Chuyển động Quốc Phòng (3/11 – 9/11/2023)

Print Friendly, PDF & Email

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Chiến tranh Israel – Hamas:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Đông Nam Á:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

 

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Nga sử dụng drone tấn công trong nhiều tuần nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine

Nga hôm thứ sáu đã phát động một cuộc tấn công bằng drone quy mô lớn nhắm vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía tây và phía nam Ukraine. Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã bắn hạ 24 drone “Shahed” trong số 40 chiếc do Nga triển khai. Đây là cuộc tấn công bằng drone lớn nhất trong nhiều tuần nhằm vào Kharkiv ở phía đông bắc, Odesa và Kherson ở phía nam và khu vực Lviv trên biên giới Ukraine với Ba Lan ở phía đông Ukraine.

Xem thêm tại: Reuters, Russia’s biggest drone strike in weeks hits Ukrainian infrastructure. Truy cập ngày 4/11/2023

Nga, Ukraine đưa ra các báo cáo mâu thuẫn về tiền tuyến Zaporizhzhia

Nga và Ukraine đã đưa ra những thông tin mâu thuẫn về những gì đang diễn ra dọc tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia, trong đó Moscow cho biết họ đã ngăn chặn cuộc phản công của Kyiv và quân đội Ukraine cho biết họ đang tiếp tục tiến công. Ukraine đã chiếm lại một số ngôi làng nhỏ ở khu vực đông nam Zaporizhzhia kể từ khi bắt đầu cuộc phản công vào tháng 6, nhưng tiến độ vẫn còn rất cah65m. Các trận chiến nhỏ đang diễn ra gần làng Robotyne và gần làng Shcherbaky, cách đó khoảng 22 km về phía tây bắc.

Xem thêm tại: Reuters, Russia, Ukraine give conflicting Zaporizhzhia frontline accounts. Truy cập ngày 7/11/2023

Lực lượng Ukraina giữ vững phòng tuyến ở phía đông thị trấn Avdiivka

Lực lượng Nga đã thắt chặt vòng vây xung quanh phía đông thành phố Avdiivka trong khi lực lượng Ukraine vẫn đang trấn giữ các tuyến phòng thủ. Avdiivka đã trở thành biểu tượng cho sự kháng cự của Ukraine. Vào năm 2014, thị trấn này đã bị chiếm giữ một thời gian ngắn khi phe ly khai được Nga hậu thuẫn chiếm được nhiều vùng ở miền đông Ukraine, nhưng quân đội Ukraine đã chiếm lại nó và xây dựng các tuyến phòng thủ.

Xem thêm tại: Reuters, Ukrainian forces hold line in shattered eastern town of Avdiivka -military. Truy cập ngày 10/11/2023

Ukraine tấn công xưởng đóng tàu của Nga ở cảng Crimea, làm hư hại tàu

Ukraine hôm thứ bảy đã triển khai 15 tên lửa hành trình nhắm vào xưởng đóng tàu của Nga ở thành phố cảng Kerch của Crimea, làm hư hại một tàu chưa được tiết lộ tên. Tư lệnh Không quân Ukraine cho biết Hải quân Nga đã đồn trú ở xưởng đóng tàu này một trong những tàu hiện đại nhất vốn được Moscow thường xuyên sử dụng đển tấn công Ukraine.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine hits Russian shipyard in Crimea port, damages ship. Truy cập ngày 5/11/2023

Ukraine thay tư lệnh lực lượng đặc biệt nhưng không đưa ra lý do

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ sáu đã bổ nhiệm một chỉ huy mới của lực lượng đặc biệt, một đơn vị nổi tiếng với việc tiến hành các hoạt động quân sự trên các vùng lãnh thổ do Moscow nắm giữ. Tuy nhiên, sĩ quan bị thay thế trong vụ cải tổ cho biết ông không được TT Zelenskyy cho biết lý do. Theo đó, TT Zelenskyy bổ nhiệm Đại tá Serhiy Lupanchuk ở vị trí chỉ huy lực lượng. Tổng thống Zelenskyy cho biết người tiền nhiệm của Lupanchuk, Thiếu tướng Viktor Horenko, người chỉ huy lực lượng từ tháng 7/2022, “sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt” trong Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine replaces special forces commander, removed officer wonders why. Truy cập ngày 4/11/2023

Putin nói một số vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine cuối cùng lại rơi vào tay Taliban

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ sáu cho biết một số vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đang tìm đường đến Trung Đông thông qua thị trường vũ khí bất hợp pháp và được bán cho Taliban. Ukraine cho biết họ kiểm soát chặt chẽ mọi loại vũ khí được cung cấp cho mình, nhưng một số quan chức an ninh phương Tây đã nêu quan ngại và Mỹ đã yêu cầu Ukraine làm nhiều hơn để giải quyết vấn đề tham nhũng rộng lớn hơn. Vào tháng 6 năm 2022, tổng thư ký Interpol, Jürgen Stock, cảnh báo rằng một số vũ khí được gửi đến Ukraine có thể rơi vào tay các nhóm tội phạm có tổ chức.

Xem thêm tại: Reuters, Putin says some Western weapons for Ukraine are ending up in the Taliban’s hands. Truy cập ngày 7/11/2023

Mỹ gửi thêm viện trợ vũ khí cho Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ cung cấp thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine để phục vụ cuộc chiến đang diễn ra chống lại cuộc xâm lược của Nga. Số vũ khí trị giá 125 triệu USD đã được công bố trong bối cảnh viện trợ quốc phòng dự kiến ​​​​khác dành cho Kyiv có thể bao gồm số vũ khí dẫn đường bằng laser trị giá khoảng 300 triệu USD để bắn hạ drone của Nga.

Xem thêm tại: Reuters, US to send additional weapons aid to Ukraine. Truy cập ngày 4/11/2023

 

Chiến tranh Israel – Hamas:

Điện Kremlin bác bỏ báo cáo về kế hoạch của Wagner cung cấp hệ thống phòng không cho Hezbollah

Điện Kremlin hôm thứ sáu đã bác bỏ một báo cáo của Wall Street Journal về việc tình báo Mỹ tin rằng nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga có kế hoạch cung cấp cho Hezbollah một hệ thống phòng không, nói rằng báo cáo này là vô căn cứ. Cụ thể hơn, báo cáo cho biết Wagner có kế hoạch cung cấp hệ thống Pantsir-S1, được NATO gọi là SA-22, sử dụng tên lửa phòng không và súng phòng không để đánh chặn máy bay. Hệ thống Pantsir sẽ được cung cấp cho Hezbollah thông qua Syria, nơi Nga đã hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad bằng cách tham gia cuộc nội chiến ở đó vào năm 2015.

Xem thêm tại: Reuters, Kremlin dismisses report on Wagner plan to give Hezbollah air defence system. Truy cập ngày 4/11/2023

Cánh vũ trang Hamas cho biết họ đã bắn 16 quả rocket vào Israel từ miền nam Lebanon

Chi nhánh Lebanon của Lữ đoàn Qassam của Hamas cho biết họ đã phóng 16 quả tên lửa nhắm vào thành phố Nahariya phía bắc Israel và vùng ngoại ô phía nam của thành phố Haifa. Lữ đoàn Qassam nói rằng các tên lửa này nhằm trả đũa “các vụ thảm sát và hành động gây hấn của nó đối với người dân ở Gaza”. Trong khi Gaza là trung tâm của các cuộc tấn công cho đến nay, căng thẳng vẫn ở mức cao ở biên giới Israel với Lebanon, nơi một số nhóm vũ trang, bao gồm cả lực lượng Hezbollah hùng mạnh được Iran hậu thuẫn, đã trao đổi hỏa lực hạn chế với lực lượng Israel trong gần một tháng.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Hamas armed wing says it fired 16 rockets at Israel from southern Lebanon. Truy cập ngày 7/11/2023

Máy bay phản lực của Israel tấn công Lebanon khi Hezbollah triển khai nhiều tên lửa mạnh hơn

Hezbollah của Lebanon cho biết họ đã thực hiện các cuộc tấn công đồng thời vào các vị trí của Israel ở biên giới Lebanon. Quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đấu của họ đã tấn công các mục tiêu của Hezbollah để đáp trả cuộc tấn công trước đó từ lãnh thổ Lebanon và đang hộ tống các cuộc không kích bằng pháo binh và xe tăng. Nhóm này đã bắn một tên lửa cực mạnh chưa được sử dụng trong cuộc giao tranh, nói rằng nó đã đánh trúng một vị trí của Israel bên kia biên giới từ các làng Ayta al-Shaab và Rmeich.

Xem thêm tại: Reuters, Israeli jets hit Lebanon as Hezbollah fires more powerful missile. Truy cập ngày 5/11/2023

Người biểu tình chặn tàu quân sự Mỹ được cho là chở vũ khí cho Israel

Hàng trăm người biểu tình ủng hộ Palestine đã tập hợp tại Cảng Tacoma, bang Washington, để chặn một tàu tiếp tế quân sự mà họ tin rằng sẽ chở vũ khí từ Mỹ đến Israel. Những người biểu tình nói rằng con tàu sẽ chở đầy vũ khí và thiết bị quân sự và gửi đến Israel trong khi nó tiếp tục cuộc tấn công quân sự ở Gaza mà không cung cấp thông tin chi tiết.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Protesters block US military ship allegedly carrying weapons for Israel. Truy cập ngày 8/11/2023

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Mỹ đề xuất đàm phán quốc phòng với Trung Quốc vào tuần tới

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đang tìm kiếm một cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc bên lề diễn đàn an ninh ở Indonesia vào tuần tới. Lầu Năm Góc tiếp tục tin tưởng vào tầm quan trọng của các đường dây liên lạc mở giữa quân đội với quân đội giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả ở các cấp cao nhất. Nhưng vấn đề ở đây là vẫn chưa có người thay thế cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc bị cách chức vào ngày 24/10 . Các nhà phân tích nghi ngờ rằng Trung Quốc sẽ công bố bộ trưởng quốc phòng mới trước hội nghị ASEAN sắp tới.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. proposes defense talks with China next week, official says. Truy cập ngày 8/11/2023

Cựu chỉ huy quân đội Đài Loan nói rằng sự giúp đỡ của Mỹ sẽ mất ‘vài tuần’ trong cuộc khủng hoảng

Cựu chỉ huy quân đội Đài Loan Lý Hiển Minh (Lee Hsi-min) cho biết phần lớn lực lượng Mỹ sẽ mất vài tuần để đến Đài Loan nếu Trung Quốc xâm lược, ông kêu gọi hòn đảo này tập trung hơn vào các loại vũ khí di động, nhỏ hơn để có thể chống đỡ tốt hơn một cuộc tấn công ban đầu. Ông Lý kỳ vọng rằng Mỹ “gửi lực lượng ngay lập tức” từ các căn cứ của nước này ở Nhật Bản và Hàn Quốc sau khi Trung Quốc tiến hành xâm lược. Nhưng việc triển khai USS Ronald Reagan, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đóng tại Yokosuka ở Nhật Bản, cũng như quân tiếp viện từ Guam và Hawaii là chưa đủ. Điều này có nghĩa là Đài Loan sẽ cần phải tự mình đáp trả cuộc tấn công ban đầu. Lee cho biết lực lượng của hòn đảo cần phải chuyển hướng khỏi sự tập trung hiện tại vào các tàu chiến lớn, xe tăng và máy bay chiến đấu mà thay vào đó xây dựng một kho vũ khí chính xác di động lớn.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Ex-Taiwan military chief says U.S. help will take ‘weeks’ in crisis. Truy cập ngày 5/11/2023

Mỹ tăng cường phòng thủ căn cứ không quân Yokota bằng lưới điện siêu nhỏ

Lực lượng Không quân Mỹ đã lắp đặt một mạng lưới điện độc lập tại Căn cứ Không quân Yokota ở phía tây Tokyo cho phép căn cứ này chuyển sang “chế độ đảo” nếu nguồn năng lượng chính bị đứt quãng bởi một cuộc tấn công mạng hoặc tên lửa. Khái niệm “Củng cố căn cứ” ngày càng trở thành ưu tiên an ninh quốc gia khi Trung Quốc phát triển năng lực tên lửa. Các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản – như Yokota, tổng hành dinh của lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, và Yokosuka, quận Kanagawa, nơi Hạm đội 7 của Mỹ đóng quân – được coi là mục tiêu hàng đầu của kẻ thù trong một cuộc xung đột tiềm tàng.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, U.S. bolsters Yokota Air Base defenses with microgrid. Truy cập ngày 5/11/2023

Mitsubishi Electric có thể trở thành nhà cung cấp radar chính cho Hải quân Mỹ

Nhà thầu quốc phòng RTX của Mỹ đang hoàn tất thỏa thuận mua linh kiện chính từ Mitsubishi Electric của Nhật Bản cho hệ thống radar phòng thủ tên lửa tiên tiến. RTX sẽ mua thiết bị cung cấp năng lượng từ Mitsubishi Electric cho radar phòng không và tên lửa SPY-6 của công ty được phát triển cho Mỹ. Radar này có thể đồng thời chống lại tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay và tàu mặt nước với độ chính xác và tầm bắn cao hơn so với các loại radar thông thường.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Mitsubishi Electric in line to be key supplier for U.S. Navy radar. Truy cập ngày 9/11/2023

Nhật Bản, Anh cam kết hợp tác an ninh sâu sắc hơn trong bối cảnh lo ngại về Trung Quốc

Nhật Bản và Anh hôm thứ Ba cam kết tăng cường quan hệ đối tác an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời bày tỏ lo ngại về tư thế quân sự quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực. Về việc triển khai nhóm tàu ​​sân bay tấn công của Anh trong tương lai tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2025, Nhật Bản và Anh khẳng định cam kết hợp tác cùng nhau để “tối đa hóa các cơ hội” do kế hoạch mang lại. Nhật Bản và Anh sẽ mở rộng các cuộc tập trận chung sau khi Thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau được ban hành vào giữa tháng 10. Một dự án ba bên với Ý nhằm cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035 cũng đã được thảo luận.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan, Britain vow deeper security ties amid concern over China. Tury cập ngày 8/11/2023

Để mắt đến Triều Tiên, Tokyo tổ chức cuộc diễn tập sơ tán tên lửa đầu tiên sau nhiều năm

Người dân Tokyo chạy trốn vào bên trong một nhà ga xe lửa hôm thứ Hai trong khuôn khổ cuộc diễn tập sơ tán tên lửa đầu tiên ở thủ đô trong nhiều năm khi Nhật Bản lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên gần đó. Khoảng 60 cư dân đã tham gia cuộc tập trận tại quận Nerima của Tokyo, diễn ra sau một loạt vụ phóng thử gần đây từ miền Bắc được trang bị vũ khí hạt nhân, từ tên lửa tầm ngắn và tên lửa hành trình đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cỡ lớn. Một số vụ phóng này, bao gồm cả một tên lửa bay qua các hòn đảo phía nam của Nhật Bản vào ngày 24 tháng 8, đã kích hoạt hệ thống J-Alert của Nhật Bản, cho phép chính quyền gửi cảnh báo ngay lập tức qua thông báo trên truyền hình, email và điện thoại di động tới người dân.

Xem thêm tại: Reuters, Eyeing North Korea, Tokyo holds first missile evacuation drill in years. Truy cập ngày 7/11/2023

Cuộc tấn công vào quân đội Pakistan ở khu vực bất ổn khiến 14 người thiệt mạng

Một cuộc tấn công vào quân đội Pakistan ở quận Gwadar hôm thứ Sáu đã giết chết 14 người trong vụ bạo lực mới nhất tại một khu vực đang gặp khó khăn bởi cuộc nổi dậy và phiến quân Hồi giáo kéo dài hàng thập kỷ. Hai phương tiện của lực lượng an ninh di chuyển từ Pasni đến Ormara ở quận Gwadar đã bị bọn khủng bố phục kích. Người dân tộc Baloch trong nhiều năm đã chống lại chính phủ ở Balochistan, một khu vực giàu khoáng sản giáp biên giới Afghanistan và Iran.

Xem thêm tại: Reuters, Attack on Pakistani troops in restive area kills 14 – army. Truy cập ngày 4/11/2023

Úc gửi 100 cảnh sát tới Quần đảo Solomon để phục vụ Thế vận hội Thái Bình Dương

Cảnh sát Liên bang Úc cho biết họ đã cử 100 sĩ quan tới Quần đảo Solomon để tăng cường an ninh cho Thế vận hội Thái Bình Dương bắt đầu vào tuần tới. Việc triển khai thêm cảnh sát Úc tới quốc gia Quần đảo Thái Bình Dương, quốc gia đã đạt được thỏa thuận trị an với Trung Quốc trong năm nay, diễn ra khi Australia tìm cách duy trì là đối tác an ninh chính của mình. Cảnh sát Liên bang Úc cho biết an ninh cho Thế vận hội đang được đảm nhiệm bởi Lực lượng Cảnh sát Quần đảo Hoàng gia Solomon. Theo yêu cầu của Quần đảo Solomon, Cảnh sát Liên bang Úc sẽ hỗ trợ trên toàn thủ đô Honiara và tại các địa điểm thi đấu.

Xem thêm tại: Reuters, Australia sends 100 police to Solomon Islands for Pacific Games. Truy cập ngày 9/10/2023

Đông Nam Á:

Nhật Bản cung cấp radar ven biển cho Philippines, tăng cường quan hệ an ninh

Hôm thứ Sáu, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp cho Philippines các hệ thống radar ven biển trị giá 4 triệu USD khi các nước tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Các radar sẽ được cung cấp theo chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) mới của Nhật Bản, chương trình cung cấp thiết bị phòng thủ miễn phí cho các đối tác có cùng quan điểm. Kishida và Marcos cũng đồng ý bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan to give Philippines coastal radars, deepening security ties. Truy cập ngày 5/11/2023

Nhật Bản và Malaysia cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim hôm chủ nhật đã đồng ý thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh hàng hải song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán về mặt quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các chủ đề thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo bao gồm khuôn khổ hỗ trợ thiết bị quốc phòng mới của Nhật Bản dành cho các quốc gia có chung các giá trị như dân chủ và nhân quyền. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy huấn luyện chung giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Malaysia, cũng như giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển của hai nước.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan and Malaysia vow to boost defense tie amid China’s rise. Truy cập ngày 6/11/2023

Nga và Myanmar bắt đầu cuộc tập trận hàng hải đầu tiên

Lãnh đạo cuộc đảo chính Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing đã gặp chỉ huy hải quân Nga khi hai nước chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận hàng hải chung đầu tiên ngoài khơi bờ biển Andaman của Myanmar. Cuộc tập trận An ninh Hàng hải Myanmar-Nga (MARUMEX) đầu tiên có sự tham gia của tàu và máy bay và đang được tổ chức ở vùng biển cách Myeik 85 hải lý (157km) về phía tây từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 11. Cuộc tập trận sẽ tập trung vào “ngăn chặn trên không, trên mặt nước và mối nguy hiểm dưới nước và các biện pháp an ninh hàng hải”

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia and Myanmar start first maritime exercises. Truy cập ngày 8/11/2023

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Bộ trưởng QP Nga gặp quan chức quân sự hàng đầu Trung Quốc lần thứ hai sau 10 ngày

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có cuộc hội đàm tại Moscow với một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc và cho biết họ sẽ thảo luận các bước đi để tăng cường hợp tác. Đây là lần thứ hai bộ trưởng Shoigu và quan chức Trung Quốc gặp nhau trong vòng 10 ngày qua, sau cuộc hội đàm bên lề một diễn đàn mà Shoigu tham dự tại Bắc Kinh vào ngày 30 tháng 10. Tổng thống Vladimir Putin và Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” ít hơn ba tuần trước khi Nga đưa quân vào Ukraine vào năm ngoái và Trung Quốc đã kiềm chế không chỉ trích hành động của Moscow ở đó. Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Nga.

Xem thêm tại: Reuters, Russia’s Shoigu meets top Chinese military official for second time in 10 days. Truy cập ngày 9/11/2023

Tàu ngầm hạt nhân Nga phóng thử tên lửa liên lục địa Bulava

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới của Nga, Imperator Alexander III, đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava. Tên lửa được thiết kế để mang tới 6 đầu đạn hạt nhân, được phóng từ vị trí dưới nước ở Biển Trắng ngoài khơi bờ biển phía bắc của Nga và tấn công mục tiêu cách đó hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông Nga. Tàu ngầm lớp Borei được trang bị 16 tên lửa Bulava. Tên lửa dài 12 mét (40 foot) có tầm bắn khoảng 8.000 km.

Xem thêm tại: Reuters, Russian nuclear submarine test launches Bulava intercontinental missile. Truy cập ngày 6/11/2023

Nga chính thức rút khỏi hiệp ước lực lượng vũ trang châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh

Nga hôm thứ Ba đã chính thức rút khỏi một hiệp ước an ninh mang tính bước ngoặt nhằm hạn chế các loại lực lượng vũ trang thông thường quan trọng, đổ lỗi cho Mỹ đã phá hoại an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh bằng việc mở rộng liên minh quân sự NATO. Hiệp ước  lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) năm 1990, được ký một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, được thiết kế để ngăn chặn một trong hai bên trong Chiến tranh Lạnh tập hợp lực lượng để tấn công nhanh chóng chống lại bên kia ở châu Âu, nhưng không được ưa chuộng ở Moscow vì nó làm giảm lợi thế của Liên Xô về vũ khí thông thường. Nga đã đình chỉ tham gia hiệp ước vào năm 2007 và ngừng tham gia tích cực vào năm 2015.

Xem thêm tại: Reuters, Russia formally withdraws from key post-Cold War European armed forces treaty. Truy cập ngày 8/11/2023

Đức gửi máy bay chiến đấu tới Romania để hỗ trợ NATO

Đức sẽ triển khai bốn máy bay phản lực Eurofighter tới Romania để hỗ trợ sứ mệnh kiểm soát trên không của NATO từ cuối tháng 11 vài tuần sau khi Nga tấn công các cảng sông Danube của Ukraine. Các cuộc tấn công chỉ cách biên giới Romania hàng trăm mét và các mảnh vỡ của drone được tìm thấy ở Romania đã làm tăng rủi ro an ninh cho liên minh quân sự mà các thành viên có cam kết phòng thủ chung.

Xem thêm tại: Reuters, Germany to send fighter jets to Romania to support NATO -source. Truy cập ngày 10/11/2023

Cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ tấn công 15 mục tiêu của phiến quân người Kurd ở miền bắc Iraq

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích ở miền bắc Iraq vào tối thứ Bảy và tiêu diệt 15 mục tiêu của phiến quân người Kurd. Bộ này cho biết các mục tiêu bị tấn công trong các cuộc tấn công bao gồm các hang động, nơi trú ẩn và kho chứa nơi các chiến binh được cho là đang ẩn náu. Họ cho biết các cuộc tấn công nhắm vào khu vực Hakurk ở miền bắc Iraq.

Xem thêm tại: Reuters, Turkish air strikes hit 15 Kurdish militant targets in northern Iraq -ministry. Truy cập ngày 5/11/2023

Mỹ thực hiện các cuộc tấn công mới nhằm vào cơ sở được Iran sử dụng ở Syria

Mỹ hôm thứ tư đã thực hiện các cuộc tấn công lần thứ hai trong tuần nhằm vào một cơ sở lưu trữ vũ khí ở miền đông Syria mà Lầu Năm Góc cho biết đã được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết sử dụng. Quân đội Mỹ và liên minh đã bị các lực lượng được Iran hậu thuẫn tấn công ít nhất 40 lần ở Iraq và Syria kể từ đầu tháng 10.

Xem thêm tại: Reuters, US carries out new strikes against facility used by Iran in Syria. Truy cập ngày 9/11/2023

Drone của Mỹ bị bắn hạ gần Yemen

Một drone MQ-9 của quân đội Mỹ đã bị lực lượng Houthi ở Yemen bắn hạ hôm thứ Tư. Trong khi các drone của Mỹ đã bị Houthi bắn hạ trước đây, sự cố này xảy ra vào lúc Washington đang đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ về hoạt động của các nhóm được Iran hậu thuẫn khi căng thẳng khu vực tăng cao trong cuộc chiến Israel-Hamas. Tháng trước, một tàu chiến của Hải quân Mỹ đã chặn 4 tên lửa hành trình và hơn chục drone do người Houthis phóng từ Yemen hướng về phía Israel.

Xem thêm tại: Reuters, US drone shot down near Yemen -officials. Truy cập ngày 9/11/2023

Đám đông ủng hộ Palestine cố gắng xông vào căn cứ không quân có quân đội Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng hơi cay và vòi rồng khi hàng trăm người tại cuộc biểu tình ủng hộ Palestine hôm Chủ nhật cố gắng xông vào một căn cứ không quân có quân đội Mỹ đồn trú, vài giờ trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Ankara để đàm phán về Gaza. Đầu tuần này, Tổ chức Cứu trợ Nhân đạo IHH, một cơ quan viện trợ Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, đã tổ chức một đoàn xe đi đến căn cứ không quân Incirlik ở tỉnh Adana, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối các cuộc tấn công của Israel vào Gaza và sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Israel. Incirlik, nơi được sử dụng để hỗ trợ liên quân quốc tế chống IS ở Syria và Iraq, cũng là nơi đồn trú của quân đội Mỹ. Cuộc phản đối của IHH kêu gọi đóng cửa Incirlik.

Xem thêm tại: Reuters, Pro-Palestinian crowds try to storm air base housing U.S. troops in Turkey. Truy cập ngày 7/11/2023

Pháp cung cấp xe bọc thép cho quân đội Lebanon

Pháp sẽ gửi hàng chục xe bọc thép cho quân đội Lebanon để quân đội này có thể phối hợp tốt với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi căng thẳng gia tăng giữa Israel và Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở miền nam Lebanon. Paris cũng sẽ cung cấp thuốc men và đang thiết lập chương trình chung để mua vật tư y tế với giá hợp lý cho quân đội Lebanon trong tương lai. Khoảng 700 binh sĩ Pháp là thành viên của Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) được thành lập năm 1978 sau bạo lực ở biên giới Israel-Lebanon.

Xem thêm tại: Reuters, France to give armoured vehicles to Lebanese army – defence minister. Truy cập ngày 7/11/2023

RSF bán quân sự của Sudan củng cố quyền kiểm soát El Geneina của Tây Darfur

Lực lượng Hỗ trợ Nhanh của Sudan hôm thứ bảy cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát trụ sở quân đội ở thủ phủ El Geneina của Tây Darfur, củng cố việc tiếp quản một thành phố nơi họ bị cáo buộc thực hiện làn sóng thanh lọc sắc tộc. Tại El Geneina, RSF và lực lượng dân quân Ả Rập đồng minh bị người dân địa phương cáo buộc nhắm mục tiêu và giết hại hàng nghìn người dân tộc Masalit, cướp bóc nhà cửa, và cưỡng hiếp phụ nữ. Ban lãnh đạo RSF phủ nhận các cáo buộc và nói rằng bất kỳ binh sĩ nào bị kết tội vi phạm sẽ bị đưa ra công lý.

Xem thêm tại: Reuters, Sudanese paramilitary RSF cements control of West Darfur’s El Geneina.  Truy cập ngày 5/11/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Cuộc phản công của Ukraine đã gặp khó khăn như thế nào cho đến nay?

Sau khi Ukraine giành được những thắng lợi lãnh thổ ngoạn mục vào nửa cuối năm 2022, Kyiv và các đồng minh của họ rất hy vọng sẽ đạt được những thành công đáng kể hơn nữa trong năm nay dọc theo tuyến tiền tuyến dài tới 1.000 km. Vũ khí của phương Tây bao gồm xe tăng tối tân và tên lửa tầm xa đã làm tăng thêm những kỳ vọng như vậy. Tuy nhiên, những thành quả đạt được cho đến nay vẫn còn rất nhỏ, do hệ thống phòng thủ được cải thiện của Nga tỏ ra hiệu quả và bất kỳ động lực nào được tạo ra ở phía nam và phía đông dường như đã cạn kiệt vào lúc này. Thời tiết trở nên ẩm ướt, khiến mặt đất trở nên lầy lội và khó di chuyển cho các thiết bị hạng nặng, mặc dù nhiệt độ đóng băng cuối cùng sẽ làm cứng mặt đất và cải thiện khả năng cơ động khi mùa đông đến. Vào đầu tháng 6, Nga đã tăng cường các vị trí của mình dọc theo mặt trận phía nam với nhiều quân hơn. Ngay sau đó, binh lính Ukraine đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên ở phía nam thị trấn Velyka Novosilka trong bước đột phá đầu tiên được biết đến của cuộc phản công. Trong những tháng tiếp theo, Ukraine đã đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa ở cùng khu vực và cả ở phía nam thị trấn Orikhiv, cách xa hơn khoảng 80 km về phía tây. Ukraina đã báo cáo sự phản kháng gay gắt khi tiến về phía trước.

Thị trấn Avdiivka bị tàn phá, gần thành phố Donetsk do Nga nắm giữ, đã chứng kiến ​​nhiều giai đoạn bị bắn phá và giao tranh ác liệt trong suốt cuộc chiến. Các lực lượng Nga đã bắt đầu bao vây thị trấn, giống như họ đã làm với thành phố Bakhmut xa hơn về phía bắc vào đầu năm 2023 trong khi Ukraine tuyên bố sẽ bảo vệ Avdiivka thì các tuyến tiếp tế ra vào đang chịu áp lực. Vào cuối tháng 5, nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga tuyên bố đã chiếm được Bakhmut sau một số trận giao tranh đẫm máu nhất trong cuộc chiến. Hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên đã chết trong cuộc giao tranh tiêu hao khiến Bakhmut trở thành đống đổ nát. Tầm quan trọng chiến lược của nó đã bị một số nhà phân tích quân sự nghi ngờ. Mặc dù vậy, Ukraine đã cam kết nguồn lực đáng kể để giành lại lãnh thổ xung quanh Bakhmut, và đã tiến tới vùng ngoại ô phía nam và phía tây của thành phố. Phần còn lại của mặt trận, chạy về phía bắc tới biên giới với vùng Belgorod của Nga, đã không có tiến bộ đáng kể trong nhiều tháng, mặc dù Kyiv đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công của Nga gần thành phố Kupiansk do Ukraine nắm giữ vào mùa thu này. Các đồng minh phương Tây của Ukraine đã cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa hơn có khả năng tấn công các mục tiêu phía sau phòng tuyến của Nga bên trong lãnh thổ Ukraine. Mặc dù các cuộc tấn công có thể làm đảo lộn khả năng hậu cần và phòng thủ của Nga nhưng rất khó để đánh giá liệu chúng có làm thay đổi đáng kể cục diện cuộc chiến hay không.

Xem thêm tại: Reuters, How Ukraine’s counteroffensive has struggled so far. Truy cập ngày 4/11/2023

Tại sao Israel phải tiếp tục chiến đấu?

Con đường duy nhất dẫn đến hòa bình tại Gaza nằm ở việc Israel có thể giảm đáng kể khả năng của Hamas trong việc sử dụng Gaza làm bàn đạp để phát triển hay không. Bi kịch thay, điều đó đòi hỏi phải có chiến tranh. Để hiểu tại sao, chúng ta phải hiểu chuyện gì đã xảy ra vào ngày 7 tháng 10. Khi người Israel nói về cuộc tấn công của Hamas như một mối đe dọa hiện hữu, họ muốn nói điều đó theo nghĩa đen chứ không phải là một cách nói tu từ. Israel có một khế ước xã hội độc đáo: tạo ra một vùng đất mà người Do Thái biết rằng họ sẽ không bị giết hoặc bị đàn áp vì là người Do Thái. Vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã xé nát khế ước xã hội của Israel bằng cách phá vỡ học thuyết an ninh được tạo ra để bảo vệ nó. Cách duy nhất để Israel thoát khỏi vòng xoáy bạo lực là tiêu diệt sự cai trị của Hamas – nghĩa là giết chết các lãnh đạo cấp cao và phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của tổ chức này. Ý kiến ​​cho rằng một cuộc chiến gây ra cái chết của hàng ngàn người vô tội có thể dẫn đến hòa bình sẽ khiến nhiều người kinh hãi.

Tuy nhiên, trong khi Hamas điều hành Gaza thì hòa bình là không thể. Người Israel sẽ cảm thấy không an toàn nên chính phủ của họ sẽ tấn công phủ đầu Gaza mỗi khi Hamas đe dọa. Con đường duy nhất phía trước là làm suy yếu sự kiểm soát của Hamas đồng thời tạo điều kiện cho một bước tiến mới xuất hiện. Trước nhất là người lãnh đạo mới của Israel và Palestine. Tại Israel, thủ tướng Netanyahu sẽ bị buộc phải từ chức vì danh tiếng của ông là người bảo vệ trung thành nhất của Israel đã bị phá vỡ. Người Palestine cần những nhà lãnh đạo ôn hòa với nhiệm vụ dân chủ. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn Hamas hoặc người kế nhiệm của nó giành lại quyền kiểm soát Gaza trước khi các nhà lãnh đạo mới có thể xuất hiện sau các cuộc bầu cử công bằng. Do đó, điều kiện thứ hai cho hòa bình: một lực lượng đảm bảo an ninh ở Gaza. Israel không thể cung cấp điếu đó với tư cách một thế lực chiếm đóng. Thay vào đó, dải đất này cần một liên minh quốc tế, có thể bao gồm các quốc gia Ả Rập phản đối Hamas và Iran hậu thuẫn. Và điều đó dẫn đến điều kiện khiến tất cả những điều này có thể xảy ra: một cuộc chiến nhằm làm suy yếu Hamas đủ để tạo điều kiện cho một thứ gì đó tốt hơn thế chỗ nó. Cách Israel chiến đấu trong cuộc chiến này rất quan trọng. Israel phải thực hiện cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế. Đó không chỉ là điều đúng đắn mà Israel còn có thể duy trì được sự ủng hộ rộng rãi trong nhiều tháng giao tranh và tìm được sự ủng hộ để thúc đẩy hòa bình khi giao tranh chỉ dừng lại nếu nó báo hiệu rằng tình hình đã thay đổi.

Xem thêm tại: Economist, Why Israel must fight on? Truy cập ngày 4/11/2023

Liệu Israel có thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas?

Israel đã triển khai một lực lượng bọc thép xuyên qua giữa Gaza và đã tiến tới bờ biển Địa Trung Hải. Điều này báo trước một giai đoạn mới trong chiến dịch quân sự đang diễn ra của Israel, Chiến dịch Thanh kiếm sắt. IDF hiện chiếm giữ một phần lãnh thổ lớn ở giữa Gaza và dường như sẽ ở lại đây một thời gian. Những cứ điểm này sẽ tạo thành một hàng rào có nhiều mục đích. Một lý do để cô lập phía bắc Gaza là đảm bảo Hamas bị cắt khỏi các nguồn hỗ trợ bên ngoài. Hàng rào này sẽ ngăn chặn sự hỗ trợ từ phía nam Gaza cho những kẻ khủng bố Hamas. Nhưng nó cũng sẽ cho phép dân thường thoát khỏi cuộc chiến đang diễn ra ở phía bắc, đồng thời ngăn chặn Hamas chạy trốn về phía nam. Mục đích của việc này là tiếp tục ép Hamas, buộc họ vào một khu vực ngày càng nhỏ hơn, nơi họ có thể bị phát hiện và tiêu diệt. Các hoạt động này sẽ có sự tham gia của lực lượng thiết giáp mặt đất, máy bay có người lái và không người lái cũng như các hoạt động trinh sát điện tử và tình báo con người.

Liệu Israel có thể tiêu tận gốc Hamas không? Chắc chắn, các hoạt động của IDF sẽ giáng một đòn chí mạng vào Hamas, giết chết nhiều tín đồ và phá hủy cơ sở hạ tầng của tổ chức này. Tuy nhiên, giống như tất cả các cuộc chiến tranh, ngoài các hoạt động quân sự cần có nhiều giải pháp chính trị ổn định và lâu dài hơn. Để “tiêu diệt” Hamas sẽ cần phải cắt đứt sự hỗ trợ mà họ nhận được từ các tổ chức như Hezbollah và từ Iran. Nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi một biện pháp khắc phục chính trị và xã hội lâu dài nhằm loại bỏ những lý do khiến thanh niên ở Gaza cảm thấy cần phải tham gia các tổ chức như Hamas. Sau miền bắc Gaza, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chính phủ Israel có một số lựa chọn. Nó có thể rút lực lượng và tiếp tục hoạt động với cường độ thấp hơn nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng của Hamas và truy lùng những kẻ tham gia vào hành động tàn bạo ngày 7 tháng 10. Ngoài ra, nước này có thể sử dụng phía bắc Gaza làm điểm khởi đầu cho cuộc tiến công vào phía nam Gaza. Nhưng chính phủ Israel sẽ hiểu rằng, mặc dù mong muốn tiêu diệt Hamas trên toàn bộ Gaza, các đồng minh của họ chỉ có khả năng chịu đựng chiến lược hạn chế để hỗ trợ điều này.

Xem thêm tại: ABC, Israel’s military operations will deal a huge blow to Hamas. But is it even possible to completely destroy them? Truy cập ngày 7/11/2023

Mỹ âm thầm trang bị vũ khí tận răng cho Đài Loan

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây ký khoản tài trợ trị giá 80 triệu USD cho Đài Loan để mua thiết bị quân sự của Mỹ, Trung Quốc cho biết họ “lấy làm tiếc và phản đối” những gì Washington đã làm. Đài Loan đã đặt hàng thiết bị quân sự trị giá hơn 14 tỷ USD của Mỹ. Liệu 80 triệu đô la có quan trọng không? 80 triệu USD không phải là một khoản vay. Nó đến từ những người nộp thuế ở Mỹ. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Mỹ sử dụng tiền của mình để gửi vũ khí đến một nơi mà nước này không chính thức công nhận. Sau khi Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979, nước này tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo này theo các điều khoản của Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Điều quan trọng là bán vừa đủ vũ khí để Đài Loan có thể tự vệ trước cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc, nhưng không quá nhiều đến mức gây bất ổn cho mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.

80 triệu USD là phần nổi của một tảng băng trôi rất lớn và lưu ý rằng vào tháng 7, Tổng thống Biden đã sử dụng đặc quyền để phê duyệt việc bán các dịch vụ và thiết bị quân sự trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan. Số tiền này sẽ được sử dụng cho tên lửa phòng không Javelin và Stinger – những vũ khí hiệu quả cao mà các lực lượng có thể học cách sử dụng nhanh chóng. Đánh giá của các nhà quan sát lâu năm rất thẳng thắn: hòn đảo này chưa được chuẩn bị kỹ càng để đối phó với một cuộc tấn công của Trung Quốc. Danh sách các vấn đề còn dài. Quân đội Đài Loan có hàng trăm xe tăng chiến đấu cũ kỹ nhưng lại có quá ít hệ thống tên lửa hạng nhẹ hiện đại. Cơ cấu chỉ huy, chiến thuật và học thuyết quân đội của nước này đã không được cập nhật trong nửa thế kỷ qua. Nhiều đơn vị tiền tuyến chỉ có 60% nhân lực lẽ ra phải có. Các hoạt động phản gián của Đài Loan ở Trung Quốc được cho là không tồn tại. Dưới áp lực mạnh mẽ từ Washington, Đài Bắc đang chuyển sang chiến lược “pháo đài Đài Loan” khiến hòn đảo này trở nên vô cùng khó khăn để Trung Quốc chinh phục. Trọng tâm sẽ chuyển sang lực lượng bộ binh và pháo binh – đẩy lùi cuộc xâm lược trên các bãi biển và, nếu cần thiết, chiến đấu với PLA tại các thị trấn và thành phố cũng như từ các căn cứ sâu trong vùng núi phủ đầy rừng rậm của hòn đảo. Nhưng điều này đặt lại trách nhiệm bảo vệ Đài Loan cho quân đội đã lỗi thời của nước này. Đối với Đài Loan, những bài học từ cuộc xâm lược Ukraine đã gây sốc. Pháo binh đã thống trị chiến trường – nó có tốc độ bắn cao và độ chính xác khủng khiếp. Nhưng nhiều binh sĩ pháo binh của Đài Loan được trang bị các loại súng thời Chiến tranh Việt Nam hoặc thậm chí là Thế chiến thứ hai.

Xem thêm tại: BBC, The US is quietly arming Taiwan to the teeth. Truy cập ngày 6/11/2023

Liệu các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ có thể thích ứng với chiến tranh thế kỷ 21 không?

Một thế giới ngày càng bất ổn đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều tiền hơn được đổ vào các lực lượng vũ trang—và các nhà cung cấp vũ trang. Tổng lợi nhuận của cổ đông, bao gồm cả cổ tức, tại General Dynamics, Lockheed Martin và Northrop Grumman đều tăng khi Nga xâm chiếm Ukraine và khi Hamas tấn công Israel. Tuy nhiên, sự độc quyền của nhóm này hiện đang bị thách thức trên hai mặt trận. Đầu tiên là thách thức về công nghệ. Như các trận chiến xe tăng trên đồng bằng Ukraine và trên đường phố Gaza cho thấy, xe tăng vẫn quan trọng cũng như tên lửa, đạn pháo và máy bay chiến đấu. Nhưng cả hai cuộc xung đột cũng cho thấy rằng chiến đấu hiện đại ngày càng phụ thuộc vào bộ chiến thuật nhỏ hơn và đơn giản hơn cũng như thông tin liên lạc, cảm biến, phần mềm và dữ liệu. Thách thức thứ hai là nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm thu được giá trị lớn hơn từ tổ hợp công nghiệp-quân sự. Cả hai sự phát triển đều làm suy yếu lợi thế cạnh tranh lớn của các nhà thầu quốc phòng chủ chốt. Các binh sĩ mong đợi sự tích hợp liền mạch của các cảm biến, vũ khí và hệ thống để quản lý trận chiến, chẳng hạn như chỉ huy và kiểm soát chung trên toàn miền (JADC2), một khái niệm mới để chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, các quân binh chủng và chiến trường. Việc ký hợp đồng, xây dựng và cập nhật liên tục các hệ thống như vậy sẽ là một cuộc đấu tranh đối với các công ty cho đến nay vẫn sản xuất lượng lớn phần cứng một cách chậm chạp.

Các nhà thầu quốc phòng phải đối mặt với một vấn đề khác: Công nghệ mà Lầu Năm Góc dự định đặt hàng không phải là công nghệ quân sự. Hầu hết các tập đoàn quốc phòng khổng lồ đều có các bộ phận dân. Nhưng sự khao khát ngày càng tăng của Lầu Năm Góc đối với các công nghệ lưỡng dụng đồng nghĩa với việc có nhiều cạnh tranh hơn từ ngành công nghiệp dân sự, vốn liên tục phát minh ra các thiết bị, vật liệu, quy trình sản xuất và phần mềm mới có thể được sử dụng cho mục đích quân sự cũng như hòa bình. Các hãng công nghệ dân sự lớn cũng đang bắt tay vào hành động. Amazon, Google và Microsoft đã coi quốc phòng và an ninh là những thị trường đầy hứa hẹn. Cách tiếp cận mới của Lầu Năm Góc cũng đang thu hút các đối thủ mới nổi. Anduril, một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2017 chỉ nhằm phục vụ nhu cầu quân sự, đã phát triển Lattice, một nền tảng phần mềm đa năng có thể được cập nhật và điều chỉnh nhanh chóng để giải quyết các vấn đề mới.

Xem thêm tại: Economist, Can America’s weapons-makers adapt to 21st-century warfare? Truy cập ngày 3/11/2023

Bộ Tứ cần phải bắt tay với các nhóm khác và ASEAN là nơi bắt đầu

Trong những năm gần đây, các thành viên của Bộ tứ – Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ – đều tăng cường hợp tác và quan hệ với các nước ASEAN. Ngay cả Ấn Độ, quốc gia có mối liên hệ thể chế yếu nhất với các chính phủ Đông Nam Á, cũng đã tăng cường rõ rệt các nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo chính sách “Hành động hướng Đông” của Thủ tướng Narendra Modi. Vào tháng 5, New Delhi đã tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với ASEAN ở Biển Đông. Việc đạt được sự hợp tác có ý nghĩa với Đông Nam Á và tạo ra tác động trong khu vực sẽ phụ thuộc vào việc Bộ tứ đảm bảo rằng các mục tiêu của nhóm này bổ sung cho các mục tiêu của ASEAN thay vì lấn át chúng. Hợp tác chặt chẽ hơn với Quad cũng sẽ có giá trị đối với ASEAN. Trong bối cảnh lo ngại về sự mất đoàn kết và chia rẽ trong nội bộ, hợp tác với các đối tác bên ngoài có thể giúp tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Với quan điểm của ASEAN về việc duy trì tính trung lập và tránh đứng về bên nào, hình ảnh Bộ tứ như một công cụ do Mỹ dẫn đầu để kiềm chế Trung Quốc có thể gây trở ngại cho sự hợp tác giữa các nhóm. Sự nổi bật ngày càng tăng của Bộ tứ cũng có thể khiến một số người trong ASEAN bất an về việc liệu nhóm mới này có thể đe dọa vai trò trung tâm của khối 10 quốc gia trong các vấn đề Đông Nam Á cũng như sự nổi bật của khối này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách rộng rãi hơn hay không, đặc biệt là khi Bộ tứ tập trung vào các vấn đề Đông Nam Á. vấn đề an ninh. Tuy nhiên, dường như có rất ít lý do để ASEAN lo lắng quá nhiều. Sự ác cảm của Ấn Độ đối với các liên minh quân sự chắc chắn sẽ hạn chế các động thái của Bộ tứ trong hợp tác liên quan đến chiến đấu. Những khác biệt trong nhận thức về mối đe dọa về Trung Quốc cũng có thể là một trở ngại. An ninh hàng hải dường như là một lĩnh vực đầy hứa hẹn cho hợp tác cấp thể chế, dựa trên nỗ lực nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện có của Bộ tứ, mặc dù đây là một lĩnh vực nhạy cảm đối với Đông Nam Á. Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát, cướp biển và nâng cao năng lực giải quyết cứu trợ nhân đạo và thảm họa có thể là những lĩnh vực màu mỡ cho nỗ lực hợp tác. Mặc dù ASEAN đã hợp tác trong một số vấn đề hàng hải này với các thành viên Quad, nhưng một cơ chế liên khối rõ ràng sẽ cho phép chuyên môn hóa và xây dựng khả năng tương tác giữa hai nhóm. Ví dụ, hợp tác bốn nước ASEAN có thể tập trung vào các nỗ lực chống khủng bố xung quanh các điểm huyết mạch ở Đông Nam Á như eo biển Malacca. Điều quan trọng là thiết lập các khuôn khổ để hai bên có thể chia sẻ kiến ​​thức chuyên môn và vạch ra các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, The Quad needs to work with other groups. ASEAN is the place to start. Truy cập ngày 4/11/2023