aleppo airport. Truy cập ngày 23/3/2023

Tướng Mỹ cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở Trung Đông và Châu Phi

Tướng Michael Kurilla, Tổng tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cho rằng việc Bắc Kinh tạo điều kiện thuận lợi cho thỏa thuận nối lại ngoại giao giữa Ả Rập Saudi và Iran là “đáng quan ngại” khi Trung Quốc đang thâm nhập vào khu vực cả về kinh tế lẫn quân sự. Thêm vào đó, tướng Michael Langley, Tổng chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu Phi, nói rằng Trung Quốc đang tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự tại các nước Tây Phi, điều sẽ giúp cho Bắc Kinh thay đổi toàn bộ toan tính tại khu vực.

Xem thêm tại: Washington Examiner, US military leaders warn about growing China threat in Middle East and Africa. Truy cập ngày 17/3/2023

Các tay súng giết chết 9 người Trung Quốc tại khu mỏ ở Cộng hòa Trung Phi

Các tay súng đã xông vào một địa điểm khai thác vàng do Trung Quốc điều hành gần đây được khai trương tại Cộng hòa Trung Phi, giết chết 9 công dân Trung Quốc và làm bị thương hai người khác vào Chủ nhật. Không có yêu cầu nhận trách nhiệm ngay lập tức, nhưng sự nghi ngờ rơi vào Liên minh những người yêu nước vì sự thay đổi, hay CPC. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội CPC Mamadou Koura cho biết những cáo buộc đó là sai. Anh ta tuyên bố mà không có bằng chứng rằng lính đánh thuê Nga đã lên kế hoạch tấn công mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào. Vụ việc xảy ra vài ngày sau khi một tay súng bắt cóc 3 người Trung Quốc ở phía tây Trung Phi gần biên giới với Camerron.

Xem thêm tại: AP News, Gunmen kill 9 Chinese at mine in Central African Republic. Truy cập ngày 20/3/2023

Các chiến binh Đông Congo giết ít nhất 22 người trong một loạt các cuộc tấn công

Ít nhất 12 người đã thiệt mạng hôm thứ Bảy trong các cuộc tấn công đồng thời vào một số ngôi làng ở tỉnh Ituri. Các quan chức địa phương và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự đổ lỗi cho nhóm CODECO, một trong số các lực lượng dân quân đã gây bất ổn cho khu vực rừng rậm. Cuộc tấn công vào Lực lượng Dân chủ Đồng minh (ADF), một nhóm vũ trang người Uganda có trụ sở tại miền đông Congo đã cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo và chiếm các vị trí trong Công viên Quốc gia Virunga gần đó. Các sự cố này là những vụ mới nhất trong một loạt các vụ bạo lực liên tục hoành hành ở miền đông Congo trong nhiều năm, bất chấp sự can thiệp ngày càng tăng của quân đội nước này và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Xem thêm tại: Reuters, East Congo militants kill at least 22 in string of attacks. Truy cập ngày 20/3/2023

Quân đội Mỹ tiến hành các cuộc tập trận hàng hải đầu tiên với các lực lượng Tây Phi

Quân đội Mỹ hôm thứ Bảy tổ chức cuộc tập trận ở sông Volta tại Ghana, cuộc tập trận hàng hải đầu tiên theo chương trình Flintlock mở rộng nhằm tăng cường kỹ năng của các lực lượng Tây Phi. Chương trình đã được mở rộng để giúp các quốc gia ven biển trong khu vực đối phó với các mối đe dọa hàng hải như cướp biển và đánh bắt trái phép. Khoảng 350 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận bao gồm quân nhân từ Bờ biển Ngà, Ghana và Nigeria trên Vịnh Guinea. Khu vực này đã trở thành điểm nóng về cướp biển toàn cầu trong những năm gần đây mặc dù các vụ việc đã giảm kể từ năm 2021

Xem thêm tại: Reuters, U.S. military conducts first maritime drills with West African forces. Truy cập ngày 17/3/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P8): Tác chiến hỗn hợp

Cán cân quyền lực quân sự tại eo biển Đài Loan đang ngả về phía Trung Quốc. Rất có thể một ngày nào đó, tốc độ hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và tình trạng quốc phòng yếu kém của Đài Loan có thể khiến Bắc Kinh cho rằng xâm lược Đài Loan là quyết định hợp lý. Tuy nhiên, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cuộc chiến tại Ukraine đã phơi bày những rủi ro không thể phủ nhận và cái giá đắt đỏ đối với một cuộc xâm lược toàn diện vào Đài Loan. Bắc Kinh đã từ lâu công nhận rằng một cuộc đụng độ quân sự với Washington và đồng minh tại Đài Loan có thể dẫn đến một thất bại mang tính quyết định hay dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng hiểu rằng leo thang xung đột thông thường sẽ dẫn đến thất bại về chiến lược và chính trị—ngay cả đối với một siêu cường.

Do đó, Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch vùng xám diện rộng tập trung vào việc gián đoạn chức năng của chính phủ Đài Loan, làm tê liệt cơ sở hạ tầng của hòn đảo, và tận dụng chiến dịch thông tin sai lệch nhằm phá hoại quy trình chính trị của Đài Bắc và gia tăng ảnh hưởng của những nhóm ủng hộ tái thống nhất. Tuy nhiên, chiến lược ngắn hạn của Trung Quốc đã thất bại trong việc đạt được mức độ kiểm soát chính trị hay ưu thế quân sự mà Bắc Kinh cần để chuyển trọng tâm sang các chiến dịch quân sự thông thường hơn. Trung Quốc đã không ngừng củng cố quan điểm rằng tái thống nhất là điều không thể tránh khỏi bằng các hành động như ngày càng gia tăng tần suất xâm nhập không phận và hải phận Đài Loan. Tuy nhiên, bước hợp lý tiếp theo trong chiến dịch cưỡng ép – áp dụng phong tỏa trên không hoặc trên biển – sẽ không có khả năng xảy ra, vì làm như vậy có thể kích động tình cảm ly khai và thiện cảm quốc tế đối với Đài Bắc, hai điều mà Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị để chống lại.

Do đó, phần lớn chiến lược của Trung Quốc sẽ nằm ở Ban Tuyên giáo Trung ương, nơi huấn luyện đạo quân tác chiến điện tử và phổ biến thông tin sai lệch nhằm hạ thấp tinh thần và chia rẽ xã hội Đài Loan. Xa hơn nữa, Bắc Kinh sẽ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để củng cố quan điểm tái thống nhất và hướng dòng đầu tư và khách du lịch tránh khỏi Đài Loan và hướng đến Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ leo thang các cuộc tấn công mạng và mạng lưới khác nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, thiết chế tài chính, và các mục tiêu khác. Mục tiêu của những việc trên là nhằm khai thác sự phụ thuộc kinh tế bất đối xứng của hòn đảo đối với Trung Quốc để ngăn việc Đài Loan tiến gần đến nền độc lập chính thức. Cuối cùng, Trung Quốc sẽ leo thang chiến tranh tiêu hao phi quân sự đối với các tiến trình chính trị và vị thế quốc tế của Đài Loan bằng cách bí mật tài trợ cho các đảng và ứng viên phe ủng hộ thống nhất và tiếp tục bóp nghẹt Đài Bắc về mặt ngoại giao.

Xem thêm tại: FP, Lessons for the Next War: Don’t fight the last war. Truy cập ngày 20/3/2023

Liệu mô phỏng chiến tranh có thực sự giúp chúng ta dự đoán bên chiến thắng trong một cuộc xung đột?

Các kết quả mô phỏng chiến tranh tại Đài Loan cho thấy một cuộc xung đột tương lai tại Đài Loan sẽ dẫn đến một thế bế tắc đẫm máu, dự báo “một cái giá rất lớn” cho tất cả các nước liên quan. Những mô phỏng này đã nhận được một lượng lớn sự chú ý — nhưng ý nghĩa thực sự của chúng là gì và tại sao chúng lại quan trọng?

Khác với trò chơi chiến đấu trên máy tính, mô phỏng chiến tranh là chuỗi các sự kiện tương tác với bốn đặc trưng: người chơi là chuyên gia, đắm chìm vào các tình huống, ràng buộc bởi luật và thúc đẩy bởi kết quả dựa trên hậu quả. Để trả lời câu hỏi — ai sẽ thắng trong cuộc chiến tranh giành Đài Loan? Làm thế nào những shỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ ảnh hưởng đến chiến tranh? – mô phỏng cần năm phẩm chất. Thứ nhất là độ tin cậy, kế đến là người chơi có chuyên môn và điều kiện nhân khẩu học chuẩn xác, đồng thời cần phải có đủ người chơi và các lần lặp lại để đạt được kết luận thực tế. Tiếp đến là việc kiểm soát thiên kiến bên trong các tình huống và luật lệ của nó, cũng như việc thu thập dữ liệu chuẩn xác. Tuy nhiên, mô phỏng chiến tranh chỉ có thế đưa ra các kết quả có khả năng xảy ra, các biến số như phong cách lãnh đạo cá nhân, năng lực vũ khí hay các lựa chọn chiến dịch có thể dẫn đến các kết quả khác nhau. Đây cũng là lý do mà chúng ta không nên chỉ đánh giá dựa trên kết quả của nó, mà còn về cấu trúc: luật chơi, giả định, viễn cảnh và người chơi. Ngoài ra, chúng ta cần phải cân nhắc đến động lực của các tổ chức trong việc chạy mô phỏng và công bố kết quả. Các mô phỏng mật bị rò rỉ luôn phải được nghi vấn, rằng tổ chức điều hành mọi thứ có thiên vị đối với một số kết quả nhất định không? Cuối cùng, cần lưu tâm rằng ngay cả mô phỏng tốt nhất cũng không phải là dự đoán cho tương lai, nhưng chúng có thể giúp chung ta hiểu được hành vi của con người trong các tình huống bất định và hiếm có.

Xem thêm tại: FT, Can war games really help us predict who will win a conflict? Truy cập ngày 19/3/2023

Hàm ý thực sự trong chuyến thăm Putin của ông Tập là gì?

Khác với chuyến thăm Moscow của Mao Trạch Đông vào năm 1957, ông Tập sẽ xuất hiện tại Moscow với tư cách là một người ủng hộ hòa bình. Ông Tập đến gặp ông Putin với những thành tựu ngoại giao thực sự với việc Bắc Kinh làm trung gian hòa giải giữa Iran và Ả rập Saudi, cùng với kế hoạch 12 điểm mới đây nhằm giải quyết cuộc chiến tại Ukraine. Cũng có khả năng rằng ông Tập sẽ đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức trong chuyến thăm.

Tuy nhiên, tổng thống Zelensky và liên minh phương Tây sẽ hoài nghi về đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Khác với Ả rập Saudi và Iran, Trung Quốc không làm trung gian giữa hai bên sẵn sàng đi đến một thỏa thuận. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng không phải là bên trung lập trong cuộc xung đột này. Ngoài ra, bản kế hoạch hòa bình hiện tại cũng chẳng nhắc đến việc Nga rút khỏi các vùng đã chiếm từ Ukraine. Đối với Tập, sẽ rất hữu ích nếu hình ảnh Trung Quốc là một nhà kiến ​​tạo hòa bình thực dụng – trên hết quan tâm đến thương mại và sự thịnh vượng chung. Từ đó, Trung Quốc sẽ khắc họa Mỹ theo hướng ngược lại, như một một kẻ hiếu chiến về ý thức hệ, chia rẽ thế giới thành bạn – thù và đang cố gắng bảo vệ bá quyền của mình. Quan điểm này giúp Trung Quốc trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở “phía nam bán cầu” và khiến người Mỹ lo lắng.

Câu hỏi lớn ở đây sẽ là những mối quan hệ nào mà ông Tập coi là có lợi cho Trung Quốc. Về kinh tế, Trung Quốc có thể mua khí đốt và dầu với cái giá thấp hơn, cung cấp cho Nga hàng hóa mà Moscow không thể mua từ phương Tây, như chip bán dẫn, với giá hời hơn. Nhưng câu hỏi thực sự nhạy cảm sẽ là yêu cầu của Putin đối với vũ khí của Trung Quốc – đặc biệt là đạn pháo và tên lửa để bù đắp cho sự thiếu hụt đang làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga. Nhưng cũng tồn tại các căng thẳng ngầm Nga – Trung. Các chiến lược gia Mỹ hy vọng rằng một ngày họ có thể dàn dựng một cuộc chia cắt Nga – Trung một lần nữa, giống với cái cách đã dẫn đến hòa giải Mỹ-Trung những năm 1970.

Xem thêm tại: FT, The real meaning of Xi’s visit to Putin. Truy cập ngày 23/3/2023

Hàm ý từ việc Ukraine phá hủy tên lửa của Nga tại Crimea

Bộ trưởng quốc phòng Ukraine hôm thứ Hai nói rằng một cuộc tấn công đã phá hủy tên lửa hành trình “Kalibr” của Nga đang được vận chuyển bằng tàu hỏa ở thị trấn Dzhankoi, tại Crimea do Nga chiếm đóng. Vậy cuộc tấn công này nói lên điều gì? Trước nhất, dù đang tập trung vào trận chiến ở Bakhmut, Ukraine vẫn đang tiếp tục việc “đánh sâu” vào các mục tiêu mang tính tác chiến và chiến lược của Nga. Điều này sẽ buộc Nga phải xét lại thế bố trí lực lượng và triển khai phòng thủ tại Crimea và xa hơn nữa, cũng như thu thập thông tình báo về các phản ứng của Nga tại Crimea khi Kyiv đang lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự tại đây trong tương lai. Kế đến, cuộc tấn công sẽ gây thêm áp lực cho kho tên lửa hạn chế của Nga, vốn đã được sử dụng dồn dập trong một năm qua. Thêm vào đó, cuộc tấn công cũng là một chỉ dấu cho thấy Ukraine có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công tương tự trên khắp Crimea, với tần suất lớn hơn ngay khi Kyiv lấy lại được nhiều phần lãnh thổ phía nam. Cuối cùng, cuộc tấn công củng cố cho việc Ukraine sẽ nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Ukraine và giữ cho ‘vấn đề Crimea’ tồn tại. Bất chấp sự nghi ngờ của một số người về việc lấy lại Crimea, các cuộc tấn công như thế này cho thấy rõ Ukraine có ý định lấy lại bán đảo này. Mặt khác, nó cũng là một đòn khiến cho ông Putin bẽ mặt trước người bạn Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông Tập tới Moscow vừa qua.

Xem thêm tại: Mick Ryan, Implications for Ukrainian attack. Truy cập ngày 22/3/2023

Tại sao chiến đấu cơ F-16 vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc?

Chiến đấu cơ F-16 của Lockheed Martin vẫn thu hút được chú ý sau hơn 40 năm kể từ chuyến bay đầu tiên. Thêm vào đó, danh sách các nước muốn chạm tay đến chiến đâu cơ này ngày càng tăng, trong đó có Ukraine khi Kyiv muốn sở hữu các chiến đấu cơ tốc độ nhanh của phương Tây. F-16 Lô 70/72, còn được gọi là F-16V, là máy bay đa nhiệm thế hệ thứ tư, chủ yếu nhắm vào khách hàng xuất khẩu. Lô 70/72 gồm có các chức năng: hệ thống điện tử hàng không tiên tiến; một radar APG-83 AESA; một buồng lái hiện đại hóa; thùng nhiên liệu phù hợp; Hệ thống tránh va chạm mặt đất tự động; màn hình bệ trung tâm cung cấp hình ảnh chiến thuật cho phi công trên màn hình 6×8 inch độ phân giải cao; và tuổi thọ kết cấu kéo dài là 12.000h. F-16V dài 15.03m, nặng 21,77 tấn và có giá 63 triệu USD. Lockheed Martin đã phát triển F-16V như một giải pháp thay thế chiến đấu cơ đấu tiên tiến có thể tận dụng cơ sở hạ tầng sản xuất hiện có và mạng lưới hỗ trợ toàn cầu của mình. Các nâng cấp về cấu trúc và khả năng đảm bảo rằng F-16 có thể bay và chiến đấu đến năm 2070 và hơn thế nữa, tức là lâu hơn 50% so với máy bay F-16 sản xuất trước đó. Các khách hàng của máy bay phản lực thế hệ thứ tư bao gồm Bahrain, Bulgaria, Hy Lạp, Jordan, Hàn Quốc, Slovakia và Đài Loan, với một số vẫn đang chờ phê duyệt cuối cùng cho thỏa thuận F-16 của họ. Philippines cũng đang xem xét việc mua F-16V theo chương trình mua sắm máy bay chiến đấu đa năng trị giá 1,1 tỷ USD.

Xem thêm tại: Shephard Media, Why the F-16 fighter jet remains a force to be reckoned with. Truy cập ngày 17/3/2023

Trọng tâm AUKUS mang lại rủi ro cho các lĩnh vực an ninh khác của Úc

Thỏa thuận tàu ngầm AUKUS mới đây nhất giữa Úc – Anh – Mỹ được coi là rất quan trọng để đảm bảo an ninh của Úc và khu vực trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đang xấu đi. Tuy nhiên, việc tập trung vào công nghệ hạt nhân và tác động tiềm ẩn của nó đối với cán cân quyền lực ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có thể bỏ qua tác động của AUKUS đối với an ninh hàng hải khu vực. Trước nhất, thỏa thuận AUKUS là một cú sốc đối với các đối tác khu vực của Úc, đặc biệt là Pháp, nước trước đây đóng tàu ngầm cho Canberra. Pháp là một trong những đối tác có năng lực và quan trọng nhất đối với Úc trong việc hợp tác về vấn đề an ninh hàng hải tại Thái Bình Dương, nhưng thỏa thuận tàu ngầm mới đã gây rạn nứt mối quan hệ giữa Canberra và Paris. Hầu hết các quan ngại ban đầu về tuyên bố AUKUS, đặc biệt từ các nước như Indonesia và New Zealand, là về vấn đề không phổ biến hạt nhân. Thêm vào đó, cũng có những quan ngại về việc leo thang căng thẳng Mỹ-Trung và nỗi lo chạy đua vũ trang. Dù các rủi ro do sự khác biệt trong các cách tiếp cận khác nhau của Úc gây ra là có thật, nhưng có những dấu hiệu cho thấy rằng khoảng cách giữa khía cạnh cứng và mềm của an ninh hàng hải trong khu vực đang hẹp lại. Úc và Philippines đang thảo luận về các cuộc tuần tra chung tại Biển Đông cũng như về một thỏa thuận an ninh bốn bên giữa Manila, Washington, Tokyo và Canbera nhằm đối phó với sự hung hăng của Trung Quốc. Những hành động này đang xóa nhòa khoảng cách để các quốc gia Đông Nam Á tham gia vào các vấn đề an ninh hàng hải trong khi vẫn đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.

Một nguyên nhân gây lo ngại khác nữa là việc Úc có thể gửi hàng trăm kỹ sư và công nhân đến Mỹ, và Anh để đào tạo chuyên sâu. Những công nhân này sẽ phải rời các xưởng đóng tàu tuần tra và ở cấp nhà nước và quân đội, AUKUS đang lấy đi nhân tài khỏi các dự án khác. Ngoài ra, AUKUS còn xúc tác tập trung vào chiến đấu, bao gồm thảo luận về nâng cấp khả năng quân sự của hạm đội tuần tra xa bờ của đất nước – động thái có thể làm xói mòn năng lực đảm đương các nhiệm vụ an ninh hàng hải và tuần tra của Canberra. Mặt khác, AUKUS còn có dự án ít biết đến hơn, Hệ thống Robot tự hoạt động dưới đáy biển, thứ có tiềm năng giúp tăng cường cả khả năng tình báo, giám sát và trinh sát của Hải quân Hoàng gia Úc và khả năng chiến đấu của lực lượng này. Các hoạt động độc lập của khí tài, cùng với AI, cũng có thể có tác động đối với an ninh hàng hải của Úc, đặc biệt là các hoạt động của cảnh sát. Thêm vào đó, sự phát triển các khả năng khác của Úc thông qua AUKUS có thể có tác động lan tỏa trong khu vực, ví dụ như việc Úc hỗ trợ Philippines về công nghệ, phát triển cơ sở công nghiệp và an ninh mạng.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, AUKUS focus carries risks for other areas of Australian security. Truy cập ngày 17/3/2023

Hòn đảo của Philippines trên tiền tuyến của cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc

Đảo Fuga, hòn đảo thuộc Philippines với khoảng 2000 dân cư những ngày gần đây chứng kiến sự thay đổi khi lực lượng bảo vệ bờ biển tăng cường tuần tra và sẽ sớm hợp tác chung với quân đội Mỹ. Đảo Fuga nằm cách Đài Loan khoảng 400km và nằm trong vùng biển nối Biển Đông với Thái Bình Dương, một khu vực rất quan trọng đối với việc phòng thủ của chính Philippines. Ngoài ra, khối đất này là một phần của Cagayan, một trong những tỉnh được xác định là địa điểm tiềm năng để quân đội Mỹ đóng quân theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), cho phép huấn luyện chung, xây dựng cơ sở tạm thời, lưu trữ thiết bị và vật tư. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã đồng ý mở rộng số lượng địa điểm mà quân đội Mỹ có thể truy cập theo EDCA từ năm lên chín.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Fuga mang lại giá trị chiến lược nhất giữa các vùng lựa chọn vì hòn đảo này thích hợp cho một sân bay và cảng biển. Nhưng Bắc Kinh mới là người đầu tiên nhận ra tiềm năng của đảo Fuga. Quay lại năm 2019, Công ty Trung Quốc Fong Zhi Enterprise Corporation đã ký một thỏa thuận với công ty tư nhân nắm giữ quyền sở hữu hòn đảo, Fuga Island Holdings Inc, để xây dựng một “thành phố thông minh” như một phần của dự án trị giá 2 tỷ USD. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây ra sự náo động trong thể chế an ninh Philippines, vốn lo ngại về việc trao cho người Trung Quốc một trạm quan sát trong biên giới của đất nước. Bốn năm sau, có thể đến lượt Mỹ hiện diện trên đảo.

Đảo Fuga chắc chắn có giá trị chiến lược đối với cả Trung Quốc và Mỹ, cũng như Philippines khi hòn đảo tiếp giáp với hai lối đi quan trọng – Eo biển Luzon và Kênh Bashi – cửa ngỏ dẫn vào Biển Đông và Thái Bình Dương. Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Hawaii, cho biết một cứ điểm ở phía bắc Philippines sẽ giúp Mỹ tiếp cận Đài Loan và Biển Đông. Cha Manuel Catral, chánh xứ Aparri, nói rằng mặc dù người dân địa phương hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ và bản thân ông cũng khá ấn tượng với khí tài mà họ mang theo trong cuộc mô phỏng chiến tranh hồi tháng 3 năm 2022. Tuy nhiên, cha Manuel nói rằng cần phải có nhiều cuộc trò chuyện hơn nếu một cơ sở EDCA sẽ được xây dựng và quân đội Mỹ sẽ ở lại lâu hơn vì một số ngư trường đã bị đóng cửa. Dù các cuộc tập trận được thiết kế nhằm tạo ra sự ổn định và khả năng răn đe nhưng căng thẳng đang ngày càng tăng trong khu vực, quân đội Mỹ ngày càng bi quan hơn về một cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Đài Loan trong vài năm tới, và các liên minh quân sự mới như Aukus đang được thành lập để chống lại Bắc Kinh.

Xem thêm tại: Guardian, The tiny Philippine island on the frontline of the US-China battle for supremacy. Truy cập ngày 18/3/2023